VĂN HỌC NGHỆ THUẬT

SÂM THƯƠNG THẢO
Triều Tâm Ảnh
--o0o--
 
Cuối tháng giêng, trời lạnh sắc se.
Nước rỉ ra từ những lùm cây rậm, khe đá hở, rồi theo những đường rảnh, róc rách đổ xuống suối, sườn núi, triền non, mù sương bãng lãng; chỗ đậm như khói, chỗ nhạt như lụa; vật vờ, chao động, nhẹ thênh thênh, huyền ảo như cổ tích, chập chờn như mộng mị. Khi cơn gió thoảng, sương mù lại ùn ùn tỏa ra, phất phơ, lượn vành rồi nằm vắt ngang trên đầu cây trông bình thản, trầm mặc  như một hiền triết ở non cao.
Hơi nước, khí đá, mù sương như đồng lỏa với nhau để xóa nhòa biên giới giữa đất và trời.
Một người cao lênh khênh nhô đầu lên đỉnh núi, bóng cắt một khoảng trời xanh lơ. Y đứng bất động nhìn đăm đăm về hướng Tây Bắc. Dưới chân, núi tiếp núi, sông tiếp sông; làng mạc ruộng đồng như được thu nhỏ lại như nằm trong lòng bàn tay con trẻ. Thoáng mắt là vạn khoảnh lướt qua.
“- Đất trời cao thấp hề! Bao trượng ?
Sông núi ngắn dài hề! mấy gang ? “
Khí thiếu dương về đã lâu nên những nụ, những mầm của lá và hoa bắt đầu cựa mình sau mấy tháng Đông lạnh ngủ vùi. Khi mù sương tan, nắng ấm lên, người ta sẽ ngạc nhiên thấy những cành khô bám hờ trên thông, trám hoặc bất kỳ một nơi nào thích hợp, bắn ra những chùm hoa kỳ diệu. Có những chuỗi thả dài như những đàn bướm vàng. Có những cành trắng tinh và mỏng như những làn trăng. Lại có thứ đột ngột vươn ra từ hốc đá, phún hương thơm thoang thoảng thanh dịu. Rồi chỉ ít hôm sau là khắp triền núi, thung lủng, bờ khe, đủ loài hoa, đủ mọi màu sắc phô thắm để đón chào nắng mới lẩn gió ngàn thanh lương ...
             “- Mùa xuân yên lặng và vĩnh cửu nầy há trần gian không có người biết thưởng ngoạn ư“
             Người cao lênh khênh bước xuống cạnh một tảng đá, tháo khăn, tháo gùi rồi dựng gậy bên chân ngồi nghỉ. Bây giờ thì ta đã nom rõ đấy là một nhà Sư còn trẻ, vận tấm áo nâu mỏng đã bạc màu, chân đi đôi hài cỏ đã rách bươm. Khuôn mặt nhà Sư gầy và thanh tú, cặp chân mày hiền lành nhưng rậm xanh làm cho đôi mắt đen như sâu thêm, loang loáng nhãn quang sáng ngời trong đôi giếng ngọc. Nhà Sư ngồi buông xả, nhàn tịnh nhưng trọn cả thân tâm dường như ngưng lắng lại. Chợt vầng trán Y gợn lên mấy nếp nhăn rất mảnh.
             “- Chà, thơm lắm?”
             Một mùi hương đâu đó thoảng đến rồi mất. Hai cánh mũi của nhà Sư dường như khẻ động. Hương lại đến, lại mất.
             Nhà Sư nói một mình:
             “- Không biết có phải là ở trong bản thảo cương mục của họ Trương đời Hán hay ở đâu có nhắc đến một loại cỏ có tên là “huyền hương thảo”. Mùi của nó mỏng, nhẹ, vi tế, sâu kín, hương thoảng đến rồi mất. Dầu chỉ là thoảng hiện nhưng nó sẽ len thấm, xuyên sâu; tác động ngay tức khắc vào các đường kinh mạch, chẳng khác gì hàng chục mủi kim châm trúng huyệt đạo. Nó không tạo cảm giác tê rần mà là váng say, ngây ngất. Khi gặp huyền hương thảo rồi thì không còn rời chân đi đâu được nữa!”
             Nhà Sư tủm tỉm cười:
             “- Mấy anh Tàu cổ nhân” nầy thật là lắm chuyện! vẽ vời hư  ảo cho lắm để rồi mấy trăm năm sau, hẳn phải xuất hiện một nhà chú giải thông kim bác cổ: “Có lẽ đây là những loại thuốc có mặt từ thời Phục Hy, Thần Nông. Ôi! thương hải tang điền! Âm dương tương hoán! Thiên địa nghịch xung! Bây giờ, dẫu có ngậm ngải tìm trầm, lên các vùng hoang mạc Côn Luân, Tiên Lãnh ... há thấy được những kỳ hoa dị thảo nầy ư?” Chậc, chậc! nhà Sư khẽ vươn vai - cho dẫu cái đỉnh Côn sơn nầy mà có huyền hương thảo thì ta có ngây ngất váng say không đó? cái mơ hồ sắc sắc không không của Huyền hương thảo có bắt ta nằm dài mà ngơi nghỉ cho quên đi cái kiếp phù sanh?”
