Thư Viện Chùa Dược Sư
PHẬT HỌC CƠ BẢN
 
VỀ BỘ TƯỢNG NĂM VỊ TẠI CÁC NGÔI CHÙA CỔ Ở NAM BỘ
TS. Trần Hồng Liên
---o0o---
            Khái niệm và thuật ngữ chỉ bộ tượng 5 vị gồm Phật Thích Ca và 4 bồ tát, cho đến nay quả thật còn chưa thống nhất. Khi khảo sát các ngôi chùa cổ, có người đã định tên cho bộ tượng này là bộ Ngũ Hiền[1]. Thật ra cách gọi trên chưa thật thỏa đáng! Tên gọi Ngũ Hiền phù hợp và thường được dùng để nói đến các bậc thánh hiền. Và như vậy, một mặt nào đó đã hạ thấp vị trí và vai trò của Phật và Bồ Tát. Năm tượng này được gọi là 5 vị vì trong Phật giáo, khái niệm 5 vị bao gồm tất cả Bồ Tát 10 phương[2]. Trong sách Phật, bốn bồ tát Quán Thế Âm, Đại Thế Chí, Văn Thù, Phổ Hiền là 4 vị tiêu biểu cho các hạnh nguyện và đức tính căn bản để trở thành bậc giác giả (Buddha) 
            Quán Thế Âm Bồ Tát hay Bồ Tát Quán Tự Tại, còn gọi Avalokitesvara, là vị Bồ Tát của lòng từ bi cứu độ chúng sinh. Đại Thế Chí bồ tát, còn gọi là Mahasthamaprata, tiêu biểu cho hạnh nguyện cứu độ chúng sinh, tinh thần đại hùng đại lực. Quan Thế Âm Bồ Tát và Đại Thế Chí Bồ Tát được đặt hai bên tượng A Di Đà Phật trong cấu trúc Bộ tượng “Di Đà tam tôn”, có hầu hết ở các chùa và là hiện thân của  tha lực cứu độ.
            Văn Thù Sư Lợi Bồ Tát còn gọi là Manjurci, tượng trưng cho lý trí, trí tuệ, là vị bồ tát hiểu thấu phật tánh, có đầy đủ ba đức: pháp thân, bát nhã, giải thoát[3], hằng đem ba đức ấy cứu độ chúng sinh. Phổ Hiền Bồ Tát, còn gọi là Samantabhadra, là vị Bồ tát có 10 hạnh nguyện lớn, tượng trưng cho chân lý, hạnh và từ bi. Văn Thù Bồ Tát và Phổ Hiền bồ tát thường được đặt thờ trong hệ thống bộ tượng  Hoa nghiêm tam thánh, còn gọi là bộ Thích Ca tam tôn, chung với Thích Ca ở giữa, ngụ ý Phật Thích Ca dùng chân trí để thâm đạt chân lý, hoặc tượng trưng cho Bi (Phổ Hiền ) và Trí ( Văn Thù ) viên mãn của Phật Thích Ca, nên hai vị Bồ Tát này thường có mặt ở bên trái và  phải của tượng đức Phật,  là hiện thân của tự lực .
            Tại Nam Bộ, hai hệ thống tượng này, gồm 6 tượng,  được kết hợp lại thành một bộ tượng gồm 5 vị với một  vị ở giữa, vừa mang ý nghiã là Phật A Di Đà trong cấu trúc “Di Đà tam tôn”, vừa là Thích Ca Mâu Ni Phật trong hình tượng “Hoa nghiêm tam thánh”.
            Mặt khác, trong dân gian còn lưu truyền ý nghĩa 5 vị này có nguồn gốc từ truyện phong thần, đã giải thích Phật và Tứ Chúng mang phong cách thượng kỳ thú ( ngồi trên lưng thú ) đi can gián hai nhóm Thiên Tiên và Địa Tiên đánh nhau, kêu gọi hai nhóm này hãy trở về nguyên dạng các con vật đã quy y Phật. Đây có thể là một huyền thoại được nêu lên nhằm mục đích kêu gọi tất cả các loài hãy bỏ dữ làm lành, noi gương hạnh, nguyện, bi, trí của Phật và 4 vị Bồ Tát này.
            Trong thực tiễn này ở Nam Bộ, tại các ngôi chùa cổ dưới triều Nguyễn, bộ tượng 5 vị là một đặc trưng riêng có tại đây, được thể hiện dưới nhiều phong cách, chất liệu khác nhau. Tại đa số chùa cổ, tượng được tạc bằng gỗ mít nài, to nhỏ khác nhau đôi chút, nhưng vẫn là dạng thượng kỳ thú. Trong địa phận thành phố Hồ Chí Minh, các chùa Giác Lâm (quân Tân Bình), Giác Viên và Phụng Sơn (quân 11), Long Thạnh (Bà Hom, huyện Bình Chánh), … là những ngôi chùa cổ đặt thờ bộ tượng này.
