|
BỒ TÁT HẠNH
- Ý Nghĩa
- Vía Phật -
Bồ Tát Trong Năm
- ---o0o---
-
HÌNH ẢNH
BỒ TÁT
PHỔ HIỀN TRONG PHẬT GIÁO
Thích Pháp Huệ
--o0o--
A.
DẪN NHẬP
Trong cuộc
sống, Phật tử chúng ta thường hay ca ngợi và thán phục trước
những tấm lòng hy sinh cao cả, qua hạnh nguyện thể hiện tình
thương, giúp đời của những người đi theo lý tưởng phụng sự xã
hội. Hạnh nguyện đó, ít nhiều cũng đã hé mở cho những thân
phận cùng khổ một tia sáng hy vọng, một niềm tin hướng thượng
giữa đời thường. Thế nhưng, tình thương yêu và nghĩa cử cao
đẹp đó vẫn còn nằm trong hữu hạn, với những điều kiện mong
cầu. Song, tìm hiểu qua kinh điển Phật giáo Đại Thừa, chúng ta
thấy có nhiều vị Bồ tát, hạnh nguyện lợi tha thật vô cùng rộng
lớn.
Ở đây, sự
nổi bật về hạnh nguyện độ thế, chúng ta thấy có Bồ tát Phổ
Hiền, một vị Bồ tát mà tín đồ Phật giáo thường hay tôn trí,
thờ phụng trong các ngôi chùa ở những nước châu Á có sùng mộ
Phật giáo phát triển.
Là người
Phật tử chân thành, chúng ta hiểu thế nào về hình ảnh của vị
Bồ tát này để niềm tin không rơi vào ý thức thần linh, siêu
hình, huyền ảo.
B.
NỘI DUNG
I.
Định nghĩa
Giải
thích danh hiệu
Theo Phật
giáo Đại Thừa, Bồ tát Phổ Hiền là nhân vật lý tưởng, xuất hiện
từ pháp thân và báo thân Phật. Từ phẩm tính cao thượng của bậc
giác ngộ, Ngài đã xuất hiện như một người bình thường có đầy
đủ nguyện lực và công hạnh rộng lớn. Để nhận chân được hình
ảnh vị Đại sĩ này, chúng ta sẽ tìm hiểu qua các phần dưới đây.
a)
Danh hiệu
Danh hiệu
Bồ tát này nói cho đủ theo âm Hán là Đại Hạnh Phổ Hiền Bồ tát
Ma ha tát.
Đại Hạnh là hạnh nguyện sâu
rộng, cùng khắp tất cả mười phương Pháp giới mà kinh Hoa
Nghiêm thường ẩn dụ là biển hạnh (Phổ Hiền Hạnh Hải).
Phổ Hiền –
Dịch từ thuật ngữ Phạn Sàmantabhadra – Dịch âm là Tam Mạn Đà
Bạt Đà La hoặc Tam Mạn Đà Bạt Đà, Bật Thâu Bạt Đà, dịch nghĩa
là Biến Cát. Nghĩa là thân tướng và công đức của vị Bồ tát đó
có khắp mọi nơi, thuần nhất, diệu thiện.
Bồ Tát
(BodhiSattva): Dịch âm là Bồ Đề Tát Đóa, hay là Ma Ha Đế Tát
Đóa, theo các nhà dịch cũ gọi là Đại Đạo Tâm Chúng Sanh, Đạo
Chúng Sanh v.v… Còn theo cách dịch của Ngài Huyền Trang trở về
sau, gọi là Đại Giác Hữu Tình, Giác Hữu Tình. Nghĩa là vị có
đại tâm cầu đạo nên gọi là Đạo Tâm Chúng Sanh. Vị cầu Đạo, cầu
Đại Giác do đó cũng gọi là Đạo Chúng Sanh. Đại Giác Hữu Tình,
Giác Hữu Tình là vị tự mình nỗ lực giác ngộ và hướng dẫn chúng
sanh đều được giác ngộ. Tát đóa có nghĩa là dũng mãnh, dũng
mãnh cầu Bồ Đề nên gọi là Bồ Để Tát Đóa. Hoặc gọi là Khai Sĩ,
Cao Sĩ, Đại Sĩ (vị có nhân cách, năng lực khai thị cho tất cả
chúng sanh đồng giác ngộ).
