-
-
|
PHẬT HỌC CƠ BẢN
-
Cư Trần Lạc Ðạo
-
(Trọn bộ 3 tập)
-
Toronto, Canada
1999 - PL 2543
- ---
o0o ---
-
-
Tập 2
-
- [08]
- Làm sao gặp
Phật?
- Qua hình tướng tìm Phật
Qua âm thanh tìm Phật
Làm vậy là sai đường
Làm sao gặp được Phật?
-
Trong mùa Phật Ðản năm nay,
nhân dịp làm lễ kỷ niệm Ðức Phật Thích Ca sinh ra trên thế gian
này, để cứu độ chúng sanh, hãy thử suy nghĩ: chúng ta đã từng gặp
Phật chưa? Nếu chưa, chúng ta làm sao gặp Phật? Có phải đợi sau
khi chết rồi, vãng sanh tây phương cực lạc, mới gặp được Phật
chăng? Có phải chỉ có Phật Tử mới gặp được Phật chăng?
- Hoặc có phải
chăng: tất cả chúng ta có thể gặp Phật, ngay trên thế gian này,
ngay trong cõi đời này, bất luận người đó là Phật Tử, hay không là
Phật Tử, bất luận người đó tại gia hay xuất gia? Dường như ai ai
cũng có các thắc mắc này, vậy chúng ta hãy lần lượt cùng nhau tìm
cách trả lời dựa theo giáo lý của đạo Phật.
- Hầu như mọi
người Phật Tử đều biết lịch sử Ðức Phật Thích Ca: Ngài đản sinh ở
vườn Lâm Tỳ Ni, được gọi là Thái Tử Tất Ðạt Ða, con của Vua Tịnh
Phạn và Hoàng Hậu Ma Gia, trị vì vương quốc Ca Tỳ La Vệ, thuộc
nước Ấn Ðộ bây giờ. Ngài lớn lên, cưới vợ, sinh con, cũng như bao
nhiêu con người khác trên thế gian. Rồi nhân những chuyến ra khỏi
hoàng cung, nhận thấy các cảnh: sanh, lão, bệnh, tử, của kiếp con
người, cho nên Ngài quyết tâm xuất gia tu hành, tìm đường giải
thoát và thành đạo dưới cội bồ đề. Sau đó, Ngài chuyển pháp luân,
thuyết pháp cứu độ chúng sanh trong 50 năm, cuối cùng nhập niết
bàn ở vườn Ta La. Như vậy, Ðức Phật Thích Ca đã nhập niết bàn,
chúng ta đi tìm Phật ở đâu, làm sao chúng ta gặp được Phật?
- Thực ra, chúng
ta chẳng cần đi tìm Phật ở đâu xa, chẳng cần phải qua Ấn Ðộ, hay
vào chùa mới gặp Phật. Phật luôn luôn ở trong cuộc đời, ngay trên
thế gian này, hiện hữu khắp nơi, nhưng chúng ta không thấy, vì
chúng ta chỉ nhìn đời bằng đôi mắt thịt, mà quên xử dụng con mắt
trí tuệ, để quan sát những gì tiềm ẩn bên trong, hoặc ý nghĩa của
những việc làm. Nơi các tôn tượng chư Phật, con mắt trí tuệ được
tượng trưng bởi viên ngọc quí ở giữa chặn mày, luôn luôn chiếu
sáng, mang ý nghĩa: tuệ đăng thường chiếu, tức là ngọn đèn trí tuệ
thường chiếu sáng, còn đôi mắt thịt, luôn luôn khép lại, không
duyên theo cảnh trần. Tuệ đăng thường chiếu nghĩa là con người
sống luôn luôn tỉnh thức, không bị mê mờ, không bị dục lạc thế
gian lôi cuốn, sống trong thế gian, nhưng không phiền lụy, cũng
chẳng khổ đau. Chúng ta có thể tìm thấy Phật qua sự sống trong tất
cả mọi loài chúng sanh. Sự sống đó bàng bạc trong khắp không gian
và thời gian, không hạn hẹp trong trăm năm của một kiếp con người.
