-
-
|
PHẬT HỌC CƠ BẢN
- Phật Học Cơ Bản
-
Tập Hai
- Ban Hoằng Pháp
Trung Ương
GHPGVN
-
Chương Trình Phật Học Hàm Thụ (1998-2002)
Nguyệt San Giác Ngộ
- --- o0o ---
- Phần
II - Bài đọc thêm
- Lịch sử kết
tập kinh luật lần thứ hai
- Thích Phước
Sơn
- Sau khi Phật Niết bàn độ 100 năm,
các Tỳ kheo Bạt Kỳ ở Tỳ Xá Ly đề ra 10 điều phi pháp như sau:
- 1/ Tỳ kheo ăn muối gừng để dành
qua đêm vẫn hợp pháp,
2/ Tỳ kheo ăn xong, nhận được thức ăn khác, dùng hai ngón tay
cầm thức ăn để ăn vẫn hợp pháp,
3/ Tỳ kheo ăn xong, rời khỏi chỗ, rồi ngồi ăn lại vẫn hợp pháp,
4/ Tỳ kheo ăn xong, đi sang nơi khác ăn thêm vẫn hợp pháp,
5/ Tỳ kheo dùng sữa đường hòa lại uống ngoài bữa ăn chính vẫn
hợp pháp,
6/ Tỳ kheo uống rượu tự chế biến từ trái cây vẫn hợp pháp,
7/ Tỳ kheo tùy ý làm tọa cụ lớn hoặc nhỏ vừa với mình vẫn hợp
pháp,
8/ Tỳ kheo có thể làm những việc mà lúc còn cư sĩ đã làm vẫn hợp
pháp, tất nhiên có việc có thể làm được và có việc không thể làm
được,
9/ Trong một trú xứ có một nhóm Tỳ kheo làm pháp yết ma riêng,
sau đó đến yêu cầu chúng Tăng chấp nhận pháp yết ma ấy vẫn hợp
pháp,
10/ Tỳ kheo có thể thu nhận và cất giữ vàng bạc, tiền của vẫn
hợp pháp.
- Thế rồi, vào
các ngày mồng 8, 14 và 15, các Tỳ kheo ấy thường ngồi ở chỗ đông
người qua lại, đặt một cái bát nước trước mặt, nói với mọi người
rằng đó là cái bát điềm lành, rồi yêu cầu họ bố thí:
- "Những điềm
lành ở trong này, các vị hãy bố thí y bát, giày dép và thuốc
men". Những người muốn bố thí, liền bố thí, những người không
muốn bố thí thì chê trách, hủy báng, nói: "Sa môn Thích tử không
nên nhận vàng bạc, tiền của, giả sử có ai đem cho, cũng không
nên đưa mắt nhìn đến, nay vì sao lại bày ra cái trò xin bố thí
như thế này?".
- Bấy giờ,
Trưởng lão Da Xá ở trên giảng đường Trùng Các, bên dòng sông Di
Hầu thấy thế, liền nói với các Tỳ kheo: "Các Thầy chớ bày ra cái
trò xin bố thí như vậy. Chính tai tôi từng nghe Phật dạy: Người
cầu xin bố thí phi pháp, và người cầu bố thí cho kẻ xin phi
pháp, cả hai đều có tội". Thầy nói với các Tỳ kheo xong, lại nói
với các bạch y nam nữ già trẻ: "Các người đừng bố thí như thế.
Chính tôi từng nghe Phật dạy: Người cầu xin phi pháp và người bố
thí cho kẻ xin phi pháp, cả hai đều có tội".
- Khi các Tỳ
kheo được vàng bạc, tiền của rồi, liền đem chia cho Da Xá, nói
với Thầy: "Ðại đức có thể nhận phần này".
- Da Xá đáp:
"Tôi không nhận cái phần bố thí do xin phi pháp như vậy".
- - Nếu thầy
không nhận thì có thể cho lại chư Tăng.
- - Tôi đã
không nhận thì lấy đâu mà cho chư Tăng?
- Thế rồi, các
Tỳ kheo ấy bèn hạch tội Da Xá rằng trước đây Thầy đã nói cho
bạch y biết việc đó, làm như thế là nhục mạ bạch y, nên họ phạt
Da Xá bằng pháp yết ma hạ ý (làm vui lòng người khác).
