-
-
|
PHẬT HỌC CƠ BẢN
- Phật Học Cơ Bản
-
Tập Hai
- Ban Hoằng Pháp
Trung Ương
GHPGVN
-
Chương Trình Phật Học Hàm Thụ (1998-2002)
Nguyệt San Giác Ngộ
- --- o0o ---
- Phần I
- Bài 5
- Bốn đề mục
quán niệm
(Tứ niệm xứ)
- Thích Phước
Lượng
-
A- Dẫn nhập
- Sau khi thành
đạo, Ðức Thế Tôn đã vận dụng phương tiện để dẫn dắt chúng sanh
đến với con đường giác ngộ theo từng cấp độ tùy thuận. Bốn đề
mục quán niệm là một trong những phương pháp tu tập được Thế Tôn
thuyết giảng đầu tiên.
- Giáo lý Ðức
Phật thuyết giảng tuy bao la từ nhân sinh đến vũ trụ, nhưng tựu
trung vẫn xoay quanh vấn đề con người. Lấy con người làm đối
tượng quán chiếu để thấy được vũ trụ vạn hữu, pháp môn Bốn đề
mục quán niệm giúp chúng ta nhận diện được sự thật của tự thân,
tha nhân và xã hội. Ðó cũng chính là ý nghĩa cao cả mà Ðức Phật
nhắm đến khi muốn giác ngộ chúng sanh.
-
B- Nội dung
-
I- Ðịnh nghĩa
- Giáo lý Phật
giáo khẳng định rằng: Muốn thấu triệt một sự vật hiện tượng nào,
nhất thiết phải dùng phương pháp quán niệm. Không có quán niệm
thì không thể đánh giá được sự vật chân thật, khách quan được.
Quán là dùng trí tuệ để tư duy, soi rọi và phân tích đối tượng,
để thấu triệt được bản chất sự vật. Niệm được hiểu một cách đơn
giản là nhớ nghĩ đến đối tượng để thực hiện một quá trình quán
sát, tư duy. Ở giai đoạn sơ khởi thì niệm là tiền đề cho quán.
Nếu không có niệm thì quán không thể xảy ra. Niệm còn có nghĩa
là ký ức lưu giữ đối tượng sau khi quán. Nếu đối tượng cho ta
một kết quả tích cực, lợi ích cho việc tu tập dẫn đến giác ngộ,
thì ta dùng niệm để nhớ nghĩ mà hành trì. Trong giáo lý Tứ diệu
đế, Bốn đề mục quán niệm được Thế Tôn tuyên giảng ở phần Ðạo đế.
Trước hết, đây là một pháp môn tu tập quân bình về chỉ và quán.
Gồm có:
- 1. Quán niệm về thân
2. Quán niệm về thọ
3. Quán niệm về tâm
4. Quán niệm về pháp.
- Theo dõi về
sự có mặt của thân, các cảm thọ, tâm thức và các pháp, đây gọi
là thiền chỉ. Ði sâu vào quán tánh sanh diệt để thấy được bản
chất của chúng, đây gọi là thiền quán.
-
II- Nội dung Bốn đề mục quán niệm
- 1.
Quán niệm về thân:
- Quán niệm về
thân có nghĩa là thực hành thiền định về thân. Thực hành phép
quán niệm này để ý thức được về sự bình yên, thanh thản trong
cuộc sống hiện tại, để thực hành nếp sống oai nghi và để thấy
được mặt trái của thân này.
- a/ Quán thân
thông qua hơi thở
- Ðây là hình
thức quán sổ tức (đếm hơi thở). Tuy nhiên, quán thân thông qua
hơi thở không chỉ có đếm hơi thở mà còn phải theo dõi hơi thở
vào, hơi thở ra dài ngắn như thế nào và biết rõ như vậy. Nói
cách khác, lúc ấy ta đang ý thức và nhận biết chính mình. Hơi
thở đối với sự sống con người là tối quan trọng. Con người có
thể nhịn ăn, nhịn uống trong một thời gian dài, nhưng mạng sống
sẽ kết thúc nếu thiếu thở trong vài phút đồng hồ. Trong kinh Tứ
thập nhị chương, Ðức Phật hỏi các vị Sa môn: Mạng người sống
được bao lâu? Vị thứ nhất trả lời trong vài ngày. Vị thứ hai trả
lời trong một bữa ăn. Phật bảo hai vị ấy chưa hiểu đạo. Vị thứ
ba trả lời mạng sống trong chừng hơi thở. Phật khen vị ấy là
người hiểu đạo. Chúng ta thở suốt ngày suốt đêm, nhưng ít khi
chúng ta nắm bắt được hơi thở của mình. Chúng ta quá bận bịu lo
cho cái ăn cái mặc mà quên đi tính diệu dụng của hơi thở. Chúng
ta chưa quan tâm hơi thở cho buồng phổi và trái tim của chúng
ta. Khi lo lắng, cáu giận làm cho tim đập nhanh, phổi khó hấp
thu không khí, thì chính lúc này việc nắm bắt hơi thở là hết sức
quan trọng, giúp ta lấy lại trạng thái bình tĩnh của tâm và điều
hòa của thân. Khi hơi thở và thân thể được điều hòa thì trạng
thái an tịnh của thân sẽ sanh khởi.
