|
VĂN HỌC NGHỆ THUẬT
AM
MÂY NGỦ
Tác giả: Nhất Hạnh
PL. 2537-1993
--o0o--
-
-
Chùa
Nộn Sơn tuy là một ni viện nhỏ nhưng các Ni Sư đều có chức vụ rõ
rệt. Ni Sư Tĩnh Quang là giám viện của chùa và chức vụ của bà là
tri sự, nghĩa là chịu trách nhiệm tổng quát về mọi việc
trong chùa. Ni Sư Đàm Thái đảm nhiệm chức vụ tri diện, và
tri khách, tức là vừa trông coi chánh điện cho sạch sẽ và
trang nghiêm vừa lo việc tiếp đón các vị khách ni và các thiện
nam tín nữ đến viếng chùa lạy Phật. Những lúc công việc tri
khách trở nên bề bộn thì Ni Sư Tĩnh Quang và các Ni Sư khác đều
phải phụ sức vào để làm đỡ công việc này. Ni Sư Hương Nghiêm lo
việc tri tạng, tức là chăm sóc về kinh điển thư tịch và
việc dạy học, còn công việc tri viên, tức là coi sóc vườn
tược thì do Ni Sư Hương Tràng đảm trách.
-
Chức vụ của tri viên, bao hàm việc săn sóc vườn cảnh,
vườn rau và vườn ương của chùa. Đáng lý việc quản lý ruộng chùa
cũng nằm trách vụ tri viên, nhưng vì thấy công việc này nặng quá
cho nên Ni Sư Tĩnh Quang đã tự mình trực tiếp đảm nhận lấy với
sự tiếp tay của gia đình bác Trực dưới chân núi.
-
Ni Sư Hương Tràng đã trồng được rất nhiều danh mộc trong vưòn
chùa. Ngọc lan, hoa mộc, hải đường và nhất là các loại tùng,
bách, được trồng trên khắp nơi trên núi. Vườn rau nằm ngay phía
sau hậu liêu. Ở đây gần suối cho nên việc tưới tắm rất dễ dàng.
Tất cả bốn Ni Sư đều có tiếp tay vào việc chăm bón vườn rau.
Vườn ương dưới chân núi thì không xa nhà bác Trực. Ni Sư Hương
Tràng để thật nhiều thì giờ vào công việc chăm sóc khu vườn ương
này. Ni Sư Hương Nghiêm cũng rất ưa đi xuống vườn ương. Cô là
người phụ tá đắc lực nhất cho Ni Sư Hương Tràng trong việc chăm
sóc vườn ương. Bác Trực, bé Tuất và thằng cu Lợi cũng giúp Ni Sư
rất nhiều. Những ngày Ni Sư bận rộn công việc trên chùa, bác
Trực và bé Tuất thường quảy nước tưới vườn thay cho Ni Sư. Những
khi cần người khuân vác nặng thì đã có bác Trực và thằng cu Lợi
giúp đỡ.
-
Mùa kiết hạ bắt đầu từ ngày rằm tháng tư và sẽ chấm dứt sau lễ
Vu Lan ngày rằm tháng bảy. Các Ni Sư tuy kết hạ nhưng giới hạn
an cư rất rộng. Họ có thể đi lại bất cứ nơi nào trên núi và cũng
có quyền xuống cả tới vườn ương. Sáng nay trên đường xuống núi,
Ni Sư Hương Nghiêm hỏi Ni Sư Hương Tràng:
-
- Em nhận thấy nghi thức công phu buổi sáng gồm toàn những bài
đà la ni cả, tại sao vậy thưa chị?
-
Ni Sư Hương Tràng cũng nhận thấy điều sư muội bà nói là đúng. Từ
ngày nghe chú Pháp Đăng tụng kinh trên am Long Động, bà đã để ý
tới điểm này rồi. Buổi công phu bắt đầu bằng thần chú Thủ Lăng
Nghiêm, đi qua thần chú Đại Bi, và đến chín bài thần chú khác.
Thiền học ở nước Đại Việt đã bị mật giáo xứ Tây Tạng lấn áp rồi
chăng? Từ ngày quân Mông Cổ chiếm cứ Tây Tạng rồi qua diệt nhà
Tống để thành lập nước Nguyên, Mật giáo lan tràn rất chóng. Tuy
Đại Việt đánh bại được quân Nguyên nhưng văn hóa phương Bắc vẫn
cứ ảnh hưởng tới Đại Việt. Tại sao trong buổi công phu sáng lại
không có những kinh văn về Thiền, như Kinh Lăng Già hoặc Kinh
Kim Cương mà lại toàn là các bài thần chú? Bà rất mừng mà nhận
thấy rằng tuy Hương Nghiêm còn trẻ tuổi, cô đã có nhận xét rất
sáng suốt, nhưng mà những người như vị ni cô trẻ tuổi này còn ít
quá. Khắp nơi người ta học theo lề thói người phương Bắc một
cách thiếu ý thức. Cả ngay tại những sơn môn lớn như Báo Ân,
Quỳnh Lâm và Yên Tử, các bậc trưởng thượng cũng vô tình áp dụng
nghi thức mới. Hương Tràng đã từng đọc sách Thiền Uyển Tập Anh
Ngữ Lục. Bà biết rằng đạo Phật đời Lý rất thịnh nhưng về sau đã
suy sụp vì ảnh hưởng mật giáo. Đọc các bộ lục như Khóa Hư Lục
và Tuệ Trung Thượng Sĩ Ngữ Lục bà thấy các vị Phật tử
tiền bối đời Trần đã gạn lọc Phật Giáo và làm cho Phật học đời
Trần trở lại thuần túy thiền học. Bây giờ đây, thiền học lại bắt
đầu biến chất. Bà rất lo lắng cho tương lai Phật học nước nhà.
