PHIỀN NÃO TỨC BỒ-ÐỀ
& SANH TỬ TỨC NIẾT-BÀN
Nhuận-Bảo
---o0o---
Với những người đang trên đường nghiên cứu và
thực hành các pháp Thiền của Ðại thừa nói chung và tham học
về Thiền Tông nói riêng, có lẽ không ai trong chúng ta không
từng đọc hay được nghe qua ở đâu đó chí ít là năm ba lần
trong đời, lời dạy của đức Phật, rằng "Phiền não tức
thị Bồ-đề" hoặc "Sanh tử tức thị Niết-bàn",
được dịch sang Việt ngữ mà nhiều người xưa nay công nhận là
sát với nghĩa ban đầu của nó, là "Phiền não tức Bồ-đề"
và " Sanh tử tức Niết-bàn" .
Những lời dạy như thế có tính cách khai mở trực
tiếp cho những người căn cơ, phước đức vào hàng trung thượng,
một bước trực chỉ vào cữa Ðại-thừa, nhanh chóng tỏ ngộ thật
tướng các pháp.
Nghĩa là nhờ may mắn có được trực giác mạnh mẽ,
được ví như chiếc ngòi nổ chực chờ kích hoả để bùng vỡ tự
tâm khi gặp cơ duyên thuận lợi, những hàng phước trí thượng
thừa đặc biệt ấy thường dễ dàng tháo tung trí huệ siêu việt
(Bát-nhã trí) vốn sẵn tiềm ẩn, để ngay đó tỏ rõ chơn tướng
mọi sự vật. Chính lúc ấy, giống như một cơn mê dài đầy mộng
mị hốt nhiên choàng tỉnh, người con Phật liền thấy biết như
thật cái điều mà một hữu tình, tiêu biểu là cái bóng dáng từ
lâu được gọi là "Ta", tức thân tâm này, mà từ lúc sơ sanh
cho tới một sát na trước, chưa hề được biết, đó là hết thảy
chúng hữu tình, đang từng hồi ẩn hiện trong huyễn cảnh sanh
tử trước mắt, mà tự thể hữu tình ấy chưa từng dứt mất bổn
tánh vô sanh; đang trong cảnh giới phiền não mà phiền não
chẳng thể xâm phạm, trói buộc.
Cũng bắt đầu từ chỗ vừa thức trực đó, người con
Phật biết thế nào là tự sống làm "một" bản thể nguyên uỷ vô
sanh để tu hành, tức không rời lìa tự tánh mà tinh cần tiệm
tu cho đến giải thoát sanh tử rốt ráo.
Về sau này, chư Tổ Thiền tông, đặc biệt là từ
Lục-tổ Huệ-Năng trở đi, thường mượn ý tứ ấy, nhưng vận dụng
lại dưới hình thức các cặp song đối, như Sanh-tử đối với
Niết-bàn, Phiền-não đối với Bồ-đề, Sắc với Không, Tâm với
Phật, Thiện với Ác, ….vv… qui nạp thành một mối. Và từ một
mối này, tức những cặp khái niệm nhị nguyên đối lập, tiêu
biểu cho hết thảy các pháp duyên-khởi trong tâm, hiện khởi
ngoài thân, Tổ dẫn dắt các căn trí linh lợi có duyên với Ðại
thừa Ðốn giáo, đoạn lìa trói buộc lưỡng biên nhơn quả, trực
nhập Trung-đạo, lần đến giác ngộ bổn tánh chơn không vô sở
đắc. Rồi cũng từ trong tánh sáng vừa được khai mở này, người
học đạo làm tất thảy việc để tự lợi, lợi tha mà không rời
lìa bổn tánh tự tại, nghĩa là tự sống "một" trong nó mà thứ
lớp quán chiếu trong ngoài để gột sạch hết thảy các cấu
nhiễm vị ngã từ thô đến tế của thân tâm mà tự thăng hoa,
tịch diệt.
Cũng cần nói thêm một chút cho rõ kẻo có người
thắc mắc, rằng vì sao đã tu theo pháp vô vi của đức Phật mà
trong đây còn nói có "làm" tất thảy việc. Nói người ấy làm
tất thảy việc, mà thật ra không có việc gì gọi rằng làm
trong đây cả, vì làm mà không khởi ý, trọn lìa vọng chấp nhị
nguyên, tức tuỳ duyên mà làm với cái tâm không, rổng rang,
bình đẳng, chơn chất, vô cầu, vô dục, vô trụ, vô đắc; lại
nữa, tuy nói không thấy làm mà thiệt ra không việc gì không
làm, nghĩa là lúc nào cũng hiển phát cái tâm "vô tâm" bình
đẳng thành lợi ích chan hoà lên mọi chúng sanh, cùng khắp
pháp giới, cũng là cách nuôi nấng, trưởng dưỡng thánh thai,
cho đến thành tựu công đức giải thoát viên mãn. Chỗ này có
phần tương tợ với Triết-giáo Lão-Trang "vô vi nhi vô bất
vi", tức làm mà không thấy có làm, không làm mà không việc
gì không làm, nghĩa là tuỳ duyên đến đi, nói nín, động hay
bất động cũng đều từ cái tâm "VÔ", lợi ích trang trải cùng
khắp, nhưng không hề thiên chấp một riêng ai. Ðến chỗ này có
thể gọi là nhập đạo rồi vậy.
Những lời dạy của đức Phật, như "Phiền não
tức Bồ đề, Sanh tử tức Niết-bàn" có tính cách chỉ
thẳng thấy ngay, xuất sanh từ tánh chơn linh không gốc gát,
không trói buộc nhị nguyên nhơn quả, vượt quá sự thấy nghe,
hiểu biết, nghĩ bàn của tâm ý thức phàm tình, nên không phải
ai ai cũng đều có thể tin hiểu ngay tức khắc được. Mà dẫu
sau đó có hiểu biết đi nữa thì cũng chỉ là cái biết ngoài da,
thịt không dính dấp gì tới cốt tuỷ của điều cần biết, cũng
là Pháp-tánh, bất khả thuyết, bất khả tư nghị mà đức Phật
muốn mượn ngôn ngữ trong đây để làm phương tiện chỉ trỏ về
nó. Thâm nhập "một" nó, cũng có nghĩa cùng "nó" tuyệt đối,
tức muôn duyên tự bặc, thì ngay đó vô ngôn.
Pháp trực chỉ thượng thừa của chư Phật chỉ thích
hợp cho một số căn trí đặc biệt nào đó mà thôi; còn ngoài ra,
những người khác khó bề kham nổi.
Pháp Ðốn giáo của Lục Tổ Huệ-Năng cũng như vậy,
có công năng không thể nghĩ bàn trong việc phá trừ vô minh,
hiển bày Phật tánh, riêng dành cho những căn trí linh lợi,
có duyên với Ðại thừa, Tối thượng thừa pháp. Người trí căn
kém cỏi, ít phước đức thường khó tin, khó hiểu, khó chấp
nhận pháp này. Ðó là sự thật.
Lục Tổ thường ví pháp Ðốn giáo chẳng khác như
trận mưa lớn, dễ làm trốc gốc và cuốn phăng đi những thứ cây
cỏ, lau lách thấp bé và yếu ớt, nhưng ngược lại, làm tăng
trưởng và tươi tốt thêm cho những cội trường sanh đại thọ.
Bỡi vậy chư Tổ thường dạy các đệ tử của mình,
rằng, nếu không gặp được người phước trí vào bậc thượng, thì
phải rất cẩn trọng, chớ nên nói pháp này ra, bỡi sợ có kẻ
không tin hiểu nổi rồi sanh tâm nghi ngờ, huỷ báng.
Ngày nay, kỷ nghệ in ấn phát triển vượt bậc,
song song với công nghệ truyền thông đại chúng quảng bá sâu
rộng, len lỏi vào mọi ngõ ngách của cuộc sống, nên ai ai
cũng có thể dễ dàng bắt gặp những câu nói ẩn áo, lạ lùng,
khó tin, khó hiểu như trên của Tổ, Phật.
Sợ rằng có những Phật tử còn giữ cái tâm chấp,
chấp ngã, chấp pháp, chấp lên chữ nghĩa, chấp vào âm thanh,
chấp vào mớ tri kiến đã được học hỏi….vv… khiến khó lòng
tiếp nhận ý chỉ sâu xa của các bậc Thánh trí, hoặc nghi ngờ
tíùnh chân thật của những lời dạy ấy, rồi sanh tâm cuồng
loạn, hủy báng chánh pháp, khiến càng tự tạo thêm tội chướng.
Thế nên, dù tự biết sở học Phật của mình tích
góp được trong đời này còn rất ít ỏi, đối với biển pháp mênh
mông thì ví như nắm lá trong rừng cây, nhưng chúng tôi cũng
không ngại sự kém cỏi, hay che dấu dốt nát của mình mà vẫn
mạnh dạn viết ra, để giải đáp chung cho những bạn đạo đã
từng thắc mắc, viết thư hỏi chúng tôi về các câu trên và
những câu tương tự.
Ví bằng chỗ luận nghĩa ấy chưa khế hợp tâm ý của
Tổ, Phật thì cũng đã sẵn có các bậc đức cao đạo cả trong đời
này chỉ ra chỗ sai sót, dốt nát kia mà dạy lại cho mình, thì
rốt cuộc, chỉ một việc làm mà được cả hai đường lợi ích, đó
là vừa lợi tha vừa được tự lợi vậy.
Ðành rằng ngôn ngữ, tri thức khó bề tiếp cận
diệu lý cao sâu, huyền mầu của Thánh trí, vì đó là sự thật
đương nhiên, không gì có thể khác được. Tuy nhiên, người
viết vẫn mong rằng những lời thô thiển này, trong một chừng
mực nào đó, có thể đáp ứng được một phần hiểu biết căn bản
tối thiểu, để người học Phật trung, sơ cơ không còn nghi ngờ
gì nữa về tính chân thật của câu nói trên hoặc những lời dạy
tương tự khác của đức Phật và của chư Tổ.