Ma Ha Tát –
Nghĩa là to, lớn, nhiều. Đây là chỉ cho phẩm tính phổ biến sâu
rộng của Hạnh Nguyện và đủ tư cách làm bậc thượng thủ hướng
dẫn chúng hội phát tâm tu tập vô lượng hạnh nguyện của các đức
Như Lai. Do đó, danh hiệu Đại Hạnh Phổ Hiền Bồ tát Ma Ha Tát
có nghĩa là vị Bồ tát có vô lượng công đức và hạnh nguyện,
trùm khắp mười phương cõi nước.
b)
Xuất hiện
Căn cứ
những sưu khảo của các nhà nghiên cứu Phật học, thì danh hiệu
Phổ Hiền được thấy xuất hiện đầu tiên trong kinh Mạn Đà La Bồ
Tát, về sau xuất hiện nhiều ở các bản kinh khác. Đặc biệt, đất
nước Trung Hoa có những truyền thuyết về Bồ tát Phổ Hiền; họ
cho rằng đức Phổ Hiền Bồ tát thị hiện hóa thân tại núi Nga Mi
Sơn (một trong 4 đại danh sơn Trung Quốc thuộc tỉnh Tứ Xuyên)
và trên núi có Chùa Quang Tướng là Linh Tràng của Bồ Tát Phổ
Hiền thị hiện giáo hóa.
Ở Việt Nam,
cũng có một số chùa có tôn trí hình tượng Bồ Tát Phổ Hiền,
cưỡi voi trắng 6 ngà hầu bên phải đức Phật Thích Ca Mâu Ni.
Ngài Phổ Hiền là một trong những vị Bồ Tát mà Phật Giáo đồ
Việt Nam rất tôn kính.
c)
Truyền thuyết
Về sự tích
tiền thân Bồ Tát Phổ Hiền, kinh Bi Hoa có nói “Trích Lục Phật
học tạp chí tử Bi Âm” (tập 200-204), minh họa:
Xưa ! Tiền
thân đức Phổ Hiền có tên là Năng Đà Nô, người con thứ tư của
vua Vô Tránh Niệm. Nhờ phụ vương khuyên bảo, thái tử đã phát
tâm cúng dường đức Phật Bảo Tạng và chư Tăng trong 3 tháng hạ.
Thuở ấy
quan đại thần là Bảo Hải, thấy thái tử phát tâm dũng mãnh như
thế nên khuyên rằng: “Nay điện hạ đã có lòng làm các việc công
đức, vậy hãy hồi hướng về đạo Vô thượng bồ đề, cầu được thành
Phật hơn là cầu phước báo hữu lậu, nơi cõi trời, cõi người”.
Thái tử
nghe quan đại thần nói như vậy, liền bạch lên đức Phật Bảo
Tạng: “Bạch đức Thế Tôn ! –Nay tôi làm các công đức, tất cả
đều xin cúng dường lên đức Như Lai và đại chúng, xin hồi hướng
công đức này hướng về đạo Vô thượng chánh giác, nguyện phát
tâm Bồ Đề, tu tập vô lượng hạnh nguyện Bồ Tát, giáo hóa mọi
loài chúng sanh, cầu chứng ngôi Phật đạo. Và xin hồi hướng để
được cõi Phật trang nghiêm, thanh tịnh, tất cả đều tốt đẹp và
sự giáo hóa chúng sanh sẽ đồng như cõi của Phật Phổ Hiền”. Khi
Phật Bảo Tạng nghe thái tử phát những thệ nguyện, Ngài liền
khen ngợi và thọ ký, đồng thời đặt hiệu cho thái tử là: Kim
Cang Trí Tuệ Quang Minh Công Đức. Sau nhiều kiếp tu hành, thực
hiện các thệ nguyện viên mãn, rồi đến thế giới Bất huyến
phương Đông thành Phật hiệu là Phổ Hiền Như Lai.
Từ khi phát
những hạnh nguyện đó và nhờ nhiều đời sinh ra nơi nào cũng
tinh tấn tu hanh đạo Bồ Tát nên Ngài đã thành Phật và đang hóa
thân vô số ở các thế giới để giáo hóa chúng sanh.
II-Hạnh
nguyện và biểu trưng.
a-Hạnh
nguyện.
Nói đến
hạnh nguyện Bồ Tát Phổ Hiền, kinh Hoa Nghiêm phẩm 40 đã nêu
lên 10 Hạnh nguyện và những Hạnh nguyện này tiêu biểu cho tất
cả Hạnh nguyện của Bồ tát. Thế nên, Hạnh nguyện đó còn gọi là
Phổ Hiền Hạnh Hải.
1.
Thường lễ kính các đức Phật
(nhứt giả lễ kính chư Phật)
Các đức Như
Lai là những bậc toàn giác, là những vị đã viên mãn hai phần
Tự Lợi và Lợi Tha. Sự lễ kính mười phương ba đời tất cả Phật
tức là bày tỏ niềm tôn kính về nhân cách, công đức và hạnh
nguyện viên mãn của những bậc đã Giác Ngộ. Song, muốn đạt được
năng lượng an lạc trong lễ bái, hành giả cần phải giữ 3 nghiệp
(thân, miệng, ý) thanh tịnh; mỗi lễ thân và tâm hằng nhiếp sâu
vào tánh pháp giới. Khi thân tâm chúng ta và đối tượng lễ đã
đồng một thể vắng lặng, thì sự cảm ứng sẽ viên dung, vô ngại,
không thể nghĩ bàn. Sự lễ kính này không phải đồng nghĩa với
khái niệm cầu xin để được ban ơn, giáng phước mà chính là sự
trở về cội nguồn tuệ giác, phát triển vô lượng hạnh nguyện,
công đức vốn có nơi bản tâm. Điều này, trong luận Khởi tín, tổ
Mã Minh cho đây là hai điều kiện cần thiết của lộ trình khai
mở tri kiến Phật, đó là sự trỗi dậy, phát huy của bản thể chân
như (nội huân chân như), sự tác động mạnh mẽ của phần tướng,
dụng chân như (ngoại duyên chân như).
