|
TRIẾT HỌC PHẬT GIÁO
-
Lộ Trình Tiến Triển Của Ý Thức
-
Trong Sự Tạo Nghiệp
-
Lâm Như Tạng
-
--o0o--
-
-
Sự tạo nghiệp của ý thức phát xuất từ nhiều nguyên nhân, có thể
là do sự phán đoán sai lầm của ý thức trong trường hợp phi lượng
(sự nhận xét sai về đối tượng) mà tạo ra nghiệp. Cũng có thể là
do bản ngã chấp trước, là nguyên nhân dẫn dắt Ý thức đến chỗ sai
lầm mà tạo ra nghiệp, cũng có thể là do những chủng tử bất thiện
trong thức thứ tám phát khởi ra hiện hành mà tạo ra nghiệp
v.v...
-
Trước khi nói đến lộ trình của sự tạo nghiệp, cũng cần đề cập
đến câu “nhất thiết duy tâm tạo” trong tư tưởng kinh Hoa
Nghiêm của Phật giáo để thấy rõ bản chất của nghiệp là do
nơi tâm của mỗi con người tự tạo ra và phải gánh chịu hậu quả
của hành động đã làm, đó là cách suy nghĩ cơ bản về nghiệp. Để
nói rõ điều này, Đức Phật đã dạy:
-
"Làm ác do nơi ta
-
Làm cho ta nhơ bẩn do nơi ta
-
Không làm ác do nơi ta
-
Làm cho ta trong sạch cũng do nơi ta
-
Cả hai, nhơ bẩn và trong sạch, chỉ tùy thuộc nơi ta,
-
Không ai có thể làm cho ta trong sạch”.
-
(Dhammapada, câu 165)
-
Theo câu kinh đã dẫn, Đức Phật muốn nhấn mạnh tất
cả đều do tâm của ta tạo ra, hành động thiện hay ác đều do nơi
tâm. Tâm trong Duy thức học còn có tên khác là THỨC THỨ TÁM.
-
Nương vào Căn bản thức, bảy thức khác phát khởi ra phân biệt và
nhận xét về đối tượng. Cũng từ Căn bản thức tức là thức thứ
tám, các thức khác nương vào đó để tổng hợp về đối tượng và đưa
ra suy tính cũng như hành động. Từ những hành động đó tạo ra
nghiệp lành hay nghiệp ác là tùy vào mỗi trường hợp khác biệt.
Như vậy, luận cho cùng thì thức thứ tám vẫn là chủ nhân ông
trong mọi hành động tạo nghiệp và tàng trữ nghiệp dưới dạng thức
chủng tử.
-
Xin dẫn chứng hai bài tụng trong Duy thức tam thập tụng
của ngài Thế Thân Bồ tát để chứng minh điều đó:
-
Nguyên văn bằng tiếng Sanskrit, ngài Huyền Trang dịch ra chữ
Hán:
-
Pãncãnãm mũlavijnãne yathãpratyayam udbhavah
-
Vijnãnãnãm saha na vã tarangãnãm yathã jale
-
Y chỉ căn bản thức
-
Ngũ thức tùy duyên hiện
-
Hoặc câu hoặc bất câu
-
Như ba đào y thủy
-
***
-
Karmano vãsanã grãhadvayavãsanayã saha
-
Ksine pũrvavipãke nyadvipãkam janayanti tat
-
Do chư nghiệp tập khí
-
Nhị thủ tập khí cu
-
Tiền dị thục ký tận
-
Phục sanh dư dị thục
-
***
-
Như Tạng Việt dịch:
-
Do nơi thức căn bản
(thức thứ tám)
-
Năm thức tùy duyên khởi
(nhãn, nhĩ, tỷ, thiệt, thân)
-
Hoặc cùng hoặc không cùng
-
Như sóng sanh từ nước.
-
***
-
Do hạt giống các nghiệp (nghiệp lành, nghiệp dữ và nghiệp bất
động do tu thiền định mà đạt được).
-
Và tập khí hai thủ (hai thủ gồm có tướng phần, phần bị phân
biệt, và kiến phần, phần năng phân biệt của thức; sắc - phần
thuộc về vật chất, và danh - thuộc về Tâm; tâm sở và tâm vương.
