|
BỒ TÁT HẠNH
- Ý Nghĩa
- Vía Phật -
Bồ Tát Trong Năm
- ---o0o---
-
-
Ý NGHĨA PHÁP MÔN TỊNH ĐỘ
-
Thích An Hải
-
--o0o--
-
-
Pháp môn Tịnh Độ là
cửa vào nước Phật A Di Đà thanh tịnh, không có Ngũ trược ác thế
thống khổ. Như trong Phật thuyết A Di Đà Kinh, bản dịch của Pháp
Sư Cưu Ma la Thập (Kumarajva) (344-413) đức Phật nói với trưởng
lão Xá Lợi Phất: “Tùng thị Tây phương quá thập vạn ức Phật độ,
hữu thế giới danh viết Cực lạc kỳ độ hữu Phật hiệu A Di Đà, kim
hiện tại thuyết Pháp: -Từ đây về bên tây phương kia mười muôn ức
Phật độ, có một thế giới tên là Cực lạc, có Phật A Di Đà hiện
đang thuyết Pháp”.
-
Pháp môn Tịnh Độ cũng
được gọi là pháp môn niệm Phật nhất tâm cầu sinh Tây Phương cực
Lạc thế giới.- Pháp môn niệm Phật có từ thời đức Phật bổn sư
Thích Ca trụ thế, là đệ tử Phật niệm 10 danh hiệu Phật hành y
theo Phật là: “Như lai, Ứng cúng, Chánh biến tri, minh hạnh túc,
thiện thệ, thế gian giải, vô thượng sĩ, điều ngự trượng phu,
thiên nhân sư, Phật thế tôn”.
-
Pháp môn Tịnh độ phổ
biến rộng rãi ở các nước châu Á như Trung Hoa, Việt Nam, Nhật
Bản v.v... Đầu tiên, do ngài Tuệ Viễn (334-416 TL). Đời Đông
Tấn, Trung Hoa và 123 vị thiện trí thức kết hội niệm Phật ở núi
Lư Sơn, và đời đời người tu Tịnh độ nối tiếp nhân rộng ra.
-
Từ thế kỷ thứ tư đến
thế kỷ 19, tông Tịnh Độ xây dựng trên cơ sở Tam kinh Nhất luận
là kinh Vô lượng thọ, kinh Quán Vô lượng Thọ ( hai kinh này có
trong kinh Đại Bảo Tích), kinh Phật thuyết A Di Đà và Vãng sinh
Tịnh Độ luận. Đến thế kỷ 20 ngài pháp sư Ấn Quang, được tôn là
tổ sư Tịnh Độ, thị tịch vãng sanh có điềm lành, quán sát căn cơ
thời hiện đại mở rộng việc xây dựng Tịnh độ nhân gian thêm hai
kinh nữa là Phẩm Phổ Hiền Hạnh nguyện, Hoa Nghiêm Kinh và phẩm
Đại Thế chí niệm Phật viên thông, kinh Thủ Lăng Nghiêm. Ngoài ra
còn nhiều bản kinh đề cập đến Tịnh độ như Duy ma, Bát Nhã, Pháp
Hoa v.v...
-
Trong cõi Tịnh Độ của
đức Phật A Di Đà chi tiết có 4 cõi:
-
1. Phàm thánh đồng cư
Tịnh Độ:-
Cõi của cư sĩ và chư tăng ni niệm Phật nhất tâm được tiếp dẫn
sanh về chung ở.
-
2. Phương tiện Hữu dư
Tịnh Độ:-
Cõi của Thánh Nhị Thừa Thinh văn, Duyên giác hồi hướng niệm Phật
sanh về chung ở.
-
3. Thật báo Trang
nghiêm Tịnh Độ:-
Cõi của chư vị Bồ Tát
chứng thật tướng pháp, hồi hướng niệm Phật sanh về chung ở. Mỗi
vị ở hư không lầu các.
