PHẬT HỌC CƠ BẢN

 

Cư Trần Lạc Ðạo
(Trọn bộ 3 tập)
Toronto, Canada
1999 - PL 2543
--- o0o ---
 
Tập 3
[8]
Không có, có không
Trong đời sống hằng ngày, chúng ta có rất nhiều thắc mắc, có nhiều vấn đề cần phải giải quyết, chẳng hạn như là: Trong đạo Phật thường nói "có không, không có", ý nghĩa thế nào? 
* * *
Từ ngữ "có không, không có" xuất phát từ câu sau đây trong bài kinh Bát Nhã:
 Sắc bất dị không, không bất dị sắc.
 Sắc tức thị không, không tức thị sắc. 
Nghĩa là: "Sắc chẳng khác không, không chẳng khác sắc.  Sắc tức là không, không tức là sắc".  Từ ngữ "sắc" dùng để chỉ tất cả những vật "có" hình tướng.  Chẳng hạn như là: thân người, cái bàn, cái ghế, cái cây, ngọn cỏ, dãy núi, v.v. . . Từ ngữ "không" dùng để chỉ tánh không của muôn pháp, của mọi sự sự vật vật, đều không tồn tại vĩnh viễn, không thường còn, luôn luôn đổi thay, thường hay thay đổi. 
Chúng ta đã tìm hiểu qua thế nào là chấp ngã và chấp pháp.  Vượt qua được chấp ngã và chấp pháp, tức là chúng ta đã vượt qua được hết thảy mọi khổ ách.  Tại sao như vậy?  Bởi vì, sắc và không chẳng có gì khác nhau, còn và mất cũng vậy, tuy không đồng nhau, nhưng không làm loạn động con người biết tu tâm dưỡng tánh. 
Chẳng hạn như là: một cái đồng hồ do nhiều thứ ráp lại tạo thành.  Có người tò mò tháo rời từng bộ phận ra, rồi không biết ráp lại, thì cái đồng hồ không còn nữa.  Hoặc giả đến một lúc nào đó, lâu hay mau, sớm hay muộn, chúng ta cần tiền đem bán, hoặc đem cho người khác, hoặc cái đồng hồ bị hư hoại, thì cũng không còn nữa.  Ngay khi cái đồng hồ còn hiện tiền, chúng ta đã hiểu biết bản chất của nó là không, tức là không tồn tại vĩnh viễn. 
Cho nên mọi chuyện biến đổi đối với cái đồng hồ không làm cho chúng ta ngạc nhiên, không làm cho chúng ta phiền não và khổ đau, tức là chúng ta được an nhiên tự tại, trước sự còn mất của cái đồng hồ, nói riêng, trước sự còn mất (có và không) của tất cả muôn pháp trên thế gian, kể cả sự còn mất cái mạng sống của chúng ta, nói chung. 
Chẳng hạn như là: một căn nhà tiền chế có thể tháo ráp được.  Khi chưa được ráp lại, đó chỉ là một đống vật liệu như là: cây, gổ, sắt, gạch, đá, ngói, xi măng, khung cửa, máng xối, vân vân, chưa phải là căn nhà.  Khi ráp xong rồi, đó mới được gọi là căn nhà.  Như vậy, bản chất của căn nhà vốn là không.  Do duyên hợp nên căn nhà tạm có.  Khi hết duyên, cái nhà rã ra, trở thành đống gạch vụn, không còn là căn nhà nữa vậy.  Trong Kinh Bát Nhã, đó là: "chân không diệu hữu". 
Trong Kinh Kim Cang, Đức Phật có dạy:
"Phàm sở hữu tướng giai thị hư vọng".
Nghĩa là: tất cả mọi thứ trên thế gian có hình tướng, nhỏ như hạt cải, cái bàn cái ghế, cái nhà cái xe, to lớn như dãy núi, hay quả địa cầu, tất cả đều hư vọng, không tồn tại vĩnh viễn, có ngày cũng biến hoại, sau vài chục năm, vài trăm năm, hoặc vài chục triệu năm.  Cũng vậy, cái thân tứ đại gồm có: đất, nước, gió, lửa, hay còn gọi là cái thân ngũ uẩn gồm có: sắc, thọ, tưởng, hành, thức, của con người cũng như vậy mà thôi. 
