VĂN HỌC NGHỆ THUẬT

PHÁO BÔNG
Diệu Trân
--o0o--
 
Tôi đã nhiều lần được nhìn ngắm pháo bông rực rỡ trên bầu trời Hoa Kỳ và lần nào cũng không thể không trầm trồ “Đẹp quá ! Tuyệt ! Thật tuyệt đẹp !” Lẽ dĩ nhiên, tôi đang nói về những loại pháo bông bắn vút lên thật cao, thật xa, rồi mới bùng nở ra muôn hình vạn trạng, muôn mầu sắc hài hòa, tùy theo sự chế tác mỹ thuật của những nhà thực hiện phác kiểu.
Mới ngày lễ Độc Lập của Hoa Kỳ, đầu tháng 7 vừa qua, thời tiết quá nóng nên chập tối tôi mới ra sân trước tưới nước cho bãi cỏ khá rộng và những bụi hồng, khóm trúc kêu khát vì nắng hè chói chang. Nhiều người đã nghĩ, xăng đang lên giá kéo theo mọi thứ hàng hóa khiến đời sống dân chúng  eo hẹp, chắc là ngân khoản mua pháo bông mừng lễ Độc Lập cũng phải bị cắt xén theo. Tôi cũng nghĩ như thế. Nhưng tôi lầm và nhiều người đã lầm ! Vừa tưới vườn ngoài sân trước, tôi vừa được ngắm pháo bông nở rộ, sáng rực khắp bầu trời sẫm tối. Cao điểm là khoảng từ 9 tới 10 giờ vì lúc này trời đã mát hẳn. Trẻ nhỏ, người lớn tràn ra lề đường, ai có pháo thì đốt, ai không có thì bắc ghế ra sân, ngắm ... ké. Những bông hoa pháo đủ mầu, đủ kiểu bung lên phía trước, phía sau, bên phải, bên trái, hai con mắt không kịp nhìn hết, nao nức, rộn ràng những âm thanh trầm trồ, xuýt xoa, reo hò của người thưởng ngoạn.
Theo tôi, kỹ thuật thực hiện pháo bông của Hoa Kỳ là nhất ! đầy chất sáng tạo, nghệ thuật và vô cùng rực rỡ !
Từ hơn một tuần nay, tôi thấy lại hình ảnh quen thuộc của những chùm pháo bông trên màn ảnh truyền hình khi theo dõi tin tức chiến tranh Trung-Đông ! Trong màn tối, ánh đèn điện nhấp nháy như sao đêm, từ những cao ốc chọc trời, những khu phố sầm uất, bỗng rung chuyển. Phi pháo từ nơi nào đó, vụt lên không gian, tóe lửa giữa trung tâm thành phố rồi rơi xuống. Chỉ một tích tắc sau, khối lửa khổng lồ bốc lên ngùn ngụt, trên thì như đốt cháy trăng sao, dưới thì thành phố vỡ vụn. Phút giây, toàn bộ địa bàn nơi ngòi nổ của phi pháo rơi xuống chìm trong biển lửa, trong gạch ngói tan hoang, trong tiếng khóc la vang trời dậy đất !!!
Hình ảnh này không mấy khác những chiếc pháo bông được bắn lên trời để ăn mừng, để vui chơi, để giải trí. Có khác chăng là độ mạnh của nó có thể gấp triệu triệu lần pháo bông và mục đích của nó là hủy diệt, tàn phá, gây chết chóc kinh hoàng. Người đốt pháo bông tung lên trời để bộc lộ niềm vui trong lòng mình và chia xẻ niềm vui đó với người khác. Người nhấn nút phi pháo vào những địa điểm được chỉ định thì mang lòng thù hận ngùn ngụt và xả lòng thù hận đó vào mục tiêu tàn sát ! Chiếc pháo bông bung lên, mang theo bao tiếng cười. Đầu đạn pháo rơi xuống, cày nát nhà cửa, thịt xương trong tiếng khóc !
