SỰ CHUYỂN HOÁ CỦA TÂM THỨC
H.T. Thích Kiến Tánh
---o0o---
Vì cách Phật quá xa, chúng ta ra đời không gặp
được Minh Sư, thiện hữu tri thức vì vậy trên bước đường tu
tập chúng ta cần phải trạch pháp. Nghĩa là phải chọn cho
mình một pháp môn tu học hợp với khế cơ khế lý, nhất là phải
có lòng tin, tin Phật, tin Pháp, tin Tăng, tin vào tự tánh.
Lòng tin là mẹ sanh ra tất cả công đức, nhưng cần phải có
chánh tín. Muốn có chánh tín thì phải có trí tuệ để hiện
biệt chánh tà, không thể đụng đâu tin đó. Tin một cách mù
quáng thơ ngây để ân hận chán nản. Tổ Sư bảo: "Thà mê muôn
kiếp, còn hơn ngộ một phút sai lầm".
Tùy theo trình độ tâm thức của chúng sanh mà có
cái nhìn sai khác. Phàm phu thấy cành hoa cho là thật cành
hoa. Nhị thừa phân biệt cành hoa không phải cành hoa. Duyên
Giác cho là cành hoa là hình tướng huyễn giả. Bồ Tát trực
nhận cành hoa đương thể tức không. Phật hoa là hoa.
Như vậy, niệm Phật là tin vãng sanh, trì chú là
tin yêu trừ nghiệp chướng hoặc để cho tâm được tịnh. Nếu
không có sự khai mở của tánh giác thì tâm sẽ bị ngưng lại,
vì tịnh có nhiều loại, tịnh của chúng sanh, tịnh của thần
tiên, tịnh của Thanh Văn, Duyên Giác, Bồ Tát, Như Lai tất cả
đều không giống nhau. Nếu chúng ta rời sự giác ngộ của tự
tánh, thì cái tịnh đó là cái nhân không phải chứng ngộ A La
Hán, Bồ Tát và Như Lai được. Chúng ta cho là tịnh thì có
nhiều cái nhân để tịnh, nếu niệm Phật mà khởi tâm loạn tưởng
thì niệm cho đến mãn đời làm sao được vãng sanh? Niệm Phật,
trì chú mà buông hết, không hề nuối tiếc vật gì, không lòng
não hại, quán thân bình đẳng, không chán nản nghịch duyên,
không khinh chê ghét bỏ kẻ ác, hộ trì tịnh giới, quán sát
diệu nghĩa, không lui sụt Bồ Đề tâm nguyện, thấu suốt nhân
quả rõ ràng tâm thể bất động, niệm Phật như thế ắt được vãng
sanh, thấy được tự tánh. Còn nói cái nhân niệm Phật suông
mong sẽ vãng sanh về đất Phật, trì Mật Tông thì chư Thiên
gia hộ, trì giới sanh về cõi trời hưởng được phước lạc. Tất
cả như vậy đều là danh vọng, hết sáng qua tối, hết thiện qua
ác. Cứ như thế mà lẩn quẩn trong lục đạo luân hồi, cho nên
toàn là huyễn ảo cả.
Các pháp không rời tâm sanh. Bản thể không rời
tự tánh. Tâm-pháp không sai khác. Bởi vậy Phật tùy căn cơ
chúng sanh mà giáo hóa, tùy bịnh mà cho thuốc, chúng sanh
niệm Phật để cầu vãng sanh. Muốn cầu vãng sanh phải có nhất
tâm bất loạn. Muốn có nhất tâm bất loạn phải thiền định.
Muốn định thiền thì phải hiểu rõ pháp môn tu: Niệm đến chỗ
không phải miệng niệm, không phải thức niệm, không phải vọng
niệm, cũng không phải tâm niệm. Vậy cái gì niệm? Đó là chỗ
cứu cánh chứng được niệm Phật tam muội.
