-
-
|
PHẬT HỌC CƠ BẢN
-
Phật Học Khái
Luận
- Thích Chơn Thiện
-
Chương Hai -
Pháp Bảo
Tiết XII
- Tứ Như Ý Túc
- Tứ như ý là
dịch âm từ chữ Iddhi (Pàli). Thế Tôn dạy: "Ở đây vị Tỷ-kheo thực
hiện nhiều loại thần thông, một thân hiện ra nhiều thân, đi trên
không..., đi trên nước, độn thổ..., với tay sờ mặt trăng, mặt
trời..., có thể tự thân bay đến cõi Phạm Thiên, này các Tỷ-kheo,
đây gọi là Như ý". (Tương Ưng, V, Sđd. tr. 289)
- - "Con đường
nào, đạo lộ nào đưa đến chứng được Như ý, này các Tỷ-kheo, đây
gọi là Như ý túc". (Sđd. tr. 289)
- Tứ như ý túc
là dục định, tinh tấn định, tâm định và tư duy định.
- Nếu hành giả
nương vào dục mà được định, được nhất tâm thì gọi là dục định.
Nếu hành giả nương vào tinh tấn được định, được nhất tâm thì gọi
là tinh tấn định. Nếu hành giả nương vào tư duy được
định, được nhất tâm, đây gọi là tâm định, cũng gọi là
tư duy định. (Sđd. tr. 209-210)
-
Tu tập Tứ như ý túc
- "Tu tập Như ý
túc cùng với dục định, tinh cần hành; tu tập Như ý túc cùng với
tinh tấn định, tinh cần hành; tu tập Như ý túc cùng với tâm
định, tinh cần hành; tu tập Như ý túc cùng với tư duy định, tinh
cần hành; đấy gọi là tu tập Như ý túc". (Sđd. tr. 280)
- "Ở đây, này
các Tỷ-kheo, có người tu tập Như ý túc cùng với dục định, tinh
cần hành, với ý nghĩ: như vậy, ý muốn ta sẽ không quá thụ động
và không quá hăng say, không co rút phía trong, sẽ không phân
tán phía ngoài, an trú với trước sau đồng đẳng, dưới thế nào thì
trên như vậy, trên thế nào thì dưới như vậy, ban ngày thế nào
thì ban đêm như vậy, ban đêm thế nào thì ban ngày như vậy".
(Sđd. tr. 276)
- Dục (lòng ham
muốn) thụ động là dục đi đôi với biếng nhác; dục quá hăng say là
dục tương ứng với trạo cử. Dục co rút vào phía trong là dục
tương ứng với hôn trầm, thụy miên; dục phân tán ở phía ngoài là
dục tương ưng với năm dục công đức ở ngoài (ngũ dục lạc).
- Tưởng trước,
sau đồng đẳng là tưởng trước sau khéo tác ý, khéo thọ trì, khéo
thể nhập với trí tuệ.
- Dưới, trên...
quán từ lòng bàn chân đến tóc đều bất tịnh.
- Ðêm, ngày...
cùng hành một hành tướng, nhân tướng.
- Tương tự đối
với tinh tấn định, tâm định và tư duy định.
- Về Tứ như ý
túc, tu tập như trên sẽ dẫn đến một số kết quả đặc biệt:
- - "... Vị
Tỷ-kheo chứng được nhiều loại thần thông: một thân hiện ra nhiều
thân...". (Sđd. tr. 277)
- - "Có thể
chứng thiên nhĩ thông, tha tâm thông, thiên nhãn thông, túc mệnh
thông và lậu tận thông". (Sđd. tr. 277)
- - "Do tu tập
làm sung mãn Tứ như ý túc này, tu tập nhiều lần, thật lão luyện,
thật chắc chắn, thật bền vững, thiện xảo, thời nếu muốn, người
ấy có thể sống đến một kiếp, hay phần kiếp còn lại". (Sđd. tr.
272)
- - "Do tu tập
sung mãn Tứ như ý túc này, Như Lai được gọ là bậc A-la-hán,
Chánh Ðẳng Giác". (Sđd. tr. 271)
- - "Có Tứ như
ý túc, này các Tỷ-kheo, được tu tập, được làm cho sung mãn, trở
thành những Thánh lãnh đạo, dẫn dắt những ai thực hiện đi đến
chơn chánh đoạn diệt khổ đau". (Sđd. tr. 269)
-
Một số nhận định về Tứ như ý túc
- - Ðiểm đặc
biệt thứ nhất của pháp môn Tứ như ý túc là các bậc Thánh tu tập
nhuần nhuyễn pháp môn này thường trở thành các bậc Thánh lãnh
đạo. Có lẽ sau khi đoạn tận lậu hoặc, nếu điêu luyện Tứ như ý
túc thì sẽ thêm nhiều khả năng giáo hóa, như trường hợp Tôn giả
Mục-kiền-liên là vị đệ nhứt chứng ngộ Tứ như ý túc, Tôn giả trở
thành vị đại đệ tử thứ hai của Thế Tôn. Về mặt thần thông này
thì chỉ có Tôn giả Mục-kiền-liên là bằng Thế Tôn (tương tự, về
mặt tuệ giải thoát thì có Tôn giả Xá-lợi-phất bằng Thế Tôn). Chư
Thế Tôn đều thiện xảo, điêu luyện Tứ như ý túc.
