-
-
|
PHẬT HỌC CƠ BẢN
- Phật Học Cơ Bản
-
Tập Ba
- Ban Hoằng Pháp
Trung Ương
GHPGVN
-
Chương Trình Phật Học Hàm Thụ (1998-2002)
Nguyệt San Giác Ngộ
- --- o0o ---
- Phần
II - Bài 4
- Giới thiệu
về Tịnh Ðộ Tông
- Thích Viên
Giác
-
A- Dẫn nhập
- Tịnh độ là
một trong những pháp môn tu tập phổ biến đối với người Phật tử
tại nhiều nước như Trung Hoa, Nhật Bản, Việt Nam. Giáo nghĩa
Tịnh độ tông thuộc hệ tư tưởng Ðại thừa và xuất hiện vào thời kỳ
Phật giáo Phát triển.
- Phật giáo
Nguyên thủy chú trọng tự lực, Phật giáo Phát triển (Ðại thừa) đa
dạng hóa đường lối tu tập nên có những pháp môn chú trọng tha
lực, tức nhờ vào Phật lực mà thành tựu đạo quả hoặc vượt thoát
khổ đau, lý tưởng như pháp môn Tịnh độ. Vì vậy, Tịnh độ là một
đường lối tu tập phổ biến, đáp ứng nhu cầu tâm linh về một đời
sống vĩnh cửu và hoàn toàn giải thoát khổ đau của con người.
-
B- Nội dung
-
I. Lịch sử và sự truyền thừa Tịnh độ
tông
- Lý thuyết
Tịnh độ được phát triển ở Ấn Ðộ, là một đường lối tu tập nhưng
không thiết lập tông phái, chỉ khi các kinh điển Tịnh độ truyền
qua Trung Hoa thì Tịnh độ trở thành tông phái.
- Phật giáo
truyền vào Trung Hoa vào cuối thế kỷ thứ nhất cho đến đầu thế kỷ
thứ hai nhưng những kinh luận thuộc giáo nghĩa Tịnh độ phải đến
thế kỷ thứ ba mới xuất hiện. Vào thời Ngụy (250), ngài Khang
Tăng Ngãi (Sanghavarman) dịch kinh Vô Lượng Thọ, cư sĩ
Chí Khiếm (thời Tôn Quyền) dịch bộ Ðại A Di Ðà kinh. Ðến
đời Diêu Tần (thế kỷ IV), ngài La Thập dịch Phật thuyết A Di
Ðà kinh, còn gọi là tiểu kinh A Di Ðà, ngài Phật Ðà
Bạt Ðà La (Giác Hiền) dịch Tân Vô Lượng Thọ kinh, Quán
Phật tam muội kinh, ngài Trí Nghiêm dịch Tịnh độ tam muội.
Thời Lưu Tống (thế kỷ V), ngài Cương Lương Da Xá (Kàlayàsas)
dịch Quán Vô Lượng Thọ kinh, ngài Bồ Ðề Lưu Chi (thế kỷ
VI) dịch Vô Lượng Thọ kinh luận. Ðặc biệt, ngài Thế Thân
trước tác Vãng sinh Tịnh độ luận..., đến đây giáo nghĩa
Tịnh độ tông tương đối hoàn chỉnh. Ba tác phẩm được coi là nền
tảng của Tịnh độ tông là kinh Vô Lượng Thọ, Quán Vô Lượng Thọ,
kinh A Di Ðà, cộng thêm tác phẩm Vãng sinh Tịnh độ
luận của Thế Thân. Mặc dù chỉ một vài bộ kinh triển khai
giáo lý Tịnh độ, nhưng rất nhiều kinh luận trong hệ thống giáo
lý Ðại thừa ca ngợi tư tưởng Tịnh độ, làm cho Tịnh độ tông trở
nên phổ biến và nổi bật trong nền tư tưởng Phật học Trung Hoa.
- Lịch sử
truyền thừa của Tịnh độ tông không theo đường lối thông thường
là người trước truyền cho người sau như các tông phái khác, mà
chỉ căn cứ vào sự đóng góp nhiều ít công cuộc xiển dương giáo lý
Tịnh độ.
- Tịnh độ tông
Trung Hoa, ngài Huệ Viễn (333-416) được coi là người sáng lập.
