NGƯỜI ĐƯA THƯ KHÔNG TRỞ LẠI
Huệ Trân
---o0o---
Túi vải đã sẵn trên vai, gã nhìn quanh căn phòng
tạm trú, với tay, lấy chiếc mũ nỉ trong tủ áo, chụp lên đầu
rồi khép cửa, bước ra đường.
Nắng buổi trưa như đổ lửa, nóng hừng hực. Gã đứng
ngơ ngác trước ngã tư, mất định hướng, dù gã đã được cho
biết nơi gã tạm trú là đường Vĩnh Viễn, đi thẳng, sẽ gặp
đường Lê Hồng Phong, rẽ trái không xa sẽ là Ngã Bẩy. Ngôi
nhà xưa ở trong một đường hẻm gần đấy.
Những địa danh này từng quá quen thuộc, nhưng sau
hơn ba mươi ba năm, gã đang là người khách lạ giữa lòng quê
hương. Rừng xe gắn máy đủ loại, ngược xuôi hối hả, luồn lách
tài tình quanh những xe tải, xe taxi, khách bộ hành. Người
và xe đều thản nhiên chen lấn trên những con đường hẹp.
Gã đứng đó, nhìn xuôi, nhìn ngược một lúc, chợt
bật cười khi có cảm tưởng đang lạc vào một hành tinh khác,
chứ không chỉ lạc giữa lòng quê hương, vì những người đi xe
gắn máy đều đội nón sắt, đeo khẩu trang, trừ hai con mắt,
chẳng ai nhìn rõ mặt mũi nhau ra sao! Họ như đoàn người máy
bận rộn, lạnh lùng. Lòng gã chợt nao nao bóng hình tà áo lụa
Hà-Đông e ấp bay trong gió, tiếng guốc ai khoan thai gõ nhịp
trên những hè phố thân quen …
Gã giật mình khi một chiếc Honda, vừa ép sát lề
đường, vừa hỏi trống không:
- Đi đâu?
Gã nhìn quanh, không chắc có phải người lái xe hỏi
mình.
- Đi không?
Xe vẫn nổ máy, nhưng đã ngừng ngay trước mặt gã.
Vậy, chắc là hỏi gã rồi. Gã cũng trả lời trống không, cho
cùng một tần số:
- Đi.
- Đi đâu?
- Gò Vấp, đường Lê Quang Định. Có xa không?
Ngôn ngữ như phải xài tằn tiện lắm nên thay vì trả
lời, người lái xe đưa cho gã một chiếc nón an toàn. Loay
hoay một lúc gã mới đội được chiếc nón sắt vẽ hoa lá đủ mầu
sắc lộn xộn, để cùng trở thành “người từ hành tinh khác” như
gã vừa nghĩ dăm phút trước đây.
Chiếc Honda lao vào giòng xe cộ đông nghẹt. Đôi
lúc, gã nhắm mắt, chờ nghe một tiếng “rầm” vì không thể
tưởng tượng có thể quẹo như thế, chạy như thế, tránh như thế
mà không va chạm nhau! Ấy vậy mà cũng tới được đường Lê
Quang Định, quận Gò Vấp, còn đủ tứ chi!
- Xuống đâu? Khúc nào?
- Ơ ….. chùa Quảng Hương Già Lam ở khúc nào?
- Gần chùa Dược Sư phải không?
Gã đáp bừa:
- Ừ!
May quá, vừa qua chùa Dược Sư chừng hai trăm thước,
gã nhìn thấy tấm bảng nhỏ treo trên cột đèn ngoài đầu hẻm:
“Tu viện Quảng Hương Già Lam”. Gã rối rít nói:
- Ngừng đây! Ngừng đây đi!
- Không vào tới chùa hả?
- Không, đây được rồi. Bao nhiêu?
- Cho bẩy chục.
Gã móc túi vải, trả tiền, chờ chiếc Honda rồ máy,
phóng đi, mới thở một hơi thật sâu, lững thững vào con hẻm
nhỏ.
Gã bước chậm lắm. Bước mà như không bước. Gã
muốn cởi giầy, đi chân không, để nền đất này tiếp xúc với
gan bàn chân, truyền ra từng tế bào, từng mạch máu. Gã nghe
tiếng thổn thức không ngừng bên lồng ngực trái, nơi trái tim
đang đập lạc nhịp.
