|
PHẬT GIÁO VIỆT NAM
-
VÀI NÉT VỀ PHẬT GIÁO DÂN GIAN
VIỆT NAM
- Giáo
sư Trần Quốc Vượng
-
--o0o--
-
-
Đạo Phật được truyền bá vào đất Việt từ buổi đầu công nguyên và
tồn tại, diễn tiến, lúc thăng lúc trầm, từ đó cho đến tận ngày
nay.
-
Đạo Phật tới đất Việt chủ yếu theo ba con đường sau :
-
-
Con đường ven biên trực tiếp từ Ấn Độ qua, đến Nam Bộ, Trung Bộ
tới Bắc Bộ nước ta.
-
-
Con đường bộ từ Tây Tạng-Vân
Nam
mà xuống, theo đôi bờ sông Nhị, chảy qua đất Hà Tây (xứ Đoài và
xứ Sơn Nam Thượng ngày xưa) mà xuôi mãi xuống vùng biển. Đến
cuối đời nhà Lý vẫn còn các sư từ Tây Tạng-Vân Nam xuống kinh đô
" Thăng Long (Hà Nội). "Tam Thánh" (ba thiền sư lớn) của đời Lý
là Không Lập, Giác Hải, Từ Đạo Hạnh, gặp nhau kết nghĩa ở xứ
Đoài (La Phù-La Dương - Ngã Cầu) rồi ngược sông Hồng lên Vân Nam
học Phật.
-
-
Con đường từ Nam Trung Hoa (Triết Giang, Phúc Kiến, Lưỡng Quảng)
vừa theo đường bộ, vừa theo đường ven biển mà tới xứ Đoài, xứ
Bắc và cả miền Trung Bộ.
-
Rồi từ khi thành Thăng Long - Đông Đô - Hà Nội được hình thành
thì trung tâm Phật Giáo được hội tụ về Thủ đô rồi từ đó lại lan
tỏa ra 9 phương trời, 10 phương Phật của nước Việt chúng ta. Các
vị "Quốc sư" đều về Thăng Long giảng Đạo Lý, Phật Pháp.
-
Trên diễn trình lịch sử Phật Giáo Việt Nam như thế, đạo Phật đã
hấp thụ nhiều dòng phái Phật Giáo Ấn Độ, Trung Hoa, Trung Á...
rồi hợp lưu lại, được Việt Nam hóa và dân gian hóa mà thấm đượm
vào lòng (tâm) từ vua quan, vương hậu, vương phi, công chúa...
cho đến người dân thường ở làng xã.
-
Đạo Phật tới đất Việt vào lúc tổ tiên ta đang rên xiết dưới ách
thống trị của nền quân chủ chuyên chế phương Bắc. Dân ta tiếp
thu được ngay tinh túy tự do, bình đẳng, tinh tấn của đức Phật.
Đức Phật dạy : "Ta là Phật đã thành (Buddha, tức là giác ngộ)
còn toàn thể chúng sinh là những đức Phật sẽ thành" (ai cũng có
thể giác ngộ). Nhân dân ta tiếp thu được ngay tinh thần Đại
Hùng, Đại Lực, Đại Trí, Đại Từ, Đại Bi... của đức Phật nên một
mặt rất anh dũng đấu tranh lật đổ mọi ách đô hộ thực dân của
giặc ngoài, mọi "hôn quân ám chúa", quan tham lại những ở trong
nước, một mặt khác củng cố, phát triển tình thương trong gia
đình, họ hàng, xóm làng, vùng miền, đất nước, mà đỉnh cao nhất
là : "Thương người như thể thương dân, Người trong một nước phải
thương nhau cùng". Một mặt, trong đời sống thường ngày dân ta cố
gắng ăn ở hiền lành ("hiền lành như Bụt"), nhưng một mặt khác,
khi trong xã hội còn những thế lực Dữ-Ác thì dân ta cũng biết
phát huy trí tuệ (Trí Huệ) và tinh thần, sức lực Hùng-Dũng để
diệt trừ Dữ-Ác, từ con hổ dữ ở rừng núi, con thuồng luồng ác ở