- Thật ra, việc
hít vào thở ra sâu cạn chưa phải là điều quan trọng. Ðiều quan
trọng hơn cả là ta có ý thức được trong khi thở. Phật dạy khi
hít vào thở ra ta phải ý thức theo dõi hơi thở ấy. Hơi thở ra
dài, ngắn thì phải biết là dài, ngắn thật sáng suốt và tỉnh táo.
Ngày nay trong cuộc sống văn minh hiện đại, con người hoạt động
như con thoi trong khung cửi. Con người có thể thực tập phép
quán niệm hơi thở để đem lại sức khỏe cũng như năng suất công
việc. Ở mức độ cao hơn, nó giúp hoàn thiện và phát triển trí
lực.
- b/ Quán thân
thông qua các cử chỉ hoạt động
- Ðây là hình
thức quán thân thông qua đi, đứng, ngồi, nằm, các hoạt động khác
của thân, nhằm kiểm soát hoạt động của thân bằng chánh niệm. Có
nghĩa là dùng chánh kiến để duy trì và phát huy chánh ngữ, chánh
nghiệp, chánh mạng.
- Thật ra, ý
nghĩa của việc quán niệm là nhằm tập trung tư tưởng để sanh khởi
ý thức. Ðức Phật khuyến cáo người Phật tử phải ý thức trong từng
hành động dù nhỏ nhặt nhất. Cũng như ý thức về hơi thở, khi đi
ta biết mình đang đi, khi đứng biết mình đang đứng... Biết như
vậy để cảm nhận hành động được trọn vẹn trong giây phút hiện
tại. Sống như vậy là sống trong chánh niệm, sống trong tỉnh thức
và trong an lạc. Ý thức về bước đi của mình để thấy rằng ta đang
đi giữa đất trời mây nước, với cỏ cây hoa lá chim muông... Mỗi
bước đi của ta đang hòa với cảnh vật, không gian và thời gian,
hòa với cả vũ trụ bao la, và vũ trụ bao la đang có mặt trong mỗi
bước đi của mình. Ý thức rằng lời nói ta đang nói có mặt của
tham lam, sân hận hay không. Bởi vì ngôn từ mà ta nói ra đều hàm
chứa những tâm tư, suy nghĩ của mình. Trong cuộc sống, đôi lúc
chúng ta không có đủ bản lĩnh để ý thức và kiểm nghiệm về mình.
Cuối cùng ta chỉ có ý thức về sự nông nổi, và cuộc sống bị đánh
mất trong giây phút hiện tại.
- Thường thì
trong cuộc sống, chúng ta bị chi phối bởi quá khứ và tương lai.
Do vậy, ta không thưởng thức được hạnh phúc hiện tại. Hãy nhìn
một người đang ngồi trong giảng đường nghe pháp, nhưng tâm người
ấy đang nghĩ đến số tiền cho vay chưa lấy lại được và đang tìm
cách lấy lại trong một ngày gần đây. Thử hỏi người ấy có cảm
nhận trọn vẹn nguồn pháp lạc hay đang vun đắp cho một mối lo
toan sầu não? Do vậy, ý nghĩa thật sự của việc tỉnh thức đối với
hoạt động của thân là sống với hành động hiện tại. Khi ta ý
thức, tỉnh táo trước một hành động thì có hai khả năng xảy ra:
hoặc ta đang đắm mình trong hành động, sống với hành động mà
không nghĩ gì khác ngoài chánh niệm, giác tỉnh, không thấy mình
trong hành động thì ngay đó đã là một kết quả tốt đẹp rồi. Hoặc
là ta tự ý thức đến cái "tôi" trong hành động, tức tư duy hữu
ngã gắn liền với hành động. Như vậy, ý thức về hành động của
thân để nhiệt tâm tinh cần thì đó là ý nghĩa đích thực của chánh
niệm tỉnh giác. Còn khi ý thức ta đang hành động gắn liền với
cái "tôi" thì đó là bước đầu quay về với sự tự chủ trong dòng
vận hành của tự thân.
