|
VĂN HỌC NGHỆ THUẬT
-
Một Mảnh Đời Của Chị!
-
Từ Khoa
-
--o0o--
-
-
Cuối cùng thì Ban Liên Đoàn cũng phải chấp thuận cho Thanh được
tạm ngưng sinh hoạt đoàn trong 6 tháng, nàng muốn được vài tháng
thảnh thơi để thanh toán việc nhà: việc giữa nàng và Tâm, chồng
nàng. Thật sự ra trong thâm tâm nàng biết chắc vài tháng tới đây
cũng chẳng giải quyết được, vì Tâm nhất định muốn nàng bỏ hẳn
sinh hoạt gia đình Phật tử. Anh ta viện đủ cớ, nào là:
-
-
Chuyện sinh hoạt đoàn thể là việc đàn ông, các ông kia làm việc
đó là phải, còn em, giúp được phần nào hay phần đó chứ đâu thể
như các ông ấy được. Tóm lại, phụ nữ có nhiều giới hạn hơn đàn
ông, không thể đi sớm về khuya như các ông, không thể bỏ con
cái. Còn anh, anh không thể thay em để chăm con, nói xa hơn, anh
không thể thay em sanh nở nếu chúng ta có thêm đứa nữa. Mà em
cũng không thể vác cái bụng bầu ra thổi còi, hét lác ở giữa sân
cỏ hay trên chùa được.
-
Hoặc :
-
-
Em là đàn bà, nhẹ dạ, cứ bị các ông ấy lợi dụng, trao hết chuyện
nọ đến việc kia, em đã có gia đình, đâu thể như đám thanh nữ còn
độc thân kia, muốn đi đâu thì đi, ở đâu thì ở, đến đâu thì đến.
Thậm chí đám thanh nữ kia mỗi lần ra khỏi nhà là cha mẹ chúng lo
đến cháy ruột ra...
-
Còn bao nhiêu câu trái tai, bao nhiêu nét ác cảm gai mắt Tâm đổ
lên tổ chức gia đình Phật tử làm Thanh tức nghẹn lên được. Đôi
lúc nàng đã phải bật khóc, lòng ấm ức. Riêng Tâm, anh ta vẫn
tỉnh bơ, không một nét hối hận, không một chút cảm động như mấy
năm về trước mỗi lần anh đã làm vợ khóc. Câu “Từ cổ chí kim nước
mắt phụ nữ là vũ khí vô địch” có lẽ nay đã gặp đối thủ như Tâm.
-
Thanh cũng không còn muốn giải thích hay biện bạch, nàng đã cạn
lời mà chồng vẫn không thông cảm cho nàng. Anh ta thừa biết rằng
các em thanh thiếu nữ đang cần sự dìu dắt của một người chị như
nàng. Anh ta cũng dư biết rằng tổ chức áo lam đâu phải là một tổ
chức vô kỷ luật, vô đạo đức đến nỗi các em gái nàng bị lợi dụng
bởi các em trai đâu. Kỷ luật luôn được các anh huynh trưởng nhắc
nhở, đạo đức thường được các Thầy răn dạy. Các điều luật của tổ
chức đã là những điều đạo đức, các bài pháp của quý Thầy đều là
những lời đức hạnh siêu phàm. Vậy mà anh ta cũng thốt ra được
những ý nghĩ đen tối đó để ám chỉ phẩm cách tổ chức và đạo đức
thanh thiếu niên, những đứa trẻ, những đứa em ngây thơ của nàng,
mà nàng cùng các anh chị khác hết sức dìu dắt thành những người
mến Đạo yêu Quê.
-
Nàng khoác áo lam cũng vì lý tưởng đó, nàng tình nguyện chung
vai đâu lưng trong giai đoạn khó khăn tại hải ngoại này cũng vì
lý tưởng đó. Đã bao lần nàng gào lên với Tâm :
-
-
Anh nín đi, anh trách em như thế nào cũng được, xin anh hãy tha
thứ cho tổ chức của chúng em và các anh trong ban huynh trưởng.
Họ không liên can đến chuyện hoặc đến những lý lẽ anh muốn ngăn
cản em đi sinh hoạt gia đình Phật tử, các anh chị ấy xả thân vô
vụ lợi, anh đừng dùng hai chữ “lợi dụng” chỉ trích họ, không có
ai lợi dụng em cả.... Em thấy việc nào cần làm thì em làm, việc
nào có ý nghĩa thì em đóng góp... hu... hu...
-
-
Nhưng tôi không muốn thấy cô làm những chuyện vô ích như vậy !!.
-
-
Anh biết gì mà anh nói là vô ích. Đối với anh chỉ thấy có ích
cho cá nhân, cho bản thân thì mới là có ích sao. Anh ích kỷ vừa
vừa chứ !!.
-
-
Phải, tôi ích kỷ, tôi không là thần thánh, là Bồ tát cứu nhân độ
thế như cô, không hăng say phục vụ lý tưởng quên mình như cô,
lối hăng say xả thân theo kiểu cộng sản. Tôi đầy những điều phàm
tục trên mình, tôi sống phàm phu, chỉ biết làm ăn lo cho vợ, cho
con, cho gia đình. Nhưng có một điều tôi biết tôi không làm sai
là vợ con tôi không thua kém ai, không mất thể diện với ai. Còn
cô, hoàn hảo lắm, vinh quang lắm, ra đường con nít bu quanh xưng
tụng “chị” với lòng ngưỡng mộ. Đôi lúc tôi thấy thẹn dùm...á !!.
-
-
Anh nói vậy mà anh cũng nói được sao ?. Trời ơi, đâu phải trên
thế gian này vật chất đầy đủ, cơm no áo ấm là đã hạnh phúc, là
đã an vui đâu. Niềm vui là trạng thái của tinh thần, nói cách
khác là một khía cạnh của tâm linh. Em đâu phải là thần thánh
đâu, cũng không dám ví mình là Bồ tát nữa, tìm vui trong lý
tưởng của em một tý thôi mà !; Sao anh nặng lời mỉa mai em nhiều
dữ vậy á? ... hu... hu... hu...
-
Nàng ngồi phịch xuống giường, đưa hai chân lên bó gối, úp mặt
khóc tức tưởi. Tâm, như kẻ chiến thắng vẻ vang sau cú knock-out,
anh bỏ mặc vợ ngồi khóc, lặng lẽ ra ngoài phòng khách mở truyền
hình xem đá bóng. Hai đứa con Thanh ở phòng kế bên, từ nãy đến
giờ nghe bố mẹ cãi nhau, chúng im thin thít, rút đầu trong
phòng, nghe chừng chiến tranh đã đến hồi tạm ngưng chúng mới thò
đầu ra xem. Dĩ nhiên là chúng không lạ gì kết quả cuộc chiến là
mẹ chúng thua, vì từ xưa đến nay, cứ mỗi ngày chủ nhật đi sinh
hoạt về là có chiến tranh, mà có lần nào mẹ chúng nó thắng đâu.
Hai đứa đều được mẹ cho đi sinh hoạt, khi chúng khoác áo lam đã
làm cho Tâm gai mắt lắm, có lần gây với vợ chưa hả, chàng gây
luôn cả với con :
-
-
Tụi bay học hành xong chưa mà cứ lo đi chơi, tụi bay đừng thấy
tao làm lơ mà qua mặt nghe chưa á??.
-
Hai anh em chúng cúi đầu chuồn vô phòng gấp, chúng biết chúng
không có lỗi, đi sinh hoạt gia đình Phật tử là mẹ chúng khuyến
khích chúng đi, chứ thật sự trong thâm tâm chúng cũng không ham
thích chi mấy. Sanh ra ở hải ngoại, chúng có rất nhiều thứ vui
chơi giải trí khác ở nhà, nào là game boy, phim trên đài truyền
hình và tụ tập với bọn bạn Tây. Đi sinh hoạt, chỉ có lúc chơi
trò chơi thì còn lôi cuốn chúng một tý, chứ những lúc nghe
thuyết pháp thì “chán ơi là chán á!, chuyện kể gì chẳng hay tí
nào cả!”. Còn nhạc thì chúng cũng thấy vui vui, nhưng đi trại
hay đi đâu, chúng vẫn thích đeo theo chiếc baladeur (1) để nghe
Michael Jackson hay Maddona hát hơn. Chúng vui thú bên bờ vực
thẳm của sa đọa, trong một xã hội phương Tây mà nền đạo đức đang
bị lung lay, một cuộc sống xa dần cội nguồn dân tộc, dù thân xác
chúng có được sự sửa chữa tối tân của thẩm mỹ viện đến đâu đi
chăng nữa thì chúng cũng không thể lột xác thành người bản xứ
được. Một thế hệ như vậy đang được các anh chị huynh trưởng
giằng co, níu kéo chúng trở về với nề nếp cao đẹp của dân tộc,
của quê hương để chúng biết giữ gìn những nét cao đẹp của tổ
tiên. Các anh chị níu kéo giằng co với một cán cân rất yếu,
nhưng các anh chị vẫn không nản, vẫn cố gắng không một chút xao
lãng vì tình thương đàn em quá lớn lao. Thanh cảm nhận được điều
đó, nàng thừa biết cuộc đời là khổ, nhưng không ngờ số phận nàng
lại chua như vầy.