- Sau khi tuân
thủ pháp yết ma hạ ý, Da Xá liền bảo các Tỳ kheo cử một Tỳ kheo
cùng đi với Thầy đến các nhà bạch y để xin lỗi họ. Da Xá bèn đi
đến chỗ 500 Ưu bà tắc đang tụ họp, nói với họ: "Các người nên
biết, điều gì chánh pháp thì tôi nói là chánh pháp, điều gì phi
pháp thì tôi nói là phi pháp, điều gì chánh luật thì tôi nói là
chánh luật, điều gì phi luật thì tôi nói là phi luật. Những gì
do Phật dạy thì tôi bảo là do Phật dạy, những gì không phải do
Phật dạy thì tôi bảo là không phải do Phật dạy. Trước đây tôi đã
nói như thế, khiến các Ưu bà tắc nổi giận, nên hôm nay tôi đến
để xin lỗi".
- Các Ưu bà tắc
nghe thế, hoảng kinh bảo: "Thưa Ðại đức, lúc nào Ðại đức bảo đây
là pháp, đây là luật, đây là lời Phật dạy, khiến cho chúng tôi
nổi giận mà nay phải đến xin lỗi?".
- Nhân đó, Da
Xá mới nói với họ rằng, ngày trước tại thành Vương Xá, Ðức Thế
Tôn có nói với các đại thần của vua Bình Sa Vương rằng: "Sa môn
Thích tử không nên cất giữ vàng bạc châu báu và dùng nó để buôn
bán". Rồi Phật nêu ví dụ về mặt trời, mặt trăng không sáng tỏ là
vì bị 4 thứ khói, bụi và A tu la che khuất. Cũng thế, Sa môn
Thích tử cũng bị 4 thứ sau đây che khuất: 1/ Không đoạn trừ ái
dục, làm điều bất tịnh, 2/ Ðam mê rượu thịt không chịu trừ bỏ,
3/ Chuyên làm những việc tà vạy để mưu sinh, 4/ Thu nhận vàng
bạc châu báu rồi dùng nó để mua bán kiếm lời. Chỉ có những ai
xem ngũ dục là thanh tịnh mới cất giữ vàng bạc châu báu, và dùng
nó để mua bán, rồi xem như một việc làm hợp pháp. Phật thường
bảo: "Tỳ kheo cần xe thì xin xe, cần người thì nhờ người, tùy
theo những nhu cầu cần thiết Ta đều cho phép cầu xin, nhưng hoàn
toàn không được thu nhận vàng bạc châu báu và dùng nó để mua
bán".
- Da Xá lặp lại
lời Phật dạy xong, bèn hỏi các người Ưu bà tắc là những điều đó
có đúng luật, đúng lời Phật dạy hay không. Các người ấy đều nhất
trí thừa nhận là đúng, và phát biểu: "Tại thành Tỳ Xá Ly hiện
nay chỉ có Ðại đức Da Xá là số một trong hàng Sa môn Thích tử".
Thế rồi, họ yêu cầu Thầy trụ trì tại thành Tỳ Xá Ly để họ cúng
dường tứ sự (4 món cần thiết suốt đời).
- Sau đó, Da Xá
từ giã các cư sĩ rồi trở về lại trú xứ. Các Tỳ kheo Bạt Kỳ biết
Da Xá được các người Ưu bà tắc tín nhiệm, nên xoay qua kết tội
thầy phạm Ba dật đề, vì trước đây đã xúc phạm các Tỳ kheo, do
đó, phải sám hối. Da Xá khẳng định rằng mình vô tội nên không có
lý do gì phải sám hối. Các Tỳ kheo Bạt Kỳ bèn tập họp lại, định
làm yết ma kết tội Da Xá ngoan cố không nhận tội. Thấy tình thế
gay cấn, Da Xá liền dùng thần thông bay đến nước Ba Tuần. Trên
đường đi, Thầy gặp 60 Tỳ kheo đã đắc tam minh, lục thông, đều là
đệ tử của A Nan, Thầy liền yêu cầu họ họp sức để diệt trừ 10
điều phi pháp của nhóm Tỳ kheo Bạt Kỳ, đồng thời Thầy tiếp tục
vận động hai nhóm Tỳ kheo khác, mỗi nhóm gồm 30 người. Họ cũng
đã đạt được đạo quả cao siêu như nhóm Tỳ kheo trước, và ai nấy
đều nhiệt tình hưởng ứng công việc chính nghĩa của thầy. Rồi
thầy tiếp tục đến núi A Phù mời trưởng lão Tam Phù Ðà hợp tác,
và trưởng lão cũng tùy hỷ.