Hôm đầu tiên, gã cứ tưởng gã sẽ khóc nức nở hay ít
nhất, cũng thầm lặng rung động toàn thân khi máy bay đáp
xuống sân bay, nơi hơn ba mươi ba năm trước gã đã hốt hoảng
rời quê hương ra đi. Vậy mà lòng gã lạnh tanh! Gã thử cấu
mạnh vào cánh tay, xem còn cảm giác không. Còn chứ! Vết cấu
trắng bạch vì máu bị chặn, rồi sau đó đỏ bầm! Hay vì chuyến
bay khá dài, thần hồn chưa về với thần xác? Cũng không phải
nốt, vì gã đã ăn uống, nghỉ ngơi, tắm gội tỉnh táo thoải mái
rồi mới bắt đầu “phiêu lưu ký.” Gã đã gặp dăm bạn cũ, đã thử
đi trên vài góc phố xưa, nhưng lạ quá, lòng dửng dưng trước
người xưa cảnh cũ nên đi như chỉ để mà đi! Đi như kẻ độc
hành trên con đường thiên lý mịt mù!
Đêm qua, trở về nhà trọ, gã nằm khóc vì sự mất mát
bất ngờ này. Người đã lạ, cảnh đã dời, hay chính gã đã sẵn
những chắn song vô hình vạch lằn ranh oan nghiệt??? Có thể
tất cả đã trộn lẫn với nhau thành sự hủy hoại vô tình, vốn
là bản chất của tự thể vạn hữu!
Nhưng gã còn một sợi nắng để bám víu. Gã vẫn để
dành sợi nắng này, như kẻ nghèo khó cẩn thận cất giữ vật quí
giá cuối cùng, chỉ dùng khi đứng trước sự sống và cái chết.
Bảo vật của gã là ngôi cổ tự mà gã đang tìm đến, một nơi mà
trong trí tưởng và trong cả niềm tin, đẹp như tranh vẽ của
vua Lý Thái Tôn:
“Hạo hạo Lăng-già nguyệt
Phân phân Bát-nhã liên”
Tạm dịch là:
“Lăng-già ngời trăng tỏ
Bát-nhã ngát hương sen”
Nét tịch-lặng-như-nhiên không thể đến từ vết
thương của những mưu toan tuyệt vọng, mà phải từ hạnh nguyện
Bồ Tát “Hư không hữu tận. Ngã nguyện vô cùng”, là lời kinh
Phổ Hiền Hạnh Nguyện, phát nguyện rằng “Hư không còn có thể
đến chỗ cùng tận, nhưng tâm nguyện đại bi của ta thì vô cùng
vô tận.”
Không thực hiện ý định cởi giầy mà đi được nửa
đường hẻm, gã bỗng cảm thấy gan bàn chân co giựt thật nhẹ.
Những tế bào li ti đang kể cho nhau nghe cuộc điện đàm ngắn
ngủi với một sư-cô, đã hỏi gã hơn một năm trước đây:
- Sư-phụ của em là ai? Có phải vị ẩn-sư trong ngôi
cổ tự Già Lam không?
Gã im lặng.
- Có phải em đã về đó để xin Thầy xuống tóc?
Gã im lặng.
- Hay ngoài này có ai đại diện Thầy, xuống tóc cho
em?
Gã im lặng.
Gã không có câu trả lời vì tự thể những câu hỏi đó
đã thấp thoáng tinh thần Bát-Nhã “có mà không, không mà có.”
Ấy thế mà do đâu, những câu hỏi đã thành hình? Có phải giữa
bao hữu hình ngộ nhận còn có những vô hình chứng thực sự mầu
nhiệm chân-như?
Hôm nay, những câu hỏi mà thực chẳng phải câu hỏi,
lại đang xôn xao theo bước chân gã, đi tìm cái
vô-hình-vô-hạn trong chật hẹp của cái hữu-hình-hữu-hạn!
Thầy ơi, con đang bước những bước đến rất gần Thầy.
Con biết, con đang bước trên đường quê hương, vì quê hương
đích thực chỉ có một. Người ta có thể không chấp nhận những
dị đồng về chủ thuyết, ý thức hệ, nhân sinh quan …v… v…
nhưng làm sao chối bỏ được quê hương, khi những dị đồng đó
đều sẽ thành rồi hoại, đến rồi đi. Lịch sử nhân loại có bao
giờ ngừng chứng minh sự thăng trầm bất tận này đâu! Thực
chất của giòng chảy đó chỉ mong manh như ngọn thu phong làm
rụng những lá vàng, mà quê hương là ngút ngàn tuyết sơn
thinh lặng, trơ gan cùng tuế nguyệt. Theo biến chuyển của
lịch sử, người ta cũng có thể có quê hương thứ hai, thứ ba,
thứ tư, nhưng vẫn biết và biết rất rõ, từ mảnh đất nào người
ta đã hiện hữu.
