PHẬT HỌC CƠ BẢN
Phật Học Phổ Thông

Khóa Thứ Tư
Duyên Giác và Bồ Tát Thừa Phật Giáo
Bài Thứ 2
Quán Bất Tịnh
A. Mở Ðề
Trong thế gian nỳ, không có ai là không tham sống. Sự tham sống này vô cùng mãnh liệt, vì nó được di truyền, tiếp nối từ muôn vạn thế kỷ cho đến nay. Vì tham sống nên chúng sinh tìm hết mọi cách để được sống, để trau dồi thân mạng, và để di truyền sự sống. Vì tham sống nên người bất chấp cả sự bất công, phi lý và tàn nhẫn, xấu xa mà mình có thể phạm đến đối với những người và vật khác ở chung quanh. Vì tham sống, người ta đã không từ chối hiếp đáp, giành giựt, cướp bóc, chém giết đồng loại, và có khi cả đến đồng bào thân thích nữa. Tóm lại, sự tham sống là một nguyên nhân chính của khổ đau, tán phá vbà chết chóc.
Vả lại, càng tham sống bao nhiêu lại càng sợ chết bấy nhiêu. Mà đã sợ thì không bao giờ có thể vui được.
Hơn nữa, có ai sợ chết mà thoát được chết đâu? Ðã có sống thì tất phải có cái trái lại là chết. Chúng ta thấy đó, lòng tham sống đem lại cho ta biết bao hậu quả tai hại, buồn thảm, xấu xa.
Nhưng cuộc đời, thân mạng, thật có quý báu, thật có xứng đáng cho chúng ta tham lam, mến chuộng đến thế không.
Ðể xét đoán đúng đắn giá trị của thân mạng, đức Phật dạy chúng ta thực hành một pháp quán. Pháp quán đó mệnh danh là "quán Bất tịnh".
B. Chánh Ðề
"Bất tịnh" nghĩa là không sạch sẽ, trong lành. Quán Bất tịnh tức là quán sát một cách tỷ mỉ, cùng tột thân con người để nhận thấy rõ rằng nó là không trong sạch, như hầu hết con người đời đều lầm tưởng.
II. Qúan Bất Tịnh Như Thế Nào 
Trong bài thứ bảy của tập Phật học Phổ thông khóa III, chúng ta đã được biết sơ qua về pháp quán Bất tịnh như thế nào rồi. Nhưng trong bài đó, chúng ta chỉ mới biết một phần của pháp quán Bất tịnh mà thôi, nghĩa là hành giả, muốn thấy thân xác là Bất tịnh như thế nào, thì vào "thi lâm" (rừng bỏ xác người chết) để quán sát. Nhưng cái quán sát như thế, cũng chỉ mới biết một phần của cái thân Bất tịnh này mà thôi. Hơn nữa, cái phần ấy cũng không phải là phần quan trọng, vì nó thuộc về giai đoạn sau khi chết. Nhất là đối với hạng người có quan niệm: "chết là hết", thì "quán thây ma" như thế chưa phải là phương thuốc mầu nhiệm để họ nhàm chán cái thể xác của mình và của người khác. Muốn cho họ nhàm chán, ghê tởm cái thể xác thì phải chỉ cho họ thấy tận mắt cái "Bất tịnh" của nó, từ khi nó bắt đầu thành hình cho đến khi nó bị hủy hoại, từ trong cho đến ngoài, từ thể cho đến tướng. Ðể sự quán sát được rốt ráo, hành giả phải ra làm năm phần, tuận tự như sau:
Quán chủng tử bất tịnh
Quán trụ xứ bất tịnh
Quán tự tướng bất tịnh
Quán tự thể bất tịnh
Quán chung cánh bất tịnh
Dưới đây chúng tôi sẽ lần lượt giải rõ năm phần quán trên
1. Quán chủng tử bất tịnh. Chủng tử là một hột giống, là yếu tố hay nguyên nhân để phát sinh. Sự vật nào cũng có nguyên nhân của nó. Thân ta vật hữu vi dĩ nhiên cũng phải có chủng tử của nó.
