PHẬT GIÁO VIỆT NAM

(SÙNG PHÚC TỰ)
 
Cách Hà Nội 37km về hướng Tây, ở thôn Yên, xã Thạch Xá, huyện Thạch Thất, tỉnh Hà Tây có một quả núi cao khoảng 50m nằm trên một địa thế rất đẹp: giữa một rừng cây cối tre trúc xanh rờn che kín những mái nhà tranh ẩn trên sườn núi.
Đó là núi Câu Lậu. Có tài liệu cho rằng sở dĩ ngọn núi này có tên như vậy vì hình nó cong cong như chiếc lưỡi câu. Nhưng xét về từ nguyên học, thì tên núi theo âm cổ vốn là "Klâu", nghĩa là núi Trâu, về sau có sách vở ghi theo âm chữ Hán là Câu Lậu. Người ta sẽ hiểu được điều này khi đứng từ xa nhìn ngọn núi này kết hợp với các ngọn đồi vùng Kim Quan tạo thành một dãy núi đồi chạy dài từ Ba Vì xuống giữa đồng bằng, trông chẳng khác nào một đàn trâu mà núi Câu Lậu là con trâu mẹ đang quay đầu nhìn lại đàn con.
Từ chân núi Câu Lậu, leo lên 239 bậc đá ong, chúng ta sẽ đứng trước cổng danh lam thuộc loại tiêu biểu về nghệ thuật kiến trúc và điêu khắc ở nước ta: Chùa Tây Phương, tên chữ là Sùng Phúc Tự, còn có tên khác là Hoành Sơn Thiếu Lâm Tự.
Năm 1632, vào đời vua Lê Thần Tông, chùa xây dựng thượng điện 3 gian và hậu cung cùng hành lang 20 gian. Khoảng những năm 1657 - 1682, Tây Đô Vương Trịnh Tạc lại cho phá chùa cũ, xây lại chùa mới và tam quan. Đến năm 1794 dưới thời Tây Sơn, chùa lại được đại tu hoàn toàn với tên mới là "Tây Phương Cổ Tự" và hình dáng kiến trúc còn để lại như ngày nay.
Bia chùa Tây Phương lập năm 1924 có ghi lại sự việc "Sadi Thiết Tử, tên tự là Thanh Ngọc, quê làng Cao Xá, huyện Đan Phượng, tỉnh Hà Đông, xuất gia từ nhỏ, đến năm 1893 đến ở chùa Sùng Phúc tức chùa Tây Phương núi Câu Lậu. Vùng núi này là nơi danh lam thắng cảnh tích phát anh tài, hương thiền phảng phất. Vì vậy các thân hào kỳ lý trong xã họp lại nhất trí tu tạo và sửa sang 3 tòa tự vũ, nhiều lần chấn chỉnh, đồng thời tạc tượng Quan Âm trăm tay cùng tượng Thiện Tài Long Nữ. Cũng trong thời gian này còn tạc thêm tượng Bát bộ Kim Cương, Thập bát La-hán vàng son lộng lẫy?".
Chùa gồm 3 nếp nhà làm bằng gỗ lim rắn chắc xếp theo hình chữ "Tam": tòa bái đường, tòa chính điện và tòa hậu cung. Ba tòa nhà này cách nhau 1,60m, tạo nên một nhịp điệu kiến trúc độc đáo. Hệ thống cửa sổ hứng lấy ánh sáng lung linh từ bên ngoài, tạo cho nội thất một khung cảnh thoát tục, phù hợp với triết lý sắc sắc không không của nhà Phật.
Mỗi nếp chùa có hai tầng mái kiểu chồng diêm, tám mái và tám góc là các đầu đao vươn lên cong vút với những đường nét nổi lên hình hoa, lá, rồng, phượng. Vật liệu xây chùa chủ yếu là gạch Bát Tràng để trần, các cột gỗ đều kê trên tảng đá xanh tròn khắc hình cánh sen. Mái lợp gồm hai lớp ngói: lớp trên là ngói đầu mũi đúc hình lá đề nổi, lớp dưới là ngói lót hình vuông sơn ngũ sắc. Xung quanh diềm mái của ba tòa nhà đều chạm trổ tinh tế theo hình lá triện cuốn, trên mái gắn nhiều con giống bằng đất nung.
Khắp chùa hầu như chỗ nào có gỗ là có chạm trổ những hình tượng trang trí quen thuộc của dân tộc ta: hình lá dâu, lá đề, hoa sen, hoa cúc, rồng, phượng, hổ phù? rất tinh xảo.