-
* * *
-
Từ
ngày Tâm thất nghiệp, sang một chiếc xe bán chợ, công việc cực
khổ khiến anh hay bẳn gắt, nàng thông cảm với chồng điều đó. Mỗi
lần anh chở hàng ra chợ bán, nàng ở nhà nào có được rảnh tay, đi
chợ, làm hàng,... Thỉnh thoảng điện thoại reo, tiếng chồng oang
oang trong máy:
-
-
Em mang ra cho anh chừng 200 cuốn chả giò gấp. À, nhớ làm thêm
nước mắm,...
-
Hoặc :
-
-
Ra phụ anh với, hôm nay người ta mua đông quá. Nhớ mang theo
tôm, thịt và rau để cuộn gỏi cuốn... vân vân và vân vân... Cứ
mỗi lần như vậy là nàng bắn người lên, mở tủ lạnh xem thứ nào
còn thứ nào hết, rồi tay năm tay mười làm hàng, lấy xe bus mang
ra cho Tâm. Việc nhà một trăm thứ, không thứ nào có tên, nàng có
ngơi tay đâu (á?). Buôn bán hôm được hôm vắng, những ngày hàng
không chạy, vợ chồng con cái thi nhau ăn chả giò, gỏi cuốn thay
cơm. Nỗi khổ tâm đó đâu phải nàng không biết, nàng thường an ủi
chồng :
-
-
Anh đừng buồn, trời cho được bữa nào hay bữa đấy, gia đình mình
trông lên không bằng ai nhưng trông xuống cũng còn hơn chán vạn
mọi người. Ở xứ này, mình đâu sợ chết đói, con cái mình đâu đến
nỗi sợ thất học, thiếu thốn....
-
Miệng an ủi chồng, nhưng buôn bán ế ẩm, cực nhọc thì ai lại
không buồn, nàng lại là đàn bà, nỗi phiền muộn dễ bộc phát và
dai dẳng, “sao mình thông cảm với anh ta như thế mà chỉ có mỗi
chuyện Gia đình Phật tử, anh ta lại không thông cảm với mình
được nhỉ??”. Cả trăm lần tự hỏi và cả trăm lần nàng vẫn không
tìm được câu trả lời, đôi lúc nàng cầu nguyện chư Phật và chư Bồ
Tát xui khiến cho Tâm thông cảm được với nàng.
-
* * *
-
Ngày còn ở bên đảo, chính sinh hoạt gia đình Phật tử của nàng đã
gây cho Tâm sự đam mê yêu mến, anh thường đến chùa phụ giúp
Thanh những công việc lặt vặt vào mỗi dịp lễ. Chùa đơn sơ, nhà
tranh vách ván, lượng Phật tử lên đến mấy ngàn, Thanh cùng các
anh chị em đoàn sinh làm không xuể. Tâm đến với đoàn tư cách chỉ
là một bạn đoàn, chủ đích của anh chỉ là muốn được lòng Thanh,
nên chẳng ngần ngại lên chùa phụ giúp các đoàn sinh gia đình
Phật tử căng bạt, kê bàn, xếp ghế. Thậm chí anh cũng theo Thanh
xuống bếp cắt rau, rửa chén, và lên chánh điện tụng kinh lễ
Phật. Những hành động của Tâm như là một Phật tử thuần thành
khiến Thanh giao động tâm hồn. Đôi lúc nàng nghĩ: “Nếu mình
thích giáo dục thanh thiếu niên thành Phật tử, thì đối với anh
ta mình cũng có thể giúp anh ấy trở thành Phật tử được vậy!”. Và
nàng tìm hiểu tâm tánh Tâm nhiều hơn, “xét ra thì Tâm cũng là
một thanh niên hiền từ, biết say mê mục đích đã vạch ra”. Thời
đó có nguồn dư luận trong trại cho rằng: Cao ủy xét trường hợp
là một cặp vợ chồng sẽ sớm được nước thứ ba tiếp nhận, thêm nữa,
Tâm lại có một người em cô cậu đi trước đã định cư ở Pháp có thể
bảo lãnh cho anh ta. Nên cuối cùng, để sớm được định cư ở nước
thứ ba, nàng đã quyết định thành hôn cùng Tâm. Thời gian đẩy
đưa, đoàn sinh cùng huynh trưởng thay nhau tiếp nối kẻ đến người
đi, mỗi lần đón nhận đoàn sinh mới chưa thoả niềm vui thì lại
đến những lần chia tay là những lần anh chị em lam viên bùi ngùi
rơi lệ. Chừng nửa năm sau thì vợ chồng nàng cũng được Pháp tiếp
nhận, lúc đó nàng đang có mang thằng Lạc. Ngày rời đảo, nàng
chia tay cùng anh chị em trong nước mắt.
-
Những ngày đầu định cư, do sự hội nhập khó khăn vào xã hội mới,
toàn thời gian bị thu hút vào vấn đề học tiếng địa phương, cùng
những chuẩn bị cho đứa con đầu lòng ra đời và tìm kế mưu sinh,
hai vợ chồng gắn bó bắt tay xây dựng đời sống nơi xứ lạ quê
người. Tâm rất thương yêu vợ, dù vợ chồng được sự trợ cấp xã hội
nhưng anh sẵn sàng làm bất cứ việc gì có người kêu đi làm, từ
việc khuân vác nơi các tiệm chạp phô Á đông cho đến việc rửa
chén các nhà hàng, anh không ngần ngại. Ngày thằng Lạc ra đời,
mỗi đêm về nhà, nhìn vợ con anh cảm thấy quên hết nỗi cực nhọc
của công việc hoặc những bực tức do những lời nặng nhẹ của chủ.
Một thời gian sau anh cũng được sở Tìm việc Xã hội tìm cho anh
một công việc trong một hãng lắp ráp cửa sắt. Đời sống vợ chồng
cứ thế bình lặng trôi qua, rồi ít năm sau thì con Hồng chào đời,
hai vợ chồng quyết định ngưng, không nên có con thêm nữa.
-
Năm Hồng được 4 tuổi, Lạc lên 6, cũng là năm Thanh tham gia sinh
hoạt trở lại với gia đình Phật tử sau hơn 6 năm tạm ngưng. Sự
tái sinh hoạt của nàng không có gì đặc biệt cho lắm. Nó khởi đầu
từ cái đám ma mẹ của Liên, một cô bạn cùng trại tiếp cư hồi
trước. Lần đó, Liên có mời thầy trụ trì chùa ở Paris về hộ niệm,
rồi kế đó do nhiệm vụ hoằng pháp và sự hướng dẫn của Thầy, chi
hội Phật giáo địa phương nàng ra đời, và vài năm sau cũng lại sự
khuyến khích của Thầy, gia đình Phật tử Chánh Kiến được hình
thành.
-
Ban đầu Thanh cũng rất ngại tham gia với chi hội thành lập gia
đình Phật tử, nàng có nhiều lẽ: con còn nhỏ, đời sống gia đình
chưa ổn định, vả lại nàng cũng bận rộn trong công việc may gia
công cho một công ty may mặc mà nàng vừa tìm được. Đã bao lần
Bác chi hội trưởng đến năn nỉ, kèm theo bấy nhiêu lần khuyến
khích của Danh, chồng Liên - trước cũng là một huynh trưởng gia
đình Phật tử ở Việt Nam - đốc vào, khiến Thanh cứ phân vân. Vợ
chồng Danh-Liên chơi thân với Tâm-Thanh nên thường hay lui tới
vào những ngày week-end, có lần Danh nói với Tâm :
-
-
Tôi thấy anh nên cho chị ấy ra phụ giúp chúng tôi lập gia đình
Phật tử thì đỡ cho tôi quá, dầu sao tôi cũng là đàn ông, mà các
em nữ ngày càng đông, tôi đâu thể đảm trách được việc săn sóc
các em nữ. Bà xã tôi thì bả chẳng biết sinh hoạt, sinh hiếc cái
gì cả, chỉ biết xuống bếp nhặt rau....
