RANH GIỚI MÊ VÀ NGỘ
Tác Giả: Tinh Vân Đại Sư - Việt dịch : Thích Quảng Lâm
---o0o---
1- Phàm việc gì cũng có 2 mặt
Phàm trên đời tất cả mọi việc đều có hai mặt.
“Thiện” , “ác”. “phải” , “trái”. Ngoài ra “tốt”, “xấu”, “đúng”,
“sai”, “có”, “không”…cũng đều có 2 mặt.
Có hai mặt nhưng kỳ thực dường như chúng không
có tuyệt đối. Nhiều khi cả 2 mặt đều là xấu, hoặc thậm chí
trong cái “tốt” lại có một chút “xấu”, trong cái “xấu” lại
có một chút gì “tốt”.
Nhiều lúc hai người tranh chấp nhau, ai cũng có
cái lý của mình, bởi mỗi người đều có một lập trường riêng,
không có ai là người phải hoặc trái. Cũng giống như con gái
nói với bố là đáng yêu nhất, mẹ là đáng yêu nhất, cũng đều
đúng cả nhưng chưa thật trọn vẹn, mà phải nói là “cả bố và
mẹ đều đáng yêu”. Người Phật tử ca ngợi Phật giáo là vĩ đại
nhất thì cũng đúng, nhưng để tôn trọng các tôn giáo khác,
thì người Phật tử nên nói “Thiên Chúa Giáo cũng rất vĩ đại”,
tín đồ Thiên Chúa Giáo khen Phật Giáo cũng rất vĩ đại như
thế thì càng viên mãn hơn.
Có khi “đúng” hoặc “sai” được xác định từ lập
trường của mỗi người, nhiều khi vì lịch sử, văn hóa, phong
tục tập quán và bối cảnh khác nhau mà có những tiêu chuẩn
không đồng nhất. Bởi thế nếu tất cả đều chấp theo ý của mình,
thì rất khó có tiêu chuẩn tuyệt đối.
Giả dụ người phương Đông thấy người phương Tây ở
nơi công cộng ăn mặc hở hang thì cho là tục tĩu, thiếu văn
minh lịch sự. Người phương Tây thấy người phương Đông ở chốn
đại chúng đông người lại quần ngắn áo cộc chẳng ra thể thống.
Người phương Đông nhìn người phương Tây làm gì cũng phải xếp
hàng tuần tự, thấy thật là lãng phí thời gian, không hiểu
hiệu suất công việc. Người phương Tây nhìn người phương Đông
thích tranh đi trước, không có trật tự, lại cho rằng đó là
một dân tộc không lề lối.
Người Trung Quốc thấy người Nhật Bản gặp nhau cứ
cúi gập người chào, lúc ra về mà không có mấy lần gập lưng
thì không ra khỏi cửa. Người Nhật Bản nhìn người Trung Quốc
gật đầu, rộng bước nhìn vẻ kiêu ngạo, thì liền đánh giá một
dân tộc không hiểu lễ giáo.
Trung Quốc thấy người phương Tây cứ liên tục kết
hôn rồi lại ly hôn, một đời chồng, hai đời chồng, một đời vợ,
hai đời vợ, thậm chí tới 4-5 đời vợ, thấy hết sức phi lí.
Nhưng người phương Tây thấy người Trung Quốc một lúc tới 2,3
vợ, con cái đầy đàn, tứ đại đồng đường, lại thấy thật ngoài
sức tưởng tượng.
Người Trung Quốc gặp gỡ thường có thói quen chào
hỏi “anh ăn cơm chưa?” Người phương Tây thấy vậy cho rằng
thật kỳ lạ, bởi vì họ gặp nhau là phải ôm hôn thắm thiết,
nhưng cái này người Trung Quốc lại không thể chấp nhận.
Cho nên, Phật giáo chủ trương “Trung đạo” đối
với tất cả mọi sự đều phải xem xét động cơ và thời điểm hiện
tại. Bởi vì sự vật đều có 2 mặt “nhân và quả” duy chỉ có
nhận ra nhân duyên của trung đạo, thì mới có thể phân biệt
chính xác “đúng, sai, trái, phải”. Còn đối với người chỉ
thích nghe một bên, đó là người chưa hiểu hết được công lý,
công lý phải đưa nó ra, đặt vào chính giữa mà phán đoán, bởi
nó nhất định phải có một điểm cân bằng, nó là 2 mặt, là
nhiều mặt khác nhau, thậm chí ngoài ra còn kết hợp với nhiều
yếu tố nhân duyên khác nữa.Vậy làm sao mà có thể nhìn toàn
diện được như vậy? Chỉ có dựa vào trí tuệ và mới mong đích
thực hiểu được nó.
