THIỀN TẬP CỦA HỆ PHÁI KHẤT SĨ NGÀY NAY
Thích Giác Hoàng
---o0o---
Thiền là pháp môn tu tập chủ yếu của hệ phái
Khất sĩ. Tổ sư Minh Đăng Quang nhờ thiền tập mà thành tựu
được đạo nghiệp. Các bậc thầy đều là những hành giả tu thiền
thượng thừa, là những tấm gương mẫu mực về đạo hạnh.
Thế nhưng, yêu cầu căn bản đối với một hành giả
và môi trường như thế nào, giai đoạn chuẩn bị ra sao, lộ
trình tiến tu, và đặc biêt nếu gặp phải những trục trặc
trong quá trình tu thì xử lý như thế nào, đòi hỏi hành giả
gần như tự giải quyết lấy hoặc thân cận các bậc thiện hữu
trí thức nhờ chỉ điểm, hơn là tìm trong các tài liệu của hệ
phái những chỉ dẫn một cách có hệ thống đầy đủ.
Sau khi Tổ vắng bóng, các ngài Trưởng lão phần
lớn đều thừa hưởng đạo phong của Tổ mà đi hành đạo bốn
phương, nhưng vì chủ trương xiển dương pháp hành hơn pháp
học nên gần như không vị nào viết lại kinh nghiệm tu tập và
ấn chứng của mình.
Trong các vị Trưởng lão đệ tử của Tổ, Trưởng lão
Giác Chánh là vị hành trì hạnh Đầu đà, tu thiền cả đời; các
vị Đại đệ tử của Tổ sư cũng thế. Nhưng pháp môn tu như thế
nào, điểm lại, khó tìm một câu trả lời cho xác đáng.
Trước đây cũng như hiện nay, mỗi vị tùy theo
nhân duyên gặp gỡ, tâm đắc với mỗi pháp môn mà hành trì.
Nhưng đối với những vị có niềm tin kiên cố với đường lối của
Tô sư thì khởi tập và duy trì theo phép đếm hơi thở (sổ tức)
hoặc theo dõi hơi thở (tùy tức) thông qua bài Số tức quan.
Chúng ta cũng có thể dễ dàng phát hiện và cảm
nhận lời dạy chân thiết của Tổ về tầm quan trọng và ý nghĩa
của việc thiền tập qua từng trang Chơn lý, đặc biệt là bài
Nhập định (tập I, tr.355 - 383). Tổ dạy:
“Không định không có thần thông quả linh, thì
con người phải té sa vào nơi vật chất giả dối, nắm níu lấy
ác tà loạn vong, chôn nhốt giết hại tâm mình. Cho nên tâm
định thì trí mới huệ, huệ nhiều ít là do định. Định nhiều
thì huệ nhiều, định ít thì huệ ít, không định thì không có
huệ.” (Chơn Lý, tập I, tr. 357).
“Muốn có Định thì phải có Niệm. Niệm tưởng ghi
nhớ một câu, một việc, một lời, một điều gì đó, mới được
định. Cũng như nước bị đựng trong tô chén để yên lặng thì sẽ
định, cái ý nhờ bị trói buộc một chỗ mà phải đứng ngừng,
đến lâu sau quen lần, mới không còn loạn động”. (Chơn lý,
tập I, tr 364).
“Hễ định được thì thần thông và trí huệ sẽ có
một lượt. Từ định mau đến lâu là quả linh và đạo lý cũng sẽ
có từ ít tới nhiều, tự nhiên nơi ta sẵn có. Nếu không xao
động che đậy là nó yên trụ và xuất hiện ra, chứ chẳng cầu
vái nơi ngoài, ai cho mà có được”. (Chơn lý, tập I, tr.
370).
Bài Số tức quan (tập III, tr. 301-322), Tổ sư
trình bày pháp tu dựa trên hơi thở bằng cách đếm hơi thở
theo trình độ hành giả khác nhau, thậm chí để ngừa bệnh và
trị bệnh, nhưng tinh hoa bí yếu vẫn là giữ thái độ khách
quan đối với hơi thở, nghĩa là không can thiệp vào hơi thở:
“Tất cả những phép tu tập hơi thở có khó dễ khác
nhau, nhưng chẳng có cách nào qua lẽ tự nhiên bình thường
này, là người ta phải đừng cố ý chăm chú vào riêng hơi thở,
nhưng người ta mỗi lúc nào cũng phải ngăn đón sự thái quá
thở mạnh, càng bất cập thở nhẹ, tức là phải giữ làm sao hơi
thở được mực trung điều hòa nhau như sợi dây ngang thẳng,
chẳng cho gợn sóng, như cái vòng tròn không cho móp méo”
(tr. 315-6).