             Nhà Sư rủ áo đứng dậy rồi cất tiếng cười ha hả! Tiếng cười hào sảng như xoáy động cả triền non cô tịch. Cười xong, Y khoác gùi lên vai, trượng cầm tay rồi nhàn hạ bước dài theo hàng hoa nở. Đến một vũng nước trên đá, trong như mắt mèo, đẹp quá, Y dừng lại. Một đám mù bay qua, ngất lạnh. Y rùng mình, ngắm nhìn dưới đáy nước; màu da trời ẩn hiện, loáng thoáng từng khoảng trắng đục, xanh lam ...
             Nhà Sư gật gù:
             “- Thượng hoàng Thánh Tôn hôm vừa dẹp Chiêm Thành trở về, ghé cung Thiên Trường đã làm một bài thơ, có mấy câu khá hay:
             “ ... Nguyệt vô sự chiếu nhân vô sự
             Thủy hữu thu hàm thiên hữu thu
             Tứ hải dĩ thanh, trần dĩ tỉnh
             Kim niên du thắng tích niên du ...” (1)
             Đấy là một khẩu khí của một bậc minh quân, còn cái “trị”, cái “an” cho trăm họ, còn hơn và còn thua - thì ấy cũng là lẽ thường. Nhưng với ta thì hai câu sau hẳn phải như thế này:
             Tam giới dĩ an, tâm dĩ tĩnh
             Nội trần khinh khoát, ngoại trần du (2)
_____________________________
(1).Tạm dịch:
             Trăng vô sự soi người vô sự
             Nước vẻ thu ngậm trời vẻ thu
             Bốn biển đã quang, trần đã lặng
             Chuyến đi nầy hơn chuyến đi xưa
(2).Tạm dịch:
             Ba cói đã an lòng đã lặng
             Giữa trần nhẹ hẳn, ngoại trần chơi   
             Nhà Sư lại cười cười: “Dĩ nhiên, mấy câu “nối điêu” của kẻ hèn nầy thoát hơn, phải không bệ hạ ?”
             Nắng hửng lên, hắt sáng lên những chồi lá biết, hoa vàng lung linh. Đâu đó ríu rít tiếng chim ca, loáng thoáng bướm lượn vành qua suối. Những cội tùng già xanh um tàng lá. Trời dường như cao hơn, xanh hơn. Nhà Sư ngước lên, lắng nghe, ngó loanh quanh, rồi vừa đi vừa gõ gậy mà ca:
“Ngày thì quạ vàng dọi
Đêm thì thỏ bạc soi
Tùng cao xanh ngất lá
Đâu ngại tuyết hàn rơi
Cây khô xuân hoa nở
Tịch mịch tiếng chim trời
Hoa vàng là Bát nhã
Trúc biếc pháp thân thôi!”
             Tiếng ca nhỏ dần rồi tan loãng trong bóng khói đầu non.
             Khi Nhà Sư từ bên kia suối trở lại, sau lưng đã đầy một gùi rễ và củi. Mặt trời vừa hừng lên lại chìm mất trong đám mây đùng đục màu sữa. Khí núi vẫn lạnh tái tê. Dáng lênh khênh của nhà Sư mang đường nét cô liêu không thể tả.
             Đến tấm thạch bàn to rộng, nhà Sư ngồi nghỉ, lấy lương khô ra ăn. Ấy là những chiếc bánh hấp chấm với muối vừng. Y ăn rất nhanh, uống rất nhanh. Lát sau, đôi mắt Y nhìn bất động vào một điểm nào đó. Lâu lắm, nhà Sư lắc đầu, nói vừa đủ nghe:
             “- Phàm nghề thầy thuốc trị bệnh cho người, dẫu có tài giỏi, có đem hết sức mình, cũng chỉ là việc làm ngoài da! người đời hỷ nộ ái ố quá nhiều. Cái gốc của âm dương thủy hỏa kia mà chưa ổn định thì linh đơn, diệu dược cũng vô ích mà thôi. Biết là lấy “bóng trúc mà quét bụi”, sao ta vẫn làm là thế nào ? Tâm địa của bậc đại sĩ rộng lớn như hư không thì không nói làm gì, nhưng còn ta thì có lúc không kham nổi cũng dễ sinh phiền não đó mà! Hạng lang vườn bốc thuốc chữa bệnh nuôi thân thì âu là nghiệp dĩ phải chịu, còn ta đâu đến nỗi vì nuôi mạng mà nhúng tay vào dòng nước đục?” Nhà Sư: “Chậc, chậc” rồi khẻ thở dài. Tiếng thở dài lướt theo chiều gió, lan đi rất xa.    
