PHẬT GIÁO VIỆT NAM

 
Từ lâu Hội An đã được biết đến như một trong những đô thị cổ hiếm hoi trên thế giới còn giữ được nguyên vẹn những đường nét kiến trúc của nó. Theo bản đồ thời Hồng Đức (thế kỷ XV) thị xã này vốn tên là Đại Chiêm hải - một cảng biển của Vương quốc Chămpa. Về sau nó đã được ghi nhận trên tấm bản đồ Đại Việt của Giáo sĩ Alexandre de Rhodes (Đác Lộ) được công bố năm 1653, như một thị trấn ven biển của người Việt có tên gọi là Hải Phố. Do cách phát âm của người phương Tây, Hải Phố đã biến thành Faifo.
Đô thị cổ Hội An nằm trên tả ngạn sông Thu Bồn cách thành phố Đà Nẵng 25km về phía Đông Nam, cách biển Đông chỉ 5km. Từ Đà Nẵng, ngoài đường số 1A, du khách có thể đến Hội An bằng con đường nhỏ chạy ven theo bờ biển qua khu thắng cảnh Ngũ Hành Sơn và xã Điện Ngọc.
Chúc Thánh Tự là một trong hai mươi ngôi chùa và hội quán cổ của thị xã Hội An. Nằm trên địa phận phường Cẩm Phô, chùa này đã được công nhận là một di tích lịch sử văn hóa quốc gia từ ngày 19-11-1991.
Theo sách Việt Nam Phật giáo sử luận của Nguyễn Lang, chùa Chúc Thánh đã được Thiền sư Minh Hải - Pháp Bảo khai sơn vào thế kỷ XVII. Vị Thiền sư này người tỉnh Phước Kiến, sang nước ta vào thời Chúa Nguyễn Phúc Trân (1687 - 1691). Ông đã tự giới đàn tại chùa Linh Mụ, sau đó vào Hội An dựng chùa Chúc Thánh. Dần dần ngôi chùa này trở nên một ngôi tổ đình lớn ở miền Trung và miền Nam.
Thiền sư Minh Hải có hai vị đệ tử nổi tiếng là Chánh Hiền và An Triêm. Ông có để lại một bài kệ truyền pháp như sau:
Minh thiệt pháp toàn chương
Ấn chân như thị đồng
Chúc Thánh thọ thiên cửu
Kỳ Quốc tộ địa trường
Đắc chính luật vi tuyên
Tổ đạo hạnh giải thông
Giác hoa bồ đề thọ
Sung mãn nhân thiên trung.
Nghĩa là:
Hiểu thấu pháp chân thực
Ấn chân như hiện tiền
Cầu Thánh quân tuổi thô
Chúc đất nước vững bền
Giới luật nêu trước tiên
Giải và Hạnh nối liền
Hoa nở cây giác ngộ
Hương thơm lừng nhân thiên
(Nguyễn Lang dịch)
             Chùa Chúc Thánh đã từng được trùng tu vào những năm 1845, 1849, 1892, 1894? Đằng sau cổng tam quan là một kiến trúc giản dị, khiêm tốn, mái lợp ngói âm dương, trên đỉnh có đôi rồng chầu mặt nguyệt . Một trong những bảo vật được lưu giữ bên trong chùa là bộ tượng Thập bát La-hán bằng đất nung đặt trên tòa sen, mỗi pho tượng cao 0,45m, bề ngang gối 0,28m, đế 0,16m.
Trong khuôn viên chùa có tháp Tổ Minh Hải - Pháp Bảo. Chùa hiện nay do Hòa thượng Thích Trí Nhãn trụ trì.
--o0o--