PHẬT GIÁO VIỆT NAM

(HOA YÊN TỰ)
 
Ở Việt Nam không hiếm các nhà vua am hiểu sâu sắc Phật học và có những cống hiến lớn lao cho sự phát triển của Phật giáo. Nhưng làm vua mà hai lần lãnh đạo nhân dân đánh đuổi giặc Nguyên, đuổi xong giặc lại chuyên tâm với kinh Phật, rồi tìm nơi tu luyện, lập ra cả một Thiền phái, thì chỉ có vua Trần Nhân Tông (1258 - 1308) mà thôi. Thật ra thì ngay từ khi còn là Thái tử, ngài đã từng trốn khỏi thành, định vào tu ở núi Yên Tử, nhưng vua cha là Trần Thánh Tông đã cho người gọi về. Sau những năm tháng tham gia triều chính, Trần Nhân Tông nhường ngôi cho con và đến năm 1299, Ngài thanh thản trở lại Yên Tử.
Đây không phải là lần đầu Yên Tử đón một vị vua đến trụ trì. 63 năm trước, đau khổ vì vận nước và ray rứt vì chuyện riêng, vua Trần Thái Tông - vị vua sáng lập nhà Trần - đã từ bỏ ngai vàng trốn lên Yên Tử, nhưng lần đó chuyện xuất gia không thành vì Trần Thủ Độ cho các quan lên núi đón vua về lại kinh đô.
Có lẽ phải có một lòng quyết chí lớn lắm và một nhân duyên đặc biệt người ta mới đến được với Yên Tử. Nằm ở giáp giới 3 tỉnh Hải Dương, Bắc Giang và Quảng Yên (cũ), cách thị xã Uông Bí (Quảng Ninh) khoảng 15km về phía Tây Bắc, Yên Tử là ngọn núi cao nhất (1068m) và hiểm trở nhất miền Hải Đông xưa. Đỉnh núi thường có mây bao phủ nên ngày trước có tên là Bạch Vân Sơn. Nhìn từ xa núi giống hình một con voi nên lại có tên là Tượng Sơn. Tương truyền vào thế kỷ X có một đạo sĩ là Yên Kỳ Sinh tới núi này tu hành, sau hóa thành đá. Tượng đá đó cao 2,50m bây giờ vẫn còn đứng bên đường lên đỉnh núi (ở độ cao 824m) khi qua khỏi Cửa Trời. Núi mang tên Yên Tử có lẽ là do truyền thuyết đó.
Nói đến Yên Tử là nói đến một hệ thống chùa và những thắng cảnh trên con đường hành hương từ chân núi lên đỉnh núi cao chót vót. Ở chân núi bên suối Cấm có chùa Cấm Thực còn có tên là Linh Nhâm Tự; bên suối Lân có chùa Lân còn mang tên là Long Động Tự. Nằm bên suối Giải Oan, tên cũ là Hồ Khê, có chùa Giải Oan. Có truyền thuyết kể rằng khi Thái Thượng Hoàng Trần Nhân Tông vào núi, vua Trần Anh Tông sai cung nữ theo mời về, nhưng Ngài quyết chí tu hành nên đã cự tuyệt. Các cung nữ nhảy xuống suối này trầm mình. Một số được cứu sống, ở lại sinh cơ lập nghiệp phía ngoài chùa. Còn số chết, vua cho lập đàn cầu siêu, dựng chùa Giải Oan, trong có thờ tượng các cung nữ.
Qua dốc Voi Xô thì đến núi Hạ Kiệu, nơi các vua nhà Trần đến yết kiến Trần Nhân Tông phải xuống kiệu đi bộ. Trên con đường rợp bóng cổ tùng gồm thanh tùng, thủy tùng và xích tùng, ta sẽ gặp Hòn Ngọc, rồi Huệ Quang Kim Tháp. Đây là khu mộ tháp gồm tháp Tổ thờ ngài Điều Ngự Giác Hoàng (Trần Nhân Tông) làm bằng đá cao 10m có 6 tầng; phía ngoài tường gạch quây quần 44 ngôi tháp, là nơi tôn trí hài cốt của các vị sư tu hành ở đây.
Nằm trên lưng chừng núi ở độ cao 516m, chùa Hoa Yên là ngôi chùa to nhất và đẹp nhất nên còn gọi là chùa Cả. Chùa này vốn được dựng từ đời Lý, tên là Phù Vân; tới đời Trần đổi tên là Vân Yên: vào đời Lê, vua Lê Thánh Tông ngự du thăm chùa, thấy hoa cỏ xanh tươi, mới đặt tên là Hoa Yên.
Con đường quanh co dẫn lên đỉnh núi nối liền chùa Hoa Yên với chùa Một Mái, chùa Bảo Sái, chùa Vân Tiêu và chùa Thiên Trúc tức chùa Đồng (độ cao 1068m). Chùa Đồng trước đây đã bị hư hại, nay đã được sửa sang lại. Ở đây, còn một bia đá cao 3m, mặt trước khắc ba chữ "Thiên Trúc Tự", mặt sau khắc chữ "Phật".
Không gian quanh chùa Hoa Yên gây ấn tượng sâu sắc trước hết ở những cây đại già và những hàng tùng sống qua 5-7 thế kỷ nay. Hình ảnh bóng trăng lồng vào những cành cây cổ thụ đã hơn một lần đi vào thơ Huyền Quang:
Hơi đêm phả lạnh bức rèm lan
Xào xạc cây sân thu đã sang
Quên đến trúc đường hương lựu tắt
Cành thông ngời khắp lưới trăng đan
(Ngô Linh Ngọc dịch)
 Còn Nguyễn Trãi khi đến thăm chùa thì lại bắt gặp cái thời khắc giao tiếp giữa bóng đêm vừa tan và ánh ngày đã ló rạng:
Trên non Yên Tử chòm cao nhất
Trời mới canh năm đã sáng tinh
Vũ trụ mắt đưa ngoài biển cả
Nói cười người ở giữa mây xanh
Muôn hàng giáo ngọc tre gài cửa
Bao dải tua châu đá rũ mành
Dấu cũ Nhân Tông vẫn còn đấy.
Mặt rồng thấy giữa ánh quang minh
(Đề chùa Hoa Yên núi Yên Tử)
Vâng, dấu cũ Nhân Tông vẫn còn đó! Còn nơi chùa Thiền Định, chỗ vua Trần xưa đọc kinh niệm Phật. Còn nơi chùa Một Mái, chỗ vua Trần đọc sách nghiên cứu đạo Thiền.
Chùa Hoa Yên cùng với toàn bộ hệ thống chùa Yên Tử nằm hài hòa giữa thiên nhiên hùng vĩ là một dẫn chứng rõ nét về sự dung hợp hai quan niệm đạo và đời của dân tộc ta.
--o0o--