-
4. Thường tịch quang
Tịnh Độ:-
Cõi chư Phật các nơi niệm Phật A Di Đà hồi hướng vãng sanh về
chung ở.
-
Như vậy pháp môn Tịnh
độ cũng là pháp môn Tổng trì đà la ni, thu nhiếp được các căn cơ
từ thấp đến cao.
-
Người tu Tịnh độ ở
thế giới chúng ta cũng có ba thành phần: Tịnh độ tâm, Tịnh độ
nhân gian và Tịnh độ vãng sanh Cực lạc thế giới. Thiết nghĩ,
tổng hợp lại ba thành phần nêu trên là ba chặn đường nối tiếp
của người tu Tịnh độ tiến triển. Phân tích khái lược như sau:
-
1. Tịnh độ tâm:
Do danh
hiệu Phật A Di Đà, dịch từ phạn ngữ Amitabaha, có nghĩa là Vô
lượng thọ,Vô lượng quang, Vô lượng công đức... các vị ấy thấy
tâm thanh tịnh của một vị Phật sanh ra tất cả phúc tuệ, nghiên
cứu kinh Trung bộ 68, Đại Thiện Kiến Vương Trường Bộ kinh số 17.
Mahassdarsan; kinh Duy ma, kinh Thủ Lăng Nghiêm và ý nghĩa cao
nhất của các kinh Tịnh độ niệm Phật thiền. Thường phát biểu câu
nói nổi danh của kinh Duy ma: “Dục đắc tịnh độ, tuỳ kỳ tâm tịnh
tức Phật độ tịnh: “Muốn được vãng sinh Tịnh Độ, trước hết tâm
người phải tịnh thì cõi Tịnh độ hiện ra!”
-
2. Tịnh độ nhân gian:
Là những
người có chí lớn phát bồ đề tâm, hành lục độ vạn hạnh, trang
nghiêm Tịnh độ tại thế, hồi hướng vãng sanh Cực lạc thế giới,
các vị này noi gương tiền thân đức Phật A Di Đà, theo Kinh Vô
Lượng Thọ, là Vua Vô tránh niệm, vô tranh dùng đức độ trị dân tu
phước hành thiện, xuất gia thờ Phật Thế Tự Tại Vương là thầy.
Rút kinh nghiệm 210 ức cõi nước Phật phát 48 điều nguyện được
Phật chứng minh trãi qua nhiều kiếp cùng với người đồng hạnh
nguyện kiến tạo cõi An dưỡng quốc chuyển hoá thành Cực lạc thế
giới.- Pháp tu này căn cứ vào Kinh A Di Đà Phật thuyết: “Người
niệm Phật một ngày, ba hay bảy ngày được nhất tâm bất loạn, đến
khi lâm chung, tâm bất điên đảo tức đắc vãng sanh”... Vị này
thông suốt 7 khoa đạo phẩm, niệm Phật, niệm Pháp, niệm Tăng và
các môn chánh định tam muội. Hoặc tu phép quán thứ 14, Quán
kinh, có lòng từ bi không giết hại, giữ trọn giới luật, oai
nghi, đọc tụng kinh điển đại thừa, tu học Lục niệm: Niệm Phật,
niệm Pháp, niệm Tăng, niệm thí, niệm giới, niệm Thiên... tiếp cơ
độ chúng, hay trang nghiêm Tịnh độ tại thế, toàn tâm toàn ý theo
như bậc thượng, bậc trung của kinh Vô lượng thọ, quyển hạ. Vị ấy
cũng có thể niệm Phật thu thúc 6 căn thanh tịnh như Bồ tát Đại
Thế Chí, lắng nghe xem xét cứu khổ như Bồ tát Quán Thế Âm chứng
viên thông, kinh Thủ Lăng Nghiêm và hành Thập niệm Phổ hiền theo
kinh Hoa Nghiêm, hồi hướng vãng sanh một trong ba phẩm thượng,
của Chín phẩm liên hoa, Quán kinh.