- Như vậy, quán
thân thông qua các hành động nhằm giúp ta kiểm soát hoạt động
của thân bằng chánh niệm, để thực tập oai nghi chánh hạnh, đưa
ta trở về sống với hiện tại; xa lìa lối sống tìm cầu hạnh phúc
bằng tưởng tượng, bằng mong cầu và bằng hồi tưởng.
- c/ Quán thân
bất tịnh thông qua các bộ phận sai biệt cấu thành
- Bình thường
ta ít khi để ý đến thân thể của mình một cách chi tiết. Ta chỉ
quan tâm nó về những nhu cầu như ăn uống, ngủ nghỉ... làm thế
nào cho có sức khỏe, cho thân hình cân đối đẹp đẽ. Ta tự hào và
trân quí thân ta, vì dưới con mắt mọi người ta có được một thân
thể đẹp đẽ, nhan sắc... Ta nâng niu, nuôi dưỡng và bảo vệ nó tối
đa. Ngược lại ta thật khổ đau và hổ thẹn khi ta có một khuyết
tật nào đó trên thân như mắt lé, mũi tẹt... ta cảm thấy khổ tâm
khi đối diện với mọi người.
- Thế nhưng dù
đẹp hay xấu, thân này vẫn là bất tịnh, là duyên sinh, vô thường,
vô ngã. Trong quan điểm truyền thống của Phật giáo, thân con
người là do tứ đại hợp thành, tức bốn yếu tố: đất, nước, gió,
lửa, hay còn gọi là bốn giới: địa giới là chất rắn (xương,
thịt), thủy giới là chất lỏng (máu, mủ...), hỏa giới là sức nóng
(nhiệt độ), phong giới là sức động (hơi thở).
- Trong kinh
Niệm xứ (Trung Bộ I), Ðức Phật đã dạy phương pháp quán sát thân
tứ đại như sau: quán từ lòng bàn chân lên đến đỉnh tóc được bọc
bởi lớp da và chứa đầy những thứ sai biệt bất tịnh. Không những
thế, thân này bất tịnh ngay khi còn nằm trong bụng mẹ, hấp thụ
huyết khí mà sống. Sự bất tịnh và tính giả hợp của thân này càng
được biểu lộ rõ hơn, mạnh mẽ hơn khi ta quán một thi thể quăng
ngoài nghĩa địa. Bước thứ nhất là quán thi thể trương phồng lên,
thối rữa ra. Bước thứ hai quán thi thể ấy bị các loài chim và
côn trùng ăn thịt. Bước thứ ba quán thi thể ấy chỉ còn lại bộ
xương kết dính với nhau nhờ vào các sợi gân. Bước thứ tư là quán
thi thể ấy chỉ còn lại các đốt xương trắng rời rạc, theo thời
gian tan hoại thành bột trắng. Trong khi quán niệm như vậy,
người Phật tử biết rõ rằng: "Thân này tính chất là như vậy, bản
tánh là như vậy, không vượt khỏi tánh ấy". Ðấy là lời khẳng định
chắc thật của Thế Tôn. Thân này chịu sự chi phối của sanh, già,
bệnh, chết. Thời gian trôi qua thì mạng sống cũng giảm dần. Một
thân thể mà ta yêu chuộng ngày nào giờ đây chỉ còn lại đống tro
tàn nguội lạnh. Xấu - đẹp, giàu - nghèo, sang - hèn... đều như
thế cả.
- Tuy nhiên,
quán thân là bất tịnh, là vô thường không có nghĩa là ta bi quan
về nó, bỏ rơi hay hủy diệt nó. Ðức Phật không cho phép người
Phật tử bi quan về bất cứ một điều gì trong cuộc sống. Nếu chúng
ta thấy được mặt trái của thân mà bi quan, tức chúng ta tự hủy
hoại thân mình. Ðó là đi ngược lại lý tưởng cao đẹp của Thế Tôn.