Chủng tử của thân mạng gồm có hai phần: Phần tinh thần và phần vật chất. Phần tinh thần này cũng gọi là phần thức. Thức này là nơi dung chứa tất cả nghiệp nhân lành, dữ của thân, khẩu, ý trong quá khứ; vì thế nên cũng gọi là tạng thức (tạng hay tàng nghĩa là nơi chứa nhóm). Khi con người chết cái tạng thức ấy vẫn còn, và theo nghiệp lực thiện, ác của nó mà dẫn sanh ở các loài, hoặc trầm luân, hoặc giải thoát. Nó là chủ nhân ông của kiếp sống, là sanh lực của loài hữu tình
Cái tạng thức hay thần thức này lẽ dĩ nhiên là không bào giờ trong sạch cả, vì nó là kết tinh của những nghiệp nhân phiền não: tham, sân, si. Hễ tham, sân, si..là nhiễm ô, là Bất tịnh.
Ðã Bất tịnh thì tất phải tìm bạn Bất tịnh mà kết giao (đồng thanh tương ứng, đồng khí tương cầu). Thần thức nầy, để thể hiện một đời sống khác, đã gá vào, hòa mình vào một chất Bất tịnh. Chất ấy tức là cái điểm hòa hiệp của tinh cha, huyết mẹ. Nói cách khác rõ ràng hơn, tức là cái thai mới kết tụ vậy. Mà tinh huyết là gì? Chính là hai chất hôi tanh ở trong con người. Sự Bất tịnh của nó, tưởng không cần nói, ai ai cũng đã rõ.
Xem thế thì đủ biết cái chủng tử, cái điểm khởi đầu của một thân mạng con người, từ tinh thần cho đến vật chất, đều là nhiễm ô Bất tịnh cả, không có gì đáng để tự hào và quí chuộng.
Trong khi quán , hành giả phải vận dụng, tập trung ý lực để tưởng tượng một cách rỏ ràng, như thấy trước tất cả sự Bất tịnh của chủng tử, để mà nhàm chán thân người, dẹp lòng tham luyến.
2. Quán trụ xứ bất tịnh. Trụ xứ là chỗ ở. Như chúng ta đã thấy ở đoạn trên, chủnh tử, cái thai hay con người mới cấu thành là một khối hôi tanh, thì nơi ở của nó cũng không sạch. Kẻ xấu xa, dơ bẩn thì tìm hoàn cảnh xấu xa, dơ bẩn mà sống, đó là một lẽ thường, không có gì là khó hiểu. Nói một cách rõ ràng hơn, chỗ ở của cái thai mà chúng tôi muốn nói đây, tức là cái bào thai. Cái bào thai, không nói, ai cũng biết là một cái bọc chứa đầy máu nhớt hôi tanh, dơ bẩn. Cái bào thai nằm lẫn lộn và lớn dần trong cái bọc bé nhỏ dơ bẩn ấy, như trong một cái ngục tối. Nhưng trong ngục, dù sao cũng còn có khoảng trống để xê dịch, còn có cửa thông hơi để ánh sáng và không khí lọt vào. Chứ trong bào thai thì cái thai phải nằm co rút lại, đẫm mình trong những chất nước, máu và nhớt vô cùng tanh hôi, và không có được một chút không khí hay ánh sáng mặt trời lọt vào. Cái thai phải sống trong hoàn cảnh ấy không phải chỉ một ngày, một tùan hay một tháng mà phải đến chín tháng mười ngày mới thoát ra được. Không trách gì, khi mới ra chào đời, nó đã khóc thét lên...Cụ Ôn Như Hầu Nguyễn gia Thiều thì bảo nó...
