-
-
|
PHẬT HỌC CƠ BẢN
- Cư Trần Lạc Ðạo
-
(Trọn bộ 3 tập)
-
Toronto, Canada
1999 - PL 2543
- ---
o0o ---
-
-
Tập 3
- [12]
- Thủ ấn của
Phật thích ca
- Trong đời sống
hằng ngày, chúng ta có rất nhiều thắc mắc, có nhiều vấn đề cần
phải giải quyết, chẳng hạn như là: Hình Đức Phật Thích Ca của
trang nhà ĐPNN có hình thủ ấn bàn tay trái nằm trên bàn tay phải.
Theo chỗ chúng tôi thấy thì phần lớn các hình Phật có thủ ấn ngược
lại. Xin giải thích lý do.
- * * *
- Thực đúng như
vậy, phần lớn các hình Phật Thích Ca có thủ ấn bàn tay phải nằm
trên bàn tay trái, ngược lại với hình Đức Phật của trang nhà
ĐPNN.
- Các tranh vẽ
trong Phật giáo thường do các họa sĩ vẽ ra theo trí tưởng tượng,
dựa vào những chi tiết trong kinh sách, thường có ý nghĩa tượng
trưng, không đúng sự thực như trong hình vẽ diễn tả.
- Chẳng hạn như
là: hình Đức Phật A Di Đà đứng trên đóa hoa sen, một tay cầm hoa
sen, một tay giơ ra, như đang chờ đón rước chúng sanh về với chư
Phật ở cõi cực lạc, theo kinh A Di Đà. Hoa sen tượng trưng cho
"bản tâm thanh tịnh" của chư Phật và của mỗi người. Người nào tu
tâm dưỡng tánh đạt được "nhất tâm bất loạn", tức là sống được với
bản tâm thanh tịnh, người đó sẽ vãng sanh tây phương cực lạc. Chứ
không phải chỉ tu tập sơ sơ, được chút ít công đức phước đức, rồi
tưởng tượng sẽ được về cực lạc sau khi mãn phần, một cách dễ
dàng.
- Trong kinh A Di
Đà, Đức Phật có dạy: "Bất khả dĩ thiểu thiện căn phước đức nhân
duyên đắc sanh bỉ quốc". Nghĩa là: Không thể lấy chút ít phước
đức làm nhân duyên để được sanh qua nước kia (tức là cõi cực
lạc).
- Chẳng hạn như
là: hình Đức Phật Thích Ca ngồi dưới cội bồ đề, trên đóa hoa sen,
cũng có ý nghĩa: người nào giác ngộ và sống được với bản tâm thanh
tịnh thì đó chính là một vị Phật. Thực sự lúc thành Phật dưới cội
bồ đề, Đức Thích Ca chỉ tọa thiền trên tấm thảm cỏ (tức là bồ
đoàn). Lúc đó, Đức Phật để bàn tay mặt trên bàn tay trái, hay
ngược lại, không có kinh sách nào nói rõ. Tuy nhiên, việc đó
không quan trọng. Tại sao như vậy? Bởi vì, đó chỉ là hình tướng
bên ngoài mà thôi. Không phải các thủ ấn có thể giúp mình hàng
phục ma quân bên ngoài gì đâu?
- Cốt tủy của đạo
Phật là giúp đỡ con người hàng phục "tâm ma" trong lòng chính
mình, lúc đó tâm được an thì "tâm Phật" hiển lộ. Khi nào tất cả
mọi chúng sanh trong lòng chúng ta được độ hết, tức là chúng ta
hàng phục được tâm của chính mình, chúng ta sẽ thành một vị Phật,
chứ không phải lo đi độ hết mọi người bên ngoài xong rồi, mới được
thành Phật. Tại sao như vậy? Bởi vì, đã có biết bao nhiêu vị Phật
đã thành, mà chúng sanh vẫn còn vô số trên thế gian!
- * * *
- Tóm lại, cốt
tủy của đạo Phật có thể tóm gọn vào một chữ, đó là chữ TÂM. Tâm
được an tịnh là điều hạnh phúc quí báu nhứt trên trần đời. Tất cả
những gì thuộc hình thức, hình tướng bên ngoài, chỉ là phần phụ
thuộc mà thôi.
TỨ NHIẾP PHÁP
- Trong vô lượng
pháp môn tu theo đạo Phật, không pháp môn nào không nhằm "mục đích
lợi sanh". Hạnh lợi sanh luôn luôn là hạnh chủ yếu của mười
phương chư Phật, chư vị Bồ Tát thị hiện ra đời, thực hành, để đem
lại ích lợi, đem lại lợi lạc, cho tất cả chúng sanh.
- Cho nên, trong
tất cả phương tiện giáo hóa, khuyến tu, chúng ta cần tìm hiểu một
cách tường tận pháp môn gọi là "Tứ Nhiếp Pháp". Đó là pháp môn
thực hành để dẫn dắt chúng sanh tồi tà phụ chánh, tức là bỏ việc
gian tà sai trái, theo đường ngay lẽ phải, đi vào chánh đạo. Tứ
nhiếp pháp là pháp môn nhiếp hóa chúng sanh, căn cứ vào lòng từ bi
để khuyến hóa chúng sanh bỏ tà theo chánh, có công năng nhiếp phục
và giác ngộ chúng sanh.
- * * *
- Tứ nhiếp pháp
gồm bốn điều là: bố thí, ái ngữ, lợi hành, đồng sự. Pháp môn này
không những dành cho Phật Tử xuất gia là các bậc tu sĩ, hay dành
cho các Phật Tử tại gia cư sĩ, mà bất cứ ai cũng có thể áp dụng,
tu tập, thực hành, để có cuộc sống an lạc và hạnh phúc hiện đời,
để được giác ngộ và giải thoát. Tứ nhiếp pháp có giá trị cao đẹp,
biểu lộ ý chí cao thượng của chư Phật, chư Bồ Tát.
