TẤT CẢ ĐỀU LÀ LẼ ĐƯƠNG NHIÊN
LỜI GIẢI ĐÁP CHO CON NGƯỜI
Phải "Không" Mới Có Thể "Có"
Tinh Vân Hoà Thượng
Hạnh Huệ soạn dịch từ Tinh Vân Bách Ngữ
---o0o---
Phật pháp giảng "Không" là phải "không" các chấp
trước, "không" các hai bên, "không" các giả tướng, "không"
các đối đãi, để lại cấp cho chúng ta một thế giới chân thật.
Lúc tôi mới xuất gia, vâng lệnh thầy là Thượng
nhân Chí Khai đến Luật Học Viện Thê Hà học. Có một hôm, pháp
sư Giác Dân là Giáo thọ Quốc văn viết lên bảng mười chữ: "Dĩ
Bồ-đề vô pháp trực hiển Bát-nhã Luận", bắt chúng tôi lấy đó
làm đề bài viết văn. Lúc ấy tôi mới mười hai tuổi, từ khi đi
học chưa hề nghe hiểu qua một câu kinh, mà mười chữ này lại
giống như Thiên thư, khiến tôi mò chẳng nhằm bờ mé, chỉ đành
đông sao tây chép, mơ mơ hồ hồ mà nộp bài. Cho đến về sau,
tôi trải qua bao thế sự tang thương, lại nhiều lần giảng Tâm
kinh và kinh Kim Cang, ngay khi nhớ lại đề mục năm xưa, mới
bỗng dưng đại ngộ: "Bồ-đề vô pháp" là "không", "trực hiển
Bát-nhã" là "hữu", đúng ý nghĩa của câu nói chính là "phải
không, mới có thể có".
Người trên thế gian thường thường đem "không" và
"có" chia thành hai vật chẳng đồng, cho rằng cái "không"
chẳng phải là "có", cái "có" chẳng phải là "không". Nhưng
khi Phật giáo giải thích chân lí vũ trụ nhân sinh, nhận là
"không" rồi, mới có thể "có"; chẳng không thì chẳng có. Ví
như tách trà không mới có thể đựng nước, ví da không mới có
thể bỏ tiền, nhà cửa không mới có thể có người ở, đất đai
không mới có thể xây lầu, thậm chí lỗ mũi không mới có thể
hô hấp, lỗ tai không mới có thể nghe tiếng, cái miệng không
mới có thể nhai nuốt, bao tử, ruột không mới có thể chứa
thức ăn, chẳng "không" làm sao "có" được chứ?
Không, sự thực là chân lí có tánh kiến thiết rất
giàu có, chỉ vì rất nhiều người hiểu lầm ý nghĩa của
"không", thậm chí cho rằng trời cũng không, đất cũng không,
thế gian cũng không, là một sự việc đáng sợ biết bao! Kì
thực, "không", nghe dường như là chẳng có gì cả, nhưng hư
không chẳng phải là bao la vạn tượng, ưng có đều có đó sao?
"Không", nhìn dường như là không hình không tướng, nhưng hư
không vào vuông thì vuông, vào tròn thì tròn, chẳng phải là
có đủ công dụng đối đãi siêu việt, không chỗ nào chẳng có
tướng đó sao?
"Không" của Phật giáo, là dùng để thuyết minh:
Sum la vạn tượng đều là do nhiều thứ điều kiện họp lại mà
thành, do đó chẳng những trong vũ trụ không có sự vật nào
tồn tại độc lập, mà giữa đây kia đều có đủ quan hệ hỗ tương
dựa vào nhau mà sống còn. Quan hệ, điều kiện nói ở đây,
trong Phật giáo gọi là "nhân duyên". "Trung Luận" của ngài
Long Thọ nói:
- Các pháp nhân duyên sanh
- Tôi nói tức là không.
Lại nói: "Vì có nghĩa không, nên tất cả pháp
được thành. Vì không có nghĩa không, nên tất cả pháp chẳng
thành". Do đây có thể thấy, Phật giáo giảng "không", là muốn
"không" các chấp trước, "không" các hai bên, "không" các giả
tướng, "không" các đối đãi, để đem lại cho chúng ta một thế
giới chân thật. Nhân đây, "không" chẳng những không có tánh
phá hoại, mà lại là bản thể xây dựng vũ trụ nhân sinh. Kinh
nói: "Nếu muốn biết được cảnh giới Phật, nên tịnh ý mình như
hư không". Chúng ta nếu như có thể triệt ngộ lí "không",
khiến tâm lượng của chính mình rộng lớn được như hư không,
bèn có thể lí sự viên dung, sự sự vô ngại.