Trong kinh Trung A Hàm có đoạn nói về một buổi sáng vua Pasenadi đến thăm Đức Thế Tôn ở tu viện Kỳ-Viên-Tự. Vua bảo đoàn tùy tùng xênh xang người, ngựa ở hết bên ngoài, chỉ mình nhà vua lững thững vào am thất đảnh lễ Đức Thế Tôn. Hôm đó, vua Pasenadi băn khoăn thưa rằng:
- Bạch Đức Thế Tôn, nhờ hưởng ân đức giáo pháp, con đã tuân lời, cố gắng chăm lo thần dân, thương yêu hoàng tộc nhưng con vẫn có cảm tưởng là họ chưa được hạnh phúc. Bạch Đức Thế Tôn, con phải làm gì hơn nữa ?
Đức Phật ôn tồn bảo:
- Thương yêu chưa đủ đâu, thương yêu còn phải đi đôi với hiểu biết mới có thể mang hạnh phúc cho đối tượng mình thương. Chẳng hạn như đại vương tỏ lòng yêu hoàng-hậu, công chúa bằng cách tuyển chọn nhiều đoàn ca múa xuất sắc vào cung, ngày đêm múa hát cống hiến những màn giải trí lộng lẫy, vui tươi rồi bắt hoàng hậu, công chúa thưởng thức; trong khi, đại vương có biết rằng hoàng hậu và công chúa chỉ muốn phục sức đơn giản, cùng đoàn tùy tùng mang lương thực, vải vóc tới thăm những xóm nghèo ? Đại vương cũng muốn hoàng tử ngày đêm học kinh Vệ Đà trong khi chàng chỉ muốn lắng tâm thiền định ? Hãy chỉ nói trong phạm vi rất nhỏ là gia đình cũng có thể cho ta thấy rằng, nhiều khi ta tưởng ta yêu thương người khác mà lại không hề tìm biết đến nhu cầu của đối tượng thì rốt ráo chỉ là ta thương ta, ta thỏa mãn những điều chính ta muốn mà thôi. Thương như thế, làm sao mang được hạnh phúc cho người mình thương ?
Vua Pasenadi bàng hoàng khi nghe những lời chỉ dạy như vậy. Sự việc bỗng dưng quá giản dị mà trước đây nhà vua không hề thấy. Sức mạnh của lòng kính ngưỡng đã khiến vua Pasenadi sụp lạy dưới chân Phật. Đức Thế Tôn đỡ vua ngồi lên rồi chậm rãi nói tiếp:
- Cũng thế, người cai trị quốc gia bằng tình thương, tức là bằng tâm từ và tinh thần bất bạo động thì dân chúng sẽ luôn được an lạc, thái bình. Đại vương có muốn nhìn thấy những người trai trẻ của vương quốc bị chết chóc, thương vong khi giao chiến với các nước lân bang không ?
Bị hỏi bất ngờ, vua Pasenadi trả lời ngay:
- Bạch Đức Thế Tôn, trẫm thương dân chúng trẫm như con cái. Trẫm rất đau lòng khi các con trẫm phải xông pha ngoài trận mạc.
Đức Thế Tôn nâng tách trà lên, nhưng rồi lại từ tốn đặt xuống và nói tiếp:
- Cũng thế, vua của các nước lân bang cũng không muốn thấy con cái họ bị thảm sát ngoài chiến trường. Nhưng vì đâu, không ai muốn mà tranh chấp tàn khốc vẫn xảy ra ? Đó là vì những người nắm vận mạng người khác đã không bắt đầu mỗi sự việc bằng TÂM TỪ. Tâm từ ở đây là lòng thương người như thương chính ta. Nếu đại vương nhìn những chàng trai trẻ của lân bang bằng cái nhìn yêu thương như nhìn trai trẻ trong vương quốc thì đại vương cũng sẽ bảo vệ họ như bảo vệ con cái của đại vương. Ngược lại, nếu những quốc gia lân bang cũng yêu thương thần dân của đại vương như thần dân của họ thì làm sao có cảnh cha mẹ đẩy con cái vào chốn máu đổ, thịt rơi ?! Tất cả chỉ vì chúng ta không cùng khởi đầu bằng tâm từ mà lại bằng tâm sân hận. Điểm tới của tâm từ là nối kết yêu thương và tăng trưởng hạnh phúc. Điểm tới của tâm sân hận là tàn phá và hủy diệt an lạc. Mùa Xuân năm trước, khi về thăm hoàng gia, tôi cũng thưa với phụ hoàng tôi như thế và Người đã mời các quốc vương lân bang tới, cùng hội ý. Từ đó tới nay, dân chúng những quốc gia lân bang đều được an lạc, thái bình vì gặp bất cứ vấn đề gì, các quốc vương đều giải quyết bằng tâm từ.
