PHẬT HỌC CƠ BẢN

C-LỜI KẾT
1- Tự kiểm tra mình
Như thế mười duyên biết đủ, tám phát hay đều, thì tiến lên có, khai phát có nơi. Cùng nhau đã được làm người, sống đất Hoa Hạ, lục căn đầy đủ, tứ đại nhẹ yên, đã có lòng tin, không bị ma chướng.
Lời dẫn và nội dung chính của bài văn này đã giải thích rồi, đây là lới kết toàn văn. Phần này chia làm bốn đoạn đây là đoạn một: tự kiểm tra mình.
Như vậy, mười loại nhân duyên phát tâm Bồ Đề, chúng ta đã nhận thức được, thì từ nay về sau đã có “đất” để phát tâm Bồ Đề. Như vậy, “tám pháp”, tà, chính, chân, ngụy … chúng ta cũng đã biếtđủ, thì từ nay đã có cửa đúng dẫn chúng ta hướng đến Niết bàn cực lạc. Tiến lên có cửa (xu hướng hữu môn) tức là không đến lỗi sai hướng lạc đường, khai phá có nơi (khai phá hữu địa) tức là biết rõ phát tâm Bồ Đề như thế nào. Đã phát tâm Bồ Đề, tất nhiên sẽ có thể chứng được quả Niết bàn.
Đồng thời, chúng ta lại đều may mắn “cùng được làm người” “nhân thân nan đắc kim dĩ đắc” (Thân người khó được nay đã được) được làm kiếp người quả là không dễ gì, phải tận dụng tốt cái kiếp người này mà làm được một việc gì có ý nghĩa trong Phật pháp, cũng tức là trong kiếp này giải thoát cái thân người mỏng manh bại hoại này, đừng để cái thân này kéo lụy mà gây ra tội lớn vô biên. Kinh nói: “kẻ mất kiếp người (nhiều) như đất bụi trên mặt đất, kẻ được kiếp người (hiếm) như hạt bụi đầu móng vuốt” chúng ta há lại không biết mượn cái thân người này mà làm việc gì tự lợi lợi tha có ý nghĩa hay sao? Chúng ta há lại hồ đồ phí phạn cái thân người trong kiếp này chăng?
Chúng ta không chỉ được ở kiếp người, mà lại cùng “ở đất Hoa Hạ”: Hoa Hạ là chỉ đất Trung Quốc. Nhưng Trung Quốc nói trong kinh Phật, không phải là nước Trung Hoa. Nơi nào có Phật giáo lưu hành, thì ở đó gọi là Trung Quốc. Ở những nơi có Phật pháp lưu hành,được nghe Phật pháp,, ta không thấy Phật pháp là đáng quý, nhưng một khi sinh ra ở nơi không có Phật pháp muốn nghe Phật pháp không được nghe, lúc đó ta sẽ thấy cầu được Phật pháp không dễ dàng gì. Cho nên sinh ra ở đất Hoa Hạ, được nghe Phật pháp thì phải mừng vui mới phải. Càng phải tận dụng cái thời cơ và hòan cảnh tốt đẹp đó mà tu học Phật pháp tích tập tư lương thành Phật.
Sinh ra làm người ở Trung Quốc cố nhiên là rất tốt rồi, nhưng nếu về sinh lý có nhiều khuyết tật, thì không thật là mĩ mãn. Nay ta may mà “lục căn đầy đủ” (mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý đều tốt- ND) thì càng phải lợi dụng tấm thân có lục căn hoàn bị đó mà tội luyện trong Phật pháp. Trong kinh nói lục căn không hoàn bị là một trong bát nạn, không thể xuất gia thụ giới. Có thể thấy lục căn hoàn bị là một điều kiện hết sức quan trọng để tu học Phật pháp, không thể coi thường.
Lục căn hoàn bị là pháp khí tu học Phật pháp, cố nhiên là rất tốt, nhưng nếu tứ đại (đất, nước, gió, lửa-ND) không điều hòa, thân thể dễ đau ốm thì vẫn là một chướng ngại lớn của việc tu hành. Nay chúng ta không chỉ lục căn hoàn bị, mà “tứ đại” cũng “nhẹ yên”, ít ốm ít đau. Nếu không được thực sự phát tâm học Phật thì làm sao phải với chính mình: có người nói, thân thể khỏe mạnh là cái gốc của mọi sự nghiệp. Học Phật cũng cần có thân thể khỏe mạnh, nếu không thì khó mà được cái công việc lớn lao tự lợi lợi tha.
Có đủ những điều kiện ưu việt nói trên, nhưng giả sử thiếu lòng tin vào Phật pháp thì cũng nhất định không thể học Phật thành công được. Kinh ví lòng tin cũng như cái tay. Vào núi châu báu, nhờ có đôi tay thì lấy được châu báu vô lượng. Nhưng nếu không có tay thì dù châu báu trên núi nhiều bao nhiêu, ta cũng không được gì cả. “Nơi vào cửa Phật, lấy lòng tin làm gốc” không có lòng tin kính, dù có pháp bảo vô lượng, ta cũng không được gì cả. May sao chúng ta “có đủ lòng tin” đương nhiên chúng ta sẽ học Phật đúng phép.
Dựa vào lòng tin để học Phật quả thật là quý hóa, nhưng trong quá trình học Phật lại phải có thêm một điều nữa mới thật thuận lợi, đó là không gặp ma chướng. Gặp ma chướng thì ta đã từng thấy nhiều hành giả thoái thất đạo. Chúng ta đã từng thấy nhiều hành giả thoái thất đạo tâm mà không phải tự mình muốn thế, chỉ vì gặp ma chướng mà nên nông nỗii ấy. Chúng ta nhờ túc căn sâu dày, từ khi bắt đầu học Phật đến nay, may sao không gặp ma chướng quấy nhiễu. Vì thế ta càng phải tinh tiến tu học, không được lười biếng trể nải
Huống nay chúng ta vừa được xuất gia, vừa thụ Phật giới, vừa gặp đạo trường, vừa được nghe phật pháp, vừa xem xá lợi, vừa tu sám hối, vừa gặp bạn lành vừa có thắng duyên, không phát tâm lớn Bồ Đề hôm nay thì còn đợi đến ngày nào?