-
Liên hích nhẹ chồng :
-
-
Cha, không có em nhặt rau thì lấy ai xào nấu mỗi lần thầy về làm
lễ ?!!.
-
Rồi cười nhẹ, tiếp lời chồng :
-
-
Đúng đó anh Tâm, để chỉ phụ em với, dẫu sao chỉ cũng đã từng
sinh hoạt gia đình Phật tử, còn em, em không rành mấy chuyện đó,
không biết làm sao tập hát tập họp gì hết trơn đó!!.
-
Tâm quay lại nhìn vợ:
-
-
Em thấy tham gia được với anh chị không? -Ngừng một tý- Cái đó
tùy em à, anh không có ý kiến gì đâu!.
-
Thanh, nửa không muốn phụ lòng bạn, đó cũng là tình cảm của nàng
dành cho tập thể áo lam, nửa cũng còn ngần ngại:
-
-
Con em còn nhỏ quá anh chị à, việc may vá lúc này lại không
thường xuyên, hàng họ lúc có lúc không...
-
Liên cắt ngang:
-
-
Thôi, tám đừng lo chuyện đó, cho tụi nó theo sinh hoạt, em trông
cho. Còn chuyện may vá, không có tuy kẹt thiệt, nhưng thời gian
để trống để làm gì, càng chán thêm, đi sinh hoạt một tháng có
một lần mà!!.
-
Tâm tự nhiên chen vô:
-
-
Hồi đó tui lấy bả cũng vì thấy bả sinh hoạt gia đình Phật tử coi
dễ thương quá chừng!!!...
-
Và
thế là Thanh may áo lam cho mình và hai con, mỗi tháng đến ngày
sinh hoạt Tâm chở ba mẹ con đến Niệm Phật đường sinh hoạt, riêng
anh, anh tìm đến các bạn đồng tuổi trong tỉnh phì phà ly trà,
tách nước, bàn chuyện chính “chị” chính em.
-
* * *
-
“Cuộc đời vẫn đẹp sao, tình yêu vẫn đẹp sao” như vậy thì đâu có
cảnh ngày hôm nay: Thanh ôm mặt khóc và đến nỗi phải xin nghỉ
sinh hoạt một thời gian như vầy. Cái tập thể áo lam kia có một
tình cảm kỳ lạ, thuở ban đầu ít ai dám dấn thân vào, nhưng vào
rồi thì như bị nam châm hút, một từ trường vô hình nào đó cứ giữ
mãi tâm trí người yêu tổ chức như nàng. Nó lại càng mãnh liệt
trước cuộc sống đầy xa đọa nơi vùng đất tạm dung này, khiến cho
trách nhiệm đi đôi với lý tưởng càng nặng nề. Đôi lúc nàng tâm
sự với Danh:
-
-
Dường như anh em mình có cái nghiệp với tổ chức này anh à!. Hồi
anh đến rủ em, em càng đắn đo bao nhiêu thì nay em càng khó dứt
bấy nhiêu. Áo lam bên Việt Nam em không mang được sang đây, bên
đảo có người cho thì khi đi em lại tặng lại cho đứa em tinh thần
còn ở bển. Qua đây may lại áo mới mà mỗi lần mặc áo, em có cảm
tưởng chính nó đã theo từ Việt
Nam
sang đây.
-
Danh cũng không khác Thanh, công việc của tổ chức chiếm trọn
thời giờ nghỉ ngơi của anh, từ ngày đứa con đầu lòng của anh ra
đời thì Liên không còn giúp anh được việc gì, mà công tác tổ
chức ngày càng nhiều, số đoàn viên ngày càng phát triển. Con gái
anh đã được 3 tuổi, anh cũng muốn có đứa con trai để khỏi mang
tội “bất hiếu” như câu “Bất hiếu hữu tam, vô hậu vi đại” người
ta thường nói, nhưng cứ cái đà bận rộn này anh có con thì chỉ
thêm mệt. Vả lại thời đại này con gái cũng như con trai, đều là
con. Quan niệm nối dõi gần như ít còn ai để ý. Nếu thân phụ anh
muốn có cháu nối dõi thì anh trai anh đã cho ông cụ 6 đứa cháu
trai rồi còn gì!. Ông anh thèm một đứa con gái để cho họ hàng ăn
cưới gọi là trả lễ thiên hạ mà chẳng được. Thuở trước, lúc còn ở
quê nhà, khi ấy anh đã ngoài 30 mà chưa gặp Liên, còn độc thân,
có lần đến thăm anh chị, bế thằng cháu thứ 6 mới 3 tháng thì ông
anh than thở với anh:
-
-
Chú không chịu lập gia đình, mai nầy có muốn đứa nào thì anh cho
một đứa làm con để lập tự.
-
Danh vừa bế cháu, vừa cười:
-
-
Anh khéo lo xa cho em.
-
Rồi hôn thằng bé, nói với nó cho bố nó nghe:
-
-
Chú xin cháu làm con nhá, cháu chịu không nào???.
-
Nhớ chuyện xưa anh lại nghĩ đến đám cháu anh, từ ngày anh vượt
biên đến nay, không còn gặp chúng nó nữa, thơ từ tuy vẫn liên
lạc với bố mẹ, anh chị anh bên nhà, nhưng không mường tượng được
đám cháu bây giờ lớn cỡ nào. Thằng út, đứa con “lập tự” của anh,
nếu anh có gặp ngoài đường chắc anh cũng không nhận ra nó chứ
đừng nói nó nhận ra anh. Trở lại thực tại, phần anh cũng không
muốn vợ phải nặng nhọc thêm chuyện nuôi con, nhất là mỗi lần
sinh nở, anh lo xanh mặt, chỉ mong sao “mẹ tròn, con bầu dục”,
anh sợ “mẹ tròn, con vuông” thì khó sanh. Liên cũng thông cảm
tấm lòng chồng, đôi lúc nàng nói đùa:
-
-
Em sanh chứ anh có sanh đâu mà khéo lo, em chỉ sợ: không có con
trai anh bỏ em theo con đầm nào thì chết mẹ con em!!.
-
Danh bế con vào lòng, hôn nhẹ lên má con bé:
-
-
Bộ em tưởng cứ đầm mới sanh con trai sao há?, chuyện hão!!. Một
bà mít trái, một con mít hột thơm phức như vầy, có ngu mới đi
với đầm!!!. Đừng nghi ngờ người ta phạm giới mà mang tội nghe
chưa há?!!!.
-
Thực ra, sau những ngày trại hay những khóa huấn luyện huynh
trưởng trở về nhà, nhìn Liên ôm con mà anh thương cho vợ. Liên
cũng như Thanh, là những cô gái bị thời thế đẩy đưa sang được
đến nước người ta chỉ có một thân một mình. Những ngày còn sống
trong trại tiếp cư, anh được làm quen với nàng, rồi đã cùng nàng
tiến đến hôn nhân. Thơ về Việt Nam cho hai họ bên đó qua lại với
nhau để làm lễ thông gia. Bên đây, ngày cưới hai vợ chồng, anh
chỉ mời vợ chồng Tâm-Thanh và vài người bạn quanh một bàn tiệc
nho nhỏ. Cô dâu nào mà không thích ngày vu qui quần áo se sua,
hai họ đưa đón?. Nhưng ở hoàn cảnh hai vợ chồng lúc đấy, tiền
bạc không có nhiều, cả hai đều tứ cố vô thân thì làm gì có cảnh
pháo nổ kẻ đón người đưa được. Kéo nhau ra toà thị chính với
chiếc áo dài và vài người bạn coi như cũng là xong.
