|
PHẬT HỌC CƠ BẢN
-
Phật Học Phổ
Thông
-
Khóa Thứ Ba
Thinh Văn Thừa
Phật Giáo
-
--- o0o ---
-
Bài Thứ 9
-
Ðạo Ðế (Nirodha
Gamadukkha)
(Tiếp theo)
-
Ngũ Căn Ngũ Lực
-
A. Mở Ðề
- Trong 37 món trợ đạo, Ngũ căn và Ngũ lực là những phương pháp quý
báu, cũng quan trọng như các pháp khác; có thể đưa người tu hành từ
địa vị phàm phu đến các Thánh quả trong ba thừa. Chúng là sự phục
sức trang nghiêm, là phương tiện công hiệu giúp người thẳng tiến
trên bước đường tu đạo, chứng quả. Vậy Phật tử chúng ta không thể
không biết để trì hành.
-
B. Chánh Ðề
- I. Ðịnh Nghĩa Ngũ Căn
- Ngũ căn là năm căn. Căn đây tức là căn bản, là gốc rễ, là nguồn gốc
để tất cả các thiện pháp xuất phát.
- Luận Trí Ðộ, quyển thứ mười, giải rằng: "Năm căn này là căn bản để
phát sanh tất cả thiện pháp, nên gọi là ngũ căn". Năm căn ấy là: Tín
căn, Tấn căn, Niệm căn, Ðịnh căn, Huệ căn.
- II. Thành Phần Và Nội Dung Ngũ Căn
- 1. Tín căn: là lòng tin mạnh mẽ vững chắc. Lòng tin này không giống
như lòng tin mù quáng, vô điều kiện, bất chấp lý trí của phần nhiều
ngoại đạo. Lòng tin ở đây là con đẻ của lý trí, là kết qủ của sự suy
luận sáng suốt, của sự quan sát kỹ càng. Ðức Phật không bao giờ bắt
buộc Phật tử tin một điều gì mà không suy luận được, không giải
thích được.Vì lòng tin của người Phật tử khởi từ trí xét đoán. Bởi
thế nên nó vô cùng vững chắc, mãnh liệt. Chính nó là căn bản phát
sinh các hạnh lành, Phật dạy: "Tin là mẹ vô lượng của công đức".
Nhưng Phật tử tin cái gì? Phật tử tin Tam Bảo:
- Tin Phật: Phật tử biết rằng đức Phật là đấng hoàn toàn giác ngộ,
giải thoát. Vì thế, Phật tử suốt đời tin tưởng theo Phật, để hướng
tiến đến sự giác ngộ, giải thoát mà Phật đã thân chứng.
- Tin pháp: Pháp là chân lý, là sự thật mà đức Phật đã khám phá ra và
truyền lại cho chúng ta. Hay nói một cách khác, pháp là giáo lý đúng
như sự thật mà đức Phật đã thuyết minh. Chúng ta tin tưởng những
giáo lý ấy, vì người nói ra là đức Phật, đã thân chứng được và giác
ngộ được nhờ giáo lý ấy.
- Tin Tăng: Tăng là người thật hành các giáo lý của Phật để giác ngộ
mình và người, là kẻ thay Phật đưa cao ngọn đuốc chánh pháp sáng
ngời, để soi đường cho chúng sinh. Vì thế, Phật tử suốt đời quy
hướng về Tăng.
- 2. Tấn căn: Tấân là tinh tấn. Tấn căn là sự dũng mãnh tinh tấn trên
bước đường tu tập không bao giờ thối lui. Nếu đã có lòng tin chắc
chắn mà không tinh tấn thực hiện, làm theo những điều mình tin, thì
lòng tin suông ấy trở thành vô dụng, không đưa chúng ta đến đâu cả.