2- Ma quỷ và Thiên sứ.
Phương Tây có 1 họa sỹ, muốn vẽ chân dung của
Đức Chúa Giêsu, thế là người họa sỹ cất công đi khắp thế
giới tìm kiếm, mong muốn tìm ra 1 người có có tướng mạo
trang nghiêm thánh khiết giống như chúa Giêsu để làm người
mẫu. Trải qua một thời gian nỗ lực cuối cùng bức họa cũng
được hoàn thành.
Mấy năm sau có người góp ý, nếu anh có thể vẽ
lại thêm một bức chân dung ma quỷ để so sánh với sự thánh
khiết của Chúa, thì sẽ càng tăng thêm rõ rệt sự khác nhau
giữa bức họa “thiện và ác”. Thế là nhiều họa sỹ lại đi khắp
nơi để tìm một người dung nhan xấu xa, ma chê quỷ hờn để vẽ,
cuối cùng nghe nói ở một nhà tù nọ, có một phạm nhân vô cùng
gian ác, diện mạo xấu xí trông giống như quỷ.
Người họa sỹ sau khi thương lượng với cai ngục
đã được đồng ý để phạm nhân làm hình mẫu cho anh ta vẽ.
Trong quá trình thực hiện bức họa, người họa sỹ cảm thấy vị
phạm nhân có khuôn mặt rất hiền từ, trong cuộc trò chuyện
mới biết rằng hóa ra người phạm nhân này chính là người mẫu
để anh ta thực hiện bức họa của Chúa trước đây. Nhưng lúc
đó chỉ vì được một số tiền lớn từ giải thưởng, cuộc sống của
anh ta bắt đầu thoái hóa, ăn chơi vô độ, cờ bạc rượu chè,
nghiện hút…và cuối cùng phải vào tù. Người họa sỹ nghe xong,
ngoài việc cảm thấy nối tiếc cho người phạm nhân anh ta còn
trầm tư suy nghĩ và nhận ra rằng: “Hóa ra thánh nhân hay ma
quỷ đều do con người chúng ta diễn suất cả mà thôi”.
Trong Phật giáo cũng có một chuyện tương tự.
Ngài trưởng giả Xá Lợi Phất nhìn thấy một người bạn cũ lâu
ngày không gặp. Thấy anh ta mặt mũi trở nên hung tợn, liền
ngạc nhiên và dò hỏi nguyên do? Người bạn nói : “Gần đây do
anh đang điêu khắc một bức tượng qủy La sát” Xá Lợi Phất bèn
khuyên vì điêu khắc ma quỷ, nên một thời gian dài phải quán
tưởng đến bộ mặt hung tợn của La sát, mà tướng mạo của anh
thành ra xấu xí như vậy. Nếu anh đổi lại điêu khắc tượng
Phật trong tâm sẽ đầy từ bi và hiền hậu, từ đó sẽ khiến thân
và tâm anh thay đổi, thành trang nghiêm phúc hậu, thế chẳng
phải càng tốt hơn sao? Người bạn nghe xong đổi sang điêu
khắc tượng Phật, mấy năm sau do tâm địa cải đổi, mà tướng
mạo anh trở nên từ bi phúc hậu hơn, ai nhìn thấy cũng đều
sinh tâm hoan hỉ .
Làm Phật hay chúng sinh đều do tâm chúng ta tạo
ra, trong tâm có thiên đường của thần thánh và cũng có địa
ngục của ngã quỷ. Chúng ta trong một ngày không biết đã
không biết bao nhiêu lần ra vào thiên đường, địa ngục? Đã
hoán đổi Thánh nhân và ma quỷ 2 vai biết bao nhiêu lượt?
Trong tâm ta chứa đựng đầy đủ mười pháp giới. Trong 10 pháp
giới con người là nút chuyển để quyết định sự thăng trầm lên
xuống. Bởi vì trên con người còn có Phật, Bồ tát, Thanh văn,
Duyên giác, dưới thì có địa ngục, ngã quỷ và súc sinh.
Kinh Phật có câu: “Tất cả đều do ý thức mà biến
đổi, do Tâm mà hiện ra”. Đại thừa khởi tín luận nói: “Nhất
Tâm khai nhị môn”, 1 là Tâm chân như môn tức Phật tính, 2 là
Tâm sinh diệt môn tức Phàm phu.