Thiết nghĩ, nếu thắc mắc của các bạn đạo được
tháo gỡ, tức nghi ngờ trong lòng đối với pháp đã tan biến,
thì niềm tin vào Phật đạo ắc sẽ càng vững mạnh hơn, Bồ đề
tâm sẽ càng kiên cố hơn, việc thực hành Phật pháp lên chính
thân tâm mình sẽ càng dõng mãnh, nhiệt tình hơn, và tất yếu,
con đường tiến tu phía trước cứu cánh bờ kia ắc cũng sẽ
thuận lợi, nhanh chóng hơn.
Ví bằng lực bất tòng tâm, do sở học Phật của
người viết cạn cợt, không thể làm sáng nghĩa hơn câu nói đó
được, thì chí ít cũng mong coi đây như là hồi chuông cảnh
báo cho những ai, chớ nên vì nhất thời chưa đủ duyên lành để
tin sâu, hiểu thấu lời dạy của đức Phật "Phiền não
tức Bồ đề" hoặc "Sanh tử tức Niết-bàn"
thì cũng không nên nghi ngờ sự chân thật của nó, hay sanh
tâm huỷ báng, kẻo tự tạo nghiệp chướng cho mình một cách oan
uổng.
Ðó là cả tấm lòng và mong ước của chúng tôi vậy.
I- Sanh tử, Phiền não, Bồ đề, Niết bàn
dưới cái biết của tâm ý thức
Có lẽ không hiếm người đang tu Phật tại gia như
chúng ta, khi bắt gặp câu nói "Phiền não tức Bồ-đề"
hoặc "Sanh tử tức Niết bàn" thì thường không
khỏi nghi ngờ, thắc mắc về tính chân thật của nội dung lời
dạy ấy.
Bỡi làm sao không thắc mắc, nghi ngờ cho được
khi những lời dạy vừa nêu gần như phủ nhận sạch sẽ, nếu
không muốn nói là quay ngoắc lại một trăm tám mươi độ đối
với tri kiến về Phật pháp mà chúng ta đã từng học hỏi, hiểu
biết và tích góp được từ những năm tháng trước đó cho tới
lúc này.
Nghĩa là, qua việc nghiên cứu từ trong sách vở,
kinh điển hoặc được nghe các vị Thầy thuyết giảng, thì có lẽ
ai trong chúng ta cũng đều có chỗ hiểu biết một cách đại
lược như sau. Rằng, vào thuở xa xưa, hơn hai ngàn rưởi năm
trước, từ cảnh giới Tỳ-lô Giá-na, đức Phật, khi ấy còn là vị
Ðại Bồ-tát, nhìn thấy thấu suốt khắp hết các cõi. Ngài thấy
chúng sanh ở cõi Ta-bà si mê, điên đảo, quên mất tánh căn
bản vô sanh của mình, vọng chấp thân, tâm và các sắc trần
huyễn-hoặc như bóng ảo trong gương, như mặt trăng trong nước
làm thật có, khiến phải tự nổi trôi bất định, trói buộc vĩnh
kỳ trong biển nghiệp thức sanh tử luân hồi .
Với lòng từ bi vô hạn, không nỡ nhìn thấy
chúng-sanh khổ đau, lầm lạc mà không cứu, nên, biết nhơn
duyên đã phải lúc, đúng như lời thọ ký của đức Phật
Nhiên-đăng thuở xa xưa, rằng Bồ-tát sẽ làm Phật hiệu là
Thích-ca Mâu-ni ở cõi Ta bà, nên Ngài mới thị hiện ở cõi uế
độ, ngũ trược này để thuyết pháp độ sanh.
Phương tiện giáo hoá của đức Phật, thì thậm vi
thậm diệu, không thể nghĩ bàn, có công năng dẫn dắt hết thảy
mọi căn cơ từ thấp tới cao, bất luận ngu hay trí, nếu ai ai
biết tin tưởng cầu học và nhứt tâm thực hành một trong các
pháp thích hợp với phước trí của mỗi người, đúng như lời
Phật dạy, thì cũng đều có thể đoạn lìa phiền não, vượt thoát
sanh tử, đắc quả Bồ đề, thân chứng Niết-bàn như Phật không
khác.
Có lẽ đó là cái nhìn tổng quan về Phật đạo, cũng
là sự hiểu biết căn bản trong một chừng mực nào đó của đa
phần người tu Phật tại gia trong chúng ta.
Sở dĩ nói sự hiểu biết về Phật đạo có giới hạn
chừng mực, là vì, việc học và thực hành pháp Phật của người
cư sĩ, về mặt khách quan, vốn dĩ còn nhiều bất cập. Chẳng
hạn như không đủ sách vở, kinh điển để nghiên cứu, hoặc
không sẵn có thiện tri thức bên cạnh để học có thể trực tiếp
tham vấn hay giúp họ hoá giải một vấn đề còn nghi ngờ, thắc
mắc vượt quá tri kiến về Phật học mà họ không thể tự biện
biệt, và điều quan trọng hơn hết là cái quĩ thời gian của
người cư sĩ dành cho đạo học lúc nào cũng ít hơn rất nhiều
so với người xuất gia, vì bản thân họ, nhất là những người
trụ cột, còn phải lo cho cuộc sống của cả gia đình. Thế nên
mới nói, sự hiểu biết và việc thực hành Phật pháp của người
tại gia thường có giới hạn vì lý do khách quan, chứ không
phải có ý gì khác. Còn những người có đầy đủ các điều kiện
để tu tập thì chẳng phải là không có, nhưng ngoại lệ đó có
lẽ không nhiều.
Trở lại với chủ đề trên, do hiểu biết thông
thường bằng cái tâm phân biệt phàm chấp, tức chấp ngã, chấp
pháp, hệ lụy lên khái niệm nhị nguyên, nên Sanh tử - Phiền
não ở đây mặc nhiên được những người tu học tại gia trung sơ
cơ như chúng ta coi như là pháp thật có, rằng đó là lẽ tất
yếu phải xảy ra đối với luật tắc nhơn quả luân hồi. Sanh tử
- Phiền não được hiểu là điều mà hữu tình bắt buộc phải thọ
khổ theo nghiệp báo, phải thay hình đổi dạng theo từng
nghiệp dĩ, không ra ngoài hai đường sướng khổ, vui buồn, tội
phước, có không, còn mất…vv… tuỳ thuộc vào cái nhân thiện
nghiệp hay ác nghiệp, biệt nghiệp hay cộng nghiệp mà những
chúng sanh ấy đã tạo tác.
Còn Bồ-đề, Niết-bàn thì được chúng ta hiểu qua
kinh nghiệm sở học Phật của mình, dĩ nhiên sự hiểu biết đó
cũng bằng tâm ý thức phân biệt, có lẫn chút mơ màng, tưởng
tượng, rằng đó là chỗ giải thoát miên viễn, tự tại của chư
Phật, Bồ tát, vượt quá cảnh giới sanh tử luân hồi mà chúng
sanh đang phải thọ nghiệp báo trước mắt. Và sở dĩ chúng tôi
nói "có lẫn chút mơ màng, tưởng tượng", là không ngoài mục
đích, để nhân đây tách bạch một vấn đề, không phải là việc
vừa mới xảy ra hôm qua, mà là chuyện cũ rích, chuyện vẫn
thường hay xảy ra từ muôn thuở trước và tồn tại đến tận bây
giờ. Ðó là những người tu Phật thường hay bị đánh lừa, dẫn
đến việc bị cột chặt vào sanh tử, nhưng lại rất hiếm người
đủ sáng suốt để kịp thời nhận ra mình bị đánh lừa, bị xô đẩy.
Hoặc cũng có người, một lúc nào đó bất chợt tỉnh táo, nhận
ra rằng từ lâu đến giờ mình đã bị lừa, mà kẻ dối lừa mình
lại không ai khác hơn là chính mình, nhưng đến lúc ấy dẫu có
hối cũng không còn kịp, uổng phí một đời tu. Bỡi cớ sao? Bỡi
người bị đánh lừa thường cảm thấy khoan khoái, dễ chịu, nếu
không muốn nói là rất thích thú được "bị lừa", vì bản ngã đã
được ru ngủ, vuốt ve, mơn trớn một cách thoã mãn, để cuối
cùng, khi phải trực diện với hai đầu mối sanh tử, thì không
còn kịp để cải sửa, đành buông tay phó mặc vô minh trói buộc.
Sự thật đã có không hiếm người rơi vào trường
hợp này. Về mặt chủ quan, tự thân họ không sớm nhận ra kẻ
thù dìm sâu mình vào biển sanh tử lại không ai khác hơn là ý
thức chấp ngã vi tế, ẩn tàng trong thân tâm này một cách kín
đáo, cũng như nguỵ trang khéo léo đến mức khiến người đó lầm
tưởng mình đã thật sự vô ngã, đã thật chứng Phật tâm. Bên
cạnh đó, về mặt khách quan, họ thường được những người chung
quanh phụ hoạ, tâng bốc đến tận mây xanh, khiến tưởng rằng
mình đã thật sự nên thần, nên thánh rồi.
Thế nào là bị đánh lừa và bị trói buộc ? Ðó là
sự nhầm lẫn thường thấy của người tu Phật, cả tại gia lẫn
người xuất gia, về chỗ không tự sáng suốt để biện biệt được
như thật đâu là cái biết vi tế, cao vời mà mình đang sở hữu
nhờ huân tập kinh nghiệm bằng tri thức và đâu là cái biết
của tánh biết tuyệt đối mà mình chưa hề đạt tới, tức chưa tự
thể nhập "một" với nó, mà có chăng chỉ là sự "biết" nó bằng
mường tượng của ý thức. Nghĩa là, có người tuy chưa thật sự
sáng tỏ tánh biết, chưa phải là đang tự một ở bờ kia, nhưng
lại lầm nhận cái chỗ biết rất vi tế và hơn hẵn người bình
thường mà mình đang chấp hữu, tưởng rằng đó là tánh biết.
Chung qui lại mọi tội sinh ra không ngoài cái ý thức vị ngã
nhỏ nhiệm tiềm ẩn trong ta, tức còn thấy hữu ngã.
