|
VĂN HỌC NGHỆ THUẬT
AM
MÂY NGỦ
Tác giả: Nhất Hạnh
PL. 2537-1993
--o0o--
-
-
Huyền
Trân thức giấc, lắng tai nghe. Có tiếng tụng kinh. Đây là tiếng
tụng kinh của chú tiểu Pháp Đăng. Giọng chú trong như tiếng
chuông đồng, Chú đang khoan thai tụng bài kệ mở đầu cho thần chú
Lăng Nghiêm, từng âm rành rọt và trong veo như những hạt châu
tiếp nhau rơi đều trong không gian ngời sáng. "Đại hùng đại
lực đại từ bi, hy cánh thẫm trừ vi tế hoặc: Linh ngã tảo đăng vô
thượng giác, ư thập phương giới tọa đạo tràng ...".
-
Huyền Trân nằm yên, để hết tâm ý vào lời kinh. Công chuá cảm
thấy toàn thân thư thái và dễ chịu. Có lẽ đây là lần đầu tiên
nàng được hưởng một cảm giác an lạc kỳ diệu như vậy. Công chúa
không dám trở mình, sợ rằng nếu trở mình thì niềm an lạc kia
biến mất. Nàng thở nhè nhẹ, nhắm hai mắt lại và theo dõi lời
kinh một cách chăm chú.
-
Chú Pháp Đăng đã tụng hết bài tựa và đang chuyển sang hội thứ
nhất của chú Lăng Nghiêm. Nhịp mõ tự nhiên mau dần, trở nên dồn
dập rồi giọng chú thay đổi hẳn. Chú Lăng Nghiêm như một cánh
diều bắt gió và lời kinh giờ đây bay như một lá phướn. Tiếng mõ
cũng không còn là âm thanh tròn trịa và rời rạc như trước: Tiếng
mõ cũng trở thành một giải lụa dài bay phất phới trong không
gian.
-
Khi chú Pháp Đăng tụng hết Lăng Nghiêm và bắt đầu qua tới Chú
Đại Bi thì Huyền Trân không còn theo dõi lời kinh nữa. Nàng nghĩ
đến Phụ vương nàng hiện giờ chắc đang ngồi thiền trên am Ngọa
Vân và đến chuyện hai cha con sẽ cùng nhau leo núi lên đỉnh Vân
Tiêu ngày hôm nay, và công chúa từ từ ngồi dậy.
-
Liêu phòng tối om. Ngọn lửa cây đèn dầu lạc để trong góc phòng
chỉ lớn bằng một hạt đâu không đủ để soi sáng mặt bàn. Huyền
Trân khua chân tìm đôi giép cỏ mà chú Pháp Đăng đã đem tới cho
nàng chiều hôm qua rồi đứng dậy, tới khơi cao ngọn đèn. Trong
liêu phòng, ngoài cái bàn con và chiếc giường nhỏ, không còn có
một vật gì nữa cả. Nàng đưa tay với lấy chiếc áo lông cừu vắt
dưới chân giường, khoác lên vai, rồi hé cửa liêu và bước ra
ngoài sân am.
-
Bây giờ là mới đầu canh năm, trời còn tối lắm, nhưng nhờ có ánh
sao nên Huyền Trân thấy được dáng đá và dáng cây quanh am. Nàng
nhìn lên trời. Sao nhiều qua, và sáng quá. Hơi núi làm công chúa
rùng mình, ớn lạnh. Nàng trở vào liêu phòng, và cứ để áo lông
cừu trên vai mà nằm lại xuống giường để tiếp tục nghe kinh. Chú
Pháp Đăng đã tụng xong Thập Chú. Chú đang niệm danh hiệu Phật
Thích Ca.
-
Huyền Trân lên tới núi Yên Tử từ sáng hôm qua và đã được gặp mặt
Phụ vương nàng là đại sĩ Trúc Lâm. Nàng đã được hầu chuyện với
ngài từ đầu giờ Tỵ đến cuối giờ Mùi. Hôm qua, nàng đã được ông
anh ruột của mình là Huệ Võ Vương Trần Quốc Chấn đưa tới chân
núi Yên Tử bằng xe song mã. Huệ Võ Vương định cho người võng
nàng lên tới am Long, nhưng nàng từ chối. Một vị tiểu ni tại ni
viện dưới chân núi đã đưa nàng và người hầu cận của nàng là Thị
Ngọc lên am Long.