"Khóc vì nỗi thiết tha sự thế",
"Ai bày trò bãi bể nương dâu".
Nhưng theo chỗ chúng tôi nghĩ, nó khóc vì thiết tha cho sự thế vô thường thì chỉ một phần, mà khóc vì tủi cực, khóc để phản đối sự giam cầm quá lâu lắc quá tàn nhẫn, quá thiếu vệ sinh, quá mất "nhân phẩm" thì đến mười !
Vậy quán trụ xứ Bất tịnh có nghĩa là vận dụng toàn lực ý niệm để nhận chân một cách rõ ràng như thấy trước mắt cái dơ bẩn, cái bất tịnh của bào thai là chỗ ở chủng tử, hầu dẹp lòng rạo rực ham muốn tham đắm sắêc thân người.
3. Quán tự tướng bất tịnh. Sau khi đã thoát bào thai mà ra chào đời bằng những tiếng khóc, đứa bé bắt đầu sống một đời sống riêng biệt, có đầy đủ giác quan để tiếp xúc với ngoại cảnh, có đỉ bộ phận cần thiết để điều hòa cuộc sống thể xác của mình. Những giác quan bên ngoài và bộ phận bên trong ấy, thường bài tiết những chất dơ bẩn, hôi hám; do đó, ta biết rằng cái thân này không trong sạch. Vậy quán tự tướng không sạch sẽ, mà mỗi người đều có thể nhận thấy được , khi nhìn qua cái hình tướng bên ngoài của xác thân...
Trong mỗi thân xác, ngoài những lỗ chân lông thường bài tiết những mồ hôi là những thứ nước gần giống như nước tiểu, còn có chín lỗ nữa, mỗi ngày cũng tiết ra nhiều chất nhơ nhớp, hôi hám, gớm ghiếc. Chín lỗ ấy là: đường đại, đường tiêu, miệng, hai lỗ tai, hai lỗ mũi và hai con mắt. Chín lỗ này chẳng khác gì chín "cái cống", lớn có, nhỏ có để tải những thứ nhơ nhớp trong ngoài ra. Nói một cách không quá đáng, thì chín lỗ cống này còn dơ hơn cả những lỗ cống ta thường thấy ở các đô thị nữa. Thật thế, một lỗ cống dơ nhất cũng chỉ chứa đựng những thứ như nước tiểu, phần đờm, mũi, dãi, ghèn, những ít ra những thứ ấy cũng còn pha trộn và chảy theo với nước lã; chứ chín lỗ trong người chúng ta, chỉ bài tiết rặt những thứ nguyên chất nói trên, mà không pha trộn với nước lã như ở các lỗ cống.
Ðấy là mới nói khi thân xác đang còn mạnh khỏe, cường tráng; chứ khi đau ốm, già nua thân xác không tự làm chủ được nữa, thì những lỗ ấy tự động xuất phát, hay tự do để cho các thứ dơ bẩn trong người chảy ra, thì lại càng ghê ghớm hơn nữa. Những lúc ấy thì những "nguyên chất" nói trên lại càng hôi hám, ung độc không khí một cách gay gắt, khó thở hơn nữa.
Những điều chúng tôi nói trên đây không phải là quá đáng. Nếu bình tâm mà xét, chúng ta sẽ thấy thân của mỗi chúng ta thật đáng ghê tởm. Nhưng ít khi chúng ta thừa nhận như thế, vì từ lâu đời lâu kiếp, với tánh mê chấp, với tâm tham đắm, nhãn quang của chúng ta như có một bức màn nhung lụa phủ ngang, nên chúng ta trông cái gì cũng thấy đẹp. Và cho đến khi bức màn ấy đã bị xé toang rồi, sự thật xấu xa, dù có bày ra lộ liễu trước mắt, chúng ta cũng bàng hoàng, không cho là thật. Vì thế cho nên hành giả muốn thành công và nhàm chán cái thân này, phải quán tưởng nhiều lần, từ ngày này sang ngày khác, cho đến khi nào nhận thấy một cách rõ ràng thân này quả thật là bất tịnh mới thôi.
