|
PHẬT GIÁO VIỆT NAM
-
(PHÚC LÂM TỰ)
-
-
Tọa
lạc ở phố Dư Hàng, phường Hồ Nam, quận Lê Chân, đây là ngôi chùa
cổ nổi tiếng ở thành phố Hải Phòng. Chùa có tên chữ là Phúc Lâm
Tự, lúc đầu chỉ dựng bằng tre lá. Tương truyền vào đời Trần, Giác
Hoàng Điều Ngự Trần Nhân Tông và Thiền sư Huyền Quang vẫn thường
đến dây thuyết giảng đạo pháp. Đến đời Lê Gia Tông, năm 1672, quan
Đô úy Nguyễn Đình Sách từ quan xuất gia, lấy đạo hiệu là Chân
Huyền, thấy cảnh chùa đổ nát, mới đứng ra vận động nhân dân sửa
chùa. Đến đời vua Thành Thái, Hòa thượng Thông Hạnh tự Phúc Nguyên
thuộc phái Vĩnh Nghiêm đã trùng tu mở rộng chùa, xây gác chuông.
Năm 1917 chùa lại được sửa sang một lần nữa với quy mô như ngày
nay.
-
Chùa
Dư Hàng được xây dựng theo kiểu "Đinh", có cổng tam quan ba tầng
mái cao vút. Một chuông lớn được treo trên gác chuông năm gian hai
tầng, mái cong. Qua gác chuông là một sân rộng có đặt một đỉnh lớn
và tượng Bồ-tát Quán Thế Âm. Tiền đường gồm bảy gian dựng theo
kiểu vì kèo giá chiêng; bên phải là năm gian nhà tổ, nhà trai và
nhà ngang; còn bên trái là năm gian nhà hậu. Năm gian thượng điện
cũng được dựng bằng gỗ có những vì kèo được chạm trổ tinh tế.
-
Chính điện có nhiều tượng được chạm khắc tinh xảo, như tượng Phật,
tượng Hộ Pháp, tượng Trúc Lâm tam Tổ và câu đối chạm khắc theo
phong cách nghệ thuật triều Nguyễn. Bức chạm lộng sơn son thếp
vàng rực rỡ ở chánh điện do các nghệ nhân Hà Nam Ninh tạc vào đầu
thế kỷ XIX. Chùa còn giữ được nhiều di vật quý như đỉnh đồng,
khánh đồng, bát hương, tủ chạm.
-
Ngoài vườn chùa có 9 tháp mộ, trong đó có nhóm tháp "Trúc Lâm tam
Tổ", tháp của Thiền sư Chân Huyền Nguyễn Đình Sách và các vị cao
tăng từng trụ trì ở chùa.
-
Phúc
Lâm Tự xứng đáng là một di tích kiến trúc cổ kính, một danh lam
nơi đất cảng Hải Phòng
--o0o--
|
|