-
-
|
PHẬT HỌC CƠ BẢN
- Cư Trần Lạc Ðạo
-
(Trọn bộ 3 tập)
-
Toronto, Canada
1999 - PL 2543
- ---
o0o ---
-
-
Tập 1
-
- (4)
- Bất Tùy Phân
Biệt
-
Trên phương diện tự do tư
tưởng, con người thường phát biểu nhiều ý kiến. Sống trên đời này,
có nhiều ý kiến mới tỏ ra mình là con người văn minh tiến bộ,
thuộc giới trí thức, học cao hiểu rộng, kiến thức uyên bác, đông
tây kim cổ kinh sử lão thông, việc gì cũng tỏ ra mình rành rọt cả
sáu câu, thông suốt từ A đến Z. Cùng một sự việc, cùng một vấn đề,
mỗi người đều có ý kiến riêng của mình. "Không ai giống ai".
Không ai chịu nhường bước ai. Không ai chịu nhìn nhận ý kiến của
ai. Không ai thực sự biết tôn trọng chân lý, cho nên thường đưa
đến chỗ tranh cãi một cách quyết liệt, đôi khi còn đi xa hơn!
- Sách có câu:
"Năm người mười ý! ". Nghĩa là một người có ít ra là hai ý
kiến trong cùng một vấn đề. Một người có ý kiến thế này, nhưng một
lúc sau hay một ngày sau, chính người đó lại có ý kiến thế khác,
thay đổi ý kiến của chính mình. Bởi thế cho nên con người đấu
tranh, cãi vã nhau để bênh vực ý kiến chủ quan "nhứt định là đúng
không sai" của mình, võ mồm võ miệng không xong thì xử dụng võ
lực, nếu sống trong tình trạng chậm tiến, kém phát triển. Còn nếu
như sống trong thế giới văn minh hơn, tiến bộ hơn, phát triển hơn
ở các nước Âu Mỹ, con người thưa kiện nhau ra ba tòa quan lớn,
quan nhỏ để đòi bồi thường cho bằng được một đô la danh dự hão,
sau khi đã tiêu pha gần hết cơ nghiệp thực, đã vất vả gầy dựng bấy
lâu nay trong các chi phí kiện tụng.
- Từ ngàn xưa cho đến ngày nay, con
người khổ đau triền miên như vậy, cho nên đạo Phật gọi đời là bể
khổ. Trong nhiều kiếp trầm luân sanh tử, nước mắt của chúng sanh
nhiều hơn bốn biển lớn. Tâm trạng con người thay đổi triền miên,
nay thương mai ghét, nay ghét mai lại thương. Thương thương ghét
ghét như những sợi dây xích trói buộc con người trong vòng phiền
não khổ đau, như những lượn sóng cao ngất trời vùi dập con người
trong sinh tử triền miên. Biển khổ sông mê mênh mông, chuyện này
chưa dứt, chuyện khác xảy ra, như những đợt sóng vỗ, trùng trùng
điệp điệp, tiếp nối nhau, cao ngất trời, không biết đến bao giờ
mới dứt. Bởi vậy, trong kinh sách có câu: "Ái hà thiên xích lãng.
Khổ hải vạn trùng ba".
- Tuy nhiên, đạo
Phật không dừng ở chỗ thế gian thường than trời trách đất, kêu
khổ, khổ ơi là khổ đó. Ðạo Phật chỉ dạy cho con người nhận định rõ
ràng: Cuộc đời khổ nhiều vui ít, cuộc đời sống nay chết mai, cuộc
đời nay còn mai mất, không ai biết trước cuộc đời ngày sau sẽ ra
sao? Nhưng đạo Phật không có ý tiêu cực, bi quan, chán nản, yếm
thế. Ðạo Phật chỉ dẫn con đường giác ngộ và giải thoát, chứ không
dẫn dắt con người đến chỗ yếu đuối, bạc nhược, chỉ biết đặt đức
tin vô căn cứ vào thượng đế tưởng tượng, cầu nguyện van xin.
