Thư Viện Chùa Dược Sư
PHẬT HỌC CƠ BẢN
 
TẤT CẢ ĐỀU LÀ LẼ ĐƯƠNG NHIÊN
LỜI GIẢI ĐÁP CHO CON NGƯỜI
Có Lúc Nghỉ Ngơi Vĩnh Viễn
Tinh Vân Hoà Thượng
Hạnh Huệ soạn dịch từ Tinh Vân Bách Ngữ
---o0o---
        Từ khi gia nhập hàng ngũ hoằng pháp lợi sanh rồi, gần năm mươi năm nay, hành khước khắp nơi chưa hề ngơi nghỉ, nhất là mấy năm gần đây, vòng quanh khắp năm châu, lại là chiếu không kịp ấm. Có người quan tâm, hỏi tôi: "Thầy vì sao không chịu nghỉ ngơi?" Tôi đều đáp thế này: "Tương lai sẽ có lúc nghỉ ngơi vĩnh viễn".
            Từ nhỏ tới lớn, tôi một mực thích xem truyện của các danh nhân. Lúc để hồn dạo khắp cổ kim trong ngoài, tôi thường phát hiện sự thành công dường như thuộc về người siêng năng phấn đấu làm việc. Còn người kiêu sa phóng dật thì nhất định mạng vận chạy về phía thất bại. Nhiều năm nay, tôi đạp khắp các nơi trên toàn cầu khảo sát nhân văn phong tục, sau khi so sánh, thầm thầm cảm nhận quốc gia có tiền đồ sung mãn đầy hi vọng thường là có nhân dân lạc quan tiến thủ. Ngược lại, trong những nước lạc hậu bần cùng thì dân chẳng biết siêng năng tạo dựng, khắp nơi đều thế. Tôi phát giác người nào có đủ bạn bè bền gan nhiều nghị lực, bền bỉ bất khuất, thì cuộc sống rất đầy đủ hạnh phúc. Tôi, chính mình đã làm qua các việc lao nhọc, cực khổ khác nhau, chỉ cần lợi ích hữu tình. Dầu cho là trải qua một phen cay đắng phấn đấu, đều có thể khiến tôi trọn đời thấm thía vô cùng. Do đó tôi thường răn nhắc đồ chúng rằng:
            Tinh tấn cần lao, là đức lành, là giàu có. Giải đãi phóng dật, là tội ác, là bần cùng.
            - Nước đứng dễ sanh trùng, đá lăn không mọc rêu .
            "Trời vận hành mạnh mẽ, quân tử dùng tự cường không dừng". Trong đại tự nhiên, bốn mùa xoay vần thay đổi, hành tinh vận chuyển không dừng. Chúng ta là một phần tử trong đại tự nhiên, đâu thể lẫn trốn giữa trời đất? Mà hiện tượng "Nước đứng dễ sanh trùng, đá lăn không mọc rêu" đã thuyết minh rõ, chỉ có đem chính mình "động" lên, mới có thể sáng tạo sức sống vô hạn. Chỉ có tinh tấn không biếng lười, mới là thuận ứng lòng trời, thuận với đạo an thân lập mạng. Nhân đây, tôi đối với những người khuyên tôi không nên bận rộn, khéo giữ gìn thân thể mà bảo họ rằng: "Bận rộn mới là bảo trọng". Vì tương lai chúng ta đều có thời gian nghỉ ngơi vĩnh viễn.