2.
Thường xưng tụng công đức của Như Lai (Nhị giả xưng tán
Như Lai)
Công đức
Như Lai hội tụ từ vô lượng kiếp tu Bồ tát hạnh. Xưng tụng công
đức đó cũng tức là khen ngợi, bày tỏ lòng tôn kính các đức
Phật. Công đức Như Lai vô lượng nên lòng tôn kính và ca ngợi
của Bồ Tát cũng không cùng tận. Sự ca ngợi này còn có nghĩa
học hỏi, noi gương, trở về nhận ra những công đức tiềm ẩn nơi
Như Lai Tạng tâm của hành giả, để khai thị, hiển bày, làm điểm
tựa và chuyển hóa những ý niệm nhiễm ô, ác dục thành thanh
tịnh, trong sáng.
3.
Thường thờ phụng và cúng dường tất cả chư Phật (Tam giả
quảng tu cúng dường)
Thờ phụng cúng dường các đức
Phật là làm tăng trưởng công đức tự tâm, trong đó bao hàm cả ý
nghĩa học hỏi, noi gương đức tính của bậc giác ngộ. Đây là lý
tưởng tôn thờ cái đẹp, cái toàn thiện, với mục đích gieo trồng
các hạnh lành để trang nghiêm nguồn sống vĩnh cữu. Như trong
tất cả pháp cúng dường, Bồ Tát thường cúng dường bằng cách
thực tập theo giáo pháp. Do đó, kinh Hoa Nghiêm, phẩm nhập
pháp giới, Bồ Tát Phổ Hiền kêu Thiện Tài bảo: “Thiện nam tử !
Trong những cách cúng dường, pháp cúng dường là giá trị hơn
hết”. Bồ tát cúng dường pháp tức sống theo lời Phật dạy, phát
triển các điều lành, siêng làm lợi ích chúng sanh. Đồng thời,
trong lộ trình hành đạo luôn thực hành các hạnh nghiệp của Bồ
Tát và mọi hành động đều chẳng bỏ mất tâm Bồ đề. Sự cúng dường
pháp như thế, Bồ tát từng bước thành tựu nhân cách của Như
Lai.
4.
Thường sám hối các nghiệp từ vô thủy đế nay và tuân giữ tịnh
giới (tứ giả sám hối nghiệp chướng)
Sám hối là
ăn năn và ngừa lỗi. Nghiệp là chỉ cho sự tạo tác của ý nghĩ,
lời nói và hành động. Bồ tát thường hay sám hối các nghiệp
nhiễm ô nhiều đời. Và bên cạnh đó còn tuân giữ tịnh giới để
phát huy định và huẹâ. Vì bản chất của giới là ngăn ngừa các
ác, lậu, Bồ tát tuân giữ tịnh giới sẽ không bị các sự lỗi lầm
phát sinh, ngự trị trên mảnh đất tâm. Và một khi, không còn
sinh khởi các ác, dục, ái là tâm đã thanh tịnh. Hơn nữa, hành
giả tu tập, sám hối các nghiệp, giữ gìn tịnh giới là để tự
hoàn thiện nhân cách, cũng như tính hiệu quả trong lộ trình
thực hiện hạnh nguyện độ sanh. Song, pháp sám hối của Bồ tát
là luôn quán nghiệp chướng vốn không hình tướng, không có chủ
thể, thần linh quyết định. Đã tự gây tạo tội, phước thì tự thọ
nhận kết quả khổ đau hoặc an vui. Vì thế, nếu không tạo tác
thì sẽ không có kết quả thọ báo. Đó là phương pháp quán tội
tánh vốn không để đạt vô sanh.
5.
Thường tùy hỉ công đức của tất cả Phật, Bồ tát cho đến 6 loài
(Trời, Người, A Tu La, Địa, Ngục, Ngạ quỉ, Súc Sanh) và 4 sanh
(Noãn, Thai, Thấp, Hóa) (ngũ giả tùy hỉ công đức)
Trong con đường thực hành Bồ
Tát Hạnh, Bồ tát thường tùy hỉ, nghĩa là tâm thường hoan hỉ
với vô lượng công đức của các đức Phật, Bồ Tát và các loài
chúng sanh. Đây là hạnh nguyện dẫn tâm đến thánh thiện, bình
đẳng, không còn phân biệt, vướng chấp theo 4 tướng (tôi,
người, các loài và mọi cảm thọ).
