|
VĂN HỌC NGHỆ THUẬT
-
Tách Trà Còn Nóng
-
Thích Tín Nghĩa
---o0o---
-
-
Hôm
nay Chủ nhật, ngày 14 tháng 10 năm 1990 tức là ngày 26 tháng tám
năm Canh ngọ; tôi trang hoàng một bàn thờ đơn giản trước chánh
điện để làm lễ tưởng niệm Hòa thượng Thích Thiện Minh lần thứ
12; trước ngày 17-10 là ngày mà Ngài đẽ đem cái thân xác vô
thường để đổi lấy cái Tự do, Công bằng, An lạc cho Dân tộc và
Ðạo pháp trong ngục tù Cộng sản Việt nam.
-
Ngày giỗ của Ngài năm nào tôi cũng nhớ và cũng chưng
dọn bàn thờ để được đảnh lễ trước di ảnh của Ngài. Có năm thì
làm đông đảo có Phật tử, tín đồ đến tham dự, có năm thì tôi làm
khiêm tốn nhưng không kém phần trang nghiêm. Tuy thế, chưa năm
nào bỏ quên. Những lúc đi chứng minh, chủ tọa Ðại hội cho tổ
chức Gia đình Phật tử, tôi đều khuyến khích anh chị em trong tổ
chức nên thiết lễ tưởng niệm ngài Thiện Minh và hiệp kỵ cho hầu
hết anh chị em Huynh trưởng và đoàn sinh trong Gia đình Phật tử
quá cố.
-
Mỗi một lần làm lễ tưởng niệm như thế, một vị Huynh
trưởng đại diện thường đọc điếu văn cả. Năm nay quá bề bộn công
tác Phật sự, nên không điếu văn, cũng không quy tụ các Gia đình
Phật tử địa phương cùng đến tham dự được.
-
Sau khi đảnh lễ Ngài chín lạy xong, tôi quỳ xuống
trước di ảnh và cung kính pha tách trà để cúng dường.
-
Nhìn tách trà đang nóng, đang bốc hơi và đang từ từ
đầy lên; tôi hồi tưởng những năm về trước đây khi còn ở quê nhà
và Ngài còn mang cái xác thân hữu hạn ấy trên trần thế nầy.
-
Cuộc đời của tôi mặc dầu theo làm thị giả Ngài cũng
nhiều lần khi còn là một chú tiểu; nhưng, khi bắt đầu lớn lên và
biết khôn thì tôi được cái diễm phúc khó quên ba lần theo sát
với Ngài.
-
* Lần thứ nhất 1965:
-
Sau khi cách mạng
01-11-1963
thành công, Giáo hội Phật giáo Việt nam Thống nhất ra đời. Ngài
là vị Tổng vụ Trưởng Tổng vụ Thanh niên, Sinh viên, Học sinh và
Gia đình Phật tử. Ngài đi thăm đó đây trên khắp lãnh thổ miền
Nam Việt nam. Nơi nào có tổ chức Thanh thiếu niên, có tổ chức
Gia đình Phật tử là Ngài đều có mặt. Tuyến đường cuối cùng là
Thừa thiên và Quảng trị
(Quảng trị là sanh quán của ngài).
-
Chuyến ra Huế ngài ở lâu nhất. Ngài đi thăm hầu hết các Tổ đình.
Ngài cùng chư vị Ðại tăng thọ trai tại Tổ đình Trúc lâm. Tôi làm
thị giả. Trong bữa cơm đạm bạc ấy, chư Ðại tăng cùng hàn huyên
với nhau qua câu chuyện Pháp nạn 1963. Câu chuyện khi bổng khi
trầm. Tôi thỉnh thoảng lại phải quanh để hầu cơm quý ngài. Khi
đến sau lưng Thượng tọa Thích Thiện Minh, tôi đưa tay ra đỡ cái
chén để đơm cơm, Ngài nhìn tôi miệng mĩm cười rồi bảo:
-
“Các chú cố gắng lo tu học nhiều đi, các Thầy lớn bây giờ phải
gánh vác việc Giáo hội từ trung ương đến địa phương, nên rất ít
có thì giờ để trực tiếp giảng dạy như ngày xưa được. Các chú nên
theo những gì chúng tôi đã làm, đang làm để mai sau thay thế
chung tôi mà lo cho Ðạo, cho Dân và cho Tổ quốc, ...”.
-
Tôi chỉ nghe được đến đây thì một sư huynh trong chùa nhờ tôi
chỉ cách pha trà. Bữa cơm đạm bạc ấy vẫn diễn ra trong bầu không
khí đầy thiền vị của chốn già lam Trúc lâm.