            Đại sư Trí Giả đời Tùy khi đọc đến phẩm Dược Vương Bồ Tát trong kinh Pháp Hoa, liễu ngộ "Tâm duyên khổ hạnh, thị danh tinh tấn", lập tức hoát nhiên khai ngộ. Tôi tuy tự than không có phước đức để khéo nhập vào trí huệ Phật này, nhưng sống đời xuất gia được nửa thế kỉ nay, và mấy mươi năm âu lo nung đốt, khiến tôi xác thực thể hội được rằng tu hành không phải là những khổ vui vinh suy bề ngoài mà là ở chỗ chân tu thật học, hiển phát ánh sáng rực rỡ của tự tánh; ở trong chỗ chí hành kiên cố, làm lộ ra sức bi nguyện. Nếu đem bận rộn và nhàn hạ ra nói thì thà có thể bận rộn mà chết, chứ không cần nhàn hạ mà sống. Vì trên cơ bản sự nghỉ ngơi quá phận đợi đến ngủ Đông, là đợi ở lãng phí sinh mạng.
            Tôi thường xem một số thanh niên vốn rất có mục đích, sau khi học Phật, nếu không vội vàng đóng cửa niệm Phật, vào núi tu thiền, mượn cớ tránh né bận rộn thì cũng là muốn đi xây dựng gia miếu, rộng thâu đệ tử, dùng hoá duyên quyên góp tự mưu việc ấm no là đủ. Kết quả, nếu chẳng ở trong năm tháng tịch tĩnh làm tiêu ma hết chí khí, thì cũng ở trong sự cúng dường nồng hậu chôn vùi hết từ tâm bi nguyện; trong lòng thật là cảm đau đớn! Xem lại Phật-đà sau khi chứng ngộ chân lí, lại đi khắp nơi hoằng pháp lợi sanh, cho đến tám mươi ngài vẫn kéo thân thể bệnh hoạn mỏi mệt, hành hoá hai bên Hằng Hà. Chúng ta lại xem đến Bồ Tát nhiều kiếp lúc ở nhân địa tu hành, tinh tấn không lười, cay đắng nhọc nhằn, độ thoát hữu tình cho đến tuy xả thân, đầu, tuỷ não, quốc thành thê tử mà chẳng khởi mảy may lòng sân hận.
            Bậc Hiền Thánh sở dĩ có thể ở trong biển sanh tử dài lâu, tạo phước hưng thiện, trọn không chán mỏi, là vì các vị đều lập vững chí hướng rộng lớn xa vời, bền chịu trăm nhẫn này không oán trách, không hối hận. Chúng ta là một nạp Tăng, phước mỏng huệ cạn, có chúng sanh vô tận cần độ thoát, có pháp môn vô lượng cần học tập, làm sao dám ham khỏe ghét nhọc, ngồi hưởng sự thành công? Muốn đoạn trừ phiền não vô biên, siêng cầu Phật đạo vô thượng, há là chỉ biết ẩn giấu trốn đời hoặc một mực vào đời mị hoặc người thế tục mà có thể dễ dàng thành tựu?
            Có câu "Thân người khó được nay đã được, Phật pháp khó nghe nay đã nghe". Nếu như chúng ta không nắm bắt lập tức, tích cực hành đạo mà để thời gian vùn vụt trôi qua, một mai chẳng phụng hiến được gì, theo nghiệp báo mạng hết, há chẳng phụ của tín thí ở mười phương? Còn nếu dưới cà-sa mất thân người, hãm vào nơi muôn kiếp không trở lại được, thì càng hổ thẹn với lòng từ bi của chư Phật, Bồ Tát.
            - Tôi chẳng lo tuổi già, cũng chẳng có thời giờ để già .
            Từng có một đồ chúng nhiều năm theo học bên ngoài, lúc trở về trả phép, ngạc nhiên nói với tôi:
            - Sư phụ! Thầy làm sao mà không già chút nào vậy?
            Tôi đáp:
            - Vì tôi không có thời gian để già.
            Khổng Tử từng nói: "Còn làm người, phẫn uất quên ăn, vui thì quên lo, chẳng biết cái già sắp đến".