-
Đám cưới Thanh thì còn đơn sơ hơn nữa, thực ra ở cảnh gần như tù
trong trại tỵ nạn thì nàng làm gì có đám cưới. Ngày Thanh lấy
Tâm, chẳng qua là ngày cả hai lên văn phòng Cao ủy xin làm hôn
thú mà thôi. Những cô gái thuở học trò đầy mơ mộng ngày vu qui
đời mình, thì thời gian và hiện tại đã nhận chìm phủ phàng những
mộng mơ ấy vào quá khứ.
-
* * *
-
Cuộc họp ban liên đoàn chấm dứt, anh chị em chia tay nhau ra về,
đến trước cửa Niệm Phật đường, Thanh quay lại nhìn mọi người lần
nữa, Đào, đoàn phó thanh thiếu nữ đi tới:
-
-
Chị Thanh ơi, em thấy run và lo ghê, không biết em coi đoàn có
được không nữa!.
-
Thanh cười:
-
-
Em đừng lo, chưa quen rồi sẽ quen, vả lại chị còn ở đất này mà,
có trốn vào rừng sâu núi thẳm đâu mà em lo, có gì chị em mình
còn gặp nhau đều mà. Chuyện sinh hoạt thì em cũng biết rồi, có
gì khó đâu, có gì đã có anh Danh điều hành. Chỉ có vấn đề đi vào
tâm lý từng đoàn sinh nữ thì đòi hỏi chị em mình phải để tâm và
tế nhị thì mới dìu dắt các em được.
-
-
Chị nghỉ sinh hoạt thì đối với đơn vị mình dầu sao cũng ít ảnh
hưởng, nhưng còn đối với Ban Hướng dẫn thì chắc công việc ngành
nữ bị đình trệ nhiều!!!.
-
Thanh thở dài:
-
-
Biết vậy, nhưng biết làm sao hơn!!!.
-
Thanh gọi hai con chuẩn bị quá giang xe Đào về nhà. Mấy năm sinh
sống ở Tây, bận rộn công việc nuôi con và mưu sinh, nàng vẫn
chưa lấy được bằng lái xe, mỗi lần Tâm muốn nghỉ ở nhà, nàng
không sao lái xe ra chợ, tiếc một phiên chợ nàng không buồn
nhưng chồng cằn nhằn nàng khổ tâm vô cùng. Hơn tháng nay nàng cố
dành cho mình chiếc bằng lái, ngồi trong xe, Thanh lảng sang
chuyện lái xe:
-
-
Chị thấy em lái xe sao hay ghê, chị nhát quá, cứ sợ mình đụng
người ta.
-
-
Rồi cũng quen à chị ơi!. Hồi đó em cũng vậy, lái riết mình tự
nhiên có phản xạ và quen xe.
-
-
Chị vừa được code (2), hiện đang lấy giờ học lái, hôm đầu, bà
thầy dậy lái la chị quá chừng.
-
-
Thôi, chị xin đổi người khác đi, chị xin học với đàn ông đó, đàn
ông dầu sao cũng nhỏ nhẹ với phụ nữ hơn mấy mẹ đầm khó chịu đó!.
-
....
-
* * *
-
Mấy tháng nay Thanh chăm chỉ làm việc, sau hai lần thi nàng cũng
giựt được cái bằng lái, nhưng vẫn không có xe chở con đi sinh
hoạt, những ngày sinh hoạt nàng vẫn gọi cho Đào đón Lạc và Hồng
đi chung. Thanh không muốn gọi cho Danh, từ ngày gia đình nàng
lủng củng, Tâm gây sự luôn với Danh khiến vợ chồng Danh đôi lúc
muốn đến thăm Thanh cũng thấy ngại. Liên để bụng đâm ghét Tâm,
trái lại Danh thì không giữ trong lòng, đôi lúc anh lý luận với
vợ á:
-
-
Anh Tâm nóng nảy nên có thái độ không lịch sự lúc ấy thôi, chứ
chắc ảnh cũng chả có ý ghét gì mình. Mình cứ lấy tâm hỷ xả để
làm hoà với ảnh cũng có sao đâu!!.
-
Liên chống chế:
-
-
Anh thì không sao, chứ em thì nhìn thấy mặt ông ta cứ vác lên là
em muốn xông đến vả cho mấy vả, đàn ông gì mà nhỏ nhen, ganh tỵ
li ti với vợ con. Vợ con ông ta, ông ta gằn thì mặc xác ổng, mắc
chứng gì mà cũng làm mặt, làm mày với vợ chồng mình?.
-
Danh giải thích:
-
-
Ảnh có làm mặt làm mày gì đâu, sao em cứ để ý mặt mũi ảnh làm
gì?!!.
-
-
Không làm mặt à?!, em gặp lão ta ở siêu thị, mình lịch sự tới
hỏi, lão trả lời nhát gừng và có ý không muốn tiếp chuyện, không
muốn trả lời. Em hỏi đến chị Thanh thì lão vác mặt đi một nước.
Hôm ấy không hiểu sao em hiền bất tử, chứ không thì biết tay em.
-
Danh cười:
-
-Té ra em cũng biết bình thường em không hiền?.
-
-
Em chỉ biết hiền với ai đàng hoàng thôi!.
-
-
Chẳng hạn với anh ?.
-
Liên liếc chồng :
-
-
Ông xã đừng thách em nha!.
-
Rồi chợt nhớ ra chuyện gì, Liên liền nói :
-
-
À, chị Thanh được bằng lái rồi đó, tội nghiệp chỉ ghê. Hôm nọ đi
chợ trời, không thấy lão Tâm ó ăn đứng bán, mà thấy chị Thanh,
hỏi ra hôm đó lão bị đau gì đó nên chỉ lái xe ra đứng bán thế,
em mới biết chỉ có bằng lái. Lúc này thấy chỉ gầy đi nhiều:
-
-
Vậy thì cũng mừng cho chỉ, chỉ có bằng được bao lâu rồi?.
-
-
Được hơn tháng nay rồi.
-
Thật ra không phải phiên chợ hôm gặp Liên mới là phiên chợ Thanh
lái xe ra chợ bán lần đầu, mà ngay sau khi có bằng lái được một
tuần nàng đã thay Tâm lái chiếc xe 9 chỗ ngồi được tân trang bếp
và quầy ra chợ. Mấy hôm đầu, Tâm còn đi theo, tập cho nàng cách
cho xe vào chỗ qui định. Nhưng sau đó thì anh để mặc nàng đi bán
một mình. Anh ta luôn mồm kêu “đau lưng”, “đứng lâu ở chợ lưng
cứ đau anh ách”, và đòi đổi công việc với vợ, anh ta nói:
-
-
Em bán ngoài chợ, anh ở nhà làm hàng mang ra.
-
Rồi viện lý:
-
-
Đàn bà bán dẫu sao cũng dễ có khách hơn đàn ông, chứ anh đứng
bán thì thường hay ế ẩm, rồi lại gắt với em anh cũng hối hận
lắm!!.
-
Thanh nhìn mặt chồng, nàng cảm thấy tội và thương cho chồng,
thuở bên nhà cũng là con nhà giàu, cha mẹ có vàng cho vượt biên,
từ nhỏ đến lớn đâu biết buôn bán là thế nào, nay vì mẹ con nàng
nên phải vất vả, nàng an ủi:
-
-
Em biết anh hay gắt gỏng em cũng tại anh mệt mà sự buôn bán lại
kém. Thôi, em ra chợ bán cũng được, anh ở nhà làm hàng, có điều
làm hàng cũng cực lắm, nhưng đỡ cảnh nắng mưa!!.
-
Từ
ngày Thanh ra đứng bán thì hàng họ có vẻ chạy hơn xưa, lượng
khách hàng mua càng lúc càng lên, hai vợ chồng vui ra mặt, họ
sắm thêm một chiếc xe 5 ngựa để chạy hàng và đi chợ, Tâm được
đà:
-
-
Đó, em thấy không, đàn bà bán buôn vẫn hơn đàn ông mà!!.
-
Thật ra ở cái xứ Tây này, đàn ông cũng bán rau, bán cá không
thua gì đàn bà, sở dĩ có sự khác biệt giữa Tâm và Thanh vì khi
bán hàng khuôn mặt nàng luôn tỏ vẻ niềm nở với khách và lúc nào
cũng chào mời lịch sự, khách đang muốn mua một lại mua hai. Trái
lại mặt Tâm thì hay cau có, đôi lúc khách muốn mua lại bỏ đi. Ai
nhìn vào cũng nghĩá: việc làm ăn trôi chảy như vậy thì kinh tế
gia đình Thanh sẽ nâng đỡ hạnh phúc của nàng được đầm ấm hơn;
nhưng ngược lại, công việc bán buôn càng lên cao thì nàng càng
gặp vấn đề nhiều hơn. Những hôm nàng bán hết sớm, nàng gọi cho
chồng thì thường được trả lời:
-
-
Anh đau lưng, không làm hàng được, em cứ bảo họ hết hàng, mua
thứ khác.
