CÁC PHÁP MÔN LÀ PHƯƠNG TIỆN
H.T. Thích Kiến Tánh
---o0o---
Như chúng ta đã biết các pháp môn Đức Thế Tôn
giả lập để đối trị tâm bịnh chúng sanh chỉ là phương tiện.
Bởi thế chư Phật và chư vị Tổ Sư đều tu Thiền, Tịnh, Mật...
mà chứng ngộ, mà không bao giờ chấp pháp môn của mình tu,
hoặc tự xưng mình ngộ. Tổ Sư bảo:
- "Sở dĩ Phật nói tất cả Pháp là để đối trị tất
cả tâm nếu không có tất cả tâm làm gì có tất cả Pháp ? "
Thế Tôn đã dạy các đệ tử phải có cái nhìn rộng
rãi hơn không chấp chặt vào các pháp môn của mình hành trì,
trong kinh Kim Cang, Phật dạy:
- "Giáo pháp của Như Lai, như dụng bè qua sông,
sau khi đã đến bờ, hãy bỏ bè lên không".
Chúng ta là hàng hậu học không kế vãng khai lại
sự nghiệp của tổ tông mà lại phủ nhận chỗ này, bảo thủ chỗ
kia, chấp chặt chỗ nọ. Thật là khờ khạo. Nếu chưa hiểu một
pháp môn nào thì chớ vội kết luận pháp môn này đúng, pháp
môn kia sai vì vọng tâm sanh kiến chấp các pháp. Phải biết,
nói cũng sai, không nói cũng sai lầm. Vậy phải làm thế nào?
Như vậy đừng có quan niệm là tu Thiền là mau có
kết quả, tu Tịnh là lâu có kết quả, bây giờ có nhiều hành
giả tu theo Mật Tông Tây Tạng thì cho lối tu ấy khổ luyện và
thù thắng hơn v.v...
Bản thể các pháp vốn đồng không tướng, tuy đơn
giản nhưng vẫn thể hiện hương vị giải thoát thanh cao, như
lẽ sống nhiệm mầu trong ánh đạo lung linh muôn hình vạn
trạng đều lưu xuất từ chân tâm.
Khi học đạo hành giả phải có cái nhìn tường tận
về "duyên sanh vô tự tánh" của mọi hiện tượng. Chúng ta nhìn
ánh sáng của nhiều cây đèn chung nhau tạo nên sức sáng mà
không hề chướng ngại lẫn nhau. Sức sáng ấy không thể nói là
một, song, cũng khó mà tìm thấy dấu tích giao thoa khác biệt
của chúng. Như thế, mọi pháp môn mà đức Phật nói ra chỉ nhằm
mục đích là hướng tới chân trời của trí tuệ.
Ở hội Kim Cang, đức Thế Tôn có dạy:
- "Nếu lấy sắc thấy mình, lấy âm thanh cầu mình,
người ấy đang hành theo tà đạo, chẳng bao giờ thấy Như Lai".
Như vậy, chúng ta tự hiểu lời dạy của Ngài, nếu
ai lấy phiền não để thấy mình, lấy điên đảo để cầu mình, thì
người ấy đang đi con đường vọng tưởng, chẳng bao giờ thấy
chân thật tướng nơi chính mình, tâm phân biệt ấy là phiền
não là điên đảo, sẽ rơi vào thế giới phân đoạn sanh tử và
biến dịch sanh tử, khó mà đạt đến con đường "vô sanh pháp
nhẫn".
Lối tu của Phật là trung đạo. Đệ nhất nghĩa đế,
một lối tu không thiên về quá khổ, quá lạc, không rơi vào
phạm trù của phàm thánh.
Hạt giống phiền não, sanh tử ý thức tri giác của
chúng sanh đều do duyên thức giả hợp, vốn không tự tánh, như
mưa chẳng ướt hư không, hư không chẳng nói gì cả.
Mọi pháp môn tu chỉ nhằm mục đích giúp hành giả
thắng đến để đánh thức Phật tánh nơi chính mình. Tánh thế
giác ngộ hiểu biết chân chánh đó luôn ẩn hiện trong cuộc
sống của chúng ta. Từ ý nghĩ, lời nói, việc làm đều nhắm vào
mục đích làm lợi lạc cho mình và người. Tôi thường thấy hình
ảnh đẹp của các vị Phật tử, họ thu xếp công việc nhà để đến
chùa làm công quả trong ngày lễ. Lão Tăng thấy quý vị làm
việc vất vả, nhưng vẫn nở nụ cười hồn nhiên – có chị lại bảo:
- "Con làm việc bưng cơm, dọn dẹp, con luôn có
tâm niệm mong mọi người an lạc và gieo duyên cùng chánh pháp,
thế là con vui rồi".