6.
Thường lễ thỉnh tất cả Phật
giảng nói giáo pháp (lục giả thỉnh chuyển pháp
luân)
Giáo pháp
là kim chỉ nam cho người tu hành, là thuyền bè đưa người qua
bể khổ. Vì hạnh nguyện lợi tha, Bồ tát thường thỉnh Phật giảng
nói giáo pháp để chúng sanh nương theo tu hành. Do đó, trong
các kinh Đại Thừa, Bồ tát Phổ Hiền thường đại diện chúng hội
thưa, thỉnh Phật chuyển pháp luân.
7.
Thỉnh cầu Phật, Bồ tát chớ
nhập Niết Bàn, mà trụ ở thế gian để nói pháp (thất
giả thỉnh Phật trụ thế)
Niết Bàn là
chỉ cho cảnh giới tịch diệt, tức tâm thức đã chuyển hóa tham,
sân, si trở về vô lậu, thể nhập bản thể, đưa đến trạng thái
vắng lặng hoàn toàn. Thường khi hóa duyên đã mãn, các đức Phật
và Bồ tát đều nhập Niết bàn. Nhưng vì lợi ích chúng sanh, Bồ
tát luôn thỉnh Phật trụ thế để nói pháp. Sự thỉnh cầu như thế,
không ngoài ý nghĩa là “Thành tựu chúng sanh, tịnh Phật quốc
độ” mà kinh Duy Ma Cật đã khai mở cho hàng Bồ tát cầu Phật
đạo.
8.
Thường theo Phật Tỳ Lô Giá
Na học giáo pháp (bát giả thường tùy Phật học)
Phật Tỳ Lô
Giá Na là pháp thân của tất cả các đức Như Lai, là bản thể
tịch diệt, trong sáng của muôn loài. Giáo pháp từ pháp thân
này lưu xuất nên Bồ tát phải theo Phật để học pháp. Hơn nữa,
các đức Phật và Bồ Tát đều lấy tánh giác làm nhân tu để đạt
quả chứng, do đó theo đức Phật Tỳ Lô Giá Na học pháp còn có
nghĩa là hành giả nội hướng, trở về sống với nguồn tuệ giác để
thành tựu hạnh nguyện tam muội (chánh định).
9.
Ứng theo sự khác biệt của
các loài chúng sanh mà làm các việc cúng dường (cửu
giả hằng thuận chúng sanh)
Đây là con
đường mở bày phương tiện độ sanh, thực hiện 4 nhiếp pháp (bố
thí, ái ngữ, lợi hành, đồng sự) giữa lòng cuộc đời. Sự tùy
thuận các loài, tức Bồ tát quán sát căn cơ các nghiệp cảm thọ
của từng loại chúng sanh, từng cá nhân để giáo hóa và đưa
chúng sanh tướng, chúng sanh tâm trở về thể nhập bản giác.
10.
Hồi hướng công đức cho tất
cả chúng sanh để thành tựu quả Phật (thập giả phổ
giai hồi hướng)
Mục đích
của Bồ Tát là phát nguyện độ sanh, đem công đức hồi hướng về
quả vô thượng Bồ Đề cầu thành Phật. Và tất cả những hạnh
nguyện trên đều hướng đến mục tiêu chung đó. Vì thế, đây là
hạnh nguyện phổ biến, và cũng là nền tảng của tất cả hạnh
nguyện.
Như vậy 10 hạnh nguyện trên là
bản thể hạnh nguyện của Bồ Tát trong lộ trình thực hiện độ
sanh, thành tựu quả Phật. Hay nói cách khác, đó là hạnh nguyện
nhiếp tất cả hạnh nguyện.
b-Hình
ảnh biểu trưng
Qua sự tìm
hiểu về hạnh nguyện, chúng ta đủ xác định rằng Bồ Tát Phổ Hiền
là tiêu biểu cho nhân cách và bản hạnh rộng lớn của các vị Bồ
Tát cũng như đức tính siêu việt của Phật. Vì vậy, ở góc độ
biểu trưng, Ngài Phổ Hiền biểu thị cho lý, định, hạnh, tức thể
hiện lý trí, định hụê, hạnh chứng của Như Lai. Đó là con đường
lấy hạnh nguyện độ sanh, cầu vô thượng Bồ đề làm cơ sở để xây
dựng viên mãn 2 phần lý trí và định huệâ. Đồng thời, trong sự
tác động qua lại đó, hạnh nguyện đã tự bao hàm cả lý và định.