sông biển đến kẻ ngoại xâm, nội thù. Chẳng phải lìa xa tinh thần
Phật Giáo mà từ thế kỷ VI (542-602) Lý Phật Tử (Phật tử họ Lý)
tham gia cuộc khởi nghĩa Lý Bí. Lý Bí khi trở thành Lý Nam Đế
(vị hoàng đế đầu tiên của nước
Nam),
việc đầu tiên là xây dựng chùa Khai Quốc (Chùa Mở Nước, sau đổi
là chùa Trấn Quốc, nay ở sát Hồ Tây, Hà Nội). Giới nghiên cứu
Phật học đều nhất trí cho rằng chính các thiền sư như Cảm Thành
(860), Định Không (808) cùng trưởng lão La Quý An, Thiền Ông
(936) v.v... đã chuẩn bị cho nền tự chủ lâu dài của nước Việt từ
thế kỷ X (938) và trước đó "Đạo Phật đã ngấm vào lòng người dân
như nước ngấm vào lòng đất". Biết bao vị thiền sư (Vạn Hạnh,
Pháp Thuận, Đa Bảo, Viên Chiếu...) mà đứng đầu là đại sư Khuông
Việt (933-1011) đã góp phần tích cực vào việc củng cố và giữ gìn
nền độc lập dân tộc, trong mọi lãnh vực đối nội, ngoại giao, văn
hóa, xã hội.
-
Giới sử học hiện nay đã thống nhất gọi nền quân chủ Đại Việt
thời Đinh-Lê-Lý-Trần (968-1400) là nền Quân Chủ Phật Giáo với sự
xuất hiện của nhiều vị vua nhân từ, hỉ xả... như Lý Thái Tổ, Lý
Thái Tông, Lý Thánh Tông, Lý Nhân Tông... Trần Thái Tông, Trần
Nhân Tông, Trần Minh Tông v.v... cùng các bậc lãnh đạo khác,
thời ấy, như Thái úy Lý Thường Kiệt vị nguyên soái "phạt Tống,
bình Chiêm" mà văn bia của một vị thiền sư viết : "Ông Lý tuy
thân phải dấn trong cõi đời bụi bặm, nhưng tâm từ lâu đã thuộc
Phật", như thái hậu Ỷ Lan bàn bạc cùng quốc sư Thông Biện và bậc
đại thiền sư khác về lịch sử và yếu chỉ của Phật Giáo Việt Nam,
trị quốc thay vua đi đánh giặc, cấm lạm sát trâu bò để phát
triển nền sản xuất nông nghiệp, bỏ tiền kho để chuộc các cô gái
nhà nghèo bị gán nợ cho nhà giàu làm tôi tớ, rồi gả chồng cho họ
-- đúng với tinh thần "bố thí" của Phật giới...
-
Như vậy, đại Phật nói chung và Phật Giáo Việt Nam nói riêng đâu
phải là "tiêu cực", "xuất thế" như đã có lúc nhiều người mê lầm,
tưởng bậy, mà có đủ tinh thần "nhập thể" dấn thân tích cực cứu
đời. Biết bao nhiêu vụ -- mà chỉ xin phép kể một vị điển hình :
Thượng sĩ Tuệ Trung (Trần Quốc Tung sinh năm 1230), "ngọn đèn tổ
của Phật Hoàng" (Trần Nhân Tông) thời bình thì mặc áo cà sa ở
chùa núi, lúc có giặc Nguyên-Mông thì khoác áo tướng quân đi dẹp
giặc, giặc lui thì cởi "giáp binh" trở về chùa núi... đạt tới
tột cùng "Phật đẳng hằng sa"...
-
Đạo Phật, cũng như bất cứ tôn giáo lớn nào khác đều có Giáo chủ
(Phật), có giáo lý (Pháp), và các vị tinh thông giáo lý kinh
điển và nhất là có đạo đức cao cả để hoằng dương giáo lý mà đức
giáo chủ khởi xướng (Tăng). Còn ở dưới người dân theo Phật Giáo
đều gọi chung là Phật tử (con cái đức Phật).
