Là người Phật tử tại gia thì
khác với hàng xuất gia, người Phật tử còn phải bon chen làm ăn như bao người
khác trong xã hội, nhất là trong thời buổi cơ chế thị trường, sự làm ăn cũng
phải tính toán, hơn thua đủ thứ để kiếm ra đồng tiền, bát cơm mà sống.
Trong đạo Phật, hình ảnh vị Bồ Tát được biểu tượng cao quý nhất
qua các tuồng hát, sử truyện v.v... đó là đức Quán Thế Âm; Ngài đến với chúng
sanh bằng tấm lòng vô úy thí bao dung không tính lường. Ngài ứng hiện thân
vào tất cả chúng sanh để phương tiện cứu khổ ban vui cho tất cả. Hạnh nguyện
của Bồ Tát Quán Thế Âm đã đi sâu vào lòng dân tộc Việt Nam chúng ta bằng
hiện thân những: Quan Âm Thị Kính, Ỷ Lan Hoàng Hậu đã đem lại cho đời niềm
vui an lạc thanh lương.
Nếu ai đã là Phật tử thì phải hiểu Bồ Tát Quán Thế Âm bằng cách
hiểu có trí tuệ, có uyên thâm giáo lý nhà Phật, thì mới có thể không xúc
phạm đến hạnh nguyện cao cả của vị Bồ tát đó. Chúng ta đừng hiểu Ngài như
một bà mẹ tầm thường và cũng đừng xem Ngài như một thần linh ban ơn, giáng
phước, hay biến Ngài thành Thánh mẫu theo kiểu ngoại đạo tà giáo. Chúng ta
hãy đảnh lễ Bồ Tát Quán Thế Âm với tất cả lòng mình, để rồi tự nhiên chúng
ta sẽ thấy sự mầu nhiệm của cành dương nước cam lồ trong bình tịnh thủy.
Một phút lắng lòng nhất niệm để chúng ta chiêm ngưỡng dáng đứng uy nghiêm
của Bồ Tát Quán Thế Âm, thì tự nhiên trong lòng ta có một điều gì đó thiêng
liêng vô cùng tận. Chúng ta phải hiểu cho thật tinh tường tại vì sao khi
bước chân vào bất cứ một ngôi chùa nào; cũng đều thấy dáng đứng trang nghiêm
hùng lực của Bồ Tát Quán Thế Âm.
Với một tình thương vô úy thí, Đức Quán Thế Âm Bồ Tát muốn cho
tất cả chúng sanh phải có phút giây dừng mọi ý tưởng lăng xăng của tình thức.
Vọng tưởng có dừng lại, chúng sanh mới lắng nghe được tiếng nói của chính
mình và nhịp đập của trái tim mình. Bởi vậy; chúng ta muốn quỳ dưới đài sen
để đảnh lễ đức Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật, thì phải đứng lại chiêm ngưỡng
Bồ Tát Quán Thế Âm, hầu tìm ra con người thật của chính mình mới mong gần
Phật được.
Trong cuộc sống hàng ngày, nếu Phật tử chúng ta làm một nghề
thường hay gần gũi những nơi ăn chơi khách sạn, nhà hàng, thì phải luôn tịnh
niệm, thể hiện một nhân cách sống như hoa sen trong bùn nhơ mà chẳng hôi
tanh. Đừng để dục lòng với những vọng niệm làm chủ lấy ta, thì lúc ấy đức
Quán Thế Âm Bồ Tát sẽ ở bên hộ lực cho ta vượt qua tất cả những thứ ô nhiễm
phàm tục. Nếu một nghề của Phật tử chúng ta thường hay đối đầu với những
con người nóng giận, cải vã, hơn thua, tranh giành, thì ngay chính nơi trong
lòng Phật tử chúng ta trước hết phải bao dung, thứ tha và lúc nào cũng phản
chiếu lại chính mình, thì đức Quán Thế Âm sẽ hiện hoài trong mỗi người Phật
tử chúng ta. Chính vì lòng dục không làm chủ được, nên lòng chúng ta thường
nóng giận, phiền não và dĩ nhiên cái ngu si có cơ hội sai khiến chúng ta
làm những thứ điên đảo, thấp hèn, gian trá, điêu ngoa.
Là người Phật Tử mà chúng ta còn gọi Bồ Tát Quán Thế Âm là Phật
Bà, Thánh mẫu v.v... thì điều ấy là một sỉ nhục cho chính mình và bôi bác
một hình ảnh với hạnh nguyện cao cả của một vị đại Bồ Tát. Đã là người Phật
tử, không ít thì nhiều chúng ta phải tìm hiểu cho thật rõ ràng về hạnh nguyện
của đức Quán Thế Âm, để chúng ta không bị tư tưởng hóa một cách mù quáng
theo những quan niệm, danh xưng như tà giáo. Có hiểu sâu rộng về hạnh nguyện
Bồ Tát Quán Thế Âm, Phật tử chúng ta mới có thể áp dụng đời sống của mình
vào thực tế xã hội. Có Quán Thế Âm trong lòng mình hằng giờ, hằng phút thì
những tiếng khen chê, nịnh hót, mật ngọt đối với chúng ta đều là giả ngôn
duyên hợp. Thấy được như thế thì những danh lợi, hơn thua, tranh giành, nhục
vinh trong thế gian đối với chúng ta tất cả đều là:" Như vậy và như vậy"
khi sống được với bản thể thanh tịnh trong một thế giới vô biên của Quán
Thế Âm lòng mình, thì con người thật chúng ta sẽ sống mãi trong tan hợp đổi
thay của cuộc đời. Chúng ta sẽ như Bồ Tát Quán Thế Âm hùng dũng, uy nghiêm
đứng giữa đời dâu bể với bao thăng trầm đau khổ triền miên.
Trong niềm vui kỷ niệm ngày vía đức Quán Thế Âm Bồ Tát, chúng
ta phải hiểu cho thật chính xác, tinh tường về Ngài, thì mới khỏi hổ thẹn
và xứng đáng là người Phật tử. Chúng ta sẽ dọn lòng cho sạch những vọng tưởng
lăng xăng và đánh gục đi những ngã chấp lầm kiến, để đến trước Bồ Tát Quán
Thế Âm mà thành tâm chiêm ngưỡng dáng đứng trang nghiêm hùng lực của Bồ Tát.
Rồi chính chúng ta sẽ tìm ra được Quán Thế Âm của lòng mình, và cũng như
Bồ Tát. Chúng ta thị hiện vào đời cứu khổ cho chúng sanh với hạnh nguyện
vô úy thí.
Thích Huyền Lan
--o0o--