Ngài quê ở Nhạn Môn, 21 tuổi xuất gia làm môn đệ của ngài Ðạo
An. Ngài thông minh xuất chúng, được ngài Ðạo An khen ngợi. Vì
hoàn cảnh loạn lạc, Ngài di cư xuống Tương Dương, sau đó trên
đường hành đạo, Ngài đến Lô Sơn, thấy cảnh trí u tịch, phù hợp
với chí nguyện tu hành, Ngài ở lại đó và thành lập chùa Ðông
Lâm. Ngài chủ trương tu tập pháp môn niệm Phật, ẩn dật tu hành
không màng thế sự..., nhất là quan hệ gần gũi với vua chúa. Ðể
phản đối sắc lệnh của nhà vua về việc người xuất gia vào chầu
phải lạy, Ngài viết bộ Sa môn bất bái vương giả luận. Năm
402, Ngài lập ra Hội Niệm Phật tại Lô Sơn, lấy tên là Bạch liên
xã, đây là một hình thức tổ chức quần chúng tu tập, manh nha một
đường lối tu Tịnh độ cho tứ chúng về sau. Tổ chức Bạch liên xã
không phân biệt tại gia hay xuất gia, cách tu đơn giản là thành
kính lễ bái và niệm hồng danh Ðức Phật A Di Ðà. Pháp tu của ngài
Huệ Viễn đã tạo nên đường lối của Tịnh độ tông.
- Ðến thế kỷ
sau, ngài Ðàm Loan (476-542) tiếp nối xiển dương pháp môn Tịnh
độ. Ngài cũng là người ở Nhạn Môn, tu học rất tinh cần, chuyên
nghiên cứu chú giải kinh sách nhưng nửa chừng bị bệnh nặng, Ngài
tìm thầy chữa bệnh, nhân đó gặp đạo sĩ Ðạo Hoằng Cảnh dạy cho
tiên thuật và giao cho 10 cuốn tiên kinh. Trên đường về phương
Bắc gặp được ngài Bồ Ðề Lưu Chi (Bodhiruci) trao cho Ngài những
tác phẩm pháp môn Tịnh độ, căn cứ vào đó Ngài chuyên tu Tịnh độ.
Ngài trước tác những bộ: Vãng sinh luận chú, Tán Phật A Di Ðà
kệ... Ngài dạy chúng tu học và xiển dương giáo lý Tịnh độ,
chú trọng yếu tố "Tín tâm niệm Phật", đây cũng là sắc thái khác
của Tịnh độ tông.
- Ngài Ðạo Xước
(562-645) có nhân duyên với ngài Ðàm Loan dù sống cách nhau vài
chục năm. Ngài đã tiếp nhận pháp môn Tịnh độ trong trường hợp
đặc biệt. Ngài Ðạo Xước xuất gia năm 14 tuổi, chuyên nghiên cứu
về Niết bàn tông, một hôm đến chùa Huyền Trung núi Thạch Bích,
đọc bia đá ghi chép sự tích ngài Ðàm Loan thì lòng sinh cảm
kích, Ngài quay sang tu Tịnh độ và thường giảng dạy Quán Vô
Lượng Thọ kinh. Ngài nỗ lực giáo hóa dân chúng trong vùng tu
Tịnh độ và là người chế ra tràng hạt để dạy cách trì danh niệm
Phật. Ðối với nông dân, Ngài bày cách lấy hạt đậu đếm số niệm
Phật gọi là "tiểu đậu niệm Phật". Ngài trước tác An lạc tập
và một số tác phẩm khác, triển khai ý nghĩa tu dễ và tu khó để
kết luận rằng tu Tịnh độ là dễ. Ngài biện minh ý nghĩa tha lực
của Ðức Phật A Di Ðà làm cho mọi người đều thích thú pháp môn
này. Ðệ tử của Ngài khá đông, xuất sắc gồm có Thiện Ðạo, Ðạo
Phủ, Tăng Ðiền...