Được làm kiếp người quý báu, cố nhiên là đáng mừng rồi, được xuất gia thụ giới lại càng là may mắn lớn những điều may mắn. Vì người xuất gia thụ giới, không phải ai cũng gặp hàng loạt tám điều may mắn như thế.
“Vừa được xuất gia” là nói người được làm người không ít, nhưng được xuất gia thì không nhiều. Nên biết rằng “xuất gia là việc đại trượng phu, không phải việc mà công hầu khanh tướng làm được”. Xem ra, xuất ra rất giản đơn, nhưng thật ra không dễ dàng gì. TheoPhật pháp: một người thật lòng xuất gia phải là người có thiện căn nhất định. Nay chúng ta đã được xuất gia “không phát tâm lớn Bồ Đề hôm nay”, thì thử hỏi “còn đợi đến ngày nào?”
“Vừa thụ giới”, có nhân duyên xuất gia không nhất định đã được thụ giới. Vì thụ giới thì phải có đủ mười sư. Nếu sinh ra ở một nơi Phật giáo không được thịnh vượng lắm mà đức tăng đủ tư cách thụ giới lại thiếu thì ta muốn được xuất gia, lại có thể có đủ đại giới tỳ kheo là điều may mắn lớn. Như vậy “không phát đại tâm hôm nay thì chờ đến ngày nào?”. Bỏ lỡ cơ hội này há chẳng đáng tiếc lắm sao?
“Vừa gặp đạo trường”. Đạo trường đây là chùa A Dục vương, có xá lợi Phật. Chỗ có xá lợi Như Lai là chỗ có Phật đà. Gặp Được một đại trường như vậy đâu có dễ dàng? Vì chùa chiền các miền không ít nhưng có quy mô như chùa A Dục vương, có xá lợi Phật, thật ra là không nhiều. Nay chúng ta gặp được đạo trường tốt hiếm có như thế này mà “không phát tâm Bồ Đề hôm nay” thử hỏi “còn đợi đến ngay nào?”.
Vừa nghe Phật pháp “Phật pháp lưu hành khắp thế gian, nhưng nếu không có người hoằng dương Phật phápthì ta muốn nghe Phật pháp đâu có dễ. Nghe pháp là việc đầu tiên của người học Phật pháp. Chỉ có nghe pháp thì mới nhận thức được con đường chính của Phật pháp. Phật pháp khó mà nghe được, nay ta đã được nghe, lại biết được lợi ích của Phật pháp đối với chúng sinh, nếu không phát tâm lớn Bồ Đề hôm nay “đem những điều nghe được chuyển đến cho chúng sinh, ngõ hầu có ích cho nhân quần, thử hỏi “còn chờ đến ngày nào”.
“Vừa xem xá lợi”, Xả thân phẩm trong Kim quang minh kinh nói: “ Xá lợi này là huân tập của hương vô lượng giới định tuệ” Vật ngưng đọng hình tròn long lanh tỏa sáng mà đốt ra sau khi Phật nhập Niết Bàn chính là loại hương này. Nhưng chỉ có Phật đà giới đức thanh tịnh, định tuệ trang nghiêm mới có thể đốt ra hương này, không phải người thường có được, cho nên người học Phật đặc biệt quý trọng, không những cúng dường có công đức lớn, chỉ được nhìn thấy cũng đã có công đức. Nay ta đã được chiêm ngưỡng xá lợi, làm sao có thể “không phát tâm lớn Bồ Đề hôm nay”?
“Vừa tu sám hối” nghiệp chướng tích tụ từ vô thủy đến nay, phải theo sám pháp mà tu thì mới tiêu trừ được. Vì Phật pháp là Phật pháp, xá lợi là xá lợi, nếu ta không sám trừ nghiệp chướng của bản thân, thì mọi thắng lợi của Phật pháp đều không có quan hệ gì với ta. Đại sư Tỉnh Am nói, nay chúng ta tập hợp ở đạo trường này, cùng tu hành pháp sám ma (Tức sám hối- ND) gột rửa mọi tội lỗi, nếu không phát tâm Bồ Đề vào lúc này để trên cầu đạo Phật, dưới hóa chúng sinh, làm việc đáng làm của Phật pháp thì còn chờ đến lúc nào?
“Vừa gặp bạn lành” bạn lành tức là đạo hữu (Pháp lữ) Tu học Phật pháp, điều quan trọng nhất là có đạo hữu tốt, cùng tiến bước trên đường lớn của Phật pháp, thì mới có thể không ngừng tiến theo hướng Bồ đề, nếu không có bạn lành, thì không chỉ tu học khó tiến mà lại dễ thoái tâm. Bạn lành không phải là dễ gặp. Kinh nói: “Bạn lành khó gặp” là như vậy. Nay ở đạo trường chùa A Dục Vương, gặp bao nhiêu bạn tốt, nếu không phát tâm lớn Bồ Đề ngay hôm nay, thì đên bao giờ?
“Vừa có thắng duyên”. Thắng duyên tức olà nhân duyên thù thắng. Nhân duyên thù thắng nhất ở thế gian này không gì hơn là được gặp Tam bảo Phật, pháp, tăng mới là nhân duyên thù thắng hơn cả. Nay tuy ở thời mạt pháp, chúng ta vẫn có thể gặp Tam bảo, lại thành kính quy y Tam bảo, như vậy không phải là thắng duyên là gì? Đã có thắng duyên như vậy, nếu “không phát tâm lớn Bồ Đề hôm nay” thì thử hỏi “còn chờ đến ngày nào?” Tóm lại, ngay bây giờ là lúc phải phát tâm, không thể để lỡ.
2- Khuyên rộng khắp đại chúng
Kính mong đại chúng: thương tôi ngu dốt, xét tôi khổ chí, cùng lập nguyện này, cùng phát tâm này, ai chưa phát tâm thì nay phát, ai đã phát tâm rồi thì phát thêm nữa; ai đã phát thêm rồi nay hãy tiếp tục phát tâm.