Thật ra, trong quá trình tu học, đạt tới chỗ cái
biết vi tế, cao vời của thức ý, vượt quá nhiều tầng nấc so
với người bình thường, như đọc qua các kinh điển Ðại thừa
hay Ngữ lục của chư Tổ liền hiểu ngay ý tứ các Ngài muốn chỉ
dạy trong đó mà không cần phải bỏ công suy nghĩ, cũng đã là
một việc vô cùng khó khăn rồi, nếu không muốn nói là thành
công một bước trong việc tu học ở đời này. Tuy nhiên, hiểu
được ý nghĩa trong kinh điển (nắm bắt tri kiến giải thoát)
mà không tự vượt thoát khỏi cái chỗ hiểu biết còn trói buộc
với thức ý (chưa vượt thoát khỏi phương tiện, là tri kiến
giải thoát) - nghĩa là còn thấy có người hiểu và pháp được
hiểu, cũng là chưa tự thể nhập "một" trụ xứ vô sở trụ, chưa
"một" pháp giới thường trụ, bất khả thuyết, bất khả tư nghị
mà đức Phật muốn trỏ về. Có nghĩa người ấy vẫn chưa chuyển
được cái thức biết sanh tử về lại nguồn cội nguyên uỷ vô
sanh mà thức ấy xuất sanh - cũng là chuyển thức thành trí -
thì vẫn còn là ở bờ này.
Ðiều ấy có nghĩa, cho dù cái chỗ biết của người
ấy cao xa tới đâu, thì thật sự nó vẫn còn là cái biết sanh
tử, tức chưa vượt thoát khỏi sự trói buộc của bản ngã, tức
còn có ý thức "hữu ngã" một cách nhỏ nhiệm, tức còn đang ở
bờ này.
Chỗ hiểu biết cao vời của người đó so với tri
thức về Phật học của những người bình thường khác, tạm thí
dụ như bầy chim bị nhốt trong chiếc lồng nhỏ hẹp, so với
những con chim bị nhốt trong một vuông lưới to rộng như trái
núi. Có nghĩa, dù bầy chim được sống trong vuông lưới to
rộng tới đâu đi nữa (hơn hẵn những con chim trong chiếc lồng
con) thì cũng vẫn còn bị giới hạn bỡi những mắt lưới, hoàn
toàn khác biệt với những con chim đang tự do, tự tại bay
liệng trong bầu trời cao xanh vô cùng vô tận trên kia.
Lại nữa, ngay trong đời mạt pháp này, một sự
thật khó có thể chối cãi, là rất hiếm người tu Phật tại gia
như chúng ta, trước mắt đã thành tựu được đại công đức là
thân chứng, thật chứng Bồ-đề, Niết-bàn
như-tự-thể-lý-tánh-nó-là, tức đã ngộ ra bản thể Phật tâm,
sáng tỏ tánh biết, là ở bờ kia. Những người có đại duyên,
đại phước đức thật chứng bổn tánh như thế ở trong đời này,
không phải là chẳng có, nhưng phải nói là rất hy hữu. Phần
còn lại, nếu phải nói một cách chân thật, không ai tự dối,
thì hầu hết những người tu Phật như chúng ta chưa tự thật
chứng "nó", chưa tự làm "một" nó, mà chỉ hiểu biết "nó", tức
hiểu biết Bồ-đề, Niết-bàn như là đối tượng của tâm ý thức,
dù chỗ biết được sở hữu ấy cao vời và hết sức vi tế. Có
nghĩa, đó cũng chỉ là cái biết về Bồ đề - Niết bàn có lẫn
chút mơ màng tưởng tượng, vì ngay đó vẫn còn tồn tại ý thức
hữu ngã.
Chính vì cái chỗ chưa tự thể nhập "một" Phật
tri-kiến mà cứ lầm tưởng rằng mình đã đại ngộ bản thể, đã
sáng tỏ tánh Phật chúng sanh, cứ nghĩ mình đã đến đi tự tại,
hay là cho rằng mọi việc trong đời này đã xong, vv…và vv…khiến
không ít người xuất gia cũng như vài người tu học tại gia đã
có những động thái và ngôn ngữ đi ngược lại, làm ngược lại,
nói ngược lại bài học trí huệ và hạnh nguyện từ bi của đức
Phật mà không tự biết.
Một số người mắc phải căn bệnh ấy, nhưng không
tự biết là mình đang có bệnh, thường hay lớn tiếng phủ nhận
hoặc chê bai một số kinh điển của đức Phật mà tự thân họ
không có sở trường hoặc chưa hiểu, chưa hành hết các pháp ấy
một cách thấu đáo, tới nơi tới chốn. Lại có người mạnh miệng
phủ nhận một số vị Tổ sư của Thiền tông mà tự thân họ chưa
đủ duyên phước và trí tuệ để được cùng các Ngài ấy gặp gỡ;
nghĩa là những mảnh thức biết kia còn đang mê mờ, lang thang
vô vọng trong biển nghiệp, chưa hề sực tỉnh thể nhập làm một
vào tinh thần giải thoát được các Ngài thể hiện trong các
Ngữ-lục, tức chưa phải cùng các Ngài trong chỗ đồng hội,
đồng thuyền (tánh tướng dung thông) nên mới thấy có sự ngăn
ngại, xung đột với các Ngài (vì tự thân họ còn chấp tướng)
dẫn đến việc phủ nhận, chê bai, huỷ báng, tự tạo nghiệp
chướng. Lại cũng có người đem miệng lưỡi, chữ nghĩa ra mổ xẻ,
chứng minh, phê phán các Thiền ngữ, Công án vv….Thậm chí có
vị còn cống cao, ngã mạn tới mức tự phong danh hiệu xem ra
còn hơn cả đức Phật.
Than ôi, thời mạt pháp. Những người như thế thật
rõ ràng không biết tội lỗi là gì!
Nếu những người ấy quả tình đã thấy biết như thật, cũng là
thật chứng bổn tâm, bổn tánh, thì có thể nói, trước mỗi thời
giảng, ắc thường chấp tay cuối đầu cung kính lạy khắp mười
phương hư không, cũng là khắp cùng hết thảy Phật quốc độ mà
tách bạch cùng tự Phật của mình rằng:
- "Những gì con sắp nói ra, tuy không ngoài việc tạm mượn
phương tiện được gọi là pháp để hiển bày ý chỉ và tâm từ bi
của chư Phật cho mục đích cứu độ, nhưng những giòng pháp
chơn không, không gốc gát, không tự tánh này sẽ từ miệng con
tuông chảy để làm lợi ích chúng sanh, hoàn toàn không hiện
khởi một chút ý riêng nào, cho dù nhỏ nhặt như mảy lông. Nếu
con có làm được như thế, thì pháp Phật mới trong sáng, bình
đẳng, chơn chất, mới không có đúng sai, phải trái trói buộc
vô minh nhơn quả, tức những dòng pháp ấy luôn khế hợp cái
tâm không tâm, bổn lai tự thỉ".
Lại nữa, ngay trong lúc này, con biết như thật
rằng, chỉ có cái thức tâm huyễn hoặc trói buộc vô minh sanh
tử mới nghĩ, mới nói, mới làm trong chỗ phân biệt để cho là
pháp có đúng sai, phải trái, thuận nghịch, hơn thua….mà đó
cũng là việc làm của những người đang mượn pháp để tự đề cao
bản ngã, tự trói buộc không ngoài danh lợi hai đường, chứ
Phật pháp và Phật tâm trước mắt, tự thể vốn như như, chơn
không, rổng rang, thanh tịnh, không gì có thể được vv…và
vv".
Nên biết, pháp thì vô tâm, chẳng phải trái, đúng
sai, cao thấp, cũng không hề thiên vị một riêng ai. Pháp chỉ
tuỳ thuận nhơn duyên mà ban phát, nên tâm bệnh của chúng
sanh thì cũng tuỳ duyên mà tiếp nhận. Từng mỗi pháp tự có
công dụng riêng ứng hợp với căn cơ, phước trí của mỗi thức
tâm cùng nó hữu duyên.
Tam thừa và mười hai phần giáo, bổn lai tự thỉ
vốn chơn không, vô sở đắc. Tạm gọi là pháp đó, ấy là nhờ trí
huệ Phật vận dụng tánh chơn không linh diệu, không thể nghĩ
bàn mà thành có pháp, cũng là phương tiện giả lập tuỳ duyên
cứu độ mà thôi. Các pháp ấy, như tất thảy cây lá trên núi
rừng, ngoài đồng hoang, không cây lá nào chẳng phải là vị
thuốc để trị bệnh, vì thuốc kia không hợp bệnh này ắc cũng
phải hợp với bệnh khác, thậm chí cây lá độc cũng là thuốc.
Pháp vô vi của đức Phật cũng như thế ấy, không
có thấp cao, hay dở, mà chỉ tuỳ ở chỗ chúng-sanh-tâm có ứng
hợp Phật tâm hay không. Chợt ứng hợp Phật tâm, chúng sanh
tâm liền đồng một cái tâm như như, không đến không đi, không
sanh không diệt, cũng tức là ngay đó sáng tỏ tánh biết, là
vượt thoát tử sanh phiền não, là ở bờ kia. Không ứng hợp
được Phật tâm tức còn ở bờ này, là trói buộc vô minh, sanh
tử.
Lại nữa, tuy Phật pháp là vô vi pháp, nhưng tuỳ
ở chỗ cái tâm vô vi của người học đạo ứng hợp Phật tâm sâu
hay cạn mà vẫn tự có người chứng Thánh, kẻ chứng Hiền sai
biệt.
Do chúng sanh, tâm trí hữu vi có hạn lượng,
không thể hiểu thấu hết tất thảy pháp quyền biến thiện xảo
vô biên của bậc Nhất thiết trí, chứ không có pháp đúng sai.