- Ngài Thiện
Ðạo (613-681) nối chí thầy mình xiển dương giáo lý Tịnh độ. Phật
giáo đời Ðường rất hưng thịnh, Tịnh độ tông cũng phát triển mạnh
mẽ, phần lớn nhờ công lao của Thiện Ðạo. Ngài là người ở Lâm
Truy, khi xuất gia tìm thầy học đạo, Ngài gặp Ðạo Xước học pháp
môn Tịnh độ. Sau khi thầy mất, Ngài về Trường An trụ trì chùa
Quang Minh và chùa Từ Ân, giảng dạy và truyền bá pháp môn Tịnh
độ. Ngài viết 10 vạn cuốn kinh A Di Ðà và vẽ 300 đồ hình
tả cảnh Tịnh độ, làm cho thế giới Tịnh độ trở nên sống động và
hiện thực trong tâm người tu nên họ theo rất đông. Ngài trước
tác nhiều kinh sách như Quán Vô Lượng Thọ kinh sớ,
Vãng sinh lễ tán, Quán niệm pháp môn, Ban châu tán. Ðường
lối tu tập của Ngài được đời sau ca ngợi và trở thành một phương
thức đặc trưng của Tịnh độ tông.
- Ngài Từ Mẫn
(680-748) là một hành giả Tịnh độ khá nổi tiếng vào đời Ðường,
Ngài noi gương các vị tiền bối, lên đường "nhập Trúc cầu pháp".
Ngài ra đi năm 702 (thời Võ Tắc Thiên), đến Bắc Thiên Trúc (Ấn
Ðộ) gặp được hóa thân của Quán Thế Âm Bồ tát trao cho pháp môn
Tịnh độ. Ngài ở Ấn Ðộ 18 năm mới về nước, được vua Huyền Tôn
tặng danh hiệu "Từ Mẫn tam tạng". Ngài trước tác Vãng sinh
Tịnh độ tập để truyền bá pháp môn Tịnh độ mà Ngài đã lãnh
hội trên đất Ấn, trở thành một dòng tư tưởng Tịnh độ độc lập.
Tuy nhiên, hệ thống của Ngài không hưng thịnh lâu.
- Như vậy, hệ
thống truyền thừa pháp môn Tịnh độ từ sơ khởi cho đến đời Ðường
không tiếp nối đời này qua đời khác mà tùy thuận vào nhân duyên
của mỗi hành giả. Bắt đầu từ đời Ðường mới có sự truyền thừa, và
rõ nét nhất phải chờ đến đời Tống. Sau này, các học giả phân
chia đường hướng tu tập của pháp môn Tịnh độ thành 4 hệ thống:
Huệ Viễn chú trọng "Quán tưởng niệm Phật", Ðàm Loan chú trọng
"Tín tâm niệm Phật", Thiện Ðạo chú trọng "Khẩu xưng niệm Phật",
Từ Mẫn thiên về "Thiện căn niệm Phật".
- Ðến đời Tống
(960-1279), Phật giáo vẫn duy trì các hệ tư tưởng và truyền
thống tu tập của các tông phái. Tịnh độ tông mặc dù vẫn duy trì
truyền thống độc lập của mình, nhưng vẫn bị ảnh hưởng tác động
của các hệ tư tưởng khác. Vào thời kỳ này, các tông phái nói
chung đều có xu hướng dung hợp, ví dụ Thiên thai tông chủ trương
kiêm tu Tịnh độ, đại biểu cho chủ trương này có ngài Tuân Thức,
Từ Lễ, Trí Viên. Luật tông cũng kiêm tu Tịnh độ do ngài Nguyên
Chiếu chủ trương. Thiền tông cũng kiêm tu Tịnh độ do ngài Diên
Thọ chủ trương... cho nên sắc thái Tịnh độ muôn màu muôn vẻ.
Những hội niệm Phật đua nhau xuất hiện, nổi bật là hội "Tịnh
hạnh xã" của ngài Tĩnh Thường.
- Ðời Minh
(1360-1661), Tịnh độ tông được phát triển do các đại sư Vân Thê,
Liên Trì, Trí Húc, nhất là hàng cư sĩ tu Tịnh độ phát triển mạnh
phổ cập sâu rộng trong quần chúng. Ðến đời Thanh, tư tưởng Tịnh
độ dung hợp trong mọi pháp môn, tông phái. Những đại sư xiển
dương Tịnh độ có ngài Tĩnh An, Thực Hiền (1686-1734). Ngài Êẽn
Quang ở cuối đời Thanh là một bậc cao đức truyền bá pháp môn
Tịnh độ. Pháp môn Tịnh độ hưng khởi ở Trung Quốc, sau đó được
truyền qua các nước Tây Tạng, Nhật Bản, Việt Nam, Triều Tiên,
được tiếp nhận nhanh chóng và phát triển mạnh mẽ.