Đại sư Tỉnh Am sau khi đã nói rõ những thắng duyên trên, lại kêu gọi đại chúng rộng khắp, nay tôi nguyện đại chúng giáo hữu có mặt tại đay, hãy thương sự vụng về và chân thành của tôi, xét khổ tâm bỉ chí của tôi, tại đạo trường chùa A Dục vương này, trước tháp xá lợi Phật Đà này, hãy cùng với tôi lập nguyện lớn ccầu Bồ Đề cùng phát tâm Bồ Đề quảng đại. Không thể chậm trể, ai chưa phát tâm nguyện Bồ Đề hãy phát tâm ngay hôm nay ai đã phát tâm nguyện Bồ Đề rồi, hãy làm cho tâm nguyện Bồ Đề ấy lớn thêm theo ngày tháng. Nếu ai đã nêu cao được tâm nguyện lớn thì muôn vàn xin chớ để thoái thất tâm nguyện Bồ Đề.
Đừng sợ khó mà khiếp hãi rút lui, đừng cho là dễ mà coi thường, đừng nóng vội mà không kiên trì lâu dài, đừng lười biếng trể nải mà không dũng mãnh, đừng uể oải mà không hăng hái, đừng chần chừ mà chờ đợi đến ngày mai, đừng vì mình ngu đần mà không dám phát tâm, đừng cho rằng mình căn cơ nông mỏng mà tự nghĩ mình không có phận.
Phát tâm Bồ Đề vô thượng rồi, phải hành đạo Bồ Tát rộng rãi, mà hành đạo Bồ Tát là rất gian nan khốn khổ tuyệt đối không thể nghĩ là nhẹ nhàng. Xưa kia Phật Đà phát tâm hành đạo Bồ Tát, đã phải qua một lịch trình làm được những việc khó làm, với tinh thần đại vô úy, đã gạt bỏ mọi gai gốc nguy hiểm khó khăn rồi mới đạt được mục đích thành Phật. Nay trong bài đại sư Tỉnh Am đã nêu ra tám điều “đừng” để khuyên chúng ta không được sơ ý trong khi phát tâm Bồ Đề.
1- Đừng vì khó khăn mà khiếp sợ lùi bước: Tôi thường nói, vấn đềcá nhân dễ giải quyết, công việc của đại chúng khó xử lý. Phát tâm Bồ Đề để độ hóa chúng sinh là mưu cầu hạnh phúc cho đại chúng, nhưng tính của từng người khác nhau, khi tiếp xúc với quần chúng không thể tránh khỏi nhiều việc gai góc khó giải quyết, như sợ khó khăn mà không dám tiến lên thế thì tất nhiên sẽ khiếp hãi lùi bước, không còn dũng khí làm Bồ Tát nữa, cho nên hành đạo Bồ Tát đầu tiên là phải không vì khó khăn mà không dám tiến lên để tránh cái tâm lý khiếp hãi thoái chuyển.
            2- “Đừng cho là dễ mà khinh thường” Việc lớn hành đạo Bồ Tát cho là gian nan cố nhiên là không được, nhưng cho dễ dàng cũng không được. Trong đoạn “tôn trọng tính linh của mình” đã từng nói, chúng sinh vốn có viên ngọc quý Phật tính, phải gia công mài rũa mới sáng đẹp, nếu coi là dễ mà khinh thường thì dễ nẩy sinh tự mãn. Người tự mãn cuối cùng sẽ tự phá tự bỏ, không thể thành công, thử nghĩ mà xem, làm một việc nhỏ ở thế gian mà còn khó thành công huống hồ gì việc lớn thành Phật độ sinh?
            3- “Đừng nôn nóng mà không kiên trì lâu dài” Đạo Bồ Tát là lâu dài, phải kiên trì làm trong thời gian dài thì mới đến được tận cùng con đường Bồ Đề, do đó không thể nôn nóng mà thiếu lòng kiên trì. Trung Quốc có câu tục ngữ: “Dục tốc bất đạt” (muốn nhanh chóng thì sẽ không thành công được) chúng ta phải nhớ lấy. Người thợ thông thường ở thế gian còn phải tốn công học tập nhiều năm mới thành nghề huống gì việc lớn thành Phật độ sinh. Muốn thành công nhanh chóng sao được. Có người nghĩ rằng một đời có thể thành Phật, đó thật là một quan niệm sai lầm lừa người dối mình. Nói thật việc nhỏ ở thế tục còn không thể cầu may, cầu may trên đường tu hành thành Phật là sai lầm lớn mà trí giả không bao giờ làm.
            4- “Đừng lười biếng trể nãi mà không có dũng khí” con đường Phật là dài lâu như thế, không tinh tiến dũng mãnh không được, tuyệt đối không thể lười biếng trể nãi một tý nào. Nhưng dũng mãnh không thể chỉ dũng mãnh nhất thời, cũng không thể dũng mãnh kiểu bạo hổ bằng hà, mà phải dũng mãnh một cách kiên trì, không gián đoạn thì mới là dũng mãnh thực sự, phải tiến lên phía trươc bằng những bước đi vững chắc thì mới là tinh tiến thực sự. Chỉ có tiến tới trên con đường Phật một cách tinh tiến thì mới tránh khỏi được tình trạng nẩy sinh tâm lý lười biếng muốn nghỉ ngơi khi thuận lợi thoải mái. Có nhiều người học Phật, không thể đạt được Bồ Đề tối cao vô thượng nguyên nhân căn bản là do lười biếng trễ nải. Vì vậy đại sư Tỉnh Am mới đặc biệt đòi hỏi Bồ Tát không được lười biếng mà không dũng mãnh.
            5-“Đừng uể oải mà không hăng hái”. Trong thế gian hiện thực ta có thể thấy rõ rang là phàm làm việc gì mà hăng hái phấn chấn thì dễ có thu hoạch lớn, còn uể oải chây lười thì rất khó thành công. Việc đời còn thế huống gì việc đạo Phật vô thượng. Vì thế hành giả Bồ Tát phải hăng hái phấn chấn, không thể uể oải rụt rè, càng không thể chây lười được sao hay vậy. Nên biết rằng sức mạnh tinh thần là lớn hơn cả, một khi tinh thần đã suy sụp thì không còn cách nào cứu vãn được nữa.