-
Ngay một số tăng, như đại sư Tô Huệ Năng của thiền phái Nam Tông
- người Việt phương Nam, không biết chữ, vào chùa chỉ chuyên đi
gánh nước giã gạo xay thóc -- đâu có giỏi chứ, giỏi giáo lý như
Tổ Thần Tú của thiền phái Bắc Tông (Bắc Trung Hoa) song ở thế kỷ
VII lại được coi là vị tổ chính, phát huy tính chất thiền.
-
Thiền Phật vốn phóng khoáng, cởi mở, tự do, dung nạp mọi tín
ngưỡng, cổ tích dân gian (như Kinh Bách Dụ), dung nạp cả tín
ngưỡng thờ mẹ (mẫu) của dân gian nước Việt, nào chùa Man Nương
(Mãn Xá), nào chùa Bà Dâu, Bà Đậu (Hà-Bắc, Hà Tây), Bà Nành, Bà
Ngô (Hà Nội), đã biến đổi từ Đức Bồ Tát Quán Âm (Avalokitesvara)
của Ấn Độ (theo truyền thống Ấn Độ là đàn ông) thành Phật Bà
Quán Âm, thành Bà
-
Chúa Bà của Chùa Hương Tích "Nam Thiên Đệ Nhất Động", thành Bà
Quán Âm Thị Kính của Phật Giáo dân gian Việt Nam v.v.... Và
trong khuôn viên nhiều ngôi chùa nổi tiếng như chùa Keo (Thái
Bình), chùa Tổng (La Phú), chùa Thày (Sài Sơn), chùa Láng (Hà
Nội) v.v... đều được xây theo kiểu kiến trúc "tiền Phật hậu
Thánh" hay thậm chí "tiền Thần hậu Phật". Có sao đâu ? Vì Phật
giáo vốn "dung Tam Giáo" (1) thậm chí còn có lý thuyết "Tam giáo
đồng nguyên") ba tôn giáo ấy cùng chung một cội nguồn). Xưa nay
trong lịch sử Việt Nam, chỉ thấy nhà Nho bài Phật (rồi về già
lại hối hận như Trương Hán Siêu đời Trần) song các bậc đạo Nho
như Nguyễn Trãi, Lê Quý Đôn, Trạng Trình, Trạng Bùng (Phùng Khắc
Khoan, quê Phùng Xá, Hà Tây), cụ Tam Nguyên Yên Đổ Nguyễn Khuyến
v.v... là đều chống gậy lên chùa thăm các sư, đàm đạo giáo lý và
việc đời cùng các sư. Lý Thánh Tông là đệ tử của Thiền sư Thảo
Đường song lại chính là người sai xây dựng Văn Miếu thờ đức
Khổng Tử. Còn con ông cùng đức Bà Ỷ Lan là vua Lý Nhân Tông, rất
sùng Phật nhưng lại là người tổ chức kỳ thi Nho giáo đầu tiên ở
nước ta (1075). Thí dụ còn nhiều lắm, kể sao cho xiết.
-
Phật và đạo Phật là rộng lượng, bao dung, Lý Nhân Tông ca ngợi
Thiền sư Giác Hải ("Giác Hải tâm như biển") và cả chân nhân đạo
sư Thông Huyền ("Thông Huyền đạo rất huyền") vì cả hai đều thần
thông và biến hóa như "Một Phật, một thần tiên".
-
Chùa không phải chỉ là nơi dân đến cúng dường đức Phật cùng chư
vị Bồ Tát... Theo bài văn bia của Trần Minh Tông khắc trên núi
Non Nước (Ninh Bình) thì các ngôi chùa thời ấy còn là nơi trồng
cây thuốc Nam, mở y viện ngay trong khuôn viên chùa để chữa bệnh
cứu dân.
-
Chùa có giống cây trồng nào mới thì lại "bố thí" cho chúng sinh
Phật tử đem về nhà, về làng trồng gây giống, truyền bá cho toàn
dân như cây mít, cây hoa dại, cây bồ đề v.v...
-
Người dân -- nhất là người đàn bà Việt
Nam
-- sống ở đời theo phép ứng xử : "Trẻ vui nhà, già vui chùa".