-
II. Giáo nghĩa Tịnh độ tông
- Tịnh độ tông
lấy 3 bộ kinh và 1 bộ luận làm nền tảng cho tư tưởng của mình:
kinh "Vô Lượng Thọ" nói về tiền thân Ðức Phật A Di Ðà khi
còn là Pháp Tạng Tỳ kheo đã phát nguyện 48 lời nguyện để cứu độ
chúng sanh, kinh Quán Vô Lượng Thọ nói rõ phép quán tưởng
niệm Phật, kinh A Di Ðà miêu tả thế giới Cực lạc đẹp đẽ
trang nghiêm có Ðức Phật A Di Ðà đang thuyết pháp, và bộ luận
Vãng sinh Tịnh độ của ngài Thế Thân tán thán và giảng về ý
nghĩa của ba bộ kinh trên.
- Theo kinh
Quán Vô Lượng Thọ thì giáo lý Tịnh độ đã được Ðức Phật Thích
Ca Mâu Ni thuyết cho hoàng hậu của nước Kosala là Videhi. Bà bị
chính con trai bà giam lỏng và chán nản vô cùng trước cảnh thế
thái nhân tình. Bà cầu mong Ðức Phật cứu giúp vượt qua nỗi khốn
khổ này, Ðức Phật đã xuất hiện và giới thiệu các quốc độ chỉ có
an lạc không có khổ đau, bà chọn cõi Phật A Di Ðà. Ðức Phật dạy
bà phương pháp niệm danh hiệu Phật để được vãng sanh về cõi ấy.
Trong kinh tạng Nguyên thủy không đề cập đến chi tiết ấy, có thể
nói kinh tạng Nguyên thủy ít quan tâm đến yếu tố tha lực. Ðến
thời kỳ đầu của Phật giáo Phát triển, ngài Nagasena đã đưa lý
thuyết Phật cứu độ vào trong lý luận của mình, trở thành tiền đề
cho tư tưởng Phật lực về sau.
- Cực lạc thế
giới, Hán dịch từ tiếng Phạn Sukhànatì, là nơi có hạnh phúc mà
không có khổ đau. Cõi giới này do Ðức Phật A Di Ðà giáo hóa. Có
thể nói thế giới Cực lạc là một khái niệm khác của Niết bàn, vì
Niết bàn (Nirvana) có nghĩa là dập tắt mọi phiền não khổ đau.
Trong ý nghĩa hẹp hơn thì đó là một thế giới hiện thực ở phương
Tây, khác với thế giới Ta bà đầy đau khổ này mà kinh A Di Ðà gọi
là "ngũ trược ác thế".
- Thế giới Cực
lạc có những ưu điểm tiêu biểu như không có ô uế, không có phiền
não, thọ mạng lâu dài, ăn uống tự có, có các thần thông... Ðất
nước rất đẹp được cấu tạo bằng các chất quý báu như vàng, ngọc,
lưu ly...; cây cối, ao hồ, cung điện, đường sá đều bằng các thứ
báu, có ca nhạc như âm nhạc cõi trời, các loài chim hót ca như
thuyết pháp... Tóm lại, đó là một thế giới lý tưởng, là môi
trường tốt cho sự tu hành và đạt được hạnh phúc tối thượng.
- Ðức Phật A Di
Ðà là vị giáo chủ của thế giới Cực lạc. A Di Ðà là danh từ dịch
âm của Amitàbha, dịch nghĩa là Vô lượng quang, còn Amitàyus là
Vô lượng thọ. Vô lượng quang chỉ cho ánh sáng vô lượng, biểu
tượng cho trí tuệ viên mãn hay cho Pháp thân (Dharma-kàya). Vô
lượng thọ chỉ cho đời sống vĩnh cửu, biểu tượng của đại định hay
còn gọi là Giải thoát thân (Vinuktikàya). Với ý nghĩa danh hiệu
như vậy, Ðức Phật A Di Ðà tượng trưng cho sự sống vĩnh cửu và
giải thoát hoàn toàn khổ đau, đó là mục đích cao cả và hấp dẫn
đối với con người ở mọi thời đại.
