|
PHẬT GIÁO VIỆT NAM
-
HOA TRÁI CỦA MỘT CẢNH CHÙA
Diệu Ngọc
---o0o---
-
"Làng
tôi có cây đa cao ngất từng xanh... có con sông xanh... đồng quê
mơ màng..." Bản nhạc "Làng tôi" qua giọng ca vượt thời gian của
nữ ca sĩ Thái Thanh như réo gọi tâm tư tôi trở về với khung cảnh
êm đềm thơ mộng của làng xưa cảnh cũ.... Tuy làng tôi không có
cây đa, không có con sông lượn quanh cũng không có cảnh đồng
quê để mơ màng... Vì làng tôi là một làng biển, dân làng sống
với nghề chính là nghề làm muối.... Nhưng làng tôi cũng không
thiếu vẻ nên thơ, không thiếu những cảnh êm đềm thơ mộng để gởi
gấm tuổi thơ.... Phải rồi, ai cũng có một quãng đời thơ ấu gắn
chặt với một khung cảnh hữu tình đầy kỷ niệm nào đó để mà nhớ,
để mà thương.... Riêng tôi, tuổi thơ đã được gởi gấm trọn vẹn
nơi ngôi chùa làng....
-
Như đã nói, làng tôi là một làng ven biển, cuối làng là một dãy
đồi cao... Thật không có gì thơ mộng và thanh thoát hơn những
giây phút đứng ở hiên chùa trên đỉnh đồi nhìn xuống biển, nghe
gió thổi, nhìn mây bay trong tiếng sóng ì ầm... của những buổi
trưa hè rợp nắng...
-
Chùa làng Ðông Hòa được xây trên đỉnh đồi với điện
Quan Âm ở mặt tiền ngó ra biển Ðông... Tượng Phật Bà đứng hướng
ra biển Ðông như đang lắng nghe tiếng gọi cứu khổ của chúng
sanh... từ một nơi xa xăm nào đó tận ngoài khơi... và trông
thật trang nghiêm siêu thoát...
-
Nếu so sánh với các làng khác, làng tôi rất nhỏ, chỉ gồm có mấy
chục nóc gia nằm dưới chân đồi dọc theo bờ biển. Vì vậy dân làng
muốn lên chùa phải dùng một trong hai lối, một lối dành riêng
cho xe chạy lên, một lối nhỏ đi tắt dành cho người đi bộ với 200
bậc cấp, đây cũng là nơi cất giữ kỷ niệm của lũ trẻ chúng tôi
thi vượt tam cấp để lên chùa trong những ngày hè....
-
Thầy trụ trì tuy đã cao tuổi nhưng trông thầy vẫn
còn khỏe và đặc biệt là trí nhớ của Thầy đã làm đám nhỏ chúng
tôi bái phục... Vườn hoa trước sân chùa chung quanh điện Quan Âm
có rất nhiều thứ hoa với nhiều màu sắc rực rỡ mà Thầy nhớ không
sót tên từng lọai hoa và từng tên người đem cúng các cây hoa
đó.... Ðây là cây hoa Hoàng Hậu của Bà Bang Tá cúng trồng hồi
năm đó... đây là cây Ngọc Lan của cô Khá cúng trồng hồi cô Khá
lên chùa nhằm ngày rằm tháng giêng năm... Bụi bông Tý-Ngọ (bông
mười giờ) màu vàng này của chú Tám xin ở Ninh Hòa đem về.... Hoa
tuy nhiều nhưng không có cây nào Thầy bỏ sót mà không săn sóc,
cắt tỉa, tưới nước bón phân... Mỗi buổi sáng tất cả hoa đều như
phơi màu khoe sắc để chào đón Thầy khi Thầy đi thiền hành quanh
điện Quan Âm... Lũ nhỏ chúng tôi thường hay lên chùa tìm Thầy để
nghe Thầy kể chuyện, chuyện gì cũng được, mỗi lần Thầy cất tiếng
lên bắt đầu kể là tụi tôi im thin thít, đứa nào xì xào là
bị..."xịt" bảo im liền.... Mà lên lần nào cũng thấy Thầy ở ngoài
vườn, không săn sóc, cắt tỉa vườn hoa trước chùa thì cũng đứng
ngắm nghía hay đào xới bón phân cỏ mục cho mấy cây ăn trái ở
lưng chừng đồi phía dưới chùa...