- Bởi lẽ, mục
đích của quán thân bất tịnh là nhằm đưa con người vượt khỏi
những vướng mắc, quị lụy đau khổ chấp trước vào thân này. Quán
như vậy nhằm để đối trị lòng ham muốn sắc dục.
- Tóm lại, quán
thân có thể được hiểu trên hai mặt: quán phần thô và quán phần
tế. Phần thô là quán các hoạt động bên ngoài của thân như đi,
đứng, ngồi, nằm... Phần tế là quán thân này do tứ đại hợp thành,
được kết cấu với nhau qua các thứ bất tịnh.
- 2. Quán
niệm về thọ:
- a/ Thọ là gì?
- Thọ là nói
tắt của cảm thọ. Khi nhận lấy một vật gì, hay chấp nhận một điều
gì thì gọi là thọ. Thọ gồm có thân thọ và tâm thọ. Hai mặt này
tương tác với nhau. Có thể thân thọ mà tâm không thọ, hoặc thân
và tâm đồng cảm thọ. Từ ý này, ta có nội dung của thọ gồm có ba
trạng thái: lạc thọ là tâm lý hưng khởi sung sướng, thích thú
trước đối tượng. Khổ thọ là trạng thái tâm lý khổ não, buồn
chán... Bất khổ bất lạc thọ là tâm lý trung dung, không thiên
lệch về phía lạc cũng như về phía khổ. Ta có thể hiểu rằng: lạc
thọ và khổ thọ là tâm lý chủ quan, bất khổ bất lạc thọ là tâm lý
khách quan.
- Cảm thọ là cơ
sở không thể thiếu được trong việc hình thành tâm thức của con
người. Do vậy, quán niệm về cảm thọ chính là khảo sát tâm lý con
người.
- b/ Nội dung
của quán niệm về thọ
- Ðể cảm thọ có
mặt, điều tất yếu phải hội đủ ba yếu tố: nội căn, ngoại trần và
xúc. Kinh Tương Ưng III, Ðức Phật dạy rõ: "Thọ do nhãn xúc sanh,
thọ do nhĩ xúc sanh... thọ do ý xúc sanh. Do xúc sanh khởi nên
thọ sanh khởi, do xúc đoạn diệt nên thọ đoạn diệt". Sáu xúc xứ
là những ấn tượng về tình cảm liên hệ mật thiết với tất cả nhận
thức của sáu giác quan: mắt, tai, mũi, lưỡi, thân và ý khi đối
diện với sáu cảnh trần tương ứng: sắc, thanh, hương, vị, xúc,
pháp. Cơ sở của những cảm thọ khổ, vui, trung tính là gì? Ðức
Phật dạy: "Này các Tỳ kheo, do duyên tiếp xúc với lạc nên lạc
thọ khởi. Do duyên tiếp xúc với khổ nên khổ thọ khởi. Do duyên
tiếp xúc với bất khổ bất lạc nên bất khổ bất lạc thọ khởi" (theo
kinh Trung Bộ III, số 140). Và làm thế nào để nhận diện được
thọ? Ðó là phải có mặt của ý thức. Khi căn và trần duyên nhau,
nếu không có ý thức về nó thì sẽ không có cảm tưởng về lạc thọ,
khổ thọ, hay bất khổ bất lạc thọ. Khi ta nhìn vào một bông hoa
thì có hai khả năng xảy ra: hoặc có sự đánh giá xấu đẹp, hoặc
không có một sự đánh giá nào. Nếu ý thức được bông hoa đẹp, có
hương thơm... thì cảm giác lạc thọ sẽ sanh khởi. Nếu bông hoa có
những điểm dị ứng với ta thì ta cảm thấy khó chịu, khi đó cảm
giác khổ thọ sanh khởi. Còn khi nhìn bông hoa ta vẫn cảm nhận
được sắc đẹp, hương thơm hoặc những dị ứng khó chịu, nhưng ta
không bận tâm về nó, không thích thú cũng không buồn chán. Ðó là
trạng thái tâm lý không khổ không vui sanh khởi. Ðức Phật khẳng
định: "Khi thức được trong sạch, trong trắng, vị ấy biết được
một số sự việc nhờ thức ấy. Vị ấy thức tri được lạc, được khổ,
được bất lạc bất khổ" (sđd).