Đức Phật sau khi lên cung trời Đao Lợi thuyết
pháp cho mẹ suốt ba tháng, trở về nhân gian, đệ tử nghe tin
này, tranh nhau nghinh đón, Tỳ-kheo ni Liên Hoa Sắc vận dụng
thần thông, đến trước mặt đức Phật đầu tiên, cung kính lạy
dưới chân Phật và nói:
- Đệ tử Liên Hoa Sắc là người đầu tiên tiếp đón
Phật-đà.
Đức Phật lại nói:
- Người đầu tiên đến tiếp đón ta không phải
ngươi, mà là Tu-bồ-đề đang ở trong hang núi tại thành
Vương-xá ngồi yên quán không. Có thể thấy được chân lí
"không" mới là người chân chính thấy Phật-đà.
Lại có lần, đức Phật trên hội Linh Sơn, cầm một
hạt châu như ý đổi màu, hỏi Thiên vương bốn phương:
- Các ông nhìn xem hạt châu như ý này màu gì?
Thiên vương bốn phương xem xong, có người nói là màu xanh,
có người nói là màu vàng, có người nói là màu đỏ, người thì
nói là màu trắng, Phật-đà bèn thâu châu như ý lại, rồi xòe
tay ra, hỏi bọn họ:
- Hạt châu ma-ni hiện ở trong tay ta đây màu gì?
Các Thiên vương không hiểu chỗ chỉ trong tâm
Phật, không hẹn mà cùng trả lời:
- Bạch Thế Tôn! Trong tay Ngài hiện tại căn bản
không có gì, có bảo châu như ý nào đâu?
Đức Phật bảo bốn Đại Thiên vương:
- Ta đem châu thế gian tầm thường cho các ông
xem, các ông đều biết phân biệt màu của nó. Nhưng lúc bảo
châu đích thực ở trước mắt các ông, các ông lại nhìn mà
chẳng thấy, thật là điên đảo biết bao!
Đích xác, người đời điên đảo, chấp trước cái có
huyễn ảo, mê mình theo vật, nhân đây, lúc có thu hoạch thì
vui mừng hớn hở, lúc có mất mát thì buồn rầu khổ não, lúc
mọi việc thuận lợi thì hưng phấn vô cùng, lúc gặp khó khăn
thì thất vọng gục đầu, tâm tính của chính mình hoàn toàn bị
ngoại cảnh dẫn dắt mà chẳng biết. Nếu như chúng ta có thể
nhận biết tất cả sự vật thế gian đều là vô thường chẳng
thật, dùng chân lí "không" để điều hoà và thống nhiếp quan
niệm đối đãi này, như thế bất kể có cũng tốt, không cũng
tốt; khổ cũng tốt, vui cũng tốt; khó cũng tốt, dễ cũng tốt;
vinh cũng tốt, nhục cũng tốt, chốn chốn nơi nơi đều có thể
làm đến "nên không chỗ trụ mà sanh tâm kia" như trong kinh
Kim Cang nói, thì bèn có thể không đâu chẳng trụ, cuộc đời
như thế không phải là rất giải thoát tự tại sao?
Nhớ lúc tôi vừa đến Đài Loan, trong mình không
có một vật, nhưng tôi không thấy nghèo, cũng không thấy khổ.
Vì được giáo dục trí huệ "không" của mười năm ở tùng lâm
khiến tôi cảm nhận một cá nhân không cần lấy vật chất dồi
dào làm đầy đủ, thử nghĩ trong bầu trời, trăng sao nhấp nháy
khả dĩ cho tôi tự do thưởng thức; trong công viên, cây cối
bông hoa chen chúc khả dĩ cho tôi mặc tình ngắm nghía; ở phố
chợ, đường sá khả dĩ mặc tôi bước đi; thiên nhiên, chim,
thú, trùng, cá khả dĩ tùy ý tôi kết duyên. Tôi cảm nhận sâu
xa sự giàu có của ba ngàn đại thiên thế giới, lại từ đáy
lòng cảm tạ đức Phật vĩ đại, Ngài ngàn cay muôn đắng thể
nghiệm ra lí "không", để tôi có thể tuân theo, học tập, bắt
chước, hưởng dụng. Do tôi có một trái tim "không" rỗng tiếp
nạp tất cả, giờ giờ khắc khắc đều đem thái độ cảm ân, biết
đủ ra phục vụ, dâng hiến. Kết quả vì chính mình mang đến rất
nhiều cơ duyên. Do tôi dùng một trái tim "không" linh động
tiếp đãi sự vật, nơi nơi chốn chốn đều đem pháp hỉ vô hạn
đầy lòng ra hoằng pháp độ chúng, kết quả vì Phật giáo khai
thác trời đất mới toanh. Tôi thể hội được chân đế "phải
không mới có thể có", thực tại là kho báu cuộc đời lấy hoài
chẳng hết, dùng hoài không cạn.