-
Thanh tiếc cho những lần như vậy, nhưng lại nghĩ “sức khoẻ trên
hết, ảnh đau mà bắt làm cũng tội”, nên cứ đành hẹn khách hôm
sau. Được một lần thì kéo dài vô số lần để rồi trở thành cái
thông lệ: cứ mỗi lần bán hết hàng là nàng thu dọn về nhà. Về nhà
thì chính nàng lại phải xào nấu, cuộn chả giò, chiên tôm làm
hàng cho ngày hôm sau. Tâm thì cứ nằm trên giường rên hừ hừ,
thỉnh thoảng lại cằn nhằn vu vơ mấy ông Bác sĩ trong tỉnh:
-
-
Mấy cha Bác sĩ bên này học mấy năm mà dở bỏ mẹ, anh đau lưng mà
mấy chả chữa mãi không khỏi, tốn bao nhiêu thuốc thang và thời
giờ, chán quá!.
-
Làm sao mà bác sĩ nào chữa khỏi, vì cứ mỗi ngày sau khi Thanh
lái xe đi bán thì Tâm nhấc máy phôn cho vài người bạn đen đỏ của
anh ta rồi ngồi dúi đầu vào xòng bạc ngay tại chiếc bàn tròn nhà
anh. Thậm chí quên cả ăn, có hôm mãi miết đánh bài, đồng hồ gõ
12 giờ trưa, biết giờ tan chợ, anh mới hối các bạn dẹp xòng và
xách xe đi chợ, mấy người bạn bài có người đang thua muốn gỡ
chửi thề:
-
-
Đ.m. Sao cha sợ vợ quá vậy cha?. Bả về thì thây kệ bả chứ, còn
nếu không thì mang sang nhà tui chơi đi. Tui ở có một mình,
hưởng trợ cấp xã hội, đếch sợ ai đi ai về.
-
Ngay chính Tâm có hôm cũng thua cháy túi, thâm vào tiền chợ, mỗi
lần Thanh có hỏi thì chàng đều than vãn:
-
-
Lúc này giá bánh tráng lên quá chừng, tôm thịt đều lên hết
trọi!.
-
Hoặc:
-
-
Tiền thuốc lúc này có thứ không được An sinh xã hội bồi hoàn,
thứ đó lại đắt nên hao tiền quá!!!.
-
Thanh chẳng một chút nghi ngờ gì, nàng tin lời chồng nói là sự
thật. Để chồng không phải lo cơm nước cho thằng Lạc, con Hồng,
nàng đồng ý trả tiền cho hai con ăn căng-tin nhà trường. Thành
ra tuy buôn bán dầu có lời hơn xưa nhưng thần đen đỏ giáng lâm
nhà nàng mà nàng không hay thì làm sao kinh tế gia đình nàng dư
giả được.
-
Chuyện bài bạc, nếu Tâm chỉ đánh một mình thì có thể ếm tai thế
gian, đàng này Tâm đánh bài với ba bốn người bạn khác thì chắc
chắn không thể bít hết tai thiên hạ được. Lúc này cứ mỗi chủ
nhật, sau khi vợ đi bán, anh vui vẻ đốc thúc Lạc Hồng thay quần
áo đi sinh hoạt gia đình Phật tử, có hôm không phải ngày sinh
hoạt anh cũng hối hai con đi, thằng Lạc nói:
-
-
Hôm nay đâu phải ngày sinh hoạt đâu bố!!.
-
Anh chợt nghĩ ra:
-
-
À, thế thì con dắt em đi qua nhà thằng Nicolas chơi với nó đi,
bố cho hai anh em 20 nè!.
-
Sở
dĩ anh tống khứ hai con đi để ở nhà anh an tâm tìm vui với những
cây cơ rô chuồn bích. Thái độ đó lại khiến Thanh mến chồng hơn
vì tư tưởng “chàng ghét bỏ gia đình Phật tử” là không đúng và
nàng cảm thấy vui trong lòng.
-
Nàng vui lòng với đời sống hiện tại gia đình nàng bao nhiêu thì
Liên càng lộn ruột lên bấy nhiêu. Danh cứ phải cản ngăn vợ:
-
-
Em có biết chắc anh Tâm bài bạc thật không?. Đừng nói ẩu mà ổng
đã không ưa, ổng lại thêm ghét!.
-
-
Lão ghét em, em cũng chẳng gầy, mà lão ưa em, em cũng chẳng mập.
Lão mua hàng ở tiệm chạp phô A-Muối cả mấy tháng nay lão chưa
thanh toán hóa đơn cho bà chủ. Rồi em còn nghe đám thằng Khiêm,
thằng Hóa phì phèo ở quán cà phê bàn chuyện đánh cá ngựa, phun
ra là đã từng đánh bài với lão cả tháng nay. Tường không tai còn
biết nghe, nữa là tai em chưa điếc!!!.
-
-
Em tin chi lời mấy thằng đó!.
-
-
Chính mắt em trông thấy thỉnh thoảng lão cũng đánh bài với tụi
nó ở tiệm cà phê mà!!.
-
Danh không nói thêm nữa, chuyện vợ nói anh cũng nghe bác gia
trưởng và bác chi hội trưởng trong chi hội nói rồi. Nhưng anh
không muốn vợ anh cứ xen vào chuyện nhà Thanh, và nhất là anh
không muốn chuyện đó đến tai Thanh, có lẽ người huynh trưởng áo
lam đồng sự với anh sẽ không chịu được một sự thật như vậy. Anh
đưa tay bế con gái hôn rồi ngồi vào bàn ăn, bữa ăn tối nay anh
cảm thấy vô vị dù thức ăn vẫn được xào nấu ngon như mọi ngày.
Liên đã bớt liếng thoắng, vừa đưa chén cơm đút cho con, vừa nhìn
vẻ đăm chiêu của chồng, như hiểu được suy tư chồng, nàng dịu
giọng:
-
-
Em cũng thấy tội nghiệp cho chị Thanh, chỉ buôn bán tảo tần đâu
ngờ cái anh Tâm kia lại đổ đốn như thế. Thật là “tri diện bất
tri tâm”, trước đây anh ta cũng hiền lành, sao bây giờ lại kỳ
thế nhỉ?. Gần mực thì đen, gần đèn thì sáng, từ ngày mất việc ở
sở, anh ta cứ giao du với bọn thằng Khiêm, thằng Hóaánên mới
thế. Bọn đó năm nào mình tổ chức văn nghệ mừng Xuân, nó cứ đến
mua bia uống rồi khề khà chọc các em gái trong gia đình Phật tử,
nó bị chị Thanh mắng cho một trận, chắc có lẽ vậy mà nó muốn phá
gia cang người ta. Bọn đó hôm nào em gặp, em sẽ chửi cho một
trận....
-
Từ
nãy đến giờ Danh vẫn lặng thinh không đáp, nghe vợ có ý gây sự
với người ta, anh mới can:
-
-
Thôi, em đừng có lý luận lung tung, mọi sự cũng đều tại anh Tâm
cả, cho dù bọn nó có thù với chị Thanh, nhưng anh Tâm không giao
dịch với bọn nó thì nó đâu làm gì được. Vả lại cái bọn cờ bạc,
nó cắm đầu vào mấy con ngựa, vào các lá bài, thì đầu óc đâu mà
nó còn có chiến lược phá gia cang người khác.
-
Nhưng rồi việc gì đến sẽ đến. Hôm đó, hàng bán hết sớm, Thanh
vội thu xếp vật dụng về nhà. Ông già bán rau kế bên nhìn nàng
thu xếp liền đến phụ giúp, cười nói:
-
-
Il nõy en a plus? - (Hết hàng rồi à?)
-
Nàng cười:
-
-
Non, il nõy a plus. Aujourdõhui je vais pouvoir me reposer un
peu plus tôt. - (Chẳng còn gì, hôm nay tôi có thể nghỉ xả hơi
sớm một chút).