Tuy nhiên,
để thấy được sự thống nhất này, lý là khái niệm thuật ngữ chỉ
thể tánh – nơi lưu xuất muôn pháp. Định là tam muội. Hạnh là
chỉ cho hạnh nguyện thâm sâu mà chúng ta đã tìm hiểu. Nếu xét
ý nghĩa tương quan nhân qủa trong 3 môn vô lậu (giới, định,
tuệâ) thì hạnh nguyện nhiếp giới vô lậu, tam muội nhiếp định
vô lậu, lý nhiếp huẹâ vô lậu, tuy 3 nhưng đồng một thể. Bởi
vậy, lý, định, hạnh là cội nguồn của chư Phật, là bản thể của
tâm sinh lý và sự vật hiện tượng. Bồ tát tu tập thể nhập được
bản thể này gọi là đã vào được biển tánh của Như Lai (tánh
hải). Vì vậy, Bồ tát Phổ Hiền cũng là hạnh nguyện, công đức
được hiển bày từ biển tánh, tức pháp thân Phật.
Thế nhưng,
biển tánh kia, ở bậc Thánh không thêm, phàm không bớt. Khi mọi
niệm hành giả đều thanh tịnh, sáng suốt, diệu thiện, thì tự nó
đã tương ưng với lý, định và hạnh của Phổ Hiền. Những niệm
sáng như thế, luôn vượt lên tất cả mọi trạng thái vô minh,
phiền não và chuyển hóa toàn bộ tâm lý nhiễm ô trở thành thanh
tịnh. Từ đó, ý nghĩ, lời nói, hành động đều biểu lộ nhân cách
của Bồ Tát; Tức sự hóa độ của đức Phổ Hiền cũng là hiển thị
cho tất cả những niệm tỉnh sáng, rộng lớn, thánh thiện tự
chuyển hóa, dẫn đạo các niệm vọng khởi của phàm phu chúng sanh
nhận nhập bản giác bình đẳng, thành tựu Phật đạo. Và do hành
động trên nền tảng lý, định, hạnh, nên độ chúng sanh nhưng
chẳng có chúng sanh nào để độ. Vì tất cả đều là diệu dụng
nhiệm mầu của biển tâm, của vô trú tâm. Thế nên, kinh Hoa
Nghiêm, phẩm Phổ Hiền dạy:
“Ở khắp
các thế giới
Niệm
niệm thành chánh giác
Mà tu
hạnh Bồ Tát
Chưa từ
có thối chuyển”.
Hơn nữa,
Ngài Phổ Hiền là đại biểu cho nhân cách Bồ Tát đẳng giác nên
sự diệu dụng đã trở nên vô ngại. Chính hình ảnh ngồi trên lưng
voi trắng (bạch tượng), đã thể hiện rõ sức mạnh của sự diệu
dụng đó. Voi là loài thú có sức mạnh. Hình ảnh cưỡi voi trắng
6 ngà là muốn nói lên rằng sức mạnh kia kết tinh từ vô lượng
hạnh nguyện, vô lượng công đức thanh tịnh, trong sáng.
Vì vậy, những ẩn dụ biểu trưng
đã đưa nhân cách Bồ tát Phổ Hiền lên giá trị siêu việt.
III- Khai
mở đời sống con người và xã hội
1.
Xác định giá trị con người
Từ ý nghĩa,
mục đích Ngài Phổ Hiền thể hiện, ít nhiều đã giúp hành giả
chúng ta trở về hoàn thiện lại đời sống tự thân. Vì Bồ Tát và
chúng sanh phàm phu đều đồng có đức tánh Phổ Hiền, nhưng các
ngài tự phát huy và hoàn thiện tuyệt đối, còn chúng sanh thì
vẫn rong ruổi theo những ảo vọng, chết sống trong ham muốn,
giận hờn, khát dục. Điều này đã cho chúng ta thấy rằng, nguyên
nhân làm con người mãi trầm luân, bất an, sợ hãi, khủng hoảng
và khổ đau là do nhận thức sai lầm.
Nhưng tại
sao chúng ta lại quên đi phẩm tính và nhân cách siêu việt vốn
đầy đủ ở chính tâm mình để chạy theo bóng dáng hư ảo, huyền
hoặc như tin không nhân quả, không đời sau, cầu xin thần thánh
ban ơn giáng phước v.v… Đó phải chăng chúng ta đã tự phủ nhận
những khả năng ưu việt, những giá trị nhân bản của đời sống ?
Không – sở dĩ có những quan niệm sai lầm như thế, đều do sự
ngộ nhận của ý thức, lấy giả làm thật, nhận vọng làm chơn.
Hiện tại, đời sống con người đang đắm mình trong dục lạc. Bao
nhiêu yêu thích, chiếm hữu, hận thù, tranh chấp luôn có mặt
trên từng ý nghĩ, lời nói, hành động, tất cả đều do tác nhân
đó gây ra. Nhưng muốn giải thoát chúng, tất nhiên chúng ta
không chỉ lý luận mà phải tự trở về với ánh sáng tuệ giác để
thấy con người thật của chính mình (chân tâm).