4. Quán tự thể bất tịnh. Như chúng ta đã thấy chín lỗ cống trong người, mỗi ngày bài tiết không biết bao là thứ nhơ nhớp. Vậy chắc chắn bên trong thân xác, những chất liệu cấu kết nên thể xác chúng ta, cũng không trong sạch được. Vậy quán tự thể bất tịnh là quán sát cái thể chất của thân người, để nhận thấy nó bất tịnh như thế nào.
Thể chất của con người đại khái gồm có ba chất:
Chất cứng: như xương, tóc, lông, móng tay v.v...
Chất lỏng: như máu, nước miếng, nước mắt v.v...
Chất sệt: (không cứng mà cũng không lỏng) như mỡ, óc, tủy v.v...
Trong các chất ấy, dù cứng, hay lỏng cũng chẳng có thứ nào là trong sạch.
Về chất cứng, như tóc chẳng hạn, là một vật mỹ quan để chưng diện trên đầu. Thế thường ai cũng quý nó. Nhưng nếu không săn sóc nó một cách chu đáo, không sửa soạn nó một cách công phu, nghĩa là không trâm cài, lượt giắt, không chải chuốt, gội rửa, xức ướp nước hoa, mà để bê tha cho nó tự do quét bụi, tự do dầm sương dãi nắng, tự do rối nùi lại để làm ổ chứng cho trứng chí simh nở, thì dù cho không xua đuổi, người ta cũng chạy dài, không dám lại gần. Ðó là chưa nói khi nó bị đốt cháy hay rời da đầu, rơi vào thức ăn hay vào trong miệng, thì thật là nguy hiểm vô cùng. Tóc là thứ ở nơi cao quý của người mà còn bất tịnh như vậy, thì những thứ khác như ruột, gan v.v...lại còn bất tịnh biết chừng nào?
Về chất lỏng, thì nước miếng là sạch nhất, vì nó được ở trong miệng là nơi hằng ngày được lau chùi súc rửa nhiều nhất. Thế mà lúc ra khỏi miệng, dù là của kẻ khác hay của chính mình, rủi bị dính vào mặt, vào áo, thì ta liền có những cử chỉ tỏ rõ sự nhờm gớm ngay.
Về chất sệt, thì não là phần quan trọng và được ở trong đầu óc là nơi cao quý nhất. Nhưng thử tưởng tượng, khi chúng ta đi xe hơi chẳng hạn, rủi bị tai nạn, người ngồi bên cạnh ta bị bể đầu, não trắng như đậu hủ tung tóe vào mặt mày chúng ta, thì chắc chắn những người thiếu bình tĩnh sẽ chết giấc vì ghê tởm.
Chỉ đơn cử một vài ví dụ trên, cũng đủ thấy rõ được cái bất tịnh nhiều nữa, và chắc chắn một số quý vị độc giả sẽ nhờm gớm mà không đọc tiếp nữa.
5. Quán chung cánh bất tịnh. Chung cánh ở đây là muốn nói cái giai đoạn hư hoại của thân người sau khi trút hơi thở cuối cùng. Vậy quán chung cánh bất tịnh nghĩa là cái bất tịnh của thân người sau khi chết. 