-
3. Tịnh độ vãng sanh
Cực lạc thế giới
-
Thành phần này đa số
người tu Tịnh độ, phải đi qua các chặng đường chuyển tiếp như:
Tín- Nguyện - Hạnh, Nhất tâm, Vãng sinh biết ngày giờ, có hào
quang, xá lợi v.v...
-
a)- Tín nguyện hạnh:
Theo Đại
sư Liên Trì trứ tác kinh Di Đà sớ sao và Ngẫu Ích Đại sư trứ tác
kinh Di Đà yếu giải, thì Tín-Nguyện- Hạnh là ba món lương thực
hành hương về Tịnh độ, như đãnh lư đồng thiêu hương cúng Phật có
ba chân, thiếu một đảnh lư hương ngã đổ, hành giả không được
tiếp dẫn vảng sanh.
-
·
Tín:
có sáu
nghĩa: Tin tự, tin tha, tin nhơn, tin quả, tin sự, tin lý:
-
-
Tin
tự: Tin
mình có Phật tánh, nhưng bị phiền não vô minh ngăn che mờ ám.
-
-
Tin
tha: Tin
đức Phật A Di Đà có Phật tánh sáng suốt xây dựng cõi Cực lạc, có
chư Thượng thiện nhơn câu hội tu học, giảng pháp, cảnh trí như
ý, thắng diệu.
-
-
Tin
nhơn: Phát
nguyện sinh cõi Cực lạc niệm Phật, giữ giới làm các công đức
lành…
-
-
Tin
quả: Thì
quả sẽ được tiếp dẫn vãng sanh, thành Phật.
-
-
Tin
sự: người
thực hành các sự tướng theo Bồ Tát Thiên Thân dạy trong Vãng
sanh Tịnh độ luận, như: Tán thán, khen ngợi công đức
Phật; lễ bái Phật và Thanh Tịnh Đại hải chúng; quán
sát cuộc đời nhơ khổ, thân bất tịnh, tâm điên đảo nhàm chán,
ưa thích cõi Cực lạc thanh tịnh, thân liên hoa hoá sanh, tâm
chánh định an ổn; hồi hướng công đức lành gieo duyên Tịnh
độ, chấm dứt các yếu tố sanh vào Tam giới khổ; phát nguyện,
thề nguyền, mong muốn được Phật tiếp dẫn vãng sanh.
-
-
Tin
lý: Nếu
người làm được các sự tướng chí thành và chuyên tâm niệm Phật
nhất tâm thì chân lý hiển lộ Di Đà tự tánh Duy tâm Tịnh độ.- Các
sự tướng nơi cõi Tịnh độ như Phật Di Đà giáo chủ thọ mạng vô
lượng, công đức vô lượng, dân chúng nơi ấy cũng thế! Đất bằng
vàng, thảo mộc bằng châu, ao thất bảo, nước bát công đức v.v...
Khi chân tâm hiển lộ, người ấy dùng trí tuệ bát nhã ba la mật
suy xét sẽ thấy những việc hy hữu của cõi Cực lạc lưu xuất từ
tánh không diệu dụng.
-
Kinh Hoa Nghiêm nói:
“Lòng tin là mẹ sanh các công đức lành phải vậy!”
-
·
Nguyện: Là
mong muốn, thề nguyền cầu sanh Tây phương Cực lạc như con thơ
nhớ mẹ, như khách đi xa nhớ nhà, như tù nhân mong ra khỏi ngục.
Nguyện có hai nghĩa:
-
-
Mong muốn thiết tha sanh về Cực lạc từng phút từng giây,
đối chiếu vui khổ hằng ngày, như ở đây có chướng duyên, Cực lạc
không chướng duyên. Thân ngũ uẩn thức dậy miệng hôi, thân liên
hoa miệng thơm, cảnh trí đường phố bụi bậm, bên kia đất bằng
vàng, thảo mộc bằng châu, môi trường trong sạch, không có độc tố
v.v...