Như vậy chén cơm, giọt nước mà thập phương thừa
hưởng có lòng từ trong đó.
Vị thầy cạo tóc đầu tiên cho Lão Tăng, Ngài có
dạy:
- "Làm công việc là tụng một thời kinh".
Khi con ở chùa Vạn Thọ, trú xứ Tân Định, mỗi mùa
an cư chúng tăng từ khắp nơi về. Ngài làm hóa chủ trường hạ,
Ngài xin đại chúng cho Ngài một việc là "dọn dẹp nhà vệ sinh
cho chúng tăng", một hành động tầm thường như vậy, chính là
nói lên sự phi thường của những bậc liễu đạo. Các Ngài có lý
luận văn chương chữ nghĩa gì đâu! Chỉ là ông thầy chùa quê
mùa, mà người ngu si như Lão Tăng khó bao giờ với tới.
Mùa hạ rồi từ chùa Viên Giác ở Đức về Việt Nam,
Lão Tăng đến đảnh lễ khánh tuế hạ lạp của thầy giáo thọ, xin
cúng dường một ít tiền, Ngài săm soi tờ giấy bạc và Ngài nói
một câu, không biết vô tình hay cố ý để dạy đệ tử ngu dốt
như Lão Tăng:
- "Mỗi nước có phát hành tờ giấy bạc khác nhau,
nhưng cùng mục đích, giao dịch mua bán để rồi có cái ăn, cái
mặc không khác nhau".
Những lời ấy chính là Diệu Pháp – Liên Hoa. Diệu
là Chân không diệu hữu, Pháp là tức Như, Hoa là Hoa tạng thế
giới. Thế giới như một đóa hoa. Hoa còn có nghĩa là hoa sen
trong bùn. Nở tròn đều là Như Lai; mới hé nở là Bồ Tát, La
Hán; búp tròn là Thanh văn, Duyên giác. Nhô lên khỏi mặt
nước là Trời; lưng chừng mặt nước là Người. Ở trong nước là
A Tu La; mới lú mầm khỏi bùn là Súc sanh, Ngạ quỷ, Địa ngục.
Bùn là tượng trưng cho tâm địa.
Vì tâm địa của các Ngài đã rỗng rang, các Ngài
đã "Quán nhiếp các pháp trong tư thế dung thông và tự tại".
Vì vậy mà không lập Tông Chỉ, nhận chân các pháp là vi diệu
pháp, không có tâm phân biệt. Chùa ở Việt Nam xưa nay đều
mang sắc thái Diệu trạm tổng từ Thiền - Tịnh - Mật - Luật
v.v... luôn luôn vận hành nhịp nhàng trong cuộc sống tu trì
của những ngôi chùa đúng nghĩa có Phật, có Chánh Pháp, có
Tăng Đoàn tu hành thanh tịnh. Người Phật tử cũng học giáo lý
nơi Tăng Ni với tinh thần Chánh Kiến và Chánh Tín. Nhưng bên
cạnh đó cũng có những ngôi chùa Tăng Ni đã hướng dẫn tín đồ
một cách sai lạc đi vào con đường mê tín, dị đoan.
Trong thời
đại mới trăm hoa đua nở, đã có nhiều tông phái xuất hiện khá
hấp dẫn tại Việt Nam. Từ đó đã sanh ra sự tranh luận đúng
sai. Vì ai cũng muốn mình trở thành giáo chủ, lãnh tụ ở một
chân trời ngất ngưởng, để chúng sanh suy tôn, sùng tín, trở
thành kinh tế thị trường tôn giáo nhiều màu sắc.
Nhân kỷ niệm ngày thành đạo của đấng Thế Tôn,
chúng ta tri ân Ngài đã dạy Tám muôn bốn ngàn pháp môn để
chúng ta tu hành, nhằm đối trị tám muôn bốn ngàn trần lao
phiền não. Đừng dựa vào trên ngôn ngữ văn tự, mà chỉ thể
nhập tự tánh trở về sự thật của nguồn tâm thì mới khả dĩ vào
đạo.
07-17-2008 11:23:12