- * * *
- Trong cuộc sống
hằng ngày, khi tiếp xúc giao thiệp với mọi người chung quanh,
chúng ta thường nhìn người đời bằng cặp mắt thịt, trong kinh sách
gọi là nhục nhãn, cho nên chỉ nhìn thấy được hình tướng bên ngoài
của con người, phân biệt nam nữ, cao thấp, đẹp xấu, già trẻ, lớn
bé, giàu nghèo, mập ốm. Chính vì con người có cái nhìn phân biệt
như vậy, cho nên cảm thấy phiền não và khổ đau nhiều hơn là an lạc
và hạnh phúc. Tại sao vậy?
- Bởi vì, khi có
cái nhìn phân biệt như vậy, con người chỉ thấy chung quanh toàn là
chúng sanh, cho nên khởi tâm thương ghét, làm cho cuộc sống đảo
điên, tâm trí bất an. Chẳng hạn như khi gặp người nào đẹp đẽ, hạp
nhãn, hay gặp vật gì quí giá, hiếm hoi, thì sanh lòng tham lam, ưa
thích ngắm nhìn, muốn chiếm hữu làm của riêng. Toại nguyện thì hả
hê, thích thú, bằng không được như ý, thì sanh tâm oán thù, ghét
bỏ, bực dọc, tức tối. Chẳng hạn như gặp người nghèo hèn, ít học,
thì sanh tâm khinh khi, kỳ thị, rẻ rúng, còn gặp người giàu sang,
học thức, thì thèm muốn, ước mơ, nịnh bợ. Chẳng hạn như gặp người
mập ú thì cười, gặp người gầy ốm thì chê. Con người thường có ước
mơ muốn được bình yên, nhưng tâm trí cứ chạy theo cảnh trần đời
như vậy, lăng xăng lộn xộn cả ngày, suốt tháng, quanh năm, làm sao
cuộc sống bình yên, an vui cho được?
- Trong Kinh Kim
Cang, Ðức Phật có dạy: "Ly nhứt thiết thướng, thị danh thực
tướng".
- Nghĩa là: Khi
nào lìa bỏ được tất cả các hình tướng bên ngoài, không chấp vào
nhân dáng thế này thế khác, chúng ta mới có thể nhận ra thực tướng
của tất cả mọi người. Thực tướng đó là gì? Thực tướng đó chính là
con người chân thật của tất cả mọi người trên thế gian này. Con
người chân thật đó đồng nhất, không khác, không phân biệt nam nữ,
già trẻ, lớn bé, màu da, sắc tộc, quốc gia, ngôn ngữ, tôn giáo,
văn hóa, giai cấp, xuất xứ, kiến thức, học lực, bằng cấp.
- Mọi người
đều có thực tướng đồng như nhau, chỉ vì mê ngộ không đồng, nghiệp
chướng khác nhau, cho nên hình tướng bên ngoài có khác.
- Chẳng hạn như:
Người tham gian thì cặp mắt láo liên, đảo điên, đảo qua, đảo lại.
Người sân hận thì cặp mắt trợn trừng, tóe lửa, dữ dằn. Người si mê
thì cặp mắt lờ đờ, khờ khạo.
- * Tu theo
đạo Phật, không phải chỉ có, cúng kiến lễ lạy, van xin cầu nguyện,
cầu an cầu siêu, cầu được bình an, cầu sang cực lạc, cầu đủ thứ
chuyện, cầu cho sung sướng, biểu diễn hình tướng, không còn gì
khác! Không phải như vậy!
- * Tu theo
đạo Phật là phải thúc liễm thân tâm, chuyên cần chăn trâu, con
trâu tâm ý, đừng để chạy rong, ngông cuồng phá phách, giẫm đạp
ruộng người, húc đàng đông xông đàng tây, từng giây từng phút.