- Vậy cho nên người Phật tử đã tin Tam Bảo, thì phải luôn luôn tinh
tấn thực hành giáo lý của Phật.Theo Luận Nhiếp Ðại Thừa, tinh tấn có
ba thứ:
- Bị giáp tinh tấn: Nghĩa là mang áo giáp tinh tấn. Người Phật tử
trong cuộc chiến đấu để diệt trừ đau khổ, tiến tới giải thoát, cần
phải mang áo giáp tinh tấn, để khi xông pha vào trận địa "phiền
não", khỏi bị ma quân hảm hại. Nhờ có áo giáp này, người Phật tử tin
tưởng ở năng lực của mình hùng dũng tiến tới, không sợ gian nan nguy
hiểm, không lùi bước trước một trở ngại hay một địch thủ nào.
- Gia hạnh tinh tấn: Nghĩa là luôn luôn gắng sức không bao giờ dừng
nghĩ trên bước đường đi đến giải thoát. Với thứ tinh tấn này, người
Phật tử càng tiến càng hăng, càng thêm sức lực, càng phấn chí không
bao giờ biết mệt mỏi.
- Vô hỷ túc tinh tấn: Vô hỷ túc tinh tấn nghĩa là không vui sướng tự
mãn, cho là vừa đủ khi mới thu được một ít thắng lợi trên đường tu
hành. Người Phật tử chưa chứng được Phật quả, thì còn gia công gắng
sức tu luyện mãi, chứ không chịu dừng nghỉ, vui thú với một quả vị
thấp thỏi, tạm bợ, như người bộ hành khi chưa đến đích cuối cùng,
thì còn hăng hái bước mãi, chứ không chịu chấm dứt cuôĩc hành trình
của mình, bằng cách an phận ở mãi trong quán trọ bên đường.
- 3. Niệm căn: Niệm là ghi nhớ. Ghi nhớ những gì?
- a) Thứ nhất niệm thí: nghĩa là nhớ tu bố thí. Người Phật tử thường
ngày nhớ đem tài sản bố thí cho người bần cùng; đem hùng lực cứu
giúp người sợ hãi; đem chánh pháp chỉ giáo cho người si mê, khiến họ
hết khổ được vui.
- b) Thứ hai niệm giới: nghĩa là nhớ trị tịnh giới để đoạn trừ các
phiền não nghiệp chướng, tăng trưởng mọi hạnh lành. Giới có ba thứ:
- Nhiếp luật nghi
giới: Những giới để ngăn cấm các hạnh nghiệp thô xấu, đoạn diệt các
nghiệp chướng nơi thân tâm.
- Nhiếp thiện pháp giới: Những quy điều đúng pháp và lợi ích, người
thực hành theo nó, có thể thành tựu tất cả pháp lành.
- Nhiêu ích hữu tình
giới: Những điều luật làm lợi ích an lạc cho tất cả chúng sinh.
- c) Thứ ba niệm thiên: Luận Nhiếp Ðại Thừa có nói: "Thiên niệm trụ là
an trụ bón món thiền định". Vậy niệm thiên là nhớ tu các niệm thiền
định, để gạn sạch tất cả phiền não, thể chứng chân như:
- 4. Ðịnh căn: Ðịnh hay tịnh lự do dịch nghĩa chữ Phạn là Dhyana
(Thiền na). Ðịnh là lắng tâm yên tịnh, chuyên chú vào chánh pháp, để
suy đạt thật nghĩa của nó. Theo Luận Nhiếp Ðại Thừa, định có thể
chia làm ba bậc:
- An trụ định: Ðêt tâm an trụ vào định cảnh, không cho tán động, do đó
phiến não được tiêu trừ.
- Dẫn phát định: Do đoạn sạch phiền não nên được phát sanh sáu món
thần thông là các công đức thù thắng.
- Thành sở tác sự định: Do đã phát khởi được các công đức, thần thông,
nên thường làm lợi ích cho tất cả chúng sanh; cứu độ chúng sanh giải
thoát sanh tử, chứng được Niết Bàn.
- 5. Huệ căn: Huệ là trí huệ sáng suốt, thâm nhập được chân tướng của
vạn pháp. Trsi huệ ấy không có sự phân biệt, vì phân biệt là tác
dụng của vọng thức, là mê lầm. Cũng theo Luận Nhiếp Ðại Thừa, trí
huệ có ba thứ:
- Vô phân biệt gia hạnh huệ: Quán trí nầy không còn thấy có phân biệt,
nhưng còn có gia hạnh, nghĩa là còn phải dụng công tu hành, để thành
tựu hoàn toàn vô phân biệt trí. Vì thế, nên gọi là " vô phân biệt
gia hạnh huệ".