            6- “Đừng chần chừ mà chờ đợi ngày mai” Hôm nay phát tâm Bồ Đề thì ngay ngày hôm nay bước lên đường Bồ tát, đừng mang tâm lý chần chừ chờ đợi mà hao phí thời gian quý báu. Càng không thể trông chờ tương lai, phải làm với tinh thần “việc hôm nay làm xong trong ngày hôm nay” quyết không đợi đến ngày mai, phải biết rằng ngày mai rồi lại có ngày mai khác. Nếu như chần chừ thành nết, việc gì cũng đợi ngày mai thì chưa nói Đạo Phật vo thượng, mà cả việc đời cũng khó hy vọng thành công, cho nên không thể chần chừ qua ngày.
            7- “Đừng vì mình ngu đần mà không dám phát tâm” căn tính chúng sinh có sự khác nhau giữa thông minh lanh lợi và ngu đần chậm chạp. Đó là một sự thật không thể phủ nhận được. Nhưng chúng ta nên biết, người căn tính thông minh lanh lợi cố nhiên có thể hướng theo đường Phật, mà người ngu đần chậm chạp cũng có thể hướng theo Bồ Đề. Hơn nữa càng ngu đần chậm chạp thì càng phải tu học Bồ Đề. Vì người người đều có thể tu được, không phân biệt kẻ trí người đần. Cho nên hành giả Phật pháp đừng vì tư chất ngu đần của mình mà cứ không dám phát tâm tiến thủ trên đường Phật vô thượng.
            8- “Đừng nghĩ mình căn cơ mông nỏng mà tự tic ho rằng mình không có phận”. Có thể có người cho rằng Phật đạo vô thượng là để cho người có căn tính sâu dày tu, ta là người căn cơ mông mỏng, không có tư cách tu học đạo Phật , thế là tự ti tự bỏ cho rằng mình không có phận. Không biết rằng nghĩ thế là sai lầm. Trong kinh, Phật nhiều lần căn dặn chúng ta “mọi chúng sinh đều có  tính Phật”. Ta là một chúng sinh vì sao tự phá tự bỏ coi là mình không có duyên phận gì với Bồ Đề vo thượng? Mọi chúng sinh đều có khả năng thành Phật, tại sao ta không có khả năng ấy? Phải tự tin như vậy.
Ví như trồng cây, trồng lâu thì rễ cạn ngày càng sâu; lại như mài dao, mài lâu thì dao cùn hóa sắc. Há lẽ vì rễ nông mà không trồng để cây héo khô, vì dao cùn mà không mài, để dao thành vô dụng?.
            Để khuyến khích hành giả Phật pháp phát tâm Bồ Đề, hành đạo Bồ Tát, đại sư Tỉnh Am nêu hai ví dụ nhằm kiên định lòng tin của chúng ta.
            1-.. “Ví với việc trồng cây” : khi mới trồng xuống, rễ cây đương nhiên là rất nông, hầu như không chịu được gió lay sương phủ, nhưng nếu trồng lâu trong một thời gian nhất định thì “rễ nông sẽ ngày càng sâu hơn” vững hơn. “chẳng lẽ vì rễ nông mà dừng trồng để nó tự héo khô? Nên nhớ rằng rễ ccây Bồ Đề cũng vậy, khi vừa mới phát tâm Bồ đề thì rễ cây Bồ Đề còn rất nông, không thể chịu được sự dày vò chà xát nhưng lâu dần, tưới nước pháp cho rễ cây Bồ Đề, thì rễ cây sẽ trở nên vững chắc, mọi ngoại lực không làm gì lay chuyển được. Do Đó, hành giả Phật pháp không thể vì rẽ nông mà để cho cây Bồ Đề khô héo đi.
            2-..Lại như mài dao “khi mới mài, mũi dao đương nhiên rất cùn, hầu như không thể dùng làm gì được, nhưng nếu mài lâu, mài trong một thời gian nhất định thì ắt hẳn “dao cùn mà hóa sắc” chẳng lẽ vì dao cùn mà không mài, để cho dao trở thành vật vô dụng”. Nên biết con “dao trí tuệ” cũng thế, khi mới mài, “con dao trí tuệ” còn rất cùn, không có tác dụng đoạn hoặc, nhưng mài lâu rồi thì từ hữu lậu tuệ dần dần biến thành vô lậu tuệ, không những có thể dùng “con dao trí tuệ” dứt hết phiền não, lại còn làm cho thiên ma ngoại đạo không làm gì được ta, do đó hành giả Phật pháp, nếu như vì “con dao trí tuệ” cùn mà dứt bỏ không dùng thì thật là hoài phí đáng tiếc quá!
            Như trên đã nói, mỗi một đệ tử Phật chúng ta đều nên bắt đầu từ ngày hôm nay ra sức vun trồng rễ cây Bồ Đề, không nên để cho nó mãi không sinh trưởng được; bắt đầu từ ngày hôm nay, ra sức mài rũa “con dao báu trí tuệ”, không nên để cho nó mãi mãi là vật vô dụng.          
            3- So sánh khổ vui 
            Lại nếu cho tu hành là khổ, tức là không biết lười nhác còn khổ hơn. Tu hành thì vất vả tạm thời, yên vui muôn kiếp; lười nhác chỉ tạm yên một kiếp chịu khổ nhiều đời.