Chúng ta sống ở thế gian nếu biết lấy Phật tâm
mà đối nhân xử thế, thì thế gian này cũng sẽ theo đó mà biến
thành cõi Phật, còn nếu đem tâm ma quỷ ra để đối đãi thì thế
giới ắt cũng sẽ trở thành địa ngục. Phật thánh và ma quỷ đều
cùng tồn tại trong một cái Tâm. Vậy bạn muốn thành Phật hay
biến thành ma quỷ đây? Phải nên hết sức thận trọng.
3- Bận bịu và nhàn rỗi
Cuộc sống của bạn là bận bịu hay nhàn rỗi?
Nhàn và rỗi là hai phương thức sống khác nhau có
người thích bận bịu, càng bận càng thấy phấn chấn, càng có
tinh thần, xem bận bịu biến thành động lực, thành nguồn dinh
dưỡng. Cho rằng nhàn rỗi là lười nhác, là giải đãi không có
việc gì để làm. Xem việc nhàn rỗi đồng nghĩa như là Chết vậy.
Nhưng có lại người lại cho rằng nhàn rỗi là nghỉ ngơi, là tự
tại và tu dưỡng và nhận thấy bận bịu là sự chấp trước đối
với thế gian này, là bị làm nô lệ cho công việc.
Cũng có người muốn có lúc bận, lúc rỗi. Như
người lao động một tuần yêu cầu được nghỉ 1,2 ngày hoặc 1
ngày làm việc 8 tiếng, thậm chí có người trong khi công việc
bận, họ lại thích uống trà, đọc báo, tìm cách để đi công tác.
Tóm lại là mong rằng khi bận có lúc rỗi rãi nghỉ ngơi.
Có người lại nhàn rỗi đến phát sợ, đến khó chịu, bởi vậy mà
họ bỏ tiền, bỏ sức lực ra để xin người khác cho mình một
công việc để làm, chẳng qua hy vọng được làm việc để giết
thời gian.
Bận là hoan hỷ, là phát tâm, bận là tiến bộ, là
an trụ. Chính trong cái bận bịu mà chúng ta có thể lĩnh hội
được giá trị của cuộc sống và ý nghĩa của công việc, bận
khiến cho chúng ta gặt hái được càng nhiều trí thức, quen
biết nhiều bạn bè và kết được nhiều thiện duyên hơn.
Nhưng bận cũng có nhiều kiểu khác nhau, có người
bận về công việc gia đình, có người vì vui chơi mà bận,
nhưng cũng có người vì giúp đỡ người khác mà bận…Chúng ta cứ
nhìn ga tầu, bến xe hàng ngày mọi người đều hối hả qua lại,
nhìn là biết họ là những người bận rộn. Nhưng chỉ có điều
người thì vì danh lợi, người thì vì nghĩa, người thì vì tình,
vì nghĩa… và tất nhiên cũng có người như Khổng tử ngao du
các nước, như Đức phật khất thực và hành hóa khắp mọi nơi.
Các Ngài là những người đi truyền bá tiếng nói của hòa bình,
đi vào giữa dòng đời mà tuyên giảng chân lý, vân du khắp nơi
vì bản thân, vì người khác và hơn thế nữa vì cả thế nhân này
mà bận.
Có người lấy bận bịu làm niềm vui, làm hoan hỉ,
trách tại sao một ngày không thể tăng thêm 24 giờ nữa để
được bù đắp công việc.Có người nhàn rỗi đến nỗi không thể
không thể duy trì được cuộc sống, chỉ muốn người khác đến
giúp mình, người khác đến bù đắp, thà rằng ngửa tay cầu xin
nghèo khó chứ không chịu tự thân đi lao động, mưu sinh.
Bận bịu tất nhiên là khổ, vậy nhàn rỗi có phải
là sướng không? Nhàn rỗi khổ vì không có việc làm mà làm,
thì thà rằng bận rộn mà có ý nghĩa còn hơn. Bận là liều
thuốc bổ tốt cho tâm và thân, còn hơn nữa bận để gieo trồng
lại những chủng tử tốt đẹp cho đời này và đời sau. Cuộc sống
của con người bởi vậy chúng ta hãy tận hết khả năng để bản
thân trở thành những người bận rộn có ý nghĩa, vì bận mới có
tiến bộ, mới có thành tựu.
Kỳ thực,nói “bận” và “rỗi” chỉ là 2 mặt đối đãi
của sự và tướng, nếu có khả năng viên dung hoàn hảo được cả
sự và lý thì tuy bận mà rỗi. Tốt nhất là có thể trong khi
bận rộn mà có được tâm nhàn rỗi, khi nhàn rỗi phải nên có
cảm thụ của bận rộn. Chúng ta phải nên người bận mà tâm
không bận, tâm rỗi mà người không rỗi mới là thái độ tốt
nhất của cuộc sống.
07-16-2008 03:23:46