-
Sau giờ nghỉ trưa xong, tôi tiếp tục hầu trà và các
Ngài cũng từ từ lên xe về lại Từ đàm.
-
* Lần thứ hai:
-
Pháp nạn 1966 lại diễn ra một lần nữa. Chư Tăng Ni và Phật tử
phát nguyện tự thiêu thân để cúng dường cũng như để bảo vệ Chánh
pháp. Thượng tọa Thích Trí Quang vào Tỉnh đường để tuyệt thực.
Thượng tọa Thích Thiện Minh lại phải vào Sài gòn để trực tiếp
điều khiển cuộc tranh đấu. Trước khi ra đi, Ngài cũng dùng cơm
với chư Ðại Tăng ở Tổ đình Từ đàm - Huế và tôi cũng được làm thị
giả.
-
Trong bữa cơm nầy, Ngài cũng trong cốt cách ung dung tự tại của
một thiền sư. Tuy thế, thỉnh thoảng Ngài cùng với chư Ðại Tăng
phải thở ra những giây phút não nề cho vận nước và của Ðạo pháp.
-
Ngài bảo nhỏ:
-
“Chúng ta nào có ưa tranh đấu hay giành quyền làm gì, chúng ta
chỉ muốn làm sao Dân thì được no cơm ấm áo và có một trình độ
văn hóa trung bình. Còn Ðạo pháp thì được tự do bình đẳng như
nhau.”.
-
Bữa
cơm chưa xong, một công điện của Giáo hội trung ương đánh ra,
nội dung ra sao thì tôi không được biết. Tuy nhiên, theo tôi
nghĩ là cần Thượng tọa Thiện Minh vào gấp Sài gòn. Quý Ðại Tăng
từ giả nhau, tôi theo chân bổn sư vào lại Trúc lâm.
-
Chính phủ dân cử được thành hình như nguyện vọng
của tòan dân và Phật giáo. Thượng tọa trở lại cố đô Huế để thăm.
Phật đản 1971 lại trở về với người con Phật. Tôi lên đường làm
Sứ giả Như lai để về chứng minh và thuyết giảng các lễ đài thuộc
quận Vinh lộc theo sự yêu cầu và thỉnh mời của Thượng tọa Thích
Lưu Ðức, lúc bấy giờ là tọa chủ Túy vân Quốc tự và cũng là Chánh
đại diện Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất tại quận nầy.
-
Sau ba ngày đại lễ đã xong, tôi trở lại Từ đàm để
tường trình công tác Phật sự trong những ngày qua lên tỉnh hội.
Xe đi ngang qua trường Quốc học, mọi người xôn xao chạy lui chạy
tới và hô lớn:
-
“Tự thiêu, thầy tu tự thiêu”.
-
Trong cảnh ồn ào náo nhiệt ấy, đa phần là tuổi trẻ
cứ chạy Honda lung tung. Nhóm nầy hoan hô, nhóm kia đá đảo.
-
Anh Phan Văn Gái, một sĩ quan quân lực Việt Nam
Cộng Hòa mà là Huynh trưởng của Ban Hướng dẫn GÐPTVN tại Thừa
thiên - Huế, nói lớn:
-
“Cái gì còn có đó, còn có lệnh thượng cấp là
Giáo hội, các anh không nên làm loạn. Làm như vậy là bị bọn Cộng
sản nằm vùng lợi dụng. Làm vậy là có lợi cho Cộng sản. Các anh
phải vâng lời và tuân theo chỉ thị của Giáo hội, các anh phải
...”
-
Tôi
chỉ nghe được đến đây mà thôi, vì người quá đông. Câu nói của
anh Phan Văn Gái rất có giá trị. Tuy thế, sau khi anh bị đi cải
tạo, người ta đem câu nói ấy ra tại trại một lần nữa. Và anh đã
đem cái dũng của Phật giáo ra để xác nhận là anh đã nói như vậy.
-
Tôi về đến Từ đàm thì mới biết chú Sa di Chơn Thể
tu tại Tổ đình Tường vân đã phát nguyện tự thiêu để cầu nguyện
hòa bình, cầu nguyện cho đạo pháp trường tồn và cho dân tộc sớm
được no cơm ấm áo. Một ngày bố tát của Chư Tăng bản tỉnh Thừa
thiên tại Tổ đình Linh quang, trước khi lễ Thượng tọa Thích
Thiện Minh xin chư Tăng có một vài lời giải thích việc làm của
Giáo hội trong những ngaỳ thán gvừa qua.
-
Trước chánh điện Linh quang, trước chư Tăng, trong sắc phục của
Như lai với chiếc kính màu đen, với chiếc gậy chống bên cạnh.
