DỤNG LÝ VÔ THƯỜNG VÀO CUỘC SỐNG
Thích Thông Phương
---o0o---
I. VÔ THƯỜNG LÀ MỘT LẼ THẬT:
Nói đến vô thường thì đa số người học Phật đều
biết, đều hiểu: thế gian vô thường, cõi đời tạm bợ, nghe quá
thường. Song người cảm ngộ sâu vô thường, có nhiều chăng?
Ứng dụng vào cuộc sống thế nào mới thiết thực? Đây mới là
điều quan trọng.
Trước khi đi sâu vào vấn đề, để xác định lòng
tin vững chắc, mỗi người chúng ta hãy xét rõ lại xem, lý vô
thường có từ bao giờ? Ai lập ra? Nhiều thơ văn cho là tạo
hóa gây ra, như bài thơ Thăng Long Thành Hoài Cổ của Bà
Huyện Thanh Quan đã nói:
“Tạo hóa gây chi cuộc hí trường”.
Nhưng có phải là tạo hóa gây ra chăng?
Một LẼ THẬT
mà do tạo ra, tức là cái mới có rồi. Nếu vô thường là do tạo
hóa tạo ra hoặc do Phật lập thành chẳng hạn, vậy trước đó là
không có vô thường, thì sao gọi là chân lý xưa nay được? Và
sao có người tu hành? Lẽ thực thì có chúng sanh là có vô
thường, không do ai tạo ra, khong phải cái mới có, Phật cũng
chỉ là người giác ngộ rõ lý vô thường và chỉ dạy lại cho
chúng sinh hiểu thôi.
Bởi có vô thường mới có khổ, cũng như mọi thứ
khổ đều từ vô thường mà thành. Như sinh, do vô thường nên có
già, có bệnh, có chết. Mong cầu muốn như ý mà vô thường nên
không như ý, thương yêu muốn gần gũi mãi nhưng vô thường nên
phải xa lìa, người oán ghét không muốn gặp nhưng vô thường
nên lại phải gặp, do đó mà có khổ. Có khổ mới có Tập là nhân
của khổ, tức những phiền não tham, sân, si...
Từ trong vô thường đau khổ ấy mà giác ngộ tìm
đường giải thoát, dứt cái nhân ấy thì được an vui hết khổ,
đó là Diệt. Song muốn được diệt khổ thực sự thì phải có con
đường tu đúng đắn chân thật, không phảo chỉ nói suông, hiểu
suông trên lý thuyết mà được. Con đường đó là Đạo. Tức từ vô
thường mà có Tứ Đế, là bốn điều chắc thật Phaatj đã nói
trong bài pháp đầu ở Lộc Uyển.
Thực tế, dù có Phật hay không có Phật, hễ ai đã
sinh ra thì phải có chết, cái có tạo ra thì phải có cái hoại
diệt, có làm thành thì phải có biến đổi... Nói chung, tất cả
pháp hữu vi đều vô thường. Bài kệ Kinh Kinh Cang đã nói:
"Nhất thiết hữu vi pháp,
Như mộng, huyễn, bào, ảnh,
Như lộ diệc như điện,
Ưng tác như thị quan."
Nghĩa:
"Tất cả pháp hữu vi,
Như mộng, huyễn, bọt, bóng,
Như sương cũng như chớp,
Phải nên quán như thế."
Pháp hữu vi tức là pháp có làm ra, có tạo thành.
Cái gì có tạo tác, làm ra, được thành... đều thuộc vô thường
không bền chắc. Dù lý luận giỏi cũng không tránh khỏi vô
thường. Đó là một lẽ thực muôn thưở. Ngài Hàn Sơn có một bài
thơ:
"Hoa đào sắp sang hạ
Trăng gió giục không thôi.
Tim hỏi người thời Hán
Không còn được một người.
Sáng sáng hoa rơi rụng
Năm năm người đổi đời.
Hôm nay bụi tung đấy
Xưa kia là biển khơi.
(Đào hoa dục kinh hạ
Phong nguyệt thôi bất đãi
Phong mích Hán thời nhân
Năng vô nhất cá tại
Triêu triêu hoa thiên lạc
Tuế tuế nhân di cải
Kim nhật dương trần xứ
Tích thời vi đại hải)."
Hoa đào sắp sang hạ là báo hiệu thời tiết nở
khoe sắp hết, mỗi cơn gió thổi qua là mang theo từng cánh
hoa rụng, không thể giữ mãi trên cành. Bao nhiêu người thời
Hán, thời Trần... hiện nay tìm hỏi xem, còn được một ai? Mỗi
buổi sáng, hoa cũ trên cành đã rụng dần, rụng dần không còn
như trước. Mỗi năm, mỗi năm con người đã đổi thay, đã chuyển
dời, năm nay không giống như năm qua. Hôm nay nơi này bụi xe
khói mù, người vạt đông đúc, xưa kia chính đây là biển khơi.