- I.- trước hết
là bố thí. Bố thí có nghĩa là cho một cách rộng rãi. Cho một
cách rộng rãi có hai nghĩa: một là, cho tất cả mọi thứ đến tất cả
mọi người và hai là, cho với tất cả tấm lòng rộng rãi, bất tùy
phân biệt. Tại sao chúng ta phải tu hạnh bố thí? Tu hạnh bố thí
là để kiến tạo một kho tàng phước báu, là tu tập nghiệp lành.
Phước báu có công năng tiêu trừ đau khổ, làm cho tâm trí được an
vui, thảnh thơi, hạnh phúc. Tu hạnh bố thí được người đời thương
mến, dễ thu phục lòng người, phát triển lòng từ bi. Bố thí là gốc
rễ của tất cả các thiện pháp. Bố thí là pháp tu mà những người
kém phước đức và trí huệ cần noi theo. Chư vị hiền thánh nhơn kim
cổ đều trải qua các hạnh tu bố thí.
- Chúng ta sống
trên thế gian này gặp nhiều phiền não và khổ đau từ nhiều nguyên
do, trong đó lòng tham lam là yếu tố hàng đầu. Do lòng tham lam,
con người không bao giờ thấy đủ. Có được chín đồng thì con người
cố kiếm cho đủ mười đồng, nói rằng để dành khi hữu sự cần dùng,
hay để dưỡng lão mai sau. Đến khi có được chín trăm ngàn thì con
người vẫn cố làm việc, cố dành dụm, cố đấu tranh, cố giành giựt,
bất chấp thủ đoạn, để có nhiều thêm nữa, dù rằng lúc đó tuổi tác
đã già nua, gần đất xa trời. Đó là lòng tham tiền tài, lợi lộc.
- Lòng tham danh,
háo danh cũng thúc đẩy, sai khiến nhiều ông bà già tiếp tục bon
chen trên đường đời, tiếp tục giở những thủ đoạn bất chánh, những
tuyệt chiêu điêu luyện, những kinh nghiệm hại người, để đoạt cho
kỳ được, giữ cho thực lâu các chức vụ hay danh vị nào đó trong các
tổ chức bất vụ lợi trá hình, đôi khi đó chỉ là các chức dõm, danh
hàm, danh hão mà thôi, chẳng có chút giá trị nào cả. Lòng tham
lam luôn luôn thúc đẩy con người đấu tranh, giành giựt, bất chấp
thủ đoạn, thì làm sao cuộc sống thực sự được an lạc và hạnh phúc?
- Người biết tri
túc, biết an phận với những gì đang có, biết cần kiệm, biết sống
một cuộc sống đơn giản, an nhàn, trong sạch là người được an lạc
và hạnh phúc lớn nhất. Nếu chúng ta không có những gì mình thích
thì chúng ta hãy thích những gì mình đang có. Được như vậy thì
cuộc đời đâu còn gì gọi là khổ đau.
- Trong Kinh Di
Giáo, Đức Phật có dạy:
- Tri túc chi
nhơn tuy ngọa địa thượng du vi an lạc.
- Bất tri túc giả
thân xử thiên đường diệc bất xứng ý.
- Nghĩa là: Người
biết thế nào là đủ, tuy nằm trên đất cũng thấy an vui, lạc thú.
Người không biết thế nào là đủ, tuy thân ở trên cảnh giới thiên
đường, tâm ý vẫn không thỏa mãn!
- Sách cũng có
câu:
- Tri túc tiện
túc đãi túc hà thời túc.
- Tri nhàn tiện
nhàn đãi nhàn hà thời nhàn.
- Nghĩa là: Người
biết thế nào là đủ thì tức thời thấy đủ, biết thế nào là nhàn thì
tức thời thấy nhàn. Như vậy "cái đủ, cái nhàn" thực ra rất cần
thiết, rất quan trọng cho cuộc đời, nhưng chúng ta không bao giờ
đạt được "cái đủ, cái nhàn", nếu không có "biết đủ, biết nhàn".
Bởi vậy, cho nên Đức Phật dạy pháp bố thí, để dẹp bớt lòng tham
lam, đòi hỏi, bỏn sẻn, keo kiệt, bần tiện của con người. Pháp bố
thí gồm có ba thứ: "tài thí, pháp thí, vô úy thí".
- 1) Về tài thí
có hai phần: ngoại tài thí và nội tài thí. Chúng ta có thể cho
những gì bên ngoài thân thể, như là tiền bạc, của cải, cơm gạo,
quần áo, thuốc men, vật chất nói chung, gọi là "ngoại tài thí".
Khi thực hành ngoại tài thí, chúng ta cần chú ý các yếu tố đúng
người, đúng thời và đúng lượng. Chẳng hạn như người nào cần tiền
bạc, chúng ta giúp tiền bạc; người nào cần thuốc men, chúng ta
giúp thuốc men và chỉ giúp lúc cần thiết với số lượng hợp tình,
hợp lý mà thôi. Nhiều khi giúp đỡ tiền bạc quá nhiều, có thể làm
cho người nhận sanh tâm ỷ lại, sanh lòng lười biếng, không thích
làm việc, không thích chịu cực, không kham nỗi những khó khăn
trong cuộc sống. Nhiều khi giúp đỡ tiền bạc đưa đến chuyện hại
người nếu chúng ta không biết người nhận xử dụng số tiền đó với
mục đích sai lạc, mục đích xấu.