-
-
Phát bồ đề tâm cầu thành Phật, xét thấy nơi cõi Ta bà tu
hành rất khó. Ở cõi Cực lạc tu tiến dễ dàng, thuận tiện.- Vâng
lời đức Phật Thích Ca cầu sanh cõi Phật Tây phương, tu học cho
kết quả; Vâng lời đức Phật A Di Đà trở lại Ta bà phụ tá đức Phật
Thích Ca giáo hoá chúng sanh, xong rồi về Cực lạc thế giới an
dưỡng. Vì theo Đại Nhật Kinh sớ q.1: Bồ đề tâm gọi là trí nhất
hướng chí cầu nhứt thiết trí, trí Phật tròn sáng, nếu không được
như thế thì không thực hiện được Tứ hoằng thệ nguyện.
-
·
Hạnh: Nơi
đây có thể ví dụ: Tín là tin vào kết quả cuộc hành trình vượt
qua sông mê biển khổ. Nguyện là chí nguyện quyết đi theo con
đường đã định, khó thế nào cũng không chùn bước. Hạnh là sau khi
chuẩn bị chu đáo, thuyền trưởng ra lệnh thuỷ thủ nhổ neo trương
buồm lướt sóng.
-
-
Chánh hạnh:
Là chuyên niệm Phật.
-
Theo Phật học phổ
thông, quyển nhất. Khoá thứ II, bài thứ X. Tịnh độ, trang 365,
có nói về bốn cách niệm Phật như sau:
-
1.- Trì danh niệm
Phật: “Một
lòng nhớ nghĩ danh hiệu Phật, là niệm “Nam mô A Di Đà Phật” khi
đi, đứng, nằm, ngồi, ăn, uống cũng niệm!- Niệm Phật trong mọi
trường hợp, khi thức, buổi tối trước khi đi ngủ cũng niệm, niệm
cho đến lúc ngủ quên, bừng mắt dậy là niệm không xen hở. Pháp
này xuất phát từ kinh A Di Đà Phật thuyết.
-
2.- Tham cứu niệm
Phật: Niệm
danh hiệu Phật, môi miệng không khua động ra tiếng, chỉ niệm
Phật trong tư tưởng. Xem xét khi câu niệm Phật khởi lên từ đâu,
hình dáng thế nào, câu niệm Phật rơi xuống đi về đâu; Biết được
chỗ đi, đến, về của danh hiệu Phật sẽ minh tâm kiến tánh. Pháp
này đồng với Công Án Thiền.
-
3.- Quán tưởng niệm
Phật: Hành
giả hình dung đức Phật A Di Đà cao một trượng sáu, đứng trên hoa
sen tay kiết ấn, tay duỗi xuống tiếp dẫn và quán thân mình đang
ngồi trên hoa sen chờ tiếp dẫn. Quán như thế lâu ngày thuần thục
đi đứng nằm ngồi nhắm mắt mở mắt đều thấy Phật, tâm chuyên nhất
không nghĩ tưởng điều khác để được cảm ứng. Pháp này xuất phát
từ pháp quán thứ 9, Quán Kinh.
-
4.- Thật tướng niệm
Phật: Tâm
chúng sinh có hai đặc tướng chơn và vọng. Dứt vọng về chân
thường xuyên là sống với chân như thật tướng, đồng với pháp
thiền tịch mà chiếu chiếu mà tịch: Thường soi mà vắng, thường
vắng mà soi. Vô lượng quang, Vô lượng thọ, Vô lượng công đức
giới - định - tuệ từ đây phát sanh! Quán Kinh, phép quán thứ 8,
Tượng Phật và Bồ Tát cũng có câu: “Tâm ấy làm Phật, tâm ấy là
Phật!”