- Bấy giờ,
trưởng lão Ly Bà Ða đã đạt được từ tâm tam muội, có đông đảo đồ
chúng, đang ở tại thành Câu Xá Di. Da Xá cũng đến đó mời trưởng
lão tham gia, và trưởng lão cũng hoan hỷ.
- Các Tỳ kheo
Bạt Kỳ nghe tin Da Xá đã đến gặp trưởng lão Ly Bà Ða, họ bèn chở
đầy thuyền những y bát của Sa môn và những vật dụng cần thiết
khác, cùng đến đó định mua chuộc trưởng lão để trưởng lão yểm
trợ. Trong thuyền ấy, có một Tỳ kheo tên Sa Lan, thấy sự việc
phức tạp, thầy bèn căn cứ vào kinh luật chiêm nghiệm xem các Tỳ
kheo Bạt Kỳ hành động đúng pháp hay phi pháp, thì thầy thấy rằng
họ phi pháp. Bỗng dưng, trên không trung có vị thiên thần ba lần
xướng lên rằng: "Ðúng thế ! đúng thế ! Các Tỳ kheo Bạt Kỳ hành
động phi pháp như ông đã thấy".
- Khi đi đến
Câu Xá Di, các Tỳ kheo Bạt Kỳ liền vào diện kiến trưởng lão Ly
Bà Ða và thưa rằng: "Chúng tôi chở rất nhiều vật dụng cần thiết
của Sa môn đến để cúng dường đại đức, mong đại đức nạp thọ".
Trưởng lão từ chối nói: "Y bát của tôi đã đầy đủ chẳng cần chi
nữa". Họ lại nài nỉ: "Nếu không nhận nhiều, xin đại đức nhận cho
chút ít". Trưởng lão khẳng định: "Y bát của tôi đã đủ không thể
nào nhận thêm những vật của các thầy một cách phi pháp".
- Biết Trưởng
lão Ly Bà Ða có một đệ tử tên Ðạt Ma thường hầu bên cạnh, các Tỳ
kheo Bạt Kỳ liền đến xin cúng dường vật dụng cho thầy, thầy cũng
từ chối. Họ bèn thuyết phục: "Khi Phật còn tại thế, người ta đến
cúng dường Phật, nếu Phật không nhận thì họ đem cúng dường A
Nan, A Nan đều nhận cả. A Nan nhận thì cũng như Phật nhận". Ðạt
Ma nghe thế liền nhận một vật. Nhận rồi liền hỏi: "Các Thầy muốn
điều gì mà cưỡng ép bố thí cho tôi?". Họ đáp: "Chúng tôi muốn
đại đức thưa với Hòa thượng Bổn sư, tận lực hỗ trợ chúng tôi,
đừng để cho Da xá phá hoại pháp luật của chúng tôi".
- Ðạt Ma liền
đến thưa với thầy mình: "Hòa thượng nên ủng hộ các Tỳ kheo Bạt
Kỳ", Ly Bà Ða nói: "Những người làm điều phi pháp, ta không ủng
hộ". Ðạt Ma thưa: "Mong thầy suy nghĩ lại". Ly Bà Ða liền khiển
trách Ðạt Ma: "Nay ngươi khuyên ta hỗ trợ những kẻ phi pháp,
ngươi chẳng phải là đệ tử của ta nữa. Từ nay trở đi chớ có ở
quanh quẩn bên ta".
- Ðạt Ma sợ
hãi, xấu hổ, đến thuật lại với các Tỳ kheo Bạt Kỳ sự kiện vừa
rồi và họ bèn an ủi, khuyên Thầy đừng sợ gì cả.