- Theo kinh
Vô Lượng Thọ thì Ðức Phật A Di Ðà từng là một nhà vua. Sau
khi ngộ đạo, Ngài phát tâm xuất gia và trở thành vị Tỳ kheo tên
là Pháp Tạng (Dharmàkara). Ngài quyết tâm tu hành thành Phật và
phát nguyện độ hết chúng sanh trong cõi Cực lạc của mình. Ngài
lập 48 lời nguyện giúp chúng sanh giải thoát. Những nguyện quan
trọng là nguyện thứ 18: "Ví con được thành Phật, mười phương
chúng sanh muốn sanh về cõi nước con mà chí tâm tin mến niệm từ
một niệm cho đến mười niệm, nếu không được sinh thì con không
thành bậc Chánh giác. Chỉ trừ những kẻ tạo tội ngũ nghịch, hủy
báng chánh pháp". Nguyện thứ 19: "Ví con được thành Phật, mười
phương chúng sanh phát Bồ đề tâm, tu các công đức, dốc lòng phát
nguyện muốn sanh về cõi nước con, đến lúc mạng chung, ví con
chẳng cùng đại chúng vây quanh hiện thân trước người đó, thì con
không thành bậc Chánh giác". Nguyện thứ 20: "Ví con được thành
Phật, chúng sanh khắp mười phương nghe danh hiệu con, nhớ nghĩ
quốc độ con, vun trồng các công đức, rồi dốc lòng hồi hướng muốn
sanh về cõi nước con, nếu không được toại nguyện thì con không
thành bậc Chánh giác" (Kinh Vô Lượng Thọ, Chân Thường
dịch, Thành hội Phật giáo TP. Hồ Chí Minh ấn hành, 1992).
- Qua nội dung
48 lời nguyện cho thấy con đường tu tập Tịnh độ dựa vào nguyện
lực của Ðức Phật A Di Ðà và nhất tâm niệm Phật là con đường tu
dễ nhất, đó là lý do tại sao Tịnh độ tông được truyền bá rộng
rãi nhất.
- Con đường tu
tập của pháp môn Tịnh độ dựa trên ba nguyên tắc:
- 1- Niềm
tin (Tín): Ðây là điều kiện tiên quyết, không có niềm tin
hay niềm tin không đủ mạnh thì không thể tu Tịnh độ được. Sự tin
tưởng là nền tảng khởi lên ước muốn và hướng tâm về thế giới Cực
lạc. Như tất cả các pháp môn khác, niềm tin là mẹ của các thiện
pháp và phát sinh công đức.
- Niềm tin của
hành giả Tịnh độ rất rõ, tin rằng Ðức Phật A Di Ðà và thế giới
Cực lạc là có thực, Ðức Phật và Thánh chúng luôn sẵn sàng tiếp
độ chúng ta, chỉ cần chuyên tâm tin tưởng và niệm Phật quyết chí
vãng sanh thì chắc chắn được vãng sanh. Vì vậy, các kinh sách
Tịnh độ và các hành giả Tịnh độ thường nói xác quyết chứ không
có thái độ lưỡng lự, phân hai.
- 2- Nguyện
lực hay tâm mong muốn (Nguyện): Niềm tin ổn định sẽ đưa đến
ước muốn vãng sanh gọi là ước nguyện. Mọi hoạt động tâm lý đều
hướng về Tịnh độ, mọi ước muốn đều được kích thích bằng sự nhàm
chán đối với đời sống uế trược và bất an này. Nếu ta còn ham
muốn vật chất, tình cảm, tư tưởng của cuộc đời này thì ước muốn
vãng sanh không mạnh. Nghiệp liên kết với đời sống này không
giảm thì Tịnh độ không hấp dẫn ta được, nên có chán Ta bà mới
ước mong mãnh liệt về Tịnh độ được. Ðó cũng là lý do tại sao
người lớn tuổi ưa tu Tịnh độ hơn là giới trẻ.
- Biểu hiện của
ước nguyện về Tịnh độ là mọi hành vi, lời nói và tâm ý đều phải
thể hiện ước nguyện đó. Với lời nguyện mạnh mẽ từ bỏ uế độ vãng
sanh Tịnh độ, mong có khả năng để cứu độ chúng sanh. Tâm nguyện
như vậy mới tương ứng với tâm nguyện của Tịnh độ, mới có cảm ứng
với Phật và Thánh chúng ở Cực lạc.