Tôi đã hiểu ra chính mình đến thế gian, là
"không không" mà đến.Sinh sống trên thế gian, là "không
không" mà sống; nhân đây tôi đối với sở hữu trên thế gian,
cũng hiểu là "không không" mà có. Năm 1947, tín đồ cúng
dường tôi một biệt thự hoa viên tinh tế để dùng tiến tu. Tôi
lấy tên là tinh xá Phổ Môn, đẹp thì đẹp, nhưng tôi không
nhận làm sở hữu của mình. Nhân đây, tôi vào năm 1957,
"không" bỏ cái phòng này rồi, ở phố Tam Trọng huyện Đài Bắc
thành lập nơi phục vụ văn hoá Phật giáo, vì văn hoá Phật
giáo mà nỗ lực, về sau nhân vì việc Phật sự hưng thịnh,
không đủ sử dụng, dời đến bên cạnh Viên Hoàn đường Trung
Chính phố Cao Hùng và phụ xây thêm một nhà Ấu Trĩ Viện. Ba
năm sau, có xét việc bồi dưỡng Tăng tài mới là cơ sở căn bản
của Phật giáo, tôi lại "không" bỏ phòng xá yên tĩnh và ấm
cúng trên mảnh đất hoàng kim này đến Phật Quang Sơn hoang vu
vắng vẻ. Theo lối này, đem "không" gian nhỏ đổi lấy "không"
gian lớn. Như nay sự nghiệp Phật giáo được làm càng lúc càng
lớn, đạo tràng Phật giáo xây dựng càng lúc càng nhiều, nhưng
tôi chẳng thấy lớn, cũng chẳng thấy nhiều, thậm chí tôi
chẳng thấy tự mình "có", nhân vì tôi nhận ra rằng tất cả
những cái này đều là sở "hữu" của đại chúng, tôi chẳng qua
chỉ là một nhân duyên trong đó mà thôi.
Thường có người hỏi tôi:
- Phật Quang Sơn có nhiều kiến trúc to lớn như
thế, thậm chí có viện chia ra hơn một trăm gian. Kinh phí to
tát như thế từ đâu ra?
Tôi đều bảo họ:
- Là từ "không" mà ra.
Lấy ngay Phật Quang Sơn mà nói, nó vốn là một
núi đất tre gai mọc đầy cỏ hoang lấp chân, không có người
nào chịu khai khẩn, huống là nói chuyện ở, nhưng trải qua sự
chai tay, chai chân của đại chúng, một phen nỗ lực rồi,
chẳng phải là "trong không sanh diệu hữu" sao?
Phật Quang Sơn sở dĩ có thể từ núi hoang trở
thành thánh địa, đúng như lí niệm mà lúc vừa mới khai sơn
tôi đã đề xuất: "Lấy không làm có, lấy lui làm tiến, lấy
không làm vui, lấy chúng làm mình". Cũng như lúc khai quang
ở Đại Phật Thành, tôi nói pháp: "Lấy nước suối Tây Lai, chọn
đá cát Cao Bình, gộp sức người toàn cầu, xây dựng Đại Phật
tối cao". Chính nhân vì là các duyên hoà hợp, do đó là nghĩa
"không" tạo thành; chính nhân vì tôi "không" không nghèo
thiếu, do đó đông tay nên việc, góp gió thành bão. Như nay
tại Phật Quang Sơn, có ba ngàn người sinh hoạt, ăn uống, tôi
đã không có điền sản ông bà để lại, lại không kinh doanh
buôn bán như thế tục, thậm chí cổ phiếu, bán trả góp tôi đều
dốt đặc cán mai, tôi chỉ là có lòng cất chùa, an Tăng, lo
cho người. Nhưng mà thật lạ lùng, bất kể tôi đến đâu, đồ
chúng đều rất sợ tôi nói một câu:
- Tôi không muốn ở đây, tôi muốn đi!