- Thế rồi,
trưởng lão Ly Bà Ða suy nghĩ: "Nếu ta dẹp trừ những việc phi
pháp của bọn họ tại đây, họ sẽ khởi lên trở lại, vậy ta phải
cùng nhau đến chỗ ở của họ mà dẹp trừ". Nghĩ vậy, liền cùng với
Da Xá đến thành Tỳ Xá Ly. Nơi thành này, có vị Tỳ kheo tên là
Nhất Thiết Khứ, Thầy là vị Thượng tọa có uy vọng nhất trong hàng
Sa môn Thích tử ở cõi Diêm phù đề này, đã đắc quả A la hán, có
tam minh, lục thông, cũng là đệ tử lớn nhất của A Nan. Da Xá
liền bàn với Ly Bà Ða, cùng đến gặp Nhất Thiết Khứ để bàn bạc
công việc rồi sẽ thực hiện. Sau khi gặp Thượng tọa Nhất Thiết
Khứ, chào hỏi xong xuôi, Ly Bà Ða một mình đến phòng Thượng tọa,
trải tọa cụ an nghỉ. Ðêm đến, Ly Bà Ða suy nghĩ: "Thượng tọa
Nhất Thiết Khứ này đã quá già nua mà còn nỗ lực ngồi thiền suốt
đêm, thì ta nay đâu được phép an nghỉ". Nhất Thiết Khứ cũng suy
nghĩ: "Vị khách Tỳ kheo này đi đường cực nhọc mà còn ngồi thiền
suốt đêm để hành đạo, thì ta đâu được phép nằm yên".
- Hai người
ngồi thiền suốt đêm suy nghĩ về nhau như thế. Ðến cuối đêm, Nhất
Thiết Khứ hỏi Ly Bà Ða: "Ðêm nay Thầy nhập vào loại thiền định
nào?"
- Ly Bà Ða đáp:
"Tính tôi rất nặng lòng từ bi, đêm nay tôi nhập vào từ tâm tam
muội".
- - Ðó là loại
Thiền định thô thiển. Chẳng hay Thầy đã đắc quả A la hán chưa?
- - Ðã đắc rồi.
Thế còn Thượng tọa đêm nay nhập vào loại Thiền định nào?
- - Tính tôi
thích quán tưởng về "không", đêm rồi tôi nhập vào không tam
muội.
- - Ðó là việc
làm của bậc đại nhân. Vì không tam muội là pháp của bậc đại
nhân. Nhưng Thượng tọa đã đắc quả vị A la hán chưa?
- - Ðã đắc rồi.
- - Vậy xin
Thượng tọa cho biết, muối để cách đêm có được phép dùng không?
- - Việc ấy nên
hỏi giữa chúng Tăng, nếu hỏi riêng tôi, những kẻ phi pháp sẽ cho
tôi là có ý thiên vị và không chấp nhận tôi vào thành phần bàn
luận Tỳ ni (giới luật).
- Bấy giờ, Ly
Bà Ða liền tập họp Tăng chúng để luận bàn Tỳ ni, nhưng vì Tăng
chúng đông đảo, không khí ồn náo, khó quyết đoán Tăng sự nên
Thầy đề nghị bạch nhị yết ma đề cử một số đại diện để chủ trì
cuộc họp và quyết đoán các sự việc. Nhóm Tỳ keo Bạt Kỳ trước hết
đề cử 4 vị: 1/Nhất Thiết Khứ, 2/ Ly Bà Ða, 3/ Bất Xà Tôn, 4/ Tu
Ma Na. Nhóm Tỳ kheo Ấp Ba Lợi cũng đề cử 4 người: 1/ Tam Phù Ðà,
2/ Sa Lan, 3/ Trường Phát, 4/ Ba Sa Lam.
- Các Thượng
tọa được Tăng sai bèn nhất trí chọn khu vườn của một nữ thí chủ
đã cúng dường cho chư Tăng, tại Tỳ Xá Ly làm nơi nghị sự.
- Bấy giờ Ly Bà
Ða bèn hỏi Thượng tọa Nhất Thiết Khứ điểm thứ nhất: "Muối để
cách đêm có được phép dùng không?"
- Nhất Thiết
Khứ đáp: "Không được dùng".