-
Từ bốn phép niệm Phật
vừa nêu trên, các bậc thầy Tịnh độ còn phát minh nhiều cách niệm
Phật khác nữa, hành giả tuỳ theo căn cơ của mình mà chọn lựa,
tựu trung là đến chỗ nhất tâm bất loạn.- Ba pháp trì danh, tham
cứu, quán tưởng đi từ sự đến lý. Riêng pháp niệm Phật thật
tướng, người niệm đi thẳng vào chân lý, thông suốt biển tánh
nguồn tâm: Niệm một niệm Phật lìa một niệm chúng sanh cho đến
khi Phật tánh hoàn toàn sáng tõ.
-
-
Trợ
hạnh: Là
hạnh phụ trợ cho hạnh chính. Có 4:
-
1.
Thiền tịnh: Niệm Phật làm chính thiền có tu chứng làm
phụ.
-
2.
Giáo tịnh: Niệm Phật làm chính, học tụng kinh nghĩa làm
phụ.
-
3.
Mật tịnh: Niệm Phật làm chính, trì chú làm phụ.
-
4.
Thuần tịnh: Chuyên niệm Phật, không xen pháp môn khác.
-
Và còn phải tu ba
phước: “1. Hiếu dưỡng cha mẹ, phụng sự sư trưởng , giữ lòng từ
bi không giết hại, tu 10 nghiệp lành. 2. Thọ trì Tam quy, giữ
vẹn các giới, đừng sái phạm oai nghi. 3. Phát lòng bồ đề, tin
sâu nhân quả, đọc tụng kinh điển đại thừa, khuyến tấn người tu
hành. Ba điều như thế gọi là Tịnh nghiệp”. (Quán Kinh)
-
b) Nhất tâm:
Là một tâm hướng
về Phật A Di Đà Phương Tây niệm cho trong sáng thanh tịnh. Quyết
tâm rời khỏi Ta bà Thế giới phiền não đi sinh sống ở Tịnh độ Cực
lạc. Như lời Phật dạy trong Kinh Vô lượng thọ, quyển hạ: “Các
chúng sinh nghe danh hiệu Phật Vô lượng thọ, giáo chủ cõi Tịnh
độ, tín tâm hoan hỉ, cùng một ý nghĩ hết lòng hồi chuyển tu đức
nguyện sinh Tịnh độ. Phát ba thứ tâm: Tâm chí thành, tâm sâu
thiết, tâm hồi hướng phát nguyện thì sẽ được vãng sinh.” Điều
này tương tự phẩm Thượng sanh, Quán Kinh Vô Lượng Thọ.
-
Nhất tâm có hai
nghĩa: Sự nhất tâm và lý nhất tâm:
-
- Sự nhất tâm: Một
tâm hướng về cõi Phật A Di Đà niệm danh hiệu Phật, không hướng
về Ngũ dục thô hay tế, hay một pháp nào khác trong Tam giới.
-Người ấy luôn sống trong ánh sáng Bồ đề tâm- Như cây cưa gốc,
mở miệng cho ngã về hướng Tây, một cơn gió thổi qua đúng hướng
là ngã, phút lâm chung Phật và thánh chúng đến tiếp dẫn.
-
- Lý nhất tâm: Một
tâm hướng về Phật, niệm Phật chuyên chú không xen tạp, chơn vọng
nhào thành một khối trong sáng. Như câu nói của một danh sư:
“Dùng danh hiệu Phật trì niệm dần nát tàng thức A lại da, Đại
viên cảnh trí xuất hiện.”- Lúc bấy giờ danh hiệu Phật A Di Đà
trong tâm hành giả như hoa sen vượt khỏi mặt nước tham dục toả
ngát hương thơm, tịnh hoá nước đục chung quanh, trang nghiêm
Phật độ tại thế.
-
Thường thì người niệm
Phật đạt đến sự lý nhất tâm, đều được đức Phật A Di Đà thọ ký
vãng sinh Tịnh độ, biết trước ngày giờ xả bỏ thân phàm, lâm
chung có điềm lành hào quang, hương thơm thanh khiết. Người ấy
tuy còn sống ở nhân gian, nhưng thần thức được gá vào hoa sen
chín phẩm.