-
Nên dị thục trước dứt (thân dị thục tức là báo thân, thân thọ
quả báo của nghiệp).
-
Lại sinh dị thục sau.
-
(Trong bài tụng thứ hai này có từ “tập khí” nếu dịch theo nghĩa
đen thông thường thì tập khí là những thói quen lặp đi lặp lại
do học tập, do thói quen mà thành. Nó đã trở thành tiềm năng,
thành hạt giống được huân tập vào thức thứ tám. Ví dụ người
nghiện rượu thì tập khí đó là hay uống rượu. Còn người tập viết
chữ thì tay của họ nhờ tập viết lâu ngày nên có khả năng viết
chữ được đó là tập khí viết chữ. Trường hợp trong bài tụng trên
tập khí có nghĩa là chủng tử (hạt giống) đã gieo trồng hoặc đã
tạo ra từ trước).
-
Trở lại chính văn của bài tụng thứ nhất, ý của ngài Thế Thân, do
nương vào thức Căn bản mà năm thức trước là nhãn thức, nhĩ thức,
tỷ thức, thiệt thức, thân thức mới có thể có tác dụng phân biệt
khi tiếp xúc với đối tượng của nó. “Tùy duyên hiện” chẳng qua đó
là những lúc thuận tiện, những lúc mà các thức có đủ điều kiện
để có thể hoạt động được.
-
Ví dụ, mắt muốn thấy được một bình hoa trong phòng tối thì cần
phải có đèn sáng, cần đứng cách bình hoa một quãng thích hợp mới
có thể quan sát kỹ bình hoa ấy... Mặc dù nương vào thức Căn bản
nhưng khả năng hoạt động của năm thức này có tính cách “liễu
biệt cảnh”; nghĩa là mỗi thức hoạt động một cách cá biệt trong
phạm vi khả năng của nó, khi tiếp xúc với đối tượng mà thôi,
không có tính cách xen kẽ hay tổng hợp. Ví dụ, mắt chỉ có khả
năng nhìn thấy sự vật trong tầm nhìn của nó, còn tai thì chỉ
nghe những tiếng động trong khoảng độ dài của bước sóng âm
thanh, chứ mắt không thể nghe tiếng, ngược lại tai không thể
nhìn thấy cảnh vật được.
-
Những sự giải thích trên đều nằm trong nghĩa của hai chữ “tùy
duyên” trong bài tụng.
-
“Hoặc cùng” nghĩa là năm thức này có những điều kiện cùng hoạt
động được một lúc. Ví dụ, mắt đang xem truyền hình, tai đang
nghe nhạc, trong khi đó mũi đang ngửi mùi đồ ăn để trên bàn,
thân đang dùng tay gắp đồ ăn bỏ vào miệng nhai và lưỡi đang nếm
vị của đồ ăn đó... Đó là trường hợp năm thức cùng hoạt động một
lúc.
-
“Hoặc không cùng” trường hợp một người nằm trên giường trước khi
ngủ, tắt đèn, nhắm mắt nghe một bản nhạc. Trường hợp đó chỉ có
tai hoạt động mà thôi. Do đó trường hợp này là năm thức không
cùng hoạt động.
-
Câu cuối cùng “như sóng sinh từ nước” (xin mở ngoặc
thêm rằng có nhiều bản dịch câu đầu là “Nương vào thức Căn
bản”, câu thứ tư dịch là “như sóng nương vào nước”, năm thức
trước có thể khởi lên phân biệt được là do lệnh từ thức Căn bản
hay có thể nói là sự biểu hiện của thức Căn bản. Do đó, dịch là
DO dễ hiểu hơn chữ NƯƠNG. Câu thứ tư nói, như sóng nương vào
nước... Vì sóng với nước không phải hai vật thể khác nhau nên
khi nói nương nhau dễ sinh ra hiểu lầm đó là hai vật thể cá biệt
nương vào nhau, do đó xin tạm dịch là “như sóng sinh từ nước”).
Cũng như năm thức trước không phải là những trạng thái sinh hoạt
độc lập riêng khác với thức Căn bản mà chúng chính là những biểu
hiện của thức Căn bản khi các cơ quan trong thân thể đối diện
trước đối tượng của chúng mà khởi lên phân biệt về những đối
tượng đó.
