VĂN HỌC NGHỆ THUẬT

SÔNG NÚI THÌ THẦM …..
Diệu Trân
--o0o--
 
Một bài thơ dài, tựa đề rất ngắn: “Tĩnh thất” của thầy Tuệ Sỹ gồm 32 tiểu đoạn, 127 câu đủ loại, đọc mệt nghỉ (phải đọc chậm, khi mệt, nghỉ, mới nên đọc tiếp). Riêng tôi, không nhớ đã nghỉ mấy chặng khi thăm Tĩnh-thất của thầy. Chỉ biết, khi cửa Tĩnh- thất khép lại sau bước chân qua, tôi nhận ra mình vẫn đang bị cuốn hút vào một câu, ở tiểu đoạn 4: “Gió ở đâu, mà sông núi thì thầm”. Tôi có những cảm xúc rất lẩn thẩn, chính tôi còn không biết từ đâu. Tôi chỉ có thể nói rằng những cảm xúc đó mãnh liệt lắm, sức bật của chúng đôi khi khiến tôi ngồi lặng hàng giờ, chỉ sợ nhúc nhích, chúng sẽ tan ! Có lần, các bạn đạo lên án rằng, như thế là tôi sống trong mộng. Ô hay, cái gì là mộng, gì là thực khi chính cuộc đời tưởng thực này chỉ là cơn đại mộng !
Câu thơ này, ẩn chứa gì mà như con nước xoáy ? Tôi không lối ra, đành cùng với gió, qua đồng cỏ, qua rừng trăng, qua suối cạn, qua đồi cao, tới chân núi …. Gió ngừng lại, tôi ngẩn ngơ. Theo vách đá, như trong mơ, tôi men về Trường Sơn; và thấp thoáng, tôi thấy một bóng gầy khắc khổ, mong manh trong bộ áo nhật bình 4 vạt úa mầu gỗ mục. Thầy đứng im lặng trên đỉnh tuyết. Tôi dừng lại, thở một hơi thật dài. Gió Trường Sơn no đầy buồng phổi, tôi tự tin, theo vách đá mà bước, như con ong say mật lần theo hướng gió mong tìm tới bông hoa đang tỏa hương kỳ diệu. Đường lên Yên Tử có nao nức như vậy không, chỉ Thiền-sư Hương Vân biết được mà thôi, dẫu ngài có chia xẻ với nhân gian cũng chỉ là giới hạn vì mỗi chúng sinh đều có một góc riệng, rất riêng, riêng đến mức chính chúng sinh đó, nếu không tự nhìn mình sâu sắc cũng không nhận được ! Như tôi đang không rõ tôi lần theo bước chân thầy để tìm gì ? Câu thơ đang dẫn tôi đi có là một phần lời đáp không ? Có thể lắm, tôi muốn đảnh lễ thầy để xin thầy nói cho nghe, lời sông núi thì thầm. Chắc hẳn thầy đã nghe được lời gọi thiêng liêng ấy.
Men vách núi, giòng nhạc symphony quấn quýt chắp cánh cho tôi tìm dấu chân thầy:
 “Cho tôi một hạt muối tiêu
Bờ môi em nhạt nắng chiều lân la
Tôi đi chấn chỉnh sơn hà
Hồng rơi vách đá mù sa thị thành”
Âm thanh dương cầm thánh thót lời tạ từ, quấn quýt giòng vĩ cầm mời gọi hối hả. Đi. “Tôi đi chấn chỉnh sơn hà” vì cờ hồng đã mù sa thị thành. Thầy khẳng định rõ ràng ngay như thế, không quanh co dấu diếm. Hành trang ư ? Chỉ xin em một hạt muối tiêu. Hạt muối, vật tưởng quá tầm thường mà chính là sức sống. Muối tan trong nước sẽ không nhìn thấy muối nữa nhưng nước ấy, có giọt nào không mặn vị muối pha ? Với tấm! ! lòng tải đạo cứu đời, thầy xuống núi: 
“Đến đi vó ngựa mơ hồ
Dấu rêu còn đọng trên bờ mi xanh”
Nghìn năm trước lên núi
Nghìn năm sau xuống lầu
Hạt cải tròn con mắt
Dấu chân người ở đâu”
 Giòng nhạc quyện vào lời thơ, từ nhịp ¾, chuyển sang 2/4 rồi bất ngờ trở lại ¾, không theo luật lệ gì cả, nhưng nhạc như đã ôm lấy thơ; tiếng harp rơi trên từng sợi tây-ban-cầm, rưng rưng niềm thương cảm “Dấu rêu còn đọng trên bờ mi xanh”. Tơ rung đó, thật nhẹ thôi, giòng vĩ cầm đã mời gọi:
“Nghìn năm trước lên núi
Nghìn năm sau xuống lầu”
 Bồ Tát hóa thân nên buồn nỗi buồn thế nhân, bước vào cõi ta-bà phiền não giăng tơ:
“Ta không buồn
Có ai buồn hơn nữa?