             Bất chợt, từ phía Tây Bắc, một chiếc đầu ló ra giữa hai rãnh đá. Dường như ấy là một gã thư sinh vận áo xanh. Gã leo lên tảng đá, đứng nhìn quanh một hồi rồi búng người về phía sau. Nhà Sư ngạc nhiên suýt buột miệng la lên. Thư sinh áo xanh chỉ hờ hững thụt lùi mà người y đã bắn ra sau gần trượng, rơi đúng trên tấm đá nhô ra cạnh bờ vực.
             Nhà Sư  nhăn mày nghĩ:
             “- Y nom vẻ thư sinh mà sao bản lãnh võ học kinh người đến thế? Y đến đây làm gì? Nơi cái đỉnh Côn Sơn đèo heo hút gió nầy có chi là hứng thú? Bây giờ là tiết xuân lạnh, khắp nơi phố hội kinh kỳ, du hưởng mùa xuân còn biết bao thú vui dật lạc? Chẳng lẽ Y cũng đi tìm thuốc? Chẳng lẽ Y đến đây để tri âm cùng cây cỏ?” Lại nghĩ tiếp: “Đã hai ngày đêm Ta ở bên nầy núi, cũng đã hai ngày đêm Y ở bên kia núi. Ta thì có lý do của mình, còn lý do của Y là gì?”
             Không tìm ra lời giải, nhà Sư đi xa hơn:
             “_Hôm nọ, nhà Nguyên sai Sài Thung sang sứ nước ta. Y ngạo mạn, vô lễ cỡi ngựa đi thẳng vào cửa Dương minh, quân Thiên Trường chặng lại. Y lấy roi quất Họ chảy máu ở đầu. Đến điện Tập Hiền, thấy chăng bày màn trướng, Y mới chịu xuống ngựa. Vua Nhân Tôn sai Quang Khải đến sứ quán khoản tiếp, Y nằm khểnh không ra. Khải vào hẳn trong phòng, Y cũng chẳng thèm ngồi dậy. Hưng Đạo Vương Quốc Tuấn hiểu rõ lòng mộ đạo của người Phương Bắc nên cắt tóc mặc áo vải làm Sư, rồi đi đến sứ quán. Thung thấy, tỏ rõ sự kính trọng, đứng dậy vái chào, rồi mời ngồi. Quốc Tuấn ung dung pha trà cùng uống với Thung. Người hầu của Thung muốn thử định lực của nhà Sư  phương Nam nên cầm cái tên chọc vào đầu Quốc Tuấn đến chảy máu. Sắc mặc Quốc Tuấn vẫn an nhiên tự tại. Thung sợ, khi khách ra về, đích thân Hắn ra tận cửa vái tiễn.
             Quốc tuấn về nhà, nằm vắt tay lên trán:
             “- Cái ngũ ấm vốn không thì thân nầy nào có nghĩa gì? Nhưng vệt máu sỉ nhục kia rồi sẽ nằm ở trên đầu trăm họ. Ta dầu ẩn nhẫn được tạm thời cái khí nộ của kẻ thất phu, nhưng kế dài lâu là phải an dân giữ nước. Bọn Nguyên Mông với cái dã tâm và tham vọng xâm lượt ngông cuồng sẽ còn đổ biết bao tang thương lên linh hồn Đại Việt. Và vệt máu sỉ nhục trên đầu ta sẽ trở thành vệt máu sỉ nhục ngàn năm trong lịch sử”.
             Từ hôm đó, Quốc Tuấn tung ra khắp nước hàng chục kẻ hiền tài để đi cầu kẻ hiền tài. Ý đồ của Vương lại còn vi tế hơn: tìm những ẩn sĩ tài đức trong hàng tăng lữ để làm cố vấn trong trướng, hoặc đi lên Phương Bắc trong những sứ mạng bí mật quốc phòng!
             Ồ! Đầu óc của Vương thật là ghê gớm! Và gã thư sinh nầy là người của Vương? Theo dõi ta hai đêm hai ngày là bởi mục đích kia chăng? Để xem!”
             Hốt nhiên, một khúc tiêu trổi lên. Tiếng tiêu tan loãng trong gió. Lát sau, âm điệu réo rắt cực kỳ thê lương làm xao xuyến và não lòng người. Nhà Sư cũng chợt thấy mình bâng khuâng kỳ lạ. Lát sau, tiết tấu lại thay đổi: như Loan gọi Phụng, như Sắt gọi Cầm; cung bậc hoặc bỏ lửng hoặc nhẹ sâu như tiếng thở dài xào xạc …
             Nhà Sư chắt lưỡi than:
             “- Ôi! Tâm sự người thanh niên sao u sầu đến thế? Khúc tiêu nầy mà thổi ở đây, há không sợ núi non cười cho thúi ruột đấy ư? Chí nam nhi đại trượng phu há dễ chôn vùi thân danh trong âm khúc bi quan yếm thế? Hoặc nỗi khắc khoải thường tình nhi nữ?”