-
Khi nói đến nghiệp là phải nói đến những hành động có tác ý.
Nhưng bài tụng này không nhắc đến ý thì có liên quan gì đến việc
tạo ra nghiệp mà đưa vào đây?
-
Trong nguyên văn bài tụng mặc dầu không nói đến ý, nhưng khi
tổng hợp toàn thể ý nghĩa bài tụng khiến ta hiểu rằng, khi một
thức như mắt muốn hoạt động xem hoa chẳng hạn; mệnh lệnh đó phải
phát xuất từ thức Căn bản truyền xuống thức thứ bảy vì đây là
anh lính canh giữ cửa, giữ kho rồi truyền xuống thức thứ sáu hay
Ý thức. Vì thức này ví như một vị tư lệnh hành quân vậy. Do đó,
không có một thức nào hoạt động mà không có sự chỉ đạo của Ý
thức.
-
Một ví dụ dễ hiểu về sự cộng tác có tính cách chỉ đạo của Ý thức
là: Mỗi ngày, tôi đều đi bộ từ nhà ra ga xe lửa nhưng không để ý
hai bên đường có những loại hoa gì, có bao nhiêu nhà mà ở sân
trước có trồng hoa không. Một hôm, có người bạn nhờ tôi tìm chụp
hình loại hoa hải đường, tôi để ý đi bộ chậm rãi để tìm, thì ra
ở sân trước của một ngôi nhà trên đường ra ga có loại hoa hải
đường, thế mà bao lâu nay qua qua lại lại tôi vẫn nhìn vẫn thấy
nhưng không để ý nên không xác nhận được là ở đây có loại hoa
này. Đây là hành động có sự cộng tác của Ý thức mà trong Duy
thức học gọi là tác ý. Nghĩa là móng khởi cái ý, có chủ tâm đi
tìm loại hoa này nên khi thấy nó tôi mới nhận ra ngay. Nếu không
có chủ ý đi tìm loại hoa nầy thì dù có qua lại có thấy cũng
không nhận biết hay không để ý tới.
-
Đó là Ý thức đã hợp tác chỉ đạo cho nhãn thức.
Tương tự như vậy, khi mở truyền hình, nếu không chủ ý tìm nghe
bản nhạc My Heart Will Go On (Love Theme from “Titanic”,
Words and Music by James Horner/Will Jennings) thì có để truyền
hình hàng mấy giờ, bản nhạc có được hát đi hát lại mấy lần cũng
không để ý đến là bản nhạc gì. Qua hai ví dụ trên ta thấy, Ý
thức phải cộng tác chỉ đạo cho năm thức trước và tổng hợp các
hành động của các thức đó, thì mới đưa ra các kết quả nhận xét
như ý muốn được.
-
Còn trong vấn đề tạo nghiệp thì thức thứ sáu này chủ đạo tất cả.
Ngài Huyền Trang nói “Động thân phát ngữ độc vi tối, Dẫn mãn
năng chiêu nghiệp lực khiên” (Thức thứ sáu này có công năng hơn
hẳn các thức khác về việc làm phát sinh hành động của thân thể
và ngôn ngữ. Nó tạo ra dẫn-nghiệp và mãn-nghiệp có công năng đưa
đến quả báo đời sau). Như thế chính thức thứ sáu này, đương
nhiên nó là biểu hiện của thức thứ tám, do nơi thức thứ tám mà
khởi ra hiện hành tác dụng chỉ đạo nhưng nó tinh khôn và hơn hẳn
năm thức trước, nó nắm quyền chỉ huy các thức đó hoạt động để
tạo ra nghiệp.
-
Khi đề cập đến Ý thức, ngài Huyền Trang nói rằng “độc hữu nhứt
cá tối linh ly”, cũng từ thức thứ tám phát khởi ra nhưng so với
sáu thức trước thì thức này tinh khôn lanh lợi đệ nhứt. Do đó
trong Duy thức học gọi là “công vi thủ, tội vi khôi”, khi nói về
công thì thức này có công đầu, nhưng luận về việc tạo ra các
điều ác, thức này cũng có tội hơn hết.