“Thế gian biến cải vũng nên đồi”. Lẽ thật của cuộc đời là
như thế. Từ ngàn xưa mãi đến ngàn sau không hạn cuộc ở thời
gian nào. Vì vậy có câu: “Bãi biển nương dâu”, mỗi người cần
nghiệm kỹ!
II. RÕ VÔ THƯỜNG LÀ LÝ CHUNG CỦA TẤT CẢ
Vô thường là một lẽ thật chung cho tất cả thế
gian, không phải của riêng ai, không phải của người này mà
không của người kia. Người học Phật quán sâu, thấy rõ điều
ấy sẽ cởi mở được nhiều đau khổ trong cuộc sống. Trái lại,
cứ tưởng nó là của ai, thuộc về người khác không dính dáng
gì tới mình, khi nó đến bất ngờ chịu không nổi, sẽ bứt tóc,
đập đầu, đấm ngực than khóc kêu trời! Bởi do không có chuẩn
bị trước.
Có câu chuyện thời Phật, lúc Ngài ở tỉnh xá Kỳ
Hoàn, bà KISA-GOTAMI chỉ có đứa con yêu quý bỗng chết đi. Bà
chưa bao giờ thấy cái chết nên khi người ta mang thấy đứa bé
đi thiêu, bà không cho, tưởng là nó còn sống. Bà bế thấy
chết trên hông, chạy từ nhà này tới nhà khác cầu thuốc cứu
con. Có người hiểu, chỉ cho bà đến gặp Phật. Phật bảo bà:
- Người hãy đi tìm một lon hạt cải trắng (có chỗ
nói một ít nhang) của nhà nào từ trước đến giờ chưa có ai
chết đem về đây, ta sẽ chữa cho.
Bà đi khắp từ sáng đến chiều, hỏi nhà nào cũng
có người thân chết. Cuối cùng mệt mỏi, bà chợt hiểu ra,
người chết quá nhiều hơn người trong làng, không riêng con
bà, không phải một mình bà chịu sự vô thường đó. Bà liền cảm
thấy nhẹ bớt và đếm thây con vào rừng, rồi trở về gặp Thế
Tôn. Ngài hỏi:
- Ngươi có tìm được lon hạt cải trắng chăng?
Bà thưa:
- Bạch Thế Tôn, không. Làng nào cũng có người
chết nhiều hơn người sống.
Nhân đó Phật dạy:
- Thật hão huyền, nếu người cho rằng chỉ mình
người mất con. Ai cũng chịu ĐỊNH LUẬT BẤT BIẾN đó là: “Thần
chết như một dòng nước lũ, cuốn trôi hết thảy mọi chúng sinh
ra biển hoại diệt, trong khi đó, lòng tham đắm của họ vẫn
chưa thỏa mãn”. Thế Tôn liền nói kệ:
"Người tâm ý đắm say
Con cái và súc vật
Tử thần bắt người ấy
Như lụt troi làng ngủ."
Cuối bài kệ bà chứng quả Tu đà hoàn. (Tích
Truyện Pháp Cú)
Ban đầu, bà Ki-sa tưởng như sự vô thường chỉ đến
với mình, riêng một mình bà phải chịu, và đó cũng là việc bà
không bao giờ nghĩ tới, mà bất ngờ như thế! Phật khéo léo
giúp cho bà thức tỉnh, thấy rõ những người chung quanh cũng
từng chịu chung cái khổ đó, đâu phải chỉ riêng bà, khiến bà
tỉnh ngộ.
Bơi thông thường người cứ tưởng đời là êm ả, là
mùa xuân, là nắng ấm, là bài thơ..., còn tai nạn vô thường
không can hệ đến mình, bất ngờ gặp phải, tưởng chừng như
không bao giờ có, nên tinh thần bị suy sụp nặng, thật đau
khổ! Đó là sống với ảo tưởng nhiều, khi sự thực đến không
giống như vậy, khó nhẫn chịu được.
Điểm kế là, tưởng như vô thường quá bất công,
chỉ đổ ập lên đầu mình, lựa riêng mình mà tìm đến, khiến một
mình ta phải chịu, do đó mình cảm thấy tủi nhục, hận đời và
tràn đầy đau khổ... Giờ đây được Phật dạy, hiểu rõ ra chính
đó là một lý chung cho tất cả: Ai sinh ra đời đều mang BẢN
ÁN VÔ THƯỜNG đó hết. Mình liền cảm thấy có phân an ủi, hóa
ra còn có nhiều người đồng cảnh ngộ với ta! Cái khổ này được
chia đều với tất cả, không phải chỉ một mình ta! Liền thấy
bớt khổ. Nghĩa là đã có người cùng chia sẻ với ta. Đó là LÝ
CHUNG CHO TẤT CẢ.
