PHẬT GIÁO VIỆT NAM

(TRẤN BẮC TỰ)
 
Từ vườn Bách Thảo qua đường Hoàng Hoa Thám sẽ đến một trong những con đường thơ mộng nhất của thủ đô Hà Nội: đường Cổ Ngư, ngày nay là đường Thanh Niên, nằm giữa hai hàng cây và hai hồ nước xanh lặng sóng. Hai hồ này ngày xưa chỉ là một với nhiều tên: Xác Cáo, Kim Ngưu (Trâu Vàng), Lãng Bạc (Sóng lớn), Dâm Đàm (đầm Mù Sương). Cách đây 400 năm, người ta đắp con đường Cố Ngự (nghĩa là cố giữ vững, sau đọc chệch thành Cổ Ngư) ngăn đôi hồ này: hồ nhỏ là Trúc Bạch, hồ lớn là hồ Tây.
Với diện tích 466ha, chu vi 17km, chung quanh có nhiều đền chùa, thắng cảnh, hồ Tây đã là nguồn cảm hứng của nhiều thi sĩ. Vào thế kỷ XVIII, Nguyễn Đức Quý đã có thơ vịnh Tây Hồ:
Thuyền chứa nguyệt đài ngần ánh tuyết
Viện lồng hoa diệp biếc đầm sương
Sen xanh in trúc lung lay nguyệt
Vầng biếc hoa mai phảng phất hương.
 Bài Phú tụng Tây Hồ của Nguyễn Huy Lượng là một áng văn nôm trác tuyệt đậm đà bản sắc dân tộc, thi hứng ngợi ca hùng khí triều đại Tây Sơn hòa trong cảm hứng trước vẻ đẹp hồ Tây.
Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn trong một chiều thu Hà Nội đã bắt gặp dưới ánh hoàng hôn hồ Tây hình ảnh "mặt nước vàng lay bờ xa mờ gọi, màn sương thương nhớ, bầy sâm cầm nhỏ vỗ cánh mặt trời" và đã sáng tác nên một ca khúc thật đẹp.
Từ con đường Cổ Ngư có lối dẫn vào một doi đất nằm bên mép hồ Tây, hình qui nên gọi là bãi Rùa, còn có tên là bãi Kim Ngư (Cá Vàng). Chính trên bãi đất này các vua nhà Lý đã dựng cung Thúy Hoa làm nơi nghỉ mát, các vua nhà Trần dựng điện Hàm Nguyên để ra vân cảnh. Nền cũ của cung và điện này ngày nay là vị trí của ngôi chùa vào loại cổ nhất nước ta: chùa Trấn Quốc.
Chùa này nguyên trước là chùa Khai Quốc (Mở Nước) khai sáng từ triều Lý Nam Đế (544 - 548) ở ngoài bãi sông Hồng, phía Đông Bắc phường Yên Hoa tức Yên Phụ, gần cầu Long Biên bây giờ. Tại chùa Khai Quốc, dưới triều Lý Nhân Tông, Thái hậu Ỷ Lan đã từng mở tiệc chay thết đãi các vị cao tăng. Bà cũng thường lui tới chùa cùng chư tăng đàm đạo.
Đến đời Lê Thái Tông (1434 - 1442) chùa được đổi tên là chùa An Quốc. Hàng năm nước sông Hồng lên to xói mòn làm lở bờ sông. Vì vậy, năm 1615, vào đời vua Lê Kính Tông, dân làng Yên Phụ dời chùa vào gò đất Kim Ngư. Dưới triều vua Lê Hy Tông (1676 - 1705) chùa mới được đổi tên là Trấn Quốc, bức hoành phi mang chữ "Trấn Quốc Tự" treo ở gian nhà đại bái hiện nay được làm từ lúc đó. Thời Lê-Trịnh, nơi đây được chọn làm hành cung Trấn Quốc dành cho vua chúa nghỉ ngơi khi dạo chơi hồ Tây. Năm 1842, vua Thiệu Trị đến thăm chùa đổi tên thành Trấn Bắc, nhưng nhân dân vẫn quen gọi tên cũ là chùa Trấn Quốc.