Pháp pháp tự xưa nay vốn là giả lập, tuỳ duyên ứng nghiệm
cho từng mỗi tâm bệnh của chúng sanh, nên không có pháp nào
thiếu, cũng chẳng có pháp nào thừa, thí như những hạt mưa từ
trên trời rơi xuống, từng mỗi giọt rơi đúng vào chỗ nó đáng
rơi, thế thôi. Chúng ta không thể bảo theo "ý" mình, là tại
sao những giọt mưa không rơi vào chỗ này, hoặc phải rơi vào
chỗ nọ. Phật pháp là pháp tuỳ duyên như thế đó, cũng tức là
đang tự trong chơn Ðạo vậy!
Những ai đang trong cảnh giới nhơn quả mà thật
sự hiểu thấu lẽ này ắc sẽ không còn khen pháp này, hay chê
pháp nọ, hoặc tán tụng pháp nọ mà phủ nhận pháp kia, vì tất
thảy pháp đó đều là biểu hiện của trí huệ Phật, là tuỳ duyên
pháp, vì bổn tánh pháp pháp chơn không vô sở đắc. Phải lấy
cái tâm không tâm để mà nhìn pháp, thì mới biết pháp pháp
đều là từ trí huệ duyên thành, không phải thật có. Ðã không
phải thật có, thì làm gì có thấp cao, sai đúng?. Chỉ có cái
tâm sanh tử vô minh mới thấy có pháp sai biệt mà thôi.
Cho nên, nếu còn mở miệng được, dù khen hay chê,
dù tán tụng hay phủ nhận, đối với chỗ thật biết kia, cũng là
bản thể chơn không vô sở đắc, thì sự khen chê ấy chẳng khác
gãi ngứa ngoài giày, còn riêng cái thức tâm chê khen đó, thì
đang tự vun đắp nghiệp chướng, tự trói buộc vọng nghiệp vô
minh nhơn quả.
Thế nên, đương khi tự trong một niệm không sanh
cũng không diệt, tức trước niệm không sanh niệm, sau niệm
không diệt niệm, có nghĩa là ta đang trọn một trong chánh
niệm chơn thường, cũng là nhứt niệm tam muội, thì ngay sát
na ấy, tự kiểm điểm lại xem còn có ai trong đây để khởi sanh
vọng niệm vọng chấp, để chê khen, công nhận hay phủ nhận này
nọ. Bỡi vì ngay đó, tự thấy như thật, biết như thật, một
chút bóng hình còn không thấy có, huống là có người có tâm
cống cao ngã mạn để chê khen, tán tụng hay phủ nhận.
Cho nên, chắc chắn một điều rằng, sở dĩ có chê
khen đó là lúc mảnh thức tâm sanh tử đang vọng niệm sanh tử,
trong cảnh giới sanh tử mà nói mớ, như nói trong chiêm bao
vậy. A-di-đà Phật !
Tóm lại, chỉ có thật thấy thật biết thì mới tự
xác định không còn có ngã và ngã sở để chê khen hay phủ nhận
này nọ, bỡi khi ấy, như da thịt mình đang lành lặn thì ai
lại dại khờ gì mà cầm dao tự xẻo cắt thịt mình, đang trong
tam muội tịch tĩnh, Bồ đề Niết bàn lại tự mang lông, đội
sừng để lê lết trong biển nghiệp thức sanh tử hay sao? Ðâu
có đạo lý nào như vậy? Chỉ có người mất trí mới làm những
việc như thế mà thôi. Cho nên, chỉ có con người làm sai,
nghĩ sai, nói sai vì còn hữu ngã, chứ pháp Phật thì bổn tánh
tự như, chơn không, không là gì cả, không sai không đúng,
không thực không hư .
Trở lại với chủ đề của bài viết. Xuất phát từ
chỗ hiểu biết sâu sắc qua kinh nghiệm về lẽ nhơn quả theo
giáo lý của nhà Phật, song song với niềm tin mãnh liệt vào
lời tuyên bố như đinh đóng cột của đức Phật, rằng "Ta
là Phật đã thành, chúng sanh là Phật sẽ thành", cộng
với lòng nhiệt tình cầu đạo, đã khiến hàng thân cận nam nữ
chúng ta tự nguyện đến với đạo Phật để học hỏi, nghiên cứu
và thực hành các pháp giải thoát của Ngài, không ngoài mục
đích là để có cơ hội giũ sạch nghiệp chướng phiền não, đoạn
lìa trói buộc sanh tử luân hồi, với ý thức mong cầu chứng
đắc quả vị Bồ đề - Niết-bàn, cũng tức là thành Phật.
Từ chỗ hiểu biết như thế, đã khiến hàng thân cận
nam nữ chúng ta thấy có tướng sanh tử, phiền não cần phải
đoạn lìa, cũng như có đối trọng của sanh tử, phiền não là
quả vị Bồ đề, Niết bàn siêu việt để chúng ta có cơ hội chứng
đắc.
Sự hiểu biết và niềm tin vào Phật đạo của hàng
hữu học tại gia chúng ta từ lâu vốn là như thế. Ấy vậy mà
nay lại có cơ duyên bắt gặp câu nói "Phiền não tức Bồ đề" -
"Sanh tử tức Niết bàn", cũng do chính đức Phật và chư Tổ nói
ra, khiến chúng ta không biết phải nên hiểu làm sao cho hợp
lý, để niềm tin vào Phật đạo trước sau vẫn luôn như nhứt, để
Bồ đề tâm không bị lay chuyển vì những lời dạy khó tin, khó
hiểu ấy, cũng như để con đường tiến tu phía trước mặt, không
vì thế mà bị chướng ngại.
Tóm lại, do hiểu biết bằng tâm ý thức phân biệt,
hệ luỵ khái niệm nhị nguyên, nên khi đối diện với câu nói "Phiền
não tức Bồ đề", hoặc "Sanh tử tức Niết-bàn" thì không ai
trong chúng ta không cảm thấy ngờ ngợ, rồi tự hỏi đi hỏi lại
với chính mình rằng vì sao Phiền não tức là Bồ đề hoặc Sanh
tử tức là Niết bàn. Ðôi khi chúng ta còn đi xa hơn thế nữa,
với suy nghĩ giản đơn rằng, nếu quả thật Phiền não tức Bồ đề,
Sanh tử tức Niết bàn như lời đức Phật và chư Tổ đã dạy, thì
cần gì chúng ta phải ngày đêm gắng sức tham cứu, học hỏi và
tu tập Thiền-Ðịnh cũng như gìn giữ các cấm giới cho uổng
công phí sức. Bỡi lời Phật dạy ở trên hết sức rõ ràng, rằng
Sanh tử tức Niết-bàn, Phiền não tức Bồ đề thì cũng có khác
chi nói ngược lại, Niết bàn tức Sanh tử, hoặc Bồ đề tức
Phiền não?
Từ những suy nghĩ ấy khiến có thể có người phân
tâm tự hỏi, nếu nhứt tâm tu học đời này hoặc nhiều đời nữa
mới có thể thoát ly phiền não sanh tử, mới có thể chứng đắc
Bồ-đề, Niết-bàn, mà Niết bàn, Bồ đề kia, như lời Phật dạy,
cũng là Phiền não, Sanh tử, nghĩa là tu hành cho lắm để rồi
sanh tử vẫn hoàn sanh tử, phiền não khổ đau vẫn cứ đeo đẳng
trói buộc thân tâm, thì hoá ra việc mà chúng ta đang theo
đuổi trong đời này chẳng phải là vô ích lắm ru?
Có lẽ đa phần người trung, sơ cơ thường hay suy
nghĩ gần giống hoặc đại khái là như vậy khi bắt gặp câu nói
trên của đức Phật.
Sự cảm nhận vừa nêu có phần hơi chủ quan của
người viết, do căn cứ vào việc có nhiều bạn đạo nghi ngờ,
thường hay đưa ra câu nói trên hoặc những lời dạy tương tự
khác của đức Phật khi có dịp cùng nhau gặp gỡ để trao đổi về
tri kiến Phật học, hoặc cũng có không ít bạn biên thư nói
lên thắc mắc đó với chúng tôi.
Tuy nhiên, cảm nhận ấy dù gì thì cũng chỉ là
việc lấy bụng ta suy ra bụng người mà thôi. Cho nên, nếu ức
đoán trên là không phù hợp với tâm ý và sự hiểu biết của đa
phần người học Phật tại gia trong chúng ta, thì cũng mong
được các bạn đạo bỏ quá cho.
Mục đích của bài viết này là để đáp ứng yêu cầu
của một số bạn hữu thân thiết đã tin cậy biên thư hỏi chúng
tôi. Cho nên, bằng cách mạn phép qua con đường gián tiếp của
ngôn ngữ trong khả năng của mình, chúng tôi nghĩ rằng, ở một
chừng mực nào đó, những thân cận nam nữ chúng ta có thể nắm
bắt được đại ý của câu nói "Phiền não tức Bồ đề, Sanh
tử tức Niết bàn" hoặc những câu có ý nghĩa tương tự,
để từ đó mỗi người có thể tự xác quyết những lời dạy ấy là
hoàn toàn chân thật, không có chút gì ngăn ngại hay đi ngược
lại kinh nghiệm sở học Phật trước đó của mình.
Nếu chúng ta hiểu thấu được lời Phật dạy, qua
các thời điểm và đối tượng được giáo hoá khác nhau, từ thấp
đến cao, mà thấy tất thảy các pháp đó đều dung thông vô ngại
nhau, đều là các pháp giả lập, là phương tiện thiện xảo được
đức Phật bày ra để tuỳ thuận nhơn duyên mà độ người, thì
điều ấy nói lên con đường tu học của chúng ta càng ngày càng
tiến bộ thấy rõ. Nghĩa là, khi những nghi ngờ, thắc mắc về
những lời dạy khó tin khó hiểu, cũng như mới đầu nghe qua
cảm thấy có phần xung đột với những gì đã học trước đó, mà
nay đã được khai thông, sáng tỏ, thấu suốt (cũng là một bước
tiến dài của việc tu trí) thì niềm tin vào Phật đạo ắc càng
kiên cố hơn, việc thực hành pháp Phật ắc càng tinh cần dõng
mãnh hơn, thì công đức hy hữu, tối thượng trong cuộc đời tu
học, là ngộ bản thể chơn thật của vạn pháp, ắc cũng có cơ
thành tựu nhanh chóng hơn.