Ðây là thời kỳ chung kết của mấy mươi năm sinh trưởng của thân thể. Trong kinh đức Phật đã bảo: Thân người do tứ đại giả hiệp mà thành, như thế dĩ nhiên khi chết, xác con người phải trả về cho tứ đại. Trước hết, là hơi thở về với phong đại. Kế là hơi ấm trở về với hỏa đại. Tiếp theo là chất lỏng trong người trở về với thủy đại, và cuối cùng chất cứng và sệt như thịt xương...hóa dẫn theo địa đại. Nhất là hai thứ sau này, trong thời kỳ mềm hư, tan rã thì thế gian này không còn thứ gì nhơ nhớp, hôi hám, ghe tởm hơn nữa. Dù cho xác chết trước kia là người thân mến nhất đời, nhưng để năm bảy ngày chưa kịp tẩn liệm, chôn cất thì ta vẫn ghê tởm, không thể đến gần bên cạnh mà không bịt mũi. Sự thật tàn nhẫn này được phơi bày nhan nhản khắp nơi trong những giai đoạn chiến tranh. Nói một cách tổng quát từ kẻ sang đến người hèn, từ kẻ giàu đến người nghèo, từ kẻ già đến người trẻ, từ kẻ đẹp đến người xấu, ai ai đến giai đoạn chung cánh này, cũng chỉ có một mùi giống nhau: mùi hôi; một chất như nhau: chất thúi. Cái bất tịnh của con người trong giai đoạn két thúc này đã rõ rành rành, tưởng không cần giải bày thêm nữa. Vả lại, trong bài thứ bảy của tập Phật học Phổ thông khóa thứ ba, cũng đã nói một cách tường tận đến cái bất tịnh của thân người trong giai đoạn này rồi. Nếu quý độc giả nào không nhớ, xin hãy đọc lại đoạn ấy.
Tóm lại, qua năm giai đoạn quán bất tịnh này: chủng tử, trụ xứ, tự thể và chung cánh, chúng ta đã có một quan niệm rõ ràng, chân xác về cái bất tịnh của thân người. Cả một thời gian đằng đẵng, từ lúc đầu thai đến khi bị vùi xuống đất, quả thật thân người không tìm thấy một tí gì thơm sạch. Dầu có tài hùng biện đến đâu, cũng không ai có thể ngụy biện cho cái thân bất tịnh trở thành thanh tịnh được.
III. Mục Ðích Và Lợi Ích Của Quán Bất Tịnh 
Có người hỏi: Tại sao trong khi cuộc đời đã xấu xa, đau khổ, đức Phật lại còn vạch thêm cho người ta thấy cái dơ bẩn nhớp nhúa của thân người làm gì? Tại sao không cho người đời có cái ảo ảnh rằng thân người là đẹp đẽ, trong sạch để hị có thể được an ủi và quên lãng một phần nào cái xấu xa của kiếp người, mà lại làm cho đời thêm chán chường, tuyệt vọng khi nhận rõ cái thân bất tịnh của mình?
Trước tiên, chúng ta phải nhận định dứt khoát rằng: Ðạo Phật là "Ðạo như thật", đạo của chân lý. Ðức Phật không muốn lừa phĩnh chúng sinh, lấy xấu xa làm tốt, lấy dở làm hay, hoặc trái lại.
Thứ đến, chúng ta đừng bao giờ quên rằng: chính cái vọng tưởng rằng thân người là thơm sạch, đẹp đẽ đã gây tai họa lớn cho người đời. Vì lầm tưởng thân người có giá trị quý báu, nên đối với chính thân mình thì người ta nâng niu, cưng dưỡng, tìm hiểu mọi cách, không từ một hành vi xấu xa nào để nuôi dưỡng phụng sự nó; đối với thân người khác giống thì say mê, đắm đuối, tìm mọi cách để chinh phục, làm của riêng của mình. Vì sự đánh lầm giá trị, tham đắm sắc thân giả dối ấy mà cuộc đời chung cũng như cuộc đời riêng, đã xấu xa lại càng thêm xấu xa, đã đen tối lại càng thêm đen tối.
Lại nữa, khi đã đánh lầm giá trị lấy xấu làm đẹp, lấy dở làm hay, lấy thúi làm thơm, thì tất nhiên cái đẹp cái hay, cái thơm chân thật sẽ bị bỏ rơi, không còn được biết và dùng đến. Loài người đã vì tham đắm caió xác thân nhỏ hẹp, xấu xa, ngắn ngủi, mà bỏ mất cái tâm rộng lớn đẹp đẽ trường tồn.