-
Đó là nói người trong
sự có lý, trong lý có sự. Nếu tách riêng ra hai thành phần: Sự
và lý, thì hạng nào cũng được tiếp dẫn vãng sanh. Tuy nhiên,
phẩm vị có cao thấp: Thai sanh, hoá sanh.
-
c) Vãng sanh:
Là xả bỏ nhục
thân nầy đến thác chất liên hoa sinh sống ở cõi Tịnh độ, có 4
loại:
-
1. Chính niệm vãng
sanh: Tâm không điên đảo được vãng sanh.-Kinh A Di Đà.
-
2. Cuồng loạn vãng
sanh: Người ác nghiệp bị lửa địa ngục và bệnh ác tính bức bách
cuồng loạn, được thiện trí thức khai thị Tịnh độ phương tây niệm
10 niệm đựơc vãng sinh- Kinh Quán vô lượng thọ, hạ phẩm.
-
3. Vô Ký vãng sanh:
Người ấy tín tâm quy mệnh Tịnh độ Di Đà, dựa vào công đức đã tu
hành, nên khi tâm thần suy nhược, phi thiện phi ác, phút lâm
chung không niệm Phật vẫn được tiếp dẫn vãng sanh.
-
4. Ý niệm vãng sinh:
Người tu Tịnh độ tín tâm quy mệnh Tịnh độ Tây phương phút lâm
chung, không niệm ra tiếng chỉ niệm Phật thầm cũng được vãng
sinh.
-
Bốn cách vãng sinh
trên có thể rút lại thành hai: Sự vãng sinh và lý vãng sinh:
-
Sự vãng sinh:
Là người niệm
danh hiệu đức Phật A Di Đà nhất tâm xả thân phàm vãng sinh Tịnh
độ Cực lạc thế giới.(Đới nghiệp vãng sinh).
-
Lý vãng sinh:
là người niệm
Phật nhất tâm trí vô sinh hiển hiện trở về chân tánh. “Hoa Khai
Kiến Phật ngộ vô sanh- Bất thối Bồ tát vi bạn lữ!” (tình không
nghiệp sạch vãng sinh).
-
Đã bao đời rồi, phong
trào tụng Kinh niệm Phật, trợ niệm rầm rộ rồi lắng dịu, lắng dịu
rồi phát khởi, mà điềm vãng sanh như ánh sáng, hương thơm, xá
lợi hiếm thấy. Vì lúc bình thường người tu Tịnh ấy không chuyên
tu miên mật, phút lâm chung chướng ngại bên ngoài kéo đến khêu
gợi phiền não nổi lên quá mạnh, cộng với cận tử nghiệp bất tịnh
cản trở. Lúc bấy giờ hành giả tỉnh giác niệm ba niệm danh hiệu
Phật liên tiếp không xen hở đã khó; “Nói chi 10 niệm nhất tâm,
tâm không điên đảo tức đắc vãng sinh”.
-
Nhân đây, chúng tôi
nói thêm một số cõi Tịnh độ liên quan đến ý nghĩa Tịnh độ:
-
1.
Tịnh độ thần thông
-
Do người tu Tịnh độ
(cũng có thể tu thiền), tâm thanh tịnh phát khởi thần thông tự
tại vô ngại hoá độ chúng sanh hữu duyên, như A Nặc Ca Tôn giả
thị hiện thần thông ở Lũng- Thục, hoá độ quốc Sư Ngộ Đạt.
-
Thiền sư Ngộ Đạt đời
Đường, Trung Hoa, năm Hàm Thông thứ tư, đời vua Ý Tông được vua
phong chức Thống giáo môn sự, tương đương quốc sư. Lúc ấy ngài
mới 16 tuổi, giảng Kinh Niết bàn như mây trôi nước chảy. Một hôm
ghẻ mặt người nổi lên nơi đùi trái bằng hạt châu vô cùng đau
nhức, ngự y của triều đình trị không lành được. Nhớ lại thuở làm
chú tiểu vá đào phục vụ một vị tăng phong hủi du phương không
ghê tởm. Vị tăng ấy bảo: “Khi nào chú lâm đại nạn, đến Lũng
thục, phía trên hai cây thông cổ thụ có một ngôi chùa bằng Thất
bảo thầy sẽ giải nạn cho!”