- Vô phân biệt huệ: Trí huệ nầy không có sự phân biệt, mà không cần
phải gia hạnh vì đã thuần phục. Do không phân biệt nên không có mê
vọng. Nhờ trí huệ này, người tu hành được tự tại thể chứng nhân như.
- Vô phân biệt hậu đắc huệ: Hay hậu đắc trí, nghĩa là trí huệ có được
sau khi đã chứng được chân như. Trí huệ này hoàn toàn sáng suốt, tỏ
ngộ được thật nghĩa của các pháp. Chư Phật nhờ hậu đắc trí nầy mà
thi tác vô lượng công đức, để cứu độ chúng sanh.
- Nói một cách tổng
quát giản dị, huệ căn là trí huệ do thiền định đã làm lặng sạch. Nó
không đạt được sự thật của các pháp; nó là căn nguyên phát sanh mọi
việc vĩ đại để giải thoát chúng sinh.
- II. Ðịnh Nghĩa Ngũ Lực
- Ngũ lực tức là năm năng lực vĩ đại, năm thần lực của Ngũ căn. Nói
một cách dễ hiểu: Ngũ căn như năm cánh tay, còn ngũ lực như là sức
mạnh của năm cánh tay ấy.
- IV. Thành Phần Và Nội Dung Của Ngũ Lực
- 1. Tín lực: tức là thầnlực của đức tin, hay sức mạnh lớn lao, vi
diệu do tín căn phát sinh.
- 2. Tấn lực: tức thần lực của đức tinh tấn, hay sức mạnh bất thối
chuyển, kiên cố, có thể sang bằng mọi trở lực, sức mạnh này do tấn
căn phát sinh.
- 3. Niệm lực: tức là thần lực của sự ghi nhớ, hay sức mạnh lớn lao
bền chắc của niệm căn.
- 4. Ðịnh lực: tức thần lực của sự tập trung tư tưởng hay sức mạnh vĩ
đại của định căn.
- 5. Huệ lực: tức thần lực của trí huệ hay sức mạnh vô biên của huệ
căn.
- Nói một cách tổng quát, những sức mạnh nầy là kết quả thâu đạt được
do sự kiên cố tu luyện của Ngũ căn. Nó như là một ngọn lửa bật lên
sai khi người ta đã nỗ lực cọ sát hai cây củi vào nhau để lấy lửa.
-
C. Kết Luận
-
Diệu Dụng Của Ngũ Căn Và Ngũ Lực
- Như chúng ta đã thấy ở trên, Ngũ căn và Ngũ lực vừa làm hai căn bản,
vừa là nghị lực để phát sinh, tăng trưởng vô lượng công đức thù
thắng.
- Bất luận người nào, hễ đã lấy trí làm nền tảng, tinh tấn thật hành
chánh pháp (tấn), hằng ghi nhứ chánh pháp để tiến tu (niệm), tập
trung tư tưởng để trừ sạch vô minh phiền não, đem diệu huệ vô phân
biệt (huệ) để chứng chân như, thì người ấy thế nào cũng nắm chắc
trong tay quả vị vô thượng Bồ đề. Vì sao? Vì người ấy đã có những
thần lực vĩ đại (Ngũ lực) do Ngũ căn gây tạo. Với ngũ lực nầy, hành
giả như người bộ hành có đủ phương tiện linh lợi, diệu dụng để băng
rừng, vượt biển và đi đến đích cuối cùng. Ðích cuối cùng của người
tu hành theo chánh pháp tức là thành Phật.Ðến đích này, người ấy là
ánh sáng của chúng sinh gieo mầm an lạc. Chính người mới có đủ thần
lực, diệu dụng làm cho chúng sinh trở thành những kẻ hoàn tàon giải
thoát, hoàn toàn giác ngộ.
- Kết qủa của Ngũ căn và Ngũ lực lớn lao, quý báu như thế đó, chúng ta
không thể không tu theo hai pháp môn ấy.
--o0o--
|
|