- * Tu theo
đạo Phật là phải tìm ra con người chân thật, hay giác ngộ thực
tướng của chính mình. Thực tướng đó bất sanh bất diệt. Ngộ được
thực tướng thì thoát ly sanh tử luân hồi, theo đúng lời dạy của
tam thế thập phương chư Phật. Còn con người bằng xương bằng thịt,
trong kinh sách gọi là tấm thân tứ đại, chỉ tồn tại hơn kém trăm
năm là nhiều!
- Trong khi bình
thường, hai người tánh tình giống nhau, hòa đồng, nhã nhặn, vui
vẻ, lịch sự, không khác. Khi có biến cố xảy đến, người biết tu tâm
dưỡng tánh, giữ gìn được sự bình tĩnh thản nhiên, không khởi tâm
tham lam, không khởi tâm sân hận, không khởi tâm si mê. Nếu người
nào hoàn toàn giữ gìn được bản tâm thanh tịnh, trong mọi hoàn cảnh
trên thế gian, trước những bát phong của cuộc đời, dù được hay
mất, dù khen hay chê, dù vinh hay nhục, dù sướng hay khổ, tâm tánh
vẫn luôn luôn bình tĩnh thản nhiên, luôn luôn mỉm nụ cười an nhiên
tự tại, người đó chính là một vị Phật.
- Một vị Phật
không phải từ trên trời giáng xuống, không phải từ lòng đất chui
lên. Một vị Phật tùng địa dũng xuất, như trong Kinh Pháp Hoa dạy,
nghĩa là từ nơi tâm địa của mỗi con người chuyển hóa mà thành,
chuyển hóa từ xấu xa thành tốt đẹp, chuyển hóa từ tâm tham sân si
ô nhiểm, trở về bản tâm vốn thanh tịnh. Một vị Phật thành đạo từ
nơi con người biết tu tâm dưỡng tánh, đi đúng Chánh Ðạo, hành đúng
Chánh Pháp. Người nào chưa đạt được hoàn toàn như vậy, chính là
những người đang trên bước đường tu tập, công phu được bao nhiêu,
người đó được an lạc và hạnh phúc bấy nhiêu. Chứ không phải van
xin cầu nguyện mà đặng đâu!
- Theo truyền
thuyết, khi Thái Tử Tất Ðạt Ða đản sanh, có hai vị long vương đến
phun nước tắm cho ngài. Một vị phun dòng nước nóng. Một vị phun
dòng nước lạnh. Ðiều này có ý nghĩa thâm sâu như sau: cũng như
Thái Tử Tất Ðạt Ða, người nào trên thế gian này, chịu đựng nổi sức
mạnh của hai dòng nước, kham nhẫn nổi sức nóng lạnh, tượng trưng
cho những áp lực thường xuyên và sự đối nghịch của cuộc đời, chẳng
hạn như: thịnh suy, hủy dự, xưng cơ, khổ lạc, nói chung là bát
phong, thì người đó chính là một vị Phật trong tương lai.
- Còn đại đa số
người đời, khi có biến cố xảy ra, tâm tham lam liền khởi lên,
không thể dừng được, luôn luôn nghĩ đến những việc tranh giành
quyền lực, lợi mình hại người, xúi người hại nhau, bất chấp thủ
đoạn, thưa gửi kiện tụng, sang đoạt tài sản, chiếm hữu bản quyền,
giựt hụi quịt nợ. Nếu mục tiêu là bạc triệu đô la, con người càng
đối xử với nhau ghê rợn hơn, khủng khiếp hơn, chẳng còn kể quan hệ
cha con, chồng vợ, bè bạn, thầy trò, anh em, thân bằng quyến thuộc
gì hết, mạng sống của con người, của chính bản thân bị coi rẻ như
bèo! Ðồng bào, đồng bạn, đồng chí, đồng đội, đồng đạo, đồng hương,
đồng nghiệp, đồng ngũ, chẳng có giá trị gì cả, chẳng có nghĩa lý
gì cả. Chỉ có đồng tiền là trên hết, là vạn năng, có đủ năng lực
xô đẩy, sai khiến con người vào vòng tội lỗi hết sức dễ dàng. Cửa
thiên đàng khép lại, cửa địa ngục mở rộng kể từ đây!