- - Phật chế
định điều này tại nơi nào?
- - Tại thành
Vương Xá.
- - Do ai mà
chế?
- - Do một Tỳ
kheo ở nơi A lan nhã.
- - Phạm về
việc gì?
- - Phạm về
việc dùng thức ăn để cách đêm, thuộc tội Ba dật đề.
- Thế rồi, Ly
Bà Ða kết luận: Ðó là pháp, đó là luật, đó là lời Phật dạy, các
Tỳ kheo Bạt Kỳ làm điều phi pháp, phi luật, trái lời Phật dạy,
giờ đây bỏ xuống một thẻ.
- Và cứ thế, Ly
Bà Ða hỏi, Nhất Thiết Khứ đáp, cho đến khi kết thúc 10 điều phi
pháp.
- Tiếp theo, 8
vị này bèn suy cử 4 người đại diện là: Nhất Thiết Khứ 136 tuổi
hạ, Ly Bà Ða 120 tuổi hạ, Tam Phù Ðà và Da Xá đều 110 tuổi hạ,
những vị này có trách nhiệm đem các quyết định của Ðại hội vừa
rồi ra công bố trước 700 vị A la hán, theo thể thức Ly Bà Ða hỏi
và Nhất Thiết Khứ đáp như trên. Cuối cùng, Ly Bà Ða kết luận:
"Những gì không do Phật chế thì không được tùy tiện chế định,
những gì do Phật đã chế thì không được vi phạm. Tăng chúng phải
chăm chỉ học tập những gì Phật đã truyền dạy".
- Cuộc kết tập
này vừa đúng 700 vị A la hán, nên gọi là cuộc kết tập của 700
người. (Ngũ phần Luật, ÐTK.1421, tr.192a-194b).
-
Vài điều ghi nhận
- 1/ Lý do kết
tập: cả hai bộ Tứ Phần luật (ÐTK.1428, tr.969c-976a) và Thập
Tụng luật (ÐTK.1435, tr.453c-455c) đều nhất trí với Ngũ Phần
Luật cho rằng do 10 điều phi pháp của nhóm Tỳ kheo Bạt Kỳ mà
phải mở Ðại hội kết tập pháp tạng lần thứ hai này.
- 2/ Thời gian
kết tập: Ngũ Phần luật và Tứ Phần luật đều ghi nhận là sau Phật
Niết bàn 100 năm. Riêng Thập Tụng luật thì bảo là sau Phật Niết
bàn 110 năm.
- 3/ Ðịa điểm
kết tập: cả ba bộ đều nhất trí bảo là tại Tỳ Xá Ly.
- 4/ Thành phần
chủ trì cuộc kết tập: Hai bộ kia cũng không khác mấy với Ngũ
Phần (xem lại trên), chỉ có cách phiên âm tên của các trưởng lão
hơi khác đôi chút mà thôi.
- 5/ Số người
tham dự kết tập: Cả ba bộ đều nhất trí cho rằng cuộc kết tập lần
này có tất cả 700 vị A la hán.
- 6/ Về 10 điều
phi pháp: Cả ba bộ, kể cả Luật Thiện Kiến (ÐTK.1462,tr.677c) và
Luật Nam tông (Luật xuất gia, quyển thượng, T.K.Hộ Tông, 241)
cũng ghi nhận là có tất cả 10 điều, nhưng về thứ tự của 10 điều
thì có đảo lộn chút ít (xem bản so sánh ở sau). Tuy thế, nội
dung của từng điều thì các bộ gần như nhất trí, chỉ khác nhau về
cách diễn giải rộng hay hẹp mà thôi.