Có gì là tội lỗi trước sự thực này không? Con
muốn tự chứng nghiệm nên đã về đây. Thời gian hơn một phần
tư thế kỷ có thể là quá dài với một đời người, nhưng vẫn là
quá ngắn với giòng lịch sử không ngừng đổi thay, hưng phế…
Từng bước chậm, con đang tiến vào ngôi cổ tự, nơi
có tôn tượng Quán Thế Âm Bồ Tát ở sân trước, có cầu thang xi
măng bên trái, dẫn lên từng lầu một. Hết những bực thang,
bước thêm dăm bước sẽ thấy bên phải là tấm bình phong đan
bằng tre đơn sơ, nhìn từ đó có thể thấy rõ hành lang hẹp,
treo chiếc võng xanh, mầu đã bạc, gai đã sờn, chiếc nón lá
móc gần đấy cũng đã cũ. Trên hành lang nền gạch đá hoa mầu
huyết dụ là chiếc bàn nhỏ, có một khay gỗ để dăm cái tách,
chiếc bình thủy trắng và một ấm đất nung, để pha trà. Hành
lang này chính là “phòng khách” in bao dấu chân khách vãng
lai đến rồi đi, chỉ những giỏ phong lan là vẫn còn đó với
tháng năm, qua bao mùa mưa nắng. Cảnh trí này từng phổ biến
nhiều nơi, từ nhiều năm vẫn chỉ có bấy nhiêu nên tuy đến lần
đầu mà con thấy quen thuộc quá!
Dừng lại trước tấm bình phong ngăn ranh giới đó,
khách chỉ cần lên tiếng: “Thưa Thầy”, là giây lát thôi, tấm
màn trúc trước Thị Ngạn Am lay động, và vị thầy tu “mình hạc
sương mai” bước ra.
Như thế đó, ngoài những giờ Thầy miệt mài với dịch
kinh, với soạn bài cho các lớp học, thì ai có lòng viếng
thăm, xin cứ đến. Cửa ngõ chẳng bao giờ đóng, mâm cao cỗ đầy
chẳng bao giờ có để mời, nên ai đến thì cũng như ai; tâm chủ
an nhiên tự tại rộng mở, tâm khách ra sao, tự khách biết, vì
“Ai đem quán trọ mà ngăn nẻo về” (*)
Cố trấn tĩnh thế nào, gã cũng nghe giọng mình
nghẹn ngào khi cất tiếng “Thưa Thầy”. Rồi tấm màn trúc lay
động. Thầy bước ra:
- Thầy đó.
Vẫn tấm áo nhật bình dài quá đầu gối mà khi xưa,
các học tăng Phật học viện Hải Đức trên đồi Trại Thủy đã
thầm thì với nhau: “Không ngờ giảng sư trẻ qúa! Mà sao y
phục Thầy giản dị thế!” Vẫn nhân dáng đó, phong cách đó, ánh
mắt đó, nụ cười đó, trước sau như một, có phải là thể hiện
của “Bất sanh bất diệt, bất cấu bất tịnh, bất tăng bất giảm”
mới “viễn ly điên đảo mộng tưởng” như thế?
- Ai đó? Mời vào!
Tuy hỏi nhưng rõ ràng khách là ai, không cần biết.
Điều đáng biết là tấm lòng khách đã tới đây thì xin mời vào!
Gã lách qua tấm vách tre, vừa thở chánh niệm, vừa
cúi đầu, bước vào.
“Ôi mênh mông một trời Bát Nhã.
Từ bi tâm hiển lộ liên hoa
Mở trang Kinh Ngọc, thơm ba cõi
Đảnh lễ Thầy, sông núi chia xa” (+)
Gã đã quỳ xuống, đảnh lễ Thầy. Lúc ngửng lên, Thầy
nhìn gã bằng đôi mắt từ ái, rồi bất ngờ hỏi:
- Diệu Trân, phải không?
Trái tim gã như muốn rớt ra khỏi lồng ngực:
- Dạ, bạch Thầy, con đây ạ.