Đối với vấn đề trì giới cũng phải có giới sư
thanh tịnh khai giới tánh là chỉ cho thấy bản thể của giới
tánh bình đẳng bất nhị. Giới răn vì kẻ dữ mà thiết lập để
ngăn ngừa tội lỗi. Với người hiền thiện mỗi mỗi oai nghi tế
hạnh, lưu xuất từ giới tánh, giữ hay không giữ giới tướng
không cần thiết cho nên Lục Tổ bảo: "Lòng bình đẳng đâu cần
giữ giới. Dạ thẳng ngay nào nệ tu thiền" là vậy.
Trì chú cũng thế, trì chỗ tam mật tịnh minh.
Nghĩa là thân mật giữ ấn quyết, khẩu mật niệm chơn ngôn, ý
mật thường thanh tịnh. Thân-khẩu-ý khế hợp tương ưng không
còn vọng tưởng đảo điên, thể lộ chân thường tự tánh. Nếu tất
cả không được khai thị của Minh Sư thì trở thành đạo bệnh,
chúng ta chưa đạt ngộ thì dù có độ chúng sanh kiểu nào đi
chăng nữa, cũng chỉ là người không biết lội mà cứu kẻ chết
đuối, lẩn quẩn trong lục đạo mà thôi.
Nếu chúng ta cho cái bản thể pháp giới nầy có
nguồn gốc, thì tận nguồn gốc nó ở đâu? Nếu nói không có
nguồn gốc thì sao có các pháp hội tụ. Kinh Pháp Hoa nói rằng:
"Các pháp từ xưa nay, tướng thường tự vắng lặng". Như thế
thì bản thể của các pháp là thường tịch nhiên. Bản thể đó
không bị thời gian, không gian chi phối; không đến không đi,
không động không tịnh, không sanh không diệt, không tăng
không giảm. Như vậy không trụ ở chỗ nào mà trụ tất cả, tùy
duyên biến hiện, phải bỏ đi cái tướng văn tự ba đời quá khứ,
hiện tại, vị lai. Thời gian không phải là một, cũng không là
ba.
Nếu ta muốn trở về chơn tâm thường trú, thì đừng
chạy theo cái tướng thay hình đổi dạng, cái huyễn hư của
trần cảnh kia, tức sẽ thấy được pháp thân bất động, khi chưa
khai ngộ thì ta thấy cái thân sanh tử này rất đau khổ, khi
ngộ rồi thì ta thấy cái thân này trở thành diệu dụng, nhiệm
mầu, quý báu. Nếu không có sanh tử thì không có gì quý báu.
Chính cái sanh tử đó là sự sống động của pháp thân, nếu
không sanh thì muôn đời không có tử, nếu không có tử thì
muôn đời không có sanh. Sanh tử là sự vận chuyển sống động
thường còn của pháp thân; sanh như đắp chăn đông; tử như cởi
áo hạ. Nó chỉ là hiện tượng của pháp thân. Hư không ví như
pháp thân, mây nổi ví như sanh tử. Mây nổi có chuyển dời tan
hợp. Hư không thì bất động trên khắp không ngăn ngại. Do đó
không phải lìa sanh tử mà có Niết Bàn.
Trong quá trình chuyển hóa tâm thức, cần phải
nhận thức được sanh tử, không mê lầm, thấy rõ nó như thật,
chính đó là Niết Bàn. Trạng thái tỉnh lự, tỉnh giác và thanh
tịnh ấy là Niết Bàn mà đức Phật đã thành tựu. Ví như bụng ta
không đói mà ăn sẽ không ngon miệng. Đói ăn khát uống, mệt
nghỉ, làm chủ mọi tình huống, mỗi lúc mỗi nơi không thái quá,
không bất cập, không ngưng bí, chỗ ấy là giá trị của Niết
Bàn.
Như vậy, nếu không có sanh tử thì không có Niết
Bàn, sát na sanh tử nầy rất là vi tế, không dứt đoạn, khi
mất thân nầy liền thọ nhận thân khác, sanh rồi diệt, diệt
rồi sanh. Hiện tướng (mây nổi) có sanh diệt nên không thực
có. Thể tánh (hư không) không sanh diệt cũng không thực
không. Siêu vượt "Có Không" tức thể vô sanh vậy.