            Tu hành theo Phật pháp, dù là để tự lợi hay lợi tha, đạc biệt là đại hạnh lợi tha, đều phải tu một cách gian khổ tinh tiến thì mới thành tựu được, tuyệt đối không phải lười nhác trộm yên có thể tu hành không thành công được. Chính vì vậy, có người sợ khổ, không dám tu hành. Tu hành quả thật là gian khổ, không thể coi là vui sướng được. Thực ra, “lại nếu cho tu hành là khổ tức là không hiểu rằng lười nhác càng khổ hơn nhiều? vì sao? Vì cái khổ mà người tu hành cảm thấy là do cần lao, nhưng nỗi khổ “cần lao” chỉ là “tạm thời” hơn nữa cái khổ cần lao tu hành đó có thể đổi lại bằng “yên vui vĩnh kiếp” thế thì lấy gì làm khổ? “lười nhác tuy tạm yên một kiếp” nhưng đổi lại là “đau khổ nhiều đời”; Sao nói vậy? Vì người ta nếu không tu học Phật pháp, chỉ biết gây ra tội nghiệp sinh tử ở thế gian, thì khó mà không rơi vào tam ác đạo, một khi đã rơi vào tam ác đạo thì ắt phải chịu đủ mọi loại đau khổ, đời đời kiếp kiếp. Như vậy, so sánh khổ với vui, thì người tat u hành Phật sẽ chọn nỗi khổ cần lao tu hành tạm thời hay là sẽ chọn yên vui tạm thời để chịu khổ lâu dài? Người có chút trí tuệ sẽ biết chọn! 
4- Đinh ninh dặn lại 
Huống gì lấy (pháp môn) Tịnh độ làm thuyền chở, thì lo gì thoái chuyển? Lại được vô sinh làm nhẫn lực thì sợ gì gian nan? Nên biết rằng kẻ có tội ở địa ngục, còn phát tâm Bồ Đề kiếp trước, há lẽ Pật tử loại người, không lập nguyện lớn ở đời nay?
Đại sư Tỉnh Am nói thêm: chúng ta cưỡi thuyền đại nguyện đi vào biển Tịnh độ “huống gì lấy (pháp môn) Tịnh độ làm thuyề, thì lo gì thoái chuyển”? Vì một khi chúng ta đã vãng sinh Tịnh độ, thì lập tức được “A tì bạt chí “  tuyệt đối không thể thoái chuyển được. Chỉ có trong thế giới sa bà mới có thể thoái chuyển. Đồng thời, khi chúng ta chưa có nhẫn lực vô sinh, không có sự giúp đỡ của sức mạnh trí tuệ, khi gặp những hoàn cảnh khác nhau thì sẽ cảm thấy khó khăn mà nảy sinh ý định rút lui. Nhưng khi đã sinh vào Tịnh Độ, thì không những không thoái chuyển, mà lại sẽ “có nhẫn lực vô sinh”  như vậy thì “sợ gì gian nan” nữa. nên biết chữ “nhẫn” trong “vô sinh pháp nhẫn” cũng có nghĩa là trí tuệ. Vô luận khó khăn gì, dưới sự nhìn xuyên suốt của trí tuệ, đều có thể giải quyết dễ dàng, cho nên không quản ngại gì khó khăn trùng trùng trên con đường đạo. Trong thế gian rất nhiều việc không dễ giải quyết và được coi là khó khăn, thực ra không phải là thực sự không có cách giải quyết, mà vấn đề ở chỗ chúng ta có trí tuệ cần thiết hay không. Người có trí tuệ, bất cứ vấn đề gì đều có thể giải quyết. Có thể thấy trí tuệ quan trọng như thế nào. Những hành giả có vô sinh pháp nhẫn sẽ có trí tuệ cao độ, đương nhiên sẽ không thấy khó khăngì bày ra trước mặt.
Phát tâm quảng đại, lập nguyện quảng đại thì không những chỉ nhân loại hữu tình có khả năng ấy, mà nên biết rằng tội nhân trong địa ngục còn phát đại tâm Bồ Đề ở kiếp trước”. Nay ta là người, lại là đệ tử Phật “chẳng lẽ loại người Phật tử chúng ta lại không lập đại nguyện Bồ Đề ở đời nay”? Nếu như vậy thật, thì chẳng hóa ra chúng ta không bằng tội nhân ở địa ngục hay sao? Người không bằng tội nhân ở địa ngục thật là oan uổng kiếp người, mà càng hổ thẹn là Phật tử. Về vấn đề tội nhân ở địa ngục, xưa còn phát nguyện Bồ đề được nói đến trong nhiều kinh điển đại thừa. Tức là những người đã phát tâm Bồ Đề ở kiếp trước, vì vẫn còn là phàm phu, cũng tức là thuộc Bồ Tát phàm phu nhưng đã vô ý gây ra tội nghiệp phải rơi vào ác đạo. Đã phạm tội địa ngục, tất nhiên phải chịu quả báo địa ngục, tuy chịu quả báo địa ngục nhưng tâm Bồ Đề chưa mất, cho nên nói: tội nhân địa ngục còn phát tâm Bồ Đề ở kiếp trước không phải là tội nhân địa ngục bắt đầu phát tâm Bồ Đề.
Hôn mê từ vô thủy việc qua rồi không thể can ngăn, còn nay giác ngộ rồi,việc tương lai còn khả năngbổ cứu. Xưa kia mê mà chưa tỉnh, còn có thể thương, nay biết mà không làm,lại càng đáng tiếc!
Chúng sinh từ vô thủy đến nay, lặn lội mãi trong luân hồi sinh tử, điên đảo hôn mê không tỉnh, không biết gì là phát tâm Bồ Đề, lập nguện quảng đại. Đây là sai lầm quá khứ. Quá khứ đã qua rồi, không còn cách gì uốn nắn sử chữa được nữa: “Việc đã qua không thể can ngăn” có hối hận thì cũng không sao kịp nữa. Nhưng tương lai thì còn có thể chạy theo bổ cứu. Trong kiếp này, được nghe Phật pháp, xuất gia thụ giới, có thể coi là giác ngộ ra, không hôn mê điên đảo như xưa nữa, thì nên tìm cách bổ cứu , nếu không gấp chạy đuổi theo thì e mình lại phụ mình nên nay khi đã giác ngộ rồi, nên theo sự khai thị của Phật mà phát tâm quảng đại, lập nguyện Bồ đề, vì sự giải thoát thân tâm mình, vì cứu vớt chúng sinh đau khổ mà tiến lên con đường lớn Bồ Đề.
Nhưng xưa kia, vì chưa được nghe Phật pháp nên hôn mê chưa tỉnh, dưới con mắt từ bi của Phật Bồ Tát, “còn có thể thương” tình. Nay đã biết Phật pháp, nếu “biết mà không làm” thì “lại càng đáng tiếc”.