II- Phiền não, Sanh tử, Bồ đề, Niết bàn dưới cái
biết của tánh biết
Vì sao đức Phật và chư Tổ lại bảo "Phiền não tức
Bồ đề - Sanh tử tức Niết bàn"?
Ðó là vì, dưới cái biết như thật của con mắt thánh trí, con
mắt sáng suốt, tỏ rõ thật tướng các pháp, cũng là tánh biết,
thì tất thảy các pháp tướng nói chung, phiền não, sanh tử
trong trường hợp này nói riêng, đều là tướng ảo hoá, huyễn
vọng, không phải thật có.
Thật tướng của phiền não, cũng như của tất thảy
tướng duyên khởi trong tâm, hiện khởi ngoài thân là không
một tướng nào, tức vô tướng. Vô tướng là thật tướng của tất
thảy pháp.
Thật tánh của các pháp nói chung, của phiền não
ở đây nói riêng, là không có tự tánh, tức không có một tánh
riêng nào.
Tánh không có tự tánh, còn gọi là tánh vô tự
tánh, tức tự thể bổn lai chơn không, mà vẫn được tạm gọi là
tánh, chỉ vì do con người cần có cái để gọi (hầu làm phương
tiện để biểu thị cái chỗ chơn không, vô tướng mà linh diệu,
huyền mầu, không thể nghĩ bàn trong khi học đạo) mới phải
tạm đặt tên cho, được gọi là tánh. Cái tên "tánh" ấy cũng
chỉ là giả danh, biểu thị thể tánh tuyệt đối, chơn không, vô
sở đắc.
Nói giả danh đó, cũng có nghĩa, đối với bản tánh
chân thật của cái mà nghĩa giả danh kia muốn trỏ về (thật
tướng vô tướng) thì tri giác, tình tưởng, nghĩ nghị của loài
người không thể vói tới, là chỗ bất khả thuyết, bất khả tư
nghị.
Nói về cái tên "tánh" giả danh, ở phía bên trên
của sự hiểu biết, tức vượt quá ý thức, cảm quan hay tình
tưởng, nghĩ nghị của một hữu tình, thì "nó" là một cái gì đó
không thuộc về ngũ uẩn, không thuộc về sắc, thinh, hương, vị,
xúc, pháp, không hình không bóng, là bản thể tuyệt đối,
trong trẻo, chơn thường, được tạm gọi là Vô, là Ðạo, là Tri
kiến Phật, là tánh Phật chúng sanh…vv.
Gọi Tánh ấy là "vô - không, không một tánh,
tướng nào", cũng chẳng phải là cái không ngơ, hay không đối
với có theo sự hiểu biết bằng khái niệm phàm tình, mà bản
thể cái giả danh "Vô" ấy là chơn không, tuyệt đối, nhưng lại
linh diệu không thể nghĩ bàn, hay sanh các pháp. Ðó cũng
chính là tánh căn bản của vạn loại hữu tình, tức không một
hữu tình nào lại không chung cùng một tánh gốc đó. Các chúng
hữu tình, dù lớn như trái núi, dù nhỏ như hạt cải, thì Phật
tánh của từng hữu tình ấy đều như nhau, không hai, không
khác, không hơn, không kém, không sạch, không nhơ, không
thiếu, không thừa…vv. Nghĩa là trong cảnh giới hiện tượng
huyễn hoá theo vọng nghiệp sanh tử, thì từng mỗi chúng hữu
tình, cũng là những mảnh thức biết duyên khởi, tuông sanh từ
tánh biết linh diệu, có thể vì chiêu cảm tội phước theo
nghiệp thức ít hay nhiều, nặng hay nhẹ mà những hữu tình ấy
phải thay hình đổi dạng qui vào trong chín loài, thọ nghiệp
trong sáu đường, nhưng tánh căn bản của hữu tình, tức tánh
Phật chúng sanh thì không hai, không khác.
Thế nào là chín loài chúng sanh? Có thể là còn
rất nhiều loài khác nữa, nhưng tựu chung thì có thể kể chín
loài tiêu biểu mà trong các kinh thường hay nhắc đến. Ðó là
các loài sanh trứng, sanh con, sanh từ chỗ ẩm ướt, hoặc biến
hoá sanh, loài có sắc, loài không sắc, loài có tư tưởng,
loài không có tư tưởng, loài chẳng phải có tư tưởng chẳng
phải không có tư tưởng. Ðó là chín loài chúng sanh theo
nghiệp dẫn dắt, đến đi trong sáu đường, tức trong sáu cảnh
nhơn quả là Trời, Người, A-tu-la, Súc sanh, Ngạ quỉ, Ðịa
ngục.
Nhắc lại, dù làm thân chúng sanh nào trong sáu
đường, cũng là sáu cảnh giới của vọng thức vọng nghiệp, thì
vẫn không mất tánh căn bản kia, cũng là tánh Phật chúng sanh.
Ngộ cái bổn tánh bất biến mà thường tuỳ duyên
hay sanh các pháp, cũng là tánh bổn lai chưa từng sanh diệt
của mình, thì đó gọi là ngộ nhập Phật tri kiến, là sáng tỏ
tánh Phật chúng sanh. Thế nhưng không phải ai ai cũng có thể
nhận ra nó, nếu không nhờ thực hành chơn chánh một trong các
pháp vô vi của đức Phật, tương thích với từng căn cơ, phước
trí mỗi người cộng với nỗ lực của tự thân.
Sở dĩ chúng sanh khó lòng nhận ra bộ mặt thật
chưa từng đến đi ấy, chỉ vì mỗi một cái tội vô thỉ vô minh.
Do vô minh che lấp bổn tánh, cũng là tánh biết nguyên uỷ,
đồng nghĩa với việc chúng sanh điên đảo mê mờ quên mất bổn
thể vô sanh của chính mình, cũng tức là tự xoay lưng lại với
con người thật của mình để cắm đầu nhắm mắt chạy theo, nhìn
theo một hướng riêng mà không phải là cái nhìn toàn thể, dẫn
đến vọng chấp cái tướng "ngã-ta" ảo hoá, làm thật có, để
ngay đó vọng thấy có thế giới hiện tượng đến đi, sanh diệt
chung quanh. Hay nói cách khác, từng mỗi chúng sanh tâm cùng
"nó - bổn tánh nguyên uỷ" thông lưu vô ngại nhau, tạm ví như
ánh sáng của ngọn đèn dầu dưới ánh trăng rằm. Hai cái sáng
chung cùng đó chẳng thể bảo là một, cũng chẳng phải hai,
cũng không phải khác. Duy có điều con người chỉ biết hướng
về cái đèn của tự ngã, có thắp có tắt, tức có sáng có tối (thức
biết sanh diệt) và quay lưng lại với tánh thường sáng tự tại,
cũng là cội nguồn nguyên uỷ, (tánh biết) vốn luôn tự sẵn có.
Nghĩa là, tự thỉ uyên nguyên, chỉ vì một niệm
bất giác máy động mà những mảnh thức biết (tâm thức) tuông
sanh. Thức biết chợt biết thì tự nhiên có thế giới hiện
tượng xuất hiện. Những mảnh thức biết ấy, là bóng hình, là
dụng của tánh biết, như bóng trăng trong nước, như ảo ảnh
trong gương, nhưng lại hàm chứa đầy đủ mọi tánh căn bản linh
diệu như của tánh gốc, tức bổn tánh, Phật tánh. Những bóng
hình huyễn ảo đó, tức những mảnh thức biết, mê mờ điên đảo,
vọng chấp bóng hình huyễn hoặc, giả hợp của ngũ uẩn duyên
thành làm thật ngã - ta, coi cái tướng do thức (biết) duyên
với lục trần làm cái tâm thật có của mình. Rồi từ chỗ vọng
chấp một tướng ngã này làm thật có, đã khiến vọng sanh các
tướng nhơn, tướng chúng sanh, tướng thọ mệnh để phân biệt,
so sánh, tự trói buộc theo hai đường tử sanh, nhơn quả.
Từ chỗ lầm chấp tướng ngã và các pháp tướng
trong tâm ngoài thân làm thật có, nên chúng sanh coi phiền
não, sanh tử là tướng thật có, là khổ ách thật. Cũng vậy,
dưới con mắt phàm tình, chúng sanh đã coi Bồ đề, Niết-bàn mà
đức Phật giả lập làm đối trọng với phiền não, sanh tử cũng
là tướng thật có, là chỗ giải khổ có thiệt, nên chúng sanh
liền thấy có tướng Bồ đề, Niết-bàn là hai là khác, là đối
lập với tướng Phiền não, Sanh diệt.
Thế nên, với cái tâm tu nhưng còn chưa sáng tánh
biết để biết như thật thật tướng của vạn pháp, nên khi nghe
thấy đức Phật dạy "Phiền não tức Bồ đề" hoặc "Sanh tử tức
Niết-bàn" thì chúng ta tức khắc vọng khởi tâm phân biệt theo
khái niệm nhị nguyên, dẫn đến suy lường, so sánh rồi vọng
khởi nghi ngờ, thắc mắc về tính chân thật của câu nói đó.
Trong khi ấy, dưới con mắt tự tại của thánh trí,
tánh biết "biết" như thật ngã và pháp đều như hoa đóm trong
không. Ngã là do các duyên tụ hội từ ngũ uẩn mà thành, các
Pháp là do thức biết duyên với lục trần mà sanh, không phải
thật có.
Ngã đã không, thì nhứt thiết pháp ắc đều không,
huống là Sanh tử, Phiền não, Bồ đề, Niết bàn làm sao có
ngoại lệ.
Vì sao nói "ngã" này không thật có?
Trước hết chúng ta cần phải xác định một điều là ngã chẳng
phải thật không, tức ngã chẳng phải ngoan không, hay không
đối với có, mà ngã vẫn hiện khởi rõ ràng, vì, như trên đã
nói, nhờ các duyên tụ hội từ ngũ uẩn mà thành có ngã. Nghĩa
là, ngã này đang hiện khởi bên cạnh vô số những mảnh thức
tâm khác cũng đồng thời hiện khởi, nên không thể nói là
không có ngã. Mảnh thức tâm kia chợt vọng "biết"
thì ngay tức khắc, ý thức về ngã hiện hữu.