Song tiến thêm một bước, theo tinh thần nhà
Thiền thì có khác. Như câu chuyện: Có bà già đến hỏi Hòa
thượng Triệu Châu:
- Con mang thân nữ này bị năm dây ràng buộc, gây
chướng ngại cho Phật tính, làm sao thoát ly những phiền
trược ấy?
Triệu Châu bảo:
- Bà hãy nguyện cho tất cả mọi người đều sinh
lên cõi trời, còn thân hèn hạ này nguyện tiếp tục trầm luân
một mình trong biển khổ.
Người nghe có thấy lạ chăng? Tại sao bà muốn hết
khổ, mà Hòa thượng Triệu Châu lại bảo chịu khổ? Đây là một ý
nghĩa rất sâu xa: Chính tâm rộng lớn vô ngã quên mình vì
người khác, tức hết khổ. Sở dĩ chúng ta cảm thấy khổ nhiều,
vì quá nghĩ về mình, nên thấy mình thiệt thòi, mình bị chèn
ép, mình bị đày đọa, bất công... Nếu QUÊN MÌNH, không thấy
có ta thì còn AI để khổ ? Lý giải thoát là ngay đó!
Đây chính là tinh thần vô ngã của Bồ Tát, là
thuốc trị tận gốc khổ cho chúng sinh, không phải muốn cho
mọi người cùng chia khổ với mình, mình mới bớt khổ.
III. BIẾT VÔ THƯỜNG THÔI LÀM KHỔ THÊM CHO NHAU
Người hiểu đạo, quán kỹ, thấy rõ thế gian đều vô
thường tạm bợ, cuộc sống là mỏng manh không bền chắc, từ
thân, tâm cho đến sự vật đều luôn dời đổi vô thường. Thân
thì nương bốn đại: Đất, nước, gió, lửa hòa hợp tạm thành,
mạng sống rút ngắn từng giờ từng phút. Tâm thì mừng giận yêu
ghét... thay đổi không dừng. Hôm nay anh là bạn thân, ngày
mai lại hết thân, đó cũng là chuyện thường vì TÂM NGƯỜI VÔ
THƯỜNG. Sự vật thì có thành hoại, có nở tàn, có tròn khuyết...
Kinh Kim Cang nói: “Cái gì có tưởng đều hư vọng”. Vậy thì ở
trong tranh giành hơn thua một chút, rồi buông tay nằm cứng
đơ, bỏ lại tất cả, có được gì? Sao lại làm khổ thêm cho nhau?
Kinh Pháp Cú Thí Dụ có bài Kinh:Phật ở vườn Trúc,
nước La Duyệt Kỳ. Hôm ấy thọ trai xong, trở về, giữa đường
gặp một người lùa bầy bò mập béo, chúng chạm sừng, đấu húc,
nhảy múa, Phật bèn nói ba bài kệ:
"Như người đuổi bò kia
Nuôi bò để ăn thịt
Nuôi mạng để làm gì?
Để cấp cho già chết."
"Trăm năm chẳng có một
Họ hàng nam cùng nữ
Của cải nhiều tích trữ
Không vật nào không mất."
"Sống một ngày một đêm
Họ hàng nam cùng nữ
Mạng tự gọt, tự chuốt
Còn gì? Cái giếng không!"
Về Trúc Lâm, tôn giả A Nan bạch Phật về ý nghĩa
ba bài kệ. Phật dạy:
- Bầy bò đó, trước đây cả nhàn con, được người
nuôi mập béo, rồi làm thịt bán. Đến nay chỉ còn phân nửa, mà
chúng nó có biết, cứ lo vui vẻ nhảy múa, đấu sừng, la rống.
Thấy vậy Ngài thương hại mà nói lên ba bài kệ ấy.
Phật lại so sánh với người đời:
- Họ cứ chấp có ta, dốt về lẽ vô thường, lo ăn
uống, ngủ nghỉ, nuôi dưỡng thân mình cho khoái tâm vừa ý, là
nuôi giặc mà không hay. Vô thường chực sẵn đó, chết đến
không kỳ hạn, thế mà mờ tối chẳng biết, so với bày bò có
khác gì!
Theo đây nhìn lại chúng ta có sống như vậy chăng?
