PHẬT GIÁO VIỆT NAM

(VẠN PHÚC TỰ)
 
Chùa Phật Tích có tên là Vạn Phúc Tự - nguyên tên ban đầu là Thiên Phúc Tự - nằm trên sườn núi Lạn Kha, xã Phật Tích, huyện Tiên Du; nay là xã Phượng Hoàng, huyện Tiên Sơn, tỉnh Hà Bắc.
Từ Hà Nội muốn đến thăm chùa, du khách có thể đi bằng ô tô hoặc các phương tiện sẵn có theo hai đường: một đường theo tả ngạn sống Đuống, đi dọc bờ đê chừng 15km, sau đó có lối rẽ trái 1km nữa thì đến chùa. Một đường chạy qua núi Lim rẽ về bên phải đi khoảng 15km thì đến làng Phật Tích rồi vào chùa. Chùa ở sát làng, nhìn ra sông Đuống, chỉ cách bờ đê 1km.
Theo văn bia Vạn Phúc Đại Thiền Tự Bi năm Chính Hòa thứ bảy (1686), "Vua thứ ba triều Lý (tức Lý Thánh Tông) vào năm Long Thụy Thái Bình thứ tư (1057) cất lên cây tháp quí ngàn trượng, lại dựng pho tượng mình vàng cao sáu thước, cấp cho hơn trăm thửa ruộng, xây chùa hơn trăm tòa". Tấm bia này còn ca ngợi vẻ đẹp của cảnh chùa: "Đoái trông danh thắng đất Tiên Du, danh sơn Phật Tích, ứng thế ở Càn phương (hướng Nam) có núi Phượng Lĩnh bao bọc? Phía tả Thanh Long nước chảy vòng quanh. Phía hữu Bạch Hổ núi ôm, trên đỉnh nhà khai bàn đá?".
Năm 1071, vua Lý Thánh Tông đã đến thăm chùa, chính tay nhà vua viết chữ "Phật" dài một trượng sáu thước và khắc vào bia đá để dựng trước chùa. Sang đời Trần, chùa đổi tên là Vạn Phúc. Vua Trần Nghệ Tông cho dựng điện Bảo Hòa và thư viện Lạn Kha ở gần chùa. Theo Đại Nam Nhất Thống Chí, năm 1384 Vua đã mở kỳ thi Thái học sinh ở chùa này.
Năm Chính Hòa thứ bảy đời vua Lê Hy Tông (1686), chùa được xây dựng lại với qui mô đồ sộ và có giá trị nghệ thuật cao. Người có công trong việc xây dựng này là Bà Chúa Trần Ngọc Am - đệ nhất cung tần của Chúa Thanh Đô Vương Trịnh Tráng, khi Bà đã rời phủ Chúa về tu ở chùa này. Văn bia Vạn Phúc Đại Thiền Tự Bi có ghi: "Trên đỉnh núi mở ra một tòa nhà đá, sáng như ngọc lưu ly? Trên thềm đằng trước có bày mười con thú, phía sau có ao rộng. Gác cao vẽ chim phượng và sao Ngưu Đẩu sáng lấp lánh. Lầu rộng, tay rồng với tới trời sao, cung Quảng vẽ hoa nhụy hồng?".
Chùa xây theo kiểu "Nội công ngoại quốc", có đến hơn trăm gian, trước chùa có ngọn "tháp dựa mây xanh vút vút tầng" như Nguyễn Xướng đã miêu tả trong bài thơ Tiên Du Vạn Phúc Tự. Đằng sau chùa có long từ, thạch thất có nơi giảng kinh. Bên cạnh chùa là miếu Tiên chúa thờ bà Trần Ngọc Am, có câu đối "Đệ nhất cung thần quy Phật địa. Thập tam đình vũ thứ tiên hương".
Trong chiến tranh chống Pháp, quân đội viễn chinh đã tàn phá chùa Vạn Phúc. Ngày nay ngôi chùa cũ còn lại di tích là ba bậc nền bạt vào sườn núi, hình chữ nhật, mỗi nền dài khoảng 60m, rộng khoảng 33m. Nơi đây những năm 1949-1941, các nhà khảo cổ học đã tìm thấy những viên gạch lớn ghi rõ niên hiệu Long Thụy Thái Bình năm thứ tư (1057) và Chương Thánh Gia Khánh năm thứ bảy (1065). Trong các tác phẩm điêu khắc cổ, còn lưu lại 5 cặp tượng sư tử, tê giác, voi, trâu, ngựa nằm trên bệ hoa sen tạc bằng những phiến đá lớn, cao khoảng 2m. Ngoài ra còn có đá ốp tường, đấu kê, chân tảng chạm khắc các hình rồng, nhạc công, vũ nữ?
Tên chùa Phật Tích gắn liền với tượng Phật - một tác phẩm điêu khắc nổi tiếng hiện được thờ phụng trong ngôi chùa nhỏ mới xây sau này. Tương truyền rằng xưa kia có lần ngọn tháp của chùa bỗng đổ sụp, để lộ ra pho tượng này. Từ đó xóm Hỏa Kê (gà lửa) cạnh chùa đổi tên thành thôn Phật Tích. Tượng Phật này bằng đá cao 1,85m, cả bệ là 3m. Tượng tạng đức Phật đang ngồi thiền định trên tòa sen, bệ tượng tạc hình rồng và hoa lá. Tượng có nét mặt thanh tú, dáng thanh thoát từ bi, đường nét chạm rất tỉ mỉ và công phu.
Các địa danh Lạn Kha, Tiên Du còn gợi lên những huyền thoại người gặp tiên được lưu truyền mấy ngàn năm nay. Lạn Kha có nghĩa là cán búa nát, ghi lại tích Vương Chất lên núi đốn củi gặp hai vị tiên đánh cờ, mải mê xem không hay rằng cán búa bị mục nát vì thời gian trên trần thế đã trôi qua đến bảy đời rồi. Trên núi Lạn Kha này còn có tảng đá vuông, mặt phẳng lì gọi là bàn cờ tiên.
Còn Tiên Du nhắc nhở sự tích quan tri huyện Từ Thức đi xem hội hoa mẫu đơn, gặp Giáng Tiên bị bắt trói vì tội hái trộm hoa. Từ Thức bèn cởi áo xin tha cho tiên nữ. Sau Từ Thức từ quan đi du ngoạn các danh lam thắng cảnh, đến động núi ở cửa biển Thần Phù gặp lại Giáng Tiên. Do tích này, trước đây chùa Phật Tích mở hội Hoa Mẫu Đơn hàng năm vào ngày mồng bốn tháng giêng để nhân dân xem hoa và các văn nhân thi sĩ bình thơ.
 Trong Ức Trai Thi Tập, Nguyễn Trãi có bài thơ vịnh cảnh chùa Phật Tích:
Đoản trạo hệ tà dương
Thông thông yết thượng phương
Vần quy thiền sáp lãnh
Hoa lạc giản lưu hương
Nhật mộ viên thanh cấp
Sơn không trúc ảnh trường
Có trung chân hữu ý
Dục ngữ hốt hoàn vương.
Nghĩa là:
Bóng xế thuyền con buộc
Vội lên lễ Phật đài
Mây về giường sãi lạnh
Hoa rụng suối hương trôi
Chiều tối vượn kêu rộn
Núi quang, trúc bóng dài
Ở trong dường có ý
Muốn nói bỗng quên rồi.
(Đào Duy Anh dịch)
--o0o--