- Ðạo Phật chỉ
dạy rất nhiều phương pháp, gọi là vô lượng pháp môn, con người ứng
dụng để tự giác ngộ và giải thoát mọi phiền não và khổ đau của
chính mình một cách tích cực, một cách thiết thực, nhằm xây dựng
cuộc đời an lạc hơn, hạnh phúc hơn. Trong vô lượng pháp môn đó, có
pháp môn gọi là "Bất Tùy Phân Biệt". Pháp
môn này được Ðức Phật chỉ dạy trong bộ kinh Thủ Lăng Nghiêm, không
những dành cho Phật Tử, mà còn dành cho tất cả những ai trên đời
muốn tìm hiểu cội gốc của phiền não và khổ đau, cùng những phương
pháp giải thoát khỏi các khổ đau và phiền não đó.
- * * *
- Trước hết, từ
ngữ "bất tùy" có nghĩa là: không theo. Còn hai chữ "phân biệt",
tùy theo chỗ dùng, được tạm giải thích có nghĩa là: kỳ thị, so đo,
suy lường, tính toán, hơn thua, phải quấy, thị phi, cố chấp, thành
kiến, định kiến, thường kiến, đoạn kiến, tà kiến, ác kiến, thiên
kiến, biên kiến. Vậy, "bất tùy phân biệt" có nghĩa là trong cuộc
sống, muốn được an lạc và hạnh phúc, chúng ta không nên để tâm
niệm chạy theo những tư tưởng tính toán, so đo, hơn thua, thị phi,
phải quấy, không nên có đầu óc kỳ thị, thiên lệch, thành kiến,
nghiêng bên này hay bên kia, bênh vực con mình gièm pha con người
khác, không cố chấp một ý nghĩ cố định nào của mình là chân lý
tuyệt đối. Một hạt minh châu, hạt châu như ý, có thể phát ra nhiều
sắc sáng khác nhau, tùy theo góc cạnh nhìn của mỗi người.
- Ở đây, xin nói
ngay, "bất tùy phân biệt" không có nghĩa là chúng ta không hiểu
biết, không phân biệt được thế nào là chánh tà, chơn ngụy, thiên
viên, đại tiểu. Tức là không phải chúng ta không có trí tuệ để có
thể phân biệt được thế nào là đúng hay sai, thế nào là thực hay
giả, thế nào là thiên lệch hay viên mãn, thế nào là rộng lớn hay
nhỏ mọn. Trái lại, chúng ta đã hiểu biết một cách tường tận muôn
sự muôn vật đúng như thực tướng, không điên đảo, không sai sót.
Hơn thế nữa, chúng ta còn phải vượt qua trình độ hiểu biết căn bản
đó, đạt được sự hiểu biết khá hơn, giác ngộ cao siêu hơn, mới gọi
là "bất tùy phân biệt" được.
- Chúng ta hiểu
biết rõ ràng thế nào là chánh tà, chơn ngụy, thiên viên, đại tiểu,
nhưng chúng ta không hề cố chấp vào đó để đưa đến phiền não và khổ
đau. Tại sao vậy? Bởi vì tâm phân biệt, kỳ thị già trẻ, lớn bé,
sang hèn, giàu nghèo, nam nữ, xuất xứ, học thức, chủ tớ, thân sơ,
thương ghét, màu da, dân tộc, địa phương, tôn giáo, không thể nào
đem lại an lạc và hạnh phúc, chỉ đưa chúng ta đến phiền não và khổ
đau mà thôi. Ở đời, chúng ta thường trách người khác có tâm phân
biệt, nhưng ít khi chịu phản quan tự kỷ, xét lại xem chính mình có
tâm phân biệt như vậy hay không? Bởi vì khi chúng ta nói người
này, người kia có tâm phân biệt, tức là chúng ta đã có tâm phân
biệt rồi đó.