-
Luận về sự tác dụng phân biệt sự vật của năm thức trước, như
trên đã nói, khi nhãn căn chạm phải đối tượng là sắc trần làm
phát sinh ra tác dụng phân biệt là nhãn thức tác dụng thấy.
Trường hợp của Ý thức nương vào Căn bản thức khởi ra tác dụng
phân biệt nên hành tướng của nó rất tế nhị khác hẳn năm thức
trước có căn là nhãn, nhĩ, tỷ, thiệt, và thân căn. Ta có thể
đụng chạm cảm nhận được vì nó hữu hình còn Ý thức nương vào ý
căn (tức là thức thứ bảy), cả hai đều vô hình nên rất khó cho ta
nhận biết nếu không qua một trung gian lý luận.
-
Sự biểu hiện của Ý thức chia làm hai loại :
-
Độc đầu Ý thức
-
Ngũ câu Ý thức
-
1- Độc đầu Ý thức:
-
Ý thức có khả năng hoạt động riêng biệt không cần sự phối hợp
của năm thức trên. Ý thức có thể tổng hợp những việc đã qua, suy
nghiệm những sự kiện trong hiện tại và lập dự án cho tương
lai... Khả năng của Độc đầu Ý thức rất đa dạng, và phạm vi hoạt
động của nó rất sâu rộng và phức tạp nên phải chia làm ba loại:
-
a) Ý thức trong mộng:
-
Ý thức hoạt động trong mộng chính là lúc mà năm thức trước hoàn
toàn không hoạt động, không có tác dụng phân biệt. Khi ngủ say
thì năm thức trước không có tác dụng phân biệt, đình chỉ hoàn
toàn, do đó ý thức hoạt động thường xa rời thực tại. Ý thức tự
biến hiện ra những cảnh tượng riêng, tuy cũng có phân biệt suy
lý nhưng hầu hết là sai lầm, điên đảo; tin những việc phi lý
khác với thường tình...
-
Những cảnh mà ta thấy trong mộng thường thường là độc ảnh
cảnh, vì đó là những hình ảnh sự vật hoàn toàn do ý thức chủ
quan biến hiện ra mà thôi.
-
Đôi khi cũng là những đới chất cảnh vì nhiều lúc do biến động
sinh lý của cơ thể mà sinh ra những hình ảnh đới chất cảnh
ấy. Vì dựa vào căn bản thực tại mà khởi lên những hình ảnh
nên được gọi là đới chất cảnh.
-
b) Ý thức tán vị:
-
Trong khi tỉnh thức, Ý thức suy nghĩ tính toán việc này việc
kia, nhớ lại quá khứ, tính toán trù liệu mọi việc trong hiện
tại, lập kế hoạch cho tương lai...
-
Khi Ý thức suy nghĩ tính toán có kế hoạch làm việc thiện thì tức
khắc, có 11 món thiện tâm sở hiện khởi như: Tin, tinh tấn, tự
xấu hổ, thẹn với người, không tham lam, không sân hận, không si
mê, nhẹ nhàng thư thới, không buông lung phóng túng, làm rồi
không chấp trước, không làm tổn hại.
-
Chính lúc này ta có thể hoạt động giải nghiệp bằng cách tinh tấn
tu tập tiến đến giải thoát hoàn toàn. Thành Phật, thành Bồ tát
là lúc này...
-
Nếu khi Ý thức suy nghĩ tính toán lập ra kế hoạch làm ác, tức
thì có 6 món căn bản phiền não phát khởi đó là: tham lam, nổi
nóng, si mê, khinh mạn, nghi ngờ do dự, ác kiến.
-
Thấy biết cố chấp thuộc về nhiễm ô tội ác (trong phần này chia
làm năm loại: Chấp ta; chấp một bên ví dụ cho rằng con người
chết rồi là hết (đoạn kiến), hoặc cho rằng con người sau khi
chết sẽ có linh hồn bất tử không thay đổi (chấp thường); mê tín
dị đoan tà vạy; khư khư giữ lấy chỗ hiểu biết của mình, không
tiếp thu cái mới đúng hơn, cho ý kiến người khác đều là sai
trái; chấp giữ theo giới cấm không chơn chánh của ngoại đạo theo
những tục lệ trái với luân thường đạo lý).