- Khi có biến cố
xảy ra, dù chỉ một lời nói vô thưởng vô phạt, vô ý vô tứ, hay một
cử chỉ nhỏ nhặt, nhưng va chạm tự ái, tổn thương mặt mũi của con
người, tâm sân hận liền khởi lên, không thể dừng được, con người
liền nghĩ đến chuyện trả thù, báo oán, làm đủ mọi cách, khiến cho
kẻ thù, người mình không ưa, sống không được yên, chết cũng không
xong, ngả nghiêng điêu đứng, tạo dựng chuyện ác, khiến người tội
oan, tiêu tan danh dự, te tua tơi tả, thì mới hả dạ, mới thỏa tấc
lòng, tâm địa chúng sanh, phàm phu tục tử, sâu hiểm ác độc, của
một con người. Khi tam bành lục tặc nổi cơn lên, dù có phải đại
náo thiên cung, lật tung nhà người, con người cũng dám làm, không
cần biết hậu quả ra sao! Bởi vậy cho nên, có nhiều người đánh mất
hạnh phúc trong tầm tay, hay đánh mất người cộng tác tài năng đáng
tin cậy, chỉ vì những cơn sân không kềm chế được như vậy.
- Khi có biến cố xảy ra, người ta
không còn hợp tác, không còn qua lại với mình, mình liền ngậm máu
phun sau lưng người, không kể người cười miệng mình dơ, đâm bị
thóc thọc bị gạo, bêu riếu đàm tiếu đủ điều, vạch lá tìm sâu, bới
bèo ra bọ, chứng nào tật nấy, không bao giờ chừa! Cũng do tâm si
mê xui khiến, con người tin chuyện nhảm nhí, mê tín dị đoan, van
xin thượng đế, cầu nguyện thần linh, tìm sông lội suối, nước kém
vệ sinh, cho là nước thánh, trị được bá bệnh, cầu gì được nấy,
cũng mang về uống, dù cho người đó, có nhiều bằng cấp, dù thấp hay
cao, ở ngoài thế gian, hay trong nhà đạo!
- Trong Kinh Hoa
Nghiêm, Ðức Phật có dạy: "Nhứt thiết chúng sanh giai hữu Phật
Tánh". Nghĩa là: "Tất cả mọi chúng sanh đều có tánh giác".
- Tất cả mọi người đều có tánh giác,
sáng suốt đồng nhau, không khác, trong kinh sách gọi là Chân Tâm
hay Phật Tánh, nhưng chỉ vì nghiệp lực khác nhau, tâm tham sân si
khác nhau, cho nên bị phiền não khổ đau cũng khác nhau, hình tướng
bên ngoài cũng khác nhau.
- Chẳng hạn như
mặt trăng lúc nào cũng sáng tỏ, không khác, nhưng đêm nào có nhiều
mây đen, chúng ta trông thấy mặt trăng mờ nhạt nhiều hơn. Chẳng
hạn như mặt biển lúc sóng yên gió lặng, thanh bình, rộng rãi, bao
la, trông xa, thấy rộng, mênh mông, bát ngát, nhưng lúc cuồng
phong nổi lên, sóng to gió lớn, bầu trời đen kịt, không còn trông
thấy được gì cả. Mặt trăng sáng tỏ, mặt biển thanh bình, tượng
trưng cho bản tâm thanh tịnh của tất cả mọi người. Ðó cũng chính
là con người chân thật hay Chân Tâm Phật Tánh của tất cả mọi
người. Mây đen hay sóng to gió lớn, tượng trưng cho những phiền
não khổ đau, che lấp từng phần, hay che khuất hoàn toàn, tâm trí
con người không còn sáng suốt trọn vẹn nữa.