- Ðối với một sự
việc nào đó, chúng ta thường không chịu suy xét một cách khách
quan, mà hay có tâm phân biệt già trẻ, lớn bé, sang hèn, giàu
nghèo, nam nữ, xuất xứ, học thức, chủ tớ, thân sơ, thương ghét,
màu da, dân tộc, địa phương, tôn giáo, để đi đến kết luận một cách
thiên lệch, không đúng chơn lý, không đúng lẽ phải, không đúng sự
thực. Thí dụ như với người thân thích, chúng ta luôn luôn bênh
vực, sao cũng cho là đúng! Còn với tất cả những người khác, thế
nào cũng cho là sai. Với người đồng đạo hay cùng tổ chức, chúng ta
luôn luôn bênh vực, cho là đúng, cái gì cũng đúng! Nhưng với người
khác đạo, khác tổ chức thì cho là sai, cái gì cũng sai, tất cả đều
sai! Tâm kỳ thị, tâm thiên lệch "phủ bênh phủ, huyện bênh huyện",
thực ra đã có tự ngàn xưa. Ðó chính là tâm phân biệt của con người
vậy.
- Mục đích tối
thượng của đạo Phật còn chỉ dạy chúng ta một điều hết sức cao
siêu, vi diệu. Ðó là ngoài những hình tướng bên ngoài như già trẻ,
lớn bé, sang hèn, giàu nghèo, nam nữ, tất cả mọi người trên thế
gian này đều có một điều giống nhau, một điều thật giống nhau, một
điều hết sức giống nhau, một điều muôn đời giống nhau, một điều
khắp nơi giống nhau. Dễ hiểu như là máu cùng đỏ, nước mắt cùng
mặn, bộ xương cùng trắng, lục phủ ngũ tạng không khác. Con người
thuộc mọi sắc dân trên khắp thế giới đều như vậy, thậm chí mọi
loài súc sanh cũng đều như vậy. Ðiều giống nhau, đồng nhau đó là
cái gì?
- Trong Kinh Kim
Cang, Ðức Phật có dạy:"Ly nhứt thiết tướng thị danh thực tướng".
Nghĩa là khi xa lìa tất cả mọi hình tướng bên ngoài của con người,
đừng cố chấp, đừng có tâm phân biệt nam nữ, nghèo giàu, già trẻ,
đẹp xấu, chúng ta mới có thể nhận ra rằng tất cả mọi người trên
thế gian này đều có một bản thể giống nhau, đồng nhau, tạm gọi là
"con người chân thật". Muốn hiểu được, thấy được, giác ngộ được
"con người chân thật" của chính mình, chúng ta phải lắng lòng cho
thanh tịnh, không tham lam, không sân hận, không si mê. Cũng như
mặt hồ nước có phẳng lặng mới có thể soi thấy mặt trăng rằm trong
đáy nước. Cũng như không có những đám mây tham sân si che lấp, thì
mặt trăng chân thật mới hiển lộ vậy.
- Thế nào là "con
người chân thật"? Ðó là con người sáng suốt, có trí tuệ bát nhã,
đủ năng lực giải thoát mọi phiền não và khổ đau. Ðó là con người
không tham lam, không sân hận, không si mê, tâm địa lúc nào cũng
sáng suốt, thanh tịnh, tỉnh thức. Ðó là con người bất sanh, bất
diệt, bất cấu, bất tịnh, bất tăng, bất giảm. Ðó không phải là cái
thân xác nặng nề của chúng ta đang có hiện nay. Ðó cũng không phải
là cái tâm lăng xăng lộn xộn, suy nghĩ vớ vẫn vẫn vơ của chúng ta
hiện nay. Thật vậy, những lúc tâm chúng ta lăng xăng lộn xộn, lo
lắng bất an, chúng ta không thể sáng suốt suy nghĩ điều gì, nhớ
điều gì cả. Chỉ khi nào chúng ta sống được với "con người chân
thật" thì khi đó mới thực sự có được an lạc và hạnh phúc của cảnh
giới thiên đàng, cảnh giới niết bàn mà thôi. "Con người chân thật"
chính là con người không có tâm phân biệt. Nói cách khác, con
người có tâm "bất tùy phân biệt" chính là "con người chân
thật" vậy.
- Tâm phân biệt,
cố chấp, thị phi, phải quấy, đúng sai, hơn thua, thường đưa đến
phiền não và khổ đau. Tại sao vậy? Bởi vì trên thế gian này có
điều gì đúng hay sai tuyệt đối đâu. Chẳng hạn như chữ hiếu đối với
dân tộc này là nuôi dưỡng cha mẹ già yếu cho đến lúc mãn phần. Còn
chữ hiếu đối với dân tộc khác là khi thấy cha mẹ già thì họ cho
leo lên cây, rồi con cháu xúm lại rung gốc cây. Nếu cha mẹ còn
khỏe mạnh leo trở xuống được, con cháu vui mừng tiếp tục nuôi
dưỡng. Bởi lẽ họ quan niệm rằng cha mẹ còn khỏe mạnh thì mới vui
sống và yêu đời.