Trên hai trăm năm, thiền học đã làm trụ chống tinh thần cho cả
nước, nhờ đó mà thiên hạ được thái bình và nước nhà giữ vững
được nền độc lập. Từ ít lâu nay, ảnh hưởng Nho học mới của nhà
Tống đã bắt đầu gây nên sự kỳ thị giữa Nho gia và Phật gia,
không những ở trong giới học giả mà ngay cả ở chốn triều đình.
Bây giờ lại thêm sự biến chất của thiền học vì Lạt Ma giáo.
Hương Tràng tự nhủ không biết rằng người cầm đầu giáo hội Trúc
Lâm là tôn giả Pháp Loa có để tâm đến vấn đề này hay không.
-
Giáo hội Trúc Lâm hiện đang tiến hành việc khắc bản Đại Tạng
Kinh. Đại Tạng Kinh này được khắc theo bản do nhà Nguyên ấn hành
và như vậy là có thêm nhiều kinh điển Lạt Ma giáo. Nghĩ đến việc
khắc bản kinh Đại Tạng, Hương Tràng chợt nghĩ tới quốc sư Bảo
Sát, đệ tử đầu tay của Trúc Lâm đại sĩ, người mà bà đã được may
mắn làm quen ở am Tử Tiêu trên núi Yên Tử và đã được thừa tiếp
một lần thứ hai tại chùa Tư Phúc trong nội thành. Quốc sư Bảo
Sát hiện đang lãnh trách nhiệm khắc bản Đại Tạng kinh để ấn hành
tại Đại Việt. Khắc bản Đại Tạng kinh là một công trình vĩ đại,
bởi vì Đại Tạng kinh có tới trên sáu ngàn quyển. Công việc này
đã được khởi hành từ năm Ất Mùi nghĩa là mười bảy năm về trước,
nhưng bị gián đoạn từ ngày Thượng hoàng viên tịch. Năm ngoái vua
Anh Tông ra chiếu chỉ tiếp tục công việc khắc bản. Pháp Loa tôn
sư đã ủy cho sư huynh mình là quốc sư Bảo Sát đứng ra giữ trọng
trách này, vì công việc, quốc sư Bảo Sát đã phải rời am Tử Tiêu
về cư trú ở chùa Báo Ân để tiện việc cắt đặt công việc. Hằng
ngày có cả trăm người thợ lo viết chữ và khắc chữ trên gỗ. Hồi
đầu năm nay, Hương Tràng đã ủy sư muội bà là Hương Nghiêm về
kinh để thỉnh toàn bộ các tác phẩm của Trúc Lâm đại sĩ. Hương
Nghiêm đã được gặp quốc sư Bảo Sát. Quốc sư cho cô biết là ít ra
cũng phải năm năm nữa Đại Tạng kinh mới được khắc xong. Tuy
nhiên những tác phẩm do các thiền sư Đại Việt sáng tác đều đã
được khắc và đã được ấn hành riêng, trong đó có Khóa Hư Lục,
Thượng Sĩ Ngữ Lục Thiền Lâm Chiết Chủy Ngữ lục, Thạch Thất Mỵ
Ngữ v.v...
-
Hương Tràng biết rõ tính khí của quốc sư Bảo Sát. Vị cao đệ này
của Thượng hoàng không ưa chốn phồ hoa đô hội, không ưa tổ chức
và hội hè. Trúc Lâm đại sĩ yêu mến người đệ tử này nhất và Bảo
Sát cũng là người thân cận đại sĩ nhiều nhất. Sở dĩ đại sĩ không
ủy cho người làm tổ thứ hai của giáo hội Trúc Lâm cũng chỉ vì
người không nhận trách vụ này. Hồi Hương Tràng lên thăm đại sĩ
trên núi Yên Tử, ngài đã bảo công chúa gọi Bảo Sát là sư huynh.
Bây giờ tuy Hương Tràng là đệ tử của quốc sư Bảo Phác, bà vẫn có
khuynh hướng muốn gọi thiền sư Bảo Sát là sư huynh, dù trên
nguyên tắc bà phải gọi người là sư bá.
-
Hương Tràng nhớ lại những ngày được Thượng hoàng cho phép lưu
lại Yên Tử và đi viếng khắp nơi trên núi. Đó là vào tháng tám
năm Mậu Thân. Trước khi Huyền Trân lên tới núi thì đại sĩ đã cho
tất cả các thị giả của ngài xuống núi và chỉ để một mình sư
huynh Bảo Sát ở lại bên mình. Tuy thế, sau khi tiếp chuyện với
Hương Tràng, ngài lại phái Bảo Sát về kinh để trình bày với vua
Anh Tông về việc lấy thuyền đưa ba trăm người Chiêm về nước, và
dặn Bảo Sát sau khi làm xong trách nhiệm thì trở ngay lên Yên
Tử. Chỉ trong vòng hai hôm là Bảo Sát đã trở về am Tử Tiêu. Lúc
bấy giờ ba người mới mở đầu cuộc viếng thăm các thắng cảnh trên
núi. Có lẽ đại sĩ biết đây là lần thăm viếng cuối cùng của ngài
cho nên ngài lưu lại thật lâu ở mỗi nơi, nhìn từng gốc thông, sờ
từng phiến đá. Ba người leo trèo trong suốt bảy hôm, không nơi
nào là không đến, từ ngọn Hồ Sơn, đỉnh Vân Tiêu, đỉnh Cánh Diều,
cho đến các đỉnh Ngọa Vân, Tử Tiêu, các am Thung, am Dược, am
Trượng, suối Long, suối Hổ v.v... Ba người đi thong thả. Mệt thì
nghỉ, đói thì mở cơm nắm ra ăn, khát thì vốc nước suối uống.