- - Ðiểm đặc
biệt thứ hai của Tứ như ý túc là vị Thánh đệ tử điêu luyện pháp
môn này có thể kéo dài mạng sống đến một tiểu kiếp hay phần tiểu
kiếp còn lại. Kinh Ðại Niết-bàn ghi Thế Tôn đã gợi ý ba lần về
điểm này để Tôn giả A-nan thỉnh Phật trú thế nhưng Tôn giả không
rõ ý Thế Tôn.
- - Ðiểm đặc
biệt thứ ba của Tứ như ý là trong khi giáo lý Phật giáo chủ
trương đoạn trừ lòng dục (nơi nào có lòng dục thì nơi đó lòng
dục cần được đoạn trừ) nhưng ở Tứ như ý túc thì dục định được tu
tập.
- Một lần (ở
Tương ng V), Bà-la-môn Unnàtha đã thắc mắc vấn đề dục định, sợ
rằng không phù hợp với mục tiêu của Phạm hạnh. Tôn giả A-nan đã
giải thích cho Unnàtha rằng:
- "Do trước có lòng dục thúc đẩy
Ông đến đây...
Do trước có tinh tấn thúc đẩy Ông đến đây...
Do trước có tâm thúc đẩy Ông đến đây...
Do trước có tư duy thúc đẩy Ông đến đây...
- Sau khi
đến đây rồi, dục, tinh tấn, tâm tư duy của Ông được tịnh chỉ,
cũng vậy, vị A-la-hán thì lòng dục, tinh tấn, tâm, tư duy được
tịnh chỉ".
- Kinh Tạng
Nikàya ít đề cập đến Tứ như ý túc, thường chỉ đề cập đến thần
túc thông. Phẩm Tứ Pháp của Tăng Chi Bộ Kinh không đề cập đến Tứ
như ý túc. Chỉ có Tương Ưng Bộ Kinh V là đề cập rõ đủ Ba mươi
bảy phẩm trợ đạo. Qua phần đề cập này, Bát Thánh đạo là đạo lộ
đưa đến tu tập Tứ như ý túc. Cho nên phần tu tập của pháp môn
này vẫn bao gồm đủ Giới, Ðịnh và Tuệ uẩn. Bốn chi phần Như ý
thực sự là dẫn đến định. Tại đấy, tuệ giác được vận dụng để đoạn
trừ lậu hoặc. Khi chánh trí xuất hiện thì dục định, tinh tấn
định, tâm định và tư duy định được ngưng chỉ, lặn mất. Tứ như ý
túc cần được hiểu như là sức mạnh tu tập giải thoát, là tất cả
nỗ lực để chứng ngộ Niết-bàn.
- Ở mặt ngôn
ngữ, danh từ, dục như ý túc nghe gần như bất ổn. Trong khi hành
giả phải ly dục, ly ái mới vào Sơ Thiền, thì ở Tứ như ý túc lại
do dục mà đưa đến Ðịnh. Ði vào nội dung cụ thể của ly dục và dục
định, chúng ta sẽ thấy không có mâu thuẫn nào giữa hai cách diễn
đạt ấy... Ly dục ở đây là rời khỏi lòng ham muốn ngũ trần (sắc,
thanh, hương, vị và xúc), là những gì ngăn che Thiền định; dục
định là lòng mong muốn, là nhiệt tình, là khát khao loại bỏ mọi
thứ ngăn che Thiền định, mọi lòng dục về các trần để đi vào
Thiền định. Dục đưa đến Ðịnh là khát khao giải thoát được soi
sáng bởi chánh kiến và chánh tư duy. Cần phải đi vào tu tập mới
nhận rõ điểm này. Thí như tiếng gõ bảng của thầy giáo, cô giáo,
tuy cũng là một loại âm thanh gây động, nhưng nó có tác dụng làm
im hẳn đi những ồn ào của học sinh và để lại sự yên tĩnh của lớp
học. Tiếng gõ bảng khởi lên để dập tắt tiếng ồn của học sinh,
khi tiếng ồn này im bặt, thì tiếng gõ bảng cũng lặn theo.
- Tóm lại, Tứ như ý túc cũng là
một ngõ vào Thiền định, nó thuộc Ðạo đế, nâng gót của hành giả
đi vào giải thoát và tri kiến giải thoát./.
--o0o--
|
|