             Tiếng than vừa dứt thì khúc tiêu khác trổi lên. Âm nầy toả lên cao, nâng bổng tâm hồn người nghe lên mây xanh. Bây giờ tiếng tiêu như bắt đầu thoát xác những nỗi niềm trần tục để bay lượn phiêu bồng vào cõi tinh thần sáng láng, cao đại và hoằng viễn. Rõ ràng là nó đã dứt khoát vĩnh biệt mặt đất trần gian với những rối ren bẩn chật buồn phiền. Không còn một tiếng nỉ non, một lời thở than ai oán. Nó đã tuyệt dứt nỗi u hoài và trầm thống. Thỉnh thoảng, nó có chìm lắng trong cung sâu, nhưng là sự lắng chìm cao cả, ngưng đọng một suy tư tót vời về sự hợp tan của vũ trụ, sự mong manh của vạn kiếp đời, sự rạn vỡ của ngàn sao. Rõ ràng, bây giờ, tiếng tiêu đã thênh thang bay vào mười phương trời không gian vô tận …
             Lắng nghe tiếng tiêu thanh cao, thoát tục, tâm hồn nhà Sư nhẹ như hơi nước; bồng bềnh, phiêu diêu không điểm tựa giữa ngàn sương ngàn khói!
             Chợt một tiếng cười sang sảng vọng lại.
             Thanh niên đã khinh thân đứng chênh vênh trên tảng đá cách nhà Sư non mười trượng, mảnh trường bào phất phới bay, đậm nét giữa màu trắng loãng.
             - Tại hạ đến chốn non linh khí thiêng, thổi một khúc tiêu, dẫu tục, dẫu thanh, hẳn cũng làm nhơ tai bậc tu hành ẩn sĩ ! Dám mong Cao Lãnh Huyền Nguyên đại sư bỏ lỗi cho!
             Nhà Sư nghe gọi đúng pháp hiệu của mình, ngạc nhiên, nhưng trầm ngâm không đáp vội, chăm chú nhìn người lạ mặt. Thư sinh quá trẻ, ước chừng chưa đến tuổi “nhi lập”, dáng dấp nho nhã, dung nghi tiêu sái, siêu phàm. Hàng chân mày cong đều đặn, đen huyền. Đầu quấn chiếc khăn lụa thiên thanh. Cây Thanh tiêu cầm tay, cây trúc kiếm thò sau vai, một gùi thuốc, một đảy sách, một bầu nậm. Cây kiếm nằm trong vỏ thanh trúc đẹp kỳ lạ. Chiếc gùi nhỏ đẹp kia đúng là sản phẩm đặc chế kỹ xảo thiên tài của người Thái trắng. Y là ai? Là một nho sinh? Một lương y? Một tráng sĩ? Một gã giang hồ lang thang phiêu bạt? Lạ! Không hiểu! Cái con người nầy là ai mà khúc tiêu có thể là tục, có thể là thanh như trò ảo thuật? Phải có một tâm hồn đến cỡ nào mới có thể dung chứa hai trạng thái nghịch xung rồi xử dụng nhuần nhuyễn chúng như hai con người cách biệt? Cái con người nầy, nếu là nho sinh thì kiến thức phải siêu quần bạt tuỵ. Là kiếm sĩ thì phải là tay kiếm trác việt thông thần. Là gã giang hồ thì đúng là biên phương mờ mịt! Còn nếu là tướng quân? Ồ! Hưng Đạo Vương mà có người nầy thì thật là may cho vận nước!
             Nhà Sư suy nghĩ cực nhanh rồi trang nghiêm trầm giọng:
             “- Kẻ tu hành nầy ở chốn quê mùa dân dã, quanh năm áo vải chân đen, qua trương vô duyên, kinh kỳ ngại chốn. Chẳng hay túc hạ là ai mà biết được pháp hiệu khó nghe của bần đạo?
             Thanh niên áo xanh cười tủm tỉm, cung tay chào, phong thái vừa khoan thai, vừa chừng mực:
             “- Dưới chân dãy Côn sơn, Phượng hoàng - kéo dài suốt cả vùng Hải Dương, Kiếp Bạc, cho chí thôn làng xa xôi tụ tập quanh Lục đầu giang chung dòng về Đông hải - có ai có tài dám sánh với Hoa Đà, Biển Thước? Thanh niên cười rồi cao giọng - Huyền Nguyên đại sư! Đại sư về nơi góc Côn Lôn nầy quy ẩn đã lâu, tại hạ thật không  dám đụng đến cái chí của người cao sĩ. Gia dĩ, tại hạ mà có tìm đến cũng chỉ mong thoả một chút cái gọi là đồng thanh tương ứng, đồng khí tương cầu, vậy thôi!”
             Nhà Sư vẫn trầm mặc nghiêm lạnh:
             “- Túc hạ với bần đạo vốn không quen biết. Đã không quen biết thì lọ  phải cất công tìm đến thăm nhau. Còn cái gọi là, đồng thanh tương ứng, đồng khí tương cầu kia do đâu mà có? Bần đạo kiến thức hủ lậu quê mùa, có nhiều điều chưa hiểu tới, mong túc hạ chỉ giáo cho”.