- Chúng ta thọ
những gì và tại sao nói thọ là khổ? Cả ba trạng thái lạc thọ,
khổ thọ, bất khổ bất lạc thọ có thể thuộc về vật chất, có thể
không thuộc về vật chất; thuộc về nội thọ hay thuộc về ngoại
thọ. Ta thọ nhận cái thân này là của ta, là ta. Muốn thân này
tồn tại và đẹp đẽ, ta thọ nhận thực phẩm và y phục, những nhu
cầu trang bị cho cuộc sống; và luôn có khuynh hướng muốn thọ
nhiều hơn để chứng tỏ "cái ta" với cuộc đời. Thọ càng nhiều
chúng ta càng thấy hạnh phúc, nhưng thực ra sự đau khổ luôn có
mặt cùng niềm hạnh phúc. Con người luôn lo sợ cái thân này chết
sớm không thọ hưởng được của cải vật chất đã tạo ra. Ðồng thời
họ luôn lo sợ của cải bị đánh cắp và thật khổ đau khi điều ấy
xảy ra. Khi sa cơ lỡ vận trở nên trắng tay con người lại càng
đau khổ, cuộc đời đối với họ bây giờ là một bờ vực thẳm. Ðó là
nỗi khổ của những lạc thọ thuộc vật chất. Cảm thọ tiền tài, danh
vọng địa vị, tiếng khen, lời chê, lòng tham, sân hận, lòng yêu
thương của người... là những cảm thọ không thuộc vật chất. Khi
sáu căn duyên sáu trần sinh ra cảm thọ thì đây thuộc về ngoại
thọ. Cảm thọ về các trạng thái thiền lạc gọi là nội thọ. Chung
qui dù cảm thọ thuộc vật chất hay không vật chất đều do tâm bị
ràng buộc trong ngũ dục: tài, sắc, danh, thực, thùy (tức các ham
muốn về tiền bạc - của cải, sắc đẹp, danh vọng - địa vị, ăn
ngon, ngủ kỹ). Tuy nhiên, cảm thọ đưa đến khổ đau hay an lạc tùy
thuộc rất nhiều vào mức độ giác ngộ của chúng ta. Ðối với người
Phật tử có tu tập, có trí tuệ quán chiếu thì luôn làm chủ được
tâm mình trước những cảm thọ. Biết cảm giác ấy là vô thường và
sẽ dễ bị trói buộc bởi cảm giác ấy, người Phật tử không nhận cảm
thọ ấy bằng dục vọng. Sống trong lạc thọ nhưng không hệ lụy,
sống trong khổ thọ nhưng không khổ đau cùng cực vì có quán sát
và liễu tri được bản chất của chúng.
- 3. Quán
niệm về tâm:
- a/ Tâm là gì?
- Khi bàn về
tâm là bàn đến một vấn đề phức tạp bởi vì khó mà định nghĩa tâm
như thế nào. Ta không thể nói tâm là... như nói đến một sự vật
cụ thể. Vì lẽ, nói đến con người là nói đến hoạt động của thân
và tâm. Hoạt động của thân thuộc phần thô, hoạt động của tâm
thuộc phần tế. Tuy thế, ta vẫn nắm bắt và nhận diện được nó. Ta
vẫn thường nghe nói đến tâm qua các khái niệm: tâm thiện, tâm
ác, tâm ích kỷ, tâm tham, tâm sân... Tất cả đều là những biểu
hiện của tâm trong đời sống. Trong cùng một thời điểm không thể
có hai niệm đồng tồn tại. Tâm thiện đang hoạt động thì vắng mặt
tâm ác, tâm tham hoạt động thì vắng mặt tâm bố thí (tâm từ)...
- b/ Nội dung
của quán niệm về tâm
- Quán tâm tức
là ta đang dùng tâm để quán tâm, ngay trong bản thân của tâm mà
không phải quán sát một đối tượng nào khác ngoài tâm. Tức là ta
đang ý thức về tâm mình để thấy được sự có mặt và hoạt động của
nó. Như đã đề cập, con người năm uẩn được chia làm hai phần thân
và tâm. Thân thuộc về sắc, và tâm chính là thọ, tưởng, hành,
thức. Thân và tâm có một sự liên hệ mật thiết với nhau. Thân là
cơ sở hoạt động của tâm và tâm mượn thân để biểu hiện. Tâm là vô
hình nhưng nó có những đặc tính của thân. Nó có thể xúc chạm
được (giao cảm), nó cũng có cảm giác đau khổ và an tịnh. Vì vậy
mà con người luôn tồn tại một căn bệnh trầm kha khó chữa: tâm
bệnh. Thân bệnh là do năm căn bất hòa (thiếu ăn, thiếu uống,
thiếu thuốc men...). Tâm bệnh thì có nhiều nguyên nhân, nhưng
nguyên nhân chính là do tham, sân, si: những vi trùng gây bệnh.