            "Già", điều đáng sợ nhất là sự suy thoái của tâm lực chứ không phải là sự tăng thêm tuổi tác. Có một số người tuy tuổi còn trẻ mà tâm đã muốn già rồi, do đó chỉ có ngồi đợi chôn, như xác biết đi, như đống thịt biết chạy mà sống trên đời. Có số người mặc dầu tóc bạc đầy đầu, tinh thần lại sung mãn, càng già càng dẻo, như Mã Viện đời Đông Hán tuổi cao mà xung phong hãm trận giữa sa trường, phát xuất lời hào hùng "Da ngựa bọc thây" khiến người động lòng xót ruột, phu nhân Meigh của Ixraen tuổi độ tám mươi vẫn dự những buổi đàm phán ngoại giao trong chiến tranh, bà từng khoáng đạt nói:
            - Tôi chẳng lo tuổi già, tuổi già như phi cơ bay trong mưa gió. Bạn không có cách gì ngăn gió mưa, cũng không thể dừng phi cơ lại. Do đó chẳng bằng "Lạc thiên tri mệnh", cứ để nó bay!
            Chẳng kể là ở trong chiến trường nhân sinh đầy ngũ dục, lục trần bôn ba cũng tốt, hoặc là trong thế gian mưa gió ngũ vị tạp trần rong ruổi cũng xong. Quang âm như nước chảy, dễ qua mà khó trở lại, cần dùng sinh mạng có hạn để hoàn thành sứ mạng vô cùng, đem tinh thần vũ trang lên, tạo cuộc chạy đua trường kì với thời gian. Do đó, tôi cố để tốc độ giải quyết việc nhanh chóng nhất một số vấn đề chồng chất từ lâu, đã bó tay khó tính, chỉ cần đến chỗ tôi, một lần lập tức giải quyết. Vì thế có tiếng là "Trung tâm giải quyết tức thì". Bất kể là hành trình bận rộn bao nhiêu, hễ đáp ứng lời mời của người khác rồi, thì tôi nhất định nghĩ hết biện pháp đúng giờ đến dự. Vì thế mà được tiếng khen "Hạn thời khoái đệ", đến hẹn một cách hoả tốc. Lúc trẻ tôi từ đi bộ dạy dỗ đến đi xe đạp hoằng pháp, về sau dùng hoả xa, xe hơi thay bước vào Nam ra Bắc. Hiện tại dầu đi máy bay, xuyên khắp quốc tế nhưng vẫn là mỗi ngày bận rộn quá chừng. Trên cuộc sống, tôi hết sức đơn giản, rửa mặt một cốc rưỡi, cạo đầu năm phút, chính vì tiết kiệm thời gian, làm việc nhiều hơn.
            Dài lâu về sau, tôi tự mình huấn luyện biết yên phận, do đó bất kể ở buồng máy, toa xe, chợ búa, quán trọ tôi đều có thể tự tại xem báo, đọc sách, dựa vào đó dụng công hấp thu sự hiểu biết mới, đốc xúc chính mình đồng tiến với thời gian. Lúc tôi xuất gia, từ việc sắp xếp công việc, đi trên đường, học tập lợi dụng thời gian vụn vặt, cho đến ngày nay, ngay dầu mấy phút rỗi rảnh khi tản bộ, trong khai thị, tôi đều không để lãng phí. Một số kế hoạch đại cương, vài trang thư pháp kết duyên, thường đều hoàn thành trong lúc này. Tôi hận không được một ngày xứng với dụng của một năm, một tuần xứng với dụng một đời.
            - Dụng hết thân tâm, chẳng có thời gian bệnh não.