Nghe tới đây, vua Pasenadi cực kỳ rúng động. Như lời Phật dạy thì hòa bình và hạnh phúc của nhân loại ở ngay trong tầm tay. Chỉ cần những người nắm quyền sinh sát đều khởi Tâm Từ. Tất nhiên, trong đời sống luôn có nhiều va chạm, bất đồng, từ đơn vị nhỏ là gia đình, xã hội, rồi tới quốc gia, thế giới. Nhưng dù bất cứ là những tranh chấp gì, nếu chúng ta khởi đi bằng Tâm Từ để giải quyết với nhau thì chắc chắn bạo động và chết chóc phải giảm thiểu được rất nhiều, nếu không muốn nói là sẽ tránh được.
Trong lịch sử nhân loại, hãy thử đi vào những lý do của từng phía tranh chấp sẽ dễ dàng thấy rõ những “Cái Ta” chứ không mấy khi thấy cái “Chúng Ta”. Khi chỉ có “Cái Ta” thì tất nhiên, ngay sau đó là phải  bảo vệ “Cái Của Ta”. Mà khi cần bảo vệ “Cái Của Ta’ thì phải tiêu diệt “Cái Của Nó”... v...v.... Suốt giòng chảy hung hãn đó, không ai dừng lại để hỏi “ Có làm gì khác được không ? Tiêu diệt nhau rồi tới đâu ?” Tệ hại hơn nữa, nếu họ có dừng lại đôi phút chỉ là để họp bàn nhau làm sao tiêu diệt đối phương mau hơn, mạnh hơn. Họ thường quên cái giá phải trả khi đối phương phản công.
Lịch sử nhân loại đã có không biết bao nhiêu câu trả lời bi thảm khi con người tranh chấp nhau bằng bạo lực, nhưng sóng lớp sau vẫn vỗ lên lớp trước. Bao hình ảnh phi lý khi những toán cứu thương liều thân vào vòng lửa đạn cõng người bị thương, chở vội đến những bệnh viện dã chiến gần khu giao tranh để tận tâm tận lực cứu sống từng nhân mạng thì cách đó không xa, bom đạn do người tung ra vẫn nhắm vào người. Rồi người lại can đảm vào cõi chết cứu người !!! ... Nơi này chủ tâm tàn phá cả đô thị, nơi kia vẫn chắt chiu dựng từng mái ấm cho người trú thân. Thiện và ác đều nhân danh những ý-thức-hệ đặc thù vị kỷ để thỏa mãn nhân sinh quan của mình, dù rằng, khi diệt người thì ta cũng chẳng toàn thân !
Ai trách Phật là giáo lý của Ngài toàn năng, sao đã gần 2600 năm mà nhân loại ngày càng thêm vô minh, thống khổ ? Họ quên một lời điềm đạm Phật từng nói: “Đường ta đã chỉ. Cất bước lên mà đi hay không là do các con”.
Hãy thử mơ tưởng môt điều không tưởng, là bỗng nhiên, tất cả những người đang nắm quyền sinh sát trên thế giới đều đồng loạt DỪNG LẠI tâm sân hận, nhìn rõ mặt nhau, nhìn rõ những sự thể điêu linh đang xảy ra. Chỉ cần dừng lại như thế giây lát thôi, rồi tất cả bỗng đồng loạt KHỞI ĐI bằng TÂM TỪ để giải quyết những tranh chấp bằng TÌNH THƯƠNG thì điều gì sẽ xảy ra ?
Thưa quý vị, điều đầu tiên chúng ta có thể thấy là những ngòi nổ, những phi pháo mà các phe lâm chiến đang tận lực nã vào nhau kia, sẽ lập tức biến thành những chùm pháo bông rực rỡ. Những chùm pháo bông của yêu thương không chỉ bung trên một bầu trời mà lân tinh đẹp đẽ đó sẽ vượt thời gian, không gian cho nhân loại nơi nơi được nếm chung một vị.
Đó là vị an lạc và giải thoát.
             Diệu Trân
(Như-Thị-Am, tháng bảy, 2006)  
--o0o--