Còn đối với các pháp trên thế gian, chuyện gì có cũng như không, không có chuyện gì tồn tại vĩnh viễn, lâu dài.  Con người thấy đó mất đó, khỏe đó bệnh đó, vinh có nhục có, sướng có khổ có, thay đổi liên miên.  Cho nên khi đắc thời được thế, con người không nên kiêu căng phách lối, ngạo mạn khinh người.  Tại sao như vậy?  Bởi vì, chuyện đó không chắc tồn tại được lâu đâu! 
Hoặc khi gặp chuyện bất bình bực bội, xui xẻo rắc rối, hư hại thất bại xảy ra, con người cũng đừng để tâm trí rối loạn quá đáng.  Tại sao như vậy?  Bởi vì, chúng ta biết rằng: chuyện gì rồi cũng qua đi, chỉ sớm hay muộn, chóng hay chầy, mà thôi.  Cố gắng giữ sự bình tĩnh thản nhiên, được bao nhiêu tốt bấy nhiêu. 
Một cơn giận tới, do bị chửi mắng sỉ nhục, do bị công kích khiêu khích, do bị phân biệt đối xử, một cách bất công, do bị vu oan giá họa, nói chung, do bị ngoại cảnh chi phối, do người đời chung quanh gây nên, là điều không thể tránh được. 
Chúng ta nên quán chiếu: cơn giận đó không thiệt, không tồn tại lâu, chỉ quấy động tâm sân của mình, không nhằm nhò gì đến con người chân thật của mình, vốn bình tĩnh thản nhiên, vốn thanh tịnh thường hằng. Chúng ta không theo cơn giận đang khởi lên, cơn giận đó sẽ qua mau, sẽ tan biến, sẽ lắng xuống.  Mây đen tan biến, bầu trời quang đãng. Tuy nhiên, cơn giận qua mau hay chậm, tùy theo năng lực tu tập, công phu quán chiếu, khả năng hành trì của mỗi người.  Chúng ta không theo, cơn giận sẽ nguội dần.  Mọi sự mọi việc sẽ bình yên. 
Ngược lại, chúng ta theo cơn giận đó, đi gây sự, sinh sự thì sự sinh ra ngay.  Thí dụ như tức quá nhịn không nổi, phản ứng ngay tại chỗ: chửi cấp trên thì bị mất việc, đánh người thì bị phạt, giết người thì ở tù.  Một chuỗi hậu quả liên tục sẽ đổ ập lên đầu chúng ta, tiếp theo ngay sau cơn giận của mình, khó lường trước được.  Khi gặp nghịch cảnh, không chịu dùng trí tuệ bát nhã quán chiếu, chúng ta càng cầu mong chuyện qua mau, chuyện lại càng chẳng chịu qua.  Cứ để tự nhiên, đến đâu đối phó đến đó, lo lắng quá nhiều, buồn bực thái quá, sức khỏe suy yếu, không ích lợi gì. 
"Sắc" và "không" là hai từ ngữ chỉ sự đối đãi trong cảnh giới tương đối.  Khi còn ở trong cảnh giới tương đối, con người vẫn còn phiền não và khổ đau, cho nên trong kinh sách gọi là còn trong vòng sanh tử luân hồi.  Chẳng hạn như là: con người còn thương thương ghét ghét, còn đúng sai phải quấy, còn thị phi nhơn ngã, tức là còn khổ đau phiền não. Chẳng hạn như là: chấp chặt sự quan trọng của mặt mũi, địa vị, danh vọng, tiền bạc, của cải, sự nghiệp, tức là còn phiền não khổ đau. 
Không có cái gì trên đời này tồn tại vĩnh viễn. 
Bản chất của muôn pháp là không. 
