PHẬT GIÁO VIỆT NAM

SÔNG BÉ
 
Chùa Hội Khánh được Thiền sư Đại Ngạn (thuộc dòng Lâm Tế) khai sơn năm Cảnh Hưng thứ 2, đời Lê Hiển Tông, tức năm Tân Dậu (1741). Lúc đầu chùa được xây trên một ngọn đồi cao, nhưng đến năm thứ 14 đời Tự Đức, tức năm Tân Dậu (1861), chiến tranh đã thiêu hủy toàn bộ ngôi chùa. Bảy năm sau (1868), chùa được Hòa thượng Chánh Đắc cho xây dựng lại dưới chân đồi, cách vị trí chùa cũ khoảng 100m về phía Nam. Địa chỉ của chùa hiện nay là 35 đường Yersin, phường Phú Cường, thị xã Thủ Đầu Một, tỉnh Sông Bé, cách thành phố Hồ Chí Minh 25km về phía Nam.
Chùa nằm cách đường lộ 150m. Sau cổng tam quan cổ kính có chạm trổ rồng phượng là khuôn viên chùa yên tĩnh, với nhiều cây cao bóng cả, trong đó đặc biệt có bốn cây dầu cao chót vót , cành lá sum suê, được trồng lúc chùa mới bắt đầu xây dựng, nay tuổi cây đã trên một thế kỷ.
Chùa đã được tôn tạo và trùng tu nhiều lần , nhưng vẫn giữ được kiến trúc cổ mang màu sắc dân tộc. Giảng đường và Đông lang được xây lại năm 1917, Tây lang được xây lại năm 1984. Ngôi chánh điện được xây dựng trong hai năm 1990-1991. Và gần đây nhất , ngày 29-2-1992, Ban Trị sự Tỉnh hội Phật giáo tỉnh Sông Bé đã tổ chức lễ lạc thành trùng tu di tích chùa Hội Khánh.
Trong chùa, toàn bộ diện tích chánh điện, giảng đường, Đông lang và Tây lang rộng đến 700 m2. Ở chánh điện, các pho tượng Phật Thích-ca, Địa Tạng, Chuẩn Đề? đều được tạc bằng gỗ, sơn son thếp vàng. Ba tấm bao lam chạm khắc Tứ linh, Tứ quí, Cửu long và Thập bát La-hán rất tinh vi, có giá trị nghệ thuật cao. Hai bên tường của chánh điện có bộ tượng Thập điện Minh Vương và bộ Thập bát La-hán. Các tác phẩm chạm khắc gỗ này được tạc vào những năm cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX do nhóm thợ điêu khắc nổi tiếng ở Thủ Dầu Một lúc đó thực hiện.
Hơn 250 năm nay, chùa Hội Khánh lưu truyền kế vị đến 10 đời, trong đó có 9 vị đã viên tịch là: Đại Ngạn, Chân Kính, Chánh Đắc, Trí Tập, Thiện Quới, Từ Văn, Ấn Bửu - Thiện Quới, Thiện Hương, Quảng Viên. Trước sân chùa có những ngôi tháp của các vị trụ trì đã viên tịch. Hiện nay trụ trì chùa là Đại đức Thích Huệ Thông, Chánh Thư ký Ban Trị sự Tỉnh hội Phật giáo tỉnh Sông Bé.
Chùa Hội Khánh là trung tâm Phật giáo Cổ truyền của cả vùng đất Bình An xưa kia. Đây cũng là trung tâm đào tạo tầng lớp sĩ phu của đất Bình An và đất Thủ Dầu Một sau này. Các nhà sư cũng chính là người dạy học chữ Hán. Chùa Hội Khánh đã góp phần đào tạo nhiều thế hệ tu sĩ để trụ trì các chùa khác trong vùng. Một trong những danh tăng xuất thân từ chùa là Hòa thượng Thích Từ Văn được xem là Tăng thống Phật giáo Nam Kỳ và được mời sang Marseille (Pháp) làm lễ cầu siêu và thuyết pháp vào năm 1920. Chính Ngài đã thỉnh tượng Phật và đưa thợ thủ công sang Pháp để xây dựng chùa Hội Khánh bên đó.
Trong những năm 1923 - 1926, ở chùa Hội Khánh có lập Hội Danh dự Yêu nước gồm các sĩ phu tham gia chữa bệnh, dạy học để truyền bá đạo lý. Cụ Nguyễn Sinh Sắc, thân sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, đã sống và hoạt động tại chùa trong thời gian này.
Sau năm 1945, chùa Hội Khánh là nơi qui tụ các Tăng Ni của 40 ngôi chùa khác trong tỉnh Thủ Dầu Một, lập ra Hội Phật giáo Cứu quốc do Thượng tọa Thích Minh Tịnh làm Chủ tịch.
             Do bề dày lịch sử của chùa Hội Khánh, ngày nay nơi đây đã vinh dự được chọn đặt trụ sở Ban Trị sự Tỉnh hội Phật giáo tỉnh Sông Bé và được Bộ Văn hóa công nhận là di tích lịch sử văn hóa quốc gia.
--o0o--