BỒ TÁT HẠNH

Ý nghĩa
Vía Phật - Bồ Tát Trong Năm
Nhiều tác giả
--o0o--
 
MỤC LỤC
-  Giới thiệu của Hòa Thượng TBHPTW GHPGVN.
- Lời mở đầu.
 
Tháng Giêng:
01.  Ngày mùng 1 – Bồ Tát Di Lặc
 
Tháng Hai
02. Ngày mùng 8 – Phật Thích Ca xuất gia: Cuộc ra đi làm nên lịch sử
03. Ngày 15 – Phật Thích Ca nhập diệt:
Hành trình cuối cùng của đức Phật
Kinh Nhiều Cảm Thọ
04. Ngày 19 – Vía đức Quán Thế Âm Bồ Tát
05. Ngày 21 – Vía đức Phổ Hiền Bồ Tát
 
Tháng 4:
06. Ngày mùng 4 – Vía đức Văn Thù Bồ Tát
07. Ngày 8 – Phật Đản Sinh
 
Tháng 7:
08. Ngày 13 – Vía đức Đại Thế Chí Bồ Tát
09. Ngày 15 – Lễ Vu Lan Thắng hội
10. Ngày 30 – Vía đức Địa Tạng Bồ Tát
 
Tháng 8:
11. Ngày mùng 6 -- Tổ Huệ Viễn với pháp môn tịnh Độ
(Kỷ niệm ngày Huệ Viễn Đại sư viên tịch)
12. Ý nghĩa pháp môn Tịnh Độ
 
Tháng 9:
13. Ngày 30 – Vía đức Phật Dược Sư
 
Tháng 10:
14. Ngày mùng 9: Tổ sư Bồ Đề Đạt Ma viên tịch
15. Sơ lược sắc thái thiền Trung Hoa
16. Kinh Hoa Nghiêm với Thiền
 
Tháng 11:
17. Ngày 17 – Vía Phật A Di Đà
18. Kinh Hoa Nghiêm với pháp môn Tịnh Độ
 
Tháng 12:
19. Ngày 15 – Tam Minh trong ngày Phật thành đạo 
 
LỜI GIỚI THIỆU 
        Trong nhiều năm qua, Ban Hoằng Pháp Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã tổ chức nhiều Khoá bồi dưỡng Giảng sư ngắn ngày và các lớp đào tạo giảng sư chánh quy. Tuy nhiên, đây là lần đầu tiên, quý Tăng Ni đang học lớp Đào tạo Cao cấp Giảng sư đã biên soạn quyển sách vía Phật và Bồ tát, gồm những bài giảng về Phật pháp tương đối khá tốt.
            Vì vậy, Ban Hoằng Pháp cho phép xuất bản quyển sách này, để làm tài liệu cho các giảng sư nghiên cứu; đồng thời là quyển sách cần thiết giúp cho các Phật Tử trau giồi thêm kiền thức về Phật pháp.
            Ngoài ra, chúng tôi cũng muốn khích lệ quý Tăng Ni viết sách này, nhằm tạo thắng duyên cho quý vị sẽ có những công trình nghiên cứu cao hơn và đóng góp đuợc nhiều lợi ích cho ngành Hoằng pháp trong tương lai. 
Mùa Phật thành đạo, Phật lịch 2548 – 2004 
HT. THÍCH TRÍ QUẢNG
Phó Chủ tịch Hội đồng Trị sự Trung ương
Trưởng ban Hoằng pháp Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam.
 
