PHẬT HỌC CƠ BẢN

Phật Học Khái Luận
Thích Chơn Thiện

Chương Hai - Pháp Bảo
Tiết VII
Sáu Giới - Mười Hai Xứ - Mười Tám Giới

Sáu giới là sáu yếu tố làm nên con người và thế giới. Ðấy là những yếu tố: đất, nước, gió, lửa, không gian và thức.
Mười hai xứ thì gồm có sáu xứ ở trong: mắt, tai, mũi, lưỡi, thân và ý căn, và sáu xứ ở ngoài: sắc, thanh, hương, vị, xúc và pháp. Ðây là thế giới của tướng trạng.
Mười tám giới là hình thức triển khai của sáu giới, gồm có sáu căn, sáu trần và sáu thức (nhãn thức, nhĩ, tỉ, thiệt, thân và ý thức).
Kinh Giới Phân Biệt (Trung Bộ Kinh III), Kinh Phân Biệt Giới (Trung A-hàm, số 162) và Kinh Phân Biệt Lục Xứ (Trung A-hàn, số 163) trình bày rõ về sáu giới và mười hai xứ.
Thực sự mười hai xứ và mười tám giới được bao hàm trong sáu giới. Thế Tôn đã trình bày sáu giới theo phương pháp phân tích, chỉ rõ sáu giới chính là con người và thế giới. Ðây cũng là mười hai xứ và mười tám giới. Con người luôn luôn được nhìn gắn chặt với thế giới. Nói khác đi, con người và thế giới cũng chính là sáu giới, mười hai xứ hay mười tám giới ấy, chúng không phải hai, không khác. Chúng đều có cùng pháp tính Duyên khởi tính. Bằng phương pháp phân tích này, người nghe có thể giác ngộ rằng ngã và pháp đều Vô ngã để rời khỏi chấp thủ tướng, nguyên nhân của sinh tử, khổ đau. Thế Tôn đã dạy nhìn sáu giới, mười hai xứ hay mười tám giới: không phải là ta, không phải là của ta, không phải là tự ngã của ta, để từ đây sinh tâm từ bỏ, yếm ly.
Những tư duy "tôi là các căn, các trần hay các thức", những ý niệm "tôi là", "tôi đã là", "tôi sẽ là" đều là vọng tưởng rơi vào ngã mạn, không phù hợp với giáo lý giải thoát của Thế Tôn.
Như đã được trình bày ở Duyên khởi và Năm uẩn, chi phần "sáu xứ", chi phần "xúc", chi phần "thức" (hay thức uẩn) tự nó là Duyên sinh, nên Vô ngã. Tại đây, A-hàm và Nikàya đều có một cái nhìn giống nhau. Chúng ta không thể hiểu lầm cho rằng A-hàm, hay Nikàya chủ trương các giới, các xứ là thực hữu hay hằng hữu.
Cái mà giáo lý Phật giáo gọi là thế giới, hay con người, chỉ là sự tổ hợp của các căn, các trần và các thức. Tự thân của căn, trần, thức đã là Duyên sinh, Vô ngã, nên thế giới và con người đều Vô ngã.
Chính giáo lý về sáu giới, mười hai xứ, mười tám giới đặt trọng tâm ở điểm Vô ngã này, mục đích là để soi sáng cho người nghe thấy rõ nhân Vô ngã, pháp Vô ngã để trừ bỏ mọi chấp trước, vọng tưởng.
Thế Tôn đã dạy Kinh Sáu Giới cho một tu sĩ trẻ tuổi là Phất-ca-la-sa-lợi (Pukkusàti) tại một chái nhà lá của thợ làm đồ gốm trong một đêm trú mưa để khai ngộ người tu sĩ trẻ tuổi này. Nghe xong, Phất-ca-la-sa-lợi đắc A-na-hàm quả ngay (tại chỗ).
Chúng ta cũng bàn đến Sáu giới này trong phần các chủ trương về Duyên khởi như Tứ đại hay Lục đại Duyên khởi. Tưởng ở đây chúng ta không phải đi sâu vào nội dung của từng giới (địa, thủy, hỏa, phong, không và thức)./
--o0o--