“Vậy thì tất cả phép tu, không có phép nào qua
sự tự nhiên, vì tự nhiên chơn như là định, trung đạo. Còn
các pháp tu là dùng trừ thái quá bất cập, để đặng giữ cái
trung đạo tự nhiên chơn như định, chớ không phải tu là để
tìm thái quá bất cập, hai bên lề. Bởi cái sống, biết, linh
là ai cũng đang có, mà vì bị thái quá bât cập, tà pháp ngăn
che ám muội. Hiểu như thế tức là cũng như không có tu tập
luyện rèn chi, miễn đừng thái quá bất cập vọng loạn, và
không nên chấp có hơi thở tưởng đếm chỉ số tức quan” (tr.
316).
Chi tiết hơn là trong phân Pháp vi tế về ĐỊNH
trong Luật nghi khất sĩ, Tổ đã liệt kê đầy đủ 40 đề mục
thiền định theo bộ Thanh tịnh đạo luận. Không những thế,
trong mỗi mục còn chi tiết hóa như “30 đề mục đem đến nhập
định”, “11 đề mục có thắng lực đem tâm từ sơ định tới ngũ
định”, tu tập “11 đề mục có thắng lực đem tâm đến sơ định”,
v.v…
Từ trang 132 đến 158 liệt kê các chi pháp của
thiền định, qua đó cho thấy, Tổ sư đã nghiên cứu kỹ thiền
định như thế nào. Điều này giup chúng ta có thể nhận định
rằng tông chỉ của Tổ sư lấy định làm nền tảng, làm điểm tựa
rồi mới khởi quán như truyền thống thiền Pa-Auk ở Miến
Điện.
Một vài tịnh xá do chư tôn đức lãnh đạo hệ phái
trụ trì có khuynh hướng hành thiền tương đối mạnh. Tịnh xá
Ngọc Viên, Tổ đình của hệ pháp tại Vĩnh Long do HT.Giác Giới
trụ trì chủ trương Tăng Ni, Phật tử tu tập chuyển hóa thân
tâm theo tinh thần ứng dụng Giới - Định - Tuệ trong Kinh
tạng Pàli do Đức Phật giáo huấn và Chơn lý của Tổ sư giảng
dạy.
Tịnh xá Trung Tâm, quận Bình Thạnh, TP.HCM do
HT.Giác Toàn trụ trì, mỗi ngày từ 6.00-6.45 toàn thể chư
Tăng sinh trụ xứ và quý Phật tử đều tu tập thiền tọa.
Một vài chư tôn đức giáo phẩm của hệ phái, như
HT.Giác Ngộ, trụ trì tịnh xá Ngọc Thiền, Đà Lạt cũng xiển
dương thiền tập theo phong cách và có khuynh hướng của Tổ sư
Thiền.
Gần đây, một số Tăng Ni sinh hệ phái sau khi tốt
nghiệp ở HVPGVN (Trường Cao cấp Phật học cũ) có cơ duyên đi
tham học và tịnh tu một thời gian ở Ấn Độ và Miến Điện dưới
sự hướng dẫn của các thiền sư thời danh. Ở một chừng mực nào
đó, một vài vị nắm vững được cương yếu của pháp môn hành
trì.
Sau khi về nước, các vị đem hết khả năng mình
cùng với chư tôn đức hệ phái tổ chức các khóa tu ngắn ngày
dành cho giới xuất gia lẫn tại gia. Sự thành tựu được ghi
nhận, các vị xuất gia tham dự các khóa tu rất phấn khởi,
tinh tấn và đặt trọn niềm tin với Chánh pháp.
Các vị cư sĩ, mặc dù có những khó khăn nhất định
khi phải khép mình trong một khuôn khổ đơn giản thanh bần,
tiết độ trong ăn uống, và hành trì giới luật một cách nghiêm
cẩn, tu theo lộ trình thân-thọ-tâm-pháp (Tứ niệm xứ); phần
lớn đều rất phấn khởi với pháp môn tu mà chư Tăng Ni đã thọ
học, hành trì và triển khai.
Các khóa thiền phần lớn theo mô hình tổng hợp
những điều hay ở các trường thiền quốc tế và cũng như những
điểm độc đáo mang tính biệt truyền của hệ phái.