Ngài lúc nào cũng phải chống gậy vì bị Tổng thống quân phiệt
Nguyễn Văn Thiệu cho nhân viên ném lựu đạn để ám sát Ngài, nhưng
Ngài chỉ bị thượng nặng ở bàn tọa chứ không chết. Vì thế, Ngài
ngồi thấp không được mà phải đứng hàng giờ để nói chuyện.
-
Cũng vì Ngài bị bể bàn tọa nên tờ Sóng thần đã đăgn đăng hàng
tít lớn ở trang đầu rất tiếu lâm do Chu Tử viết có câu như sau:
-
- “Thượng tọa bể bàn tọa”.
-
Nhưng sau đó, ông nhà báo nầy có tên là Chu Văn Bình với bút
hiệu Chu tử cũng tranh đấu, cũng xách bị xuống đường rồi cũng bị
nhà cầm quyến đương thời đàn áp.
-
Luật nhân quả đến với ông ta là bị thương ở mặt,
rồi cũng bị quần chúng đặt lại một vế đối để đối lại như sau:
-
- “Văn bình sức miệng bình”.
-
Trong dáng đứng khấp khỉnh nhưng rất uy nghi, Ngài chậm rãi nói
như sau:
-
- “Kính thưa quý thầy, chúng ta là hàng đệ tử Phật, chúng ta
lại là con dân nước Việt, chúng ta không thể làm ngơ khi đất
nước điêu linh, dân chúng lầm than và đạo pháp lâm nạn.
-
Vấn đề tự thiêu của chú Sa di Chơn Thể là một sự hinh sinh vô
cùng cao đẹp. Rất tiếc là chú hinh sinh còn quá trẻ, chưa đến
lúc phải hy sinh thân mạng như thế. Tôi thưa với các thầy trẻ
hiện diện hôm nay rằng: Việc gì cũng phải suy nghĩ chín chắn,
còn có Giáo hội, còn có chúng tôi. Việc đất nước và đạo pháp là
việc chung, rất trọng đại. Một ngày nào đó, các thầy các chú
cũng phải thay nhau gánh vác. Lớp nầy nằm xuống thì lớp kia đứng
lên. Lúc nào cũng đem, tâm nguyện tu hành và lợi tha mà hành
hoạt thì Phật tổ sẽ gia hộ cho chúng ta, hồn thiên sông núi cũng
chứng tri cho chúng ta.”.
-
Vì còn thì giờ dài để chư Tăng làm lễ Bố tát, nên Thượng tọa
thăm hỏi vắng tắt và từ già để đi vào thăm bổn sư là Hòa thượng
Ðệ nhị Tăng thống cùng Tổ đình Thuyền tôn.
-
Trong lúc đi cùng gồm hai xe. Xe trước do cố Thượng tọa Thích
Thiện Lộc làm tài xế chở Ngài Hòa thượng Thích Thiện Siêu, xe
sau do Hòa thượng Thích Mật Hiển tự lái lấy, tôi cũng được tháp
tùng làm thị giả.
-
Xuống xe, các ngài từ từ tiến về cổng chùa. Thượng
tọa Thích Thiện Minh đã than:
-
- “Bậy thiệt, răng Ôn lại cho xây cái hồ ngay
trước chùa sâu như cái hố rứa không biết?”.
-
Thượng tọa Thiện Lộc trả lời:
-
- “Thiện Tấn xây, chứ ai nữa.”
-
Các Ngài chỉ thở dài và cùng vào hầu Ôn Thuyền tôn.
Trà là xong xuôi, Ngài cùng với Hòa thượng Thiện Siêu thưa
chuyện với Ôn như sau:
-
“Ôn cho đào cái hồ trước cổng chùa như rứa, không
có lợi cho Tăng chúng, không có lợi cho môn phái lắm đó.”.
-
Ôn Thuyền Tôn day:
-
“Cái chú Thiện Tấn, nó xây đó. Tôi nói mà nó không
chịu nghe. Nó nói, nó xây hồ Quán Âm.”.
-
Quý Ngài đi thăm trong chuyến ấy cũng đồng ý là không nên đào
sâu như thế. Cuối cùng là cái hồ bị bỏ dở.
-
* Lần thứ ba 1976:
-
Sau khi Cộng sản chiếm miền Nam Việt Nam. Tất cả phải lập lại
cuộc đời, trong đó có Tăng Ni. Tôi cùng với chư Tăng Giáo hội Ðà
Nẵng và một số Phật tử khác đứng ra lập một tổ hợp xe đạp lấy
tên là Tổ hợp Ðoàn kết. Thượng tọa Thích Minh Tuấn là Giám đốc,
tôi làm Quản lý. Vì công tác chung nên phải thay phiên nhau vào
Sài gòn để mua vật liệu. Tôi được đề cử đi trong chuyến thứ ba
thượng tuấn tháng 6-1976.
