VƯỢT TRỞ NGẠI
Breaking Through The Concrete
Linda Ruth Cutts
Diệu Liên Lý Thu Lin lược dịch
---o0o---
Tác gỉa Linda R. Cutts là giảng sư về Thiền,
hướng dẩn việc tu Thiền ở Green Gulch Farm, ở California. Bà
tu theo dòng Thiền của Thiền Sư Shynryu Suzuki.
Khi tôi bắt đầu tu tập, khỏang hai mươi tám năm
về trước, tôi đang ở trong trạng thái trầm uất, đau đớn,
tưởng như không có gì cứu được tôi. Có lúc tôi đứng trước
cánh cổng mạ vàng, chạm trổ công phu của Ghiberti (ND:
Ghiberti Lorenzo, nhà điêu khắc nổi tiếng của Ý), ở
Florence, được gọi đó là The Gates Of Haven (Cổng Thiên
Ðàng). Trong các lớp học về Mỹ thuật, tôi đã được nghe nhiều
về chúng, đã mơ ước được nhìn thấy tận mắt. Vậy mà giờ chúng
đang ở trước mắt tôi, nhưng hoàn toàn không gây được cảm xúc
gì trong tôi. Tôi nhớ đã tự trách mình: "Ngốc quá, đây là
một tác phẩm nghệ thuật vĩ đại. Hãy quan sát! Hãy ngắm
nhìn!". Nhưng không chỉ có cái đầu của tôi đóng băng mà cả
con người tôi dường như cũng tê dại.
Ðã có lúc trong cuộc sống, tôi phải sống như một
tảng băng để tự cứu lấy mình. Tôi quyết định khiến các cảm
giác tôi đông lạnh trước những nỗi đau khổ của mình.
Tôi sụp đổ tinh thần là do phản ứng của gia đình
khi biết tôi mang thai vào năm đầu tiên bước chân vào đại
học. Ðó là năm 1966, và đó là một tấn thảm kịch cho cả tôi
và gia đình tôi. Tôi tự vặn tắt mọi cảm giác, để không còn
ai có thể làm cho tôi đau đớn thêm. Tôi không khóc nữa trước
mặt những người thân của tôi.
Chính sự chuyển đổi trong cơ thể tôi -một cách
bí mật và nhục nhã- làm tôi đau đớn. Không còn cài được váy,
chiếc quần trượt tuyết của tôi phụt rách khi tôi khom người.
Và sự nôn ói. Không còn gì là tốt đẹp nữa. Thế giới không
còn là chỗ dung thân an toàn, một mái nhà cho tôi nữa. Và
thân thể xinh đẹp của tôi cũng biến mất. Cái thân thể đã
từng được người thân của tôi thương yêu, vỗ về, giờ lại là
mục tiêu của sự chê bai, ghét bỏ.
Mẹ dẫn tôi đi mua đồ mặc bầu ở tận New York,
thật xa các cửa hàng quen thuộc ở thành phố tôi ở, lẩn tránh
một gặp gở tình cờ nào đó với những người quen biết.
Rồi tôi được gửi đi đến một nơi rất xa, qua bao
miền đất nước, đến tá túc với một cặp vợ chồng chịu chứa
chấp những cô gái Do Thái chữa hoang. Mẹ tôi ra về sau khi
đã nhìn lướt qua ngôi nhà nơi tôi sẽ ở trong sáu tháng. Vậy
là tôi chỉ có một mình nơi xa lạ nầy. Mẹ không kể gì với
tôi về kinh nghiệm sinh nở của bà.
Mặc bao khó khăn, mỗi tháng qua, tôi càng cảm
thấy gắn bó sâu đậm hơn với đứa con trong bụng mình. Khi nó
bắt đầu máy mó, tôi cảm thấy hạnh phúc bừng lên như một ngọn
lửa trong cái lạnh của khổ đau.
Tôi tự chuẩn bị bằng cách đọc sách. Có một thư
viện nhỏ gần nhà, và mổi tuần vài chuyến tôi lại đến đó mượn
hàng đống sách về sinh sản. Năm ngày sau khi sinh, người ta
mang con tôi đi cho.
Ngay buổi tối tôi trở về gia đình, không ai nhắc
đến chuyện ấy nữa. Tôi trở về nhà sau khi sinh con và bị
tước đi quyền làm mẹ, nhưng câu đầu tiên cha mẹ tôi nói là:
"Con định chọn môn gì trong khóa tới?".
Tôi trở lại học đường, nhưng cảm thấy mình già
dặn so với các bạn gái quanh tôi. Cơ thể tôi đã đổi thay;
tôi đã có những vết rạn nứt. Ở tuổi mới lớn đó, lần đầu tôi
biết về tính cách vô thường của thân.
Trong tình trạng đó, tôi được biết về thiền. Tôi
sẽ không bao giờ quên ơn những người thầy đã dạy cho tôi
biết Pháp. Sự tu tập đối với tôi như một sự tỉnh thức. Chánh
niệm là tỉnh thức. Như một người đã ngủ quên, tôi được lay
dậy, được chỉ đường để tỉnh lại. Những điều rất đơn giản
như: giử thẳng sống lưng, đếm hơi thở, ngồi nhẹ nhàng...
Bằng những điều thực tập nhỏ nhặt như thế, tôi đã bắt đầu
tỉnh thức.