- Cũng vậy, hiện
nay vấn đề phá thai là nhân đạo hay vô nhân đạo? Vấn đề bác sĩ có
quyền giúp bệnh nhân nan y, hết thuốc chữa, đau đớn thập phần,
được chết theo ý muốn của họ hay không? Ðâu là câu trả lời đúng
nhất, hợp tình, hợp lý, hợp luật, hợp lệ nhất? Trong nhiều vấn đề,
chúng ta có thể chỉ đúng một phần thôi, hãy lắng nghe ý kiến của
người khác, như vậy mới đúng là tinh thần của người biết tôn trọng
chân lý.
- Trong Kinh Thủ
Lăng Nghiêm, Ðức Phật có dạy:"Tri kiến lập tri tức vô minh bổn.
Tri kiến vô kiến tư tức niết bàn". Nghĩa là chúng ta ai ai
cũng có tri kiến, tức là có sự hiểu biết. Nhưng nếu chúng ta chấp
chặt tri kiến của mình là đúng, là độc nhứt vô nhị, sự chấp chặt
đó là gốc của vô minh phiền não. Nếu không cố chấp như vậy, nhứt
định chúng ta sống trong cảnh giới niết bàn cực lạc không nghi.
Sau đây, chúng ta thử tìm hiểu Pháp Tứ Y, Ðức Phật dạy trong Kinh
A Hàm, gồm có: Y pháp bất y nhân, Y nghĩa bất y ngữ, Y trí bất y
thức, Y liễu nghĩa bất y bất liễu nghĩa.
- 1) Trong Pháp
Tứ Y, Ðức Phật có dạy: "Y pháp bất y nhân".
Nghĩa là chúng ta nên xét theo sự việc chứ không xét theo con
người. Thí dụ như một người ăn hiền ở lành đúng tiêu chuẩn, thì
phải được lên thiên đàng, không phân biệt, không chấp cứ người đó
là có đạo nào hay ngoại đạo. Chứ lên thiên đàng mà cũng phe đảng
như vậy hay sao? Cũng vậy, Niết bàn không dành riêng cho giới tu
sĩ. Ðó chính là cảnh giới của tất cả những ai thực hành đúng theo
lời Ðức Phật đã dạy, không phân biệt là Phật Tử, hay không phải là
Phật Tử.
- Tâm phân biệt
người này thế này, người kia thế khác cũng dẫn con người đến phiền
não và khổ đau. Con người phân biệt màu áo tu sĩ với cư sĩ, phân
biệt có đạo với ngoại đạo. Nếu là tu sĩ thì lên Niết bàn, nếu là
người có đạo thì lên thiên đàng. Còn số đông đại chúng muôn vạn
triệu triệu người, thì có chỗ dành sẵn dưới địa ngục! Hởi ơi, đâu
là lòng từ bi và bác ái trong những con người có tâm phân biệt như
thế! Chúng ta thường hay chấp chặt, tin ngay lập tức những gì giáo
chủ dạy, những gì người tự nhận đại diện thượng đế nói, mà không
chịu xét xem những lời dạy đó, những lời nói đó có đúng lẽ thực,
có hợp chân lý hay không, cứ tin bừa bãi, tin một cách mù quáng,
hết sức mê tín dị đoan, gọi đó là đức tin! Như vậy, chúng ta đã "y
nhân", dù là thượng đế, chứ không "y pháp", dù là chân lý. Bởi
vậy, cho nên ở Âu Mỹ hiện nay, những trung tâm hướng dẫn thiền
định thu hút rất nhiều người đến thực tập, không phân biệt sắc dân
hay tôn giáo gì cả. Ở những nơi đó, con người tư duy chân lý, quán
sát lẽ thực, thực hành Chánh Pháp. Người nào thực tập đúng pháp
môn thiền định thì đạt được cảnh giới an lạc và hạnh phúc đó, một
cách bất tùy phân biệt! Như vậy chính là "y pháp bất y nhân".