-
-
Bien, bonne après midi!. -(Tốt nhỉ, buổi chiều vui vẻ nhé!).
-
Mới hơn 11 giờ, trên đường về, nàng tạt ngang tiệm A-Muối mua
thêm vài thứ hàng, vừa bước vào, bà chủ tiệm người Tàu nói giọng
Việt lơ lớ:
-
-
A! Chào cô Thanh, hôm lay lị hôn li báng sao?.
-
-
Chào bà chủ, tôi đi bán mới về. À! bà chủ có hàng gì mới về
không?.
-
-
Có nhìu lắm, cáy gì ngộ cũng có hết chơn ló!. Lị dzô coi li. À,
mà là cô Thanh, mấy hóa lơn lị lặt hàng ló, sao lâu quá lị hông
chả ngộ li, ngộ buông báng lâu có lời nhìu lâu, cả hay ba tháng
rồi chồng lỵ ló chả mà hổng thấy chả gì hết trơn!!.
-
Thanh chau mày, nàng hơi ngạc nhiên, sổ sách chi thu mỗi tháng
nàng đều đã tính kỹ, tiền chợ đều được thanh toán rõ ràng mà,
đâu có thiếu gì ai đâu. Nàng hỏi lại:
-
-
Hóa đơn gì bà chủ, tôi đâu có mua hàng nào của bà mà cả tháng
không trả tiền đâu, chứ đừng nói gì đến hai ba tháng!.
-
-
Hầy, ngộ không lói dóc lị lâu, lây lè, lị coi lè!.
-
Bà
chủ tiệm tuần tự mở từng trang sổ cửa hàng ra, những hoá đơn bán
hàng còn ghi rõ ngày tháng mua hàng mà người mua chưa thanh
toán. Thanh tái mặt dần, ấp úng nói:
-
-
Bà có lộn không?, bộ mấy lần mua hàng này anh Tâm chưa trả tiền
bà sao?.
-
-
Chưa, mà chồng lị hổng lói cho lị biếc hả?.
-
Ngừng một lúc, bà ta tiếp:
-
-
Chòi oi, chồng lị sao kỳ cục quá lớ!!.
-
Bình tĩnh lại, Thanh hỏi:
-
-
Bà tính lại xem, tôi còn thiếu bà bao nhiêu?.
-
Lách cách một hồi trên bàn tính tàu, bà chủ tiệm ngửng đầu lên
nói:
-
-
Tổng cộng là 25 ngàn 5 chăm 4 chục quang (francs).
-
Thanh choáng người:
-
-
Cái gì?, sao dữ vậy??.
-
-
Thì lị coi lè, ngộ lâu lói dóc chi lâu, chồng lị mua hoài mua
hoài mà cứ thíu hoài, hổng chả tìn thì ló nhìu chứ sao!!.
-
....
-
Nàng lấy vài thứ cần dùng cho phiên chợ sau, vét túi được bao
nhiêu tiền mặt và ký một ngân phiếu mười ngàn quan pháp trả cho
bà chủ, nàng năn nỉ:
-
-
Bà chủ cầm nhiêu đây trước nghe, rồi tôi sẽ trả bà số nợ kia
sau.
-
-
Lị lừng lo, lâu có sao lâu, chỗ buông báng, ngộ biếc lị, lị biếc
ngộ dzồi, lâu có sao lâu, chừng lào lị có lị chả ngộ cũng được
mà!!.
-
Bước ra khỏi tiệm, Thanh giận tím người, nàng không hiểu tại sao
mấy tháng qua chồng nàng chi tiêu gì mà lại thâm thủng vào ngân
sách gia đình hai mươi mấy ngàn quan như vậy. Một ý nghĩ chợt
thoáng qua đầu: “Chết mồ, không biết trong trương mục anh có chi
dụng gì không đây, chi phiếu mười ngàn vừa ký không có tiền bảo
chứng thì nguy to, cầu sao không có gì suy suyễn”. Thanh đã lo
hơi xa, thực ra Tâm chỉ chi tiêu vào những khoản tiền chợ mà
thôi, chứ anh chưa dám rút tiền trong trương mục không lý do.
Anh biết mình có lỗi, đã đôi lần anh cảm thấy hối hận, chỉ muốn
gỡ gạc lại trên canh bạc hay sân đua ngựa để hoàn tiền cho bà
A-Muối xong thì anh từ bỏ nghiệp đỏ đen. Nhưng càng muốn gỡ thì
anh càng lún sâu vào canh bạc, anh tự an ủi: “Sao vận mình đen
thế nhỉ, chả lẽ cứ đen mãi sao?. Sau cơn mưa trời lại sáng mà!”,
và cái tia hy vọng “trời sáng” đó cứ ám ảnh Tâm khiến anh đắm
chìm mãi.
-
Câu “hoạ vô đơn chí” quả thật không sai chút nào. Hôm nay xòng
bài đang sát phạt nhau tại nhà Tâm, từ sáng đến giờ anh đang
thua đậm, thì tiếng lách cách mở khóa cửa làm anh thót mình. Rồi
dáng Thanh xuất hiện nơi ngưỡng cửa như một hung thần. Nàng nhìn
vào phòng khách, vài ba thằng côn đồ chuyên chọc ghẹo đoàn sinh
nàng đã bị nàng sỉ vả trước đây đang ngồi chung bàn với chồng
nàng đánh bài, vài lon bia nằm ngổn ngang trên bàn, dưới đất;
khói thuốc bay mù mịt gian phòng. Nàng đứng sững, tái mặt, há
hốc mồm, không nói được tiếng nào. Mãi một lúc sau mới định
thần, nàng chịu không nổi, bỏ mặc hai giỏ thức ăn nơi ngưỡng cửa
chạy thẳng vào phòng, ngồi xuống giường, thừ người ra, tim đập
mạnh, hơi thở hổn hển. Bên ngoài mấy tay chơi như thông cảm với
tâm trạng của Tâm, để tỏ thái độ “phân ưu” cùng anh, họ lần lượt
đứng dậy rủ nhau ra về. Riêng anh, phần thua bài, tiền mất mà
còn gặp cảnh ngộ thế này, anh thấy bối rối và cơn bực bỗng đâu
nổi lên trong lòng. Vừa thu dọn nhà cửa, mở cửa sổ cho khói bay
ra, vừa lẩm bẩm:
-
-
Quái, ngày hôm nay là ngày chó gì mà đen thế nhỉ, lại gặp bà này
về sớm nữa, thiệt bực mình!!.
-
Xách hai giỏ thức ăn từ nãy vẫn để ở ngưỡng cửa vào trong bếp,
anh trở ra phòng khách vật mình xuống chiếc soffa, chân gác lên
bàn, tay khoanh tròn, mắt nhìn lơ đãng vào không trung. Không
gian nặng nề trôi qua, không một tiếng động, anh bực mình đứng
dậy đi vào phòng. Trong phòng, Thanh ngồi bó gối trên giường,
bất động, quần áo ở chợ về vẫn để nguyên, mắt nhìn bâng quơ vào
khoảng không gian trước mặt. Tâm vào, nàng vẫn không nhúc nhích.
Để phá tan cái bầu không khí ảm đạm thê lương đó, Tâm lên tiếng:
-
-
Thôi, thay quần áo ra đi rồi còn nghỉ ngơi.
-
Thanh vẫn bất động, Tâm gắt:
-
-
Bà điếc à!. Đi chợ về, quần áo ám đầy mùi dầu chả giò không tắm
rửa thay ra, còn cứ ngồi đó!.
-
Thanh vẫn không nói, hai hàng nước mắt ứa ra chẩy thành dòng
trên đôi má hóp gầy rơi xuống thấm vào ra giường, bất chợt nàng
nấc lên một tiếng, rồi tiếng khóc tiếng nghẹn thay nhau phá tan
bầu không khí tĩnh lặng. Tâm bực mình đưa tay với chiếc blouson
(3), xỏ giầy vào chân hầm hầm bước ra cửa, đóng cửa cái rầm, anh
bỏ mặc Thanh ngồi bó gối tấm tức khóc trên giường.