-
Đồng thời 20 món tùy phiền não cũng cùng lúc phát khởi đó là:
giận, hờn, che giấu, buồn phiền, tật đố ganh ghét, bỏn sẻn, dối
gạt, bợ đỡ nịnh hót, tổn hại, kiêu căng, tự mình không biết xấu
hổ, không biết thẹn với người, thân tâm chao động, hôn muội mờ
tối trầm trọng, không tin, biếng nhác trễ nãi, buông lung, quên
mất chánh niệm, rối loạn, hiểu biết không chơn chánh.
-
Ý thức bị vây quanh bởi 6 món căn bản phiền não và 20 món tùy
phiền não này nên nó tạo ra vô số nghiệp ác cũng trong lúc “ý
thức tán vị” này hoạt động. Đây là những “chập tư tưởng” vô cùng
ác hại, nếu ta không biết dùng chánh niệm để tiêu diệt chúng.
-
Ý thức tán vị hầu như chiếm trên 90 phần trăm tổng số các hoạt
động của Độc đầu Ý thức. Nó hoạt động trong trường hợp một người
ngồi trong phòng thật yên tĩnh không có những âm thanh hay ánh
sáng khuấy động, nhắm mắt suy tưởng những gì mà mình muốn, cố
gắng không cho các giác quan hoạt động, chỉ để cho ý thức hoạt
động một mình. Ví dụ, suy nghĩ lại những việc làm đã qua, đúc
kết kinh nghiệm để thiết lập một kế hoạch cho một công trình
tương lai chẳng hạn. Trường hợp này có thể là một kế hoạch thiện
cứu người, giúp đời; ngược lại như trên đã đề cập, lắm lúc lại
là những kế hoạch độc ác hại người để đạt được những mục tiêu cá
nhân; hoặc những kế hoạch không thiện không ác...
-
Do khả năng hạn chế của mỗi người nên việc tổng kết những kinh
nghiệm quá khứ, đưa ra nhận xét và lập ra kế hoạch tương lai
cũng do đó mà bị hạn chế. Hơn nữa, trường hợp Ý thức tán vị này
hoạt động có tính cách suy lý hạn hẹp vì thiếu sự hợp tác của
năm thức trước, nên không chính xác vì thiếu dữ kiện thực tế để
so sánh kiểm nghiệm... Ví dụ, nhận xét về một căn nhà chẳng hạn,
những sự đúc kết do suy nghĩ nhớ lại sẽ thiếu nhiều chi tiết về
căn nhà so với việc quan sát thực tại hiện trường, vì lúc ấy có
năm giác quan đưa đầy đủ dữ kiện vào để suy xét thì mới chính
xác hơn.
-
Cảnh của ý thức tán vị thường là độc ảnh cảnh. Những ảnh tượng
hiện ra do suy nghiệm về một vật thể có thực, đó là hữu chất độc
ảnh (ví dụ hình ảnh của một ngôi nhà mà ta đã từng thấy rồi).
-
Còn hình ảnh của một con quỷ đầu bị lửa đốt cháy đỏ mà ta chưa
hề thấy lại hiện ra, đó là vô chất độc ảnh.
-
c) Ý thức trong định:
-
Khi những bậc tu thiền định đã đạt đến độ nhất tâm bất loạn, thì
ý thức không tiếp nhận các nhận thức do năm giác quan đưa vào.
Lúc ấy ý thức trong định phát sinh độc lập với năm thức trước.
-
Cảnh của ý thức trong định thường là tánh cảnh. Chỉ có những bậc
tu thiền định đạt đạo mới thể nghiệm được những hình ảnh tánh
cảnh này. Còn những người tu thiền mà tâm chưa an định, chưa đạt
đến nhất tâm bất loạn thì lắm lúc vẫn có những độc ảnh cảnh và
đới chất cảnh hiện ra như thường.
-
Các nhà duy tâm luận chủ quan cũng thường hay nói về Ý thức,
nhưng họ chỉ bàn về Ý thức tán vị và Ý thức trong mộng là chấm
dứt. Họ không biết đến Ý thức trong định như trong môn Duy thức
học của Phật giáo đề cập.