Trong những lúc ấy, Huyền Trân có ý thức rằng đây là những ngày
đẹp đẽ nhất trong đời mình. Sư huynh Bảo Sát rất ít nói. Không
ai bảo ai, cả ba đều cảm thấy tràn đầy an lạc và hạnh phúc. Từ
giã Thượng hoàng về kinh đô, Huyền Trân không biết rằng đó là
lần gặp gỡ cuối cùng giữa cha con nàng. Huyền Trần đinh ninh sẽ
có dịp trở lên núi để được làm lễ xuất gia với đại sĩ rồi về tìm
một chốn sơn thanh thủy tú nào ở miền Hải Dương để lập am tu
hành. Đại sĩ đã hứa cho nàng thọ Bồ Tát giới xuất gia. Ai ngờ
chỉ chỉ hơn hai tháng sau, tại kinh sư nàng nghe tin đại sĩ viên
tịch. Sư huynh Bảo Sát đã cho người đã cho người về chùa Báo Ân
báo cáo đại tang, và từ chùa Báo Ân, tin Thượng hoàng băng hà đã
được đưa vào nội cung. Đó là vào giữa giờ ngọ ngày mồng ba tháng
mười một năm Mậu Thân. Lúc đó Huyền Trân còn đang ở bên chùa Tư
Phúc với Thị Ngọc. Vua Anh Tông truyền gọi công chúa về và báo
cho nàng biết là Thượng hoàng đã băng giữa khuya ngày mồng một.
Huyền Trân vào đóng cửa ở trong tẩm điện suốt một ngày một đêm,
không gặp mặt ai cũng không ăn uống gì, và cũng không chịu lên
núi Yên Tử để dự lễ trà tỳ Thượng hoàng. Sáng ngày mồng bốn, hai
người anh của nàng là vua Anh Tông và Huệ Võ Vương Quốc Chẩn
cùng cả triều thần khởi hành từ kinh sư bằng đường thủy về núi
Yên Tử trên sáu chiếc thuyền. Ngày mồng bảy vua tôi về tới kinh
sư rước theo xá lợi của Trúc Lâm đại sĩ. Sư huynh Bảo Sát cũng
theo về trong chuyến này. Ông lưu lại chùa Tư Phúc một đêm một
ngày và cho vời Huyền Trân để chuyển lại lời di chúc của Thượng
hoàng cho công chúa. Chính tại chùa Tư Phúc mà sư huynh Bảo Sát
đã kể cho Huyền Trân nghe những giờ phút cuối của đại sĩ.
-
Sư huynh Bảo Sát kể rằng hồi đầu tháng mười đại sĩ có về kinh sư
thăm bà chị là công chúa Thiên Thụy một lần mà không ai biết.
Ngài chỉ đem theo một vị thị giả, đó là chú Pháp Đăng. Hai thầy
trò đi bộ thong thả cho nên khởi hành từ ngày mồng một mà tới
ngày mồng mười mới đến kinh sư. Thăm chị xong, đến ngày rằm ngài
lên đường về núi. Trên đường ngài ghé nghỉ đêm tại chùa Siêu
Loại, và hôm sau cũng có ghé chơi chùa Pháp Vân ở Cổ Châu. Theo
chú Pháp Đăng thuật lại thì tại chùa Pháp Vân, ngài có đề một
bài thơ ngũ ngôn trên vách tăng đường. Bài thơ như sau:
-
Số đời, một hơi thở,
-
Tình đời, hai biển trăng.
-
Cung ma đâu sá kể?
-
Nước Phật một trời xuân!
-
Ngày mười bảy, ngài ghé nghỉ đêm tại chùa Sùng Nghiêm. Tuyên Tử
hoàng thái hậu, dì của Huyền Trân, lúc bấy giờ đã xuất gia và
đang tu ở am Bình Dương gần đó. Nghe ngài ghé chùa, bà muốn được
thỉnh ngài về am thọ trai. Đại sĩ nhận lời, cười mà nói: "Có lẽ
đây là bữa cơm cúng dường cuối cùng". Ngủ tại Sùng Nghiêm đêm
ấy, sáng ngày mười tám ngài lại lên đường. Hai vị tỳ kheo chùa
Sùng Nghiêm là Tử Đính và Hoàn Trung đi theo hầu ngài, bởi chú
Pháp Đăng đã được lệnh về núi trước. Thầy trò leo trèo mãi mới
tới được am Tú Lâm ở ngọn An Sinh. Nghỉ ở đó một lát, ngài bảo
hai vị: "Tôi muốn về ngay am Ngọa Vân nhưng sức chân yếu quá,
làm thế nào bây giờ?". Hai vị trả lời: "Hai chúng tôi xin phù
ngài đi". Họ lấy võng đưa ngài lên tới đỉnh Ngọa Vân. Vào am
xong, ngài cám ơn hai vị và nói: "Các vị xuống núi đi, và về
chùa lo tu hành. Đừng cho chuyện sinh tử là nhàn hạ". Tại am
Ngọa Vân lúc bấy giờ chỉ có hai vị thị giả là Pháp Không và Pháp
Đăng. Ngày mười chín, ngài bảo chú Pháp Không lên am Tử Tiêu gọi
sư huynh Bảo Sát về gấp.