- Chúng ta có thể
đem cho những gì thuộc về thân thể, thân mạng của mình, hoặc các
bộ phận trên cơ thể như là mắt, tim, gan, phèo, phổi, gọi là "nội
tài thí". Điều này, khi còn sống thì khó thực hiện được, nhưng
chúng ta có thể làm được khi vừa mới tắt thở. Có rất nhiều người
không theo đạo Phật, không hiểu giáo lý đạo Phật, nhưng họ đã ký
sẵn giấy cam đoan cho các bộ phận trên cơ thể của họ hoặc cho luôn
thân xác của họ, cho bất cứ ai cần đến, hoặc cho các viện y khoa,
để giải phẩu nghiên cứu, học hỏi, tìm hiểu, ngay khi họ vừa mới
tắt thở.
- Điều này
giúp chúng ta hiểu rằng, trong tận cùng thâm tâm của mỗi con
người,"thiện tâm" đều giống nhau, ai ai cũng có, không phân biệt
con người theo bất cứ tôn giáo nào trên thế gian này.
- Ngày nay chúng
ta ít người thực hành nổi hạnh bố thí thân mạng như người xưa.
Tuy nhiên, chúng ta có thể dùng thân mạng để làm những việc ích
lợi cho người, như công quả trong chùa, góp công sức trong các
cuộc lạc quyên cứu giúp người gặp nạn bão lụt, gặp hỏa hoạn. Thực
ra, từ xưa đến nay, có biết bao nhiêu người xả thân cứu người,
nhiều khi gặp hiểm nguy đến tánh mạng. Đó cũng gọi là "nội tài
thí".
- 2) Về pháp thí
có hai nghĩa: một là, đem cho tất cả mọi việc, đem cho tất cả các
pháp trên thế gian này và hai là, cho giáo pháp của Phật, còn gọi
là Phật Pháp. Chúng ta có thể cho tất cả những gì khác, không
thuộc phần nội tài thí và ngoại tài thí nói trên. Chẳng hạn như
chúng ta có sở học, có tài năng, có kiến thức, có sự hiểu biết về
một vấn đề nào đó, về một phương diện nào đó, về một ngành nghề
nào đó, chúng ta có thể đem ra chỉ bảo, hướng dẫn, truyền dạy,
giúp đỡ cho người, một cách bất vụ lợi, không mong cầu báo đáp,
không kể lể ơn nghĩa. Việc này bất cứ ai cũng có thể làm được,
không tốn đồng xu cắc bạc, chỉ cần tấm lòng vị tha, chỉ cần tấm
lòng "vì người quên mình" mà thôi.
- Đối với hàng tu sĩ xuất gia hay cư
sĩ tại gia có học hiểu giáo pháp của Phật, đem ra giảng giải cho
mọi người được biết để áp dụng, để xây dựng cuộc sống an lạc và
hạnh phúc hiện đời. Theo nghĩa này, pháp thí là điều quan
trọng hơn cả. Tại sao vậy? Bởi vì khi chúng ta giúp người về
vật chất, như tiền bạc, cơm gạo, có thể làm cho người được qua cơn
khó khăn trong ngắn hạn, trong một thời gian nào đó mà thôi. Khi
chúng ta giúp người về tinh thần, như dạy chữ, chỉ dạy nghề, hướng
dẫn cách sống đúng phép vệ sinh chẳng hạn, có thể làm cho người
được qua cơn khó khăn trong một thời gian nào đó, thậm chí có thể
giúp họ sống còn, sống khỏe một đời này mà thôi.
- Còn nếu chúng
ta có học hiểu giáo pháp của Đức Phật, còn gọi là Phật Pháp, đem
ra giảng giải cho mọi người được biết, để áp dụng trong cuộc sống,
thì có thể giúp con người được an lạc và hạnh phúc ngay hiện đời,
ngay kiếp này, cao hơn nữa là giúp con người được giác ngộ và giải
thoát khỏi vòng sanh tử luân hồi khổ đau vĩnh viễn muôn kiếp. Bởi
vậy, cho nên Đức Phật dạy hàng Phật Tử tại gia "pháp cúng dường"
chư Tăng Ni, để các vị xuất gia yên tâm tu hành, không phải lo
chuyện sinh sống, chuyên tâm nghiên cứu kinh điển, rồi đem ra
giảng giải cho mọi người biết, để tu hành theo đúng Chánh Pháp.
Pháp cúng dường như vậy là thanh tịnh nhất, dành cho các bậc chơn
tu thực học, thanh tịnh trang nghiêm. Đó là một dạng khác của sự
bố thí.
- Tuy nhiên,
không phải giáo pháp luôn luôn cần hơn cơm gạo, hoặc ngược lại.
Việc này chúng ta gọi là "tùy duyên". Trong một buổi Đức Phật
thuyết pháp, có một người nghèo khó đến dự. Đức Phật liền bảo dọn
cơm cho người đó ăn trước, rồi mới giảng pháp cho nghe sau. Khi
nghe xong thời pháp đó, người nghèo khó ngộ đạo, chứng ngay quả dự
lưu tu đà hoàn. Do đó, ngày nay chúng ta có câu: "Có thực mới vực
được đạo". Nghĩa là phải được tạm no lòng thì mới hy vọng hiểu
được đạo lý cao siêu. Chúng ta không thể đem giáo pháp cao siêu
ra giảng dạy cho những người đang đói khổ, đang cần cơm gạo trước
hết. Cũng như không thể đem giáo pháp cao siêu dạy ngay cho người
sơ cơ, mới học đạo. Nhu cầu tại thế gian của con người đi từ vật
chất đến tinh thần, rồi sau đó mới bàn đến chuyện tâm linh xuất
thế gian.
- 3) Về vô úy thí
thì có nhiều nghĩa rộng rãi, cao siêu hơn. Vô là không, úy là sợ,
thí là cho. Vô úy thí là đem cho sự không sợ hãi. Hay nói cách
khác, vô úy thí là làm sao giúp đỡ cho con người bớt sự lo lắng,
sợ sệt, sợ hãi, hay phiền muộn. Vô úy thí có nghĩa là giúp người
qua cơn sợ hãi mọi thứ, bớt sự lo lắng mọi điều trong tâm trí
trong các biến cố, trước các điều hiểm nguy, và còn có nghĩa là
chúng ta không nên gây não phiền, không nên gây bực dọc cho bất cứ
ai, khiến họ được an vui, yên ổn.