            Có lúc nhận thư của tín đồ, cuối thư chúc phúc tôi "ít bệnh ít não", kì thực tôi chẳng có thời gian già, đương nhiên cũng không có thời gian sinh bệnh, càng không có thời gian phiền não. Đại sĩ Duy Ma Cật nói: "Chúng sanh bệnh, thế nên tôi bệnh". Thiền sư Triệu Châu nói: "Phật là phiền não, phiền não là Phật". Hành giả Bồ Tát đạo vì có thể từ Phật tánh bình đẳng nhất như và trên quan hệ mình người chẳng hai mà đối đãi với chúng sanh, do đó xem tật bệnh của chúng sanh là tật bệnh của chính mình, xem phiền não của chúng sanh là phiền não của chính mình. Nhân đó có thể cam tâm tình nguyện làm trâu ngựa cho chúng sanh, chẳng cho là khổ. Tôi từ bé dự vào tùng lâm, ngày đêm huân tập, lấy bậc tiên hiền làm thầy, do đó ngày đêm không ngừng dạy dỗ truyền trao, khiến người hoan hỉ, chẳng dám biếng lười, tôi dãi gió dầm mưa tiếp dẫn Phật tử, bố thí vô uý, chẳng biết oán than hối hận. Tôi đem pháp hỉ "tha thọ dụng" chuyển thành thiền duyệt "tự thọ dụng". Tôi đem sở đắc "tự thọ dụng" chuyển thành lợi ích "tha thọ dụng". Nhiều năm nay, luôn luôn biết rằng vì người khác làm việc giống như là làm công tác cho chính mình, do đó hứng thú càng nhiều, ngay cho gặp phải khó khăn trở ngại, cũng chẳng hề thối tâm đổi ý. Dầu bệnh tật nhiễm vào người, cũng vẫn công tác như thường, vui với việc này chẳng mệt.
            Mấy năm trước, chân tôi bị té gãy, nhiều tiếng quan tâm nổi lên:
            - Sư phụ! Chân của Thầy không tốt, chẳng nên đi đường nhiều!
            - Chân tôi đúng là không thể chạy rồi, lại có tay nè! Người xưa chẳng phải thường nói "Song thủ vạn năng", hai tay vạn năng sao? Một thoáng mắt, quang âm mấy năm như ngựa trắng qua khe cửa, tôi chẳng những đi quanh địa cầu, chạy hết mấy vòng, thậm chí vì để trù tính quỹ xây cất Đại Học Tây Lai, Đại Học Phật Quang, đã viết không dưới một ngàn trang chữ bút lông, cầm đi bán gây quỹ.
            Mấy năm nay, thị lực của tôi ngày càng giảm sút, bác sĩ từng cảnh cáo tôi, nếu không khéo bảo dưỡng, sẽ có cái lo mất sáng. Lập tức, bên tai lại có bao nhiêu là dặn dò:
            - Sư phụ! Mắt của Thầy không tốt, chẳng thể phí thần quá!
            - Mắt của tôi đúng là dùng không trúng rồi, nhưng lại có miệng nè! Cái miệng rất dễ dàng tạo công đức.
            Thời gian mấy năm vùn vụt qua, tôi chẳng những xem hết hơn ngàn thiên văn cảo, lại chủ trì qua vô số trường giảng kinh, khai thị.
            Nửa năm trước, tim tôi càng đau kịch liệt, lúc hít vào thở ra thật khó chịu, thật chính cảm nhận mạng người trong hơi thở, càng biết được chẳng thể tùy tiện nghỉ ngơi, do đó không lúc nào chẳng nhắc nhở chính mình, tăng mau bước chân hoằng pháp.
            Gần đây nhất, tôi làm thủ thuật huyết quản của tim. Một số đệ tử đến thăm đều nói:
            - Sư phụ! Tim của Thầy không tốt, chẳng nên quá mệt!
            - Trái tim thịt tuy có tổn chút ít, nhưng tâm chân như đâu từng có thiếu? Chỉ cần "có tâm", không việc gì chẳng xong.
            - Trong công tác có thể nghỉ ngơi, trong nghỉ ngơi cũng có thể công tác
            Bọn họ thường khuyên tôi: "Nghỉ ngơi là để chạy trên con đường còn dài vời vợi".
            Chợt nghe lời này, tợ hồ rất có đạo lí, kì thực "nghỉ ngơi" hoàn toàn chẳng tất nhiên có thể "chạy trên con đường trường viễn".