Chính vì cái chỗ vọng biết này mà chúng sanh,
cũng là những mảnh thức tâm huyễn hoặc thấy có đến đi, sống
chết cũng như thấy có khổ, vui, còn, mất…. trong biển nghiệp
thức, vì vọng khởi chấp ngã, chấp pháp làm thật có.
Ðể diệt trừ vọng tâm mê lầm, chấp trước của
chúng sanh cho rằng ngã là pháp thật có khiến chúng sanh
khỏi phải bị trói buộc triền miên trong vọng nghiệp sanh tử,
đức Phật đã dùng cách phủ định mà nói rằng ngã không thật có.
Có nghĩa, Ngài không nói rằng ngã thật sự không (vì một điều
không ai có thể chối cãi là rõ ràng ngã và các pháp tướng
khác vẫn đang hiện khởi trước mắt) mà Ngài chỉ nói rằng "ngã
không thật có" cốt để phá trừ cái tâm sai lầm chấp
trước của chúng sanh cho rằng "ngã thật có"
mà thôi.
Ngài nói rất rõ ràng là ngã không thật có, tức
dạy rằng ngã ấy chỉ là giả danh; ngã sở dĩ hiện hữu là nhờ
các pháp riêng biệt duyên vào nhau đúng thời điểm mà hiện
khởi, hết duyên thì tan rã, không phải ngã tự tại hay có tự
tánh riêng biệt nào.
Sự hiện hữu ấy của ngã không phải tự chính nó,
mà là nhờ vào nhiều yếu tố riêng biệt tụ hội, tức duyên hợp
từ Sắc, Thọ, Tưởng, Hành và Thức. Nhờ có năm uẩn, mà uẩn đầu
tiên gồm đất, nước, gió và lửa, đồng tụ hội trong một lúc
với bốn uẩn khác mà thành cái ngã, nhưng ngã ấy không có tự
tánh riêng biệt. Vì không thể gọi từng mỗi món duyên hợp như
đất, hoặc nước, hoặc lửa…hoặc thọ, tưởng vv…làm ngã được,
nên đức Phật đã dạy, ngã ấy chỉ là giả danh, tánh ngã vốn
tự chơn không, không tự tánh. Tánh ngã không tự tánh cũng có
nghĩa là bổn tánh chơn thật của ngã là tánh chơn không, là
vô sở đắc, cũng là tánh Phật. Vậy cùng tột ngã kia cũng do
từ một tánh tạm gọi là duy nhất, tuyệt đối, chơn không, linh
diệu, là Phật tánh xuất sanh.
Nếu tự nhận biết như thật cái ngã này chẳng phải
thật có, thì một lẽ đương nhiên là tâm của cái ngã kia ắc
cũng không thật có. Vì không có ngã thì tâm nương tựa vào
đâu để thành? Tâm đã không thật có, tức thể tánh chơn thật
của tâm vốn thiệt là bản thể chơn không, nói tới cùng tột
thì đó là tánh Phật chúng sanh. Ngay lúc tâm vừa chợt không,
tức trở về lại nhập một cội nguồn nguyên uỷ là tánh chơn
không, thì ở cái sát na đó lấy gì để thấy có thế giới hiện
tượng sanh khởi. Bỡi bản thể chơn thật của thế giới kia,
ngay lúc ấy cũng là chơn không. Thế giới kia sở dĩ hiện khởi
chỉ vì mảnh thức biết vọng chấp ngã-pháp mà thành có. Cho
nên, ngay lúc không còn thấy có tâm, cũng là tự đồng "một"
thể tánh tuyệt đối, thì ở ngay cái sát na phi thời gian ấy,
đó là Ðạo, là thể tánh chơn thật, là Niết-bàn, là Bồ đề, là
bất khả thuyết, bất khả tư nghị.
Tóm lại, từ vô thỉ vô minh, do chúng sanh điên
đảo, mê mờ nên chấp ngã, chấp pháp, coi các pháp tử sanh,
phiền não nói riêng, tất thảy các pháp tướng duyên khởi
trong tâm, hiện khởi ngoài thân nói chung làm thật có, nên
phải nổi trôi lặn ngụp trong sáu đường của nghiệp thức.
Cũng với cái tâm mê đó, khi nghe đức Phật thuyết
Bồ đề, Niết bàn thì chúng sanh liền tiếp nhận Bồ đề, Niết
bàn của đức Phật như là một tướng giải thoát có thật, có chỗ
sở đắc, mà không biết rằng thực tướng Bồ đề - Niết bàn kia
là chơn không, chỉ là cái giả danh, giả lập, là phương tiện
để đánh thức thức tâm mê của chúng sanh, chứ bổn tánh chơn
thật của Bồ đề - Niết bàn cũng chính thiệt là tánh chơn
không, vô sở đắc, chẳng phải thật có.
Nghĩa là, do chúng sanh mê mờ, lẫn lộn, không tự
biện biệt được chỗ chân giả, chủ khách, cũng là không nhận
ra tánh biết và dụng của nó là tướng biết, nên đức Phật mới
đem Bồ đề, Niết bàn ra để làm phương tiện dẫn dụ, đánh thức
cái tâm si mê. Và một khi hành giả nhờ học hỏi, hiểu biết và
thực hành pháp vô vi của đức Phật lên chính thân tâm này mà
chợt tỉnh ngộ, cũng tức là ngộ cái tánh biết tuyệt đối để
không còn biết bằng thức biết mê lầm nhơn quả nữa, thì liền
biết như thật, một sát na trước, cái mà ta lầm nhận là ta
chỉ là bóng hình huyễn hoặc trong giả cảnh vô minh sanh tử;
một sát na sau, ta đã trở về lại thể tánh nguyên uỷ vô sanh,
cũng là thể tánh bổn lai chơn thật, mà trong đó, nói ta đây
nhưng cũng chẳng thấy có gì là ta nữa, vì tự thể là tánh
biết tuyệt đối.
Ngay lúc này, tự trong ta có hai cái thấy biết
trước mỏ ác. Nếu dùng con mắt phàm tình của một sát na về
trước để thấy biết như mọi chúng sanh khác trong nhơn quả,
tức biết bằng cái tướng hữu trụ của thức tâm sanh diệt, thì
dù nói Niết bàn, Bồ đề hay gì gì đi nữa, thì Niết bàn, Bồ đề
kia vẫn là cái tướng được biết của sanh tử, chẳng thể dính
dấp tới người nói. Còn với cái thấy biết như thật vừa khám
phá, thì Bồ-đề, Niết bàn là bổn tánh tịch diệt, bất khả
thuyết, bất khả tư nghị, cùng ta tuyệt một, không hai, không
khác, chẳng khác như ta đang trong một giấc ngủ mê mang,
không mộng mị, và đương nhiên là tuyệt đối vô ngôn, vô thức.
Tới đó, cái bóng hình huyễn hoá này chỉ còn biết
chấp tay cuối lạy mười phương hư không và dạt dào lòng từ bi
bộc phát, muốn đi vào tất thảy mọi cảnh giới hoa đóm để cứu
độ cũng là cách đền ơn quá, hiện, vị lai chư Phật mà thôi.
Ðến đây thì cái cần tìm xưa nay cũng đã thấy rồi,
nhận ra rồi, tức là sáng tỏ bổn tánh thường hằng, chưa từng
sanh diệt, vượt quá nhơn quả nghiệp báo, tự thấy bình đẳng,
hiu nhiên, đến đi tự tại. Tới đó thì hành giả tu Phật tự
biết, không còn nghĩ tới Bồ đề, Niết bàn nữa, vì nhơn quả
không lầm, sanh tử không còn, thực tại trước mắt tuyệt đối,
bổn tâm quảng đại vô lượng, vô biên, không đến, không đi,
rổng rang như hư không, thì còn cần đề cập gì tới Bồ đề,
Niết bàn nữa.
Thể tánh chơn thật của Bồ đề, Niết bàn trong đây,
ngay lúc này cũng chính thiệt là bản thể vô sanh, là Phật
tâm nguyên uỷ, là mặt mũi xưa nay của mình chứ không là gì
khác.
III- Nên thận trọng về cách dùng từ ngữ của
người xưa
Ðể có thể nhanh chóng nắm bắt một cách tương đối
ý nghĩa những lời dạy của đức Phật và của chư Tổ, trước hết
chúng ta nên cẩn thận lưu ý đến cách xử dụng từ ngữ của các
Ngài. Với những câu nói giản đơn, dùng ít từ ngữ nhưng ý
nghĩa thì lại quá hàm súc, như câu "Phiền não tức thị
Bồ-đề" - "Sanh tử tức thị Niết-bàn"
hoặc những câu có ý nghĩa tương tự khác như "Tâm tức
thị Phật", "Phật tức thị Tâm", "Sắc
tức thị Không", "Không tức thị Sắc", "Chúng
sanh tức Phật" …vv…. thì chữ mà chúng ta cần để ý
hơn hết, là chữ "tức- là" hay "tức thị -
tức là" hiện diện trong đó.
Thông thường, khi chợt nghe qua những câu nói
như trên, hàng trung sơ cơ dụng tri thức để hiểu biết như
chúng ta, chưa kịp đắn đo suy nghĩ, đã vội khởi tâm thắc mắc,
hỏi lại (với chính mình) rằng vì sao Phiền não lại "là"
Bồ-đề hoặc Sanh tử lại "là" Niết bàn, trong
khi Phiền não - Sanh tử được chúng ta xác định bằng kinh
nghiệm học tập vốn có từ trước, thì đó là pháp trói buộc,
khổ ách mà ai ai cũng rất muốn rời lìa, còn Bồ đề - Niết bàn
là pháp giải thoát, tự do, tự tại mà ai ai cũng mong cầu
chứng đắc?
