BÃI CHIẾN TRƯỜNG
Hạnh Chi
---o0o---
Tựa bài viết có vẻ bạo động quá, nhưng xin thưa
ngay, đây chỉ là bãi chiến của tâm, không có gươm đao chém
giết gì cả.
Nhưng ai bảo bãi chiến này không khốc liệt bằng
bãi chiến của những đối tượng thù nghịch, quyết tiêu diệt
nhau bằng khí giới thế gian?
Trong kinh Phạm Võng hình như có dạy đại khái
thế này: “Niết-bàn tùy thuộc nơi khả năng buông bỏ của
mình. Dù ta có gạn lọc phiền não, an trú được trong hiện tại
nhưng nếu tâm ta vẫn phải cẩn thận theo dõi xem phiền não đã
đi chưa? an lạc đã tới chưa? Và nếu an lạc đã tới thì phải
vội vã nắm bắt ngay, thì đấy chưa thực là Niết-bàn”
Chúng ta thường dễ dàng chấp nhận cái tương đối
bằng khái niệm “không có gì tuyệt đối”. Nhưng thực tế,
định lực, trí lực của ta thường nhiều hơn ta tưởng, như
người đang đau chân, đi khập khiễng, chậm chạp nhưng nếu bất
ngờ bị kẻ gian rượt đuổi thì người ấy sẽ chạy rất nhanh, rất
khỏe, quên hẳn cái chân đau, vì khi ấy là chạy để sống còn!
Chỉ khi đã thoát hiểm, dừng lại mới cảm nhận sự ê ẩm của
toàn thân và … đau chân tiếp.
Quán tâm để tìm ra những vi tế của cảm thọ cũng
thế. Nương vào lẽ Vô Thường để xả bỏ những hệ lụy ngỡ là
Thường, ta đã vội tưởng đạt được an lạc rồi ư? Chưa chắc đâu
vì chỉ khi ý thức an lạc chứ không cần dụng công nắm bắt nó,
khi ấy mới thực sự là thong dong, an lạc; chứ mới xả được
chút phiền não đã tưởng an lạc, vội giữ chặt, nắm bắt vì sợ
nó bay đi, thì mới chỉ là vỏ ngoài của an lạc, một hạt sương
phiền não rơi xuống, cũng đủ vỡ tan cái vỏ mong manh ấy.
Nghĩa là, khi phải vất vả chống trả với khổ đau, phải biến
ta thành “bãi chiến trường” để tìm an lạc thì an lạc đó chỉ
ngắn ngủi, nhất thời. Khổ đau và phiền não như những giặc
cướp luôn túc trực trước cửa nhà, chỉ cần ta lơ là, hé mở (lục
căn) là chúng xâm nhập ngay và muốn tìm an lạc, ta lại phải
“ra chiến trường” để vất vả chiến đấu tiếp!
Nhưng phàm, muốn đạt tới mục đích gì đã đặt ra
mà không dụng công quyết tâm quyết chí đi tới thì làm sao có
thành quả! Với Tâm, hành động quyết đi tới mục đích là hành
động quyết xông pha vào bãi chiến trường, nơi giặc vô minh,
phiền não thường xuyên hoành hành, dẫn dắt hành giả vào
những vọng tưởng mờ mịt, tạo nghiệp chập chùng chẳng thấy
lối ra. Loại giặc này vô hình vô tướng nên khí giới để diệt
trừ chúng cũng phải cực kỳ vi tế. Trong trận chiến này,
trước hết, hành giả phải có niềm tin rằng bên trong hình hài
của thân tứ đại này là sự hiện hữu vô tướng nhưng thường
hằng của Chân Tâm.
“Ngoại hiện phàm phu chi tướng
Nội bí Bồ Tát chi tâm”
Bên ngoài hiện tướng là phàm phu nhưng bên trong
ẩn tâm Bồ Tát.