Du khách đến thăm chùa Tây Phương chưa hết bàng hoàng trước vẻ đẹp hoành tráng của kiến trúc thì lại càng sửng sốt khi chiêm ngưỡng thế giới sinh động của 72 pho tượng gỗ sơn son thếp vàng. Trên đất nước ta không ở đâu có được một phòng triển lãm tuyệt vời và độc đáo như thế với nghệ thuật điêu khắc tôn giáo nhưng lại phản ánh những đặc điểm dân tộc của con người Việt Nam. 72 pho tượng gỗ của chùa Tây Phương là 72 công trình nghệ thuật đích thực, mỗi pho tượng biểu hiện không chỉ cuộc đời, tính cách mà cả thế giới tâm linh của các vị Phật, Bồ-tát và La-hán?
Hệ thống tượng ở chùa Tây Phương gồm:
1- Bộ tượng Tam Thế với ba pho tượng Phật: Quá khứ, Hiện tại, Vị lai (còn gọi là Tam thân: Pháp thân, Ứng thân và Hóa thân) ngồi ở tư thế tọa thiền, y phục gập nếp đơn giản phủ kín cơ thể.
2- Bộ tượng Di-đà Tam Tôn: gồm tượng đức Phật A-di-đà, đứng hai bên là Bồ-tát Quan Âm và Bồ-tát Thế Chí.
3- Tượng Tuyết Sơn miêu tả đức Phật Thích-ca trong thời kỳ tu khổ hạnh: mỗi ngày ăn một hạt kê, một hạt vừng, tự hành xác để vươn lên thế giới tinh thần sáng láng. Tượng màu đen thẫm khoác áo cà sa mỏng, tay chân gầy khẳng khiu, xương nổi lên trước ngực. Toàn bộ cơ thể chìm trong suy tưởng, mắt trũng sâu, hướng về nội tâm.
4- Tượng đức Phật Di-lặc tượng trưng cho vị Phật của thế giới cực lạc tương lai. Người mập mạp, ngồi hơi ngả về phía sau, toàn thân toát ra sự thỏa mãn, sung sướng.
5- Tượng Bồ-tát Văn-thù: đứng chắp tay, chân đi đất, các ngón chân bấm móng xuống mặt bệ.
6- Tượng Bồ-tát Phổ Hiền: chắp tay trước ngực, khuôn mặt sáng rộng nổi lên trên tấm thân phủ đầy y phục.
7- Tượng Bát bộ Kim Cương, thể hiện trình độ rất cao về nghệ thuật lắp ghép gỗ và cách bố cục, chuyển động của một thân thể mang giáp trụ trong các thế võ.
8- Mười sáu pho tượng Tổ với phong cách hiện thực: Đó là Ưu-ba-cầu-đa, Đê-đa-ca, Di-trà-ca, Ba-tu-mật, Phật-đà Nan-đề, Phục-đa-mật-đa, Hiếp Tôn giả, Phương Nam Hòa Tu, Mã Minh, Ca-tỳ-ma-la, Long Thụ Tôn giả, La-hầu-la-đà, Tăng-già Nan-đề, Già-gia-xá-đa, Cưu-ma-la-đa, Chà-dạ-đa.
Thế giới tượng trong nội thất chùa Tây Phương đã từng là nguồn cảm hứng cho nhiều văn nhân, nghệ sĩ . Năm 1960, nhà thơ Huy Cận đến thăm chùa, đã làm những câu thơ rất sống động và gợi cảm về hình tượng những con người đắc đạo mà lòng vẫn trầm ngâm suy tưởng về những khổ đau quần quại của chúng sinh. Những pho tượng sống động này phản ánh những sự tích của nhà Phật, đồng thời biểu hiện thế giới tinh thần của những nghệ nhân đã sáng tạo ra. Tất cả những bộ phận trên cơ thể đều mang dấu vết của nỗi đau trần thế: mắt giương, mày nhíu xệch, trán như nổi sóng, môi cong chua chát, bàn tay cân vặn, đôi tai rộng dài ngang gối nghe đủ chuyện buồn vui của đời người. Tất cả các giác quan của con người như đều căng lên trong từng thớ gỗ:
Các vị ngồi đây trong lặng yên
Mà nghe giông bão nổ trăm miền
Như từ vực thẳm đời nhân loại
Bóng tối đùn ra trận gió đen.
Từ những biểu hiện sinh động đó của nỗi đau đời thương người, nhà thơ rút ra một nét đặc trưng chung của các vị: niềm băn khoăn, day dứt trước lẽ tử sinh, ý nghĩa và hướng đi của cuộc đời. Câu hỏi đè nặng tâm hồn các vị không tìm lấy sự giải thoát cho riêng mình mà tìm sự giải thoát cho cả chúng sinh.
Mặt cúi, mặt nghiêng, mặt ngoảnh sau
Quay theo tám hướng hỏi trời sâu
Một câu hỏi lớn. Không lời đáp
Cho đến bây giờ mặt vẫn chau.
Câu hỏi đó không chỉ ám ảnh những con người sống trong buổi hoàng hôn của một thế kỷ chìm trong đau thương, mà vẫn còn là nỗi băn khoăn day dứt khôn nguôi của con người trên con đường đến Chân - Thiện - Mỹ.
--o0o--