Lúc còn trẻ, phải gáng giang sơn nhà chồng, "ghé vai gánh vác
sơn hà" cùng nam giới, vả lại theo giáo lý của thiền phái Bách
Trượng thì ai ai cũng phải lao động, làm lấy mà ăn, còn dư thì
bố thí cho người nghèo, người tàn tật, cúng dường cho chùa, đền,
miếu... Khi về già, con cái đã trưởng thành, ở riêng, ăn riêng
và còn biết phụng đường bố mẹ già để mẹ già được nghỉ ngơi, lên
chùa, cúng Phật, cầu nguyện cho con cháu cùng đất nước an lạc,
thái bình.
-
Vả
lại thiền tông chủ trương "Tâm tức Phật, Phật tức tâm". Dân gian
ta thường nói "Phật tại tâm" (Phật ở trong lòng mình) cũng như
nhà đại thi hào Nguyễn Du trong truyện Kiều đã tổng kết vô cùng
chí lý "Thiện căn ở tại lòng ta, chữ Tâm kia mới bằng ba chữ
tài". Cho nên dân gian Việt Nam, với lối nói bóng bẩy, ngoa dụ
đã dám bảo rằng : "Thứ nhất tu tại gia, thứ nhì tu chợ, thứ ba
tu chùa", "Dù xây chín đợt phù đồ (2), không bằng làm phúc cứu
cho một người".
-
Trong ba vị tam thánh (ba đại thiền sư đời Lý) được thờ ở chùa
Tổng (Thiện Hưng tự, La Phù, Hà Tây) và ở nhiều nơi khác, thì
ngài Từ Đạo Hạnh hào hiệp, phóng khoáng, kết bạn thân với nho sĩ
Phí Sinh, đạo sĩ Lê Toàn Nghĩa, và người kép hát là Vĩ Ất. Ban
đêm miệt mài đọc sách, ban ngày thổi sáo, đá cầu, vu chơi (3).
Tu Phật đâu cần làm ra vẻ nghiêm trang hình thức, các sư có thể
chơi với người mà quan niệm chính thống khi ấy coi là "xướng ca
vô loài".
-
Thiền sư Giác Hải từ nhỏ làm nghề đánh cá, thường lấy thuyền làm
nhà, lênh đênh trên sông biển (4). Thiền sư Không Lộ nhà mấy đời
làm nghề đánh cá sau ngài "cùng đạo hữu là Giác Hải đi vân du
cõi ngoài" (5). Quốc sư Minh Không (trong truyền thuyết dân gian
và một số thư tịch cổ có sự trình bày lẫn lộn giữa Minh Không và
Không Lộ, còn gọi là "Khổng Lồ", "Khổng Minh Không", cũng làm
nghề đánh cá, chữa bịnh cuồng (hóa hổ) cho vua Lý Thần Tông. Cả
ba (5) vị đại thiền sư này đều tu đường (đi chơi), đi chợ (dấu
kín tông tích, ăn rau mặc lá, vui chơi thoải mái mà kỳ lạ thay
đều đắc đạo ("đốn ngộ" thành Phật) trước khi về tu hẳn trong
những ngôi "chùa làng" (đất của Vua, chùa của Làng, lời dân gian
Việt Nam).
-
Trên đây là mấy "lời quê góp nhặt dông dài" của kẻ còn lấm lem
nơi gió bụi Đất Trời, không có được cơ duyên về (quy) "ăn mày
cửa Phật".
-
Kính xin Hòa thượng, Thượng tọa, Đại đức, cùng thể Tăng Ni, Phật
tử tỉnh Hà Tây cùng cả nước "mở lượng hải hà" rộng dung và xá
tội cho.
-
Nam mô A Di Đà Phật
-
Nam mô Quán Thế Âm Bồ Tát.
-
-
Ghi chú:
-
(1) Vua Lý Nhân Tông (1072-1128) có bài kệ truy tán Thiền sư Vạn
Hạnh (viên tịch năm 1018) câu mở đầu là : "Vạn Hạnh dung tam
tế", có người dịch là "Vạn Hạnh dung ba cõi" (hay dung ba giáo).
-
(2) Tức xây tháp chín tầng để cúng dường đức Phật, nhà chùa.
-
(3) (4) (5) Xem Thuyền Uyển Tập Anh trang 105, 18, 197, 213.
-
(Bài nói chuyện tại trường Cơ Bản Phật Học Hà Tây,
ngày 24-5-1992).
--o0o--
|
|