-
-
|
PHẬT HỌC CƠ BẢN
-
Phật Học Cơ Bản
-
Tập Một
- Ban Hoằng Pháp
Trung Ương
GHPGVN
-
Chương Trình Phật Học Hàm Thụ (1998-2002)
Nguyệt San Giác Ngộ
- --- o0o ---
- Phần I -
Bài đọc thêm
- Quan Niệm Về
Ðạo Phật
Sau Khi Phật Thích Ca Nhập Diệt
- HT Thích Trí
Quảng
- Ðức Phật
Thích Ca hiện thân trên cuộc đời, mang thân tứ đại như chúng ta.
Tuy nhiên, qua cuộc đời giáo hóa độ sanh của Ngài, chúng ta thấy
thể hiện rõ nét ba đặc tính: Trí tuệ, Từ bi, Bình đẳng, hàm chứa
đầy đủ trong con người siêu phàm ấy.
- Thật vậy, Ðức
Phật tiêu biểu cho một bậc thánh nhân toàn giác, toàn thiện,
toàn mỹ, vì mọi việc làm của Ngài trong suốt 49 năm cứu nhân độ
thế đã tỏa sáng trí tuệ tuyệt vời, tình thương bao la và tinh
thần bình đẳng tuyệt đối.
- Trên bước
đường vân du hóa độ, tinh thần bình đẳng, từ bi và trí tuệ của
Ðức Phật đã là chất liệu thu hút đông đảo quần chúng thuộc mọi
tầng lớp xã hội theo Ngài, sống gắn bó với Ngài. Nhìn vào giáo
đoàn của Ðức Phật, thấy rõ một sự kết hợp hài hòa từ vương tôn
công tử, các nhà quyền quý, trưởng giả cho đến hạng người trí
thức, thương gia hay thường dân và kể cả những người nghèo khổ,
cùng đinh.
- Ðặc biệt có
nhiều giáo chủ của các tôn giáo khác quy phục Ðức Phật. Ðiển
hình như Xá Lợi Phất, Mục Kiền Liên, Ca Diếp là giáo chủ những
ngoại đạo nổi tiếng đương thời trở thành đệ tử Phật, vì họ cảm
nhận được lòng từ bi sâu xa, vô lượng của Ngài bao phủ trọn vẹn
tâm hồn họ. Thật vậy, sống với ngoại đạo thì họ luôn tranh cãi,
chống báng nhau; nhưng về với Phật, mọi bất hòa, hiềm khích tự
tan biến như mây khói, không có ý thức chống đối nào có thể khởi
lên trước ánh sáng từ bi cao cả của Ðức Phật.
- Thực tế cuộc
đời giáo hóa của Ðức Phật thể hiện lòng từ ái bao dung của Ngài,
đã từng làm dịu mát tâm ác độc của Ưu Lâu Tần Loa Ca Diếp đang
sôi sục sân hận, ghét ganh, trở thành người biết ăn năn và xin
từ bỏ những việc làm tội lỗi, bỏ cả quyền lợi của một giáo chủ
lãnh đạo tu viện với 500 đệ tử, để theo Phật tu hành. Ðiều đó
thật không phải chuyện đơn giản, thiết nghĩ ngoài tấm lòng từ bi
vô lượng của Ðức Phật ra, không ai có khả năng cảm hóa như vậy.
- Trí tuệ Phật,
hay hiểu biết của Ngài về cuộc đời, về mọi việc trong vũ trụ
giúp cho người thấy vấn đề sáng ra, trong kinh điển thường gọi
là khai ngộ. Chưa gặp Phật, chấp đủ thứ, bị mọi định kiến ràng
buộc, nhưng không giải quyết được gì. Về với Phật, trí tuệ Ngài
chỉ đạo cho họ tháo gỡ mọi gút mắc, thoát khỏi những sai lầm
trói buộc một cách nhẹ nhàng. Nói khác, nương theo Phật tu, trí
sáng ra, nên họ tự vượt khó khăn dễ dàng, tự giải quyết được
đúng đắn, lợi ích.
- Chúng ta còn
nhớ Xá Lợi Phất hạnh ngộ Ðức Phật, trí tuệ Ngài đã tác động vị
thánh đệ tử này, giải tỏa được mọi thắc mắc, khổ đau cho ông.
Bao nhiêu ẩn số về cuộc đời tồn đọng, làm đau đầu, nhức óc đại
luận gia Xá Lợi Phất bỗng chốc được khai thông. Quả là kỳ diệu,
ông đã thấy rõ đáp số cho mọi vấn đề khi vừa nhìn thấy hình bóng
giải thoát của Ðức Phật. Phần lớn những nhà trí thức theo Phật,
thoát khỏi hố sâu của lý luận, thắc mắc tự tiêu tan, nhẹ nhàng
thanh thản trước cuộc đời, thường được diễn tả là giải thoát tri
kiến.
- Mặc dù Ðức
Phật được tôn là đấng Vô Thượng Sư, nhưng trong cuộc sống, Ngài
đối xử với mọi người rất bình đẳng. Sinh hoạt của giáo đoàn dưới
sự hướng dẫn của Ngài, thể hiện tinh thần phá bỏ giai cấp một
cách triệt để. Ðức Phật sống hài hòa với tất cả đệ tử, tâm bình
đẳng của Ngài bao phủ trọn vẹn đại chúng, khiến họ tự quên mình
thuộc giai cấp nào. Vì vậy, người quyền quý, giàu có, trí thức
tu chung với người nghèo khổ, bình dân mà vẫn hòa hợp, thanh
tịnh, không chướng ngại.