Tham về của cải vật chất, địa vị, tình cảm... Tham không được
thì sân hận, khổ đau sầu não mà sinh ra bệnh. Và thân bệnh có
thể đưa đến tâm bệnh và ngược lại. Có khi thân bệnh nhưng tâm
không bệnh, và có khi tâm bệnh đưa đến thân bệnh.
- Tâm chúng ta
không cố định tại một chỗ nào cả, mà nó thường xuyên biến chuyển
từ trạng thái này sang trạng thái khác, tùy theo điều kiện khách
quan hay chủ quan của chủ thể và đối tượng. Trong Phật giáo, tâm
thường được ví như con vượn leo cây, chuyền từ cành này sang
cành khác suốt ngày. Niệm trước như vậy niệm sau đã khác, sanh
diệt liên tục như dòng thác đổ. Hôm nay yêu thương người hết
mực, ngày mai lại ghét bỏ. Tâm là do nhân duyên sanh diệt. Do
vậy, tâm không phải là một thực thể tồn tại độc lập. Trên cơ sở
đó, tâm không có cái ngã của nó. Tâm sanh là do sắc, thọ, tưởng,
hành và thức. Bản thân của các yếu tố này cũng do duyên sinh, vô
thường, vô ngã. Cho nên tâm cũng vô thường - vô ngã. Ðức Phật
dạy: "Này các Tỳ kheo, chấp tâm thức là thường còn, còn sai lầm
và tệ hại hơn là chấp thân xác là thường còn. Vì thân xác người
còn có thể tồn tại vài chục năm cho tới một trăm năm, còn tâm
thức của người thì sanh diệt đổi thay trong từng giây phút" (Tạp
A Hàm, T.II). Thật nguy hiểm khi chấp rằng tâm là thường còn, là
bất biến. Nếu chấp như vậy thì cuộc đời này quả là một xã hội
bất bình đẳng và mãi mãi rối loạn, băng hoại. Vì nhân tâm con
người không thể thay đổi được. Vai trò của giáo dục, đạo đức sẽ
không có giá trị. Người tham vẫn cứ tham, người sân vẫn cứ sân.
Không có quá trình tu tập đi đến giác ngộ giải thoát. Chúng ta
biết rằng nghiệp là do tâm tạo, mà đã chấp tâm là thường thì làm
sao chuyển đổi được nghiệp. Như vậy, trầm luân vẫn cứ trầm luân,
không thể khai phóng trí tuệ để đi vào giác ngộ.
- 4. Quán
niệm về pháp:
- a/ Pháp là
gì?
- Chữ "pháp"
không có nghĩa giới hạn ở những sự vật cụ thể thuộc về thế giới
vật chất không tri giác. Theo giáo lý đạo Phật, chữ pháp được
hiểu với ý nghĩa rộng rãi, bao hàm cả vũ trụ và nhân sinh, vật
chất và tinh thần, tâm lý và vật lý. Pháp được chia làm hai
nhóm: sắc pháp và tâm pháp. Sắc pháp có hình chất gây trở ngại
và không có tri giác; như cái bàn, cái cây, ly nước... Tâm pháp
là pháp không có hình tướng, không thể nhìn thấy được, nhưng có
tri giác. Ở đây , con người hội đủ hai pháp ấy. Ðó chính là con
người ngũ uẩn: sắc, thọ, tưởng, hành và thức. Sắc pháp là sắc
trong 5 uẩn (thân thể vật lý). Tâm pháp là thọ, tưởng, hành,
thức; là thế giới tâm thức nội tại mà tác dụng của nó là suy
lường, tư lự... để biểu hiện các trạng thái tâm lý buồn, vui...
Ví dụ sự dao động của tâm khi hoạt động của năm Triền cái và năm
Thiền chi (1), hay hoạt động của Thất giác chi (2).
- b/ Nội dung
của quán niệm về pháp
- Con người là
đối tượng để thực hành quán niệm pháp. Vì nó hợp đủ sắc pháp và
tâm pháp. Người Phật tử quán chiếu thân ngũ uẩn để ý thức được
mối liên hệ giữa bản thân và vũ trụ vạn hữu. Nếu không có vũ trụ
thì hợp thể ngũ uẩn này không có được. Từ thực tính này ta càng
thấy rõ về ý nghĩa vô ngã của các pháp.
