|
PHẬT GIÁO VIỆT NAM
-
Chùa Hoa Đình Ở Côn Minh
-
NGUYỄN KHUÊ
---o0o---
-
-
Với
một vị trí ở giữa cảnh quan núi non rất đẹp, kiến trúc qui mô
tráng lệ và có nhiều cổ tích văn vật có giá trị văn hóa nghệ
thuật, chùa Hoa Đình được xem là một danh lam cổ tự nổi tiếng
bậc nhất ở Côn Minh. Chính vì thế, năm 1983, Quốc vụ viện công
nhận chùa Hoa Đình là một tự viện trọng điểm của Phật giáo Trung
Quốc
-
Chúng tôi đến viếng cảnh chùa Hoa Đình vào một buổi sáng đầu Thu
năm nay. Sau mấy ngày mưa, trời rất đẹp.
-
Chùa Hoa Đình, người Trung Quốc gọi là Hoa Đình thiền tự hay Hoa
Đình tự , tọa lạc trên ngọn núi Hoa Đình của Bích Kê Sơn thuộc
Tây Sơn, bên bờ hồ Côn Minh tỉnh Vân Nam (Trung Quốc). Nền cũ
của chùa này nguyên là biệt thự của Thiện Xiển hầu Cao Trí Khai
thời kỳ nước Đại Lý đời Tống(1).
-
Năm Diên Hựu thứ 7 (1320 TL) đời Nguyên, ngài Huyền Phong
(1266-1349), vị Pháp sư được tôn xưng là Vân Nam Thiền tôn đệ
nhất Tổ , xây dựng chùa ở đây, lúc đầu đặt tên là chùa Đại Viên
Giác. Pháp sư Huyền Phong là vị Tổ khai sơn của chùa này. Người
sau nhân tên núi là Hoa Đình Phong, nên đổi tên chùa là Hoa Đình
tự .
-
Năm Thiên Thuận thứ 6 (1462), vua Anh Tông nhà Minh ban cho tên
chùa là Hoa Đình Sơn Đại Viên Giác tự .
-
Trải qua hai triều Minh và Thanh, chùa nhiều lần bị hư hoại vì
binh lửa, rồi lại nhiều lần được trùng tu.
-
Năm 1922, Hòa thượng Hư Vân (1840-1959) nhân trùng tu chùa, đào
được một tấm bia cổ, hàng chữ đầu có khắc tên chùa là Vân Thê,
các hàng chữ khác bị mờ, không đọc được, nên không biết niên đại
của tấm bia, mới đặt tên chùa là Tĩnh Quốc Vân Thê thiền tự .
-
Chùa Hoa Đình có qui mô rộng lớn, nguy nga tráng lệ. Cổng chùa
có bậc cấp cao, tất cả các loại xe đều đậu ở bên ngoài, giữ cho
chùa sự yên tĩnh tôn nghiêm của nơi thờ phượng.
-
Theo tục lệ đến chùa lễ bái của người Trung Quốc, khi bước vào
cổng chùa hoặc điện thờ Phật, phải bước chân trái qua ngưỡng cửa
trước, khi bước ra thì bước chân phải trước.
-
Trong khuôn viên chùa, và ngay cả trước cổng chùa, không có
người ăn xin, cũng vắng bóng những kẻ bán hàng rong. Chúng tôi
cũng không thấy bày bán chim phóng sinh. Đó đây có những gian
hàng ngăn nắp, mỹ quan, hoặc bày bán thức ăn chay (mua đem về,
chứ không ăn tại chỗ), nhang đèn, tràng hạt, những đồ vật lưu
niệm, hoặc phát hành kinh sách cho khách thập phương đến tham
quan, lễ bái.
-
Lễ
Phật, người Trung Quốc dùng hai loại nhang có màu khác nhau:
nhang màu đỏ để cầu xin được sống lâu và nhang màu vàng để cầu
xin phát tài.