Và khi đã
có định hướng, đòi hỏi phải tự nỗ lực khai mở bản tâm và hành
động trong tinh thần bao dung, vô ngã. Khi thấy rõ được nguồn
tâm, lấy hạnh nguyện lợi ích chúng sanh, cuộc đời làm mục tiêu
hướng thượng tức là chúng ta đã xác định được con đường hướng
đến Vô Thượng Bồ Đề. Tuy nhiên, sự khai mở đó phải thiết lập
bằng trí vi diệu, tức là huẹâ Phổ Hiền mới đủ lực dụng nhập
cảnh giới Phật. Do đó, kinh Hoa Nghiêm, phẩm Phổ Hiền dạy
rằng:
“Trí vi
diệu rộng lớn
Thâm
nhập cảnh Như Lai
Nhập rồi
chẳng thối chuyển
Gọi là
Phổ Hiền huẹâ”.
Hay nói
trên phương diện chuyển hóa từng ý niệm:
“Trong
một niệm rõ biết
Chư Như
Lai xuất hiện”.
Ở đây, hình
ảnh Bồ Tát Phổ Hiền trở thành bài học thực tiễn, giúp chúng ta
vươn tới xây dựng lại đời sống và phát triển những hạnh nguyện
lợi tha để trang nghiêm tự thân. Hành giả thực hiện hướng đi
này tức là bước vào con đường hoàn thiện nhân cách mình trở
thành một đức Phật. Song, phải dụng tâm bằng cách nào ? Điều
này chúng ta nên thực tập qua kinh nghiệm của Bồ Tát Phổ Hiền:
“Tâm trụ
nơi thế gian
Thế gian
trụ nơi tâm
Nơi đây
chẳng vọng khởi
Phân
biệt hai chẳng hai,
Chúng
sanh thế giới kiếp
Chư Phật
và Phật pháp
Tất cả
như huyễn hóa
Pháp
giới đều bình đẳng.
Ở cõi
mười phương cõi
Thực
hiện vô lượng thân
Biết
thân từ duyên khởi
Rốt ráo
không chỗ chấp…”
Khi nào mọi
niệm tâm chúng ta chuyển hóa nhuần nhuyễn mà không rơi trong
phạm trù một – hai, có – không là mới tuỳ duyên hóa thân vô
ngại trong pháp giới bình đẳng. Đó là đời sống của những vị đã
phát vô lượng hạnh nguyện, từng niệm tỉnh sáng vượt lên trên
mọi trú chấp về tôi và của tôi, tâm đạt an lạc và giải thoát
hoàn toàn. Ở đây, giá trị và vai trò con người đã đưa lên ngôi
vị tuyệt đối trong việc quyết định đời sống cá nhân, gia đình
và xã hội.
2.
Xây dụng xã hội ổn định –
thịnh vượng
Xã hội là
khái niệm thuật ngữ chỉ đời sống hoạt động, quan hệ, giao tiếp
giữa người với người trong những cộng đồng dân cư mà chúng ta
thường gọi là làng, xã, vùng, miền v.v… Và trong một xã hội có
nhiều thành phần, nghề nghiệp, tín ngưỡng tôn giáo. Cấu trúc
tư tưởng và hình thái xã hội sẽ tùy thuộc vào những quan niệm,
những đời sống bao hàm các lĩnh vực kinh tế, giáo dục, phong
tục tập quán, văn hóa và tín ngưỡng của từng cá nhân, gia
đình, làng xã…
Một xã hội
ổn định và thịnh vượng, trong đó không thể có quá nhiều thành
phần, nghề nghiệp suy thoái đạo đức. Thế nên, Phật giáo bước
đầu xây dựng xã hội là hoàn thiện từ cá nhân, gia đình rồi mới
mở rộng ra làng, xã. Điều này có nghĩa mỗi người đóng vai trò
quyết định để hình thành những kiểu mẫu xã hội. Ở đây, nhân
cách của Bồ tát Phổ Hiền có giá trị khai mở đời sống tỉnh thức
và lợi tha cho cá nhân, gia đình cùng mọi cộng đồng. Vì nếu
nhìn từ gốc độ xã hội, Ngài Phổ Hiền là một nhân vật lý tưởng
không những hoàn thiện đời sống cá nhân mà còn là mẫu người lý
tưởng của xã hội hiện đại. Như chúng ta đã tìm hiểu về phẩm
tính và nhân cách của Ngài, đây là vị Bồ tát có nhiều hạnh
nguyện siêu việt hơn tất cả các Bồ Tát, trong đó trọng tâm đều
lấy sự lợi ích muôn loài để thành tựu Phật đạo.