-
Ở lại hai ngày tại chùa Già lam. Tôi được Hòa thượng Thích Trí
Thủ cho phụ làm nấm với thầy Nguyên Giác, tức thầy Nguyễn Khắc
Dũng cùng học ban Tú tài năm xưa
(bây giờ đang ở tù với thầy Trí Siêu và Tuệ Sỹ).
Trời về chiếu, Thượng tọa Thích Thiện Minh đến thăm Ôn Già lam
và tu viện. Khi nghe Thượng tọa đến, Hòa thượng đã mặc áo vàng
chế trà sẵn để đãi Thượng tọa.
-
Nhưng không biết tại sap khi Thượng tọa đến gần cây vú sữa và
tháp chuông của Già lam, Ngài đứng lại. Trong lúc ấy, các thanh
niên Tăng từ từ bao quanh Ngài. Ngài ngồi trên bậc gác chuông
để nói chuyện với anh em Tăng trẻ. Ngài nói hết giờ nầy qua giờ
khác, mặc dầu Hòa thượng đã cho chú thị giả cho ra mời hai ba
lần.
-
Ngài ung dung tự tại và chậm rãi nói nhu sau:
-
- “Ðất nước và Ðạo pháp còn gánh chịu nhiều cam go hơn nữa”.
-
Ngài nói chưa hết câu thì một vị Tăng trẻ thưa:
-
- “Thưa Thượng tọa, hay Thượng tọa nên tạm lánh ra
nước ngoài một thời gian, sau đó tìm cách xoay xở. Dù sao ở bên
ngoài cũng có thì giờ tự do hơn.”.
-
Vị Tăng trẻ nói đến đây, Ngài nói tiếp ngay:
-
- “Các chú phải biết, Thầy đi ra ngoài lúc nào cũng được. Tuy
nhiên, Thầy không thể bỏ Giáo hội, bỏ Ðạo pháp, bỏ quý Thầy, bỏ
Dân tộc và bỏ Quê hương trong lúc nầy được. Lúc nầy là lúc mình
phải có trách nhiệm. Nếu cần đổi mạng sống để có tất cả như Thầy
vừa kể, Thầy cũng an tâm hoan hỷ. Các chú phải biết: ra ngoài là
mình nhục nhã lắm. Họ sẽ xem mình ra gì nữa. Mình không thương
dân mình thì làm sao họ thương dân mình”.
-
Câu chuyện anh em Tăng trẻ thưa qua, Thượng toạ dạy lại. Thượng
tọa nhắn nhũ rằng:
-
- “Các chú cố gắng mà thương Ðạo, thương Quê hương dưới mọi
hình thức. Ai còn tu hay không, còn giữ được áo cũng thế cả.”.
-
Anh em có mặt trong chiều hôm ấy chỉ biết im lặng và ngoan ngoãn
cúi đầu nghe những lời giáo huấn đó.
-
Thượng tọa ngồi tâm sự với anh em mất ba tiếng đồng hồ. Cuối
cùng Hòa thượng Thích Trí Thủ phải đích thân ra mời và trên tay
còn có một tách trà còn nóng. Thượng tọa thương kính trước cung
cách của Hòa thượng Thích Trí Thủ như thế, Ngài đành từ giả anh
em Tăng trẻ.
-
Ðó là lần cuối cùng của đời tôi được gặp Ngài. Ngài
mai tôi trở lại Ðà Nẵng và vài tháng sau, tôi từ giả Ðà Nẵng và
trở về Huế để hầu hạ Bổn sư.
-
Một tin sét đánh ngang tai, khi tôi nghe đài BBC
cho hay là Thượng tọa Thích Thiện Minh, một chính trị gia lỗi
lạc của khối Phật giáo Ấn quang đã bị nhà cầm quyền Cộng sản
Việt nam bức tử trong lao tù tại Sài gòn.
-
Cũng từ đó, tôi tìm đường lánh nạn ra hải ngoại đến Denver, tôi
tại dựng đoàn Thanh niên Học Phật Thiện Minh. Ở Lyon, Pháp quốc,
Thượng tọa Tánh Thiệt cũng lập ngôi chùa mang tên Thiện minh. Ở
California, Gia đình Phật tử cũng lập miền Thiện minh. Và hằng
năm, tất cả những ngôi chùa Việt nam ly hương trên thế giới cũng
tưởng niệm Hòa thượng Thích Thiện Minh, trong đó có Tổ đình Từ
đàm Hải ngoại với tách trà còn nóng để tưởng nhớ đến hạnh nguyện
vô úy của Ngài.
--o0o--
|
|