Vô thường già chết luôn chực sẵn một bên, mỗi ngày qua là
mạng sống đã giảm dần theo; một năm qua tuy lớn lên một tuổi
nhưng thực ra là gần cái chết thêm một đoạn. Vậy mà người
đời không hiểu, cứ ở trong đó vui theo dụclạc, rồi giành
giựt, chém giết làm khổ thêm cho nhau. Người hiểu đạo, xét
thấy ai ai cũng đang chịu chung cái khổ vô thường nên thôi
làm thêm cho nhau, mà cần giúp nhau tìm đường thoát, giúp
nhau để bớt khổ, đó mới là tâm hồn cao thượng, là sống có ý
nghĩa.
Như vậy hiểu rõ vô thường giúp cho người ứng
dụng vào cuộc sống được bớt khổ an vui và đầy đạo lý. Tuy
nhiên đó mới là chiều tiêu cực, tiến lên chiều tích cực của
lý vô thường càng thấy ý nghĩa rất vi diệu.
IV. BIẾT VÔ THƯỜNG, QUÝ TIẾC THỜI GIAN, TINH
TIẾN TU HÀNH
Phật nói vô thường không phải khiến người buông
xuôi chán đời, ngồi chờ chết. Người nghiên cứu đạo Phật một
mặt, đôi khi hiểu lầm đạo Phật là bi quan tiêu cực là chưa
hiểu hết đạo Phật. Ở đây, người học đạo, thấu rõ thế gian vô
thường, một ngày qua là không tìm lại được, hôm nay ngồi đây,
ngày mai chưa chẵc còn ngồi thế này; nhân duyên tốt lành hôm
nay gặp được đâu dễ gặp lại lần thứ hai? Người xưa có
câu:”Không thẻ tắm hai lần trong một dòng sông”, thì tại sao
mình lại phung phí thời gian vô ích ?
Hôm nay còn khỏe mạnh, ngày mai đâu chắc được?
Hoặc bệnh hoạn, suy yếu, tinh thần sẽ yếu đi, việc muốn làm
cũng không làm được. Rồi bất chợt nhắm mát ra đi, lấy gì bảo
đảm để ra đi an ổn? Tổ Qui Sơn Linh Hựu đã nhắc trong bài
Cảnh Sách:”Tiền lộ mang mang, vị tri hà vãng?”. nghĩa là,”
đường mờ mờ mịt mịt chẳng biết đi về đâu?”. Thật là đau đớn!
Thật là hoang mang! Do đó, mỗi người phải tận dụng hết thời
gian quý báu đang có để học, để tu, để hành, tạo công đức
lành giúp cho mình có được ít nhiều quả lành cho ngày ra đi.
Khóa lễ buổi chiều trong chùa thường có bài kệ
nhắc nhở tu hành:
"Thị nhật dĩ quá
Mạng diệc tùy giảm
Như thiểu thủy ngư
Tư hữu hà lạc?
Đại chúng!
Đương cần tinh tấn
Như cứu đầu nhiên
Thận vật phóng dật!"
"Ngày nay lại đã qua rồi
Mạng căn huyết mạch lần hồi kho khao
Dường như cá cạn ở ao
Khổ thêm thì có, chút nào vui đâu ?
Cần tu tợ lửa cháy đầu
Đừng cho sái buổi như chầu đề vương
Thân này mỏng mỏng mảnh không thường
Sớm còn tối mất lo phương cứu mình."
Đó là chư Tổ nhắc nhở người tu, mỗi khi chiều
đến, là một ngày đã trôi qua, tức mạng sống của mình cũng
theo đó mà rút ngắn dần, trong khi đó công phu tu hành của
mình thì sao? Có tiến được gì chưa? Phải tâm tâm niệm niệm
ghi khắc thống thiết, khẩn cấp công phu không dám bê trễ,
biếng lười, giống như lửa rớt trên đầu, phải phủi ngay không
cho chần chờ, hẹn hò, lần lựa.
Thiền sư Y Am Quyền mỗi khi chiều xuống liền tự
rơi nước mắt than:
"Ngày hôm nay lại cũng chỉ thế ấy trôi qua suông,
chưa biết ngày mai công phu của ta sẽ thế nào?".
Người xưa cũng có câu:
"Lúc hoàng hôn xuống chớ tự hào cho ngày mai bạn
sẽ thức dậy như thường lệ!".
Rõ lý vô thường càng thấy thời gian chúng ta
hiện có mặt ở đây rất là quý báu, do đó phải biết quý tiếc
nó, phải sống cho xứng đáng không để phung phí thời gian
trôi qua suông, sau ăn năn không kịp.
Ở Nhật Bản có câu chuyện Ngài Thân Loan đi xuất
gia rất hay. Lúc lên 9 tuổi, Sư quyết tâm xuất gia, đến cầu
Hòa thượng Từ Trấn cạo tóc. Từ Trấn hỏi:
- Con còn nhỏ tuổi thế này, vì sao muốn xuất gia?
