PHẬT HỌC CƠ BẢN

 

Phật Học Cơ Bản
Tập Hai
Ban Hoằng Pháp Trung Ương
GHPGVN
Chương Trình Phật Học Hàm Thụ (1998-2002)
Nguyệt San Giác Ngộ
--- o0o ---
Phần I - Bài đọc thêm
Mười hai nhân duyên và đời sống đạo
Nhựt Chiếu

Phương pháp tu tập trong đạo Phật nói chung có hai phần: một là tu chỉ; hai là tu quán. Tu chỉ là đình chỉ vọng niệm, phiền não, không làm các việc ác, biết vọng không theo, cho đến đình chỉ sanh tử mà đắc Niết bàn. Tu quán là để tâm quán sát trên một đối tượng, dùng trí chiếu phá phiền não vô minh mà thành Bồ đề. Nay nói tu quán Mười hai nhân duyên là dùng trí tuệ quán chiếu để thấy rõ sự sanh khởi, lưu chuyển và hoàn diệt của Mười hai nhân duyên. Trong quá trình quán chiếu, hành giả sẽ nhận thức rõ ràng thực tướng của vạn pháp là duyên sanh vô ngã thì thoát ra vòng sai sử của hoàn cảnh.
Giáo lý duyên khởi giải thích nguồn gốc của vòng sanh tử luân hồi là do vô minh tạo nghiệp mê lầm rồi cảm ra quả báo khổ đau. Ðể cắt đứt con đường luân hồi, hành giả phải đoạn diệt được một trong Mười hai chi phần nhân duyên. Khi một chi phần đã diệt thì 11 chi còn lại cũng không còn. Cách cắt đứt vòng xích 12 nhân duyên có nhiều phương pháp, như quán lưu chuyển, quán hoàn diệt, quán vô sanh v.v... Khi quán một trong các pháp trên thành công thì trí tuệ khai mở, phá được vô minh phiền não, thoát vòng sanh tử luân hồi.
Khi một vật được soi rọi dưới ánh sáng trí tuệ hay trải qua một cuộc quán sát nghiêm mật thì sự vật ấy sẽ hiện rõ chân tướng của chúng, bấy giờ không còn đánh lừa được tâm trí của mình.
Sau đây chúng ta tìm hiểu về các phương pháp quán chiếu để thấy rõ và phá vỡ vòng xích 12 nhân duyên.
*- Quán lưu chuyển: là quán sát, suy xét quá trình sanh khởi; trạng thái luân lưu của 12 nhân duyên. Có 3 cách:
- Quán sự sanh khởi của 12 nhân duyên từ vô thỉ: Tâm tánh của con người vốn tự thanh tịnh, vốn tự quang minh. Nhưng chúng sanh chúng ta từ vô thỉ đã khởi niệm bất giác, khiến vô minh che lấp. Vì một niệm vọng động mà bị sinh diệt lưu chuyển nên chuyển sáng thành tối, chuyển tĩnh thành động, tự tâm vốn linh minh chiếu suốt trở thành tối tăm che lấp, đó là vô minh. Từ đây các vọng động sanh khởi biến diệt là hành. Do hành mà có thức, đồng thời có cả thế giới và chúng sanh, đó là danh sắc. Ðã có chúng sanh thì sáu căn là chỗ của sáu trần đi vào, gọi là lục nhập. Căn trần giao tiếp là xúc. Nhân sự tiếp xúc mà phát sanh ra các cảm giác đó là thọ. Do thọ sanh ưa thích là ái. Vì ưa nên tìm cách nắm giữ là thủ. Rồi có hữu, sanh và lão tử.
Ðây là Mười hai nhân duyên đã được hình thành từ vô thỉ. Rồi vô minh vọng động cứ tiếp tục khởi diệt, làm cho Mười hai nhân duyên sanh khởi triển chuyển cho đến ngày nay và mãi về sau.
- Quán trạng thái lưu chuyển của Mười hai nhân duyên trong ba đời: Tức là khảo sát trạng thái sanh khởi và lưu chuyển của Mười hai nhân duyên từ quá khứ đến hiện tại và tương lai. Nếu trải vòng xích Mười hai nhân duyên lên ba thời, thì vô minh và hành thuộc nhân quá khứ. Nhân này sanh ra thức, danh sắc, lục nhập, xúc, thọ là quả hiện thực. Quả này lại tạo nhân hiện tại là ái, thủ, hữu. Rồi thành ra quả vị lai là sanh và lão tử. Như thế do vô minh mà tạo nghiệp, do tạo nghiệp mà chịu khổ, do chịu khổ lại mê hoặc tạo nghiệp... Cứ luân lưu như thế, từ nhân đến quả, quả lại sanh nhân nối tiếp nhau trong ba đời.
- Quán sự sanh khởi của Mười hai nhân duyên trong một niệm hiện tại: Trong ba cách quán lưu chuyển, pháp này đối với phàm phu chúng ta khó mà thấy sự hiện hữu của Mười hai nhân duyên trong một niệm. Nhưng chúng ta tạm hình dung như sau: Khi nhìn một người mà không thấy sự thay đổi biến diệt trong người ấy là vô minh, rồi khởi ra các vọng niệm phân biệt đẹp xấu, cao, thấp v.v... đó là hành, thức, danh sắc. Các trần cảnh phản ảnh vào sáu căn là lục nhập. Căn tiếp xúc với trần là xúc. Do sự xúc chạm sanh ra cảm giác là thọ. Nhân thọ sanh ra ưa thích là ái. vì ái nên mong muốn chiếm đoạt là thủ. Từ đó tạo nghiệp là hữu, rồi theo nghiệp thọ báo là sanh và lão tử.