Xã hội ngày
nay tinh thần đạo đức truyền thống đang bị khủng hoảng, luân
lý đạo đức dường như bắt đầu nhường chỗ cho tội ác, gây rối,
phá hoại. Hiện tại chúng ta đang sống vì mục đích riêng tư
nhiều hơn là lợi ích cho xã hội. Đây là cách sống mở rộng ý
thức về cái tôi và quyền sở hữu. Từ nhận thức và hành động như
thế, tâm lý cá nhân đã nảy sinh ra ý thức đấu tranh, ích kỷ,
ganh ghét, hận thù. Đời sống như vậy, bên cạnh sự chiến thắng
chắc chắn tâm hồn phải luôn phòng ngự, lo âu, khủng hoảng và
bất an. Vì tất cả đều đi cùng chung trên một quỹ đạo nhân qủa;
thắng, thua, thành, bại, hạnh phúc hay khổ đau đều do mỗi
chúng ta quyết định lấy, chứ không do một ai có thẩm quyền
giúp cho…
Tuy nhiên,
muốn có đời sống an lạc, hạnh phúc, tất nhiên mỗi chúng ta
phải trở về thực tập nhân cách của Bồ Tát Phổ Hiền. Đó là hành
giả đi vào cuộc đời làm tất cả việc bằng tinh thần lợi mình,
lợi người, tức là thiết lập lời nói và hành động đều vì lợi
ích cho tha nhân và xã hội. Đây được coi là quy luật tương
quan nhân quả, nghĩa là kết quả hạnh phúc của chúng ta là phát
xuất từ hạnh nguyện đem đến hạnh phúc cho chúng sanh, cuộc đời
và ngược lại chúng sanh có an lạc nên ta cũng được an lạc. Để
học hỏi và vận dụng điều đó, chúng ta hãy nhìn qua hình ảnh Bồ
tát Phổ Hiền:
“Bồ Tát
lìa mê đảo
Tâm tịnh
thường tương tục
Khéo
dùng sức thần thông
Độ vô
lượng chúng sanh…”
(Kinh Hoa
Nghiêm, phẩm Phổ Hiền)
Qua lời kệ
tụng trên, hành giả học Bồ tát ở sự lìa mê đảo. Mê đảo là sự
nhận thức không đúng với chân tướng của các pháp, tức nhận
thức đã bị chi phối bởi vô minh và dục ái. Thế nhưng, khi lìa
mê đảo tâm sẽ trở về trạng thái thanh tịnh. Tâm có thanh tịnh
là có thần thông tự tại trong các pháp, có vô lượng phương
tiện để giáo hóa chúng sanh. Điều này bao hàm các ý nghĩa là
do tâm thường vắng lặng phiền não nên thấy rõ căn tánh từng
loại chúng sanh để Bồ Tát tìm mọi phương pháp chuyển hóa.
Cũng như
thế, chúng ta làm lợi ích cho cuộc đời, trước nhất phải giữ
tâm tĩnh lặng, thấy tường tận tâm lý, hoàn cảnh, đời sống của
từng cá nhân, gia đình và xã hội để có phương pháp giúp đỡ
hiệu quả. Song, muốn lìa mê đảo, muốn có tâm tĩnh lặng như Bồ
Tát, chúng ta phải hành động trên tinh thần giúp đời nhưng
lòng không vướng bận và mong cầu thiện quả hữu lậu. Vì vậy,
nếu trong một xã hội, tất cả đều hoàn thiện tự thân như thế,
chắc chắn xã hội đó sẽ được phồn vinh, thịnh vượng.
IV-Bồ Tát Phổ Hiền
dưới góc độ siêu hình
1.
Khái niệm trừu tượng
Nói đến
danh hiệu, cũng như hình ảnh và nhân cách của Bồ tát, chúng ta
hoàn toàn chỉ nhận thức trên khái niệm. Thế nhưng, khái niệm
chỉ là phương tiện, là cái vỏ để giúp người Phật tử hình dung
ra được vị Bồ Tát mà mình đặt niềm tin sùng kính, ngưỡng vọng.
Song, sự sùng tín đó không ngoài tinh thần ca ngợi, học hỏi,
noi gương. Tuy nhiên, dường như người tín đồ chỉ muốn vị Bồ
tát mình tôn thờ phải ở một thế giới nào đó cao hơn cõi Ta Bà
này. Từ đó, những quan niệm trừu tượng mãi đóng khung và lẩn
quẩn trong những ý nghĩa huyền hoặc, siêu hình. Vì họ cho rằng
nhân cách và hình ảnh như thế chắc chắn không phải là con
người bằng da bằng thịt như chúng ta. Khi đó Bồ tát Phổ Hiền
là nhân vật kiểu mẫu để giúp hành giả hóa thân đi vào cuộc đời
với hạnh nguyện lợi tha.
2.