- Ba đức tính
cao quý: Trí tuệ, Từ bi, Bình đẳng của Ðức Phật được các thánh
đệ tử tiếp nhận và tiếp tục thắp sáng trên bước đường truyền
giáo. Các vị A La Hán hành đạo khắp nơi trên thế giới, đến nơi
nào cũng thể hiện ba điều cao quý ấy, tạo thành nếp sống hài hòa
với mọi người, mọi nơi, mọi hoàn cảnh, mà kinh thường gọi là tùy
duyên.
- Thí dụ khi
đặt chân đến Trung Hoa, các nhà sư truyền giáo đã kết hợp hài
hòa tinh ba của Phật pháp với văn hóa truyền thống sẵn có là
Lão-Trang, Khổng-Mạnh. Hài hòa đến độ dân chúng nơi ấy thấy các
nhà sư Phật giáo là người của Lão-Trang hơn cả Lão-Trang.
- Trong lịch
sử, cũng thể hiện rõ nét tinh thần ấy. Như Ðạo Dung, Ðạo Sanh,
Tăng Triệu, Tăng Duệ là học trò nổi tiếng của hai đạo Lão-Trang
và Khổng-Mạnh, sau này trở thành đệ tử của ngài Cưu Ma La Thập,
đóng vai trò trợ thủ đắc lực nhất cho Ngài trong việc phiên dịch
kinh điển.
- Thiết nghĩ,
nối gót theo tinh thần bình đẳng, vô ngã hoàn toàn, các nhà sư
truyền đạo không mang định kiến đạo Phật phải là thế này, không
thể thế kia. Nhưng đối với họ, tinh ba của con người là một phần
của đạo Phật, nên thường lựa chọn những gì tốt nhất của con
người thì phát huy cái đó. Theo tinh thần ấy, các nhà truyền
giáo đã lấy những điểm hay, đẹp của Lão-Trang, Khổng-Mạnh để kết
hợp với áo nghĩa của đạo Phật, dùng phương tiện hài hòa ấy mà
chuyển hướng họ dần theo chánh pháp. Có thể khẳng định bản chất
của người tu sĩ vô ngã vị tha, lấy văn minh của xã hội, những
điều hay đẹp của quần chúng trang nghiêm cho đời, nên họ và
người hài hòa được với nhau.
- Cũng trên
tinh thần vô ngã, Phù Vân Quốc sư khuyên Vua Trần Thái Tông
không nên bỏ ngai vàng để vô núi tu. Con đường thăng hoa cuộc
sống tâm linh đối với vua là phải lấy tâm người làm tâm mình,
lấy yêu cầu của quần chúng làm yêu cầu của mình, trở về triều lo
việc trị nước an dân. Phật giáo trên con đường phát triển,
truyền sang Trung Hoa, Nhật Bản, Hàn Quốc, Việt Nam, Thái Lan
v.v..., đến nơi nào, đạo Phật đều thích hợp với văn hóa dân tộc
bản địa và trở thành lẽ sống cho người thăng hoa, tạo thành thế
Phật giáo tồn tại vững chắc, lâu dài, hiền hòa. Sống tách biệt,
chống đối, thù hiềm, mưu cầu lợi ích riêng tư... chưa bao giờ là
hành trang của người đệ tử chân chính nối gót chân Phật.
- Ðức Phật đã
thể hiện trọn vẹn tinh thần vì lợi ích cho số đông trên bước
đường giáo hóa, tạo thành nét đẹp tuyệt vời của một giáo đoàn
thanh tịnh, hòa hợp với xã hội.
- Tinh thần hài hòa của Ðức Phật
là chất liệu quý báu đưa Phật giáo phát triển khắp năm châu, tồn
tại hơn 25 thế kỷ. Ðặc biệt ngày nay, Phật giáo đang lần bước mở
rộng ở các nước Tây phương. Và những vị Thiền sư cũng theo tinh
thần phục vụ vô ngã, đã nhẹ nhàng ảnh hưởng cho người phát triển
tâm linh, khai thông được những bức bách của xã hội văn minh.
- Tóm lại, hàng
đệ tử Phật đời sau nối tiếp hạnh nguyện của Ngài, thể hiện được
chân tinh thần trí tuệ, từ bi, bình đẳng, vô ngã vị tha, thì
hành đạo ở nơi nào cũng được mọi người kính mến, quý trọng,
thành tựu mọi việc lợi cho đời, tốt cho đạo.
- Theo dòng
thời gian, Phật giáo nhẹ nhàng lặng lẽ đi vào lòng người ở khắp
mọi nơi trên thế giới. Không đâu không có hình bóng những người
nối chí Phật, được kinh Hoa Nghiêm diễn tả là Pháp thân Phật.
- Thiết nghĩ,
lòng từ bi bao la, vì người, lo cho người được soi sáng bởi trí
tuệ toàn giác theo Phật dạy chắc chắn có giá trị muôn đời, ở bất
cứ nơi nào trên trái đất này.
- Cảm nhận sâu sắc những đức tính
cao thượng tuyệt vời ấy của Ðức Từ Phụ, chúng ta sung sướng
hướng về Ngài, ca ngợi, đảnh lễ:
- Phật thân thanh tịnh tợ lưu ly
Phật diện du như mãn nguyệt huy
Phật tại thế gian thường cứu khổ
Phật tâm vô xứ bất từ bi.ỡ
--o0o--
|
|