- 2) Trong Pháp
Tứ Y, Ðức Phật có dạy: "Y nghĩa bất y ngữ".
Nghĩa là đừng chấp những lời nói, ngôn ngữ, bài viết không có ý
nghĩa gì, chúng ta sẽ không phiền não và khổ đau. Thí dụ như có
người hỏi chúng ta rằng: Sao dạo này anh chị mất uy tín quá vậy?
Câu hỏi đó không có ý nghĩa gì cả, chỉ nhằm mục đích chọc tức
chúng ta mà thôi. Chúng ta nghe rồi thì thôi, hoặc có thể lờ đi
như không nghe thấy, bởi vì chúng ta hiểu tường tận thế nào là "vô
ngã", không thấy có "bản ngã", nên không thu nhận câu đó vào trong
tâm trí. Như vậy chúng ta sẽ không thấy phiền não và khổ đau. Hoặc
giả khiêm nhường hơn, chúng ta có thể từ tốn đáp: Chúng tôi có uy
tín hồi nào đâu để mất cơ chứ! Thí dụ như có người mắng chúng ta
giống như con bò. Nếu chúng ta thu nhận câu đó vào tâm trí, rồi
sanh phiền não giận tức, quả thực chúng ta không được thông minh
cho lắm. Câu nói đó không căn cứ vào đâu cả, chúng ta giận làm gì
cho mệt. Hoặc là, có người phê bình chúng ta nóng tánh mà chúng ta
tức giận lên tiếng cãi chánh, quả thực người đó nói chẳng sai, chứ
còn gì nữa! Thậm chí, nếu có người viết bài phê phán, chỉ trích,
miệt thị, mạ lỵ, chưởi bới, vu khống, sỉ vả, khiêu khích, lăng
nhục, bôi lọ, chụp mũ, bịa chuyện, mà chúng ta chỉ "y nghĩa bất y
ngữ", thì họ làm gì có thể xúc phạm, làm sao có khả năng gây phiền
não và khổ đau cho chúng ta được, phải không thưa quí vị!
- Người ta đưa
lửa tới đốt, nếu chúng ta không đáp ứng, không đưa thân đưa tâm ra
lãnh đủ, thì họ chỉ đốt "hư không" mà thôi, chẳng nhằm nhò gì
chúng ta cả. Chửi bới hồi lâu, không thấy ép phê, không thấy hiệu
quả, không thấy động đậy gì về phía chúng ta, họ cũng chán nản,
cảm thấy hao hơi tổn sức, rồi tự ngưng thôi. Còn nếu chúng ta phản
ứng, lên tiếng cãi chánh, thanh-minh-thanh-nga, biện bạch, cũng
giống như chúng ta thổi hơi vào lửa đỏ, cho bùng thêm lên, hà hơi
tiếp sức, gây cảm hứng, tạo duyên cớ cho họ làm tới mà thôi. Lúc
Ðức Phật còn tại thế, khi Ngài bị người ngoại đạo theo quấy rầy,
Ngài vẫn thản nhiên cất bước, như không có chuyện gì xảy ra cả.
Người đó thấy Ðức Phật cứ tiếp tục lặng thinh, bèn chặn lại hỏi:
Này ông Cồ Ðàm, có chịu thua chưa? Lúc đó, Ðức Phật từ tốn nói bài
kệ như sau: "Người hơn thì thêm oán. Kẻ thua ngủ chẳng yên. Hơn
thua đều xả hết. Giấc ngủ được an lành" .
- Như vậy, nếu
chúng ta không chấp những lời nói vô nghĩa, những câu văn, ngôn
ngữ xuất phát từ lòng hận thù, ganh tị, đố kỵ, ghen ghét, chắc
chắn chúng ta sẽ không nhức đầu nhói tim, khỏi uống thuốc chẳng
cần dầu cù là, nghĩa là chúng ta không phiền não và khổ đau. Chẳng
hạn như khi chúng ta đi dự tiệc, mãn tiệc ra về, chủ nhà gói quà
biếu tặng, nếu chúng ta không nhận thì chủ nhà phải giữ món quà đó
lại. Cũng vậy, người đời thường tặng chúng ta những lời khen,
tiếng chê đầu môi chót lưỡi, chúng ta không nhận thì sẽ được ăn
ngon ngủ yên.