Người không đi,
Sông núi có buồn đi?
Tia nắng mỏng soi mòn khung cửa
Để ưu phiền nhuộm trắng hàng mi”
Bồ Tát nhiếp tâm. Tiếng sáo, hay ca-lăng-tần-già cùng tưới mưa cam lộ mát lạnh giòng suối ngợi ca cánh cửa Không hé mở:
“Ta lên bờ,
Nắng vỗ bờ róc rách
Gió ở đâu mà sông núi thì thầm?
Kìa bóng cỏ nghiêng mình che hạt cát
Ráng chiều xa, ai thấy mộ sương dầm?”
Đây rồi ! Sáo và O’boe, hai âm thanh cao và trầm quyện vào nhau bật lên hình ảnh động mà tĩnh, nhu mà cương, lặng lẽ mà quyết liệt. Sông núi tuy chỉ thì thầm nhưng là tiếng gọi ngàn năm khẩn thiết. Khi sông núi lên tiếng gọi, thuyền sẽ ra khơi:
“Thuyền ra khơi, có mấy tầng tâm sự?
Nắng long lanh, bóng nước vọt đầu ghềnh”
Rồi Bồ Tát hòa nhập vào khổ lụy chúng sinh:
“Lời rao trong ngõ hẻm:
Đồng hồ điện! Cầu giao! Công tắc!
Những lời rao chợt đến, chợt đi
Một trăm năm mưa nắng ra gì
Cánh phượng đỏ đầu hè, ai nhặt?”
Tôi dừng lại bên vách núi. Mây xuống thấp, rừng cây mờ trong sương, nhòa nhạt bóng hình bao triệu sinh linh quay cuồng trong khổ nạn. Áo nhật bình biến mất trong giòng cuồng lưu; không nhìn thấy nữa, nhưng tôi biết thầy còn đó vì trong tôi, niệm Quán Âm vừa khởi “Ưng dĩ trưởng giả, cư sĩ, tể quan, bà-la-môn, phụ nữ, thân đắc độ giả, tức hiện trưởng giả, cư sĩ, tể quan, bà-la-môn, phụ nữ thân nhi vị thuyết pháp ….” Bồ Tát lại hóa thân:
“Lão già trên góc phố
Quằn quại chiều mưa giông
Áo lụa gầy hoa đỏ
Phù du rụng xuống giòng …
Tiếng muỗi vo ve
Người giật mình tỉnh giấc
Ngoài xa kia
Ai đang đi?
Nước lũ tràn
Em nhỏ chết đuối
Tôi ngồi trên bờ
Vuốt ngọn cỏ mơ !”