             Thư sinh áo xanh cười ha hả:
             “- Khách khí lắm! Khách khí lắm! Rồi tiếp - Cao Lãnh Huyền Nguyên đại sư! Tại hạ đi tìm thuốc. Đại sư cũng đi tìm thuốc. Đại sư đã hai ngày đêm bên nầy đỉnh Côn sơn, chờ đến giờ dần, giờ dậu để tìm một loại cỏ cổ kim hy hữu tên là Sâm Thương Thảo. Tại hạ cũng hai ngày hai đêm nằm bên kia đỉnh núi, mục đích cũng không khác chi! Chỉ riêng cái công phu nầy thôi, Đại Việt ta há dễ có được ba người ? Cái “thanh” cũng bởi đó, cái “Khí” cúng bởi đó, vậy không thể gọi là tương ứng, tương cầu được ư?”
             Nói xong, thư sinh áo xanh lại cười cười khó hiểu. Nhà Sư bắt gặp cái cười ấy, rất thú vị mà đồng thời cũng rất cảnh giác. Y là người của Sài Thung hay của Quốc Tuấn? Y dò xét gì nơi ta mà giăng một cái bẫy ỡm ờ về y học, dịch học, đạo học nơi cái chữ Sâm Thương Thảo kia? Không thể bảo là tình cờ hoặc vô tâm vô ý được. Cái bẫy tư tưởng kia đã giăng mắc như thiên la địa võng. Ghê thật. Nhưng y cũng biết rõ về ta, có lẽ vậy. Ồ! Cuộc thư hùng nầy thú vị đây!
             Nhà Sư giả vờ nhăn mày:
             “Sâm Thương là sao Hôm và sao Mai, ngày đêm cách biệt. Giờ Dậu là sao Hôm hiện. Giờ Dần là sao Mai mọc. Túc hạ bảo là có một loại cỏ gọi là Sâm thương thảo, ấy là lời nói thật? Bần đạo đọc sách thuốc cũng khá nhiều; kim văn cổ thư đều có ghé mắt xem qua, nhưng sao chẳng thấy đâu nói tới? Chẳng hay, hình dáng, thân, lá nó thế nào, dược tính ra sao, túc hạ có thể chỉ giáo cho bần đạo với không?”
             Thư sinh áo xanh thong thả tháo gùi và đãy sách để bên chân, cất sáo trúc rồi nhiên nhiên ngồi xuống. Y ngồi kiết già, lưng dựng thẳng như vách đá. Lát sau, khí an tỉnh toả ra tràn đầy, phong phú; đúng là uy nghi, cốt cách và phong độ của một thiền gia! Nó toả ra một năng lực tự chủ và kiên định đáng sợ.
             Nhà sư nghĩ nhanh : “Y sẽ đánh một đòn vào tuỷ xương của Phật học rồi đây!”
             “- Cao Lãnh Huyền Nguyên đại sư! Y nói - tại hạ mong được nhà sư chỉ giáo cho!
             - Không dám.
             - Cái lý rốt cùng của Phật học là gì?
             - Kiến tánh thành phật
             - Kinh văn thế nào?
             - Giả lập.
             - Phi nhị nguyên chăng?
             - Tuỳ bệnh cho thuốc.
             - Nội và ngoại?
             - Giả lập.
             - Sắc và Không?
             - Giả lập.
             - Phật và Tổ xuống tục đế thì thế nào?
             - “Ngày thì ác vàng dọi, đêm đến thỏ bạc soi!”
             - Làm sao với cái vọng tâm, vọng thức?
             - Tùng cao xanh ngất lá, đâu ngại tuyết hàn rơi!”
             - Thấy tánh thì nghĩa thế nào?
             - “Cây khô xuân hoa nở, tịch mịch tiếng chim trời!”
             - Chưa đủ duyên thì lập tâm lập hạnh thế nào?
             - “Hoa vàng là Bát nhã, trúc biếc pháp thân thôi!”
             Yên lặng một lát, thư sinh áo xanh hỏi lớn:
             - Có gươm để chém không?
- …!
- Cho xim một tiếng chân đế?
- …!
- Ai ngồi trước mặt tại hạ đây?
- …!
Thư sinh áo xanh hỏi liên tiếp mười mấy câu nữa nhưng nhà Sư cứ một mực im lặng,      
Đợi thư sinh ngưng nói, Nhà Sư cất cao giọng:
             - Trò hề củaThiền ngữ kia, túc hạ muốn mang ra mà nhác bần đạo chăng?
             Thư sinh áo xanh chợt cung tay xá thật sâu rồi cười ha hả mà rằng:
             “- Té ra Đại sư đã tìm ra được Sâm thương thảo rồi! Cung hỷ! Cung hỷ!”
             Nhà sư đáp:
             “- Lời và ý của túc hạ khó lường. Xin cho hiểu một ý thôi. Bần đạo tình thức hoang mang vọng khởi, sợ không lãnh hội được thiền ý của người cao sĩ chăng?”