-
Phụ vương nàng bảo nàng tá túc tại am Long đêm nay và dặn chú
điệu Pháp Đăng sáng ngày mai đưa nàng lên thăm am Ngọa Vân. Ngài
sẽ đợi nàng ở đây. Ngài phải trở lên am Ngọa Vân vì có chút việc
cần thiết. Nói xong, đại sĩ lên đường, chiếc gậy trúc trên tay.
-
Huyền Trân nhớ lại giây phút được gặp lại cha sau hơn hai năm xa
cách. Hai năm xa cách, nhưng bao nhiêu biến đổi đã xảy đến cho
nàng. Khi vị tiểu ni vào thông báo, Phụ vương nàng đã ra tận
cổng am để đón nàng. Thượng hoàng hơi gầy yếu, nhưng dàng điệu
ngài con quắc thước và thanh tú. Ngài nhìn nàng với đôi mắt vừa
mừng rỡ vừa xót thương. Ngài vẫn còn mặc chiếc áo nâu năm trước,
tuy chưa sờn rách nhưng đã phai màu. Công chúa muốn chạy tói ôm
lấy cha mình, nhưng không dám. Nàng chạy đến và quỳ xuống dưới
chân ngài. Nàng khóc thút thít như một đứa trẻ thơ. Đại sĩ đỡ
nàng dậy và đưa nàng vào trong am. Vị tiểu ni đi nhắc một chiếc
ghế gỗ đạt gần chiếc ghế khúc lục của đại sĩ để công chúa ngồi,
rồi cùng Thị Ngọc đứng hầu một bên ông thầy tu mà cả nước kính
ngưỡng. Trúc Lâm đại sĩ tự mình đi nhóm lửa pha trà để đãi
khách. Ngài không cho ai động tới công việc. Vị tiểu ni, sau khi
uống xong chén trà cúc do đại sĩ ban cho, đã chắp tay bái biệt
ngài để xuống núi. Công chúa Huyền Trân cũng bảo Thị Ngọc theo
vị ni cô xuống núi và ở lại ni viện chờ nàng.
-
Đợi con uống xong chén trà cúc thứ hai, Trúc Lâm mới hỏi:
-
- Con leo núi có mệt không?
-
Huyền Trân nhìn cha:
-
- Tâu Thượng hoàng, con thấy trong người rất khỏe. Cảnh vật trên
này đẹp lắm.
-
Đại sĩ cười rất hiền:
-
- Con đừng gọi ta là Thượng hoàng nữa. Cứ gọi ta là cha. Ta đi
tu đã lâu; trên mười năm ta đã làm ông thầy tu áo rách. Con hãy
tập gọi ta là thầy và dùng câu "bạch thầy" cho quen đi. Sau này,
trong những lúc có nhiều người, con cũng có thể gọi ta là tôn
đức hay đại sĩ như những người khác thường gọi.
-
- Thưa cha, con sẽ vâng lời cha dạy. Con mong ước sau này được
cha chỉ bày cho con về Phật pháp; con muốn được làm đệ tử của
cha, và được gọi cha là thầy của con.
-
Trúc Lâm đại sĩ nhìn con, bằng lòng, vừa lúc ấy một chú tiểu,
khoảng mười một tuổi, mặt mày sáng sủa, vai mang một đảy đựng
đầy kinh sách, xuất hiện trước cửa am. Chú chắp tay, kích cẩn
chào. Đại sĩ cho Huyền Trân biết đó là chú Pháp Đăng, đệ tử trẻ
nhất của ngài. Chú vừa lên am Thạch Thất để lấy kinh sách về
học. Ngài bảo chú nghỉ ngơi chốc lát trước khi đi sửa sọn bữa
ngọ trai cho ba người. Rồi ngài đưa công chúa ra trước hiên am.
Hai người ngồi trên những chiếc gỗ kê dưới mái lá. Ngài bảo công
chúa kể cho ngài về mọi cớ sự đã xảy ra từ ngày công chúa về
Chiêm theo chồng.
-
--o0o--
|
|