Chân Tâm này có nhiều tên gọi, tùy tông phái,
tông môn, tùy ngay cả nơi ý thích của hành giả. Gọi là gì
cũng được nhưng bản chất của nó thì không hề đổi thay. Bản
chất đó là sự nhận biết đến, đi của mọi sự vật, mọi cảm thọ
bằng cái nhận biết thuần khiết, không qua một lăng kính phân
biệt nào. Nhìn bông hoa thì nhận là bông hoa. Hoa mầu đỏ thì
là hoa đỏ, không phân biệt héo tươi, tốt xấu gì! Cũng bởi
không khởi tâm phân biệt nên cái nhận biết đó rỗng rang,
thảnh thơi, bình đẳng, khoáng đãng. Chân Tâm này là không
gian mênh mông, tĩnh lặng, vô ngôn nhưng lại có khả năng
siêu việt nhận biết tất cả mọi cảm thọ đang vận hành, từ ở
tầng cạn là Ý đến tầng sâu là Thức. Nếu cái nhận biết này có
một trái tim thì ta có thể hình dung trái tim đó luôn mở
rộng với vạn hữu, mọi người và mọi loài, thinh lặng và sáng
rỡ.
Hình hài phàm phu chỉ là khối thịt xương do
duyên hợp từ đất, nước, gió, lửa, tự nó không có khả năng
thấy, nghe, hay cảm nhận gì, mà cái thấy được, nghe được,
nhận biết được là từ Chân Tâm (cái-nhận-biết-bên trong), là
con-người-thật, là Phật-tánh, là Đức Phật. Mỗi hình hài phàm
phu đều mang một Đức Phật bên trong, nhưng phàm phu vẫn rong
ruổi khổ nhọc đi tìm ông Phật bên ngoài vì không đủ thông
minh và không đủ niềm tin là đang sẵn có ông Phật bên trong!
Đức Thế Tôn biết thế, thương hại nhân gian quá, mà phải xác
quyết rằng: “Ta là Phật đã thành. Chúng sanh là Phật sẽ
thành”
Lời Phật nói, chúng ta từng nghe. Kinh Phật dạy,
chúng ta từng học nhưng nghiệp chướng phiền não cũng vẫn
theo chúng ta từng bước vì những huân tập sâu dầy của kiếp
nhân sinh không một sớm một chiều gột bỏ được. Chính tấm màn
vô minh này đã che mờ Ông Phật hằng có bên trong. Ông Phật
này luôn lặng thinh, tỉnh sáng, tọa ngay nới lằn ranh rất
mỏng giữa mê và ngộ. Vì lằn ranh quá vi tế nên ta vẫn vấp
ngã, lạc nẻo mà không hay! Tôi và Buồn phải ở hai hình thái,
chủ thể và đối tượng; nếu mơ màng nói “Tôi buồn” là rất dễ
biến thành “Nỗi buồn của tôi” để bị nhận chìm trong hố thẳm
đau buồn đó; trong khi thực thể, “Tôi” là chủ, đứng nhìn
“Buồn” là khách. Chủ không đổi rời, chỉ có khách đến rồi đi
nhưng vọng tâm vô minh đã không kịp nhìn ra lằn ranh đó mà
đồng hóa hai vai trò.
Chính nơi đây, bãi chiến trường thường xảy ra
khi một lúc nào đó, ta bị sức ép quá nặng của khổ đau mà bật
lên ước muốn tìm cầu giải thoát. Trên đường tìm giác ngộ,
việc chọn pháp môn hay tư thế thích hợp căn cơ mình chỉ là
hình thức để nương tựa. Động lực thiết yếu phải khởi từ niềm
khát khao mãnh liệt, cực kỳ mạnh mẽ và nghiêm túc, như câu
chuyên bà già cô đơn trong chòi lá dưới chân núi. Bà cụ chỉ
học lóm được dăm câu kệ, trong đó có câu đúng, câu sai nhưng
cụ nào biết, mà chí tâm chí thành, tận lực trì tụng ngày đêm
nên chính cái chân tâm ấy đã chiêu cảm tới Chư Phật, biểu
hiện thành hào quang rực rỡ phát ra từ căn chòi nghèo nàn đó.
Hành giả đi từng bước, phải lần tìm cái nguồn
sinh ra vọng rồi “lâm chiến” với nó bằng tất cả sự tự tin,
dũng mãnh của ý chí tìm cầu giải thoát giác ngộ. Trận chiến
này nhẹ nhàng hay khốc liệt, trường kỳ hay đoản kỳ là tùy
thuộc trí tuệ và quyết tâm của hành giả.