            Trên xã hội, một số người dầu chiều xuống đến giờ ngủ, nhắm hai con mắt, tâm niệm lại không ngừng nghỉ chuyện ban ngày, nhân đây cũng có người lăn qua lăn lại, cũng có người đêm không yên giấc. Bình thường lúc nhàn hạ không cần phải nói, nơi cửa sáu căn không ngớt hướng ngoại phan duyên, chẳng những không thể đạt đến mục đích nghỉ ngơi, thậm chí lại tăng thêm khá nhiều vô minh phiền não, làm nhiễu loạn tinh thần lúc làm việc. Do đó nghỉ ngơi chân chính, phải là dừng hết sáu căn, dứt thôi vọng niệm. Nếu có thể như thế thì chân tâm hiện tiền, tự nhiên có thể tiến một bước khéo dụng căn trần, chuyển thức thành trí, cứu khắp hữu tình trong thiên hạ, làm đến chỗ "chẳng nghỉ ngơi mà nghỉ ngơi, nghỉ ngơi mà chẳng nghỉ ngơi". Như Bồ Tát Đại Thế Chí "thu nhiếp sáu căn, tịnh niệm tương tục, được Tam-ma-địa, đây là đệ nhất", thành tựu niệm Phật viên thông; mà Bồ Tát Quán Thế Âm "Ban đầu ở trong cái nghe, vào dòng quên cảnh, chỗ nhập đã lặng, hai tướng động tĩnh rõ ràng chẳng sanh". Nên có thể "ngàn chỗ mong cầu ngàn chỗ ứng, biển khổ thường làm thuyền đưa người".
            Tôi tự thẹn hành trì cạn cợt, không có công lực thâm hậu như thế. Nhưng vì có thể giữ gìn một khối tâm linh an tĩnh, do đó tôi có thể đồng thời nghe chuyện, hỏi đáp, xem thư, ăn cơm… mà lại có thể gọi mỗi một người gần bên. Lúc ghi âm tiết mục truyền hình, tôi cũng có thể ở tình huống không đủ bản văn, không xem đồng hồ, an nhiên nói ra một tắc pháp ngữ, câu chuyện, lại đúng giờ kết thúc không sai.
            Sở dĩ tôi thường nói: Chỉ cần người bận, tâm không bận, trong công tác có thể nghỉ ngơi, trong nghỉ ngơi cũng có thể công tác. Có câu: "Chốn chốn không tung tích, oai nghi ngoài thanh sắc"; vô trụ sanh tâm, tùy duyên ứng vật, tuy ngàn cân đặt trên đỉnh đầu, cũng có thể nâng nặng như nhẹ.
            Ý nghĩa đời người ở chỗ sáng tạo sanh mạng vũ trụ tiếp nối, còn chỗ có thể "chạy trên con đường dài xa" hay không đều không trọng yếu. Như Tăng Triệu tuy mất sớm, Triệu Luận của Ngài vẫn là sách quý trọng yếu thời kì đầu tiên Phật giáo truyền vào Trung Quốc. Thái Ngạc tuy chỉ sống gần tuổi ba mươi, nhưng vì ông ta phấn đấu không kể thân mạng, nêu rõ âm mưu của Hồng Hiến đế chế, khiến ức vạn nhân dân khỏi được vận nguy của quân chủ chuyên chế. Móc sớm tuy dễ tan nhưng nó đã thấm nhuần mặt đất, ánh dương mùa đông tuy ngắn ngủi, nhưng làm tan được băng sương. Chúng ta nên hăng hái, một hơi thở vẫn còn kịp thời gắng sức, ngọn lửa thiêu đốt sinh mạng đã bùng lên, để lại ánh sáng rực rỡ, chiếu rọi người sau, vì tương lai có lúc nghỉ ngơi vĩnh viễn.