            Bộ tượng 5 vị chùa Giác Lâm, được xem là bộ tượng xưa nhất, được tạc bằng gỗ mít nài, thếp vàng, cao 80 cm. Tượng Thích Ca đặt giữa, ngồi trên tòa sen làm bệ đỡ, cao hơn các tượng khác. Bố cục bệ hình thang nên dáng ngồi vững chãi; 4 tượng Bồ Tát đều ngồi một bên lưng con vật. Phổ Hiền bồ tát ngồi trên mình voi, tay cầm nhánh sen hồng. Đại Thế Chí bồ tát và Quan Thế Âm bồ tát cưỡi sư tử, tay cầm cuốn thư. Văn Thù bồ tát, tay cầm cành như ý, cưỡi sư tử. Các con vật đều nằm trong tư thế phủ phục .
            Ở chùa Giác Viên, bộ tượng 5 vị cũng có cùng phong cách với chùa Giác Lâm. Tại chùa Phụng Sơn, bộ tượng 5 vị bằng gỗ, dạng thượng kỳ thú. Đặc biệt, chùa có tạc tượng Phổ Hiền Bồ Tát cưỡi voi 9 ngà. Tượng Thích Ca cũng có dạbng ngồi trên mình thú và tất cả các con vật đều đứng. Thích Ca và Bồ Tát đều đang bắt ấn quyết (mudra). Chùa Long Thạnh, do bị hư hoại sau chiến tranh, nên bộ tượng 5 vị được tạc lại bằng xi măng, sơn màu bên ngoài. Phật và Bồ Tát đều bắt ấn và ngồi trên mình thú. Đặc biệt, hình tượng Quan Thế Âm và Đại Thế Chí trong bộ tượng này ở tất cả các chùa đều được tạc dưới dạng cư sĩ, xỏa tóc thành 6 tết xuống tận vai, tượng trưng cho lục độ[4]. 
            Ngoài ra, tại một số chùa cổ như chùa Giác Lâm (quận Tân Bình), chùa Phước Lâm (thị xã Tây Ninh), còn đặt thờ 5 vị này dưới dạng phù điêu bằng gỗ. Năm bức phù điêu này được gọi là bộ Sám bài, sử dụng trong việc cúng cầu an và cầu siêu tại nhà phật tử. Khi ấy, vị Phật ở giữa được quan niệm là A Di Đà Phật. Tại chùa Phước Lưu  (thị trấn trảng Bàng) và chùa Long Sơn (thị xã Tây Ninh) còn đặt thờ bộ tượng này dưới dạng tranh màu, lộng kiếng . 
            Bộ tượng 5 vị xuất hiện ở Nam bộ vào giai đoạn đầu thế kỷ XIX, tức giai đoạn mở đầu triều đại nhà Nguyễn. Chùa Giác Lâm, ngôi chùa cổ xưa nhất hiện nay ở thành phố Hồ Chí Minh, hiện còn lưu giữ hai lớp tượng nhỏ và lớn, thuộc hai giai đọan lịch sử khác nhau: bộ nhỏ được tạo tác vào giữa thế kỷ XVIII ; bộ lớn vào đầu thế kỷ XIX. Trong số các bộ tượng nhỏ ở  các chùa, chúng ta chưa thấy xuất hiện bộ tượng 5 vị này. Sự xuất hiện của bộ tượng 5 vị vào giai đoạn đó chứng tỏ đời sống của cư dân tại đây đã tương đối sung túc, người dân lập chùa, tạc nhiều tượng và bên cạnh những phong cách cổ xưa vốn chịu ảnh hưởng từ miền Trung và miền Bắc, Nam bộ đã sáng tạo thêm những nét riêng biệt, độc đáo qua hình tượng 5 vị này. Mặc dù đường nét thần linh vẫn còn phảng phất qua phong cách tô tạc, nhưng phải thừa nhận rằng bộ tượng đã thể hiện được tính thực tiễn cao qua việc kết hợp và thể hiện ý nghĩa của bộ tượng: đó là tinh thần của một đạo Phật nhập thế, đi vào cuộc đời. Bộ tượng được tạc dưới dạng thượng kỳ thú, tay bắt ấn, tay cầm bửu bối của mình, chứng tỏ tượng đặt thờ không phải trong tư thế tham thiền nhập định, mà là đang ở tình trạng hoằng hoá, thuyết hoá độ sanh. Chùa Phụng Sơn còn tạc Thích Ca và Bồ Tát cưỡi trên các con vật đang trong tư thế đứng, dường như là biểu hiện của sự gấp gáp cứu độ. Các Bồ Tát được đưa trở về gần gũi hơn với con người phàm tục, với tóc tết và bộ tượng 5 vị được đặt tại bàn tam bảo là bàn thấp nhất và gần gũi nhất với phật tử, không tạo thế xa cách mà như hòa với họ.