Phật phápcoi trọng hiểu và làm tương ứng với nhau, vì chỉ có hiểu làm tương ứng thì mới thu ực ích Phật pháp. Đặc biệt Phật pháp đại thừa coi trọng phát tâm Bồ Đề, thuyết pháp độ sinh. Chỉ qua thuyết pháp độ sinh mới có thể tích tập được tư lương phúc trí, mới có thể viên thành Bồ Đềvô thượng. Đây là điều mỗi một hành giả Phật pháp đều biết. Nếu chỉ thỏa mãn dừng lại ở chỗ biết mà không thợc hành thì niềm vui thành đạo Bồ Đề vô thượng sẽ không bao giờ đế với ta. Cho nên đã biết tính thù thắng của Phật pháp Đại thừa thì ta nhất định phải thực hành theo pháp mới được.
Nếu sợ địa ngục khổ thì lòng tinh tiến tự sinh; nếu biết vô thường nhanh thì biếng lười không đến. Lại phải biết lấy Phật pháp làm roi, bạn tốt làm người dắt dẫn, đến với Phật pháp mà không rời, suốt đời nhờ cậy, thì không còn lo thoái chuyển nữa!.
Người thường trong thế tục sỡ dĩ không chịu tinh tiến tu thiện pháp cũng chỉ vì không biết thế gian là khổ trái lại cho là sướng vui, đệ tử Phật nói chung, sỡ dĩ không chăm chie tu học Phật pháp, chỉ vì không sợ nỗi khổ ở địa ngục. Nếu như thật sự “sợ địa ngục khổ”, nếu cái cảnh tượng núi dao cây kiếm, cắt đầu chặt chân, cắt lưỡi móc mắt, nghìn chết muôn sống v.v… thường xuyên hiện ra trước mắt thì tự nhiên ta sẽ cảnh giác mà tinh tiến không biếng lười nữa, cho nên nói: “lòng tinh tiến tự sinh”. Vì phát hiện được những cảnh khổ địa ngục, ta sẽ tự biểt rằng nếu không chăm chỉ tu thiện thì sẽ có ngày phải vào địa ngục chịu khổ, nếu không muốn kết duyên chặt chẽ với địa ngục thì chỉ có một cách duy nhất là theo Phật pháp thuầ chính mà tinh tiến tu các thiện pháp.
Bình thường người ta sỡ dĩ không phấn chấn tinh thần chỉ vì không thấy được rằng vô thường là nhanh chóng lắm, cứ cho rằng hôm nay mình đang sống, ngày mai đang sống, ngày kia nữa vẫn sống, sống mãi không chết. Biết đâu rằng cái sinh mệnh tổ hợp này (sự tổ hợp của bốn nỗi khổ lớn: sinh, lão, bệnh, tử - ND) là hư vô không có thật, là bấp bênh bại hoại, một hơi thở dứt là hai mắt trợn trừng mà thành người thiên cổ. Đến lúc đó nếu có hối hận bình sinh lười biếng thì đã muộn rồi, chỉ còn theo nghiệp lực mà lưu chuyển không ngừng nghỉ mà thôi. Nếu thật sự quan niệm được rằng vô thường là nhânh chóng như nước lũ cuốn nhanh thì sự “lười biếng không đến”, nó sẽ bị tính cảnh giác khắc phục. Những câu niệm buổi tối mỗi ngày “ngày hôm nay qua, mệnh cũng diệt theo … hãy niệm vô thường, xin đừng buông thả” thật sự có tác dụng thúc dục nhắc nhở. Phật nói “ Mệnh người chỉ trong một hơi thở ra hít vào”. Nói vậy không phải để dọa nạt ta mà là sự thật, chỉ cần hơi sau không nối được hơi trước, thế là mệnh người kết thúc.
Là đệ tử Phật bình thường ngoài việc phải biết sợ nỗi khổ địa ngục, hiểu được sự nhanh chóng của vô thường, lại “phải coi Phật pháp là cái roi, thúc dục chúng ta giờ khắc nào cũng phải tắm gội trong Phật pháp để ccầu tiến bộ nên biết rằng trong giá trị của nhân sinh, Phật pháp giữ vị trí cao nhất, nếu như có thể thường xuyên đọc, nghe Phật pháp làm cho thâm tâm ta được thấm nhuần trong Phật pháp mà được cái thiện – kinh nói: “Phật pháp như một tấm gương sáng, nếu thường xuyên được soi trong Phật pháp thì ta không những có thể soi thấy được mọi điều đúng sai của ta trong đối nhân xử thế, mà còn có thể soi thấy được cái tâm tính của ta mà tam độc tham, sân, si xâm thực từ vô thủy đến nay đã làm cho nó mất đi cái diện mục vốn có – làm cho nó thoát khỏi vết xe khô cạn mà được giải thoát tự tại. Vì thường ngày làm bạn với Phật pháp, cũng coi như Phật pháp là thầy, lấy Phật pháp khích lệ mình. Vì thế, nói nghiêm túc Phật tử chúng ta phải “đến với Phật pháp mà không rời” phải “suốt đời cậy nhờ” Phật pháp. Nếu có thể lấy Phật pháp để thúc dục mình như vậy thì tất nhiên “không còn mối lo thoái chuyển” nữa.
Ngoài ra, chúng ta còn cần có “bạn tốt dẫn dắt”, làm cho chúng ta được săn sóc chiếu cố trên lộ trình tu học Phật pháp mà không đến nỗi tụt lại phía sau. Bạn tốt (thiện hữu) nói ở đây có người cho là thiện tri thức, trong đó có hai loại là thiện tri thức giáo thụ và thiện tri thức đồng hành. Trong việc tu học Phật pháp, hai loại thiện tri thức này không thể thiếu được. Thiện tri thức giáo thụ có thể gợi ý cho chúng ta tiến lên con đường Phật đạo như thế nào, nếu phát hiện chúng ta mất phương hướng thì có thể chỉ dẫn chúng ta trở lại đường chính. Thiện tri thức đồng hành có thể khích lệ lẫn nhau. Rèn luyện lẫn nhau để chúng ta khỏi thoái chí, hễ phát hiện thấy chúng ta hơi thoái chí thì lập tức nhắc nhở chúng ta tiếp tục tinh tiến không ngừng. Vì thế hành giả Phật pháp, trong quá trình tu hành rất cần có sự dẫn dắt của bạn tốt, hơn nữa phải “đến với bạn tốt mà không rời” phải “suốt đời nhờ cậy bạn tốt” mãi mãi dựa vào nhau, gần gũi nhau. Nếu thực sự được bạn tốt dẫn dắt thì tất nhiên không còn mối lo thoai chuyển nữa.
