PHẬT GIÁO VIỆT NAM

(ĐẠI BI TỰ)
 
Chùa Kim Liên được dựng trên một dải đất ven hồ Tây về phía Bắc, sát chân đê Yên Phụ, nước hồ bao quanh, tựa như một hòn đảo. Từ phía xa, đi trên mặt đê ta đã trông thấy mái chùa màu xám rêu và những ngọn tháp vươn lên giữa những bụi tre xanh thấp thoáng quanh chùa. Hai trăm năm trước, cảnh quan này đã được Phạm Đình Hổ ghi lại trong Tang Thương ngẫu lục: "Chùa xoay lưng ra sông Nhị Hà, Hồ Tây diễu quanh ở trước mặt, khói sóng man mác, trời nước một màu? Đằng phía tả có mấy cái gò, xen lẫn vào trong khoảng nước hồ, tháp gạch xây ở trên, khóm trúc cội tùng phơ phất?".
Chùa nằm trên địa phận huyện Nghi Tàm, xã Quảng An, huyện Từ Liêm, thành phố Hà Nội, nên còn được gọi là chùa Nghi Tàm. Xưa kia đây nguyên là chùa Đống Long, dựng từ thời nhà Trần (1225 - 1413) trên nền cũ của cung Từ Hoa có từ thời nhà Lý. Tương truyền rằng Công chúa Từ Hoa con vua Lý Thần Tông (1128 - 1138) đã đem cung nữ đến mảnh đất này trồng dâu nuôi tằm, mở ra trại Tàm Tang, sau đổi tên thành Tích Ma, rồi phường Nghi Tàm. Năm 1639, dưới triều vua Lê Thần Tông, chùa được tu sửa lại, gọi là chùa Đại Bi. Một bia dựng bên tả sân chùa do Ngô Độn Phu soạn có khắc năm chữ to: Trùng tu Đại Bi Tự. Một tấm bia dựng ở bên tả trong tiền đường do Bùi Huy Cận soạn cũng khẳng định chùa vốn tên là Đại Bi. Đến thời vua Lê Dụ Tông, niên hiệu Bảo Thái (1720 - 1728) có vị Hòa thượng tên là Huệ, nguyên là nội thị của Chúa Trịnh Uy Vương, đến tu tại đây. Năm 1771 Chúa Trịnh Sâm sai dỡ chùa Bảo Lâm về tu bổ chùa này và đổi tên là Kim Liên. Việc này được ghi lại trong tấm bia do quan Đại học sĩ Phan Trọng Phiên lập. Vào năm 1792 chùa lại được đại tu. mang dấu ấn nghệ thuật kiến trúc thời Tây Sơn. Lần tu sửa gần đây nhất kéo dài từ năm 1983 đến năm 1987 đã phục hồi lại diện mạo ngôi chùa 200 năm trước đây.
Chùa Kim Liên gồm ba nếp nhà: chùa hạ, chùa trung và chùa thượng, xếp song song theo kiểu chữ "Tam". Cột xà kiên cố, chạm khắc tinh vi, tường xây gạch cổ dày, không trát vữa. Mỗi nếp nhà có hai tầng mái, kiểu chồng diêm, lớp ngói cổ, với bốn góc đao uốn cong có gắn đầu phượng. Cổng tam quan là một kiến trúc độc đáo bằng gỗ, đượm dáng vẻ cung đình, với những bức chạm nổi trên mặt gỗ hình rồng, hoa văn hết sức tinh xảo.
Trong chùa còn lưu giữ đủ các tượng Phật và tượng Bồ-tát. Đặc biệt có pho tượng tạc hình một người trung niên, râu ba chòm, mặc áo văn lĩnh, đầu đội mũ miện, tay cầm hốt ở tư thế đứng. Theo Phạm Đình Hổ, thì tương truyền rằng đó là tượng chân dung Uy Nam Vương Trịnh Giang.
--o0o--