Hiểu biết được như vậy, chúng ta phá được chấp ngã và chấp pháp, tâm của mình mới được thanh tịnh.  Không bị cảnh trần chi phối, lôi cuốn, tức là không còn phiền não khổ đau, thoát khỏi vòng sanh tử luân hồi, chính là nghĩa đó vậy.  Đó là tinh thần bát nhã, còn gọi là "pháp môn bất nhị".  Bất nhị nghĩa là: không hai, cũng không phải là một.  Nói hai cũng trật, nói một cũng sai, cho nên gọi là: "KHÔNG HAI". 
Chúng ta tạm dùng thí dụ sau đây cho dễ hiểu.  Người đời thường nói: "Tuy hai mà một. Tuy một mà hai". Câu đó thường dùng để chỉ những cặp vợ chồng hòa thuận đồng lòng, nhứt tâm nhứt trí, trong mọi vấn đề, trong mọi hoàn cảnh, trong mọi trường hợp.  Tuy là hai người khác nhau, nhưng họ chỉ có một ý kiến, có một quyết định, khi cần chỉ hỏi một người cũng đủ, cũng như hỏi người kia.  Họ cũng như một người về mặt tinh thần, nhưng thực tế họ là hai. 
Chúng ta thử xét thí dụ khác: Mặt biển lúc nổi sóng và mặt biển lúc thanh bình, tuy là hai trạng thái hoàn toàn khác nhau, nhưng không phải là hai biển.  Cũng vậy, tâm chúng ta lúc bình tĩnh thản nhiên và lúc nổi cơn tức giận, không hai, nhưng cũng không phải một.  Tuy hai mà một, tuy một mà hai, chính là nghĩa đó vậy. 
Chúng ta thử xét thí dụ khác: Cái gương soi lúc dính bụi và lúc trong sáng không phải hai, nhưng cũng không phải một.  Lúc dính bụi, hình ảnh hiện ra không rõ.  Lúc trong sáng, mọi hình ảnh đều rất rõ ràng, không nhầm lẫn. 
Trong cảnh giới tương đối, chúng ta thấy có cái này thì phải có cái kia.  Chẳng hạn như có sáng thì có tối, có đúng thì có sai, có thương thì có ghét, có phải thì có quấy, có "có" thì cũng có "không". Chấp một bên thì chúng ta khổ đau ngay, phiền não ngay.  Đó còn gọi là cảnh giới nhị biên, hay biên kiến, người đời gọi là cực đoan.  Khi nào chúng ta phát huy được trí tuệ bát nhã, vượt ra khỏi vòng tương đối, chúng ta sẽ hết phiền não và khổ đau, sẽ được giác ngộ và giải thoát, sẽ được an lạc và hạnh phúc, sẽ được an nhiên và tự tại. 
Chẳng hạn như khi vào một căn phòng không có mùi thơm, không có mùi hôi, tâm chúng ta vẫn bình thản.  Chẳng hạn như khi gặp một người, nếu không quan tâm chuyện thương ghét, tâm chúng ta vẫn bình thản. Chẳng hạn như khi đi ngoài đường, dù gặp cảnh và gặp người rất nhiều, nhưng khi về đến nhà, nếu tâm không dính mắc, tâm chúng ta vẫn bình thản.  Nếu ra đường gặp kẻ thù, gặp chuyện bực bội, tâm liền dính mắc, mang theo hình ảnh đó về đến nhà, tâm chúng ta sẽ bất an, gia đình không hạnh phúc.
* * *
Tóm lại, có hay không, không hay có, có và không, không và có, tùy theo tâm niệm của chúng ta.  Tâm niệm của chúng ta còn quá lăng xăng lộn xộn, thì cái gì cũng có.  Phiền não khổ đau có.  Sanh tử luân hồi có.  Nếu chúng ta tu tâm dưỡng tánh, đạt đến cảnh giới "vô tâm", tức là tâm không còn lăng xăng lộn xộn, thì tâm được an lạc, cuộc sống được hạnh phúc.
--o0o--