-
"Tại am Tử Tiêu, được tin đại sĩ gọi thì trời đã tối, tôi phải
đợi sáng ngày mai mới lên đường. Ai ngờ đi được nửa đường thì
trời nổi cơn giông bão. Mây đen phủ đầy núi và mưa rơi như thác
đổ. Nước suối dâng cao, không có cách gì vượt qua được. Tối đến,
tôi phải vào tạm trú ở một sơn điếm gần đó. Lòng như lửa đốt,
đêm ấy tôi mộng thấy những điềm bất thường. Sáng dậy thì trời đã
ngớt mưa; mưa nước suối đã xuống thấp và tôi lội qua được. Trưa
ngày hăm mốt, tôi đến được am Ngoạ Vân. Thấy mặt tôi, đại sĩ
nói: "Ta sắp đi rồi, sao người đến chậm thế? Có chỗ nào trong
Phật pháp mà ngươi chưa hiểu thì hãy hỏi đi". Tôi hỏi: "Ngày xưa
khi thấy thiền sư Mã Tổ trong người bất an, thầy trú trì đến hỏi
thăm xem Ngài cảm thấy thế nào, thì thiền sư nói: "Ngày đối
diện Phật, đêm đối diện Phật. Như thế là ngài muốn nói gì?".
Đại sĩ cao tiếng mắng tôi: "Người cho Ngũ Đế và Tam Hoàng là vật
gì? Tôi mới hỏi tiếp: "Hoa nở rực rở phô mầu gấm, gỗ phương Nam,
tre phương Bắc, là nghĩa làm sao?". Ngài nói: "Mù mắt ngươi đi.
Tôi biết ngài rất sáng suốt và đã chuẩn bị sẵn sàng nên rất
mừng. Tôi với hai chú Pháp Không và Pháp Đăng ở lại hầu hạ ngài,
không dám rời bước khỏi am. Mấy hôm liên tiếp trời mưa gió âm u
và trên núi không biết tại sao chim kêu vượn hú rất buồn. Đêm
mồng một tháng mười một tự nhiên trời hết mưa gió hết thổi. Tôi
ra ngoài nhìn lên trời không còn một gợn mây, và sao sáng đầy
trời. Lúc đó là đúng nửa đêm. Thấy tôi trở vào, đại sĩ hỏi: "Giờ
này là giờ gì?. Tôi đáp: "Bạch thầy, giờ Tý". Ngài đưa tay đẩy
cửa để nhìn ra khung trời đầy sao rồi bảo nhẹ: "Đã đến giờ ta đi
rồi". Tôi hỏi: 'Tôn đức định đâu vào giờ này". Ngài đọc bài kệ:
-
Mọi pháp đều không sinh
-
Mọi pháp đều không diệt
-
Nếu hiểu được điều đó
-
Thì thấy Phật trước mặt
-
Không đến cũng không đi
-
Tôi hỏi tiếp: "Còn khi đã bất sinh bất diệt rồi thì sao?", Ngài
xua tay: "Đừng nói mê nữa". Rồi ngài ngồi trong tư thế sư tử tọa
mà hóa. Hai chú Pháp Không và Pháp Đăng khóc nấc lên, tôi tới ôm
vai các chú bảo đừng khóc. Rồi chúng tôi quỳ bên giường đại sĩ,
niệm Phật cho tới sáng.
-
"Trước đấy hai hôm, ngài đã có cho di chúc về việc trà tỳ nhục
thân. Ngài bảo ngài không muốn có một lễ quốc táng do triều đình
lo liệu. Ngài là người xuất gia của sơn môn Yên Tử và ngài muốn
chính đệ tử ngài làm lễ hỏa táng ngài trong một nghi thức thật
đơn sơ, Ngài dặn dựng hỏa dàn ngay tại trong am Ngọa Vân và làm
lễ hỏa thiêu ngài trước khi báo về cho kinh sư biết. Để triều
đình sau này không làm khó dễ sơn môn, ngài đã tự tay thảo di
chúc hẳn hoi. Suốt ngày mồng hai, tôi và chú Pháp Không lo đốn
gỗ thơm về đựng hỏa dàn. Tối ngày mồng hai, sau khi đưa nhục
thân đại sĩ lên hỏa đàn, chúng tôi làm lễ khai hỏa. Am Ngọa Vân
bốc cháy cùng với hỏa đàn. Mùi hương thơm bay lên sực nức. Chúng
tôi nghe như có thiên nhạc trỗi lên vang dội trên hư không, và
phía trên hỏa đàn có một đám mây năm sắc bay đến bao phủ. Lễ trà
tỳ cử hành xong, rạng ngày mồng ba tôi cho chú Pháp Không về
kinh thông báo. Sư đệ tôi là Pháp Loa từ chùa báo Ân nghe tin
lập tức cùng chư tăng lên núi. Tất cả các thị giả và đệ tử của
đại sĩ từ chùa Báo Ân đều tức tốc trở về. Đến chiều ngày mồng
bốn, Pháp Loa và chư tăng lên tới. Sư đệ Pháp Loa sai nấu nước
thơm rưới lên hỏa đàn và làm lễ thu nhập xá lợi. Ngọc xá lợi có
đủ năm mầu, đếm cả thảy lớn nhỏ trên năm tram hạt. Tối hôm ấy,
vua Anh Tông, Huệ Võ Vương và đình thần lục tục lên tới. Mọi
người vừa lạy vừa khóc. Tiếng khóc của triều thần vang động cả
núi rừng.