             “- Không dám! Vả, Đại sư khiêm tốn mà làm gì! Rốt lại, Thích ca là Thích ca, Văn thù là Văn thù thôi, cây nào hoa nấy, cây nào quả nấy. Nhưng tất cả đều phải được kết tinh nơi mặt đất trần gian, nơi “như thật tâm địa” - ở đây và bây giờ - không có một nơi nào khác, thì lời và ý của tại hạ có gì đâu mà khó hiểu! Chỉ có Sâm thương thảo mới hội tụ được đêm ngày, dung hòa được mối xung đột lưỡng nguyên của trời đất. Chỉ có Sâm thương thảo ở nơi cái “như thật tâm địa” kia, để khi cần dương thì dương chẳng bất túc, lúc cần âm thì âm chẳng hữu dư. Suy ra, những cái gọi là thiện ác thủ xả, xuống lên, được mất, tham sân .. đều là thế cả! Cho nên, khi hành xử: co ruỗi thảy đều tự nhiên, lai khứ đều thong dong, khổ vui đều tự tại! Huyền Nguyên đại sư! Dược tính của Sâm thương thảo như vậy hẳn còn nhiều điểm thiếu sót chăng? Tại hạ quả thật không dám nhiều lời trước mặt bậc Đại danh y đời nay!”
             Nhà Sư suy nghĩ:
             “- Thư sinh áo xanh nói huyên thuyên, như hành vân, như lưu thuỷ. Mỗi lời là tinh hoa, là cốt lõi cô đọng từ chư kinh, trí khôn của cổ nhân, cổ đức.Trên tất cả, bằng chính sự thể nghiệm và thân chứng của y. Với sự hiển lộ từ khúc tiêu, thì nét đạo (thanh), nét đời (tục) dẫu phân rời mà không cách biệt. Thiền lý của y nhằm hé mở cánh cửa ấy nhưng với là với dụng tâm nào? Rõ ràng không phải y trình thiền chứng! Dường như mang tính thuyết phục. “Thuyết phục để làm gì?” Nhà sư quá hiểu. Với thiền phong ấy, kiến thức ấy, thiền ngữ ấy, khách khí ấy … thì người nầy, chính là Hưng Nhượng Vương Trần quốc Tảng.(1)
             Ngoài ra, trúc tiêu, trúc kiếm, đãy sách, nậm rượu, gùi thuốc … lại càng đúng với lời đồn đãi!
             Cũng kỳ: cái con người nầy vừa là một tướng quân tài ba, vừa là một thiền gia nức tiếng cửa Không - mà tài văn chương lại không thua gì Văn túc Vương đạo Tái! Nhưng tâm sự và ý đồ của y tưởng là không ai biết cả sao? Ta đâu có quên câu chuyện bí mật quốc gia đại sự xẩy ra trong nhà y. Tảng là con thứ của quốc Tuấn, Tuấn là con của Yên Sinh vương. Yên Sinh vương có một mối bất hoà với Thái Tôn. Khi sắp mất, Yên Sinh vương cầm tay Tuấn mà rằng: “Con không vì cha mà lấy lại thiên hạ thì cha chết dưới suối vàng cũng không nhắm mắt được”. Tuấn ghi điều đó ở trong lòng. Đến khi vận nước lung lay, quyền quân, quyền nước đều ở trong tay mình, Ông đem lời cha dặn nói với gia nô tín cẩn là Dã tượng và Yết kiêu. Cả hai người nầy không cho là phải. Tuấn hỏi các con. Hưng Vũ vương cũng không cho là phải. Riêng Hưng Nhượng vương lại nói rằng : “Tống thái tổ vốn là một ông lão làm ruộng, đã thừa cơ dấy vận nên có được thiên hạ.”
             Vậy thiền lý mà Tảng đưa ra mang tính thuyết phục nầy? Y muốn nói đến cái dung hợp tự tại giữa xuất và xử, đến và đi, co và duỗi là kéo ta xuống núi theo con đường nhập thế để cùng mưu cầu đại sự với y? Ồ! Kín đáo, thậm thâm như thế là cùng!”
             Bèn nói:
             “- Túc hạ lý luận quá cao siêu, bần đạo không hiểu nổi đâu. Sâm thương thảo của túc hạ mang nhiều ẩn nghĩa. Túc hạ là kẻ phi thường, lên tận non cao giá lạnh để tìm một thứ cỏ trong huyền lý, còn bần đạo chỉ là kẻ tầm thường, đi tìm Tuyết mai sâm  chữa bệnh đấy thôi.”
             Thư sinh áo xanh lắc đầu cười rộ:
             “- Đại sư nói giỡn với tại hạ rồi. Tuyết mai sâm không phải là thứ phải quá khổ công tìm kiếm. Sau tiết Đông chí, thiếu dương sanh, có nắng ấm, những củ Tuyết mai nằm trong lòng đất lạnh đã lâu, sẽ bung ra những cành hoa với những nụ hoa trắng tinh, trắng như tuyết, không thể lầm lẩn với bất cứ màu trắng nào. Nhưng hoa nở rồi tàn ngay. Giây khắc đó đào lấy củ sẽ có dược tính cao nhất. Tuy thế, tiết Dương nguyên còn kéo dài, mùa hoa của nó còn tiếp tục lâu. Cao lãnh Huyền Nguyên đại sư! Kiến thức của tại hạ về thảo mộc không được bao nhiêu, xin Đại sư chớ cười chê.”