- Ở điều 2, Ngũ
Phần luật ghi: "Lưỡng chỉ" sao thực thực tịnh" (dùng hai ngón
tay cầm thức ăn để ăn vẫn hợp pháp), và được giải thích rõ là:
Tỳ kheo ăn xong, rời khỏi chỗ ngồi, nếu nhận được thức ăn khác,
không cần xin phép ăn thêm, dùng hai ngón tay cầm thức ăn mà ăn
vẫn hợp pháp. Chúng tôi đã so sánh các bộ Tứ Phần luật, Thập
Tụng luật, Thiện Kiến luật - là những tư liệu rất căn bản, cổ
xưa, còn giữ nguyên vẹn - cũng đều giải thích ý nghĩa như Ngũ
Phần. Nhưng không hiểu sao phần lớn các loại luật giải về sau,
thường giải thích điều này khác hẳn. Cụ thể như Phật Quang Ðại
Từ Ðiển, tr.442a, giải thích điều 2 Nhị chỉ tịnh như sau: Từ lúc
mặt trời đúng ngọ cho đến lúc bóng xế hai ngón tay vẫn có thể ăn
được (mà không phạm luật). Nhân đây, người viết muốn nêu lên
thắc mắc này, xin chất chính các vị tôn túc luật sư, và rất mong
vấn đề này được làm sáng tỏ.
- Tại sao gọi
10 điều ấy là phi pháp? Thiết nghĩ, lúc bấy giờ cách Phật Niết
bàn mới khoảng 100 năm, các vị tôn túc trưởng lão nghiêm trì
giới luật vẫn còn nhiều, chánh pháp còn được nhiều người sùng
thượng, mà các Tỳ kheo Bạt Kỳ lại tự tiện đặt ra những điều luật
mới khác với giới luật Phật chế, nên mới bị lên án gắt gao như
vậy. Kỳ thực, trong 10 điều ấy chỉ có vài điều là trái luật,
ngoài ra, các điều khác cũng không có gì là trầm trọng lắm, nếu
đem so sánh với thời đại chúng ta ngày nay. Vả lại, nếu muốn cho
chánh pháp tồn tại lâu dài và được truyền bá rộng rãi, thì các
sứ giả Như Lai phải biết tùy theo căn cơ, thời đại và hoàn cảnh
mà áp dụng giới luật một cách uyển chuyển, linh động, miễn sao
không phương hại đến mục đích giải thoát là được. Nếu không thì
giới luật của Phật sẽ có nhiều điều trở nên vô hiệu. Thế nên,
Phật đã cẩn thận căn dặn: "Này các Tỳ kheo, tuy là những điều do
Ta chế định, nhưng nếu không phù hợp với phong tục tập quán của
địa phương đó, thì không nên áp dụng. Trái lại, có những điều
không do Ta quy định, nhưng vốn là phong tục tập quán của địa
phương ấy thì không thể không thi hành" (Ngũ Phần luật,
ÐTK.1421, tr.153a).
- Rồi Ðức Phật
bổ túc: "Tỳ kheo khi làm việc vì, nên đem đối chiếu với kinh,
luật, nếu việc làm đó phù hợp với tinh thần của kinh, luật thì
hãy làm. Ngược lại, nếu việc làm đó trái với tinh thần của kinh,
luật, thì không nên làm" (Tứ Phần Luật, ÐTK.1428, tr.970a).
- Tóm lại, tinh
thần của Phật giáo là "Tùy duyên mà bất biến, bất biến mà vẫn
tùy duyên". Chúng ta có thể linh động áp dụng giới luật sao cho
tốt nhất để đạt đến mục đích giải thoát, nhưng phải thận trọng
trong việc đề xuất những quy định mới, và nhất là không nên tùy
tiện sửa đổi giới luật của Phật./.
-
Phụ lục:
Bản so sánh 10 điều phi pháp.
-
Các bộ luật - Những điều khoản
- - Ngũ Phần
luật: 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10
- - Tứ Phần
luật: 7 1 3 2 6 8 9 5 4 10
- - Thập Tụng
luật: 1 2 5 3 4 7 9 8 6 10
- - Thiện Kiến
luật: 1 2 4 3 7 8 9 6 5 10
- - Nam Tông
luật: 1 2 4 3 7 8 9 6 5 10
- Chỉ có cột 3
của Ngũ Phần luật (3 Tứ Phần: 5 Thập Tụng: 4 Thiện Kiến: 4 Nam
Tông) về nội dung, so với mỗi bộ có sai khác đôi chút, còn 9 cột
kia, tuy vị thứ của mỗi bộ có khác nhau, nhưng nội dung căn bản
có thể nói tương đối nhất quán. (Khi nào có dịp, chúng tôi sẽ
trở lại vấn đề này).
--o0o--
|
|