Vậy đức Phật khi đã xé tan cái màn ảo ảnh bao bọc xác thân và làm lộ nguyên hình cái xác thân bất tịnh là nhắm mục đích hướng tầm mắt và sự hoạt động của kẻ tu hành vào cái giá trị chân thật đẹp đẽ, rộng lớn và trường tồn hơn.
Nhưng chúng ta cũng đừng nên kết luận một cách sai lầm rằng: cái thân này đã là bất tịnh, thối tha, thì hãy diệt ngay nó đi, như năm chục vị Tỳ kheo đã làm, sau khi nghe Phật thuyết pháp về cái thân bất tịnh. Làm như vậy là đã xét đoán một cách nông nổi, máy móc ! Ðừng khinh trong túi đất dơ không có ngọc, chớ cho trong bể nước mặn không có vàng. Chớ nên tưởng rằng trong thân bất tịnh này không có Phật tánh ở đâu xa. Ðức Phật thường dạy: Mỗi chúng sinh đều có Phật tánh. Trong kinh Lăng nghiêm, Ngài lại phát minh Phật tánh "bất sinh diệt" trong cái sinh diệt. Phật tánh hay tánh bất sinh diệt là căn bản tinh thần của ta đó. Nó thì vô hình những không mất, lẫn lộn trong "bất tịnh" mà thường vẫn thanh tịnh.
Biết lợi dụng cái thân bất tịnh, vô thường này, mà tìm ra cái "tịnh" cái "thường", ấy chính là bổn ý của đức Phật khi dạy pháp quán tưởng này.
C. Kết Luận
Chơn tâm con người vẫn là tâm thanh tịnh; nó nằm sẵn trong xác thân bất tịnh của mỗi chúng sinh. Nhưng vì con người đời bị phiền não tham, sân, si lôi cuốn, phỉnh gạt nên say mê quay cuồng đeo đuổi theo ngũ trần, lục dục, mà không thấy được bản tâm thanh tịnh.
Muốn chận đứng sự tham đắm quay cuồng ấy, đức Phật dạy phải quán bất tịnh.
Vậy quán bất tịnh có mục đích:
Ðối trị lòng tham sắc dục, chứ không phải để chán đời, tự hủy diệt mình.
Dứt trừ vọng niệm và giác ngộ Phật tánh, để tiến mạnh trên đường giải thoát cho mình và cho người.
Nhưng, vàng không tự nhiên nằm sẵn trong tủ, ngọc chẳng phải nằm khơi trên đất. Phật tánh cũng vậy: Nó không tự hiến cho ta khi ta an nhiên ngồi đợi. Vậy kẻ tu hành muốn thành tựu phép qúan này để giác ngộ Phật tánh, cần phải gia công tu luyện, và nhất là phải trau giồi ba đức tánh sau đây:
Sáng suốt (trí huệ): Ðừng để cho dục vọng làm mờ mắt, lấy giả làn chơn, lấy xấu là đẹp. Ðừng hờihợt nhìn bên ngoài, mà phải sâu sắc nhìn hẳn vào bên trong.
Thành thật: Thấy thơm thì nói thơm, thấy thối thì nói thối, đừng tự ái, đừng thiên vị, chỉ một mực tôn thờ sự thật, dù sự ấy làm cho ta đau lòng, buồn tủi.
Kiên nhẫn: Phải bền tâm, trì chí, đừng thấy khó mà ngả lòng; đừng thấy đường dài mà lùi bước. Ở đời không có công việc gì tốt đẹp mà chẳng gặp khó khăn. Một nửa sự thành công là do ở kiên nhẫn. Nếu chúng ta có đủ ba đức tánh nói trên, nhất định ta sẽ thành tựu tốt đẹp, trong pháp quán bất tịnh này.
--o0o--