Thân Loan đáp:
- Tuy con mới 9 tuổi mà cha mẹ đã mất hết, con
chẳng hiểu”Vì sao con người quyết phải chết? Vì sao nhất
định phải chia lìa cha mẹ?”, do đó mà tìm cho thấu đạo lý
này nên con nhất định muốn xuất gia.
Ngài Từ Trấn rất tán thành chí nguyện của Sư,
bảo:
- Tốt, ta đã tỏ rõ rồi! Ta đồng ý thâu con làm
đệ tử, nhưng mà hôm nay tối quá rồi, đợi sáng sớm mai ta sẽ
cạo tóc cho con.
Thân Loan nghe xong, chẳng bằng lòng, bèn thưa:
- Bạch Thầy! Dù rằng thầy bảo sáng sớm ngày mai
cạo tóc cho con, nhưng conthật là tuổi nhỏ không hiểu biết,
chẳng thể bảo đảm quyết tâm xuất gia của chính mình có thể
kéo dài đến sáng mai chăng? Hơn nữa, bạch thấy! Thầy tuổi đã
cao, thầy cũng chẳng thể bảo đảm sáng mai khi dậy khỏi
giường là còn sống chăng?
Ngài Từ Trấn nghe xong, vỗ tay khen ngợi và rất
hoan hỷ bảo:
- Đúng! Lời con nói hoàn toàn không sai. Ta cạo
tóc cho con liền đây vậy. (Tinh Vân Thiền Thoại)
Câu chuyện nhắc nhở cho người phải biết sự vô
thường luôn ở sẵn bên mình, nên rất phải quý tiếc hiện tại,
sống đúng ý nghĩa. Đó là một tiếng trống thúc giục người
tiến tới, vươn lên, không phải buông xuôi tiêu cực.
V. BIẾT VÔ THƯỜNG VƯƠN LÊN LÀM VIỆC LÀNH KHÔNG
CHÁN
Không phải thấy vô thường ròi buông xuôi mặc kệ
cho thế gian, khổ vui không cần biết tới, hoặc khoanh tay
ngồi yên, vì tất cả vô thường mộng ảo mà! Đó là lầm! Tại sao?
Bởi mình biết rồi nhưng phải thương người chưa
biết, nhớ đến còn bao nhiêu người đồng cảnh ngộ mình lúc
trước, bỏ họ sao? Như người tỉnh, thấy kẻ còn đang mộng la
hét khổ sở, mình đành ngồi nhìn họ mơ khổ sở sao? Phải đánh
thức cho họ chớ! Cho nên Bồ Tát dù biết thế gian là vô
thường mộng ảo mà vẫn phát tâm luôn độ chúng sinh không
ngừng nghỉ.
Một mặt tích cực nữa, nhờ vô thường mà mọi vật
mới có phát triển, như con người có lớn lên, học hành có
tăng tiến, từ không biết chữ tới biết chữ và hiểu rộng.
Nhờ vô thường mới có chúng sinh thành Ơhật, có
chuyển me thành giác, chuyển phiền não thành Bồ đề, không
thì, chúng sinh cố sđịnh là chúng sinh, mê cố định là mê mãi,
dù tu hành cũng thế thôi.
Do tham sân si cũng vô thường nên có thể chuyển
hóa nó, do đó mới có tu để chuyển xấu thành tốt, chuyển mê
thành giác, chuyển phiền não thành Bồ đề. Đó là tạo một niểm
tin vững mạnh giúp cho người vươn lên, là con đường thăng
hoa tiến triển. Nếu mọi thứ là cố định thì hết tu! Vì tu
cũng không làm gì khác hơn được.
Có vị nông dân đến thưa với thiền sư Bàn Khuê:
- Con có tật nóng bẩm sinh, xin thầy chỉ cho
cách phải làm sao sửa đổi?
Sư bảo:
Ông hãy đem ra đây ta xem, ta sẽ sửa đổi cho!
Vị nông dân thưa:
- Bạch thầy, ngay đây không thể đem ra được.
Sư hỏi:
- Vì sao?
Nông dân đáp:
-Nó bất thường lắm, đụng việc nó mới phát sinh.
Sư kết luận:
- Rồi! Nó không phải là cái bẩm sinh của ông. (Nếu
nó có thật, ông có thể trình ra cho ta xem bất cứ lúc nào,
ông hãy nghĩ kỹ lại xem!). Đụng chuyện mới có, vậy là do ông
tạo ra, sao lại đem lỗi lầm gán cho cha mẹ, thật quá bất
công!
Cho thấy, nóng giận không phải là cái cố định
sẵn có, mà nó là cái do duyên sinh, đợi gặp việc mới có, có
rồi cũng qua, nên cũng vô thường và có thể chuyển hóa.