Ðiều ấy có nghĩa, đối với sự hiểu biết hiện tại
của chúng ta, thì pháp Sanh tử - Phiền não hoàn toàn sai
biệt, là hai là khác, nếu không muốn nói là đối nghịch trăm
phần với Bồ đề - Niết bàn.
Ấy thế mà nay đức Phật và chư Tổ lại dạy rằng
Phiền não "là" Bồ đề, Sanh tử "là" Niết bàn thì làm sao
người học Phật chúng ta có thể chấp nhận được?
Nếu chúng ta không thận trọng về cách dùng từ
ngữ của người xưa mà tự ý sửa đi một vài chữ trong câu nói
đó theo cảm tính, nghĩa là thay vì dùng chữ "tức" chúng ta
lại dùng chữ "là", khiến câu nói trở nên sai biệt hẵn với ý
tứ bàn đầu mà các Ngài muốn gởi gắm vào trong đó.
Nếu xem xét kỹ lưỡng cách dùng từ ngữ trong hai
câu trên từ nguyên văn Hán tự hoặc đã phiên âm ra Hán-Việt (Phiền
não tức thị Bồ đề, Sanh tử tức thị Niết bàn), thì thấy rằng
đức Phật có dạy Sanh tử "là" Niết bàn đâu, cũng như có dạy
Phiền não "là" Bồ đề đâu, mà Ngài nói rất rõ ràng, rằng Sanh
tử "tức là" Niết bàn, Phiền não "tức là" Bồ đề, hoặc có thể
nói cho gọn lại mà không làm lệch nghĩa ban đầu của câu nói,
là "Phiền não tức Bồ đề, Sanh tử tức Niết bàn".
Ðiều ấy có nghĩa, chỉ vì một chút vô tình không
đáng có theo quán tính, chúng ta đã tự sửa một chữ "tức"
hoặc "tức thị" thành chữ (thị - là),
(do đa phần ngầm hiểu một cách máy móc hai chữ "là" với "tức",
hoặc "tức là" trên hình thức khái niệm theo mặt chữ có nghĩa
gần giống như nhau, nhưng thật ra tính cách của chúng được
đặt trong câu nói này thì hoàn toàn không giống nhau như ta
nghĩ tưởng) nên mới khiến lời khai thị trực tiếp kia trở nên
khó hiểu hơn đối với những người trung, sơ cơ như chúng ta,
vì ngữ nghĩa của nó sai biệt hẵn .
Bỡi vì, nếu nói "Phiền não là Bồ đề" hoặc "Sanh
tử là Niết-bàn" thì rất dễ làm cho người học đạo lầm tưởng
Phiền não, Sanh tử, Bồ đề, Niết bàn, Tâm, Phật, chúng sanh…
đều cùng là những tướng thật có như nhau, vô tình dẫn dắt
người cầu đạo đi vào chỗ kẹt chấp tướng một cách không ngờ.
Trong khi đó, với câu nói "Phiền não tức Bồ đề", thì chữ "tức"
dễ làm cho chúng ta phải tự nhìn ngược vào trong để suy gẫm
và khám phá mà "à" lên một tiếng: thì ra đức Phật dùng "tức"
là để chỉ thể tánh của sự việc.
Cho nên trong các trường hợp như trên, chúng ta
không thể dịch chữ "tức thị" hoặc "tức" thành "là" được, mà
phải dịch là "tức" hoặc "tức là" để cho người cầu học dễ
nhận, dễ hiểu hơn.
Ðiều ấy có nghĩa, lúc còn tăm tối vô minh, dưới con mắt phàm
tình, thì thấy Phiền não là Phiền não, Bồ đề là Bồ đề, tức
Phiền não và Bồ đề là hai tướng sai biệt, đối nghịch nhau.
Còn lúc đã ngộ ra cái tâm Phật, cũng là thấy biết tánh tướng
của vạn pháp một cách như thật, thì "Phiền não tức thị Bồ đề"
là chân lý, bỡi lúc ấy đã rõ bổn tánh nguyên uỷ của Bồ đề,
của Phiền não không ngoài một tánh chơn không, vô sở đắc.
Thế nhưng ngày nay vẫn có không hiếm người
thường hay giảng hoặc dịch những câu tương tự như "Phiền não
là Bồ đề", hoặc "Sanh tử là Niết bàn", "Tâm là Phật", "Phật
là Tâm", "Sắc là Không" vv ….như thế là không tương ưng với
tâm ý của người xưa. Làm sao những chúng sanh còn cái tâm
trói buộc sanh tử, còn chấp tướng như chúng ta có thể nhứt
thời hiểu ngay Tâm là Phật, hay Phiền não là Bồ đề được? Bỡi
cớ sao? Vì chúng ta đang là những mảnh thức biết huyễn hoặc,
đang trong cảnh giới sanh tử huyễn hoặc, nhìn các pháp huyễn
hoặc, nhưng lại vọng chấp tất thảy các pháp kia làm tướng
thật có. Ðã thế thì nói "Phiền não là Bồ đề" thì ai hiểu
được.
Cho nên, chỉ khi nào mọi người, ai ai cũng đều
tự biết như thật rằng tất thảy pháp đều vô ngã, hiện tượng
giới trước mắt là không thật có, tới chừng ấy, pháp pháp
bình đẳng, thì mới có thể nói Phiền não là Bồ đề, hay Sanh
tử là Niết-bàn được. Tuy nhiên, tới chừng ấy, thì ai còn cầu
nói pháp nữa, ai còn cầu giảng pháp phương tiện nữa, bỡi ai
ai cũng đều đã biết như thật là nhứt thiết pháp vô ngã, tánh
của vạn pháp là vô tự tánh, tức bổn nguyên vốn chơn không,
vô sở đắc. Bỡi thế, đang trong lúc này, với cái tâm còn trói
buộc vô minh, hệ lụy khai niệm lưỡng nguyên, chúng ta không
thể dùng chữ "là" để méo mó thay cho chữ "tức" hay "tức thị"
của người xưa được.
Phiền não là pháp sanh diệt, cũng như Sắc, như
Tâm là pháp sanh diệt. Sắc hiện khởi là do duyên tụ hội của
bốn món đất, nước, gió, lửa mà thành. Hết duyên sắc trở về
không. Nên nói sắc tức thị không, sắc tức không, mà không
thể nói sắc là không được, bỡi vì sắc đang hiện khởi trước
một cái ngã đang hiện khởi và đang thấy biết bằng vọng thức
sanh diệt. Phiền não cũng như vậy. Chỉ vì do thức tâm duyên
với trần cảnh mà sanh phiền não hay hoan lạc, khổ đau hay
buồn rầu vv… Phiền não và các pháp tương tự nói chung, không
có tự tánh. Cùng tột của pháp không có tự tánh, cũng là tánh
Phật, là tánh chơn không vô sở đắc. Nên nói pháp này "tức"
pháp kia vv…để dành cho cả người đang mê lẫn người vừa chợt
ngộ.
Cho nên, nếu dùng "là" như một số
người đã phiên dịch "Phiền não là Bồ đề, Sanh tử là
Niết bàn" thì những nghi ngờ phát xuất từ câu nói
đầu tiên này vô tình dễ làm cho những nghi vấn khác lần lược
xuất hiện trong đầu những người còn chấp tướng, khởi tâm
nghi hoặc mà đặt lại vấn đề, rằng chẳng lẽ nước cũng là lửa,
xoài là mít, ổi là cam …. hay sao? Trường hợp như thế vẫn có
thể xảy ra lắm chứ.
Dịch như thế không khéo vô tình đưa người trung,
sơ cơ cầu học đi vào thế kẹt chấp tướng trong chỗ vô cùng.
Hoá ra dịch nghĩa để cho người khác hiểu, lại khiến càng khó
hiểu hơn, thì thà cứ để nguyên văn "phiền não tức thị Bồ đề"
ắc người ta còn dễ chấp nhận cũng như dễ hiểu hơn.
Nói phiền não tức Bồ đề, dễ làm cho chúng ta sực
nghĩ về bản chất của Bồ đề và phiền não, để từ đó sáng nghĩa
câu nói mà liên tưởng tới đá lạnh tức là nước, hoặc băng đá
tức là nước, hoặc 1000gr tức l kg vv…
Bỡi vì, trong hầu hết các kinh điển, đức Phật
cũng như sau này là chư Tổ, thường dạy, "Phiền não tức
thị Bồ đề - Phiền não tức Bồ đề", mà các Ngài không
nói "Phiền não thị Bồ đề - Phiền não là Bồ đề" là có chủ ý
rõ rệt.
Bằng ngôn ngữ vượt thoát, đức Phật cũng như chư
Tổ muốn chỉ thẳng cho các căn cơ nhạy bén, linh lợi thấy
ngay mà không qua ý thức, nghĩ suy, rằng Phiền não và Bồ đề
tuy giả danh là hai, nhưng bổn tánh của Bồ đề và Phiền não
thì không hai, không khác.
Bồ đề hay Niết bàn của đức Phật đều là nghĩa
tịch diệt, là diệt tất thảy tướng, là an trú bình đẳng tánh,
là tuyệt bặc muôn duyên, là bổn tánh chơn không, vô sở đắc.
Ðem cái tánh cùng tột của phiền não, sanh tử là
không, là chơn không, là Phật tánh so lại với cái tánh cùng
tột của Bồ đề Niết bàn là tịch diệt, là chơn không, vô sở
đắc thì mới biết, bổn tánh của chúng không hai không khác,
nên mới nói "tức - tức là" .
Cho nên, chỉ vì một niệm đang mê, liền thấy có
pháp phiền não sanh tử trói buộc . Một niệm chợt ngộ, tức
ngộ tánh bổn lai, tự tại, bình đẳng, thì liền biết như thật
nhứt thiết pháp không, không có tự tánh, thì ngay đó Phiền
não, Sanh tử, Bồ đề, Niết bàn cũng không ra ngoài bổn tánh
chơn không, tịch lặng.
Nếu là người căn trí, thì vừa chợt nghe đề cập
tới hai chữ "bổn tánh" của Phiền não, "bổn tánh" của Bồ đề,
ắc dễ dàng nhận ra ngay đâu là ý chỉ mà đức Phật muốn trỏ về,
tức trực nhận ra bổn tâm mình cũng là tánh chơn không, vô sở
đắc như Bồ đề, như Niết bàn kia không khác.