            Trên bước đường đi vào vùng đất mới, cư dân nơi ở mới có nhu cầu dựng chùa, tạc tượng. Vốn là những người dân cùng khổ, phiêu tán, hơn ai hết họ là những người đang cần sự cứu độ, hướng về tha lực, cần có được niềm an ủi về mặt tinh thần. Tình cảm xa quê cách tổ, nỗi nhớ thương người thân thuộc, sự mong ước được an lành khi bệnh tật, đau ốm và được siêu thoát khi qua đời… đã làm cho hình ảnh của A Di Đà Phật, của Quan Âm bồ tát, Đại Thế Chí bồ tát, biểu tượng của lòng từ bi, tha lực, trở thành hình ảnh chủ yếu mà người dân có tín ngưỡng ở Nam Bộ cần đến. Nhưng một mặt khác, quan trọng hơn, vì vốn là người cùng khổ, điều kiện sống phải đấu tranh không ngừng với thiên nhiên, với những bất công trong xã hội quanh mình buộc họ phải có một ý chí mãnh liệt, một tinh thần dũng cảm, bất khuất, kiên cường. Trong chiều hướng đó, người dân có đạo đã tha thiết hướng về những vị Bồ Tát mang hạnh nguyện tiêu biểu cho tinh thần tự cường, tự lực, đó chính là hình ảnh của Thích Ca Mâu Ni Phật, của Văn Thù Sư Lợi và Phổ Hiền Bồ Tát. Hơn ai hết, người dân có đạo ở Nam Bộ đã cảm nhận được nhu cầu của tự lực và tha lực đến mức nào! Hoàn cảnh xã hội, môi trường sống và đặc trưng trong cá tính của người di dân đã đem lại những nhu cầu này. Và vào đầu thế kỷ XIX, tại Nam Bộ, nhu cầu đó đã được đáp ứng bằng bộ tượng 5 vị nêu trên. Tính thực tiễn đặt nặng vào cuộc sống hiện tại hơn là quá khứ đã qua, đã được thể hiện qua hình ảnh tượng Thích Ca, vị Phật tiêu biểu cho thời hiện tại, được đặt giữa bộ tượng này. Mặt khác, vai trò và hình ảnh của một dòng Phật giáo Nam Tông tại vùng đất Nam Bộ lúc ấy không phải là không có. Hình ảnh Phật Thích Ca là hình ảnh duy nhất có trong quan niệm của những người theo Phật giáo Nam tông ở Campuchia, trong cư dân Khmer Nam Bộ và xa hơn là một số nước thuộc khu vực Đông Nam Á. Do vậy mới có biểu tượng về sự kết hợp 4 vị Bồ Tát, mà mổi vị tiêu biểu cho một đức tính căn bản Bi, Trí, Hạnh, Nguyện. Có đầy đủ các đức tính ấy là có Phật tánh, là bậc giác giả, là Phật, là Buddha. 
            Có thể thấy rõ hơn nét đặc trưng trong thờ cúng của cư dân Việt theo đạo Phật khi so sánh bộ tượng này với bộ tượng 5 vị tại các ngôi chùa của người Hoa. Tại đây hệ thống 5 vị được biểu tượng bằng hình ảnh của Di Lặc bồ tát ở giữa, hai bên là Địa Tạng Vương, Phổ Hiền bồ tát, Văn Thù bồ tát và Quan Thế Âm bồ tát. Hình ảnh này hiện đang được đặt thờ tại ngôi chùa Thảo Đường (quận 6, thành phố Hồ Chí Minh) thuộc dòng Tào Động từ Trung Quốc truyền sang.
            Tóm lại, biểu tượng kết hợp 5 vị Phật và Bồ Tát hiện còn lưu giữ tại một số chùa cổ ở Nam Bộ đã góp phần dựng lại một góc sinh động trong văn hoá Phật giáo thời Nguyễn ở Nam Bộ. Qua biểu tượng này ta thấy, cùng với niềm tin về sự hỗ trợ của tha lực, của Phật và Bồ Tát…, cư dân có tín ngưỡng tại đây còn có niềm tin vào sức sống, ý chí mạnh mẽ của nội lực, của chính mình để chiến thắng ngọai cảnh, thiên nhiên và xã hội. Đó là một trong những nét sáng tạo độc đáo mà bộ tượng đã thể hiện. Cùng với phong cách nghệ thuật của mình, bộ tượng 5 vị đã  góp vào dòng sinh hoạt văn hóa thời Nguyễn thế kỷ XIX những đường nét mới lạ, tiêu biểu và thể hiện rõ nét tinh thần nhập thế và tính chất dân gian của Phật giáo ở Nam Bộ.
            Chú thích
             1- Nguyễn Quảng Tuân. Những ngôi chuà danh tiếng, Nxb Trẻ, Viện Nghiên cứu Phật học, Thành Phố Hồ Chí Minh 1990, tr 173. Huỳnh Ngọc Trảng – Đỗ Duy Ngọc, “Nghệ Thuật chạm  khắc gỗ” trong: Địa chí Văn Hóa Thành phố  Hồ Chí Minh, Tập III, Nxb Thành phố Hồ Chí Minh, 1900, tr.376 
            2- Kiến Nguyệt . Tỳ Ni Hương Nhũ . Thích Thiện Chơn dịch. 1969, tr. 237
            3- Thanh Từ. Thâm ý qua hình tượng Phật, Bồ Tát. Hoa Đàm, 1967, tr. 58
            4-Lục độ : Bố thí, trì giới, Nhẫn nhục, Tinh tiến, thiền định, bát nhã ( trí huệ).  
            08-07-2008 11:33:12
--o0o--