- Con người sống
trên thế gian này có rất nhiều điều lo âu, sợ hãi hay phiền muộn.
Nào là sợ thiếu tiền, sợ thiếu ăn, sợ thiếu mặc, sợ bệnh hoạn, sợ
thiên tai, sợ mất công ăn việc làm, sợ mất hạnh phúc gia đình, sợ
đủ mọi thứ chuyện trên trần đời. Nhưng nỗi lo sợ lớn nhất của con
người, chính là sợ chết!
- Tự cổ chí kim,
từ người nghèo hèn cho đến người sang trọng, từ người bình dân cho
đến người học thức, từ người trẻ cho đến cụ già, từ người thường
dân cho đến vua quan hay hàng quí tộc, từ giới phàm phu tục tử cho
đến các bậc hiền triết thánh nhơn, nào có ai tránh được cái chết
đâu, mặc dù con người vốn tham sinh úy tử, tức là ham sống sợ
chết!
- Con người
thường hay nghĩ "đời còn dài", cho nên chỉ bận tâm đến chuyện mưu
sinh, chuyện tranh danh đoạt lợi, chuyện đấu tranh tranh đấu,
chuyện hơn thua, thị phi, đúng sai, phải quấy, đủ thứ chuyện linh
tinh lang tang. Đến khi sắp từ giã cuộc đời mới giựt mình tỉnh
giấc thì đã quá muộn màng. Thực ra, con người có thể chết bất cứ
lúc nào, bất cứ cách nào, bất cứ nơi nào. Còn đối với sự sợ chết,
chúng ta khuyến hóa mọi người tu hành, phát tâm tìm hiểu đạo lý và
cầu đạo giác ngộ giải thoát. Tại sao vậy? Bởi vì chỉ có giáo
pháp của Đức Phật mới có thể chỉ bày cho con người hiểu rõ ràng,
tường tận "pháp vô sanh", tức là chỉ dạy đường lối tu hành để giác
ngộ và giải thoát, không còn sanh phiền não và khổ đau, không còn
sanh tử luân hồi nữa, chứ đạo Phật không phải chỉ có các hình thức
cúng kiến, lễ nghi, cầu nguyện mà thôi.
- Thực hành hạnh
vô úy thí còn có nghĩa là giúp chúng sanh khắc phục tư tưởng sợ
hãi, khiếp nhược yếu hèn, tự ti mặc cảm, giúp chúng sanh hiểu
được điều Đức Phật giác ngộ dưới cội cây bồ đề và giảng dạy khắp
tam tạng kinh điển.
- Đó chính là:
"Tất cả chúng sanh ai ai cũng đều có Phật Tánh như nhau, tất cả
đều bình đẳng, và tất cả chúng sanh đều sẽ thành Phật, giải thoát
mọi khổ đau phiền não, nếu biết tu tập, thực hành đúng Chánh
Pháp".
- Trong các kinh
điển Phật giáo, đó là bốn bước: khai, thị, ngộ, nhập. Nghĩa là
Đức Phật khai mở cánh cửa giải thoát; chỉ thị cho con người thấy
được, hiểu được "pháp vô sanh", đó là cái "bất sanh diệt", đó là
"con người chân thật" của tất cả chúng ta, chứ không phải cái xác
thân giả tạm đang có; giúp cho con người làm sao giác ngộ được
"pháp vô sanh" và cuối cùng chỉ dạy đường lối tu hành làm sao
chứng nhập được "pháp vô sanh" đó.
- Con người sở
dĩ sợ chết, bởi vì con người sợ mất cái thân tứ đại mấy chục ký lô
giả tạm này, mà không hề biết mình có cái không hề chết, không hề
bị tiêu diệt mất, đó chính là "con người chân thật bất sanh diệt"
của tất cả chúng ta vậy.
- Chúng ta biết
rằng khi thọ hưởng một tài sản hay của cải, vật chất nào, không
nên chỉ dùng cho riêng mình. Chúng ta nên bố thí ra, chia xẻ với
mọi người, để tạo an vui lợi ích cho những người chung quanh và
cũng tạo an vui ích lợi cho chính chúng ta nữa. Cái gì chúng ta
ăn, chỉ được nhứt thời. Cái gì chúng ta tích trữ, dành dụm, chỉ
được nhứt đời mà thôi, chắc chắn chúng ta sẽ bỏ lại tất cả khi ra
đi.
- Nhưng những
gì chúng ta cho ra, những gì chúng ta bố thí, sẽ trở lại với chúng
ta, dưới dạng quả báo lành, sự bình an, sự may mắn, còn gọi là
phước báo, giúp chúng ta được tai qua nạn khỏi.
- Nói cách khác,
cái gì chúng ta đã tiêu xài, bây giờ không còn nữa. Cái gì chúng
ta đã mua sắm, bây giờ phải để lại cho người khác, một khi ra đi.
Chỉ có cái gì chúng ta "đã cho, đã bố thí" là vẫn còn "thuộc về
chúng ta" khi từ giã cõi đời. Đó chính là nghiệp lành, là phước
báo, là quả báo tốt, là sự may mắn, là sự bình yên, là an lạc và
hạnh phúc, tất cả luôn luôn theo cùng với chúng ta như hình với
bóng. Danh ngôn Tây Phương cũng có câu: "If you continually give,
you will continually have".