Từ thấy rõ lý vô thường , người học đạo ở trong
đó mà vươn lên, tìm cách giải thoát, vượt ra và làm chủ trở
lại tức là sống bình an trong vô thường. Không phải biết vô
thường rồi ngồi khoanh tay chờ chết! Bởi vậy, Bồ tát biết vô
thường mà cười hoài và luôn lăn mình trong đó để độ người.
Vì thấy rõ mọi việc vô thường, thân này cũng tạm bợ, không
có gì đáng kể!
Thiền sư Vạn Hạnh sắp tịch có bài kệ:
"Thân như điện ảnh hữu hoàn vô
Vạn mộc xuân vinh thu hữu độ
Nhậm vận thịnh suy vô bố úy
Thịnh suy như lộ thảo đầu phô."
Nghĩa:
"Thân như điện chớp có rồi không
Cây cỏ xuấn tươi thu héo tàn.
Mặc cuộc thịnh suy không sợ hải
Thịnh suy ngọn cỏ hạt sương đông."
Thiền sư thấy rõ thân này vô thường tạm bợ như
ánh điện chớp. Cảnh vật cũng vậy, không có gì dừng trụ, kiên
cố. Vậy thì sự thịnh suy ở đời cũng đâu có gì quan trọng?
Thân còn không chắc chắn gì kia mà! Do đó, Thiền sư sống
vững vàng trước mọi sự thịnh suy thay đổi của cuộc đời.
Nghĩa là, các Ngài làm chủ trở lại trong vô thường.
VI. Ý NGHĨA SÂU XA CỦA VÔ THƯỜNG
Tiến lên một bước nữa là ý nghĩa sâu xa của vô
thường. Chỗ vi diệu của Phật pháp là ở đây. Nói vô thường
nhưng nếu chỉ dừng ở ngang đó thì Phật pháp chưa thật sâu
mầu, chính Phật nói vô thường để ngầm nhắc người, khéo nhận
rõ cái chân thật hằng hữu không thuộc vô thường và không lầm
với vô thường . Đó mới là chỗ sống chân thật an ổn, là chỗ
đến của Phật pháp. Chúng sinh mê chỗ này mới theo vô thường
mà chịu khổ. Ngộ trở lại nó, là quay về cội nguồn chân thật,
là con đường xuất thế gian.
Có đoạn nhân duyên Tổ Thương Na Hòa Tu hỏi Ngài
Ưu Ba Cúc Đa:
- Ngươi bao nhiêu tuổi ?
Ưu Ba Cúc Đa đáp:
- Con mười bảy tuổi.
- Thân ông mười bảy tuổi hay tánh ông mười bảy
tuổi?
- Tóc Hòa thượng đã bạc, là tóc bạc hay tâm Hòa
thượng bạc?
- Tóc ta bạc chẳng phải tâm ta bạc.
- Thân con mười bảy tuổi, chẳng phải tánh con
mười bảy tuổi.
Trong đây ngầm chỉ ra ý nghĩa sâu xa trong vô
thường đó rồi. Cái có tuổi tác, có đen bạc, già trẻ tức là
vô thường, là thuộc sinh diệt. Còn cái không tuổi tác, không
già trẻ, đen bạc thì nó đâu thuộc vô thường sinh diệt. Tại
sao mọi người lại mê cái đó để sống theo cái vô thường kia?
Thiền tông thường đánh thức người phải tỉnh lại chỗ này.
Song điểm khó là, nó vượt ngoài sự hiểu biết của phàm tình
nên nhiều người khó tin. Tuy nhiên không vì người chẳng tin
mà nó thành không có. Mà dù cho người có tin hay chẳng tin,
nó vẫn luôn hiện hữu đó thôi!
Trong Kinh Lăng Nghiêm, Phật đã chỉ cho vua Ba
Tư Nặc thấy trong thân sinh diệt có tánh không sinh diệt.
Phật bảo vua:
- Đại vương, thân ông hiện đang sống đây, nay
tôi hỏi ông: Thân thịt này của ông là đồng như kim cang
thường còn chẳng hoại hay sẽ bị biến hoại?
Vua đáp:
- Bạch Thế Tôn, thân con hiện nay đây, rốt cuộc
cũng thay đổi và hoại diệt.
Phật bảo:
- Đại vương, thân ông chưa hoại diệt, làm sao
biết phải diệt?
Vua đáp:
- Bạch Thế Tôn, cái thân vô thường biến hoại này
của con đây tuy chưa diệt, nhưng con xem hiện tiền mỗi niệm
dời đổi mãi mãi không dừng, như lửa thành tro lần lần tiêu
mất, vì dứt mất không dừng nên con biết thân này quyết định
phải theo nó mà diệt mất.