-
Ngộ quốc sư cải trang
thành dân quê đến Lũng thục, đúng như lời sư bệnh năm xưa, phía
trên hai cây thông cổ thụ có ngôi chùa Thất bảo sáng ngời. Vị
tăng bệnh đã lành hào quang rực sáng, tiếp đãi nồng nàn. Sau khi
ăn uống tắm rửa, ngài lên chánh điện sám hối chí thành, vị tăng
nầy cho biết pháp danh ngài là A Nặc Ca, đã chú nguyện nước
suối, hừng đông Ngộ quốc sư xuống suối múc nước rửa ghẻ.Thì nghe
văng vẳng như mục ghẻ lên tiếng nói: “Mười đời trước ông làm
quan án xử oan Triệu Thố, chính là tôi, quyết đeo bám ông để trả
thù. Những đời kế tiếp ông làm cao Tăng có thần Hộ pháp. Đời này
vua ban ghế trầm hương ông khởi tâm tự cao, tham luyến, thần Hộ
pháp xa lánh, tôi nhập vào rửa hận. Nay nhờ chú nguyện của A Nặc
Ca tôn giả, oan trái giữa tôi và ông kết thúc!” - Sau khi Ngộ
quốc sư rửa ghẻ bằng nước suối, nghe như sấm vang, chết giấc.
Tỉnh dậy ghẻ mặt người đã lành và ngôi chùa thất bảo cũng biến
mất. Sau khi viên tịch Ngộ quốc sư có để lại 3 quyển Thủy sám,
kể rõ chuyện này.
-
2.
Tịnh độ Dược sư phương đông
-
Theo Phật thuyết A Di
Đà Kinh, nơi Phương Tây, ngoài Cực lạc thế giới Tịnh độ, còn
nhiều cõi Tịnh độ khác và 6 phương: Đông, Tây, Nam, Bắc, phương
thượng, phương hạ đều có cõi Chúng sinh và cõi Tịnh độ của chư
Phật.
-
Phật giáo đồ cũng rất
ái mộ Tịnh độ phương đông của Dược Sư Lưu Ly Quang Như lai và
Tịnh độ Thiên Quốc của Đại Bồ Tát Di Lặc.
-
Do nhân sinh thế giới
này nhiều bệnh khổ, người ta niệm danh hiệu Phật Dược Sư, đốt
đèn dược sư 49 ngọn, khai đàn Dược Sư cầu an bố thí, hành trì
theo kinh Dược sư, độ bản thân và quyến thuộc chúng sanh được
thanh tịnh an lành. Lắm khi pháp tu theo kinh Dược Sư được dùng
hỗ trợ xây dựng Tịnh độ nhân gian, hồi hướng phát nguyện vãng
sinh Cực lạc thế giới.
-
3.
Tịnh độ thiên quốc
-
-Căn cứ vào Kinh
Thuyết Bổn, số 66, Trung A Hàm, Kinh Di Lặc Thượng sanh, Kinh Di
Lặc hạ sanh thành Phật. Đức Phật thọ ký cho tỳ kheo A Di Đà, đời
tương lai sẽ làm chuyển luân Thánh Vương, tên là Loa Nhượng Khư,
lúc ấy tuổi thọ loài người cao đến 84000 tuổi, cảnh vật xinh
tươi, vật chất sung mãn, nhân dân hạnh phúc. Trong bối cảnh đó,
Bồ Tát Di lặc từ cung trời Đâu Suất giáng sanh, xuất gia tu
thành Phật hiệu là Từ Thị.