Lần đầu tiên bước chân đến trung tâm Thiền, tôi
rất lo âu. Sau bửa ăn, tôi được giao nhiệm vụ cất dẹp muối
mè. Người ta bảo: "Nè, làm cái nầy đi. Em sẽ thích đó". Có
mấy cái tô đựng muối mè với những cái muổng nhỏ xìu xiu, một
bàn chải cũng đặc biệt nhỏ và một hủ to đựng muối mè. Bổn
phận của tôi là dùng những cái muổng nhỏ đó để xúc muối mè
trong tô bỏ trở vào hủ lớn, dùng bàn chải quét trong lòng tô
cho sạch, rồi xếp tô chồng lên nhau, từng cái một. Thật hạnh
phúc được làm công việc nhỏ mọn đó. Không có gì đòi hỏi phải
suy nghĩ, chỉ cần xúc từng muổng, quét, quét, rồi để xuống.
Tôi có cảm tưởng như mình đang làm những công việc nầy với
tất cả sự cẩn trọng, như thể đang chăm sóc từng hành động
của tôi, và như thế cũng có nghĩa là tôi đang chăm sóc chính
tôi.
Ðối với tôi được làm công việc nhỏ mọn đó với
tất cả lòng chân thành là một liệu pháp giúp tôi trở về với
cuộc sống. Ðã bao nhiêu năm nay, tôi chỉ hành động để được
khen thưởng, được chấp nhận, để thu nhỏ mình lại tránh bị để
ý: đó từng là thế giới của tôi. Ðó là ngày 2 tháng 1, năm
1971. Tôi sẽ không bao giờ quên ngày đó. Tôi được yêu cầu
làm một việc vẹn toàn, không có điều kiện, tôi coi đó là một
hành động từ bi. Người bảo tôi làm việc đó hẳn đã nhìn thấy
nổi đau của tôi và nói: "Ðây -em sẽ yêu thích việc nầy".
Thực tập chánh niệm giúp ta bỏ được tâm phán
đóan, phê bình. Chánh niệm giúp ta chú tâm vào đối tượng,
luôn ở với nó, trong khi thế giới chung quanh ta, vạn vật
vẫn xoay vần. Ta có thể trụ ở hiện tại, mà vẫn ý thức được
sự chuyển đổi, vô thường của vạn vật. Ở thời điểm đó trong
cuộc đời, tôi đã rất may mắn được học thiền, tọa thiền, thực
tập chánh niệm, chú tâm đến hơi thở, đứng ngồi trong sự tỉnh
thức. Với thời gian, những năm tháng đông lạnh dường như đã
bốc hơi, sự tê dại trong tâm hồn tôi đã biến mất. Sức sống
như những sợi dây leo xuyên mình qua bức tường trở ngại cho
đến khi nở rộ ra từng chùm lá xanh.
Nhưng quá trình trở về với thân không phải là
bằng phẳng. Những năm sống ở Thiền viện Tassajara trên núi,
tôi đã không thể ngồi yên khi tọa thiền. Trong thiền đường,
tôi nhích bên nầy, bên kia bồ đoàn không ngừng, đến nỗi tôi
phải bám chặt lấy bồ đoàn, như thể đang ngồi trên chiếc
chiếu thần lơ lững, trong khi mọi người chung quanh đều ngồi
yên tĩnh. May mà tiếng chuông đánh lên, tôi đứng dậy sửa lại
tọa cụ, đi ra ngoài, làm công việc của mình thì mọi việc
dường như bình thường trở lại. Nhưng cứ hể bước vào thiền
đường, tôi như một mụ đàn bà lên cơn điên. Không kiềm chế
được tôi đụng người nầy, người kia, lấn qua lằn ranh. Rồi
ding, cúi lạy đi ra, và trở lại bình thường. Tại sao vậy?
Câu hỏi đó là công án của tôi trong suốt mười năm. Trong
mười năm, tôi ngồi với những cử động không cưỡng chế được.
Lúc đầu chúng phóng túng tự tác, nhưng dần dần các cử động
thu hẹp lại, bớt lại dần cho đến ngày tôi có thể ngồi yên.
Bây giờ tôi hiểu mười năm đó là thời gian cơ thể
đông cứng của tôi cần có để vỡ ra. Những cử động không kiềm
chế là biểu hiện của những khổ thọ tôi bưng bít, chôn kín
trong lòng. Những nỗi đau nơi thân tâm đòi hỏi tôi phải chú
tâm đến chúng, và quậy phá tôi cho đến lúc tôi phải nhận
diện chúng. Dần dần tôi đã để tâm đến chúng, chấp nhận sự có
mặt của chúng trong tôi; các khổ thọ đã đi xuyên qua tôi,
phá vỡ bức tường đông cứng.
Hậu truyện: Vài năm trước đây tôi nhận được một
cú điện thoại từ một cán sự xã hội ở Philadelphia. Tôi bàng
hoàng -điều nầy chỉ có thể là.... Ðã nhiều năm qua, tôi cố
công tìm đứa con trai đã thất lạc của tôi, và đã để lại địa
chỉ, điện thoại để khi cần người ta sẽ liên lạc với tôi.
Người cán sự xã hội, sau khi chắc chắn tôi là người bà muốn
tìm, nói: "Con trai của bà hiện có mặt trong văn phòng tôi,
nó đã trưởng thành!" Rồi bà chuyển điện thoại lại cho con
tôi.
"Có thật là
con đó không? Con tên là gì?", tôi hỏi. Hai chúng tôi nói
chuyện gần tiếng đồng hồ, và rồi hẹn ngày gặp mặt.
Thật vui mừng và sung sướng khi biết rằng con
tôi đã sống sót và được nuôi dưỡng nên người. Con tôi còn
sống! Vết thương tôi vẫn mang trong lòng đã lành miệng. Một
lần nữa, tôi thực sự được sống!
Diệu Liên Lý Thu Linh
(Lược dịch theo Breaking Through The Concrete)