BỒ TÁT HẠNH

Ngài Quan-Thế-Âm Bồ-Tát
Nam-Tông và Bắc-Tông
Khải Chính Phạm Kim Thư
--o0o--
 
I. Ngài Quan-Thế-Âm Bồ-Tát
Trước khi trình bày về ý-nghĩa của Ngài Quan-Thế-Âm Bồ-Tát, tôi xin nói về từ “Quan” và “Quán.” Theo nghĩa kinh-điển nhà Phật, hai chữ này có đồng nghĩa là xem xét điều lầm-lỗi quấy bậy để trừ bỏ đi. Chính vì thế mà người ta có thể nói là “Quan-Thế-Âm” hay “Quán-Thế-Âm” cũng được.
Theo các sách Phật học, người ta thường nói: Quan-Âm Bồ-Tát có nghĩa là Đức Bồ-Tát Quan-Âm, một vị Đại Bồ-Tát trong Phật-Giáo Đại-Thừa. Bồ-Tát Quan-Âm còn được gọi là Quan Thế-Âm Bồ-Tát, Quan-Âm, Quan-Tự-Đại, Từ-Tâm Bất-Sát.  Đây là những danh-hiệu của các vị Bồ-Tát thường cứu khổ chúng-sinh.
“Bồ-Tát” có nghĩa là người tu-hành gần đến bậc Phật và thuờng cứu-độ cho khắp cả mọi người. Tiếng “Bồ-Tát” là do tiếng Phạn “Bồ-Đề Tát-Đóa (Bodhi Sattva). “Bồ-Đề” có nghĩa là “chánh-giác,” “Tát-Đóa” có nghĩa là “chúng sinh.”
“Quan-Thế-Âm” có nghĩa là nghe xét các âm-thanh của các chúng-sanh trong Pháp-Giới hầu có sức thần-thông mà cứu vớt họ. 
Ngài “Bồ-Tát Quan-Âm” hay “Quan-Thế-Âm Bồ-Tát” thường được người Đạo Phật ở Viễn-Đông tôn trọng ngài theo hình một bà. Người Đạo Phật ở Tây-Tạng lại tôn-trọng ngài theo hình một ông.  Ngài Quan-Thế-Âm Bồ-Tát có mười một cái mặt, ngàn tay, ngàn mắt, và 108 hồng-danh (“hồng-danh” là danh-tiếng to lớn, tên tuổi oai-hùng mà mọi người đều kính-trọng. Đây là danh-hiệu của Phật đồng-nghĩa với Phật- danh hay Phật-hiệu). Ngài Quan-Thế-Aâm Bồ-Tát ngự tại đền Potala tại Lhassa ở Tây-Tạng (Tibet). Đã có tác-phẩm như Kinh Diệu-Pháp Liên-Hoa xưng tụng công-đức và lòng từ-bi cứu thế của ngài. Chính vì thế mà hễ ai thờ ngài, cầu nguyện, và niệm tưởng ngài thì được ngài ban phước đức, chở che, và cứu-trợ trong lúc bị tai nạn hay nguy-hiểm. Khi người nào chiêm-ngưỡng lễ bái ngài Quan-Thế-Aâm Bồ-Tát thì thế nào cũng được thỏa-nguyện. 
II. Nam-Tông và Bắc-Tông
Đạo Phật Thiền-Tông và Đạo Phật trên thế giới phân chia ra hai tông: Nam-Tông và Bắc-Tông.
1. Nam-Tông      
Nam-Tông có nghĩa là Tông Miền Nam hay giáo-phái miền Nam đối với Bắc-Tông. 
Nam-Tông là giáo-phái do Lục-Tổ Huệ-Năng lãnh-đạo và được lan-truyền về Miền Nam nước Trung-Hoa. Nam-Tông còn được kêu là Tổ-Sư Thiền có sở-trường về phép Đốn-Giáo (Phép Đốn-Giáo có nghĩa là dạy cho thành-tựu tức-khắc, dạy cho bằng giáo-pháp vắn-tắt đại-thừa).
Nam-Tông cũng được kêu là Tiểu-Thừa lan truyền trong các xứ miền Nam như: Tích-Lan, Miến-Điện, Cao-Miên, Xiêm, và Lào (Lèo).  Kinh Phật trong Nam-Tông viết bằng chữ Ba-Lỵ. Chữ “Ba-Lỵ” (Pali) là loại chữ của kinh phương Nam, nhất là miền Tích-Lan (Ceylan). Những kinh Phật Tiểu-Thừa miền Nam thì được chép và đọc bằng chữ Ba-Lỵ và tiếng Ba-Lỵ.
Nam-Tông có sở-trường dạy Phật-Tử tu học cho đắc quả La-Hán. “La-Hán” còn được gọi là “A-La-Hán” có nghĩa là bậc tu-hành đắc-đạo trong Đạo Phật vì đã xuất-gia và dứt tuyệt các phiền-não ở trong lòng. Vậy cho nên “Quả La-Hán” có nghĩa là dẹp được phiền-não; dứt sạch các lỗi-lầm; đạt tới sức mạnh huyền-vi, tư-tưởng tự-do, tâm-trí tự-tại, hiểu-biết tất-cả sự việc một cách hoàn-mỹ, làm chủ tư-tưởng của mình, và có đủ phép thần-thông.
2. Bắc-Tông  
Bắc-Tông là Tông Miền-Bắc hay giáo-phái Miền Bắc do Thần-Tú Đại-Sư lãnh-đạo rất thịnh-hóa ở miền Bắc. Bắc-Tông còn được gọi là Như-Lai Thiền và sở-trường về phép Tiệm-Giáo. “Tiệm-Giáo” có nghĩa là Pháp môn dạy lần-lần, tức là chậm-rãi hay từ-từ.
Bắc-Tông cũng được kêu là Đại-Thừa và được phổ biến ở các nước miền Bắc như:  Tàu, Nhật (Nhựt), Tây-Tạng, Mông-Cổ, Cao-Ly, Việt-Nam, v.v. để cho mọi nhà sư tu học theo kinh chánh bằng ngôn-ngữ cổ của nước Ấn-Độ gọi là Bắc-Phạn (Sanscrit/ Sanskrit).
Bắc-Tông chuyên dạy người tu học để đạt được Quả Bồ-Tát và Quả Phật. Quả Bồ-Tát và Quả Phật có nghĩa là sự thành-tựu của Đấng Bồ-Tát và Đức Phật. Khi người ta lo tu-hành để tự-giác giác-tha, cứu-độ chúng-sinh, truyền đạo và thuyết-pháp giúp đời, và bố-thí giúp chúng-sinh thì về sau được kết “Quả Bồ-Tát.” Nhưng người lo tu-hành về bố-thí, trì-giới, nhẫn-nhục, tinh-tấn, thiền-định, và trí-huệ thì đạt được  quả cao hơn hết là “Quả Phật.”
--o0o--