- 3- Hành
trì (Hạnh): Khi tâm nguyện hướng về Tịnh độ thì mọi hành
động, ngôn ngữ đều được tu tập liên tục, nghĩa là thực hành
phương pháp niệm Phật, quán tưởng... đều đưa đến hợp nhất thân
khẩu ý, không để cho các đối tượng của trần gian lôi kéo làm tâm
bị tán loạn. Mọi công đức, thiện pháp ta có đều hồi hướng về
Tịnh độ, thường thì hành giả thiết lập cho mình một thời khóa tu
niệm, ví dụ như trong một ngày một đêm chia thành sáu thời khóa
để tụng niệm, tạo cho mình tiêu chuẩn niệm bao nhiêu lần, nhờ
hành trì mà hành giả có thể đắc định, thấy Phật và Thánh chúng
cõi Cực lạc.
-
III. Phương pháp niệm Phật
- Mục đích của
pháp niệm Phật A Di Ðà là đưa đến nhất tâm, chế ngự mọi vọng
tưởng của tâm. Niệm Phật là thực hành chánh niệm, như vậy về mặt
bản chất, pháp môn niệm Phật không khác biệt với thiền quán, là
cốt lõi của các pháp môn.
- Phương pháp
niệm Phật có bốn cách:
- 1- Trì
danh niệm Phật: Niệm danh hiệu Phật A Di Ðà, hoặc niệm thầm
hoặc phát âm thanh.
- 2- Quán
tượng niệm Phật: Niệm Phật và chăm chú nhìn vào tượng Phật,
thấy rõ tướng tốt của Phật, hoặc tướng tốt của các Bồ tát và
Thánh chúng.
- 3- Quán
tưởng niệm Phật: Quán tưởng hình ảnh của Ðức Phật A Di Ðà
cho đến khi thấy được linh ảnh của Ðức Phật. Pháp quán này khác
với quán tượng là không sử dụng hình ảnh bên ngoài. Trong kinh
Quán Vô Lượng Thọ đề cập đến 16 pháp quán.
- 4- Thật
tướng niệm Phật: Niệm Phật đạt đến chỗ vô niệm, không còn
chủ thể và đối tượng. Pháp quán này mang sắc thái Thiền hơn là
Tịnh độ cho nên không phổ biến được.
- Phương pháp
tu Tịnh độ được nhiều người chấp nhận và hành trì, nhất là Trì
danh niệm Phật, ai thực hành cũng được, có thể niệm lớn tiếng
gọi là Cao thanh trì, niệm thầm gọi là Mặc trì, mấp máy môi mà
không ra tiếng gọi là Kim cang trì. Người xưa còn đưa ra 4 sắc
thái niệm Phật: Hòa hoãn niệm là niệm từ từ không cần gấp, không
nôn nóng, chỉ cần bền bỉ, có thể vừa làm việc vừa niệm Phật,
không cần "tu mau kẻo trễ"; thứ hai là Truy đảnh niệm, là đưa
câu niệm Phật nằm trên đỉnh cao của dòng tâm thức, nghĩa là niệm
Phật luôn hiện tiền, không bị chi phối bởi công việc, quyết chí
cao, ấn định thời gian và cần có kết quả rõ; thứ ba là Thiền
định niệm, tức trụ tâm vào định rồi sử dụng tâm định ấy mà niệm
Phật. Ðây là lối tu dựa trên cơ sở truyền thống nguyên thủy, khi
tâm đạt định, hướng tâm ấy về tam minh, ở đây hành giả hướng tâm
về cõi Tịnh độ và Ðức Phật A Di Ðà; thứ tư là Tham cứu niệm, là
cách niệm Phật ảnh hưởng thiền công án, như nêu câu hỏi: Niệm
Phật là gì? Sự nung nấu nghi tình đến đỉnh cao sẽ bùng vỡ ý thức
và giác ngộ. Sắc thái này mang dấu ấn của Thiền hơn là của Tịnh
độ.