Chùa Trấn Quốc không chỉ tự hào về bề dày của lịch sử xây dựng mà còn về các vị cao tăng và danh nhân đã gắn bó với ngôi chùa. Các Thiền sư và Pháp sư Vân Phong, Khuông Việt, Thảo Đường, Thông Biện, Viên Học, Tịnh Không, Trần Tú Uyên đều thụ giáo hoặc tu trì ở chùa này. Năm 580, Thiền sư Ti-ni-đa-lưu-chi từ Ấn Độ sang Việt Nam cũng đã dừng chân tại đây một thời gian.
Năm 1069, vua Lý Thánh Tông đem quân sang đánh Chiêm Thành, bắt cả vua Chiêm là Chế Củ và một số tù nhân, trong đó có một vị sư rất am hiểu kinh pháp đạo Phật. Truy nguyên ra mới biết đó là Thiền sư Thảo Đường. Lý Thánh Tông phong Thảo Đường chức Quốc sư và mời Ngài trụ trì chùa Khai Quốc, từ đó mở ra Thiền phái Thảo Đường ở nước ta. Chùa cũng là Tổ đình của Thiền phái Tào Động truyền ở Việt Nam đời Hậu Lê.
Từ khi dời vào bãi Cá Vàng, chùa Trấn Quốc đã nhiều lần được kiến thiết và trùng tu. Năm 1624, dưới triều vua Lê Thần Tông, tòa Tam bảo, tòa thiêu hương và tiền đường được xây dựng. Đến năm 1639, xây thêm tam quan, hậu đường và hành lang tả hữu. Ở hiên phải nhà đại bái hiện còn tấm bia ghi lại việc trùng tu này do Trạng nguyên Nguyễn Xuân Chính lập.
Sau một thời gian bị chiến tranh tàn phá, theo nội dung tấm bia do Tiến sĩ Phạm Quí Thích dựng năm 1815, thì từ năm 1813 đến năm 1815, chùa Trấn Quốc lại được Sư trụ trì là Khoan Nhân tổ chức trùng tu lại chính điện, nhà thiêu hương, tiền đường, hành lang, gác chuông, hậu đường, đồng thời đắp tượng Phật và đúc chuông lớn. Chùa Trấn Quốc là một trong số rất ít những ngôi chùa ở miền Bắc có pho tượng Thích-ca nhập niết bàn bằng gỗ thếp vàng rất đẹp.
Ngay cổng chùa có hai câu đối:
Vang tai xe ngựa qua đường tục
Mở mặt non sông tới cửa Thiền
Trước cửa chùa lại thêm hai câu đối trên hai cột:
Trải bao phen gió Á mưa Âu, trơ đá vững đồng, chót vót cột trời chùa Trấn Quốc.
Riêng một thú hoa đàm đuốc tuệ, sớm chuông chiều trống, thênh thang cửa Phật cảnh Tây Hồ.
Trong vườn chùa, cùng với những cây cổ thụ sum suê tỏa bóng mát, có một cây bồ đề được chiết cành từ cội bồ đề, nơi 25 thế kỷ trước đức Phật Thích-ca thành đạo, do Tổng thống Ấn Độ R. Prasat mang sang Việt Nam tặng năm 1958.
Cảnh thiên nhiên tĩnh mịch bao quanh chùa giữa mùa sen nở trắng, hồng trên mặt nước hồ Tây dễ gợi lên cho con người không khí hoài cổ từng được lưu giữ trong những dòng thơ của Bà Huyện Thanh Quan:
Trấn Bắc hành cung cỏ dãi dầu
Chạnh niềm cố quốc nghĩ mà đau
Mấy tòa sen tỏa hơi hương ngự
Năm thức mây phong nếp áo chầu!
--o0o--