-
"Sáng hôm sau, vua và triều thần định xuống núi, bắt tôi phải về
theo để tường trình cớ sự. Xá lợi của đại sĩ được rước về theo
thuyền. Trên thuyền, các quan vẫn tiếp tục khóc thương, tiếng
khóc rất ai oán. Có vị tỏ vẻ bất bình vì tôi và các chú Pháp
Không và Pháp Đăng đã dám làm lễ trà tỳ mà không đợi lệnh triều
đình. Họ còn nói là họ sẽ tâu vua làm tội tôi. Tôi nào có sợ gì,
bởi vì tôi chỉ làm theo di giáo của đại sĩ. Tôi lại đem theo di
chúc của ngài, và về tới kinh đô tôi đã trình lên vua".
-
Sư huynh cho Huyền Trần biết là đại sĩ có dặn dò người về việc
lo công chúa được xuất gia. Ngài dặn sư huynh làm lễ thế độ cho
công chúa, cho công chúa thọ xuất gia bồ tát giới và tìm
nơi cho công chúa tu học. Sư huynh bảo là sẽ nhờ một vị sư đệ
của ông là thiền sư Bảo Phác lo lắng việc này. Công chuá sẽ xuất
gia và thọ giới với thiền sư Bảo Phác ở núi Vũ Ninh và thiền sư
sẽ cho công chúa nhập chúng tu học ở đó cho đến khi kiến thức
Phật pháp của công chúa đã khá vững vàng. Sau đó thiền sư sẽ tìm
một nơi thanh tịnh để công chúa an cư và tiếp tục tu học.
-
Huyền Trân đã vâng lời sư huynh Bảo Sát. Chỉ chưa đầy một tháng
sau, nàng đã được xuất gia tại Vũ Ninh và được học Phật dưới sự
chỉ dẫn của thiền sư Bảo Phác cùng vơi một số các vị tân ni
khác. Nàng được thiền sư Bảo Phác cho pháp danh là Hương Tràng.
Ni Sư Hương Tràng nhờ bản tính thông tuệ cho nên học Phật rất
mau chóng. Bà rất được các bạn ni sinh quý mến. Tháng mười năm
sau, bà được thiền sư Bảo Phác cử về chùa Hổ Sơn. Bà đã xin với
thiền sư để đem sư muội của bà là Hương Nghiêm đi theo. Về tới
Hổ Sơn được ba tháng, hai chị em thỉnh được Ni Sư Tĩnh Quang và
Ni Sư Đàm Thái về nhập chúng. Tôn trọng Ni Sư Tĩnh Quang là bậc
tiền bối và tu học lâu hơn bà tới mười năm, Hương Tràng mời bà
đứng lên làm giám viện của chùa này.
-
Sư huynh Bảo Sát từ hôm ấy đã trở lại am Tử Tiêu trên núi. Chỉ
mới năm ngoái đây thôi, ông đã phải rời am Tử Tiêu để về chùa
Báo Ân lo việc khắc kinh. Vua Anh Tông nhân dịp này ban hành
danh hiệu quốc sư cho ông và cho cả sư đệ ông là thiền sư Bảo
Phác. Hương Tràng biết là thiền sư Bảo Sác không ưa gì cái danh
hiệu quốc sư và sở dĩ ông phải rời am Tử Tiêu cũng bởi vì công
việc san khắc Đại tạng kinh không thể trông cậy vào một ai khác.
Theo nhận thức của bà thì trinh độ học Phật và tu chứng của
thiền sư Bảo Sát rất thâm sâu. Chính tay sư huynh đã biên tập
sách Trúc Lâm Đại Sĩ Thực Lục nhưng ông không ký tên tác
giả. Sách này nói về cuộc đời và sự nghiệp hành đạo của Thượng
hoàng. Ông đã nhờ thiền sư Huyền Quang duyệt lại bản thảo trước
khi cho khắc bản. Những điều thiền sư Bảo Sát kể lại đều được
ghi chép trở lại trong sách. Mới vừa hôm qua, Hương Tràng được
đọc lại đoạn ấy và lần này bà đã trục nhận được tình sư đệ thâm
sâu giữa hai thầy trò Trúc Lâm và Bảo Sát. "Khi thiền sư Mã Tổ
bệnh, viện chủ hỏi ngài cảm thấy trong người thế nào? Mã Tổ đáp
Ngày đối diện Phật, đêm đối diện Phật". Nào phải là sư hynh
không hiểu được điều đó. Sư huynh đem hỏi cốt là để dò xem trong
giờ phút sắp nhập diệt, đại sĩ có vững chãi an trú trong chính
niệm không. Đại sĩ biết ý mới mắng sư huynh: "Ngươi nghĩ Ngũ Đế
Tam Hoàng là vật gì?". Có ý nói rằng nhà ngươi coi thường ta
quá. Bảo Sát đã mừng, nhưng muốn cho chắc ý hơn nữa nên hỏi thêm
câu "tre Nam gỗ bắc ..." Đại sĩ bảo: "Mù mắt ngươi đi" - Ngài có
ý nói rằng pháp thể chân như vẫn hiện tiền mầu nhiệm trước mắt
ngài, và người đệ tử thân yêu đừng có nên trêu ghẹo ...