- Trong Kinh Địa
Tạng, phẩm thứ mười, khi Bồ Tát Địa Tạng từ chỗ ngồi đứng dậy,
chắp tay cung kính và bạch Phật rằng:
- "Bạch Đức Thế
Tôn, con xem chúng sanh trong nghiệp đạo, so sánh công đức bố thí,
hiệu quả có sự nhiều ít khác nhau, có người được hưởng phước một
đời, có người được hưởng phước mười đời, có người được hưởng phước
hàng trăm, ngàn đời, lợi lạc lớn lao. Tại sao như thế, cúi xin Đức
Thế Tôn từ bi giảng trạch cho chúng con được biết".
- Đức Phật dạy tóm lược như sau:
- "Bất cứ ai gặp
những người già yếu, bần cùng, hèn mạt, tàn tật, câm ngọng, đui
mù, ngây điếc, không được toàn vẹn, mà tự tay đem bố thí với lòng
từ bi, thương xót, dùng lời mềm mỏng an ủi họ tử tế, khiến cho họ
được an ổn, vui vẻ, thì được hưởng phước báo vô lượng.
- Tuy nhiên, nếu
làm được những việc thiện như thế mà đem hồi hướng cho khắp pháp
giới chúng sanh thì những người làm công đức ấy được hưởng những
sự vui sướng nhiệm mầu hàng trăm ngàn đời, nếu đem công đức ấy hồi
hướng cho quyến thuộc nhà mình, hay muốn tự mình hưởng những lợi
ích, thì ba đời được vui vẻ, làm một phần thì được hưởng vạn
phần".
- Tại sao vậy?
Bởi vì những người làm công đức đó đã phát lòng đại từ, đại bi,
lại phát tâm rộng lớn, đem "hồi hướng" cho khắp pháp giới chúng
sanh, không cứ công đức ít nhiều, không dành riêng cho mình và
người thân của mình, đó chính là những người đã "diệt được lòng
tham", cho nên được sự "giải thoát hoàn toàn", cho nên được hưởng
quả "phước báo lớn lao" như vậy. Còn người nào chỉ phát tâm hạn
hẹp, đem công đức ấy hồi hướng cho người thân hay cho chính mình
mà thôi, thì sẽ được hưởng quả phước báo hạn chế hơn, tùy theo tâm
lượng còn nhỏ hẹp của chính mình.
- Trong Kinh Kim
Cang, Đức Phật cũng có dạy:
- "Nhược bồ tát ư
pháp, ưng vô sở trụ hành ư bố thí. Sở vị bất trụ sắc bố thí, bất
trụ thanh, hương, vị, xúc, pháp, bố thí. Bồ tát ưng như thị bố
thí, bất trụ ư tướng. Nhược bồ tát bất trụ tướng bố thí, kỳ phước
đức bất khả tư lượng".
- Nghĩa là nếu
chúng ta không chấp bốn tướng: ngã, nhơn, chúng sanh, thọ giả, và
không chấp sáu trần: sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp, mà thực
hành hạnh bố thí, thì phước đức không thể nghĩ, không thể lường
được.
- Không chấp bốn
tướng: ngã, nhơn, chúng sanh, thọ giả, có nghĩa là: khi thực hành
hạnh bố thí, chúng ta không nên thấy có mình là người cho, để cầu
mong được báo đáp, được cám ơn, được tán thán; chúng ta không nên
thấy có người nào là kẻ nhận sự bố thí đó, để kể lể chuyện ơn
nghĩa; chúng ta không nên thấy có bao nhiêu người đã nhận sự bố
thí đó, để khoe khoang, và chúng ta cũng không nên thấy có vật gì,
điều gì đã được đem cho, để khỏi tiếc nuối về sau, có khi tiếc
của, đi đòi lại! Nếu được như vậy, sau khi thực hành hạnh bố thí,
chúng ta sẽ an trụ được tâm của chúng ta. Chúng ta sẽ không bực
dọc khi gặp những người bội bạc, không biết ơn, thậm chí còn trở
mặt với chúng ta nữa. Lòng từ bi của chúng ta sẽ không bị hạn
chế, nếu không còn nhớ là đã bố thí bao nhiêu tiền của, đã bố thí
cho bao nhiêu người, đã dành bao nhiêu thời giờ để làm hạnh bố thí
đó.
- Muốn hàng phục
được tâm ý của chính mình, chúng ta phát nguyện độ tất cả chúng
sanh, mà không thấy có chúng sanh nào được độ. Bố thí xong rồi
thì thôi, đừng nhớ nghĩ gì nữa. Khi chúng ta xả bỏ được hết tất
cả vọng niệm, các tạp niệm, để an trụ tâm, để thanh tịnh tâm, tức
là chúng ta đã thực hành được hạnh bố thí ở mức độ cao nhất, mà ít
người hiểu được. Hàng phục được tâm ý của chính mình thì mau tiến
đến chỗ giải thoát. Cho nên Đức Phật dạy: thực hành được hạnh bố
thí, thì phước đức không thể nghĩ, không thể lường được, chính là
nghĩa đó vậy.
- Không chấp sáu
trần: sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp, có nghĩa là: khi thực hành
hạnh bố thí, chúng ta không chấp vào sắc tướng là tốt đẹp hay
không tốt đẹp, không chấp vào âm thanh dễ nghe hay khó nghe, không
chấp vào mùi hương dễ ngửi hay khó ngửi, không chấp vào mùi vị dễ
nếm hay khó nếm, không chấp vào xúc chạm dễ chịu hay khó chịu,
không chấp vào sự việc, ý tưởng vừa ý hay không vừa ý, thích hay
không thích, ưa hay ghét.