- Trong các
kinh - luận của Phật giáo Phát triển, vô ngã bao gồm pháp vô ngã
và nhân vô ngã, hay sắc pháp vô ngã và tâm pháp vô ngã. Ở đây
sắc pháp được chỉ chung cho thân người và các pháp ngoại giới.
Sắc pháp và tâm pháp đều nương vào nhân duyên mà thành nên chúng
là hư vọng. Kinh Lăng Nghiêm dạy: "Nhân duyên hòa hợp hư vọng
hữu sanh, nhân duyên ly tán hư vọng hữu diệt". Khi nhìn vào cốc
nước chanh, nó không có tự ngã của nó. Vì nó không phải là một
thực thể độc lập, mà nó chỉ có mặt trong mối tương quan duyên
khởi: nào là nước, nào là đường, là chanh... Tâm của ta cũng
vậy, nó tùy thuộc vào nội căn ngoại cảnh, vào xúc, thọ, tưởng,
hành, thức. Khi chủ thể nhận thức và đối tượng nhận thức đều
duyên sinh vô ngã thì còn một cái ngã nào để tồn tại mà chấp
trước.
- Cần nói thêm
rằng, thân và tâm chỉ tồn tại trong một thời gian nào đó rồi
theo qui luật sinh - thành - hoại - diệt mà mất đi. Thân không
thể tồn tại ngoài tâm, tâm không thể tồn tại ngoài thân. Cũng
như sắc không thể tồn tại ngoài thọ, tưởng, hành, thức. Do vậy,
Phật giáo không chấp nhận một linh hồn trường cửu sau khi sắc
thân hủy diệt. Sở dĩ có một tư tưởng về một linh hồn trường cửu
và xem đó là ngã, là do khẳng định tính tự tồn của con người
theo thời gian vô tận. Ý tưởng về một linh hồn, ngã như vậy -
theo Phật giáo là thật sai lầm và trống rỗng. Ðó chỉ là một khái
niệm vọng tưởng của tâm thức sai lạc không thể có mặt trong thực
tại.
-
III- Ý nghĩa nhất quán và lợi ích
thiết thực khi tu tập Bốn đề mục quán niệm
- Khi chọn Bốn
đề mục quán niệm để tu tập, chính là tu tập tự thân. Bởi vì giải
thoát sanh tử luân hồi cho con người là mục tiêu chính mà Ðức
Phật nhắm vào cuộc đời này. Hiểu được chính mình thì hiểu được
tha nhân và vạn hữu. Thấy được nhân duyên sanh diệt, vô thường,
vô ngã trong con người thì thấy được các pháp khác cũng như thế.
- Tính vô
thường nơi con người là ấn tượng mạnh mẽ nhất làm ta thức tỉnh.
Một con vật hay một cây xanh chết không đủ sức mạnh cho ta giác
tỉnh bằng chính bản thân con người. Trong quá trình quán niệm
các đề mục ấy, ta thấy chúng có chung một đặc điểm về mặt bản
thể - đó là tính nhân duyên sanh diệt, vô thường, vô ngã. Ðó
cũng là đặc tính chung cho tất cả các pháp hữu vi(3). Thật ra,
nói quán thân bất tịnh, quán tâm vô thường chỉ là một cách nói
để làm nổi bật lên đặc điểm biểu hiện rõ nét nhất của chúng mà
thôi. Ví dụ thân bất tịnh thì rất dễ nhận diện. Thân bất tịnh là
chính nó bất tịnh. Còn tâm bất tịnh thì vi tế hơn.
- Do vậy, pháp
quán niệm này trước hết là đưa thân và tâm trở về sống với giây
phút hiện tại. Xua đuổi quên lãng và phân tán để duy trì chánh
niệm và duy trì sự sống. Bốn đề mục quán niệm là giáo lý thực
tiễn được rút ra từ những thể nghiệm thiết thân trong đời sống.