-
C- Kết luận
- Tịnh độ tông
chú trọng vào niềm tin của cá nhân và sự cứu độ của Ðức Phật A
Di Ðà. Pháp tu chủ yếu là niệm danh hiệu Phật A Di Ðà và quán
tưởng đến thế giới Cực lạc. Ðây là một tông phái được phổ biến
rộng rãi nhất và cũng được nhiều tông phái khác phổ biến và hành
trì. Pháp môn niệm Phật là con đường tu tập khá phù hợp với
nhiều căn cơ khác nhau. Thực ra, pháp môn niệm Phật có từ thời
Phật giáo Nguyên thủy, Ðức Phật dạy các đối tượng quán niệm
trong đó niệm Phật là đứng đầu, vì đây là đối tượng dễ đưa tâm
vào chánh niệm, trong Phật giáo Nguyên thủy, ý nghĩa về Phật lực
đã được bao hàm trong pháp niệm Phật. Qua thời kỳ tiền Ðại thừa,
luận sư Nagasena (Na Tiên Tỳ kheo) chủ trương thuyết cứu độ qua
cuộc vấn đạo của vua Milinda (hoàng đế Hy Lạp). Vua cho rằng
không thể chấp nhận được khi một người ác lại được cứu độ nếu y
tin tưởng vào một vị Phật vào đêm trước ngày chết. Nagasena đáp:
"Một hòn đá dầu nhỏ cách mấy vẫn chìm trong nước, nhưng một tảng
đá vẫn nổi trên nước nếu đặt lên thuyền". Về sau, các luận sư
Ðại thừa triển khai triệt để hơn về thuyết Phật cứu độ và qua
kinh điển, Tịnh độ tông tiêu biểu rõ cho luận thuyết ấy.
- Con đường
giải thoát của đạo Phật căn bản là ở tâm, tức là nỗ lực cá nhân,
pháp môn Tịnh độ vẫn không ngoài đường lối ấy, hòn đá lớn nhờ
thuyền chở mà nổi trên nước, nhưng vận chuyển hòn đá ấy lên
thuyền phải là công phu tự thân, để có được 10 niệm nhất tâm và
sự cứu độ của Phật, hành giả phải có công phu tích lũy lớn,
nghĩa là có một quá trình tu tập. Sau này, khi các tông phái
khác phát triển đã ảnh hưởng đến tư tưởng Tịnh độ, nhất là tư
tưởng Tịnh độ tại tâm như "Tự tánh Di Ðà, duy tâm Tịnh độ" làm
cho pháp môn Tịnh độ có tính tự lực nhiều hơn nhưng có lẽ đó
không phải là bản ý của Tịnh độ tông.
- Ðể kết luận,
xin dẫn lời bàn về niệm Phật của nhà vua, Thiền sư Việt Nam thời
Trần là Trần Thái Tông trong tác phẩm Khóa hư lục: "Người
niệm Phật có ba bậc: bậc thượng trí thì tâm tức Phật chẳng nhờ
tu chứng, thân Phật là thân ta không có hai tướng, tánh tướng
không hai, tịch mà thường còn, còn mà chẳng biết. Ðó là hoạt
Phật. Bậc trung trí phải nương vào niệm Phật, chú ý chuyên cần,
niệm Phật không quên tự nhiên thuần thiện. Niệm thiện đã hiện
niệm ác liền tiêu. Niệm ác đã tiêu duy còn niệm thiện. Bởi niệm
ý niệm niệm niệm tất diệt. Khi niệm đã diệt, ắt về chánh đạo.
Tới khi mạng chung được vui Niết bàn. Bậc hạ trí thì miệng
chuyên niệm lời Phật, tâm muốn thấy tướng Phật, thân nguyện sinh
nước Phật, ngày đêm siêng năng không thoái chuyển. Sau khi mạng
chung thì nhờ thiện niệm đó được sinh sang nước Phật, nghe Phật
nói pháp mà chứng đạo Bồ đề" (Khóa hư lục, HT. Thanh Kiểm
dịch, Thành hội Phật giáo TP. Hồ Chí Minh ấn hành, 1992). Ngài
kết luận ba hạng người trên đây sâu cạn khác nhau nhưng mục đích
và kết quả là một, tuy nhiên bậc thượng trí nói thì dễ làm thì
khó, bậc trung trí nếu chuyên cần nỗ lực sẽ thành tựu trong đời
này nhưng nếu nghiệp nặng chưa dứt thì khó thành tựu, bậc hạ trí
lối tu lấy niệm Phật làm nấc thang bước từng bước vững chắc được
qua nước Phật rồi thì chí nguyện sẽ thành. Vậy muốn thành tựu
cái siêu việt phải bắt đầu bằng cái đơn giản./.
- -oOo-
-
Câu hỏi hướng dẫn ôn tập
- 1- Trình bày sơ lược
lịch sử truyền thừa của Tịnh độ tông.
- 2- Những nguyên tắc cơ
bản của pháp môn Tịnh độ là gì?
- 3- Trình bày các phương
pháp niệm Phật.
|
--o0o--
|
|