Thế nên Tổ, Phật mới nói "tức" hoặc "tức là" mà
không nói "là", cũng vì lý do từ một tâm mê hay ngộ khi nhìn
bổn tánh của sự việc mà thấy là hai là khác.
Riêng với pháp Ðốn giáo thì những căn trí và
phước đức vào hàng trung thượng nương lời dạy ấy để nhìn vào
tự tâm khiến dễ dàng khám phá bổn tánh chân thật của mình.
Nhận ra chỗ này thì Phiền não tức Bồ đề là điều
không thể sai chạy.
Tuy nhiên chủ ý của sự dẫn dắt ấy là hướng chúng
ta nhìn thẳng vào tự tâm để thật chứng bổn tánh Bồ đề và
Phiền não, Sanh tử với Niết bàn, hoặc là thật tánh của Tâm
với Phật, của Sắc với không …vv. chứ không phải để cho chúng
ta dùng cái thức biết sanh diệt chạy theo phân biệt, so sánh
suông các pháp ấy như thế này hay như thế nọ. Ðó chính là
chỗ mượn tri kiến giải thoát của Phật để thắp sáng bổn tâm,
rồi nhìn các pháp bằng chính con mắt tâm vừa được thắp sáng,
rồi cũng ngay sát na đó chợt lìa tri kiến ấy để ngoảnh đầu
trực ngộ bổn tánh chơn không vô sở đắc, cũng là tức thời
bừng sáng tánh Phật chúng sanh. Nói thì lâu chứ đã thấy biết
chơn thật thì không quá cái nháy mắt, vì trong đây không
dụng suy lường, nghĩ nghị. Ðã chợt thấy thì tức khắc toàn
thể là mình, là tánh biết chơn thật hiển hiện tuyệt một, bất
khả thuyết, bất khả tư nghị.
Một khi sáng tỏ thật tướng của "ngã" là không
một tướng nào, tánh thật của ngã là không có tự tánh thì
liền biết như thật, tất thảy các pháp đều do duyên sanh,
không phải thật có. Khi ấy, liền biết Phiền não tức Bồ đề,
Sanh tử tức Niết bàn, Tâm tức Phật, Sắc tức không….vv..hay
dẫu có nói không phiền não, không Bồ đề, không Tâm, không
Phật, không sắc, không không …cũng chẳng sái vì tất thảy
pháp hiện khởi và duyên khởi đều từ tự tánh chơn không mà
hiện hữu, và tất thảy tướng hiện khởi ấy lại qui về một chỗ,
đó là tự tánh chơn không, tịch tịnh, vô sở đắc. Xuất sanh và
qui nguyên chỉ một chỗ này, nhưng có sum la, vạn tượng đầy
khắp, chỉ vì vọng thức duyên sanh trùng trùng sai biệt. Chỉ
có điều tới đó thì cũng hết còn miệng lưỡi để nói, vì tâm ý
thức, tình tưởng, giác quan không còn chỗ để có thể dính dấp,
vì bản thể tuyệt đối, bất khả thuyết, bất khả tư nghị, không
ta, không người, không chúng sanh, không thọ giả, là chỗ mà
chư Tổ thường dạy "các các tu tự ngộ - mỗi mỗi nên tự ngộ"
nghĩa là mỗi người tự ngộ ra, tự biết mà thôi, như người câm
thấy chiêm bao, biết rõ ràng mà nói không thể tới.
Vì Bồ đề vô sở đắc, cũng là nghĩa như của các
pháp, như thật như hư, thế nên trong đạo tràng Bát nhã, khi
thuyết kinh Kim cang Bát nhã Ba-la-mật, đức Phật xác định
rất rõ ràng, rằng:
- "Tu bồ đề! Thiệt vô hữu pháp Như lai đắc A nậu đa la
Tam miệu tam bồ đề. Nhược hữu pháp như lai đắc A nậu đa la
tam miệu tam bồ đề giả, Nhiên đăng Phật tức bất dữ ngã thọ
ký: Nhữ ư lai thế đương đắc tác Phật hiệu Thích ca mâu ni -
Này ông Tu-bồ đề ! Thiệt không có pháp Như-lai được
Chánh-đẳng Chánh-giác Vô thượng Bồ-đề. Nếu có pháp Như lai
được Chánh đẳng giác Vô thượng Bồ đề thì Phật Nhiên đăng ắc
đã không thọ ký cho ta, rằng ở đời sau ông sẽ thành Phật
hiệu là Thích-ca Mâu-ni".
Hoặc Ngài còn dạy :
- "Thiệt vô hữu pháp Phật đắc A nậu đa la
Tam miệu tam Bồ đề. Như lai sở đắc A nậu đa la tam miệu tam
bồ đề, ư thị trung vô thật vô hư - Thiệt không có pháp chi
Phật đặng đạo Vô thượng Bồ đề. Như lai đặng cái pháp Vô
thượng Bồ đề, ngay trong ấy không thiệt không hư".
(Phần thứ 17 - Kinh Kim-cang Bát nhã Ba-la-mật).
IV- Thực hành để Giải thoát Tri kiến
Từ những dòng chữ đầu trang cho tới giờ, do
khuôn khổ hạn hẹp của bài viết, nên chúng tôi không làm cái
việc truy nguyên gốc tích những lời dạy trên, như xuất phát
từ đâu, ai nói, hay nói lúc nào vv…để có thể thoả mãn sự ham
thích tích chứa kinh nghiệm về đa văn tri kiến của các bạn
mình. Ở đây, chúng tôi đã trực tiếp đi vào đề tài, nghĩa là
tuỳ thuận nhơn duyên làm sáng tỏ được chút nào hay chút nấy
ý chỉ của đấng Toàn-Giác muốn gởi gắm vào nội dung câu nói
trên, để những ai hữu duyên với pháp này có cơ may chỉ một
bước là vào thẳng Trung-đạo, tức cữa Ðại thừa giải thoát.
Sở dĩ chúng tôi không muốn các bạn tốn phí nhiều
thời gian cho việc truy tìm những gốc tích ấy, chỉ vì một lý
do hết sức đơn giản, đó là nỗi lo chung cho chúng ta, những
người như tôi như các bạn không còn nhiều thì giờ trong đời
để thực hành Phật pháp, mà việc thực nghiệm sở học Phật lên
chính thân tâm mình để cứu cánh bờ kia mới là điều quan
trọng nhứt, đáng nên làm ngay, nếu không muốn nói là cần
phải làm hơn tất cả mọi việc khác. Nói như thế để thấy rằng,
việc thực hành Phật pháp của chúng ta trong đời này quan
trọng đến mức nào.
Bỡi vì, ai trong chúng ta cũng đều biết, sanh tử
là chuyện đại sự cấp bách, trong khi thời khắc trôi mau
chẳng đợi chờ ai, nên việc tu và hành để tự giải thoát sự
trói buộc của nghiệp báo luân hồi chẳng khác như việc cứu
người vừa bị tên độc bắn trúng. Việc cần kíp phải làm ngay
lúc này là cứu người bị nạn, chứ không phải lo chuyện truy
nguyên ai là người bắn mũi tên đó, hoặc mũi tên được làm
bằng gì, dài ngắn nặng nhẹ ra sao, bắn lúc nào, ở đâu, tại
sao bắn, vv… Trước mắt, những sự hiểu biết như thế hoàn toàn
không cần thiết đối với người bị nạn đang đau đớn và có thể
chết vì mũi tên độc ấy bất cứ lúc nào. Việc cần làm ngay là
phải có phương pháp hữu hiệu để nhổ mũi tên ấy ra càng sớm
càng tốt, phải cho uống thuốc giải độc cũng như tra thuốc
thích hợp vào vết thương, để nhanh chóng cứu người.
Nếu đem việc người bị tên độc bắn trúng cần được
cấp cứu để có thể sống sót, so sánh với chuyện phải như pháp
thực hành lên chính thân tâm này để có thể vượt thoát trói
buộc sanh tử luân hồi mà chúng ta đang theo đuổi trong đời
này, thì cả hai việc đều cần kiếp, đều cấp bách như nhau.
Thế nên, chuyện truy tìm các nguyên nhân và sự
kiện như vừa nêu ở trên, có thể chưa phải là việc làm của
chúng ta, hoặc giả nên để dành cho các nhà nghiên cứu chuyên
biệt về Phật học thì hơn.
Bỡi vì có một điều mà ai hiểu rất rõ, là nếu
việc học Phật chỉ mong để làm giàu kinh nghiệm tri thức và
kiến giải sâu rộng mà không biết mượn lý đạo đã học được để
như pháp thực hành hầu tự khai tâm mở tánh cho mình (mượn
Tri kiến giải thoát để khai tâm và biết
Giải thoát khỏi Tri kiến giải thoát để
có cơ hội trực ngộ bổn tánh) thì chỗ sở học bị chấp chặt kia,
đôi khi còn tai hại hơn là không biết gì cả, vì đấy chính là
biểu hiện của tâm chấp pháp, là sở tri chướng.
Nếu phải bị sở tri chướng trói buộc vì không thể
tự vượt thoát khỏi tri kiến giải thoát, thì thà rằng chúng
ta, những Phật tử tại gia gồm đủ mọi căn trí, chỉ cần giữ
chặt sáu chữ Hồng-Danh gắn kết trong tâm không lúc nào rời
lìa, không lúc nào ngưng dứt để có cơ hội thể nhập Tam-muội
Tự-tánh Di-Ðà ngay trong đời này, còn hơn là học đủ thứ,
biết đủ thứ, nhưng lại vướng mắc vào kiến chấp. Bỡi vì chỗ
biết đủ thứ này, vẫn không vượt khỏi phạm vi hiểu biết của ý
thức, mà thức ý này chính là mầm móng lưu xuất và tạo dựng
cảnh giới vọng nghiệp sanh tử dành cho các đời vị lai mà
chúng ta phải trói buộc vậy. Ðó là sự thật.
07-12-2008 09:23:55