            Cổ Thánh, tiên hiền hạnh nguyện tinh tấn, chẳng chịu dễ dàng đánh mất thời gian, thường dùng kiên trì đến sát-na cuối cùng. Như đại sư Đạo An ở trong toà thuyết pháp lớn đứng tịch, đại sư Huệ Viễn ở trong tiếng niệm Phật mà vãng sanh, đại sư Huyền Trang viên tịch khi đang cầm bút dịch kinh, thiền sư Phật Ấn ngồi nhập diệt lúc đang tiếp dẫn tín đồ, phong thái cử chỉ của các Ngài thanh thoát tự tại như thế! Nay tôi đã bảy mươi mà biết mệnh trời, sanh diệt vinh suy đối với tôi như mây nhạt gió nhẹ, như chỗ nói: "Có cái chết nặng như Thái Sơn, có cái chết nhẹ tựa lông hồng". Nếu có thể có phước báo này, tại lúc công tác tinh tấn mà lặng lẽ ra đi, cũng chẳng là "đắc kì sở tai!", ý nghĩa phi phàm!
            - Bồ Tát thường tinh tấn chẳng nghỉ ngơi.
            Chết chóc mạng chung, bề mặt nhìn thì là chỗ cuối cùng của đời người hướng đến. Kì thực không phải một xong trăm xong, lúc đại hạn đến, căn thân chúng ta tuy mục nát tan diệt, nhưng tâm thức vẫn theo nghiệp lực mà lưu chuyển năm đường. Chúng ta là phàm phu tục tử từ vô thuỷ kiếp đến nay, muôn sống ngàn chết, ngàn sống muôn chết, hoặc thai trâu bụng ngựa, hoặc địa ngục ngạ quỷ, đâu từng ngừng nghỉ? Nếu người ngu chẳng biết, sát trộm dâm vọng, không gì chẳng làm, đời này cố nhiên sợ hãi chẳng an, đời sau lại phải chịu hết khổ báo. Thiền sư Quy Sơn rất là vĩ đại, phát nguyện đời sau làm trâu, phục vụ đại chúng. Đức Phật lúc tu hành ở nhân địa, nương sức thệ nguyện lớn, nhiều đời thọ sanh vào phi đạo, dùng thân cầm thú để độ thoát vô lượng hữu tình, lại là bi nguyện vô tận. Tôi tuy tài đức cạn mỏng, nhưng tự nghĩ có một tấm lòng từ bi bất diệt, xin nguyện đời đời kiếp kiếp đến cõi Ta-bà này xuất gia làm Tăng, trọn không ngơi nghỉ hoằng pháp lợi sanh.
Thiền sư Hoàng Bá nói rất hay:
            "Ông trên một niệm tâm có tánh quang thanh tịnh là Phật Pháp thân trong nhà ông".
            "Ông trên một niệm tâm có ánh sáng không sai biệt là Phật Báo thân trong nhà ông".
            "Ông trên một niệm tâm có ánh sáng chiếu soi là Phật Ứng thân trong nhà ông".
            Chân như Phật tánh, người người sẵn đủ, chẳng nhờ cầu bên ngoài, chúng ta chẳng cần cầu xa xôi kiếp sau an lạc hưởng phước, cũng chẳng cần khát vọng chư Phật Bồ Tát thị hiện cứu độ, chúng ta tự mình phải nỗ lực khai mở Phật tâm tự tánh sẵn tự đầy đủ, phát nguyện làm ngàn trăm ức Hoá thân của chư Phật ba đời, bắt chước Bồ Tát Thường Tinh Tấn, tinh thần ma-ra-tông của Bồ Tát không nghỉ ngơi, chạy trên đường thế gian, trọn không dừng bước cứu khắp mười phương, tự độ, độ người. Chỉ cần anh nghĩ tương lai sẽ có lúc nghỉ ngơi vĩnh viễn, sao không sấn lên hiện tại tinh tấn nỗ lực?
--o0o--