Đừng nói tâm niệm là nhỏ, đừng bảo hư nguyện không ích gì, tâm mà thật thì việc sẽ thật, nguyện mà rộng thì hành hẳn sâu. Hư không chưa lớn, chúa tâm mới thật là lớn, kim cương chưa bền, nguyện lực mới thật là bền nhất.
Tâm Bồ Đề nảy sinh, sẽ là cái hạt giống tương lai thành thật. Tương lai có thành thật được hay không hoàn toàn phụ thuộc vào tâm Bồ Đề có nảy sinh hay không, cho nên hành giả phát tâm đừng nghĩ rằng cái tâm là nhỏ mà không coi trọng “Muôn trượng lầu cao từ đát dậy”, nên biết rằng Bồ Đề vô thượng là phát sinh từ cái tâm. Khi bắt đầu phát nguyện, không có nội dung thực chất, nhìn chung, hầu như chỉ là hư nguyện, không có thực ích gì. Không biết rằng mọi lợi ích của Phật pháp đều từ phát nguyện lực làm sao có thể trên cầu Phật đạo, dưới độ chúng sinh, cho nên hành giả phát nguyện nhất thiết đừng bảo rằng đây chỉ là hư nguyện, không có thực ích. Học Phật, dựng lên chí nguyện cao thượng, thực ra chỉ là điểm khởi đầu, cho nên phần trên đã nói: “Việc gấp nhất trong tu hành trước hết là lập nguyện”.
Phát tâm Bồ Đề là theo chân tâm mà tu hành. Phát tâm mà thật, thì sau này việc làm cũng sẽ thật. Chỉ có biểu hiện trong việc làm là thật thì mới có thể chứng tỏ phát tâm là thật. Có thể thấy, phát tâm nhất định phải chân thực, tuyệt đối không thể tà ngụy. Kinh nói: Nhân địa không thật thì quả sẽ quanh co” đây là điều mỗi người phát tâm phải chú ý. Lập nguyện phải lập nguyện quảng đại, như tứ hoằng thệ nguyện mà mọi người biết là thuộc nguyện quảng đại. Nếu phát nguyện quảng đại thì hành dựa theo nguyện quảng đại ấy hẳn sẽ sâu. Chỉ có tu tập thâm hành thì mới có thể thỏa nãn được tâm nguyện quảng đại. Phật pháp thường nói: “hành sơn nguyện hải” (núi hành bể nguyện), nguyện lớn cũng như biển lớn, rộng lớn vô bờ. Không có hành như núi, làm sao có thể thỏa nguyện như biển: Thế nào là hành sâu (thâm hành)? Chỉ có lục độ vạn hạnh Bồ Tát mới đủ tư cách gọi là thâm hạnh. Vì lẽ đó, mỗi một Bồ Tát phát nguyện quảng đại, không ai không tu lục độ vạn hạnh, lý do cũng là ở đây.
Nói chung, thế gian hư không là rộng lớn vô biên, không ai đo được đâu là bờ bến. Tuy vậy, như kinh Phật nói: hư không tuy lớn nhưng chưa thật lớn, mà nó không lớn bằng tâm: “Hư không chưa lớn, chúa tâm mới thật là lớn”.Chúa tâm nói ở đây là chỉ tâm Bồ Đề. Tâm này là chúa trong các tâm. Chúa tâm sở dĩ lớn vượt hư không là vì cái tâm đó “dọc suốt ba cõi, ngang khắp mười phương”, “tâm bọc thái hư lượng cùng sa giới” có thể thấy chúa tâm lớn đến mức độ không tưởng tượng được.
Nói chung, ở thế gian, kim cương là rắn nhất, bền nhất, nó có thể phá mọi thứ mà không gì hủy được nó, nhưng kinh Phật bảo với chúng ta, kim cương tuy rắn nhưng chưa phải là rắn nhất, nguyện lực của ta còn rắn hơn kim cương, nguyện lựclà bền chắc nhất. Trí độ luận nói: kim cương ở thế gian có thể đánh vỡ sừng bò, nhưng người ta nếu lập nguyện bền chắc, thì bất cứ một lực lượng nào cũng không thể lay động được, ngay cả thiên ma ngoại đạo cũng không thể mảy may lay động được.
Nếu đại chúng không vứt bỏ lời tôi, thì từ đây quyến thuộc Bồ Đề quấn quít, thề nguyện Liên xã từ nay thắt chặt.
Đại sư Tỉnh Am viết bài văn này là để khuyên chúng dự pháp hội Niết bàn đương thời, nhưng trên thực tế cũng là khuyên tất cả chúng ta hôm nay.
Bất luận là đại chúng dự pháp hội xưa hay đại chúng ngày nay – nếu thật sự không vứt bỏ những lời nói mộc mạc chân thành này của tôi, mọi người cùng nhất trí, theo những nhân duyên khác nhau mà phát đại tâm Bồ Đề, thì giữa chúng ta sẽ trở thành quyến thuộc Bồ Đề, sát cánh kề vai cùng tiến bước trên con đường Phật đạo: “quyến thuộc Bồ đề từ đây quấn quít”. Liên xã tức là đạo trường niệm Phật dựa trên chí nguyện chung niệm Phật cầu sinh Tịnh Độ, Phật tử các nơi kết thành liên xã. Phật tử trong liên xã cùng niệm Phật, trở thành liên hữu. Vì chí đồng đạo hợp, liên xã hình như kết một mối thề nguyền “liên xã từ nay thề nguyền thắt chặt”.