-
Hiện nay, Bồ Tát Di
Lặc ngự tại nội viện Đâu Suất Thiên, cũng gọi Tịnh độ Thiên
quốc, đang giáo hoá chư vị Bồ tát thượng thiện câu hội. Ngoại
viện Đâu Suất Thiên, trai xinh gái lịch trường thọ so với người,
đến khi lâm chung, theo Kinh Niết bàn q. 19, thì có 5 tướng suy:
1. y phục dơ bẩn nhàu nát. 2. Hoa trên đầu khô héo. 3. Thân thể
hôi hám. 4. Nách ra mồ hôi. 5. Không thích chỗ ngồi nữa. Tuy
nhiên về hưởng thụ, dân ngoại viện Tịnh độ Đâu Suất Thiên, cao
hơn nhà giàu văn minh cõi người thập bội.
-
Người sinh vào các
cõi Thiên do nhân tu thiền định tác pháp Thập thiện. Thập thiện
là căn bản giới luật Phật giáo. Người tu pháp môn nào trong Phật
giáo cũng có thể sinh Thiên (Đâu Suất Thiên, tầng thứ 4 trong 6
cõi trời Dục giới). Nhưng chỉ có nội viện Đâu Suất là Tịnh độ.
-
Theo lịch sử cao
tăng, thường là những vị tự tu, khuyến tu, đại chấn Phật pháp
một thời, mật tu Thiền định - Duy thức, như các vị Pháp Sư Đạo
An, Huyền Trang, Khuy Cơ, Thái Hư, Từ Hàng v.v... Phút lâm chung
có dấu hiệu sinh Đâu Suất Tịnh độ, học đạo, chờ Bồ tát Di Lặc
giáng sanh trợ pháp.
-
Cũng nên biết, Tịnh
độ thần thông tự mình thành đạo, Tịnh độ Dược Sư, Tịnh độ Thiên
quốc không có tiếp dẫn, vị nào thần thông đạo lực mạnh mẽ thì
đến vẫn được đón tiếp trân trọng! -Chỉ có Tịnh độ Di Đà phương
tây có tiếp dẫn người niệm Phật nhất tâm!
-
·
Tóm lại, người tu Tịnh độ nào như chúng tôi lược dẫn cũng
lấy Phật tánh làm nền tảng. Tất cả mọi hành trình phải được soi
sáng của Bồ đề tâm qua Tứ hoằng thệ nguyện. Nếu không sẽ lạc ra
ngoài đạo Phật rơi vào Tam giới khổ.
-
Riêng người noi gương
tiền thân đức Phật A Di Đà xây dựng nhân gian Tịnh độ hồi hướng
vãng sanh là điều rất khó, mà cố chí làm nên thật đáng khâm
phục.
-
Trang nghiêm Tịnh độ
nhân gian đòi hỏi người lãnh đạo xuất sắc, cộng với sức người
sức của thanh tịnh trí tuệ. Điển hình như Vạn Phật Thánh Thành ở
Mỹ.- Đạo tràng Huê Nghiêm 2, Hoằng pháp ở Việt Nam vào những
ngày lễ hội chuyên tu, ấy là Tịnh độ!
-
Những ai có chí nương
nhờ Phật lực, bước đầu thử nghiệm ở giảng đường, đạo tràng, tự
viện, tịnh xá rồi nhân rộng ra cộng đồng thế giới. Hạnh phúc
biết bao! Đây là lý tưởng Bồ tát Tịnh độ có đủ 4 thứ tâm: Tín
tâm, chí thành tâm, thâm tâm, hồi hướng phát nguyện tâm viên
mãn.
-
Nếu người
xây dựng Tịnh độ nhân gian trong một trú xứ, cộng đồng nào đó
không có cộng sự tốt, lãnh đạo thừa kế xứng đáng, thì cũng chỉ
là một phong trào trong những phong trào Tịnh độ đáng ghi nhớ
trong lịch sử pháp môn Tịnh độ mà thôi!
--o0o--
|
|