- Như vậy, câu
hỏi tìm Phật ở đâu, làm sao gặp Phật, thật là quá dễ, ai cũng có
thể trả lời được. Trước hết, Phật có nghĩa là Ðức Phật Thích Ca,
vị Phật có thực trong lịch sử, sinh ra ở Ấn Ðộ, tu hành và thành
đạo, cách đây hơn 2500 năm, ngay trên thế gian này, ở ngay cõi ta
bà này, không phải cõi nào khác, không phải tây phương cực lạc. Ðó
là câu trả lời gần nhứt, đơn giản nhứt, rõ ràng nhứt.
- Tuy nhiên,
trong kinh sách có câu: "Phật biến nhứt thiết xứ", nghĩa là
Phật có ở khắp mọi nơi, Phật ở chung quanh chúng ta, nhưng chúng
ta không hiểu biết, không nhận ra đó thôi. Ðó là nghĩa lý cao siêu
mầu nhiệm của chữ "Phật". Ðó là con đường thực tế, giúp đỡ cuộc
đời được nhiều ánh sáng giác ngộ và giải thoát, cuộc sống được
nhiều an lạc và hạnh phúc, con người được nhiều an nhiên và tự
tại, giảm bớt phiền não và khổ đau.
- Trong kinh sách cũng có câu:
"Tâm, Phật, chúng sanh, tam vô sai biệt". Nghĩa là: "Tâm,
Phật và chúng sanh, cả ba không khác, không sai biệt".
- Phật và chúng
sanh bổn nguyên tánh thường rỗng lặng, trong kinh sách gọi là
không tịch. Tâm của người nào không chất chứa bất cứ hình ảnh của
chúng sanh trong ba cõi, sáu đường, hoàn toàn trống rỗng, tĩnh
lặng, tâm người đó chính là tâm Phật.
- Chư Tổ cũng có
dạy: "Phật tức Tâm, Tâm tức Phật", chính là nghĩa đó vậy.
- Khi thấy người
nào vào chùa, van xin cầu khẩn chư Phật ban cho điều này điều kia,
chư Tổ thường dạy: Ngươi cõng Phật đi tìm Phật! Nghĩa là chư Phật
đã bỏ những điều phiền não, chỉ dạy chúng ta pháp môn tu tập để
giải thoát, để thành Phật, chúng ta không chịu tu học, để tự mình
thoát ly phiền não khổ đau, trái lại chúng ta van xin cầu khẩn
những điều phiền não, chẳng hạn như: tiền tài, danh vọng, ước gì
được nấy, nhứt bổn triệu lợi, buôn may bán đắt, thi đâu đậu đó,
bình yên vô sự, nhà cao cửa rộng, điều cuối cùng là: cầu vãng sanh
cực lạc quốc! Cầu không được, khổ là cái chắc! Cầu bất đắc, tức
khổ không sai!
- Chúng ta có thể
tìm thấy hình ảnh Phật, qua các vị chân tu thực học, giới đức tròn
đầy, là điểm tựa, là chỗ quy ngưỡng, để chúng sanh tìm được sự an
lạc khi gần gũi. Chúng ta có thể tìm thấy Phật ở khắp nơi trên thế
gian này, chỗ nào có tình thương ngự trị, có từ bi hỷ xả hiện
tiền, là có Phật ở ngay nơi đó. Bất cứ người nào, dù không là Phật
Tử, dù là Phật Tử tại gia hay xuất gia, mà trong một khoảng thời
gian nào đó, phát tâm bồ đề, khai mở Chân Tâm, thực hành hạnh lợi
tha, vì người quên mình, thể hiện bốn tâm lượng rộng lớn: từ bi hỷ
xả, thì ngay trong giây phút đó, người ấy đang sống với tâm Phật,
như một vị Phật. Nhưng sau phút giây giác ngộ đó, người ấy trở lại
cuộc sống tầm thường, thì tâm Phật lại tiềm ẩn, chờ cơ hội khác để
phát huy. Phật là con người giác ngộ trọn vẹn và vĩnh viễn, lúc
nào cũng tỉnh thức và sáng suốt. Chúng sanh khác Phật ở chỗ: chỉ
lóe sáng trong giây phút, rồi lại chìm đắm trong bóng tối vô minh.