-
Trong một thời gian, Hương Tràng đã cảm thấy rất cơ đơn, nhất là
sau khi bà nghe tin về cuộc viễn chinh của quân Đại Việt trên
đất Chiêm Thành. Nền hòa bình mà đại sĩ đã xây dựng lên bằng cả
tâm não của ngài và trong đó Hương Tràng đã đóng góp bằng cả
cuộc đời mình, nền hòa bình đó ngắn ngủi và mong manh quá. Chỉ
ba năm sau ngày Thượng hoàng băng, người ta đã gây lại cảnh binh
đao giữa hai nước, đi ngược với ý chí của vị lãnh đạo tinh thần
của cả nước. Ba năm đủ để xong thời kỳ tang chế. Cả hai người
anh ruột của bà, vua Anh Tông và Huệ Võ Vương, đều có mặt trong
cuộc viễn chinh. Không biết họ có nghĩ đến Thượng hoàng mà không
làm theo được ý nguyện của ngài, trông cậy gì đến kẻ khác. Theo
những điều bà đã được nghe thì chính vua Anh Tông cầm một đạo
quân đi đường đồng bằng, còn anh Quốc Chẩn cầm một đạo quân đi
đường núi. Thủy quân thì do tướng Trần Khánh Dư điều khiển. Cuộc
xâm lăng này đã được chuẩn bị trước đó khá lâu, và viên trại chủ
Câu Chiêm của nước Chiêm Thành đã hứa làm nội ứng. Vua Chế Chí
tin lời vua Đại Việt đi thuyền từ Vijaya đến trại Câu Chiêm để
làm lễ thần phục, mong mua lấy hòa bình. Ai ngờ đến nơi thì bị
bắt. Quân Đại Việt đưa em của vua Chàm là Chế Năng lên coi việc
nước và thiết lập nền đô hộ trên nước Chiêm Thành. Vua Chế Chí
được áp giải về Thăng Long rồi đưa đi giam lỏng ở hành cung Gia
Lâm. Để làm dịu bớt nỗi hận thù của người Chàm, vua Anh Tông ban
cho vị vua cũ của Chiêm Thành tước hiệu là Hiệu Trung Vương. Một
ông vua bị tù đày như thế thì cần gì tước hiệu? Hương Tràng biết
rõ con người của vua Chế Chí. Hồi còn ở Chiêm, bà nhận thấy Chế
Chí là một người con trai đôn hậu hiền lành. Chế Chí không có
tài vũ dũng của cha nhưng lại có tình nghĩa. Trong con người có
lưu chảy dòng máu Qua Oa, bởi hoàng hậu trước của vua Chế Mân là
người xứ này. Biết vua Chế Chí đang bị an trí ở hành cung Gia
Lâm nhưng Hương Tràng không dám đi thăm. Thăm hỏi làm gì, bà có
quyền lực gì trong triều đình, một triều đình mà bà cảm thất rất
xa lạ? Thăm hỏi chi để thêm chua xót cho cả hai bên. Những gì mà
cha con bà xây dựng đã đổ nát tan tành trong giây phút. Hương
Tràng nghe nói gần đây vì phẩn uất về việc Chế Chí bị tù đày
trên đất Việt, dân Chàm đã nổi lên đánh phá ở miền biên giới.
Mộng ước hòa bình giữa hai nước còn đâu?
-
Từ ngày đi đánh Chiêm về, anh Quốc Chẩn của bà không về núi thăm
bà nữa. Có lẽ anh ấy sợ ngượng với bà chăng? Không. Huệ Võ Vương
chỉ là thiên lôi, chỉ đâu đánh đó. Anh ấy không có đủ sức để có
thể suy tư và hành động độc lập, nhưng còn vua Anh Tông, anh
Thuyên của bà đâu có phải là một người thiếu óc phán đoán? Bà
nghĩ đên những vị cận thần trong triều như Đoàn Nhữ Hài và Trần
Khắc Chung mà thở dài. Nhưng nỗi cô đơn của Hương Tràng đột
nhiên tan biến khi bà nghĩ tới những người như su huynh Bảo Sát.
Đại sĩ tuy đã viên tịch nhưng công trình của người không phải là
đã dứt đoạn. Hình bóng sư huynh Bảo Sát ngồi trên am Tử Tiêu vẫn
làm ấm lòng bà ... Trong triều ngoài họ còn biết bao nhiêu người
thấy được con đường mà đại sĩ đã vạch ra. Hương Tràng nghe nói
rằng chính ở chốn triều cung cũng có nhiều người chống đối cuộc
viễn chinh Chiêm Thành, trong đó có cả Minh Hiện Vương, con trai
út của vua Thái Tông ngày xưa. Tuệ giác và đức hiếu của đại sĩ,
nghĩ cho kỹ, vẫn còn được tiếp nối ở mọi nẻo đường.
-
Hương Tràng tự dưng chú ý đến hơi thở của mình. Bà cảm thấy bà
thở cho bà mà cũng thở cho Trúc Lâm đại sĩ. Thì ra trên núi Hổ
Sơn từ lâu nay không lúc nào mà bà không thở những hơi thở của
pháp thân đại sĩ. Bà biết trên đất nước này còn có nhiều người
như bà, khắp nơi, đang nối tiếp con đường giác ngộ của đại sĩ.