-
Tiếng chuông cửa bấm, Thanh ngước nhìn đồng hồ treo trên tường,
đã 5 giờ chiều, giờ Lạc và Hồng đi học về, nàng đã thôi khóc
thành tiếng, nhưng mắt vẫn đỏ và nước mắt thỉnh thoảng vẫn ứa
ra. Tiếng chuông bấm thêm nhiều đợt, nàng uể oải đứng dậy bước
ra, nhìn qua lỗ quan sát thấy hai con, nàng đưa tay mở cửa, Lạc
và Hồng bước vào, cả hai đều nói:
-
-
Thưa mẹ con đi học về.
-
Nàng không trả lời, gài cửa xong lại thẩn thờ vào giường. Lạc và
Hồng thấy mẹ như vậy liền rúc đầu vào phòng chúng, mãi một lúc
sau chúng thấy dường như nhà chỉ có một mình mẹ, chúng mới rón
rén đi ra và sang phòng mẹ. Thấy Thanh ngồi một mình trên
giường, lưng tựa vào vách, hai tay khoanh tròn trước ngực, chân
duỗi thẳng, chúng lân la đến hỏi:
-
-
Mẹ, bộ bố lại la mẹ nữa hả?
-
-
Mẹ, bố đi đâu rồi?.
-
-
Có phải bố đánh mẹ rồi bố đi phải không?.
-
Thanh nhìn hai con rồi chồm tới ôm cả hai vào lòng, giọng khản
đặc, nước mắt lại ứa ra, thều thào nói:
-
-
Hai con ơi, mẹ khổ quá, bố con la mẹ, mẹ không khổ, bố con đánh
mẹ, mẹ cũng không đau như vầy!!!.
-
Lạc và Hồng chẳng thể hiểu được chuyện gì, nhưng chúng thấy mẹ
nó khóc, hai đứa cũng khóc theo. Thanh thấy con khóc, nàng gạt
nước mắt bước ra khỏi giường:
-
-
Thôi hai đứa đi rửa mặt, tắm rửa đi, mẹ xuống nấu cơm.
-
.....
-
Thanh lấy cơm cho hai con ăn, nàng cũng lấy cho mình một chén,
nhưng nuốt miếng cơm đầu vào thấy đắng nơi cuống họng, nàng đổ
chén cơm vừa đơm trở lại vào nồi, nói vọng lên phòng khách:
-
-
Lạc ăn xong rồi, xuống rửa chén nghen, mẹ đau đầu quá!.
-
Nàng đau đầu thật, từ chiều đến giờ cứ thấy choáng váng. Vật
mình trên giường, nàng cảm thấy sốt, hơi thở nóng và cơn mệt ập
lên tấm thân gầy gò khiến nàng thiếp đi. Bên ngoài, Lạc, Hồng ăn
cơm xong thì dán mắt vào chiếc truyền hình, chúng quên hẳn hồi
nãy đứng khóc với mẹ.
-
Thanh trở mình thức giấc, đưa tay bật chiếc đèn đầu giường, ánh
sáng loé lên soi rõ chiếc kim đồng hồ trên tường chỉ 2 giờ sáng.
Tâm vẫn chưa về, nàng bước ra khỏi phòng, thấy phòng khách còn
sáng, nàng lần ra xem, đầu vẫn nhức, bên ngoài hai anh em thằng
Lạc, con Hồng nằm ngủ trên chiếc soffa, truyền hình vẫn còn mở,
trên màn ảnh chỉ còn những đốm đen trắng nhảy loạn xạ. Nàng tắt
máy, cố sức bế từng đứa vào phòng ngủ. Lạc đã 11 tuổi, nó nặng,
nhưng nàng không muốn đánh thức con dậy. Trở về phòng, nàng ngồi
thở dốc, đầu lại chợt nhớ đến Tâm, miệng lẩm bẩm: “Ông này đi
đâu mà bây giờ chưa về cà!”, thà không nhắc thì còn tạm quên,
nhắc đến chồng, hình ảnh con người lường gạt vợ, sa đọa vào cảnh
bài bạc rượu chè cứ ám ảnh khiến lòng nàng lại quặn thắt. Nàng
tắt đèn, cố dỗ mình vào giấc ngủ, nhưng không được, bụng cồn cào
muốn ói vì nàng để bụng đói mà uống thuốc nhức đầu. Hơn 3 giờ
sáng, chợt có tiếng khóa mở cửa, rồi tiếng đóng cửa, một lúc sau
thì bóng Tâm xuất hiện nơi cửa phòng ngủ, hơi men rượu nồng nặc,
anh ta để y nguyên quần áo vật mình lên giường kế bên Thanh,
nàng ngửi thấy có mùi chua ói mửa, đang muốn ói lại gặp mùi này,
nàng nấc lên, bụm miệng, chạy vội vào phòng tắm, hai viên thuốc
aspirine được nàng tống ra hết.
-
* * *
-
Danh vừa đi làm về đến nhà, chưa kịp thay quần áo thì Liên đã
nói một hơi:
-
-
Anh Danh ơi, chị Thanh bị đau!. Tội nghiệp, sáng nay em ra chợ
trời, thấy chỗ của chỉ không có chỉ, em hỏi ông già bán rau kế
bên, ổng nóiá: chỉ nghỉ 3 bữa nay rồi. Em muốn chạy sang thăm
chỉ ghê, nhưng lại phải chạm mặt lão Tâm, nên em ngại.
-
Danh nói:
-
-
Anh vừa gặp anh Tâm ngồi ở quán cà-phê trong phố, hay sẵn ảnh
chưa về, mình gọi điện thoại cho chỉ coi.
-
-
Ờ!.
-
Liên nhanh nhẩu cầm điện thoại bấm số nhà Thanh.
-
....
-
Sau khi nghe Thanh vừa kể vừa khóc trong điện thoại, giọng yếu
ớt. Liên ứa gan:
-
-
Em biết chuyện lão ta bài bạc đã lâu, định có dịp nói cho chị,
nhưng nay chị bắt gặp rồi mà lão ta đã không sám hối lại còn
bướng bỉnh làm càn. Thiệt là tức quá, sao chị không xỉ vả cho
lão một trận?.
-
Tiếng Thanh thở dài trong máy:
-
-
Liên ơi, chị không nói được tiếng nào, chỉ uất ức khóc mà anh ta
còn vùng vằng quăng thúng ném nia, chứ đừng nói gì xỉ vả. Rầu
lắm em ơi!.
-
-
Lão có đánh chị không?.
-
-
Không, nhưng như thế là chị đau lắm rồi!.
-
-
Bỏ chả đi cho rồi!. Ly dị là xong chuyện, em mà trong trường hợp
này thì em ly dị thẳng tay.
-
Danh nghe vợ xúi bậy, bèn giựt điện thoại:
-
-
Thanh, đừng nghe bà xã tôi nói!!!.
-
Rồi quay sang nạt vợ:
-
-
Em nói bậy không hà, ai đời lại kêu chỉ ly dị với ảnh, ảnh nghe
được ảnh chửi cho ủng mồ ủng mả!.
-
Chợt có tiếng Thanh bên kia:
-
-
Thôi em cúp đây anh Danh, dường như ông ta về.
-
Điện thoại cúp, Liên còn gân cổ cãi:
-
-
Lão ta hư đốn như vậy không ly dị thì chịu khổ à?. Chửi em đó
hả, em chửi lại chứ. Mồm em đã lâu muốn thay chị Thanh cho lão
một bài học rồi....
-
Danh cắt lời vợ:
-
-
Thôi, anh can em, dữ vừa thôi, chứ dữ quá không hay đâu. Lên
chùa Thầy dạy tu hoài mà chẳng tu được chút nào!.
-
-
Em tu khi nào gặp Phật, chứ gặp ma em không tu được!!.
-
-
Hứ, nói vậy mà cũng nói được!!!.
-
* * *
-
Thanh sẵn sàng bỏ qua những hư đốn của Tâm, nàng luôn hy vọng
chồng trở lại hiền lương, tiền nợ bà A-Muối, nàng cố gắng còng
lưng buôn bán thanh toán cho bà chủ Hoa kiều tốt bụng. Nàng bảo
Tâm ra chợ đứng bán để nàng ở nhà làm hàng, ban đầu Tâm ưng
thuận nghe theo, mỗi ngày nàng kiểm soát số hàng bán ra và số
tiền thâu được. Dù biết làm như vậy gây khó chịu cho chồng,
nhưng nàng cần phải làm để biết mức chi thu còn thanh toán tiền
nợ. Tình trạng này tưởng như vậy là xong, nhưng chừng 6 tháng
sau, thì Tâm lại cau có không chịu đi bán, chàng càu nhàu:
-
-
Không bán buôn gì hết, dẹp mẹ đi cho rồi, mệt quá!!!.