Chỉ có thế thôi. Cuối cùng thì cũng phải tới lúc
gã đi tìm Thầy. Và Thầy đã nhận ra gã. Gã chỉ xúc động chứ
không hề ngạc nhiên khi Thầy mỉm cười nhẹ nhàng hỏi, mà thực
đã biết.
“Người đưa thư đã không trở lại.” Thầy nói
như thế khi gã nhắc tới lá thư nhờ trao tận tay Thầy mấy năm
trước đây. Trong thư, gã xin Thầy một pháp danh. Người đưa
thư sẽ trở lại nhận hồi âm, nếu lời thỉnh cầu này được chấp
thuận. Khi nhận được pháp danh thì từ phương xa, gã sẽ hướng
về trời Nam, đảnh lễ Thầy và xuống tóc.
Tâm là họa sỹ, tự sáng tác mọi họa phẩm theo hoài
mong và trí tưởng. Tâm gã như thế, nhưng không được hồi âm
nên bức họa dở dang. May thay, những nghịch duyên đời-thường
lại là thuận duyên để gã quyết tâm đi tiếp cho bức họa hoàn
thành, dù lời thỉnh cầu năm xưa không một âm vang vọng lại!
Thầy nhìn gã, ánh mắt vừa hoan hỷ, vừa xót thương
rồi lẳng lặng đứng lên, khuất sau màn trúc. Một lát, Thầy
trở ra, ngồi xuống chỗ cũ. Vẫn ánh mắt vừa hoan hỷ, vừa xót
thương, Thầy trao cho gã một tờ mộc bản. Trên nền giấy đã úa
vàng, những nét chữ Hán vẫn bay bướm, vẫn thong dong. Gã đưa
hai tay nhận, chăm chú nhìn. Thầy chỉ vào hai chữ chính giữa
và hỏi:
- Biết chữ gì đây không?
Gã ấp úng:
- Dạ … chữ …
- Hạnh Chi.
Gã mừng rỡ vì đã ngờ ngợ nhận ra chữ “Chi”. Gã
thưa:
- Bạch Thầy, phải chữ “Chi” ở đây là “cành”, như
“Nhất chi Mai” là “Một cành Mai” không ạ?
- Phải, “Chi” này là “cành” chứ không phải “Tri”
là “biết”, và “Hạnh” đây không phải “hạnh kiểm” mà là “cái
Hạnh, nét đẹp của trí tuệ”. Tôi đã viết hai chữ này ngay khi
nhận thư. Nhưng người đưa thư không thấy trở lại. Tôi vẫn
giữ đây.
Gã nhìn trân trối tờ giấy mỏng, lay động vì những
nét chữ trên đó đang cùng nhảy múa theo một cung bực trầm
bổng mơ hồ nào, mà hát ra lời giải tỏa nỗi mong chờ đằng
đẵng bao năm: “Người đưa thư đã không trở lại. Người đưa thư
đã không trở lại. Ơi …Ớ … Ơi. Người đưa thư đã không trở lại
Ơi Ớ Ời …Ơi …Ớ … Ời …”
Không kềm lòng nổi, gã đã nấc lên “Trời ơi!”
Phong linh treo trên những giò lan chợt lao xao
trong gió. Âm thanh quyện với hương trà Thầy tự tay pha, đãi
trò, khiến gã rưng rưng khi nâng tách. Không còn thấy ranh
giới nào của quá khứ, hiện tại, vị lai, chỉ là sự kỳ diệu
của vô thỉ vô chung, không nơi bắt đầu, không chỗ kết thúc.
Tách trà nằm yên mãi trên tay.
Thầy lặng thinh, như đang nghe hương lan thẩm thấu
trong hương trà.
Phút giây, gã vụng về để những giọt nước mắt thổn
thức rơi xuống tách. Những giọt nước mắt muộn màng, lặng lẽ
hóa thân thành những câu thơ tưởng đã chôn vùi sau lớp bụi
thời gian:
“Hỡi ơi! Một buổi hoa râm
Trời chưa nắng dại, tóc dầm sương khuya
Nụ cười, rồi một chuyến đi
Còn e năm tháng đã về trước ta
Môi in nửa bóng trăng tà!” (*)
Huệ Trân
Cốc Thảnh Thơi – Mùa Trăng, 2008)
(*) Thơ Thầy Tuệ Sỹ
(+) Thơ dt