Chú Pháp Đăng hiện giờ ở đâu không biết, nhưng chắc chú cũng
đang như bà, đang thở một nhịp với vị sơn tăng trên núi Yên Tử.
Năm nay chú đã mười bảy hay mười tám tuổi gì đó rồi. Chưa đến
tuổi thọ giới tỳ kheo, nhưng chắc chú đã tiến bộ nhiều trên bước
đường tu học. Hương Tràng chợt thấy lại hai bàn tay của chú đang
vọc nước trên giòng Hồ Khê. Đồng thời bà cũng thấy hiện ra trong
trí hình ảnh bàn tay nhỏ xíu của đứa hài nhiều em trai thằng cu
Lợi. Hôm mồng mười vừa qua, bà đã xuống núi thăm u thằng cu Lợi
và đứa bé, và đã trông thấy hai bàn tay ấy. U thằng Lợi xin bà
cho em bé sơ sinh một cái tên. Bà hứa sẽ cho nó một cái tên. Lợi
đã cho bà biết là bà Tư có đề nghị đặt cho em nó tên Đa, Lê Văn
Đa, nhưng u nó chưa chịu, cứ nằng nặc đòi Ni Sư ban cho một cái
tên cho thật đàng hoàng. Cái tên Đa cũng hay đấy chứ. Trong óc
của bà Tư, đó là hình ảnh của sự thịnh mầu, giàu có và hạnh
phúc. Đa tư, đa tôn, đa phú quý. Trong khi đó cái âm Đa
gợi lên trong trí Hương Tràng những hình ảnh khác. Trước hết là
hình ảnh thằng bé sinh ra trong lúc chuông trống vang rền chào
đón giờ Đản sinh của một người ngày xưa tên Tất Đạt Đa. Rồi đến
một hình ảnh khác, hiện thực như núi sông và xa xôi như một tiền
kiếp: Đó là hình ảnh của Dayada, con của bà, hiện thời không
biết luân lạc nơi nào. Giọt máu ấy, dầu còn hay mất vẫn là chứng
tích của tình hữu nghị, lòng thương yêu và ý chí xây dựng hòa
bình. Cả hai cái tên đều mang âm vận "đa" trong lòng chữ. Cái
cảnh u thằng cu Lợi cho con bú, Hương Tràng đã chứng kiến cách
đây mươi hôm, nhưng sáng hôm nay đi trên con đường xuống núi này
với người sư muội, bà mới thực sự trông thấy. Hình ảnh
bàn tay nhỏ xíu của đứa bé đang bám chặt vào vú mẹ làm cho Hương
Tràng thấy rõ mặt mũi của vạn hữu trong liên hệ duyên sinh. Đức
Phật Đản sinh năm xưa ở thành Ca Tỳ La cũng là em bé giờ đây
đang áp đầu vào vú mẹ. Hình bóng Dayada xa xôi bỗng nhiên cũng
trở về đồng nhất với đứa bé. Hương Tràng có cảm giác chính mình,
ngay trong giờ phút này, đang đưa ngực mình cho em bé bú. Bà
thấy bà và u thằng Lợi là một. Bà thấy người đang đi trên núi và
người đang cho con bú là một. U thằng Lợi đang cho em bé bú,
nhưng người Ni Sư cảm thấy như sữa đang chảy từ ngực mình. Bao
nhiêu ý thức phân biệt giữa quyền quý và bần hàn, giữa quá khứ
và hiện tại, giữa phương Bắc và phương Nam đột nhiên tan biến
như sương sớm dưới anh mặt trời. Cảnh tượng u thằng cu Lợi vạch
yếm cho con bú đã trở về và giúp cho người sư nữ thoát nhiên
siêu việt được cái hố thẳm sinh tử. Hương Tràng nhu một con chim
vừa tung rách được chiếc lưới thời gian, bay thoát lên không
gian tự do.
-
Hương Tràng vẫn đi những bước chậm rãi bên cạnh người sư muội
trẻ tuổi. Chắc hẳn Hương Nghiêm không thấy được ánh hào quang
vừa lóe sáng trong tâm người sư tỷ. Hương Nghiêm vừa hỏi Hương
Tràng câu hỏi về nội dung buổi công phu khuya. Hương Tràng chưa
kịp trả lời. Thời gian hình như không còn hiện hữu đối với bà.