Có thể thấy nhân sinh thế sự đúng như Tâm kinh
nói, không chỗ được mà được mới là thật được. Từ sự vật có
hình có tướng mà tìm lấy, dù cho chiếm hữu cũng chẳng phải
thật có.
Trên xã hội, nhân vì người không hiểu rõ Phật
pháp mà hiểu lầm nghĩa không, cố nhiên khó tránh khỏi, người
đối với Phật pháp hiểu biết nửa vời mà chỉ lầm nghĩa không,
cũng vẫn có nhiều người. Ví như có số người cho là tất cả
đều không, vô thường huyễn hoá, chẳng nên chấp trước, do đó
cái gì cũng chẳng còn; có số người hiểu được tất cả đều
không, phải kịp xa lìa sớm, chẳng nên tham giữ, do đó chủ
trương tự tu tự độ; thậm chí có số người khoe khoang thế trí
biện thông, đem nghĩa "không" làm hoa tai mắt người. Kì
thực, nếu như chấp trước vào cái không chấp trước, chẳng
phải cũng là một loại chấp trước sao? Tham giữ sự thanh tịnh
vô vi, cũng chẳng phải là một loại tham giữ sao? Không biết
vờ ra vẻ biết, lại không phải là cách làm dối mình, dối
người sao? Số người này đã không cách gì tương ưng với chân
lí "không", lại làm sao có thể "có" Phật pháp chân thật thọ
dụng chứ?
Như đức Phật, xuân hạ thu đông đều mặc một y
phấn tảo, cố nhiên thấy tự tại nhàn nhã, dù cho có khoác y
đính vàng của vua ban, cũng không mảy may kiêu ngạo. Đã có
thể trà thô cơm lạt qua ngày, cũng có thể dùng miếng ngon
vật lạ; đã có thể ăn dưới gốc cây, gội sương dầm gió, cũng
có thể an trụ lầu quỳnh điện ngọc; đã có thể chính mình ở
riêng rừng núi, cũng có thể cùng ở chung với bốn chúng đệ
tử; lúc được tôn sùng cúng dường trước sau như như chẳng
động, lúc bị người huỷ báng dèm pha cũng không hầm hầm nổi
giận. Đức Phật đối với phú quý bần tiện, cùng thông được
mất, thiện ác sạch nhơ, tốt xấu cao thấp, đã chẳng bận tâm
cũng không trôi xuôi theo đời. Tùy cảnh ngộ mà an như thế
này, đem tinh thần lí "không" vào sinh hoạt thực tế chính là
"sự giàu có" lớn nhất của Phật giáo, cũng là di sản lớn nhất
mà đức Phật để lại cho người sau.
Bồ Tát Đề-bà và những Cao tăng đại đức như đại
sư Huệ Tư…, tuy nhiều lần bị người ác độc hại, thậm chí bị
đặt vào chỗ chết, nhưng vẫn không giảm bi nguyện phá tà hiển
chánh, hoằng pháp độ sanh, từ những trước tác của các ngài,
chúng ta có thể biết được. Cái tinh thần "vô duyên đại từ,
đồng thể đại bi", "nhẫn nhục vác nặng, sanh tử nhất như"
này, cũng đều là bắt nguồn từ sự tu hành lâu dài đạt được
trí huệ "không" của Bát-nhã.
Tôi từng đã bị đồng đạo chèn ép, cũng từng bị
giáo đồ đạo khác phá hoại; tôi từng trải qua vô số lần gặp
cản trở, cũng từng qua nhiều lần bị người vu cáo mà trở
thành đối tượng của đơn vị điều tra an ninh, thậm chí nhân
vì bị hiềm nghi làm gián điệp mà nếm mùi lao ngục. Tôi sở dĩ
có thể không oán thù, không hối hận, không khuất phục, không
nhiễu loạn, nhiều lần ngã xuống đứng lên, vượt hiểm như
chơi, là nhân vì tinh thần vô ngã phụng hiến của cổ Thánh
tiên Hiền, trước sau như ngọn đèn sáng trong bóng tối chiếu
soi lên tôi, để tôi khởi lòng tin và dũng khí vượt bực. Tâm
kinh nói: Nếu có thể "chiếu kiến ngũ uẩn giai không", là có
thể "độ nhất thiết khổ ách", thật chẳng phải lời hư dối.
Có một học Tăng hỏi thiền sư Duy Khoan:
- Đạo ở đâu?
Thiền sư Duy Khoan đáp:
- Chỉ ở trước mắt.
- Sao con không thấy?