Phật nói:
- Đúng vậy, Đại vương! Nay ông đã già yếu, dáng
mạo so với lúc còn bé thế nào?
Vua đáp:
- Bạch Thế Tôn, xưa kia khi còn bé thì da dẻ
hồng hào, đến tuổi trưởng thành khí huyết đầy đủ, nay tuổi
già hình sắc cũng theo đó mà già yếu khô gầy, tinh thần tối
tăm, tóc bạc mặt nhăn, s8áp chết chẳng còn bao lâu. Như thế,
đâu thể so sánh với khi còn trẻ mạnh.
Phật bảo:
- Đại vương, thân thể của ông đâu phải già liền?
Vua đáp:
- Bạch Thế Tôn, nó biến hóa thầm thầm thay đổi,
con thật chẳng biết, lạnh nóng đổi dời, lần lần cho đến ngày
nay. Vì sao? Vì lúc con hai mươi tuổi, tuy tuổi còn nhỏ
nhưng nhan sắc đã già hơn khi lên mười, đến ba mươi tuổi lại
già hơn năm hai mươi tuổi; đến nay sáu mươi hai tuổi so với
lúc năm mươi tuổi, rõ ràng khi năm mươi tuổi sức lực còn
cường tráng hơn. Bạch Thế Tôn, con thấy nó thầm thầm dời đổi,
tuy cái già nua này thay đổi giới hạn trong mười năm, nhưng
nếu con suy nghĩ kỹ hơn, chẳng những nó thay đổi trong những
mười năm, hai mươi năm mà thực nó thay đổi từng năm, từng
tháng; chẳng những thay đổi từng tháng, mà nó thay đổi từng
ngày, và xét cho cùng nghĩ cho kỹ thì nó thay đổi trong từng
sát-na, một niệm không dừng. Thế nên con biết thân này trọn
phải theo sự biến đổi và hoại diệt.
Phật bảo:
- Đại vương, ông thấy sự biến hóa đổi thay không
dừng nên ngộ biết thân ông hoại diệt, vậy chính khi hoại
diệt, ông có biết trong thân có cái gì chẳng hoại diệt chăng?
Vua Ba Tư Nặc chắp tay bạch Phật.
- Thật con chẳng biết.
Phật bảo:
- Nay tôi chỉ cho ông tánh chẳng sinh diệt. Đại
vương, khi ông được mấy tuổi thì thấy nước sông Hằng?
Vua đáp:
- Con được ba tuổi, mẹ con dẫn đến lễ ra mắt
thần Kỳ Bà Thiên, điều ngang qua dòng sông này, khi ấy con
được thấy nước sông Hằng.
Phật bảo:
- Đại vương, như ông đã nói: Khi hai mươi tuổi
đã già hơn lúc mười tuổi, cho đến sáu mươi tuổi, năm tháng,
ngày giờ, niệm niệm dời đổi. Vậy khi ông ba tuổi thấy sông
Hằng này, đến mười ba tuổi, cái thấy sông Hằng ấy thế nào?
Vua đáp:
- Như khi ba tuổi rõ ràng không khác, và đến nay
con đã sáu mươi hai tuổi, cái thấy vẫn không khác.
Phật bảo:
- Nay ông tự cảm thương tóc bạc mặt nhăn, mặc
ông nhất định là nhăn hơn lúc trẻ, vậy cái thấy hiện nay xem
thấy sông Hằng, cùng với khi xưa còn trẻ xem thấy sông Hằng,
cái thấy ấy có già, có trẻ chăng?
Vua đáp:
- Bạch Thế Tôn, không vậy.
Phật bảo:
- Đại vương, mặt ông tuy nhăn mà tánh thấy này
chưa từng bị nhăn. Cái bị nhăn thì biến đổi, còn cái chẳng
bị nhăn thì không biến đổi. Cái biến đổi thì phải chịu hoại
diệt, cái chẳng biến đổi kia vẫn không sinh diệt, làm sao
trong ấy lại nhận chịu cái sinh tử của ông mà ông còn dẫn
lời của bọn Mạt-già-lê kia bảo rằng, thân này sau khi chết
là hoàn toàn mất hẳn?
Như vậy Phật đã chỉ rõ, cái gì có vô thường biến
đổi thì có hoại diệt, còn cái không biến đổi thì đâu từng
hoại diệt! Tức ngầm chỉ cái không sanh diệt nằm sẵn trong
cái sanh diệt mà vua từng sống trong đó nhưng không biết.
Chúng ta cũng như thế, nên Phật gọi là mê. Bởi mê nên ban
đầu Phật chưa thể chỉ ngay cái không sinh diệt, mà phải chỉ
cái vô thường sanh diệt trước để người thấy rõ không lầm,
rồi mới chỉ ra cái kia. Do đó, tuy nói vô thường mà ý Phật
là ở chỗ kia, người khéo lanh lợi thầm nhận ra ngay. Và sống
được chỗ này là tự giải quyết xong cái khổ vô thường.