- Trong Kinh Pháp
Bảo Ðàn, Ðức Lục Tổ Huệ Năng có dạy: "Tắng ái bất quan tâm.
Trường thân lưỡng cước ngọa". Nghĩa là những chuyện thương
thương ghét ghét, chẳng làm bận lòng, chúng ta sẽ nằm thẳng hai
chân mà an giấc ngủ, khỏi phải trằn trọc trăn trở, nằm đếm một
hai, cho đến trăm ngàn! Khỏe re! Như vậy chính là "y nghĩa bất y
ngữ".
- 3) Trong Pháp
Tứ Y, Ðức Phật có dạy: "Y trí bất y thức".
Nghĩa là chúng ta nên xét sự việc theo trí tuệ bát nhã, chứ không
xét theo tình thức, tình cảm thiên lệch của con người. Tâm phân
biệt sắc tướng đẹp hay xấu, tiếng nói dễ nghe hay khó nghe, mùi
hương dễ chịu hay khó chịu, món ăn ngon hay dở, bài văn khen tặng
hết lời hay phê phán nặng lời, thường dẫn con người đến phiền não
và khổ đau. Tại sao vậy? Bởi vì sắc tướng đẹp hay xấu thực sự
không có tiêu chuẩn nhứt định, tùy người đối diện, tùy cảm tình
của con người mà thôi. Món ăn ngon hay dở cũng không có tiêu chuẩn
nhứt định, tùy theo con người đang đói bụng hay không mà thôi. Khi
đói lòng, một củ khoai cũng thấy ngon, nhưng khi no đủ quá rồi thì
sơn hào hải vị cũng chẳng ngon bằng một lọ tương! Khen tặng hay
phê phán cũng không có tiêu chuẩn nhứt định, tùy theo con người
đang nịnh bợ, tâng bốc để thủ lợi, hay đang quạu quọ vì không còn
hưởng lợi, như lời giao kết trước đây nữa mà thôi.
- Người nào hiểu
được như vậy, thực tập đúng pháp môn thiền định, không để cho
những tình thức phân biệt dẫn dắt đến chỗ sai lạc, đến chỗ phiền
não và khổ đau, người đó đạt được "trí tuệ bát nhã". Nói cách
khác, trí tuệ bát nhã là trí tuệ phát sanh do tâm "bất tùy phân
biệt", do công phu trì giới, tu tập thiền định mà hiện ra. Trí tuệ
bát nhã khác với trí tuệ của thế gian do công phu học tập trong
học đường mà đạt được, thể hiện qua các bằng cấp cao thấp. Trí tuệ
bát nhã là trí tuệ sẵn có nơi tất cả mọi con người, không phân
biệt già trẻ, lớn bé, nghèo giàu, nam nữ, xuất xứ, học thức, thân
sơ, thương ghét, dân tộc hay tôn giáo gì cả. Do sự lắng lòng cho
thanh tịnh, không tham lam, không sân hận, không si mê, chúng ta
sẽ đạt được "trí tuệ bát nhã". Như vậy chính là "y trí bất
y thức".
- 4) Trong Pháp
Tứ Y, Ðức Phật có dạy: "Y liễu nghĩa, bất y bất liễu
nghĩa". Nghĩa là chúng ta chỉ nên căn cứ theo những
sự việc có ý nghĩa, những điều nào rõ ràng, minh bạch, chứ đừng
chạy theo những sự việc mơ mơ hồ hồ, những chuyện không có căn cứ
vào đâu cả. Thí dụ như chúng ta thường nghe một câu chuyện truyền
miệng, rồi vội vàng kết luận là người này tốt, người kia xấu,
người này phải, người kia quấy. Hoặc những tin đồn dĩa bay xuất
hiện, thần thánh hiện ra nơi này nơi khác, có người thi triển thần
thông phép lạ chữa hết bệnh nan y, không thể kiểm chứng được,
chúng ta không cần quan tâm. Vã lại, những câu chuyện như vậy
không có ích lợi gì cho việc tu tâm dưỡng tánh, chỉ làm loạn tâm
chúng ta mà thôi.