- Sở dĩ tâm ý của
chúng ta thường hay bất an, hay loạn động, bởi vì chúng ta thường
hay dính mắc với sáu trần. Hễ mắt thấy bất cứ sắc gì thì liền
khởi vọng niệm phê phán đẹp hay xấu, hễ tai nghe bất cứ tiếng gì
thì liền khởi vọng niệm phê phán dễ nghe hay khó nghe, hễ mũi ngửi
bất cứ mùi gì thì liền khởi vọng niệm phê phán dễ ngửi hay khó
ngửi, hễ lưỡi nếm bất cứ vị gì thì liền khởi vọng niệm phê phán
ngon hay dỡ, hễ thân xúc chạm bất cứ vật gì thì liền khởi vọng
niệm phê phán dễ chịu hay khó chịu, hễ ý nhớ tưởng bất cứ chuyện
gì thì liền khởi vọng niệm phê phán hài lòng hay bực bội. Cứ như
thế, tâm ý của chúng ta luôn luôn bất an, loạn động.
- Chúng ta thực
hành hạnh bố thí với tất cả tấm lòng rộng rãi, với tất cả tấm lòng
vì người quên mình, với tất cả tấm lòng từ bi, cung kính, không
cầu danh, không cầu báo đáp, không vì hơn thua, không vì mê hoặc
lòng người, không chọn lựa món xấu đem cho, món tốt giữ lại, tức
là không trụ sắc; cho rồi không cần nghe lời khen, tiếng cám ơn,
tức là không trụ thanh, v.v.. và của đem bố thí phải thanh tịnh,
chơn chánh; người nhận bố thí phải được tôn trọng, bình đẳng. Đó
chính là sự bố thí thanh tịnh, trong sáng, bất tùy phân biệt nam
phụ lão ấu, tu sĩ hay người đời, đẳng thí vô sai biệt, phổ đồng
cúng dường, chư Phật chư hiền thánh, hạ cập lục đạo phẩm, như vậy
sẽ đem lại phước báo vô lượng, vô biên, cho nên được gọi là "bố
thí ba la mật".
- **
- II.- Sau bố thí
là ái ngữ. Ái ngữ là lời nói dịu dàng, êm ái, ngọt ngào, dễ nghe,
phát xuất từ lòng từ bi, thương người như thể thương thân, chứ
không phải là lời nói đầu môi chót lưỡi, lời nói hoa mỹ, khách
sáo, cốt sao cho đẹp lòng người nghe.
- Ái ngữ có tác
dụng đem lại an vui, bình yên, thanh thản cho người nghe, có tác
dụng an ủi vỗ về những người đang bị nhiệt não, âu lo, sợ sệt.
Sách có câu:
- Lời nói không
mất tiền mua.
- Lựa lời mà nói
cho vừa lòng nhau.
- Trong cuộc sống
trên thế gian này, nếu mọi người đều nhớ nằm lòng câu trên đây,
thì cuộc đời hạnh phúc biết là bao nhiêu, dầu cù là và thuốc nhức
đầu chắc là không bán chạy! Trong gia đình, vợ chồng con cái, trên
thuận dưới hoà, không có tranh cãi, không có xào xáo. Trong xã
hội, không có chuyện mất trật tự, an ninh vì những cuộc cãi vã,
đưa đến ấu đả và án mạng có thể xảy ra. Trong quốc gia, hòa bình
chắc chắn được bền vững, lâu dài.
- Chúng ta cũng
biết rằng, ngoài danh và lợi, trên thế gian này con người thường
hay tranh chấp vì lời nói. Hai người nói chuyện với nhau một lát
mà không biết nhường nhịn nhau, tương nhượng nhau, thì hay đưa tới
tranh cãi.
- Bởi vậy cho
nên, chư Tổ có dạy:
- Nội cần khắc
niệm chi công.
- Ngoại hoằng bất
tranh chi đức.
- Nghĩa là: Bên
trong chúng ta cần luôn luôn khắc chế, khắc phục tâm niệm lăng
xăng, lộn xộn, đó chính là công phu tu tập của người Phật Tử. Bên
ngoài, chúng ta luôn luôn giữ hạnh nhẫn nhịn, không tranh cãi, dù
chuyện lớn chuyện nhỏ cũng vậy, đó chính là đức độ của của người
Phật Tử chúng ta vậy.
- Lời nói đôi khi
có những tác dụng không thể lường trước được. Có những lời nói có
thể đem lại an vui, hạnh phúc cho người. Có những lời nói có thể
đem lại ly tán, đổ vỡ hạnh phúc của người khác, đôi khi tan nát
hạnh phúc của chính người nói nữa. Có những lời nói làm cho người
nghe mĩm một nụ cười tươi tắn, vui vẻ, khỏe khoắn. Có những lời
nói làm cho người nghe ngất xĩu, hay đau đầu, nhức óc, nhói tim,
mất ngủ, hay ít ra cũng phải đi xức dầu cù là! Có những lời nói
có thể cứu người, cũng có những lời nói có thể hại người một cách
dễ dàng.
- Thí dụ như lời
nói của một luật sư có lương tâm có thể cứu một bị cáo thoát khỏi
tội oan, hoặc lời nói của một nhân chứng trước tòa, ngay hoặc
gian, có thể làm cho người khác phải bị tù tội. Một vị bác sĩ
khéo lựa lời nói, khuyến khích, khuyên lơn, an ủi, động viên tinh
thần, có thể giúp bệnh nhân yên tâm dưỡng bệnh, chóng qua cơn hiểm
nghèo, sớm được bình phục; bằng như ngược lại, lời nói của vị bác
sĩ có thể làm cho bệnh nhân tắt thở ngay tức thì.
- Cũng như lời
nói của các nhà ngoại giao, của các sứ thần, của các sứ giả có thể
đem lại hòa bình giữa hai nước, hoặc làm cho chiến tranh lan tràn
khắp mọi nơi. Nhiều khi lời nói của một người có sức mạnh hơn cả
một sư đoàn quân đội. Con người có thể thương yêu súc vật như chó,
mèo, chim chóc chẳng hạn, nhưng lắm khi không thể chịu đựng được,
nhịn được người chung quanh, chỉ vì lời nói của người đó. Tại sao
vậy? Bởi vì súc vật không biết nói tiếng người, cho nên không bị
mích lòng! Người đời thường nói: hai con gà ghét nhau vì tiếng
gáy, hai con chó ghét nhau vì tiếng sủa. Hai cô ca sĩ có bao giờ
thương nhau!