-
Trong sân chùa có nhiều cây cổ thụ, bạch mai, hai cây tử vi. Cây
tử vi cao hơn 3m, vỏ cây trơn láng, hoa màu đỏ tím. Thơ văn
Trung Quốc thường nói đến cây tử vi, nay lần đầu tôi được tận
mắt nhìn thấy. Có một điều kỳ thú về cây tử vi là nếu ta vuốt
thân cây thì sự xúc chạm truyền lên cành lá làm cho cành lá khẽ
rung động. Tôi có mấy vần thơ vịnh cây tử vi ở chùa Hoa Đình như
sau:
-
Tử
vi cũng giống hữu tình
(2)
-
Thân cây truyền xúc rung rinh lá cành
-
Kiếp xưa đã tạo nhân lành
-
Nên nay được đứng Hoa Đình nghe kinh
-
Linh Sơn qui hướng tinh thành
(3)
-
Đủ
duyên ắt sẽ hóa sinh có ngày.
-
Trong Thiên Vương điện, thờ tôn tượng của bốn vị Tứ Đại Thiên
Vương, hai vị mặt trắng hiền từ, hai vị mặt đen hung dữ. Đó là
bốn vị hộ trì Phật pháp, hộ trì bốn cõi thiên hạ, khiến các quỉ
thần hung ác không thể xâm hại chúng sinh.
-
Bước vào Đại Hùng bảo điện, người ta chú ý ngay đến ba tượng
Phật lớn và rất oai nghiêm, đó là kim thân của Phật Thích Ca Mâu
Ni (ở giữa), Phật A Di Đà (bên phải) và Phật Dược Sư (bên trái).
Trên vách hai bên và vách phía sau của bảo điện có đắp tượng 500
vị La hán, mỗi vị có một tư thế, cách phục sức và dáng vẻ riêng,
cực kỳ sinh động, thật là một công trình nghệ thuật rất có giá
trị. Chẳng hạn trong số 500 tượng La hán có đến 3 tượng (1 ở
vách bên phải, 1 ở vách trái và 1 ở vách sau) đều có một cánh
tay thật dài, dài gấp ba, bốn lần cánh tay kia, nhưng với ba
thần thái biểu hiện ba ý nghĩa khác nhau: một vị vươn cánh tay
dài này lên không trung như nắm bắt hư không, một vị khác giơ
tay lên trời nắm lấy vầng trăng, còn vị thứ ba thì giơ tay bắt
một con chim. Người Trung Quốc đến lễ bái ở đây thường đếm tượng
La hán để bói thời vận tốt xấu. Người ta đếm tượng La hán, bắt
đầu với bất kỳ tượng nào cũng được, đếm nhẩm 1, 2, 3... cho đến
đúng số tuổi của mình thì thôi, và xem thần thái vui, buồn của
vị La hán cuối cùng mà suy đoán thời vận của mình.
-
Đàng sau Đại Hùng bảo điện là Tàng kinh lâu hai tầng, kiến trúc
rất đẹp.
-
Chùa Hoa Đình có hai tượng Phật bằng ngọc do Phật giáo Myanmar
tặng, một tượng Phật mạ vàng do Phật giáo Thái Lan tặng. Trong
phương trượng còn giữ được một tượng Chuẩn Đề Bồ tát bằng đồng
có 3 mắt và 18 cánh tay. Ngoài ra, chùa có tháp xá lợi của Thiền
sư Hư Vân, bia khắc thơ của Lâm Tắc Từ và của Quách Mạc Nhược.
-
Với một vị trí ở giữa cảnh quan núi non rất đẹp, kiến trúc qui
mô tráng lệ và có nhiều cổ tích văn vật có giá trị văn hóa nghệ
thuật, chùa Hoa Đình được xem là một danh lam cổ tự nổi tiếng
bậc nhất ở Côn Minh. Chính vì thế, năm 1983, Quốc vụ viện công
nhận chùa Hoa Đình là một tự viện trọng điểm của Phật giáo Trung
Quốc i
-
1.
Thiện Xiển tức Côn Minh ngày nay. Đại Lý là tên nước, ở địa phận
tỉnh Vân Nam bây giờ, bị nhà Nguyên diệt.
-
2.
Từ hữu tình ở đây dùng theo nghĩa nhà Phật, chỉ loài có tình
thức và có sự sinh tồn.
-
3.
Linh Sơn tức Linh Thứu Sơn, tên một ngọn núi ở Trung Ấn Độ, nơi
Đức Như Lai thường trụ thuyết pháp
--o0o--
|
|