             Nhà Sư tủm tỉm:
             “- Hay lắm! Kiến thức như thế quả là không tệ đâu. Nhưng biết nói như thế nào cho túc hạ hiểu rõ đây, cái tuỳ thích, tuỳ nhiệm của mỗi người? Đúng là bần đạo đi tìm Tuyết mai sâm, nhưng đồng thời cũng muốn xem Tuyết mai hoa nữa. Như túc hạ biết, Tuyết mai hoa nở rồi tàn ngay. Đời người bận rộn trăm chuyện, mãi mưu toan, lo âu về “thiên hạ đại sự, há dễ có thì giờ mà chiêm ngưỡng cái đẹp phù du - cái khoảnh khắc phù du sanh diệt - mà một lần, không bao giờ trở lại?”
             “Ôi! Nước chảy đêm ngày không ngưng nghỉ vậy ư? Ôi! Việc đời qua trước mắt, trên đầu già đến rồi! Ôi! Trăm tính ngàn toan thì rồi cái thân nầy cũng như ảnh, như điện, là bọt nước phù kiều vậy thôi!”
             Thư sinh áo xanh thoáng đổi sắc mặt nhưng điềm tỉnh lại rất nhanh, cười nhẹ mà rằng:
             “- Phải! Bởi vậy cho nên có kẻ lên chót đỉnh Côn sơn, thu giang sơn dưới tầm mắy rồi vỗ núi mà ca:
Đất trời cao thấp hề! Bao trượng?
Sông núi ngắn dài hề! Mấy gang ?
             Còn cái việc lên non cao giá lạnh mà xem hoa nở, mà chờ trăng lên, chiêm ngưỡng cái khoảnh khắc sinh diệt của cái đẹp phù du - thì cái bản lãnh ấy xứng danh là thiên hạ đệ nhất nhân đấy!”
             Nhà sư thoáng rùng mình nhưng im lặng.
             Thư sinh áo xanh tiếp:
             “- Tại hạ có đọc được một câu thơ của một vị thiền sư:
             Chống gậy lên non khi thích chí
             Mệt buông rèm trúc ngủ giường tre.
             Hoặc là:
           Cỏ bồng, én đâu thấp
             Biển rộng, ẩn cá to!
             Xét ra, tư tưởng lớn trong trời đất đều gặp nhau cả, nhưng ở nơi Đại sư thì còn hàm tàng biết bao nhiêu là ẩn nghĩa. Cái bài thơ mà Đại sư đắc chí, vừa đi vừa gõ gậy mà ca, phiêu diêu và đạo đạt làm sao! Nhưng hai câu cuối, phải rồi, hai câu cuối đã ẩn một mũi kiếm chưa tung ra khỏi vỏ:
             Hoa vàng là bát nhã
             Trúc biết pháp thân thôi!
             Chữ “Thôi” chính là mũi kiếm ấy! Đây có thể là thái độ khôn ngoan, già dặn của xử sĩ. Cũng có thể là cái “lạc đạo” tạm thời, bất đắc dĩ của thiền gia! Ôi! Tại hạ đã lạm bàn vu khoát, mong Đại sư bỏ lỗi cho!”
          Nhà sư nghĩ: “Được lắm! Bây giờ ta sẽ buông một mũi tên xem thử con chim nào rớt ở cuối trời!”
             “- Có một cái Tâm! Nhà sư nói, xin túc hạ ẩn nhẫn lắng nghe cho. Nó ở trong câu nầy: “Trăm sông đổ về Đông kìa! Muôn dòng đua chảy. Ngàn sao chầu Bắc đẩu kìa! Thiên cơ quy tâm!” Phải! Chỉ có cái Tâm đó thôi mà xuất xử trăm đường, xuống lên vạn nẻo. Bần đạo dẫu ở trong cái “xử tạm thời” cũng khế hợp với ý của chư thiền đức xưa: “Chống gậy lên non khi thích chí, mệt buông rèm trúc ngủ giường tre!” Còn túc hạ là gì? Xin thưa thẳng, nếu Hưng Đạo Đại Vương cầu kẻ hiền tài, quy nhân tâm về một mối làm thế cá nước để giữ hiểm hoạ Bắc xâm, thì bần đạo sẽ xét lại cái “lạc đạo tạm thời” của mình. Còn nếu như ai đó muốn thu nhân tâm về một mối để thoả mộng “muôn sao chầu Bắc đẩu” thì bần đạo sẽ là kẻ thứ nhất trong Đại Việt ta … không phục đâu!”
             Bất đồ, nhà Sư nói lớn:
             “- Đức Ông Hưng Nhượng Vương! Hãy hiện hình đi thôi!”