-
2- Ngũ câu Ý thức:
-
Khi Ý thức chỉ chung khởi với một thức trước thì năng lực nhận
xét của nó có chiều sâu hơn, tinh tế và nhiều năng lực hơn. Ví
dụ khi xem một loài hoa lạ mà ta chăm chú thì sự xem xét đó có
chiều sâu hơn, tinh tế hơn so với lúc vừa xem hoa vừa nghe nhạc
v.v... Điều này cũng dễ hiểu, vì năng lực bị phân tán thì mũi
tấn công sẽ không được mạnh.
-
Henri Louis Bergson cũng có phân tích về “trực giác”, điều này
có thể nói nó tương tự như “cảm giác” của ngũ câu ý thức này.
Thế nhưng, đi sâu hơn nữa đến vai trò tạo nghiệp của ngũ câu Ý
thức và vai trò tàng trữ nghiệp và phát khởi hiện hành trong
hiện tại cũng như động lực dẫn nghiệp đầu thai qua kiếp sau, thì
ông hầu như không lý giải được những vận động, biểu hiện của
thức thứ bảy và thức thứ tám như trong Duy thức học. Các triết
gia Tây phương hầu như rất thích thú phân tích về những chức
năng của Ý thức nhưng không vươn tới được thức thứ bảy và thức
thứ tám. Tôi nghĩ rằng, đừng cho họ không nghiên cứu về Phật
giáo nhưng vì họ bị gò bó bởi những kiến thức khoa học thực
nghiệm của xã hội Tây phương đó thôi! Nhiều người cũng có nói
đến tiềm năng, nói đến cái “IT”, đó chẳng qua trong Duy thức
học xem như là “tập khí” hay tiềm năng hay chủng tử cũng vậy.
-
Xin trích dẫn một đoạn trong sách "Duy thức học thông luận”
của Thạc Đức có liên quan đến trường hợp Ngũ câu Ý thức này:
-
“Do cảnh vật thực tại chạm vào giác quan, Ý thức và năm thức
trước đồng thời (Ngũ câu Ý thức) phát sinh, công nhận có cảnh
vật thực tại nghĩa là công nhận có thế giới khách quan, giống
với chủ trương của thực tại luận. Nhưng chỉ trong trường hợp cảm
giác, Ngũ câu Ý thức mới có được sự trực nhận tánh cảnh,
chứ đi sâu vào tri giác, thì cảnh đó lại trở thành đới chất
cảnh rồi. Mà đã là đới chất cảnh thì không phải là
tánh cảnh nữa”.
-
Thế giới đới chất cảnh khác với thế giới tánh cảnh, vì đó là
những biến hiện của thế giới tánh cảnh. Điểm này giống với chủ
quan duy tâm luận. Tuy thế, Duy thức học không phải chủ quan duy
tâm luận vì lẽ Duy thức học có công nhận thế giới khách quan;
lại không giống thực tại luận vì cho rằng thế giới do Ý thức
nhận biết chưa phải là thế giới tánh cảnh chân thực và tánh cảnh
chỉ là sở duyên duyên cho sự phát sinh đới chất cảnh. Ngũ câu Ý
thức rất gần với kinh nghiệm của thực nghiệm chủ nghĩa. Phần căn
bản của kinh nghiệm là cảm giác, mà của Ngũ câu Ý thức cũng là
cảm giác vậy.
-
Nhưng cảm giác là gì?
-
(1)- Phần nhận thức (chủ thể)
-
(2)- Phần bị nhận thức (đối tượng)
-
Cả hai phần hợp lại gọi là cảm giác, hai phần là một. Ta đừng
nên lầm hai phần ấy với giác quan (chủ thể) và ngũ trần (đối
tượng) là những điều kiện làm phát sinh cảm giác.
-
Có người sẽ bảo rằng tánh-cảnh giống hệt như “vật tự thân” của
Kant, vì lẽ thế giới của đới chất cảnh không phải là thế giới
tánh cảnh cũng như hiện tượng của sự vật không phải là “vật tự
thân”. Duy thức học vẫn công nhận cái bản chất ấy của sự vật,
nhưng có khác với Kant là ở chỗ Ngũ câu Ý thức có thể, trong
trường-hợp cảm-giác, nhận thức đến được tánh-cảnh, mà Kant thì
nhất định quả quyết Ý thức không thể hiểu đến được “vật tự
thân”.