LỜI MỞ ĐẦU
Trong xu thế hiện nay, sự  nghiên cứu học Phật của quần chúng rất phổ biến. Và có thể nói nhu cầu tìm hiểu Phật pháp hôm nay trở nên cần thiết hơn bao giờ hết. Trước tình hình đó, Ban Hoằng Pháp Trung Ương (BHPTW) tạo điều kiện thuận lợi nhằm đáp ứng nhu cầu học phật của người Phật tử: Mở nhiều đạo tràng tu bát quan trai, các lớp giáo lý dành cho người cư sĩ, các khóa tu ngắn ngày… Và một tổ chức hoằng pháp đáng chú ý nhất đó là chương trình Phật học hàm thụ đã thu hút lượng học viên đăng ký học tập đáng kể, số người tri thức tham gia rất đông. Đây là chương trình xem như có qui mô rộng lớn nhất, đội ngũ biên soạn bài vở rất tốt, có phương pháp sư phạm, nghiên cứu cứ liệu rõ ràng chính xác… Đó là việc đáng vui mừng cho sự phát triển tốt của Phật Giáo Việt Nam.
Để có thêm cán bộ phục vụ cho ngành hoằng pháp, trong gần 10 năm BHPTW mở các lớp đào tạo giảng sư, các lớp hoằng pháp Thiện Hoa, Trí Thủ, và tiếp theo đó là mở hai lớp đào tạo Cao và Trung cấp Giảng sư, là những bước tiến nhảy vọt của ngành hoằng pháp, trang bị kiến thức vững vàng cho tiềm năng trẻ có tâm huyết dấn thân trên con đường phụng sự đạo pháp.
Trước những kỳ vọng lớn lao mà chư tôn đức đã đặt niềm tin vào thế hệ trẻ, chúng tôi, Tăng Ni giảng sinh lớp cao cấp giảng sư, muốn đóng góp chút phần công sức của mình trong công tác hoằng pháp lợi sanh, cùng nhau biên soạn bộ tài liệu diễn giảng về các ngày vía của Phật, Tổ và Bồ Tát tiêu biểu trong năm.
Chúng tôi thiết nghĩ, tập tài liệu này rất cần cho người hoằng pháp, nhằm nâng cao ý thức về tinh thần tôn sư  trọng đạo, tưởng nhớ sâu sắc đến các bậc tiền bối đã dày công xây dựng nền đạo pháp, theo chiều dài lịch sử gần ba ngàn năm. Ngoài mục đích đó, chúng tôi còn chú trọng đến ba tiêu chí sau:
1.  Một là biểu hiện tấm lòng siêng học, cần tu, nhiệt tình hoằng pháp của các Tăng Ni giảng sinh trẻ, hầu đền đáp công ơn chư tôn đức lãnh đạo Giáo Hội, BHPTW, và nhất là các bậc tôn túc lãnh đạo trực tiếp cưu mang chúng tôi.
2.  Giúp cho người Phật tử có thêm tài liệu trong việc nghiên cứu, tìm hiểu ý nghĩa và biết rõ tầm quan trọng của  các ngày lễ vía mà các chùa tổ chức lễ kỷ niệm thường niên.
3.  Đóng góp một phần tài liệu, nhằm gợi ý cho những vị giảng sư qúa nhiều công việc mà ngày giảng đã cận kề.
Vì vậy, trong tập sách này, chúng tôi cố gắng biên soạn khá công phu, tương đối đầy đủ chi tiết, đồng thời hội nhập với nền tín ngưỡng có từ lâu đời nhưng không vượt ra ngoài Phật pháp.
Khả năng tiềm ẩn của lớp học còn nhiều, chúng tôi chưa khai thác hết những vốn quí ấy. Mặt khác, dung lượng quyển sách không thể tập hợp đủ những bài viết với các đề tài khác nhau, đành tuyển chọn giới hạn.
Đây là tác phẩm in chung đầu tiên không sao tránh khỏi những điều thiếu sót, kính mong các bậc thiện trí thức chỉ giáo thêm cho hoàn chỉnh.
Thành kính ghi ơn Chư tôn sư giáo dưỡng. Nguyện cầu những gì tốt đẹp nhất sớm đến với quí đọc giả hữu duyên với Phật, Bồ Tát.
Ban Biên Soạn
--o0o--