- Có câu chuyện
của hai con chim như sau: Một hôm con chim cú vọ sửa soạn dọn tổ
sang nơi khác. Con chim bồ câu thấy vậy bèn hỏi thăm: Chẳng hay
chị dọn tổ đi đâu vậy? Con chim cú vọ trả lời rằng: Con người nơi
đây ác ôn quá đi, cứ hễ thấy tôi nơi đâu, họ liền lấy đá ném, lấy
cây đánh. Tôi không chịu nổi, định dọn qua phương tây, hy vọng
bên đó dân chúng hiền lành hơn. Con chim bồ câu bèn nói: Ở chỗ
hàng xóm thân tình, tôi nói thiệt chị nghe, chị đừng giận tôi nhé.
Nếu chị không chịu sửa tiếng kêu ghê rợn khó nghe của chị, thì dù
dọn đi đến đâu, chị cũng bị bạc đãi mà thôi.
- Bởi vậy chúng
ta mới biết giọng nói, tiếng cười có khi gây được cảm tình tốt
đẹp, cũng có khi gây nên ác cảm, oán thù giữa con người với nhau.
Chỉ cần lỡ một lời nói có khi hư hỏng việc lớn. Chỉ cần lỡ một
lời có khi bị vạ lây, thậm chí bị tù tội, chỉ vì người nghe không
vừa tai, cho nên đi tố cáo! Điều này cũng tùy người, tùy lúc và
tùy cảm giác của người nghe nữa. Sách có câu: "Hãy uốn lưỡi bảy
lần trước khi nói", chính là nghĩa đó vậy.
- Trong Kinh Pháp
Cú, Đức Phật có dạy:
- Dù nói hàng
ngàn lời vô ích,
- không bằng chỉ
nói một lời đúng Chánh Pháp,
- có ích lợi làm
cho người nghe được an tịnh.
- Ở những xứ có
nhiều sắc dân khác nhau cùng chung sống. Người ta có thể không
hiểu người khác nói gì, vì bất đồng ngôn ngữ, nhưng người ta có
thể đoán được người khác muốn nói gì qua sắc mặt và giọng nói.
Cho nên sắc mặt và giọng nói của chúng ta cũng đóng một vai trò
quan trọng qua ngôn ngữ, trong các cuộc giao thiệp, tiếp xúc hằng
ngày. Một giọng nói êm ả, lễ độ, ngọt ngào, từ tốn, dễ thu phục
lòng người, hơn là giọng nói ồm ồm, chanh chua khế chát, the thé
khó nghe. Lời nói từ hòa, thân mật, thành thật, ngay thẳng, rõ
ràng, sáng suốt, rất dễ cảm hóa lòng người, có thể hướng dẫn người
vào chánh đạo.
- Sách có câu:
"Nhất ngôn ký xuất, tứ mã nan truy".
- Nghĩa là một
lời nói ra, bốn ngựa không thể đuổi theo kịp. Có những lời nói
nhẹ tựa lông hồng, có những lời nói nặng tựa núi non. Có những
người nói ra thì tất cả mọi người đều tin tưởng, nghe theo. Có
những người nói ra thì không một ai tin tưởng, nghe theo cả.
- Trong Kinh Hoa
Nghiêm, Đức Phật có dạy:
- Không nên nói
lời vô nghĩa. Phải giữ gìn lời nói.
- Lời nói phải
chân thật, đúng lúc, hợp Chánh Pháp,
- ích lợi cho
mình cho người.
- Sửa đổi được
lời nói, sửa đổi được giọng nói, sửa đổi được cách nói, tức là
chúng ta đã đổi được tâm tánh, giảm bớt khẩu nghiệp, rất nhiều rồi
vậy. Thực hành được "ái ngữ" là chúng ta tăng trưởng tâm từ bi của
chính mình. Thực hành được "ái ngữ" là chúng ta dẹp được tâm sân
hận, tâm ganh ghét, tâm đố kỵ, tâm ganh tị, tâm hiềm khích, tâm
tật đố, tâm hơn thua. Thực hành được "ái ngữ" là chúng ta tu tập
theo hạnh nguyện đại từ đại bi của Đức Quán Thế Âm Bồ Tát, tầm
thinh cứu khổ chúng sanh. Chúng sanh đau khổ vì những lời nói của
nhau. Thực hành được "ái ngữ" là đem lại an lạc và hạnh phúc cho
mọi người chung quanh, đem nước cam lồ trong bình thanh tịnh của
Đức Quán Thế Âm Bồ Tát, rưới vào những tâm hồn đang nhiệt não, rót
vào tai những người đang đang phiền muộn những âm thanh dịu dàng,
êm ái, có công năng chuyển hóa tâm hồn những con người đang khỗ
não, thành tâm hồn an vui, tự tại. Nói cách khác, người không có
lòng từ bi bác ái, không thể nào có "ái ngữ" được. Thực hành được
"ái ngữ" như vậy tức là chúng ta đang tiến trên đường giải thoát.
- * *
- III.- Sau ái
ngữ là lợi hành. Lợi hành là hành động có ích lợi cho người. Nếu
con người có lời nói dễ nghe ngọt ngào, có vẻ từ bi bác ái, nhưng
hành động không tốt, lợi- mình-hại-người, thì những lời nói trên
chỉ là thứ "miệng thì nói tiếng nam mô, bụng thì chứa cả một bồ
dao găm", hoặc là "năng thuyết bất năng hành", tức là nói được mà
chẳng làm được, mà thôi, không hơn không kém.