- Vì ông có "ngã" do đó không thấy.
- Con còn "ngã" nên không thấy; như thế, Thiền
sư thì sao? Ngài thấy rồi chăng?
Thiền sư đáp:
- Có "ngã", có "nhân", càng thấy chẳng được.
- Nếu như không "ngã", không "nhân", thấy được
chăng?
- Không "ngã", không "nhân" ai có thể thấy đạo
chứ!
Chỗ nói: "mượn giả tu chân", trên thế gian, tất
cả mọi sự vật cố nhiên là huyễn hoá đều không, đối đãi nhau
mà có. Nhưng chúng ta cũng phải ở trong nhân sự mình người
duyên khởi tạm có này mà tu trì. Bằng không, làm sao thể
chứng chân đế "chân không chẳng ngại diệu hữu, diệu hữu
chẳng ngại chân không" được? Nhân đây, khi tham học ở tùng
lâm trong mười năm, tôi tuy lấy tham thiền đả toạ, lễ Phật,
niệm Phật làm công khoá của mình, cũng từng có cảnh giới hồn
nhiên vong ngã, mất cả thân tâm, nhưng tôi chỉ đem tôn giáo
quý báu này thể nghiệm sự chân tu thực học vào trong sinh
hoạt thực tế; hoàn toàn không vọng tưởng vào núi đóng cửa
thất. Tôi từng đã chích máu chép kinh, cấm túc tịnh khẩu,
quá ngọ không ăn, khổ hạnh làm việc, nhưng tôi đều xem chúng
là quá trình rèn luyện thân tâm, hoàn toàn không chấp trước
bất cứ việc gì trong đó. Tôi từng thăm viếng, học hỏi ở các
danh lam cổ sát, trải qua luật, giáo, thiền, đối với việc tu
trì chuyên môn của từng tông tôi nhận rằng có chỗ hay để
thâm nhập một môn. Nhưng tôi vẫn chủ trương Phật giáo nhân
gian, tám tông cùng hoằng dương; cho dù tôi chịu sự giáo dục
vô tình vô lí, nhưng tôi về sau đối với đồ chúng của mình
lại chọn lấy phương thức "từ nghiêm cùng trọng".
Từng có một vị cư sĩ tại gia hỏi thiền sư Trí
Tạng:
- Có thiên đường, địa ngục hay không?
Thiền sư trả lời rằng:
- Có.
- Có Phật Bồ Tát hay không?
Thiền sư vẫn đáp: "Có".
Tóm lại, bất kể anh hỏi cái gì, thiền sư Trí
Tạng đều đáp: "Có".
Vị cư sĩ này nghe xong, nói:
- Lạ thật! Con đem vấn đề này hỏi thiền sư Kính
Sơn, Ngài đều nói: "Không".
Thiền sư Trí Tạng hỏi ông ta:
- Ông có vợ không?
Cư sĩ đáp:
- Có.
- Ông có con cái không?
Cư sĩ vẫn đáp:
- Có.
- Thiền sư Kính Sơn có vợ không?
Cư sĩ lại đáp:
- Không có.
- Thiền sư Kính Sơn có con cái không?
Cư sĩ vẫn đáp:
- Không có.
Thiền sư Trí Tạng nghiêm trang nói:
- Thiền sư Kính Sơn không có vợ con, do đó nói
với ông "không". Ta nói với ông "có", vì cư sĩ có vợ con mà!
Công án giống như thế cũng phát sinh ngay với
thiền sư Triệu châu, người ta hỏi Ngài: Con chó có Phật
tánh không? Ngài cũng lúc thì trả lời "không", lúc thì đáp
"có". Đây là vì chân lí chỉ có một, "có – không" chỉ là hai
mặt của chân lí, nhưng chân lí là do người mà khác, thiền sư
nói có hoặc nói không, chỉ là theo từng mặt bất đồng mà
thuyết minh chân lí có ở khắp nơi. Do đó, người thọ giáo cố
nhiên phải nên như "hư không", tiếp nhận tất cả, mới có thể
tiếp thu học tập sự vật đã có. Người chỉ dạy, cũng cần phải
giống như "hư không", có đủ mọi hình tướng mới có thể đạt
được hiệu quả của đồng sự nhiếp thọ.