-
Thanh liền nói:
-
-
Không bán thì lấy gì ăn, lấy gì trả tiền nhà, tiền điện, tiền
ga, tiền cho con ăn học, và nhất là cái tiền nợ mà anh tạo ra.
-
-
Thì bán mẹ cái xe đi trả nợ. Còn ở bên đây không có lợi tức thì
nhà nước nuôi, có chết đói đâu mà sợ!!.
-
-
Anh nói vậy mà nói được!. Tiền trợ cấp bất quá đủ ngày hai bữa,
chứ tiền học rồi tiền nọ tiền kia. Mình làm mấy năm nay, dư được
chút nào là mong có ngày tậu được ngôi nhà cho hai con, nay thì
coi như tậu không nổi rồi!.
-
Sẵn đà Thanh phun ra luôn:
-
-
Nhà cửa gì, anh nướng hết vào máng cỏ nuôi ngựa, vào bốn bà đầm
cơ rô chuồn bích rồi, anh còn chưa vừa bụng sao??.
-
Tâm nghiến răng:
-
-
Mẹ, có mấy cái chuyện cũ kể hoài. Ừ!, tôi nướng đó, từ ngày sang
Tây đến nay tiền tôi làm ra tôi có quyền xài, mắc mớ gì ai mà nó
nói. Nói nữa tao quánh bỏ mẹ!!!.
-
Nói xong, anh bỏ đi, đóng cửa cái rầm.
-
* * *
-
Cuối cùng thì chuyện tình Tâm-Thanh cũng đến màn kết thúc: Tâm
và Thanh ly dị. Cái kết thúc tang thương này không do Thanh
quyết định mà do chính Tâm quyết định. Sở dĩ anh ta có quyết
định này cũng do một nguồn tin đáng tin cậy và sự mối lái của
vài người bạn:
-
-
Tâm này, chỉ cần anh ly dị với bà xã anh xong thì qua sẽ có
người đài thọ cho anh chuyến du lịch Paris - Hồng Kông, qua đó
anh sẽ lưu lại chơi một tháng, rồi sẽ có một ngày anh ra toà thị
chính ký giấy hôn thú với một người, ký xong anh sẽ được trả 30
ngàn quan, tiền hotel, ăn uống đều được đài thọ cho đến ngày về
Pháp. Ba mươi ngàn quan là tiền túi của anh không ai đụng vô.
Sau đó mọi thủ tục bảo lãnh cô vợ Hồng Kông kia sẽ có người lo
liệu, khi nào cần gì ở anh thì qua sẽ báo trước cho anh và hẹn
ngày giờ gặp anh. Anh khỏi lo chi hết!.
-
Một áp-phe nóng hổi như vậy dĩ nhiên là Tâm không
bỏ qua, vả lại anh đã chán cái cảnh nghèo này quá rồi, “người vợ
không chân dung” kia ở Hồng Kông dĩ nhiên phải là con một tay
giàu có nào đó, muốn trốn cảnh cộng sản sau khi Hồng Kông thuộc
về Trung Quốc nên mới bỏ tiền ra như vậy, và không chừng ngoài
30 ngàn francs tiền nóng này anh còn hy vọng kiếm thêm lai rai
những khoản tiền lạnh khác. Viễn ảnh dẫn Tâm đi dần vào những
khúc quanh của cuộc đời đầy hoa gấm, đã hơn 40 tuổi mà anh vẫn
chưa thấm câu “đường đời đầy chông gai”. Anh không vô tình mà đã
cố tình đánh mất một hạnh phúc đang có trong tay để chạy theo
một ảo tưởng xa vời. Ly dị vợ, anh không cần xin giữ Lạc và
Hồng, hiện tại lợi tức anh không có thì toà đâu thể bắt anh cấp
dưỡng tiền nuôi con, như vậy đã rảnh tay lại càng nhẹ gánh. Còn
trong tương lai nếu anh có lợi tức thì toà sẽ trích lương, nhưng
ngày đó còn xa. Anh thu xếp quần áo và vài thứ ra ở riêng, mướn
chung nhà với một người bạn.
-
Riêng Thanh, dĩ nhiên là nàng buồn lắm, nhìn hai con nàng tự cố
an ủi mình: Dầu sao cũng cần phải sống để nuôi nấng, dạy dỗ
Lạc-Hồng nên người, tên hai đứa ghép lại là tên giòng giống dân
tộc Việt mà ngày xưa nàng và Tâm đặt cho hai anh em nó, mong hai
đứa luôn nhớ đến cội nguồn. Từ ngày Tâm ra đi, Danh-Liên thường
xuyên lui tới thăm nom, an ủi; Đào cũng tới thăm chị cựu đoàn
trưởng của mình thường xuyên hơn, có hôm Đào hỏi:
-
-
Chị trở về sinh hoạt với tụi em nha, hồi đó chị xin nghỉ 6 tháng
mà đến nay đã hơn hai năm rồi, bộ chị định bỏ tụi em luôn hả?.
-
Thanh rầu rĩ đáp:
-
-
Lý tưởng chị đã chọn, đến chết chị không bỏ đâu em, nhưng lý
lịch như vầy đâu thể đứng trong tổ chức. Lịch sử gia đình Phật
tử chưa có huynh trưởng nào mà ly dị với chồng như chị hết. Dầu
các em thương, các anh, chị khác thương mà không màng chuyện đó,
nhưng chị thấy thẹn trong lòng lắm!!!.
-
Liên cũng đang có mặt hôm đó, vẫn không thể nói năng điềm đạm,
nàng bốp chát ngay:
-
-
Chị thẹn cái gì chứ?, Đào nói đúng, chị về sinh hoạt với gia
đình Phật tử đi, các anh trên Ban Hướng Dẫn chắc sẽ mừng lắm,
trong chi hội ai cũng hiểu tấm lòng chị mà!.
-
Thanh không đáp, nàng thở dài, đưa tay rót thêm nước vào ly cho
Liên và Đào.
-
* * *
-
Mùa đông lạnh giá đang bị đẩy lùi về phương Bắc, thời tiết lập
Xuân rộn ràng với ngày Đản sanh của đức Từ Phụ vừa qua hai tuần,
trong bữa tiệc sinh nhật gia đình Phật tử Chánh Kiến, mọi huynh
trưởng và đoàn sinh đoàn phục chỉnh tề đang đứng tập họp vòng
tròn trước sân Niệm Phật đường, đợi giờ vào chánh điện làm lễ và
sau đó là khai bánh kẹo, chung quanh đó đây bác gia trưởng cùng
phụ huynh đứng rải rác từ trong ra ngoài. Lạc và Hồng thích lắm,
chúng cười đùa luôn miệng với các bạn. Bỗng từ xa có một chiếc
xe rà đến tìm chỗ đậu. Một lát sau bước ra khỏi xe người ta thấy
một chiếc áo dài màu lam, dáng một phụ nữ thanh tao, gầy, tóc
ngang vai, khuôn mặt khả ái, khoác chiếc áo len mỏng màu mỡ gà
đang tiến về phía cửa Niệm Phật đường. Tới gần người ta nom rõ
trên áo cài một huy hiệu hoa sen. Bỗng trong cái vòng tròn áo
lam kia, tiếng Đào la lên: “Chị Thanh”, rồi nàng bỏ các em chạy
về phía người phụ nữ áo lam nọ. Hai chị em ôm nhau một lúc;
buông ra, Đào nắm tay Thanh kéo về phía vòng tròn. Danh đang
đứng gần đó, anh hân hoan ra mặt, liền bắt một bài hát: “Chị
đoàn em nghiêm trang đã đến đây rồi....”, cả đám người: già có,
trẻ có, dù trong vòng tròn hay ngoài vòng tròn vừa vỗ tay vừa ca
theo, tiếng hát vang rền khiến vài người bản xứ đi đường ghé mắt
nhìn vào và cũng vui chung niềm vui của đoàn người Việt Nam
kia.:
-
Loại máy cassette radio bỏ túi, nghe bằng headphone.
-
1-
lý thuyết lái xe.
-
2-
loại áo gió khoác ngoài vào mùa thu hay Xuân.
--o0o--
|
|