Bà muốn chia xẻ niềm vui và cái thấy mà mình vừa đạt được với
người em đồng đạo, nhưng bà bỗng nhận thấy rằng Ni Sư Hương
Nghiêm còn trẻ quá. Hương Nghiêm là một cô gái thông minh và có
căn cơ linh lợi, nhưng cô vẫn còn là một đứa em gái ưa được
nuông chiều. Từ hai năm nay, Hương Nghiêm nuôi mộng ước là được
đi viếng núi Yên Tử với Hương Tràng. Cô đã nghe vị sư tỷ kể lại
chuyện du hành của bà cùng với Trúc Lâm đại sĩ và sư bá Bảo Sát
trên những ngọn núi danh tiếng kia, và ước ao được lên viếng núi
trong một hoàn cảnh tương tự. Đại sĩ tịch rồi, chú Pháp Đăng
không biết hiện giờ đang tu học ở đâu, nhưng được đi núi với
Hương Tràng và được Hương Tràng hướng dẫn trong khi thăm viếng
từng am tranh, từng dòng suối và từng tảng đá trên ấy, đó thật
là chuyến du hành mà cô mong ước. Cô đã có nhiều dịp để đi lên
núi hành hương, nhưng cô đã không đi bởi vì cô chỉ muốn lên núi
theo điều kiện mà lòng cô đòi hỏi, cô nghĩ chỉ khi đi với Hương
Tràng cô mới có hy vọng tìm thấy khung cảnh ngày xưa. Hương
Tràng thì lại không muốn đặt chân lên núi Yên Tử nữa. Bà đã từng
có cảm tưởng rằng không có Trúc Lâm đại sĩ trên đó thì Yên Tử
không còn là Yên Tử của bà. Nhất là khi bà nghe nói hiện giờ
trên ấy chùa tháp đã được tạo lập nhiều nơi và tiền của đã đổ ra
để cho cung vàng điện ngọc được dựng lên khắp chốn. Bà biết rằng
am Ngọa Vân ngày nay không còn nữa và trên nền am người ta đã
xây tháp Huệ Quang để thờ xá lợi của đại sĩ. Cạnh đấy, người ta
đã xây dựng lên một ngôi chùa lấy tên là chùa Vân Yên. Am Long
Động cũng đã được xây thành chùa và vì mỗi năm có tới hàng mấy
trăm vị tăng sĩ ghi tên nhập hạ cho nên người ta đã xây cất chùa
chiền và tăng xá trên núi rất nhiều. Không muốn làm đổ vỡ núi
Yên Tử linh thiêng trong tâm mình, Hương Tràng đã từ bao nhiêu
năm nay không chịu đặt chân lên núi, và cũng vì vậy, bà vẫn chưa
chìu theo được ý muốn của pháp muội mình. Nếu Hương Tràng chưa
từ chối hẳn việc này, đó cũng là vì bà còn ái ngại và không muốn
làm cho người em đồng sư thất vọng.
-
Nhưng cái thấy hôm nay chợt đến trong tâm bà đã khiến cho bà mở
rộng tầm kiến thức. Tất cả những cội cây và hạt sỏi trên núi Hổ
Sơn này đối với bà đã trở nên mầu nhiệm và mang hình ảnh thiêng
liêng của Yên Tử ngày ấy. Đại sĩ không những có mặt ở Yên Tử
ngày xưa mà còn có mặt ở Hổ Sơn hôm nay. Dayada còn đó, là vì
thằng Lê Văn Đa còn đó, Tất Đạt Đa còn đó cũng vì thằng Lê Văn
Đa còn đó. "Cái này có vì cái kia có, cái này sinh vì cái kia
sinh". Bà chăm sóc cho thằng Đa tức là đồng thời chăm sóc cho
Dayada mà cũng là săn sóc cho Đức Phật sơ sinh. Hơi thở của Đa
là hơi thở của chính đại sĩ, và bên cạnh bà, người sư muội tên
Hương Nghiêm cũng đang thở những hơi thở của đại sĩ. Hương Tràng
bỗng nhiên thấy mình có khuynh hướng muốn cưng chiều người sư
muội. Bà thấy thái độ ngày xưa của mình là hẹp hòi. Hình ảnh
thiêng liêng của núi Yên Tử trong lòng bà không thể nào sụp đổ.
Hình ảnh đó bất diệt như pháp thân của đại sĩ. Bà có đức tin
rằng dù bây giờ chùa tháp đã dựng lên khắp núi và dù người viếng
núi có đông đúc đến chừng nào đi nữa, bà vẫn có thể tìm lại Yên
Tử Sơn của ngày xưa và vẫn có thể đưa người sư muội của bà vào
thẳng thế giới tâm linh cao khiết của người đại sĩ am Ngọa Vân
ngày trước.
-
Hương Tràng lên tiếng:
-
- Tháng tám này, khi mùa an cư đã mãn và núi Yên Tử đã bớt
người, chị sẽ đưa em về thăm núi.
-
Ni Sư Hương Nghiêm ngẩn ngơ. Cô không hiểu vì sao
mình vừa hỏi một câu hỏi về buôi công phu sáng mà lại được Ni Sư
Hương Tràng trả lời một câu về chuyến du hành núi Yên Tử. Nhưng
vì không có thì giờ để thắc mắc lâu. Cô chỉ thấy lòng cô tràn
đầy niềm hân hoan sung sướng. Chị Hương Tràng đã thương cô, đã
chiều cô. Điều ấy là điều quan trọng nhất. Trong khi đó, Hương
Tràng nghĩ đến những đám mây la cà trên đỉnh Ngọa Vân. Xung
quanh cái am tranh đó, mỗi chiều, có nhiều đám mây tụ họp lại và
bao phủ lấy am. Mây về am để ngủ. Nhưng người trong am không
ngủ. Người trong am đang ngồi thiền định. Tuy đất trời và non
sông còn chìm trong bóng tối, người ngồi trong am vẫn trông thấy
những gì đang xảy ra ở kinh đô, ở biên giới miền Bắc, ở biên
giới miền Tây và ở biên giới miền Nam. Người ngồi trong am đang
lấy hào quang định lực của mình mà quán chiếu trong và ngoài,
trên và dưới. Ở Ngọa Vân am, mây ngủ nhưng người còn thức. Hương
Tràng cảm thấy tâm hồn rung động. Bà nghĩ có thể đặt tên cho em
thằng cu Lợi là Thức.
-
--o0o--
|
|