Trong 50 năm hoằng pháp sinh nhai, tôi đã lội
khắp các sự nghiệp Phật giáo: Giáo dục, văn hoá, từ thiện,
cộng tu… tuy biết rõ chuyên làm một loại có thể giảm thiểu
nhân lực, vật tư, nhưng tôi vẫn là nhiều hạng cùng làm. Tôi
từng nhiều lần vùng thôn quê dân dã bố giáo, cũng thường đến
thành thị đô hội hoằng pháp. Tôi chú trọng giáo dục thanh
niên, thiếu niên, cũng vì phụ nữ, người già mở lớp dạy học.
Tôi xếp đặt các loại hoạt động hiện đại, nhưng cũng chẳng bỏ
lơ pháp hội truyền thống. Mặc dù để trù tính các thứ, ắt
phải không từ rắc rối, động não không ngừng. Nhưng thật như
kinh Lăng Nghiêm nói: "Quy nguyên vô nhị lộ, phương tiện hữu
đa môn". Về nguồn không hai đường phương tiện có nhiều cửa.
Chúng sanh chẳng phải ở trong phương tiện nhiều cửa này mà
được khải phát sao? Phật giáo cũng chẳng ở phương tiện nhiều
cửa này mà phát triển sôi nổi sao?
Đến nay tôi vì tuổi đã cao, mang theo thân già
bịnh mới giải phẫu, mỗi ngày đối mặt với hành trình đã sắp
đặt đầy ắp, nhưng tôi chẳng thấy bên thân có người, có việc,
do đó tôi có thể đồng thời giải quyết rất nhiều việc, cũng
có thể đồng thời tụ tập người bất đồng, thuyết giảng đề tài
bất đồng. Tôi chẳng thấy đến nơi này, đến nơi kia, do đó tôi
có thể nằm gối mà ngủ, cũng có thể ngồi xe mà ngủ. Tôi có
thể ở trên máy bay thuyết pháp, cũng có thể ở trong tàu lặn
khai thị. Có người hỏi tôi:
- Có bí quyết nào mà có thể mặc tình tiêu dao
như thế?
Tôi thường đem chuyện thiền sư Đạo Thọ kể cho
mọi người, thuyết minh chỗ hay của lí "không" thuận theo tự
nhiên, thực tiễn:
Chùa do thiền sư Đạo Thọ xây cất ở gần đạo quán
của đạo sĩ. Các đạo sĩ vì thấy chùa ở bên cạnh chịu không
nổi, do đó mỗi ngày đều tìm cách nhiễu loạn Tăng chúng. Lúc
thì hô phong hoán vũ, sái đậu thành binh; lúc thì gió thổi
điện xẹt, bóng ma chàng ràng. Quả nhiên không ít các Sa-di
nhỏ tuổi sợ quá bỏ đi. Thiền sư Đạo Thọ chẳng hề sợ hãi, một
mình ở đấy hơn mười năm. Cuối cùng pháp thuật của đạo sĩ đã
dùng hết sạch, chỉ đành bỏ đạo quán, dời đi nơi khác.
Có người hỏi thiền sư Đạo Thọ:
- Bọn đạo sĩ pháp thuật cao cường, Ngài làm thế
nào thắng được họ?
Thiền sư Đạo Thọ đáp:
- Tôi chẳng có pháp thuật gì, chỉ dùng một chữ
"không" thắng họ thôi.
- "Không", làm sao có thể thắng họ được chứ?
- Bọn họ có pháp thuật, "có" là có hạn, có cùng,
có tận, có lượng, có bờ mé; còn tôi không pháp thuật,
"không" là không giới hạn, không cùng, không tận, vô lượng,
vô biên. Do đó cái "không" của tôi biến hoá, phải hơn cái
"có" của bọn họ biến hoá.
Tại đây xin khuyên người đời: "Có" thì có được,
có mất, "có" là cái có hạn, có ngại. Nhân đây tìm cái "có"
chân thật, chẳng thể tìm trong cái "có" hư ảo. Nếu như anh
có thể có tư tưởng "không", dù cho gặp nguy nan bách hại,
cũng chẳng có mất mát, ngược lại càng có thể hiển xuất chí
khí lỗi lạc của anh. Đây có thể so với việc rút dao chém
nước, không cách gì ngăn trở dòng sông trôi chảy. Nếu như
anh có thể ôm giữ thái độ "không", dù cho sinh hoạt ngay
trong ngũ dục lục trần, cũng không bị ảnh hưởng, ngược lại
càng có thể thể hội ra sự hàm chứa phong phú bên trong. Đây
bèn như mặt gương không bụi, có thể rõ ràng ánh hiện vạn
vật. Nhân vì chỉ có "không", mới có thể "có" đấy!