*- Quán hoàn diệt: Là dùng trí tuệ quán chiếu tiêu diệt vô minh, phá vỡ Mười hai nhân duyên để trở về với bản thân thanh tịnh sáng suốt. Phương pháp tận diệt vô minh này cũng có hai cách
- Diệt căn bản vô minh: Ðây là cách quán sát dành cho hàng Bồ tát, hay hành giả trải qua nhiều kiếp tu hành, đến địa vị Ðẳng giác. Theo lý duyên khởi do vô minh mà có hành, do hành mà có thức... cho đến lão-tử. Như thế khi vô minh diệt tìh hành diệt, hành diệt thì thức diệt... cho đến lão-tử diệt. Nói cách khác, do mê hoặc mà tạo nghiệp, do tạo nghiệp mà chịu khổ. Vậy muốn hết khổ phải cắt đứt nghiệp, muốn hết nghiệp thì trước tiên phải dứt trừ vô minh.
Bậc Bồ tát thấy rất rõ do vô minh khởi vọng động, từ đó có thế giới và chúng sanh, nên các Ngài dùng trí tuệ Bát nhã phá trừ căn bản vô minh. Khi vô minh diệt, thì bản lai diện mục hiện tiền, bản tâm thanh tịnh sáng suốt hiển lộ, vượt qua sự sai sử của năm uẩn. Ðó là trường hợp ngài Quán Tự Tại đi sâu vào trí tuệ Bát nhã, soi thấy năm uẩn đều không mà vượt qua tất cả khổ ách.
- Diệt chi mạt vô minh: Ðối với hàng căn cơ thấp kém, không thể trực tiếp phá vô minh gốc rễ, mà chỉ diệt trừ vô minh ngành ngọn, đó là ái, thủ, hữu. Phép quán này có hai cách.
*- Quán lý: Ðây là cách dùng lý lẽ để hướng dẫn nhận thức của mình. Tất cả các pháp do nhân duyên hòa hợp mà có, chứ không có thật. Vì cái có không thật nên không thể gọi là hữu. Khi đã có cái thấy duyên sinh vô ngã, tức sự vật không có tự thể, không có chi là ta, là của ta, là tự ngã của ta, thì không tham đắm tìm cầu, tức không thủ. Ðã không chấp thủ thì không ái. Như vậy, theo pháp quán này thì quán hữu trước rồi đến thủ và ái. Khi ba cái nhân ái, thủ, hữu bị thiêu hủy dưới trí tuệ quán chiếu thì cái quả sanh, lão-tử cũng không còn.
*- Quán sự: Là quán sự tướng đang hiện hành trôi chảy. Khi đối cảnh, lòng ham muốn nổi lên, đó là ái. Ðã có lòng tham ái thì tạo nghiệp là chấp thủ, rồi sau đó chịu khổ sanh tử là hữu. Biết như thế thì đối duyên xúc cảnh cố giữ tâm như như bất động, không khởi tham ái. Từ đó không tìm cầu chấp thủ. Và khi không chấp thủ thì không tạo nghiệp sanh tử luân hồi, tức không hữu. Như vậy theo pháp quán này thì quán ái trước rồi đến thủ và hữu. Khi mê hoặc (ái) hết thì nghiệp không sanh (thủ), nghiệp không thì khổ cũng hết (hữu). Mê, nghiệp và khổ hết thì mười hai nhân duyên cũng không còn.
*- Quán vô sanh: Hành giả quán sát các pháp thì thấy do sự đối đãi mà sinh ra, kỳ thực chẳng có pháp nào được sanh ra cả. Hơn nữa, dù có được gọi là sanh, cũng chỉ vì so sánh với cái bị diệt mà nói. Như củi diệt thì than sanh, tức cái diệt của sự vật này là cái sanh của một sự vật khác. Như thế, căn cứ vào đâu mà nói có sanh diệt? Thấy được cái huyễn sanh huyễn diệt thì lìa tham ái. Do ly tham, ly thủ mà trí tuệ giải thoát phát sanh. Tuệ sanh, minh sanh thì vô minh diệt. Do đó cắt đứt vòng luân chuyển Mười hai nhân duyên.
Những phép quán nói trên đều đem Mười hai nhân duyên ra phân tích, quán sát, khảo cứu dưới những góc độ khác nhau để thấy được một cách tường tận trạng thái sanh khởi luân chuyển của Mười hai nhân duyên. Thực tướng của nó là duyên sinh vô ngã, là huyễn sinh huyễn diệt, thực chất là không, là vô sanh. Khi đạt đến cái thấy này thì vô minh diệt, minh sanh. Do đó vòng xích Mười hai nhân duyên bị phá vỡ và hành giả giải thoát ra khỏi vòng sanh tử luân hồi. Ðiều này cho thấy tu tập thiền quán là điều không thể thiếu được trên lộ trình giải thoát. Ngoài những phép quán nói trên có khả năng tận diệt vô minh, chúng ta cũng có thể đi đến tiêu đích giải thoát bằng con đường khác. Nhưng dù đi bằng con đường nào, cũng lấy trí tuệ làm ngọn đèn để chiếu phá bóng tối vô minh. Như chúng ta có thể gần gũi với các bậc chân nhân để được nghe diệu pháp và đi đến đoạn tận năm triền cái, đó là thức ăn của vô minh. Khi năm triền cái bị diệt thì vô minh cũng không có nhân duyên để tồn tại. Ðó cũng là cách tu tập hợp với căn cơ của chúng ta mà kết quả đem lại là diệt tham, sân, si. Nếu đối chiếu với Mười hai nhân duyên thì đó là ái, thủ, hữu. Khi ái, thủ, hữu diệt thì vòng luân chuyển Mười hai nhân duyên bị cắt đứt và hành giả được giải thoát hoàn toàn./.
--o0o--