Các khóa thiền tập diễn ra phần lớn là 3 ngày 4
đêm, 7 ngày 8 đêm hoặc 10 ngày 11 đêm. Vì diện tích tịnh xá,
thiền đường và điều kiện kinh tế các miền tịnh xá còn nhiều
khó khăn, nên phần lớn không đưa tin rộng rãi mà chỉ thông
báo ở một, hai tịnh xá lân cận để hỗ trợ lẫn nhau trong tu
tập.
Lộ trình tu tập hầu hết bám sát vào bài kinh Tứ
Niệm Xứ trong Trường Bộ kinh hoặc một số bài kinh trong
Trung Bộ như Thân Hành Niệm, Nhập Tức Xuất Tức Niệm, Tứ Niệm
Xứ, v.v…hoặc một số kinh luận Đại thừa. Gương hạnh của Đức
Phật, chư vị Tổ sư Trung Hoa, Việt Nam và các bậc Trưởng lão
của hệ phái như là những tấm gương sáng cho hành giả.
Phần Niệm thân thay vì đi hết lộ trình niệm thân
như bài kinh Niệm Thân trong Trung Bộ, mà chỉ tu tập quán
niệm hơi thở rồi chuyển sang niệm thọ, niệm tâm hoặc niệm
pháp.
Trong các khóa thiền tập dưới sự hướng dẫn của
các vị học ở Ấn Độ về, phần lớn nhấn mạnh đến phần niệm hơi
thở và niệm thọ theo truyền thống thiền của ngài N.S.
Goenka. Các vị có duyên học ở Miến về có khuynh hướng tổng
hợp các thế mạnh của các trường thiền Panditarama,
Shew-Oo-Min, Mogok hoặc Mahasi.
Để giúp các thiền sinh có thể ứng dụng lời dạy
của Đức Phật trong các tư thế đi, đứng, nằm, ngồi và trong
mọi sinh hoạt hàng ngày, các vị đã mô phỏng theo truyền
thống các thiền sư Miến Điện, đặc biệt là các trung tâm
thiền quán hướng dẫn thực hành chánh niệm trong từng bước
chân và trong từng mọi cử động của thân.
Điều này lần lần giúp thiền sinh có thể chánh
niệm và định tĩnh trong mọi sinh hoạt hằng ngày và hiệu suất
công tác ngày càng cao hơn. Đối với các vị thiền sinh có khả
năng phát triển định lực thông qua thiền tọa từ 2-3 tiếng
một lúc, các vị hướng dẫn cho các vị phát triển định lực
thông qua quán niệm hơi thở cho đến khi nào quang tướng
(nimita) xuất hiện thì chuyển qua quán tâm.
Nói tóm lại, việc tu tập của các khóa thiền do
các Đại đức và quý Sư cô tổ chức nhắm đến hai mục đích, đó
là làm an tịnh các hành, có khả năng khống chế và làm lắng
dịu tạm thời các phiền não, thuật ngữ Phật học gọi là Thiền
chỉ (Samatha).
Một khi định lực đã đủ mạnh, có khả năng soi rọi
và quán sát các chặp tâm phiền não để nhận diện và loại trừ,
lúc bấy giờ chức năng trí tuệ làm việc để nhận rõ danh sắc,
hay nói cách khác là thấy rõ (Vipassana) sự sanh sanh diệt
diệt của cái gọi là thân tâm, thuật ngữ nhà Phật gọi là danh
sắc, hay ngũ uẩn, và đỉnh cao của nó là kinh nghiệm được
thân tâm và vạn pháp là vô thường, bất toại nguyện và không
thực thể.
Tóm lại, pháp tu thiền của hệ phái Khất sĩ, từ
thời Tổ sư đến nay cũng không có gì khác biệt với các truyền
thống Phật giáo khác. Xuất phát từ quan điểm kế thừa và phát
huy những tinh hoa tư tưởng của các truyền thống khác trong
bối cảnh văn hóa Việt Nam, nên pháp tu của hệ phái Khất sĩ
cũng không ngần ngại kế thừa và hành trì những điểm độc đáo,
những tinh hoa mà mỗi hành giả có cơ duyên tiếp cận, thẩm
thấu và hành trì.
Các thiền viện lý tưởng dành cho chư Tăng Ni hệ
phái Khất sĩ - cho những ai dành trọn đời mình cho sự nghiệp
giác ngộ, giải thoát đang được chư tôn đức hệ phái định hình
và tiếp sức hỗ trợ.
Thích Giác Hoàng
(Giác Ngộ online)
09-30-2008 05:12:34