- Cổ nhơn có dạy:
- Những gì mình
không muốn người khác làm cho mình,
- thì mình đừng
làm cho người khác.
- Nghĩa là mình
muốn người khác hành động như thế nào có ích lợi cho mình, thì
mình phải nên hành động có ích lợi cho người như vậy.
- Thế nào là hành
động có ích lợi cho người? Đó là hành động theo đúng lời Đức Phật
dạy trong các kinh điển. Thí dụ như chúng ta khuyên người làm lành
lánh dữ, tụng kinh niệm Phật và chúng ta cũng hành động đúng y như
lời nói của chúng ta vậy. Khi nào lời nói và hành động của con
người nhất như, tương ưng, không khác, thì người đó đã có công phu
tu tập khá rồi, trong kinh điển gọi là "ngôn hạnh tương ưng".
- Sách có câu:
- Đừng nghe những
gì người ta nói.
- Hãy nhìn những
gì người ta làm.
- Chỉ khi nào lời
nói của chúng ta đi đôi với hành động có ích lợi cho người về mọi
phương diện thế gian và xuất thế gian như trên, thì chúng ta mới
nhiếp phục được lòng người mà thôi, chứ nói lý thuyết suông, chẳng
đem ích lợi thiết thực gì cả.
- Thiện hữu tri
thức là người bạn hiền, có học hiểu giáo pháp, và biết khuyên bạn
mình hành động đúng như lời Đức Phật dạy, chứ không phải hành động
theo những lời nói sai trái, xằng bậy, phi pháp. Lợi hành trong
công việc hằng ngày là hành động trực tiếp đem lại ích lợi cho
chúng sanh về vật chất và tinh thần. Nhưng lợi hành trong việc tu
hành là hành động giúp người tiến tu, trên đường học hiểu giáo
pháp, để áp dụng trong cuộc sống hằng ngày, cho đến khi đạt được
giác ngộ và giải thoát. Nói cách khác, lợi hành có nghĩa là chúng
ta có thể hành động ích lợi cho chúng sanh, ngay trong hiện tại,
về vật chất cũng như tinh thần, và hành động ích lợi cho chúng
sanh, trong tương lai gần, trong kiếp này, và tương lai xa, nhiều
kiếp về sau, qua hành động khuyến tu giải thoát.
- * *
- IV.- cuối cùng
là đồng sự. Đồng sự có nghĩa là cùng làm chung việc với người, để
giúp đỡ người và cảm hóa người theo lẽ phải, theo chánh đạo. Thí
dụ như muốn dạy người biết bơi, chúng ta phải xuống nước cùng với
họ, mới có thể chỉ dạy một cách dễ dàng, nhanh chóng và hữu hiệu
được. Chúng ta không thể đứng trên bờ quơ tay, quơ chân, la hét,
gào thét mà có kết quả như ý được đâu. Cũng như những vị chỉ huy
xuất thân từ hàng binh sĩ, những chủ nhân, cai thợ xuất thân từ
giới công nhân, thường thấu hiểu tâm tư, tình cảm, nguyện vọng,
cảm nghĩ, tâm lý, yêu cầu, đòi hỏi của cấp dưới, cho nên dễ dàng
thành công trong nghệ thuật lãnh đạo hơn, kết quả thường là khả
quan hơn, tốt đẹp hơn.
- Chư Tổ ngày xưa
vì muốn độ hạng người bần cùng trong xã hội, các Ngài cũng phải
hòa mình sống chung cuộc sống cực khổ với họ, mới có thể giáo hóa
họ được. Cho nên, những vị tu sĩ xuất gia từ lúc còn tấm bé, hay
khi còn là đồng nam, đồng nữ, thì rất đáng trân quí và có công phu
tu tập dài lâu hơn, nhiều năm tháng hơn, nhưng các vị xuất gia sau
khi trải qua nửa đời người với cuộc sống tại gia, thì có thể hiểu
được tâm lý của người Phật Tử tại gia hơn, cho nên dễ cảm thông
hơn, có thể dễ dàng hành đạo hơn, dễ dàng hoằng pháp lợi sanh
hơn. Nhưng điều này chỉ là tương đối, còn tùy người, tùy hoàn
cảnh, tùy sở học và hiểu giáo pháp, tùy căn cơ, tùy khả năng giảng
dạy và tiếp thu giáo pháp, tóm lại là "tùy duyên" mà thôi, "không
có gì cố định cả". Trong kinh điển, Đức Phật dạy "quán các pháp
vô ngã", chính là nghĩa đó vậy.
- * * *
- Tóm lại, tứ
nhiếp pháp là một pháp môn rất cụ thể, rất thực tế, rất cần thiết,
rất dễ áp dụng, đúng với mọi hoàn cảnh, đúng với mọi nơi, mọi
thời, mọi lứa tuổi, mọi trình độ, hoàn toàn vì mục đích hoằng pháp
lợi sanh. Đó là nền tảng của các nghiệp lành, nghiệp thiện, giúp
con người sống trong chánh đạo, dẹp bỏ được tam độc: tham lam, sân
hận, si mê.
- Những người
muốn có cuộc sống thực sự an lạc và hạnh phúc hiện đời phải luôn
luôn quán tứ nhiếp pháp một các tường tận, sâu sắc và luôn luôn áp
dụng tứ nhiếp pháp trong cuộc sống hằng ngày, chắc chắn cuộc đời
này sẽ giảm bớt nhiều khổ đau và phiền não.
- Pháp môn này,
nói chung, mọi người ai ai cũng có thể thực hành được, nhưng muốn
thực hành cho đến mức độ cao thâm rốt ráo, trong kinh sách gọi là
ba la mật, thì chúng ta phải phát tâm bồ đề kiên cố, dũng mãnh,
bất thoái chuyển, tức là phát tâm lượng của các bậc Bồ Tát và Đại
Bồ Tát vậy.
--o0o--
|
|