Đó chỉ là nhục nhãn của thế nhân nhìn Bồ Tát. Chư Phật thị hiện thế gian chỉ vì một mục đích duy nhất là Khai, Thị, Ngộ, Nhập, Phật tri kiến; Bồ Tát thị hiện ta-bà chỉ để cứu vớt chúng sanh, nên mây vừa tan, tôi thấy lại ngay vạt áo nhật bình. Thầy vẫn đó, cùng chúng sanh, tay áo rộng phất phơ loang ánh thép lằn gươm Bát-nhã:
“Anh đi để trống cụm rừng
Có con suối nhỏ canh chừng sao Mai
Bóng anh dẫm nát điện đài
Ôi nỗi buồn
Thần tiên vĩnh cửu
Nhớ luân hồi
Cát bụi đỏ mắt ai”
Cát bụi ta-bà mù mịt lúc Bồ Tát vào đời, như lửa địa ngục rực sôi khi Địa Tạng vương phát đại nguyện. Bồ Tát đói khi chúng sinh đói, Bồ Tát ngồi tù khi chúng sinh bị xích xiềng, Bồ Tát nguyện chết khi chúng sinh không còn đường sống …. Khi tôi leo tới đỉnh Trường Sơn, thầy không còn đó nữa ! Nhưng Trường Sơn bỗng nhiệm mầu như ngày nào pháp hội Linh Thứu chưa tan. Tôi nghẹn ngào mà hoan lạc, tôi tức tưởi mà vững tin. Bóng áo nhậ! ! ;t bình trong chấn song tù vẫn tự tại như cánh hạc trong sương mênh mông:
“Lặng lẽ nằm im dưới đáy mồ
Không trăng không sao mộng vẩn vơ
Tại sao người chết, tình không chết?
Quay mấy vòng đời, môi vẫn khô”
Khi người chết mà tình không chết thì:
“Nghìn năm sau
Trong lòng đất sâu
Thắm hạt mưa rào
Giọt máu đổi mầu”
Tôi thẫn thờ xuống núi. Qua gió rừng, giòng nhạc réo rắt âm hưởng symphony thiết tha cung bực ¾ quyện sáo chiều, sương rơi, lời Bồ Tát nhắn nhủ người phương xa:
“Người đi đâu bóng hình mòn mỏi
Nẻo tới lui còn dấu nhạt mờ
Đường lịch sử
Bốn nghìn năm dợn sóng
Để người đi không hẹn bến bờ”
Mười lăm năm Bồ Tát trong ngục tối là mười lăm năm ánh sáng tỏa năm châu, không chỉ với dân tộc Việt Nam trên đỉnh Trường Sơn. Ánh sáng đó đã gõ cửa tam thiên đại thiên thế giới, mở ra chân trời của muôn bàn tay búp sen chắp lại, hướng về trời Nam, ngưỡng phục và đảnh lễ vị thiền sư gầy gò khắc khổ trong bộ áo nhật bình bạc phếch, CHƯA TỪNG NGƯNG THUYẾT PHÁP BẰNG CHÍNH BẢN THÂN MÌNH. Chính ánh sáng nhiệm mầu đó đã mở tung cửa ngục. Thầy bước ra, thanh thản như khi bước vào, nhưng giòng nhạc thì không kìm giữ được niềm hân hoan khi đón thầy trở về am thất. Âm thanh vút lên như muốn vượt rừng, băng suối, lên núi, qua sông, báo tin:
“Ơ kìa, nắng đỏ hiên chùa
Trăng non rỏ máu qua mùa mãn tang
Áo thầy bạc thếch bụi đường
Khói rêu ố nhạt vách tường dựng kinh”
Bồ Tát tụng Bát Nhã “…. Không có không không, không thêm không bớt, không sạch không dơ, không lớn không nhỏ, không trong không ngoài …..”, thế nên, Bồ Tát vẫn an nhiên hành Bồ-tát-đạo, dù tang thương biến đổi, tiếng chuông-tâm không dứt, tiếng mõ-hồn không lơi:
 
“Ơi người cắt cỏ ở bên sông
Nước cuộn ngoài khơi có bận lòng
Phấn liễu một thời run khóe mọng
Hương rừng mờ nhạt rải từng không”
Trên sườn đồi mờ sương, vạt áo nhật bình lại bay bay trong gió, như chưa từng rời xa chúng sinh đau khổ. Thầy cúi xuống, đôi tay gầy mở rộng, lại sẵn sàng hứng hết cuồng phong. Nhạc thiết tha theo làn khói, chở mênh mang diệu âm của cả đất trời mà đảnh lễ Người vào đời bằng từ tâm Bồ Tát
“Khói ơi, bay thấp xuống đi
Cho ta nắm lại chút gì thanh xuân
Ta đi trong cõi Vĩnh hằng
Nhớ tàn cây nhỏ mấy lần rụng hoa”
(Theo bước chân Thiền-sư Tuệ Sỹ qua bài thơ “Tĩnh-thất”, nhạc sỹ Trần Quan Long viết thành ca khúc)
--o0o--