Sở nguyện cùng vãng sinh Tịnh độ, cùng đi gặp Di Đà, cùng hóa độ chúng sinh, cùng thành chính giác, thì biết đâu ba mươi hai tướng và bách phúc trang nghiêm sau này không bắt đầu từ việc phát tâm lập nguyện hôm nay.
Đại sư Tỉnh Am nói, tôi và chư vị hôm nay đây cùng tu sám pháp ở đạo trường này, chỉ có một sở nguyện duy nhất là cùng được vãng sinh Tịnh Độ, cực lạc Tây phương, cùng được bái kiến Như Lai Di Đà, nghe Phật pháp mà ngộ được vô sinh pháp nhẫn. Sau đó cùng theo nguyện lực trở lại thế giới sa bà để cùng độ hóa chúng sinh, đến khi nào hóa duyên khắp hết, “nhân quả viên mãn, cuối cùng chứng thành chính giác chính đẳng vô thượng. Đây là nguyện vọng cao nhất của tôi và cũng trông chờ ở đại chúng tham dự pháp hội và các Phật tử tu học Phật pháp sau này. Nên biết rằng, bốn cái “cùng” nói ở đây đã bao hàm cả hai mặt lớn tự lợi và lợi tha, đến khi đạt được tự giác, giác tha, giác hành viên mãn, tự nhiên sẽ thành Phật. Tất cả những Phật Đà đã thành đẳng chính giác, không ai không có đủ ba mươi hai tướng, trăm phúc trang nghiêm. Cho nên nói: “Biết đâu ba mươi hai tướng và trăm phúc trang nghiêm sau này không bắt đầu từ việc phát tâm lập nguyện hôm nay”? Hôm nay phát tâm lập nguyện là nhân, ba mươi hai tướng và trăm phúc trang nghiêm sau này là quả, nhân quả thanh tịnh như vậy là nhân quả cứu cánh nhất. Chúng ta phải tu cái nhân như vậy, cầu cái quả như vậy thì mới khỏi phụ cái chí xuất gia tu Phật.
Ba mươi hai tướng của Phật, nếu nói hết thì rất phiền phức, xin nói vắn tắt mấy loại như nhục kế tướng trên đầu, bạch hào tướng giữa hai lông mày, tướng chữ vạn ở trước ngực, tướng bánh xe nghìn hoa dưới bàn chân v. v… là mấy tướng chủ yếu trong ba mươi hai tướng. Ba mươi hai tướng đó phải bồi dưỡng vun trồng bách phúc, làm cho bách phúc trang nghiêm. Bách phúc không phải là những việc thiện bình thường mà ta làm hàng ngày, những việc như cứu trợ kẻ bần cùng, in kinh, phóng sinh v. v… cố nhiên đều là việc thiện, nhưng không thể cứ liệt kê từng việc, mỗi việc là một phúc. Theo Đại trí độ luận: nếu mọi chúng sinh ở ba nghìn đại thiên thế giới tất cả đã mù hai mắt không thể trông thấy gì nữa, hành giả Bồ Tát chạy chữa cho từng người, làm cho mọi chúng sinh đều sáng mắt trở lại, trông thấy được tất cả, thì đó là một phúc. Như vậy, tu được một phúc không phải là đơn giản huống gì phải vun trồng trăm phúc? Đây không phải là việc có thể làm được trong thời gian ngắn. Phải trải qua nhiều kiếp tu hành mới có thể vun trồng bách phúc:
Nguyện cùng đại chúng cùng cố gắng: May lắm thay! May lắm thay!
Viết đến đây, đại sư Tỉnh Am tổng kết: Tôi nguyện cùng chư vị ở đây khuyến khích cổ vũ lẫn nhau, tự lợi lợi tha, cùng tiến trên đường Bồ Đề. Vì mình mà cố gắng thì việc tự lợi “may lắm thay!” Vì lợi tha mà tinh tiến, thì chúng sinh “may lắm thay!”. Nhấn lại hai lần “May lắm thay” là như vậy. 
 
*
 
            Bài văn “khuyến phát tâm Bồ Đề” đến đây đã giảng hết, cuối cùng tôi muốn nói thêm vài điều: Chư vị có mặt tại đây nếu trước kia chưa nghe bài này, không biết phát tâm là gì, không biết phát tâm thế nào, chưa từng phát tâm Bồ Đề thì cũng không trách được: nay đã nghe, đã hiểu nhân duyên phát tâm Bồ Đề, hiểu được ý nghĩa, phương pháp của nó, thì tôi nguyện chư vị, như đại sư Tỉnh Am từng kỳ vọng, từ hôm nay đây lập tức phát tâm, lập tức lập nguyện. Tứ chúng Phật giáo ngày nay nếu có thể cùng phát tâm Bồ Đề, dùng lập nguyện Bồ Đề, kết thành quyến thuộc Bồ Đề tiến lên trên đường Phật thì dám tin rằng không chỉ Phật giáo có hy vọng chấn hưng mà tất cả chúng sinh trong thế giới sa bà cũng sẽ được lợi ích. Vì tứ chúng Phật giáo – có thể thực sự khẩn thiết phát tâm thì thế giới sa bà này sẽ thành ra thế giới Phật hóa mà trở lên hòa lạc, tự do, thế thì còn sợ gì bom khinh khí, bom nguyên tử. Thế giới này ngày nay hổn loạn đến thế, đâu đâu cũng đằng đằng sát khí chỉ vì Phật pháp chưa truyền bá khắp mọi ngóc ngách của thế giới, chưa thấm được vào trong mọi tấm lòng. Chúng ta phát tâm Bồ Đề nếu như người người đều hoằng dương Phật pháp, làm cho Phật pháp lưu hành khắp thế gian, chuyển hóa thế giới uế ác này thành ra “Tịnh độ ở chốn nhân gian” như đại sư Thái Hư đã nói.
            Cuối cùng nguyện cùng chư vị cùng phát tâm Bồ Đề cùng hành đạo Bồ Tát, cùng chứng quả Bồ Đề.
--o0o--