-
Thầy trồng đủ các loại cây ăn trái mà thứ nào cũng
hấp dẫn tụi tôi, nào những dây Thanh long với những trái chín đỏ
mộng, hoa Thanh long thì khỏi chê, màu trắng, giống hệt như hoa
Quỳnh hương nở xòe ra bày chùm nhụy hơi vàng mà Thầy nói là
giống cái thuyền bát nhã... Nào những cây "ổi sẻ" mà tôi không
biết tại sao người ta đặt tên nó là "ổi sẻ" chắc là tại trái nó
nhỏ mà nhiều, mấy trái ổi chua mà chắm muối ớt thì.... đứa nào
mà chẳng níu tay ông Thầy đòi hái cho được.... Ðó là chưa kể đến
những quày chuối chín bói bị chim ăn...
-
Vừa trồng hoa đẹp vừa trồng một... lô cây ăn
trái... Nhưng dân làng lại thích vườn cây thuốc
Nam của Thầy hơn hết... Ở trong làng ai bị bất cứ bịnh gì cũng
đều chạy lên chùa tìm Thầy xin ít lá thuốc....
-
Ai thấy trong người hơi bần thần dã dượi thì lên
chùa xin một nồi lá xông, ai bị nghẹn hơi khó thở thì lên chùa
xin vài hạt tiêu tươi về uống với nước ấm, đàn ông thì bảy hạt
đàn bà thì chín hạt... Bị ghẻ ngứa thì xin ít lá kiến cò giã lấy
nước thoa là ghẻ rạp xuống liền... Con nít bị đẹn thì xin ít cỏ
mực về rơ miệng... hay là tay ai bị phèn ăn lở thì cũng lên chùa
tìm Thầy xin vài lá của cây hoa móng tay giã nhỏ thoa lên là
hết... Chẳng những vậy mà dân làng còn khắn khít với chùa và
thân kính Thầy qua những vụ người ta nhờ Thầy... xử kiện bất đắt
dĩ... Thường thường, nếu dân trong làng có tranh chấp hay bất
hoà gì thì người ta thường kéo nhau lên chùa nhờ Thầy phân xử...
Những lúc như vậy thì người ta kéo theo lên chùa rất đông để
nghe Thầy xử, vì nói là Thầy xử nhưng thật ra Thầy lấy giáo lý
Phật giảng cho một hồi rồi thì ai cũng vui vẻ trở lại và ra
về... Sau mỗi lần như vậy thì người ta mang hoa quả lên chùa
trước là cúng Phật sau là tạ ơn Thầy... mà tụi nhỏ chúng tôi là
những người được Thầy chia lộc nhiều nhứt....
-
Còn một đều nữa, tuy dân trong làng ai cũng sống
với nghề chính là làm muối, nhưng nhà nào cũng có một đám rẫy
nho nhỏ để trồng các thứ như bắp, khoai, dưa, đậu hoặc rau cải
hành ớt...v..v... để bán vào những ngày có nhóm chợ... Hàng ngày
họ ra rẫy và trở về theo tiếng chuông chùa công phu sáng
chiều... Cho nên dân trong làng cho dù có đi đâu xa nhưng trong
tâm tư vẫn còn âm vang của tiếng chuông chùa.... Vào những buổi
bình minh, mặt trời lên còn chưa trọn vẹn, những tia nắng yếu ớt
của ban mai chưa đủ sức xóa tan làn sương mờ đang bao phủ thôn
làng... Mấy tiếng chuông chùa vang lên đồng vọng làm cho người
ta có cái cảm giác thanh thản nhẹ nhàng và tâm tư của mọi người
như bị lôi cuốn về một nơi mông lung vô tận nào đó....
-
Vì mối thân thương khắn khít đó đối với ngôi chùa làng, đối với
Thầy mà sau này khi tụi nhỏ chúng tôi đã lớn lên cho dù có lập
nghiệp ở đâu xa tâm tư chúng tôi cũng hướng trọn về ngôi chùa cũ
làng xưa... Và cũng từ đó chúng tôi trộm nghĩ rằng, cho dù hiện
tại chúng ta đang sống tha hương trong một đất nước thanh bình
hoàn toàn tự do nhưng chúng ta cũng nên gieo vào lòng con cháu
chúng ta một hột giống Phật bằng cách hướng dẫn chúng đến chùa
nếu có cơ hội thuận tiện... Bởi vì không riêng gì chúng ta mà cả
thế giới hiện nay đang có phong trào ăn chay và tìm hiểu giáo lý
Phật... Hơn nữa tôi đã có nghe hay đọc ở đâu đó hai câu thật ý
nhị...
-
Mái chùa che chở hồn dân tộc,
Nếp sống lâu đời của tổ tông......
--o0o--
|
|