Tại sao vậy? Bởi vì, con người không đủ sức vượt khỏi tam giới,
không đủ sức ra khỏi căn nhà lửa, không đủ sức chống cự sức mạnh
của con trâu tâm ý, nghĩa là con người bị "nghiệp thức che đậy" và
thường hay "biết mà cố phạm"!
- Ðể có cái nhìn
thực tiển và có phương pháp thực hành, trong cuộc sống hằng ngày
của người Phật Tử, tại gia hay xuất gia, Chư Tổ có dạy:
- "Chúng sanh
nhìn Chư Phật như chúng sanh, cho nên phiền não khổ đau.
Chư Phật nhìn chúng sanh như Chư Phật, cho nên Niết bàn tự tại".
- Nếu hiểu biết
một cách thấu đáo, một cách tường tận lời dạy này, chúng ta liền
biết làm sao gặp Phật, hay tìm Phật ở đâu? Chúng ta thường hay
nghĩ rằng: Phật ở Tây phương cực lạc, Phật ở trong chùa, Phật ở
trong kinh sách, Phật ở trong các bức tượng bằng gổ, bằng đồng,
bằng bạc, bằng vàng, hay bằng tranh vẽ. Còn chung quanh toàn là
chúng sanh tất cả! Chính bởi cái nhìn, cái hiểu biết, cái suy
nghĩ, cái quan niệm như vậy, cho nên con người gặp nhiều phiền não
khổ đau, không sao tránh khỏi, không bao giờ dứt.
- Con người không
biết rằng: chính mình có Chân Tâm, Phật Tánh, và mọi người chung
quanh cũng y như vậy, không khác. Con người đeo cặp mắt kính chúng
sanh, tức nhìn đời qua tâm vọng động, cho nên nhìn ai cũng thấy
chỉ là chúng sanh, nhìn ai cũng chỉ thấy tật xấu của họ, nhìn ai
cũng thấy đáng ghét, nhìn ai cũng thấy đáng đề phòng, nhìn ai cũng
thấy muốn xa lánh, nhưng không bao giờ, nhìn lại chính mình, xem
tốt hay xấu, cho nên gặp nhiều, phiền não khổ đau, rồi chờ khi
chết, lết về tây phương, nương về cực lạc, để tìm gặp Phật, làm
sao gặp được?
- Còn chư Phật và
những người giác ngộ, biết tu tâm dưỡng tánh, đeo cặp mắt kính
thanh tịnh, nhìn đời bằng bản tâm thanh tịnh, nhìn ai ai chung
quanh cũng thấy được họ có Chân Tâm, Phật Tánh, nhìn ai ai chung
quanh cũng hiểu biết họ là vị Phật sẽ thành trong tương lai, gần
hay xa tùy theo công phu tu tập của mỗi người, nhìn ai ai chung
quanh cũng hiểu biết họ có những điều hơn mình, đáng cho mình học
hỏi, nhìn ai ai chung quanh cũng thấy được con người chân thật,
không phải con người hiện tướng tham đáng ghét, không phải con
người hiện tướng sân dữ dằn dễ sợ, không phải con người hiện tướng
si khờ khạo ngu ngơ.
- Cho nên chư
Phật và những người giác ngộ, biết tu tâm dưỡng tánh, luôn luôn an
nhiên tự tại, bình tĩnh thản nhiên, chứng được cảnh giới niết bàn
hiện tiền. Chúng ta có giác ngộ, mới có cuộc sống an lạc và hạnh
phúc như vậy, mới giải thoát khỏi phiền não và khổ đau.
- Cuộc đời có ý
nghĩa, cuộc đời đáng sống, kể từ đây!
- * * *
- Tóm lại, trong
Kinh Kim Cang, Ðức Phật có dạy:
- "Phàm sở hữu tướng, giai thị hư
vọng.
Nhược kiến chư tướng phi tướng tức kiến Như Lai".