Theo kinh nghiệm của bao người xưa thì khi công
phu tu tập đạt tới trạng thái rỗng-không-tuyệt-đối là lúc ta
có thể nhìn thấy mặt-mũi-thật của bao khổ đau mà ta từng bị
giam hãm ngày đêm.
Hóa ra, cái khổ đau đó vẫn đứng tách rời. Nó là
đối tượng bị nhìn. Ta là kẻ đứng nhìn. Nó và ta chẳng có chi
ràng buộc, sao nó lại có khả năng khiến ta khổ đau?
Khi tâm-vọng bị tâm-không nhận diện một cách
dũng cảm như thế, nó sẽ lập tức biến dạng từ khổ đau thành
phương tiện giải thoát hữu hiệu nhất cho hành giả!
Đó là, sự kỳ diệu khi ta nhận ra cái ta quyết
diệt, quyết tìm, đã hòa tan thành cái rỗng rang, cái nhận
biết mọi sự vật hoàn toàn qua cảm quan khác.
Đó là, qua bao nhiêu quá trình tu tập khổ nhọc,
cái ta tìm ra chẳng có gì là mới mẻ! Nó chính là những cái
vẫn Từng-Là, Đang-Là; chỉ khác, ta không lầm lẫn nhìn nó Là-Ta
hay Của-Ta nữa. Ta vừa giải thoát khỏi sự ràng buộc với nó.
Ta đã bước ra, đã tách rời. Ta trở về được ngôi vị
chủ-nhân-ông mà ta vẫn-hằng-là.
Tới đây, bãi chiến trường đã lặng!
Ôi, để bước qua được lằn ranh Mê và Ngộ rất vi
tế này, biết bao bãi Chiến-Trường-Tâm khốc liệt đã và đang
xảy ra, đã cứu vớt hoặc dìm sâu bao hành giả miệt mài khổ
lụy. Có lẽ biết thế nên Ngài Tuệ Trung Thượng Sỹ đã sách tấn
chúng ta qua ba câu thơ ngắn nhưng thật đầy đủ, khi diễn tả
về Tâm:
“Tâm, tâm, tâm, nan khả tầm
Khoan thời biến pháp giới,
Trách gĩa bất dung châm”
Một thiền-sư đã dịch rất sát nghĩa là:
“Tâm, tâm, tâm, khó thể tìm
Rộng thời trùm pháp giới,
Hẹp không dung mũi kim”
Nghe được lời khuyến tấn này, dù đã bị quần thảo
tả tơi, tôi lại hăng hái lên đường.
Ra bãi chiến trường lần này, khí giới tôi mang theo là hạnh
thứ ba, thứ tư và thứ năm trong Lục Độ Ba La Mật. Đó là Nhẫn
Nhục, Tinh Tấn và Thiền Định.
Tôi tự biết, năng lượng của mỗi hạnh, tôi đều
chỉ có rất giới hạn, nhưng nương theo lời cổ nhân “Biết
mình biết người, trăm trận trăm thắng”, tôi có thể thành
thật tự nhủ rằng: “Biết mình biết người, trăm trận …. một
thắng!”
Chiến đấu với những đối thủ hữu hình còn dễ, chứ
đối tượng đã vô hình, lại, khi bao trùm cả pháp giới, lúc
nhỏ như mũi kim thì trận chiến này chẳng đơn giản đâu! Chiến
sỹ lơ mơ như tôi, trăm trận thắng một cũng là … kỳ công lắm!
Nhưng nếu thắng được một, rồi thừa thắng xông lên, tiếp tục
chiến đấu, biết đâu …..Vâng, biết đâu …. biết đâu …..
Đó là lời các Bậc Thầy Từ Bi luôn khuyến khích
chúng ta.
Điều quan trọng là hãy can đảm cất bước.
NAM MÔ THƯỜNG TINH TẤN BỒ TÁT
Hạnh Chi
(Độc-Cư-Am, Đông 2008)