             Thư sinh áo xanh chính là Hưng Nhượng Vương Trần Quốc Tảng, thêm một lần nữa đổi sắc, sau đó, cười lạt mà rằng:
             “- Hay lắm! Chính là tại hạ đây! Im lặng một lát rồi Y cũng nói lớn - Giả dụ Đại sư không phục thì Đại sư làm gì nào?”
             Nhà sư tủm tỉm cười:
             “- Bần đạo bước tới!
             “- Khó đấy! Hưng Nhượng Vương rút kiếm ra rồi chậm rãi tiếp lời - Thiên hạ đều đồn đãi tại hạ kiếm thuật thông thần! Thông thần thì hơi quá nhưng cũng không ngoa truyền lắm đâu. Vương lia một nhát kiếm hình cầu vồng rất đẹp mắt, xanh rờn rợn, hướng mũi kiếm về phía trước - nếu Đại sư bước tới thì nguy hiểm vô cùng. Thôi thì thế nầy vậy - Vương với tay trái nắm bầu rượu - Đại sư đừng bước tới mà hãy bước lui, bỏ cái bất phục qua một bên, ta sẽ cạn với nhau vài chung thảo mộc để kỷ niệm buổi tao phùng kỳ thú nầy, được chăng?”
             Nhà sư đáp vang:
             - Bần đạo giới tửu!
             - Vậy không ngại kiếm bén ư?
             - Phải! Giọng nhà Sư rổn rảng - Thân nầy vốn không, kiếm kia vốn không, sao bảo rằng ngại? Vậy ra Đức Ông xem thường kẻ tu hành nầy quá. Vả, nếu cái đầu của bần đạo mà đổi được cái an cho thiên hạ, hai nhánh trưởng và thứ của nhà Trần kia thuận hoà với nhau để chung lưng đấu cật khuôn phò xã tắc, nhờ vậy cái nhân, cái dũng của các đấng tiền hiền còn duy trì và tồn tại; đạo Phật nhờ vậy cũng được hưng thịnh lâu dài - thì cái huyễn thân của bần đạo còn ích dụng hơn cái tài của Hoa Đà, Biển Thước kia quá nhiều!
             Nói xong những lời đầy chí khí, nhà Sư phất tay xăm xăm bước thẳng tới  đầu mũi kiếm …
             Ánh sáng xanh loé lên lạnh buốt. Vạt áo phía trước nhà Sư bung ra hàng chục mảnh bay lả tả. Nhưng con rắn xanh không ngớt tung lượn …
             Hốt nhiên, kiếm chợt bắn lên cao rồi rơi xuống đánh “choang” trên tảng đá loé lửa, có tiếng gãy vỡ vụn.
             - Đại bản lãnh! Đại bản lãnh!
             Không biết ai đã thốt lên.
             Lúc đó, sương mù ùn ùn nổi dậy, chập chờn, bãng lãng kéo nhau đi, huyền ảo như cổ tích, mơ hồ như mộng mị … Lát sau, vây toả kín đặc cả núi non một màu trắng đục, tịnh không thấy gì. Không còn thấy đâu là cây cối, không còn thấy đâu là đất, đâu là trời.
             Bỗng một tiếng cười từ trong đám mù vẳng ra rồi có tiếng nói:
             “- Có,Không giờ thế nào?”
             “- Là vẫn có, là vẫn không!”
             “- Nếu xuất xử thì nhân qủa thế nào?”
             “- Thảy đều tự nhiên.”
             Yên lặng một lát.
             “- Rút gươm mà chém rắn chăng?”
             “- Cứ chém!”
             “- Rút gươm mà không chém rắn chăng?”
             “- Cứ không chém!”
             ĐoÄt nhiên, hai tràng cười ha hả đồng thanh vang lên, kéo dài rất lâu.
             Một cơn gió thổi mạnh, sương mù lại chao động, vật vờ đầu cây, lững lờ qua suối, lượn quành theo chòm lá biết, cành cây khô rồi dứt khoát lang thang kéo nhau đi, hàng ngàn, ngàn ngàn về phương trời vô định.
             Màu mù sương trên non Côn nhạt dần, loãng dần …
             Tiếng chim reo như ngọc rớt giữa biển lặng. Nắng nhẹ, mỏng ngại ngần hắt vài tia sáng thăm dò đầu tiên xuống những lùm cây xanh, dòng nước biếc, những cánh hoa tím, hoa vàng, li ti hồng, lơ thơ đỏ … Chốc sau, trời quang tạnh như một đổi đời, một phép lạ!
             Bên bờ đá nâu, vươn dài ra một cành hoa, như một chuỗi ngọc trắng tinh tuyền, lấp lánh sao Hôm, sao Mai, thơm thoang thoảng, mềm, thanh dịu, váng say ngây ngất … Là Huyền hương thảo? Là Tuyết mai hoa? Là Sâm thương thảo? Chịu! Không biết!
             Xung quanh lặng ngắt, tịnh không một tiếng lời!
--o0o--