-
Nếu có “bản chất”, thì đó là gì? Bản chất ấy cố nhiên không phải
do Ý thức chủ quan biến hiện được, chỉ có Ngũ câu Ý thức có thể
cảm giác đến được mà thôi. Nhưng nếu bản chất ấy là Thần, ý
tưởng của Thượng đế, thì bản chất ấy lại giống với nguyên tắc
tạo hóa của
Berkeley.
Và nếu đứng về thực tại luận, cho đó là vật có thực chất, thì
lại giống “thế giới khách quan” của duy vật luận. Nếu bảo đó là
“lý”, thì lại giống với ý chí của Schopenhauer mất.
-
Vậy thì tánh cảnh ấy là gì? Sao lại tồn tại ngoài ý thức chủ
quan? Muốn tìm biết, ta phải bước thêm một bước nữa để tìm hiểu
thức thứ tám (thức Alaya). Đến đây ta chỉ mới biết rằng Duy thức
học chủ trương thế giới tánh cảnh là thế giới thực tại và thế
giới đới chất cảnh là thế giới hình bóng, một bên thực, một bên
hư thôi”.
-
Khi nói đến thế giới tánh cảnh tức là nói đến bản chất sinh khởi
ra thế giới đới chất cảnh, đồng thời cũng đề cập đến đối tượng
của thức thứ tám.
-
Thế giới tánh cảnh là hiện tướng của thức thứ tám, đều do thức
này biến khởi, trong là căn thân, ngoài là thế giới. Căn tức là
các giác quan là căn cứ phát sinh ra thức. Thế giới do ý thức
nhận biết được là thế giới đới chất cảnh. Rất hiếm khi nhưng Ngũ
câu Ý thức trong trường hợp cảm giác cũng có thể cảm nhận được
đến thế giới tánh cảnh.
-
Ngoài thế giới chủ quan do Ý thức nhận biết còn có thế giới
khách quan. Thế nhưng cả thế giới chủ quan và thế giới khách
quan đều là biến tướng của thức thứ tám. Do đó có thể nói rằng
thế giới tánh cảnh làm bản chất cho thế giới đới chất cảnh vẫn
nằm trong thức thứ tám. Thế giới tánh cảnh là một bộ phận của
thức thứ tám.
-
Sự tạo nghiệp của ý thức phát xuất từ nhiều nguyên nhân, có thể
là do sự phán đoán sai lầm của ý thức trong trường hợp phi lượng
(sự nhận xét sai về đối tượng) mà tạo ra nghiệp. Cũng có thể là
do bản ngã chấp trước, là nguyên nhân dẫn dắt Ý thức đến chỗ sai
lầm mà tạo ra nghiệp, cũng có thể là do những chủng tử bất thiện
trong thức thứ tám phát khởi ra hiện hành mà tạo ra nghiệp
v.v...
-
Trong bài tụng thứ hai, ngài Thế Thân đề cập thẳng đến Nghiệp.
Vì do nghiệp của những tập khí đó là những hạt giống của các
nghiệp, gồm có nghiệp lành, nghiệp dữ, và nghiệp bất động do tu
thiền định đạt được làm sơ duyên.
-
Thứ đến là hạt giống của hai thủ. Hai thủ gồm có tướng phần (sở
phân biệt) và kiến phần (năng phân biệt) của Thức; Danh (tức là
Tâm) và Sắc (tức là phần thuộc về vật chất, thuộc về thân); Tâm
và Tâm sở. Phần sau này tức là hạt giống của hai thủ làm thân
duyên.
-
Tóm lại, do tập khí cũng gọi là chủng tử hay hạt giống của các
nghiệp và của hai thủ kể trên làm sơ duyên và thân duyên, nên
thân dị thục đời này vừa chết đi, liền sau đó chủng tử các
nghiệp và chủng tử hai thủ trở thành động lực chính yếu, lôi kéo
thức thứ tám đi đầu thai để thọ quả báo ở đời sau và đời sau
nữa. Nếu không quyết chí chuyên tu để tiêu diệt các nghiệp thì
khó thoát khỏi vòng sinh tử luân hồi.
-
Nguồn: Giác Ngộ
--o0o--
|
|