- Nghĩa là: Phàm
ở trên thế gian này, tất cả những gì có hình tướng đều hư vọng, có
ngày cũng phải bị hư hao, hoại diệt, kể cả những bức tượng Phật,
dù làm bằng vật liệu gì đi nữa cũng vậy, kể cả tấm thân tứ đại,
sau trăm năm cũng phải bỏ lại. Nếu chúng ta nhìn mọi người, không
qua hình tướng bên ngoài, không phân biệt kỳ thị, không thành kiến
bất công, lúc đó chúng ta sẽ nhìn thấy được Như Lai, tức là thấy
được Chân Tâm Phật Tánh, của mình và của mọi người, đồng nhất
không khác! Ðó chính là con người chân thật, bất sanh bất diệt.
Kiến Như Lai tức là ngộ đạo, tức là thoát ly sanh tử luân hồi.
- Cũng trong Kinh
Kim Cang, Ðức Phật có dạy:
- Nhược dĩ sắc kiến ngã.
Dĩ âm thanh cầu ngã.
Thị nhơn hành tà đạo.
Bất năng kiến Như Lai.
- Nghĩa là: Nếu
người nào nhìn qua sắc tướng, diện mạo, hoặc do âm thanh, mà cầu
Phật, hoặc cho rằng có hình tướng như vậy, có âm thanh như vậy,
mới phải là Phật, thì người đó đang đi sai đường, lạc lối, không
thể nào gặp được Phật, không thể nào thấy Như Lai. Nói một cách
khác, những người cứ tưởng: lạy tượng Phật nhiều, tức là hình
tướng, tụng kinh Phật nhiều, tức là âm thanh, thì được gặp Phật,
nằm mơ thấy Phật, những người như vậy, chẳng hiểu biết gì, đang
hành tà đạo, làm sao hiểu được Như Lai? Tại sao vậy?
- Bởi vì, Phật
hay Như Lai chỉ về tâm tánh, vô hình vô tướng, không có hình tướng
có thể thấy được bằng đôi mắt thịt của con người. Bởi vậy cho nên,
muốn thấy được Như Lai, muốn gặp được Phật, con người phải phát
huy trí tuệ bát nhã, phải nhận ra con người chân thật, nhận ra
Chân Tâm Phật Tánh của chính mình và của mọi người chung quanh
chúng ta.
- Trong Kinh Thủ
Lăng Nghiêm, và trong Kinh Ðại Bát Niết Bàn, Ðức Phật có dạy:
- "Sanh diệt ký diệt, tịch diệt
hiện tiền".
"Sanh diệt diệt dĩ, tịch diệt vi lạc".
- Nghĩa là: Khi
nào trong tâm con người, những niệm lăng xăng lộn xộn không còn
khởi lên, chẳng hạn như niệm tham, niệm sân, niệm si, khởi lên rồi
lắng xuống nên gọi là: sanh diệt, ngay lúc sanh diệt chấm
dứt, không còn đó, tâm trí bình yên lặng lẽ, không xáo trộn, chẳng
bất an, bình tĩnh thản nhiên, an nhiên tự tại, cho nên gọi là:
tịch diệt hiện tiền, hay tịch diệt vi lạc, tức là cảnh giới an
lạc, niết bàn tự tại, hiện ngay trước mặt.
- Tâm trạng bất
an vì những niệm sanh diệt, gọi là tâm chúng sanh. Tâm sanh diệt
diệt rồi, không còn lăng xăng lộn xộn nữa, trở nên tâm không tịch,
trống không và tịch tịnh, hoàn toàn thanh tịnh, gọi là: bản tâm
thanh tịnh hay Tâm Phật.
- Như vậy muốn
tìm gặp được Phật, chúng ta chỉ cần hành trì các pháp môn, dù
thiền tông, tịnh độ tông, hay mật tông, tức là: thiền quán, tọa
thiền, thiền hành, tứ oai nghi thiền, tụng kinh, niệm Phật, trì
chú, cho đến mức rốt ráo, đạt được trạng thái "nhứt tâm bất
loạn". Lúc đó, chẳng những chúng ta gặp được Phật, mà chính
chúng ta vừa trọn thành Phật Ðạo đó vậy./.
--o0o--
|
|