Lý tưởng
Như người
ta nói, lý tưởng là mục đích mà con người ở bất cứ xã hội nào
đều muốn vươn tới, đạt được. Cũng như thế, Bồ tát Phổ Hiền là
nhân vật lý tưởng. Hướng về Bồ Tát với niềm tôn kính là để tự
hoàn thiện nhân cách của chúng ta, chứ không phải chỉ biết ca
tụng, tán dương. Quan niệm này rất nhiều Phật tử trí thức chấp
nhận. Đối với bản thân người viết vẫn coi đây là cái nhìn trọn
vẹn về ý nghĩa sùng tín và lễ bái các vị Bồ Tát trong Phật
giáo Đại Thừa. Nói như thế, không có nghĩa là phủ nhận, vì mọi
hành giả đều có khả năng hóa thân.
3.
Tín ngưỡng bình dân
Song song
với quan niệm Bồ Tát Phổ Hiền là nhân vật lý tưởng, lại có
những Phật tử coi Bồ Tát Phổ Hiền như vị thần, thánh linh
thiêng, có khả năng ban ơn, giáng phước. Đây là cái nhìn hoàn
toàn tín ngưỡng, nó phù hợp với những quan niệm của các tôn
giáo thần quyền.
Đúng là
trong hệ thống kinh điển mật giáo, Bồ tát Phổ Hiền được coi là
vị có năng lực vô biên và có nhiều phương pháp quán tưởng tu
tập về vị Bồ tát này. Nhưng đó là mật mã, những giá trị tuyệt
đối về tâm linh. Hành giả cứ thực tập những công thức của các
vị đạo sư mật giáo hướng dẫn, chắc chắn sẽ đạt được vô số diệu
dụng, cũng như chứng nhập pháp thân, thành tựu Như Lai địa.
Điều này, nếu ai chưa đi vào con đường thể nghiệm thì không
nên có ý tưởng phê phán. Vì lộ trình đi vào cõi đạo có vô số
pháp môn và nhiều cách thể nhập.
Đối với
Phật tử chưa nắm vững nguyên lý và phương tiện tu hành trong
hệ thống mật giáo, khi phát khởi niềm tin và sùng tín Bồ Tát
Phổ Hiền nên có nhận thức chánh kiến, bằng không sẽ rơi vào tà
kiến và chủ nghĩa thần linh, giáo điều. Tuy nhiên, ngày nay đa
phần Phật tử chúng ta tôn thờ và tín ngưỡng Bồ tát rất dễ rơi
vào những ý thức mê tín hơn là đúng với tinh thần chánh pháp.
Nói như
thế, tinh thần tín ngưỡng đó không phải không lợi ích, nhưng
sự lợi ích chỉ giúp an ổn tạm thời ở mặt tâm lý. Nếu hành giả
cứ sống mãi với khuynh hướng này, tâm thức sẽ đưa đến cảm giác
nhàm chán, chai lỳ. Thế nên, chỉ có con đường phát huy tuệ
giác, trang bị đời sống bằng vô lượng phước thiện và công đức
mới mong có được kết quả an lạc và hạnh phúc vĩnh cửu đời này
và đời sau.
C.
KẾT LUẬN
Tóm lại, Bồ
tát Phổ Hiền là nhân vật biểu thị cho vô lượng phẩm tính của
pháp thân Phật. Từ hạnh nguyện rộng sâu, Ngài đã thành Phật và
tiếp tục hóa thân vào các cõi để dìu dắt muôn loài phát tâm,
lập nguyện thành Phật. Với những truyền thuyết, hạnh nguyện và
tính biểu trưng đã xây dựng Bồ tát Phổ Hiền siêu việt cả tư
tưởng lẫn nhân cách. Mẫu người như thế, đương nhiên có giá trị
khai phóng, chuyển hóa đời sống con người và xã hội hoàn thiện
về đạo đức, luân lý cũng như nhân cách vô hành. Chúng ta hướng
về Bồ Tát Phổ Hiền bằng tấm lòng ca ngợi và thực hành theo
Ngài chứ không phải sự cầu mong ban ơn, vì Bồ tát Phồ Hiền là
vị đạo sư hướng dẫn chúng sanh tu hành. Với ý nghĩa này, tự
thân mỗi người đóng vai trò quyết định.
Để có kết
qủa tốt đẹp, chúng ta phải thể hiện đời sống tự thân noi gương
tu học, chứ không nên lẩn quẩn theo những quan niệm siêu hình,
lý tưởng hoặc thờ phụng theo dạng mê tín. Nếu vái lạy, cúng
dường Bồ Tát để cầu giúp những việc làm có lợi cho mình và hại
người thì không những không lợi ích mà còn phải đọa lạc khổ
đau.
Vì lẽ đó,
ngày vía Bồ Tát Phổ Hiền, chỉ cần kính dâng lên lòng chí thành
thanh tịnh và nguyện sống như Ngài, chắc chắn trong đời sống
của chúng ta sẽ đạt được an lạc và giải thoát./.
--o0o--
|
|