Ðó cũng là yếu lý trong giáo lý đạo Phật: không tách rời cuộc
sống, mà liên hệ mật thiết với đời sống. Khi quán niệm về thân
là quán niệm về phương diện vật lý, tức là thấy được sự tổng hợp
các yếu tố vật chất cụ thể tạo nên thân người và thấy được sự
bất tịnh của thân khi còn sống cũng như khi chết nhằm đối trị
lòng ham muốn sắc dục. Quán niệm về cảm thọ và tâm thức là quán
niệm trên phương diện tâm lý, tức là thấy được sự sanh khởi và
sự biến chuyển vô thường của tâm, nhằm để hiểu biết tâm và làm
tâm thanh tịnh. Quán niệm về pháp để thấy tính vô ngã mà xa rời
chấp trước. Bát Nhã Tâm kinh dạy: "Khi Bồ tát Quán Thế Âm quán
chiếu về hợp thể ngũ uẩn và phát hiện ra cái trống rỗng của tự
ngã thì Ngài vượt qua tất cả mọi khổ đau ách nạn". Khi sự thăng
trầm và tính cách vô thường của vạn hữu không chi phối đời sống
tâm linh nội tại thì ta vượt qua được khổ đau như Bồ tát Quán Âm
vậy.
- Ðức Phật đã
khẳng định lợi ích của việc tu tập Bốn niệm xứ này: "Ðây là con
đường duy nhất đưa đến thanh tịnh cho chúng sanh, vượt khỏi sầu
não, diệt trừ khổ ưu, thành tựu chánh trí, chứng ngộ Niết bàn"
(Kinh Niệm xứ, Trung Bộ I).
-
C. Kết luận
- Ðối với cuộc
sống thực tại, nếu Bốn đề mục quán niệm được tu tập thì con
người sẽ phần nào vượt qua được những chướng ngại liên hệ đến
thân và tâm. Tập khí thế gian khiến con người khó có thể vượt
qua những căn bệnh tâm sinh lý được xem như là bản năng tiềm ẩn.
Con người luôn có chiều hướng sống trong dục vọng, khát ái. Khi
bản năng không được giáo dục thì khổ đau vẫn còn chồng chất.
Hướng giáo dục của Bốn đề mục quán niệm lấy tự tâm và tự thân
làm cơ sở. Dù được giáo dục qua Bốn đề mục quán niệm, thấy rõ
bản chất con người và sự vật là như vậy, thấy được sự tác hại
khi đắm trước, thấy được lợi ích khi xuất ly, nhưng thông thường
chúng ta chưa có đủ bản lĩnh để tự chủ và giới hạn mình trước
sức mạnh của lòng ham muốn. Ðó là do chúng ta chỉ mới hiểu vấn
đề mà chưa thực sự hành trì. Cần chú ý rằng, người học Phật khác
với người tu Phật. Học Phật chỉ để làm giàu kiến thức Phật học,
thỏa mãn nhu cầu tìm hiểu, là người chỉ mới đứng ngoài ngõ mà
chưa vào trong nhà. Người học Phật lại vừa tu Phật mới chính là
người thực sự sống và hành trì theo chánh pháp. Chính những
người này mới có được hạnh phúc lâu dài, thành tựu đạo hạnh và
có khả năng chứng ngộ. Cái hiểu chưa phải là vốn sống thực sự
của người cầu đạo. Hành trì mới là vốn sống, là cốt lõi của
người Phật tử trên bước đường tìm về giải thoát./.
-
* Chú thích:
- (1) Năm triền cái: là năm sự ngăn
che trí tuệ, là chướng ngại cho việc tu tập thiền định gồm: tham
dục, sân hận, hôn trầm - thụy miên, trạo cử, nghi.
- Năm thiền chi: có bản chất ngược
lại với năm triền cái. Chúng là những yếu tố nhiếp phục năm
triền cái để đưa tâm vào định. Gồm: tầm, tứ, hỷ, lạc, nhất tâm.
- (2) Thất giác chi (còn gọi là Thất
Bồ đề phần): là bảy phương tiện đưa đến giác ngộ, gồm: trạch
pháp, tinh tấn, hỷ, khinh an, niệm, định, xả.
- (3) Pháp hữu vi: các pháp sinh ra
do nhân duyên tạo tác, đối lại với pháp vô vi là không do nhân
duyên tạo tác, đó là chân như, Phật tánh.
- -oOo-
-
Câu hỏi hướng dẫn ôn tập
- 1- Trình bày sơ lược nội
dung các đề mục quán niệm.
- 2- Học viên hãy trình bày
các lợi ích thiết thực khi tu tập Bốn đề mục quán niệm theo
kinh nghiệm bản thân.
|
--o0o--
|
|