Đây dẫn bài kệ của Thiền sư Mãn Giác đời Lý để
sáng tỏ thêm ý trên:
"Xuân khứ bách hoa lạc
Xuân đáo bách hoa khai
Sự trục nhãn tiền quá
Lão tùng đầu thượng lai
Mạc vị xuân tàn hoa lạc tận
Đình tiền tạc dạ nhất chi mai."
Nghĩa:
"Xuân đi trăm hoa rụng
Xuân đến trăm hoa cười
Việc đời qua trước mắt
Trên đầu già đến rồi
Chớ bảo xuân tàn hoa rụng hết
Đêm qua sân trước một cành mai."
Hai câu đầu, thiền sư chỉ ra cảnh vật vô thường
qua hình ảnh xuân đến xuân đi, hoa nở hoa tàn. Hai câu kế,
chỉ ra con người vô thường, việc đời cứ trôi qua, trôi qua
trước mắt, nhìn lại đầu đã bạc, cái già đã đến. Một thời
oanh liệt đã qua, giờ đây chân chùn gối mỏi, đi đứng khó
khăn, không tự cảm thương sao? Song, người tu hành không
dừng ngang đó, mà còn nữa… Xuân tàn, hoa rụng, người già cỗi,
mọi sự đều vô thường, nhưng trong đó còn có một cái: Cái gì?
“Một cành mai trước sân đêm qua”.
Ai biết cành mai gì? Chớ hiểu là cành mai già
khẳng khiu, có hoa vàng năm cánh, tám cánh… Mà chính là CÀNH
MAI BẤT DIỆT TRONG TÂM. Ai cũng đều có sẵn một cành mai ấy
trong tâm, muôn đời vẫn còn đó, đúng lúc, gặp thời tiết nó
sẽ trổ hoa trong con mắt ai kia! Mắt ai thấy được cành hoa
này?
Trong đây có ai cần thấy chăng? Nhưng phải thấy
bằng gì? Chớ dùng hai tròng mắt này! Phải mở con mắt thứ ba
kia! Mùa Xuân viên miễn là đây.
VII. TÓM KẾT
Một lý vô thường này mà quán kỹ, thấy sâu và ứng
dụng đúng đắn, là đã mở cho mình con đường giải thoát khổ
đau, thắp sáng trí tuệ lên giữa thế gian này, không phải
chuyện thường.
Biết rõ vô thường, rồi vươn lên để thoát khỏi vô thường và
làm chủ trở lại trong vô thường, đó là người trí được Phật
khen ngợi.
Một điểm nữa, khi quán sâu vô thường tức là phát
tâm bồ đề rồi. Như trong Tập Học Đạo Dụng Tâm của Thiền sư
Đạo Nguyên có đoạn nói về phát tâm bồ đề như sau:
“Tâm bồ đề phần nhiều gọi là nhất tâm. Tổ sư
Long Thọ nói: “Chỉ quán tâm sinh diệt vô thường của thế gian,
cũng gọi là tâm bồ đề”. Vậy thì tạm nương nơi tâm này có thể
cho là tâm bồ đề chăng? Thực đấy! Khi quán vô thường thì tâm
ta đây chẳng sinh, niệm danh lợi chẳng khởi, lo sợ thời gian
qua nhanh chóng, do đó gấp rút tu hành như cứu lửa cháy đầu;
nhìn lại thân mạng không bền chắc, do đó tinh tiến quên cả
mỏi mệt. Dù nghe tiếng thần Khẩn-na-la hay chim Ca-lăng-tần-già
cũng như gió chiều thổi qua tai vậy thôi. Dẫu thấy mặt mày
Vương Tường, Tây Thi cũng như sương sớm che mắt. Đã lìa sự
trói buộc của thanh sắc, tự hợp đạo lý quá rồi vậy!
Tức do quán vô thường mà lo tinh tiến tu hành
gấp rút, không dám buông lung giải đãi, không để tâm chạy
theo thanh sắc, là hợp trở về tính giác. Người lanh lợi,
ngay đó tự sáng tỏ tâm tính, tức mở tâm bồ đề chứ gì?
Như vậy một lý vô thường này, nếu người nhận sâu,
thấy tột là đã giúp mình tiến xa trên con đường giác ngộ
không thể nghĩ bàn. Người học đạo chân chính không thể xem
thường! Điều quan trọng là: Hiểu và phải Hành.
Thích Thông Phương
(Thiền Viện Thường Chiếu)
07-23-2008 07:45:23