- Ðối với những
chuyện thị phi trên thế gian này, chúng ta không có thời gian,
không có khả năng, không có hoàn cảnh, không có điều kiện, để tìm
hiểu sự thực, đã vội vàng kết luận, nhứt định không đúng vậy. Ðối
với những sách gọi là kinh Phật, chúng ta cũng cần nên dè dặt.
Kinh Phật liễu nghĩa có nội dung giảng dạy 37 phẩm trợ đạo, để
giúp con người tiến bước trên con đường giác ngộ và giải thoát.
Kinh Phật liễu nghĩa có nội dung giảng dạy lý nhân quả, lý vô
thường, vô ngã, chơn không diệu hữu, để giúp con người thoát ly
phiền não và khổ đau. Những cuốn sách có nội dung: cúng sao giải
hạn, cầu gì được nấy, bói toán mê tín, tin tưởng thánh thần, cầu
nguyện van xin, tình duyên gia đạo, coi phong thủy, xem nhà cửa,
chọn đất đai, đều không phải là kinh điển ghi lời Ðức Phật dạy.
Vấn đề này còn có phần tế nhị, bởi vì Ðức Phật thuyết pháp tùy
theo căn tánh của chúng sanh, cho nên kinh điển có quyền có thực,
có hiển có mật. Kinh Phật vô lượng nghĩa, không có cao thấp, tùy
theo công phu tu học đến đâu, con người hiểu kinh Phật đến đó.
- * * *
- Tóm lại, để kết
thúc bài này, chúng tôi ghi lại hai câu sau đây của Thiền sư Hoàng
Bá:
- Nhược bất nhứt phiên hàn triệt cốt
Tranh đắc mai hoa phốc tỷ hương.
- Nghĩa là:"Nếu
không một phen sương thấm lạnh. Hoa mai đâu nở ngát hương thơm".
Sau khi trải qua một mùa đông lạnh thấu xương, hoa mai mới hội đủ
thời tiết nhân duyên để nở rộ và tỏa mùi hương thơm ngát khắp nơi
nơi. Cũng vậy, chúng ta cần phải trải qua những thử thách cam go
của cuộc đời, mới có được bài học nhẫn nhục, nhẫn mà không thấy
nhục. Cổ nhân có dạy: "Một sự nhịn chín sự lành". Hiểu đạo rồi,
chúng ta có thể nói: "Một sự nhịn muôn vạn sự lành". Con người chỉ
học được và nếm được chút hương vị từ bi sau khi trải qua những
giai đoạn khổ đau của cuộc đời. Khi nào bắt đầu thấy được giữa
tuyết trắng và bùn nhơ không khác, không có cái gì xấu, không có
cái gì đẹp, lúc đó con người bắt đầu biết nhìn sự vật với tâm bất
tùy phân biệt, cũng là lúc con người hiểu được và hành được tâm
đại bi. Người có tâm đại bi tức là không có tâm phân biệt, không
có tả không có hữu, không có bạn không có thù, không có thân không
có sơ, không có thị không có phi, không có thương không có ghét.
Tuy nhiên tâm đại bi không phải là vô tri, mà chính là sức mạnh
mầu nhiệm đem lại an lạc và hạnh phúc cho cuộc đời.
- Hiểu được rõ
ràng thế nào là "vô ngã", thế nào là "con người chân thật", chúng
ta mới tìm được an lạc và hạnh phúc trên cõi đời này. Hơn thế nữa,
chúng ta cần phải trải qua nhiều thăng trầm của cuộc đời, mới nhận
thấy được những lời dạy của đức Phật không dành riêng cho bất cứ
ai sống trên đời này. Không phân biệt tôn giáo, không phân biệt
sắc tộc, bất cứ người nào thực tâm lắng nghe, lắng lòng suy nghĩ,
đem những lời dạy quí báu đó áp dụng trong cuộc sống. Nhứt định
người đó sẽ sống một cuộc đời an lạc và hạnh phúc với "con người
chân thật" của chính mình vậy.
--o0o--
|
|